TRUYỀN THỐNG và LINH ĐẠO CÁT-MINH
Hương Vĩnh

MỤC LỤC

LỜI MỞ ĐẦU
I.- ĐAN VIỆN CÁT-MINH DOLBEAU
II.- ĐAN VIỆN CÁT-MINH SAIGON
III.- CÁT-MINH – CHÂN TRỜI TRƯỚC MẶT
IV.- MỘT QUY LUẬT - MỘT NẾP SỐNG
V.- CUỘC SỐNG ẨN SĨ
VI.- MỘT NGÀY TRONG ĐAN VIỆN CÁT-MINH
VII.- MỘT TRUYỀN THỐNG - NHIỀU KHUÔN MẶT
1.- Êlia - vị ngôn sứ bốc lửa
2.- Sự khai sinh đoàn sủng đan tu
3.- Thánh Têrêxa Chúa Giêsu (1515-1582)
4.- Thánh Gioan Thánh Giá (1542-1591)
5.- Thánh Têrêxa Lisieux (1873-1897)
6.- Chân Phước Élizabeth Chúa Ba Ngôi (1880-1906)
7.- Thánh Édith Stein (1891-1942)
VIII.- CÁT-MINH NGÀY NAY - CHỨNG TỪ CỦA NHỮNG NGƯỜI TRẺ
1.- Tôi đã hiểu rằng chính ở đây
2.- Một chiều tháng chạp…
3.-Ta sẽ vĩnh viễn đính hôn con với Ta
4.- Một cuộc gặp gỡ đảo lộn cuộc đời
5.-Tự muôn đời và cho đến muôn đời
6.- Cát-Minh - Một chân trời ân sủng
7.- Chúa Cứu Độ
8.- Cát-Minh và tinh thần Cát-Minh

LỜI MỞ ĐẦU

Tại Canada, ít ai biết tới “Đan Viện Cát-Minh Dolbeau”, ở miền cực bắc tỉnh bang Québec. Đan Viện nầy do một số nữ tu Đan Viện Cát-Minh Hà-Nội trước kia thành lập.

Theo các tài liệu còn lưu giữ, “Đan Viện Cát-Minh Saigon” là đan viện truyền giáo đầu tiên, xuất phát từ Đan Viện Cát-Minh Lisieux – nơi đã nảy sinh một vị thánh lớn là chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Và Đan Viện Cát-Minh Saigon chính là cái nôi, phát sinh Đan Viện Cát-Minh Hà-Nội và những đan viện Cát-Minh khác ở vùng Đông Nam Á Châu.

Khi bước vào Thiên Niên Kỷ Thứ Ba, một tập sách nhỏ nhan đề “CARMEL – HORIZON 2000” (Cát-Minh – Chân Trời 2000) đã được một nhóm đan sĩ trẻ tuổi cho ra đời, nhằm phác họa lại “TRUYỀN THỐNG CÁT-MINH”, gồm những điểm sau đây:

- Quy luật, nếp sống và thời khóa biểu trong ngày ở một Đan Viện Cát-Minh.

- Những khuôn mặt làm thành “Truyền Thống Cát-Minh”: ngôn sứ Élia, Thánh Têrêxa của Chúa Giêsu ở Avila, Thánh Gioan Thánh Giá, Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu ở Lisieux, Chân Phước Élizabeth của Chúa Ba Ngôi, Thánh Édith Stein.

- Chứng từ của một số nam nữ đan sĩ trẻ tuổi ngày nay.

Qua tài liệu nầy, người ta nhận thấy trọng tâm của “LINH ĐẠO CÁT-MINH” tóm gọn trong mấy điểm chính yếu dưới đây:

- Bầu khí “SỐNG THINH LẶNG” trong các Đan Viện Cát-Minh. Đây là đặc điểm chung cho mọi truyền thống chiêm niệm trong và ngoài Kitô Giáo. Chẳng hạn, ở trong Phật Giáo có môn phái “Thiền Định” cũng lấy sự “tĩnh lặng” làm nền tảng.

- Sau khi gạt bỏ ra ngoài cuộc sống và tâm tư mọi ưu sầu phiền não, tâm hồn sẽ được lắng đọng. Trong cảnh sống cô tịch về ngoại cảnh lẫn nội tâm đó, KHUÔN MẶT Khả Ái của Chúa Kitô sẽ xuất hiện và trở thành một sự HIỆN DIỆN đích thực và sống động trong suốt cuộc đời của các nam nữ đan sĩ Cát-Minh.

- Trong sự Hiện Diện của Chúa Kitô, các đan sĩ Cát-Minh sống liên hệ với Ngài không những bằng lý trí mà nhất là bằng “con tim”. Cuộc đời của họ chỉ là một chuỗi ngày sống trong TÌNH YÊU CHÚA “với cả tâm hồn, trí khôn và sức lực” và thương yêu cộng đồng nhân loại qua lời cầu nguyện để nhiều người biết tìm về với Tình Yêu đó.

Chúng tôi mong muốn chia sẻ với quý độc giả, cách riêng với quý bạn trẻ Việt-Nam, ở trong nước cũng như hải ngoại là những người đang truy tầm một cuộc sống dâng hiến theo truyền thống chiêm niệm – trong Linh Đạo Cát-Minh hay một linh đạo Kitô giáo khác – có được một số dữ liệu suy tư, để cùng với Ân Sủng của Chúa, sẽ thực hiện hoài bão đời mình.

Tôi biết một ngọn suối:
Ngọn suối róc rách tuôn chảy,
Ngọn suối chìm sâu trong đêm tối.
Ôi! Ngọn suối trong như pha lê.

Bất giác trong những gợn sóng li ti mạ bạc,
Ngọn suối để lộ
Đôi mắt say mê đắm đuối
Đôi mắt soi thấu tim ta!
Ngọn suối đời đời, ngọn suối tàng ẩn.

Ta biết ngọn suối phát sinh từ đâu,
Chính ở trong sâu lắng của đêm trường.”
(Thánh Gioan Thánh Giá)

Nguyện Bình An của Chúa Kitô luôn ở với quý Bạn.

(Hè 2005)

I.- ĐAN VIỆN CÁT-MINH DOLBEAU

Một Đan Viện ở gần miền cực Bắc

Đan Viện Cát-Minh Dolbeau-Mistassini, ở cách Montréal về hướng bắc, khoảng tám giờ xe hơi. Đây là một nơi đèo heo hút gió, rất ít người Việt đặt chân đến đó, ngay cả người dân bản xứ cũng thế.

Đường lên Dolbeau tuy không hiểm trở, nhưng càng lên miền cực bắc, dân chúng càng thưa thớt, làng mạc rải rác, với những cánh đồng ngút ngàn: một cảnh trí trầm buồn và thanh vắng! Về mùa đông tháng giá, quang cảnh ở đó càng trở nên tiêu điều buồn bã: trời mù mịt dù giữa ban ngày, với tuyết phủ dày đặc.

Địa chỉ Đan Viện:
Monastère des Carmélites de Dolbeau
2720 Boulevard Walberg
Dolbeau-au-Mistassini G8L-1L2
CANADA
Điện Thoại: (418) 276-0259

Quang cảnh nhà Dòng

Đan Viện Dolbeau với lối kiến trúc không giống những nhà dòng kín khác. Đan Viện nằm ngay bên quốc lộ. Khi mới thành lập, nơi đây là một khu vực “đồng không mông quạnh”. Nhưng về sau, dân chúng nhận thấy bầu không khí yên tĩnh bao quanh nhà Dòng khiến ngay cả những tên đạo tặc cũng phải xa lánh nên họ đã đổ về đây và xây cất nhà ở chung quanh. Vì vậy, chính phủ đã phóng một quốc lộ ngang qua trước mặt nhà Dòng.

Từ quốc lộ vào Đan Viện là một sân cỏ khá rộng. Sân cỏ nầy thuộc “Ngoại Vi” nhà Dòng, với những cây cao bóng mát và những bồn hoa muôn màu giữa cảnh mùa hè. Thông thường những “dòng kín” được bao bọc chung quanh bởi một bức tường kín mít khá cao, biệt cách đan viện với cảnh trí bên ngoài. Tại Dolbeau, sau khi đi qua sân cỏ khá rộng nói trên mới đến khu vực chính của Đan Viện gồm mấy dãy nhà với cửa đóng kín mít, và khu vườn rất rộng phía sau.

Ngoại trừ dãy nhà ở mặt tiền, gồm nhà nguyện, phòng tiếp tân, phòng dành cho khách vãng lai… một hàng rào kẽm gai khá cao bao bọc phần “Nội Vi” nhà Dòng, gồm những dãy nhà còn lại với khu vườn rất rộng, chằng chịt những hàng cây cao thấp lớn nhỏ, chen chúc nhau cho đến tận bờ sông rất xa không trông thấy. Một ngọn thác đổ nước ào ào ở bên kia sông, nhưng vì quá xa nên đứng trước Đan Viện, không nghe tiếng thác đổ.

Nhà Nguyện

Thánh lễ bắt đầu lúc 8 giờ 30 sáng. Trước đó có giờ kinh sáng dành cho các nữ tu. Nguyện đường nhỏ bé xinh xinh. Lối kiến trúc rất đơn sơ, khác với những nhà dòng kín khác. Thông thường Nhà Nguyện của đan viện Cát-Minh được bao quanh bởi bốn bức tường kín mít, không có cửa sổ. Ở đây, một töôøng baèng kieáng cao ñoä nửa thước chạy dài trên bức tường bao quanh Cung Thánh Nhà Nguyện. Nhờ lối kiến trúc đó, người ta có thể nhìn thấy những ngọn thông xanh xanh ở bên ngoài mà không làm chi phối sự yên lặng bên trong.

Linh mục Tuyên Úy dâng Thánh Lễ mỗi sáng là một cha dòng thuộc Đan Viện Xitô Mistassini ở cách đó trên mười mấy cây số. Thánh Lễ cũng đơn giản phù hợp với cảnh trí của Nhà Nguyện Đan Viện.

Trước Thánh Lễ, linh mục chủ tế chia sẻ vài lời vắn tắt với cộng đoàn – gồm các nữ tu và những giáo dân sống quanh vùng – về những bài đọc trong Thánh Lễ hay những gợi ý liên quan đến cuộc đời của vị thánh được mầng kính trong ngày. Vì vậy, sau khi đọc bài Phúc Âm, thay vì thuyết giảng, linh mục chủ tế cùng các nữ tu và giáo dân ngồi trong thinh lặng để mỗi người suy niệm riêng tư trong đôi ba phút.

Các nữ tu ở Đan-Viện

Trước đây có sáu nữ tu người Canada (gốc Pháp) và sáu nữ tu người Việt, nhưng một chị vừa mới từ trần giữa mùa hè vừa qua: đó là chị Anna Nguyễn Thị Quý, 97 tuổi.

Về phía các nữ tu Việt-Nam, ngoài hai chị tương đối còn trẻ - trên dưới năm mươi tuổi – ba chị còn lại đã lớn tuổi, trong đó có một chị già yếu. Ba chị nầy vốn là những nữ tu thuộc nhà Kín Hà Nội trước kia đã sang đây cùng với một số chị khác – nay đã lìa đời – để lập nên Dòng Kín Dolbeau nầy.

Trong số hai chị Việt-Nam còn trẻ, một chị trước 1975 là du học sinh ở Pháp. Sau năm 1975, chị được ơn gọi đi tu Dòng Kín tại Pháp. Sau đó chị chuyển qua Đan Viện Dolbeau.

Còn chị kia, vốn sinh trưởng trong một gia đình Việt kiều ở Kampuchia. Năm 1970 chị đã theo cha hồi hương về Việt-Nam (mẹ đã qua đời). Chị đã cùng với gia đình vượt biên sang Canada vào năm 1982. Tại đây chị đã được ơn gọi đi tu một dòng nữ bác ái và đã khấn trọn đời. Trong những năm gần đây, chị lắng nghe tiếng Chúa gọi và đã chuyển hướng theo linh đạo chiêm niệm Cát-Minh.

Lễ chết

Chị “Anna Nguyễn Thị Quý” (Marie de Jésus-Crucifié), 97 tuổi, lúc còn sống, mặc dù tuổi già sức yếu, phải ngồi xe lăn, nhưng chị luôn vui vẻ, gương mặt không ngớt nở nụ cười tươi với mọi người và tràng chuỗi Mân Côi không rời khỏi tay.

Chị thường vui cười nói đùa với mọi người là chị đã mầng hết mọi lễ: lễ bạc, lễ vàng, lễ ngọc…chỉ còn thiếu “Lễ Chết” mà thôi. Chị nói với một giọng thanh thản bình an, như mong đợi Chúa đến đón chị về cõi vĩnh phúc.

Và chị đã được toại nguyện: Chúa đã gọi chị gọi về giữa tháng bảy năm 2005, trong cơn nắng hạn kinh hồn giáng xuống trên quả địa cầu. (Chị sinh ngày 10-5-1909 và mất ngày 12-7-2005.)

Vườn Thánh

Thật ra “lễ chết” của chị Anna Quý chính là “lễ phục sinh” của chị.

Ngày thứ sáu (8-7-2005), vào buổi kinh chiều hôm đó, trong lúc cầu nguyện cho thế giới, chị đã thốt lên lớn tiếng: “Lạy Chúa, linh hồn con rất khao khát Chúa dường bao!” Đây là lời nguyện cuối cùng của chị giữa cộng đoàn. Và đây cũng là lần đầu tiên, chị cầu nguyện cho chính mình, thường chị chỉ cầu cho Giáo Hội và ơn gọi mà thôi.

Ngày thứ ba (12-7), vào lúc 5 giờ 40 sáng, chị đã ra đi với khuôn mặt tràn đấy vui tươi và bình an.

Chị được an táng ở nghĩa địa nhỏ bé trong Nội Vi Đan Viện, bên kia hàng rào kẽm gai khá cao. Đó là khoảnh đất ở phía trái Đan Viện, trên đó có một cây Thánh Giá cao vài thước. Và xung quanh là những nấm mồ hoang sơ để lộ ra những nấm đất khô cằn chen lẫn vài cụm cỏ nửa xanh nửa úa.

Dưới con mắt người đời, đó thật là một “nghĩa trang đìu hiu”. Nhưng đối với các nữ tu Cát-Minh, đó là “Vườn Thánh”, trong đó những hạt lúa được gieo xuống đất, phải mục nát đi để sinh hoa kết quả: “Tôi bảo thật, Tôi bảo thật anh em, nếu hạt lúa rơi xuống đất không chết đi, nó sẽ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, nó sẽ mang lại nhiều hạt lúa mới!” (Gio 12, 24).

(còn tiếp)