CHUYỆN ĐI XA

Bạn tôi coi số tử vi hay vô cùng. Đầu năm ông bảo mùa xuân này tôi có sao thiên mã chiếu cung di nên tôi sẽ đi xa nhiều lần. Lúc đó tôi không tin vì tôi vốn gốc nhà quê, suốt ngày ru rú trong nhà, có đi đâu bao giờ. Ấy thế mà lại đúng, mới hay chứ. Dịp tết con Rắn ngày rộng tháng dài vừa qua, tôi đem các bài đã viết ra xem lại, sửa sửa chữa chữa, rồi tự nhiên tôi nổi hứng đem in. Bạn bè nhiều nơi nghe tôi viết sách bèn ơi ới hỏi thăm. Thế là tôi lên đường, bằng một chuyến giang hồ vặt.

Bước đầu tôi dừng chân ở Montréal, đất văn học của phe ta ở xứ đất lạnh tình nồng này. Tôi đi Montréal bằng xe bus, cốt ý để ngắm cảnh hai bên đường. Đất nước Canada này mới đẹp làm sao. Vạn vật đang trỗi dậy sau giấc ngủ đông miên. Một màu xanh bát ngát. Tôi ngồi bên một cô đầm tóc vàng mắt xanh, phấn son loè loẹt nước hoa thơm lừng.

Chỉ mấy giờ sau là tôi biết hết thân thế, sự nghiệp của nàng. Tôi không hề quen biết người đẹp, không hề trò chuyện, ấy thế mà tôi biết được nhiều thứ các cụ đã phục tôi chưa ? Các cụ có biết làm sao mà tôi biết không ? Thưa, nhờ cái điện thoại không dây mà nàng sử dụng suốt dọc đường. Không chú ý nghe mà lời nàng cứ lọt vào tai. Lúc đầu nói chuyện với anh bồ. Lời ngọt ngào và âu yếm làm sao. Nàng nói ngọt thật. Một điều “honey”, hai điều “honey”. Ở đây người da trắng gọi người mình yêu là honey. Honey nghĩa là mật. Mật thì không ngọt sao được. Thì ra người đẹp son phấn và hương thơm ngào ngạt trên đường đến với ông bồ.

Nói chuyện với ông bồ xong thì nàng nói chuyện với các con, chắc chúng ở Toronto. Nàng dặn dò con đủ thứ. Nào là con nhớ hút bụi giúp mẹ, hút bụi xong thì nhớ cất mấy cái quần áo mẹ phơi trên dây... Rồi nàng nói với mẹ, nhắc mẹ uống thuốc. Rồi nàng nói với chồng cũ. Nàng vừa la, vừa đe nẹt hăm doạ anh này vì anh ta chưa gửi tiền trợ cấp hàng tháng cho con. Xe gần tới Montréal thì nàng lại gọi người tình, em sắp đến bến xe rồi nè...

Rồi xe vào bến. Người đẹp ôm cứng lấy một ông sồn sồn. Họ hôn nhau rất lâu...

Phần tôi chỉ có mấy ông đực rựa ra đón, chả có ai ôm hôn tôi cả. Tay bắt mặt mừng rồi lên xe đi ào ào. Rồi buổi ra mắt sách, đông và vui, nhưng vẫn những màn thường lệ bắt tay, vỗ tay, ký sách, chụp ảnh. Tôi xin kể chuyện phần sau vui hơn. Chúng tôi dẫn nhau ra nhà hàng. Điểm đặc biệt lần này là trong số những thực khách có mấy người trẻ, cả nam lẫn nữ, mới vui chứ. Phe nữ thì không nói làm gì, quay đi quay lại họ toàn tra khảo tôi về chị Ba Biên Hoà, ai cũng muốn làm quen. Còn phe nam thì, mừng quá, không có một ai đòi cưới chị Ba như những năm trước. Chỉ có một anh bạn tuổi đời chừng ngoài ba mươi mà vẫn văn hay chữ tốt, lầu thông kinh sử. Anh hỏi tôi mấy câu về văn học. Tôi tắc tị thật là ê mặt quá. Tôi đã bảo rằng tôi là người viết tay mơ, không hề thuộc văn chương chữ nghĩa, thế mà vẫn không tha.

Ông bạn hỏi tôi về bài thơ “Ông Đồ Già” của Vũ Đình Liên. Rõ ràng khung cảnh là mùa xuân vì nói đến hoa đào nở những hai lần. Thế nhưng tại sao giữa mùa xuân lại có mùa thu ? Thấy tôi ngạc nhiên thì anh bạn trẻ dẫn chứng. Anh đọc đoạn thơ cuối bài :

... ông đồ vẫn ngồi đây.

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài giời mưa bụi bay.

Mùa xuân không thể có lá vàng được. Trong thi văn, lá vàng bao giờ cũng là biểu tượng của mùa thu.

Tôi phát biểu rằng nhà thơ Vũ Đình Liên cho lá vàng vào đây để nói lên cái thê thảm cuộc đời, lá vàng mùa thu bay giữa trời mùa xuân. Anh bạn trẻ nghe xong vẫn không chịu, vẫn cho là tôi giải nghĩa gượng ép.

Tôi đọc bài thơ này đã mấy chục năm mà có bao giờ nhìn thấy lá thu trong bài thơ Tết đâu. Mình già mình không thấy, giới trẻ họ thấy, các cụ ạ.

Cũng trong bàn nhậu, một ông bạn đã đem miền Trà Lũ quê tổ tiên của tôi ra bàn. Ông bàn đến cái sổ đen của “Vua” Phan Bá Vành. Rằng trong triều Minh Mạng, giặc giã nổi lên khắp nơi. Phan Bá Vành đã nổi lên ở Nam Định và làm chủ toàn vùng. Ông đã xưng vương và chọn Trà Lũ làm kinh đô. Trên giời có ông sao Tua, ở dưới hạ giới có Vua Bá Vành. Quan quân địa phương đánh không nổi. Vua Minh Mạng bèn sai tướng Nguyễn Công Trứ lấy quân từ Nghệ An, Thanh Hoá ra dẹp. Thấy thế của Phan Bá Vành rất mạnh, Nguyễn Công Trứ đã phải dùng mưu. Ông lập kế bắt được bố vợ của Phan Bá Vành tên là Phủ Trúc ở huyện Cao Thuỷ, rồi buộc tội ông này cộng tác với giặc và kết án chu di tam tộc. Ông bố vợ sợ quá bèn xin lập công chuộc tội bằng cách chỉ điểm. Phan Bá Vành đã thua vì bị bố vợ làm phản.

Đại ý ông bạn có ý chê Nguyễn Công Trứ là đã dùng hạ sách. Nghe đến đây thì bàn nhậu nhao nhao lên. Nhiều người bênh tướng Nguyễn Công Trứ. Rằng cái kế hạ sách ấy đã cứu được bao nhiêu mạng người. Cụ Trứ mà lấy sức chọi với sức thì bao nhiêu sinh mạng phải chết oan. Cụ Trứ ở cái thế chẳng đặng đừng. Bởi vậy sau khi diệt được Phan Bá Vành Cụ đã không tàn phá kinh đô Trà Lũ. Khi cụ khai hoang lập miền đất tân bồi Kim Sơn cụ đã chiêu dụ dân Trà Lũ sang lập nghiệp, cụ đã ban ơn đại xá và cấp đất cho làm ăn.

Rồi tôi rời Mộng Lê An miền Đông mà đi miền Tây. Lần này tôi không đi xe bus mà đi máy bay. Cái đất này rộng mênh mông. Phi cơ bay mất 4 giờ đồng hồ mới tới miền dầu lửa Alberta, một tỉnh miền Tây hiện giầu nhất nước Canada. Nơi tôi đến là thành phố Calgary, miền định cư của hơn ba chục ngàn người Việt. Cũng bắt tay, cũng ra mắt sách, cũng chụp ảnh, cũng vui quá sức.

Ông bà ngày xưa bảo đi một ngày đàng học một sàng khôn. Quả đúng như vậy. Trong chuyến đi này, tôi học được nhiều thứ lắm, và được dịp gặp bao nhiêu bạn bè. Có những ông bà bạn gần 30 năm chưa gặp. Các bà thì vẫn bảo tôi trẻ y như ngày xưa, thật là mát lòng mát ruột. Các ông thì bảo sao tôi già nhanh thế, nghe thật là buồn. Tôi có sao Thiên Trù nên được bạn bè thết nhiều món ngon vật lạ. Đặc biệt một bà làm món xào thịt bò ngon không thể chịu được. Miếng thịt đã xào chín mà vẫn còn mềm và mọng. Tôi viết là mọng có dấu nặng chứ không phải mỏng dấu hỏi đâu nha, thưa người đẹp đánh máy ở Toà soạn VNTP. Hỏi mãi bà mới cho bí quyết : Ướp thịt với tỏi, tiêu, dầu hào, dầu mè, và một chút bột năng. Cái bột năng này có phép mầu. Khi gặp lửa nóng thì lớp bột năng chín trước, nó làm thành một thứ áo giáp ngăn miếng thịt chảy nước, do đó nó giữ cho miếng thịt bò mềm và mọng. Nghe có lý quá chứ.

Nhân ăn món thịt bò ngon quá sức thế này, bàn tiệc bèn luận về cái ngon. Thế nào là ngon ? Cái vốn văn chương của tôi nghèo lắm, chỉ biết có bản tuyên ngôn của Cụ Tản Đà, người sành ăn như Nguyễn Tuân, đã bảo rằng muốn thực sự ngon thì phải có món ăn ngon, bát đĩa ngon và người cùng bàn phải ngon thì mới là ngon. Ông bạn chủ nhà nghe tôi nói làm vậy thì lắc đầu. Ông bảo Cụ Tản Đà chỉ đặt ra có 4 điều kiện, và những điều kiện này còn tổng quát mung lung lắm. Phải 33 điều kiện cơ. Nói rồi ông lấy tờ báo Mekong số 70 của nhà văn hoá tuổi trẻ tài cao Đỗ Thông Minh ở bên Nhật ra. Ông bảo ông phục cái ông Minh này quá. Ông Minh đã thu thập ý kiến của nhiều người. Nhà văn hoá Minh bảo phải xét cái ngon theo nhiều mặt. Mặt thức ăn thì phải tươi, gia vị thích hợp, làm đúng cách, biết ăn món nào trước món nào sau, đúng nhiệt độ nóng hay lạnh. Mặt sinh hoá thì phải khoẻ mạnh, đang đói, đang thèm, ăn thong thả, nên ngửi trước khi ăn, ăn vừa đủ không ăn tham ăn nhiều. Mặt tâm lý thì người ăn phải vui vẻ yêu đời, đang yêu hay được yêu, rảnh rỗi, được tiếp đãi ân cần, và đúng lúc. Mặt khung cảnh thì có âm nhạc, ánh sáng thích hợp, bạn ăn không đông quá, không ít quá, không ồn ào, thức ăn được trình bày hấp dẫn, nơi ăn sạch sẽ, chén dĩa sạch sẽ. Mặt thực tế thì giá rẻ, hoặc được mời, không phải trả tiền.

Nghe xong ai cũng gật gù khen cái ông Minh bên Nhật khai triển đúng như ý cụ Tản Đà.

Nhân nói về cái ăn, có người bàn đến cái uống. Vị này trích câu ca dao :

Công anh làm rể Chương Đài

Ăn hết mười một mười hai vại cà

Giếng đâu thì dẫn anh ra

Kẻo anh chết khát vì cà nhà em

Ông bạn lâu đời này của tôi luận rằng các cụ nhà ta ngày xưa cũng gớm lắm. Mấy câu ca dao này đâu có nói đến cái khát của anh chàng gửi rể. Đó chỉ là cái cớ, chứ chàng đã ở gửi rể thì biết giếng ở chỗ nào, việc gì còn phải hỏi. Mà ăn cà xong thì ai lại uống nước giếng, đau bụng chết, phải vào bếp uống một bụng nước chè hay nước vối chứ. Chẳng qua chàng này ở rể, chả có lúc nào dám công khai cầm tay cô vợ trẻ. Anh ta giả bộ bảo vợ dẫn ra giếng để có cớ mà cầm tay người yêu đó thôi.

Cái ông này ngày xưa học với tôi thì hiền lành như cục bột và thật thà như đếm, thế mà bây giờ sinh động và thông thái đến độ đọc được cả cái ý tiềm tàng của bài ca dao.

Mà chưa hết cái hay về ông bạn này đâu. Ông còn kể chuyện chữ nghĩa của một linh mục già coi xứ ngày xưa. Tên ngài là “Cha già Thi”. Thuở đó cha già Thi muốn mở một trường tiểu học dạy dân nghèo trong vùng nhưng không mở được vì không hội đủ điều kiện. Lúc đó ai muốn mở trường phải có bằng “sơ học yếu lược”. Cha già Thi nổi tiếng hay chữ nhưng chưa hề đi thi. Bởi vậy, Ngài quyết chí đi thi để có thể mở trường. Quan chủ khảo nghe tiếng cha già Thi hay chữ đã lâu, nay thấy ngài đi thi bèn nói : Tôi nghe tiếng cụ hay chữ, bởi vậy, tôi ra cho cụ một vế đối, cụ mà đối được thì tôi cấp bằng cho ngay, cụ khỏi phải thi. Quan ra rằng :

Cụ là đủ, cụ chẳng đủ, cụ phải đi thi

Cái hay ở chỗ tiếng Cụ vừa chỉ ông cha vừa có nghĩa là đủ, và ngài đi thi mà tên ngài là thi. Cha già Thi vốn dòng hay chữ bèn đáp ngay :

Quan là xem, quan không xem, quan chui vào quách

Ta thường nói tiếng đôi “quan quách”. Chữ quách có nghĩa là cái cọc bên ngoài quan tài. Ông cha già này cũng gớm lắm. Ông có ý nói quan mà không thấy cái giỏi của tôi thì quan chui vào quan tài đi cho được việc.

Bàn tiệc đang vui mà lan sang chuyện chết thì không được, một ông bạn trẻ đôi đề tài. Ông đố tôi về cái gốc chữ NYLON. Cái này thì tôi tịt hoàn toàn. Tôi chỉ biết nylon là một chất hoá học ở dưới nhiều dạng như bao nylon, bạt nylon, aó nylon... Anh bạn trẻ này vừa giỏi vừa tếu, đã giảng như thế này : thời Đệ Nhị Thế chiến, Nhật bản rất tự hào về tơ tằm của mình. Trên thị trường quốc tế, áo tơ tằm của Nhật đẹp không gì sánh kịp. Nhưng rồi một nhóm khoa học gia người Anh đã phát minh ra tơ hoá học, tơ vừa óng ả, vừa mượt mà, vừa nhẹ nhàng thoáng khí, vừa giặt chống khô và không phải ủi. Giận mấy ông Nhật Bản dám hỗn láo kênh kiệu về hàng tơ tằm trước đây, nhóm phát minh ra cái sợi hoá học này bên Anh Quốc bèn đặt cho sản phẩm của mình cái tên lấy từ năm chữ đầu ghép lại “Now You Lose, Old Niponess”, nghĩa là “Bây giờ các anh thua rồi nghe chưa, hỡi mấy anh lùn Nhật Bản”.

Tôi nghĩ trong bụng là cái anh chàng này lém lỉnh, phịa ra cái huyền thoại tơ tằm, chứ làm gì có sự kiện đó. Người Tàu nổi tiếng về tơ tằm chứ đâu phải người Nhật. Nhưng trong bàn tiệc không ai cãi được cái anh tếu này. Về nhà, tôi mở các tự điển bách khoa ra coi thì không hề thấy cái tên nylon có gốc từ năm chữ tiếng Anh trên kia. Thế mới biết cái ông bạn trẻ miền Calgary này ghê thật.

Đọc đến đây tôi giật mình. Chỉ vì mang cuốn sách mới đi lang thang mà đã đưa các cụ đi quá xa mất rồi. Phải nói chuyện xứ Canada chứ.

Chuyện đầu tiên là chuyện Canada vừa đóng vai chủ nhân tổ chức Hội Nghị

Thượng Đỉnh các nước Mỹ Châu tại thàng phố Québec. Những 33 nước tham dự. Đại hội kéo dài tới ba ngày, bắt đầu từ chiều chủ nhật 22 tháng Tư. Các nhà lãng đạo Bắc, Trung và Nam Mỹ châu đã đồng thuận ký một thoả hiệp về mậu dịch tự do mang tên tắt FTAA. Hội nghị này đã lấy khuôn mẫu mậu dịch tự do mang tên NAFTA giữa Hoa Kỳ, Canada và Mexico năm xưa vì nó đã và đang thành công hiện nay. Tông tông Bush của Hoa Kỳ rất hồ hởi với kết quả đạt được. Ông tuyên bố : Thoả hiệp FTAA là viên đá đầu tiên cho điều mà ông gọi là ‘Thế kỷ của Mỹ Châu’. Tư do không phải chỉ là một quyền mà còn là một vũ khí chống lại chuyên chế và khó nghèo. Thủ tướng Canada là Chrétien, chủ nhà, còn nói rõ thêm : dân chủ phải là điều kiện hàng đầu cho mẫu dịch tự do. Tuy mỗi nước quan niệm dân chủ mỗi khác, nhưng ít ra cũng có những điều căn bản không thể khác được, đó là quyền sống ấm no, tự do ngôn luận và tôn giáo.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Châu này đã bị một nhóm người biểu tình chống đói rất mãng liệt. Họ chống đói hỗ nghị bỏ quên vấn đề môi sinh, vấn đè nhân quyền. Số người biểu tình có hôm đã đông tới 30 ngàn người. Hết sức ồn ào và náo động. Hơn 60 ngàn cảnh sát đã đượv huy động để bảo vệ hội nghị. Canada đã bỏ ra 100 triệu đồng để tổ chức hội nghị và ytrogn số tiền đóng thuế của dân này có 32 triễu dùng để trả lương phụ trội cho các thày cảnh sát.

Có hai chuyện bên lề đáng ghi. Thứ nhất là ngài Jean Bertrand Aristide của xứ Haiti đã bị hộ nghị chỉ mặt tố cáo tội ác độc tài và gian lận bầu cử năm ngoái. Chuyện thứ hai là chuyện bà Mireyas Elisa Moscoso tổng thống xứ Panama đã than phiền rằng nữ giới bị bỏ quên trong lời chào kính. Hội nghị này có rất nhiều tổng thống tham dự, và hội nghị chỉ chào ‘Mr President’ chứ bà chưa hề nghe ‘Mrs President’. Quý vị kỳ thĩ nam nữ rõ ràng ! Ban tổ chức đã phải xin lỗi và hứa sửa sai trong làn họp tới.

Trong tiệc chiêu đãi các thượnmg khách dự hội nghị, Canada đã thết rượu Ice Wine, một sản phẩm đăc biệt của Canada làm bằng trái nho đông lạnh hái vào giữa mùa đông khi trái nho đã thành đá. Loại nho này trồng ở miền thác Niagara. Bà con đến thăm Canada nhớ mua cho được thứ rượu nho thơm ngon và có tiếng này. Chỉ Canada mới có. Rất Canada.

Đất xứ này thật là tốt, trồng cái gì cũng tốt. Đất thiên đàng có khác. Nhân nói tới trái nho làm rượu, xin hỏi nhỏ các cụ có nghe nói tới quả bí ngô khổng lồ mới được ghi vào sách kỷ lục thế giới không ? Nó nặng 237 kí lô, chu vi 3.30 mét, đường kính 1.05 mét, trồng ở miền Colayrac miền nam nước Pháp. Quả b khổng lồ này được đem lên Paris để dự thi các kỷ lục ngày 15 tháng 11 năm 2000. Chủ nhân, ông Jean-Pierre Gonztato, cho biết hạt giống quả bí này lấy từ Canada.

Nghe tin tôi từ Calgary trở về, làng nhậu kéo đến thăm hỏi tưng bừng. Vui quá là vui. Tôi bèn tổ chức bữa ăn dã chiến. Tôi đãi món Mì Quảng. Các cụ đã sợ cái tài nấu ăn của tôi chưa ! Thực ra thì không phải tôi nấu mà chỉ là phụ bếp. Cô con dâu của cụ B.95 là người Huế, họ bên mẹ cô là người Quảng Nam nên cô biết nấu món này. Nói là mì, nhưng không phải là mì theo lối Tàu. Sợi mì làm bằng bột gạo có màu vàng tươi của nghệ. Người Tàu ăn mì, còn người Việt ăn bún làm bằng gạo. Không hiểu sao cha ông mình lại gọi là mì Quảng mà không là bún Quảng. Món này ăn với nước lèo nấu bằng xương heo, thịt heo thái mỏng và bánh đa dòn bóp nát đẻ trên mặt. Làng nhậu vừa ăn vừa hít hà khen ngon làm tôi nở mày nở mặt quá chừng.

Trong bữa ăn, ai cũng hỏi thăm tin tức chuyến đi. Chị Ba Biên Hoà yêu cầu tôi kể một chuyện gì đáng nhớ nhất trong chuyến viễn du này. Tôi bèn kể chuyện ‘con heo tám tấc’ mới nghe được từ bạn bè bên đó. Chuyện vừa xảy ra ở Long An. Rằng có anh chị kia lấy nhau được ít lâu rồi bỏ nhau. Họ sống một thời gian ly thân trước khi tiến đến ly dị. Trước toà, hai bên không tranh chấp gì về tài sản, trừ con heo của cô vợ. Cô này bảo rằng khi cô sống ly thân thì cô gửi bà mẹ chồng một con heo tám tấc. Bây giờ ly dị thì cô chỉ xin bà mẹ chồng trả lại cho cô con heo này. Bà mẹ chồng đã đem trả lại một con heo từ đầu mõm đến đuôi dài đúng tám tấc. Cô giẫy nảy lên. Cô bảo không phải con heo này. Con heo của cô mập cơ, và tám tấc là chiều dài đo vòng quanh con heo chứ không phải từ mõm tới đuôi. Theo cô cái phép đo như vậy. Cô kháng cáo. Chưa biết toà sẽ xử ra sao. Cả cụ Chánh, cả cụ B.95 đều lắc đấu tuyên bố không hề biết cái phép đo heo truyền thống của ông bà mình ngày xưa như thế nào.

Cụ B.95 bây giờ bắt đầu quen tiếng miền Nam, nghe con heo là cụ hiểu ngay là con lợn. Có lần cụ nêu thắc mắc : tiếng heo là tiếng miền Nam, nhưng có chỗ người miền Nam nói tiếng lợn như câu ‘bánh da lợn’ chứ không ‘bánh da heo’. Chỗ khác, đánh nhau thì người miền Nam nói là ‘uýnh nhau’, thế nhưng trong lời chửi, người miền Nam lại nói ‘thằng trời đánh’ chứ không nói ‘thằng trời uýnh’, thế là thế nào ? Cụ Chánh nghe xong thì cười khà khà : đây là chứng cớ hùng hồn nhất, Bắc nam rõ ràng một nhà.

Chị Ba Biên Hoà thì thích nói chuyện với cụ B.95 lắm. Chị bảo nhiều khi nghe cụ nói tiếng Bắc rặt, thấy hay quá. Chẳng hạn có lần chị nghe cụ than về cái cảnh xếp hàng ngoài Bắc : Cha mẹ chúng nó, đời thuở nhà ai, mua con cá cũng phải xếp hàng. Thật là thậm khổ. Lần khác khi kể về một thằng cháu mất nết ngoài Bắc, cụ nói : cái thằng bỏ mẹ, nó đi chơi có một xoẹt mà tiêu hết mẹ nó chăm bạc !

Bây giờ xin kể chuyện phe ta. Ngày 30 tháng Tư đen năm nay, Liên Hội Người Việt Canada tổ chức lễ thươợng kỳ ở đài Mẹ Bồng Con Đi Tỵ Nạn ở thủ đô Ottawa và biểu tình trước sứ quán VC. Cộng đồng người Việt ở Montréal và Toronto đều tổ chức những chuyến xe cho đồng hương về thủ đô tham dự. Cụ B.95 là người hô hào hăng hái nhất cho chuyến đi này. Cụ cũng lây cái bệnh tếu của bọn tôi. Cụ bảo năm trước thì Hà Nội có ‘mười anh kiệt’ ( Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt) nên đất nước mình nghèo đói, nay có tổng bí thư mới là Nông Đức Mạnh thì hy vọng đất nước sẽ khá nhưng sợ rằng không khá lắm vì cái tên họ Nông. Giá cái tên họ đổi ra ‘sâu’ thì hay biết mấy !

Xin Trời Phật phù hộ đất nước chúng con.

Nguồn www.dunglac.net