TUỔI TRẺ ANH HÙNG HAY TUỔI TRẺ NÃO NÙNG?

thanh quảng sdb

Chương 2: NHỮNG NGUYÊN TẮC CĂN BẢN KHI HÀNH XỬ VỚI TUỔI TRẺ

1. TUỔI TRẺ THĂNG TIẾN CHỨ KHÔNG PHẢN LOẠN

Vị thành niên là một giai đoạn chuyển tiếp tới tuổi trưởng thành; lứa tuổi này có nhiều đổi thay, nhưng không có nghĩa là phản loạn, chính vì vậy mà giữa cá nhân và ba mẹ cần phải có nhiều thích ứng. Tiến trình thích ứng này nếu xảy ra một cách tiệm tiến thì tốt, vì như thế sẽ tránh được những hốt hoảng bàng hòang lo âu cho ba mẹ...

Khi đối diện với tuổi vị thành niên nhiều cha mẹ lúc nào cũng hốt hoảng như sống như trên đống lửa! Sợ hãi khi nghĩ đến có thể sau một đêm ngủ dậy thấy con mình khác thường, bứng bỉnh, áo quần lụng thụng, đeo bông hoa chỗ này chỗ khác. Tính tình thay đổi bất thường lúc nóng lúc lạnh, ngang bướng làm cha mẹ khó lòng chẳng biết ứng xử ra sao, nghiêm khắc hay thả lỏng?

Trước thực tại đó, thái độ tiên quyết của cha mẹ là cần bình tĩnh, chớ hoảng sợ. Chính tuổi trẻ tự ý thức mình đang thay đổi với những biến chứng mà chính các em cũng không kiểm soát được. Nên điều quan trọng là chính các em thấy cha mẹ của mình bình tĩnh không qúa nóng nẩy trước những biến đổi của con mình, hầu các em được an tâm như những người lữ hành vượt trùng khơi bao la không thấy được bến bờ nhưng vững dạ an lòng phó thác vào tài trí của người thuyền trưởng, hay như chiếc phi cơ lao mình giữa không trung đang được người phi công chấm tọa độ cho chiếc phi cơ hướng về đích điểm.

2. TÌM RA MỘT ĐƯỜNG HƯỚNG DẮT DÙI CHO CON

Theo tâm lý gia John Bradshaw thì “trẻ vị thành niên tự bản chất các em là muốn nương tựa vào mẹ cha hay người giám hộ, chứ các em không tự ý lựa chọn để nhờ vả giúp đỡ” Cho nên khác với người lớn, các em chẳng đặng đừng mới nhờ tới người lớn giúp đỡ.

Còn về phía cha mẹ, mối lo của nhiều cha mẹ là chính mình không biết hướng dẫn con mình và cũng không biết chắc được những con đường nào mình cần để hướng con mình tiến tới. Theo tiến sĩ Rey thì “hiểu biết là một chuyện, còn đem sự hiểu biết vào thực hành lại là một chuyện khác! Nên nhiều khi chúng ta thấy các chuyên gia lại chẳng thành công trong việc hứng dẫn chính con của mình!”

Lý thuyết một đàng, áp dụng vào thực tại còn lệ thuộc vào đủ mọi yếu tố hoàn cảnh như: bối cảnh văn hóa, gia đình, thành thị hay thôn quê, sinh sống nơi thành phố lớn nhỏ v.v...

Như người làm vườn, dãi dầu kinh nghiệm họ biết được cây nào cần loại phân bón nào và cần săn sóc ra sao tùy theo thời tiết mùa màng. Cũng vậy không có đứa con nào giống đứa con nào! Đứa thì chăm chỉ học hành, lễ độ, ngăn nắp... đứa thì thật lười biếng, vô phép và bừa bãi... dù cả hai đứa cùng được yêu thương và lớn lên trong một mái ấm gia đình, đúng như Maurice Balson phải thốt lên: “Làm sao chúng khác nhau như vậy? Cha mẹ đối xử với chúng như nhau” Vì những khác biệt thế mà cha mẹ phải đối xử với mỗi đứa mỗi khác. Vẫn biết chúng ta cần có những nguyên tắc căn bản, dù chúng ta áp dụng với thằng Hùng khác với con Lan... Điều ấy đòi hỏi cha mẹ biết ít nhiều về tâm lý hầu có thể giúp con mình lớn lên một cách tốt đẹp hơn.

3. HỌC QUA KINH NGHIỆM

Tự bản thân cũng như lịch sử nhân loại không ai có thể nói mình thành toàn, ngay cả đến thánh nhân cũng còn có những lầm lẫn như thành ngữ Vi?t Nam có câu “ông thánh còn có khi nhầm”, chỉ trừ là Thiên Chúa hay Thượng Đế là Đấng thành toàn mà thôi. Vì vậy đã là người chúng ta có nhiều khiếm khuyết lỗi lầm, khiếm khuyết lỗi lầm không quan trọng cho bằng quyết tâm trỗi dậy làm lại cuộc sống cũng như không tái phạm ngã xuống trong cùng lỗi lầm đó nữa!

Tác gỉa Joseph Rey kể lại một hoàn cảnh của bà Karen và cậu con Jason như sau: Karen và chồng của bà chia tay, bà nhận nuôi và chăm sóc cho Jason. Jason rất ít liên lạc với cha của mình, vả lại ông cũng đã tái hôn... Cậu lớn lên hạnh phúc, được mẹ yêu thương săn sóc thật chu đáo và cậu cũng hết tình thương mến mẹ. Hai mẹ con sinh sống đùm bọc nhau thật hạnh phúc. Bà Karen tôn trọng và cho con mình những tự do thích đáng cho tới khi Jason lên 12 tuổi, cậu bước vào tuổi dậy thì, một cái tuổi đã cướp đi nét hồn nhiên của Jason và xé nát hạnh phúc êm đềm của hai mẹ con bà...

Băy giờ bà Karen thường phàn nàn về con và la mắng con. Bà càng tỏ ra săn sóc trông coi Jason kỹ bao nhiêu thì Jason càng phản loạn và giận hờn xa lánh mẹ mình bấy nhiêu. Mẹ con thường tranh luận và cãi vã lẫn nhau... Hơn thế nữa, cậu Jason còn đua đòi, giao du với chúng bạn, nhiều đứa ngang bướng và phản loạn hơn cả Jason nữa! Một đêm nọ Jason không về nhà làm bà Karen vô cùng buồn rầu lo lắng đến phát bệnh. Bà phải nhờ tới cảnh sát kiếm tìm, tìm được rồi bà nổi cơn lôi đình với Jason!!!

Khi chia sẻ với bạn bè, Karen mới ý thức con của mình đã khôn lớn, bà nhìn thấy hình ảnh người chồng cũ trong Jason. Thật cha nào con đó, Jason cũng như ông chồng đã phụ bạc và lừa dối bà! Ông đã “ăn nem ăn chả” lúc bà sinh nở và bận chăm sóc cho Jason. Trong những ngày tháng của tuổi dậy thì của Jason, bà Karen đã cố tình chối bỏ và che đậy những phản loạn của con mình cho tới một lúc con bà châm ngòi giao chiến làm bà không còn che đậy được nữa thì mọi việc phải bùng nổ!

4. CẦN XÂY DỰNG TRÊN ĐIỀU TÍCH CỰC

Phương châm người xưa để lại: “bới lông tìm sâu”. Thật vậy đời chúng ta nhận lãnh rất nhiều điều thiện hảo, hồng ân một cách nhưng không, chúng ta không biết trân qúy để cảm tạ hay nhận ra hạnh phúc hồng ân... Ví dụ trong đời sống gia đình, ngày qua ngày chúng ta thưởng nếm biết bao bữa ăn ngon, niềm vui yêu thương trao tặng nhau bao nâng đỡ dành cho nhau. Ấy vậy mà chẳng may một bữa cơm khê, một tô canh mặn hay một điều phật ý vì quên xót hay chậm trễ là chúng ta làm ầm lên!

Cũng vậy tuổi trẻ hoàn thành biết bao việc tốt lành, bao cố gắng hoàn tất việc học hành tại trường lớp, nỗ lực cố gắng học tập tốt trong việc trau dồi khả năng âm nhạc, tận lực chơi đàn, đánh banh v.v... mà nhiều khi không được cha mẹ tưởng thưởng; trái lại khi các em làm một việc gì không đạt là chúng ta chê trách “vì con lười biếng!” “vì con ham chơi”, “vì con không vâng lời!”... Tất cả những lời nói tiêu cực đó không mang lại hiệu năng mà có lẽ còn đổ thêm dầu vào kích động con cái chúng ta ra bướng bỉnh, ngang bướng và chống đối hơn nữa!

Các nhà tâm lý và giáo dục tài ba khuyên các bậc làm cha mẹ và các nhà giáo dục hãy dùng những điều tích cực mà khuyên dậy và dìu dắt con em chúng ta.

5. MỘT SỐ NGUYÊN TẮC

Sau đây chúng ta có thể đề ra một số nguyên tắc như kim chỉ nam giúp cha mẹ hay người giám hộ trong việc trông coi giúp đỡ và săn sóc cho con cái, đặc biệt trong lứa tuổi khủng khoảng:

a. Cha mẹ là “chủ” là “boss”, là người cần đưa ra những quyết định vững chắc và hợp tình hợp lý đúng nơi đúng lúc.

b. Phải nhất quán, nhất ngôn chứ đừng nói một đàng làm một nẻo hay lúc dậy con thế này, mai dậy con thế khác; hoặc với con này dậy thế này, với con khác lại dậy ngược hẳn lại!

c. Tác gỉa Joesph Rey đề ra một số điều mà cha mẹ phải tránh là:

- Đừng la mắng tuổi trẻ

- Đừng bất công với tuổi trẻ

- Đừng thiên kiến với tuổi trẻ

- Đừng vũ phu với tuổi trẻ

- Đừng thay đổi luôn với tuổi trẻ

- Đừng đè bẹp con cái

- Đừng càm ràm nói đi nói lại hòai với tuổi trẻ

- Nếu cha mẹ thấy mình hay vấp vào các điều trên, thì cũng an tâm, hãy tự nhủ lòng mình rằng chúng ta cũng chỉ là con người mà thôi.

Trái lại tác gỉa William Grimbol trong tác phẩm “Hãy Thân Thiện với Tuổi trẻ” đề ra mười nguyên tắc tích cực “hãy...” thay vì tiêu cực “đừng...” mà chúng ta sẽ có dịp đề cập và khai triển tới là:

- Hãy ý thức những vấn đề của tuổi trẻ

- Hãy vui với tuổi trẻ

- Hãy nhân bản với tuổi trẻ

- Hãy thực tế với tuổi trẻ

- Hãy trung thực với tuổi trẻ

- Hãy lành mạnh cùng tuổi trẻ

- Hãy thành thục với tuổi trẻ

- Hãy hy vọng với tuổi trẻ

- Hãy trung tín với tuổi trẻ

- Hãy thân tình với tuổi trẻ

d. Đừng gây chiến nếu bạn không nắm phần thắng. Người xưa dậy ta “hãy rút lui trước trận chiến là một thành công ngang hàng với chiến thắng!” Ca dao Việt Nam có câu “Biết giặc biết ta, trăm trận đều thắng!” Thà rằng nhịn tuổi trẻ con mình còn hơn là đi vào vòng chiến mà cha mẹ không nắm chắc phần thắng, vì như vậy cha mẹ sẽ mất sự tín nhiệm nơi con cái.

e. Tham khảo ý kiến của con cái. Tuổi trẻ rất thông minh và nhậy bén nhìn thấy những vấn đề tích cực lẫn tiêu cực của gia đình. Vậy phụ huynh cần tham khảo ý kiến của các em. Hãy để cho các em đưa ra những quy định như đi chơi tới mấy giờ? Nên đi chơi ở đâu và thế nào? Nếu không giữ những quy định trên thì hình phạt ra sao? Nhiều điều cần phải lựa chọn giữa việc học hay chơi v.v... Đương nhiên cha mẹ vẫn là người quyết định tiên quyết, nhưng các em là những người đề nghị. Được thế là chúng ta tránh được những phản kháng chống đối, vì chính đó là những điều các em đề ra mà!

f. Giảng giải cho con cái điều lợi điều hại và những lý do căn nguyên làm sao chúng ta quyết định thế. Tránh đừng nói “vì ba muốn thế!” “vì má bảo vậy!” Chúng ta quyết định điều này điều kia vì những lý do tốt lành, có lợi cho con em chúng ta và cho gia đình xã hội...