LÀ NGƯỜI MÔN ĐỆ
Chúa Nhật 13 Thường Niên, năm C : Lc 9, 51-62.

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu cương quyết lên Giêrusalem, dù biết mình sẽ bị bắt, bị hành hạ và bị giết chết. Ngài muốn trung thành tuyệt đối với nhiệm vụ mà Chúa Cha giao phó, dù phải hy sinh mạng sống mình. Trên đường đi, Ngài muốn vào một làng người Samari, nhưng dân làng không đón tiếp. Thấy thế, hai môn đệ Giacôbê và Gioan giận dữ, xin Thầy cho họ khiến lửa từ trời xuống đốt rụi cả làng ấy. Đức Giêsu quay lại quở mắng hai ông, vì lối hành xử đó không phải là tinh thần của Ngài. Có bản văn ghi là:“Các ngươi không biết mình ứng theo thần khí nào sao?”.

Đức Giêsu đòi các môn đệ xét xem động cơ nào thúc đẩy các ông có thái độ quá khích như thế? Thần khí nào đã khiến các ông muốn hành động như vậy? Ngài đòi các môn đệ vượt lên cách hành xử thấp kém đó. Dân làng Samari phản ứng như vậy cũng có cái lý của họ, vì từ lâu họ bị người Do Thái khinh miệt; vì có những chính kiến khác biệt và bất đồng trên phạm vi tôn giáo, khiến hai vùng có có mối thù sâu nặng với nhau, nên không lạ gì mà họ không đón tiếp các khách hành hương Do Thái. Khi quở mắng các môn đệ, Đức Giêsu cho thấy, không ai có quyền đe dọa, áp đặt, hay ngăn chặn tự do của người khác. Nhiều khi chúng ta cũng có thái độ như các môn đệ xưa, thích thi thố quyền hành, thích dùng lửa khi có lửa trong tay, vì không muốn chấp nhận một Kitô giáo có vẻ yếu đuối và bị lép vế.

Tiêu diệt đối phương là một cách hành xử bạo lực càng gây thêm ly loạn. Phải làm cho họ trở thành bạn thì mới giải quyết được vấn đề. Khi A. Lincoln bị phê bình là quá mềm dẻo trong cách đối xử với kẻ thù, và được nhắc nhở bổn phận của ông là diệt trừ họ, ông trả lời: “Chẳng phải tôi tiêu diệt kẻ thù khi tôi làm họ trở thành bạn hữu sao?”. Đức Giêsu không bao giờ sử dụng quyền phép để thu phục nhân tâm. Ngài dùng tình thương để cảm hoá lòng người. Ngài không xây dựng giáo thuyết dựa trên quyền hành, mà là ở sự từ bỏ và đón nhận thập giá. Ngài chấp nhận chết đi để giải thoát con người khỏi sự chết, và đã phục sinh để đem lại cho nhân loại sự sống mới, là nâng con người lên địa vị cao quý làm con Thiên Chúa.

Cũng trong ý hướng đó và nhân dịp có ba người xin theo, nên Đức Giêsu đưa ra những điều kiện cho ai muốn làm môn đệ Ngài: Người thứ nhất muốn đi theo Ngài đến bất cứ nơi nào. Ngài cho thấy cuộc sống của Ngài lang thang rày đây mai đó. Theo Ngài là chấp nhận một cuộc sống bấp bênh, không chỗ tựa nương, không nơi yên ổn.

Người thứ hai xin theo Ngài nhưng muốn được phép về chôn cất cha trước đã. Không phải cha người này vừa chết, nhưng có ý xin một thời hạn chờ cho tới khi cha anh chết, và chôn cất xong rồi anh mới theo Ngài. Chúa Giêsu nói: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ”, nghĩa là hãy để cho người phàm lo việc thế phàm, còn người môn đệ Đức Giêsu phải ưu tiên cho công việc Nước Thiên Chúa. Ngài không coi nhẹ bổn phận đối với gia đình (x. Mt 15, 3-9) nhưng đòi chọn lựa theo giá trị ưu tiên khi có sự giằng co giữa Nước Thiên Chúa và gia đình.

Người thứ ba xin phép về từ biệt gia đình trước đã, cũng giống lời xin của Êlisê (1V 19, 19-21). Lời đáp của Chúa Giêsu khiến ta nhớ lúc đó Êlisê đang kéo cày mà “đầu ngoái lại sau”, nghĩa là còn luyến tiếc quá khứ. Như vậy điều kiện thứ ba là phải dứt khoát với quá khứ (của cải, danh vọng, địa vị, v.v.), hơn nữa phải có một con tim không san sẻ để có thể toàn tâm toàn ý dấn thân cho sứ mạng loan báo Nước Trời.

Cuối cùng, không rõ ba người đó có theo Chúa hay không, nhưng điều quan trọng là ta thấy được mình qua hình ảnh của họ, khi đứng trước những những mong mỏi và đòi hỏi của Chúa. Dù sao thì ta cũng phải sắp xếp lại bậc thang giá trị cho cuộc đời mình, nghĩa là theo một thứ tự ưu tiên cho phù hợp với dự định của Thiên Chúa.

Con đường cứu độ của Chúa Giêsu là con đường thập giá, hiến thân. Ngài muốn các môn đệ cũng phải đi trên cùng một lộ trình như Ngài. Thế nhưng người ta có thể từ chối lời mời gọi của Ngài bằng nhiều cách: hoặc vì những thành kiến tôn giáo như dân làng Samaria; hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm vật chất, những quyến luyến gia đình và tiếc nuối quá khứ. Tinh thần muốn vươn cao nhưng xác thịt thì yếu đuối. Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy sống theo Thần Khí chứ đừng theo xác thịt. Hãy dứt khoát chọn Chúa một lần cho tất cả.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Tuổi trẻ dễ bốc đồng và nông nổi,
tính khí hung hăng và thường thay đổi,
đứng trước sự bất bình hay nóng vội,
chẳng lạ gì gây ra những bất hòa.
Cũng như xưa các tông đồ tức giận,
khi người ta không tiếp đón Thầy mình,
chỉ vì thiếu bình tĩnh và phân định,
mà các ông muốn tiêu diệt loại trừ.
Có khi bị kích động bởi thần dữ,
nên con càng tỏ thái độ hung hăng,
ít khi có một thái độ lặng trầm,
để suy xét và cảm thông thấu hiểu..
Đi theo Chúa phải biểu hiện nhân từ,
cứ phải luôn bao dung và tha thứ,
cũng như Chúa, người ta không chấp nhận,
muốn thi ân thiên hạ cũng chẳng cần.
Theo Chúa con phải trở nên giống Chúa,
là môn đệ thì không thể hơn thầy,
đâu phải ai cũng kính trọng cúi chào,
mà nhiều khi khinh miệt chẳng ra sao,
đến nỗi Chúa đã phải đổ máu đào,
bị hành hình ô nhục chết thương đau.
Theo Chúa không tìm ai để chở che,
dám đặt Chúa trên tình cha nghĩa mẹ,
theo Chúa với con tim không san sẻ,
không than van hay tiếc rẻ điều gì.
Xin cho con hành động theo Thần Khí,
đừng bao giờ để xác thịt kéo ghì,
cứ bước theo con đường Chúa đã đi,
là đời con sẽ thỏa chí toại nguyền. Amen.