Natacha Gaspérine, chắt của Léon Bloy, trong tác phẩm “Jeanne et Léon Bloy, Une Écriture à Quatre Mains” do Nhà Du Cerf xuất bản năm 2017, mô tả giai đoạn gia đình Bloy dọn đến khu Monmartre gần nhà thờ Sacré Coeur còn đang xây dựng là thời kỳ của Những Tình Bạn Lớn. Hẳn tác giả muốn nói tới các tình bạn của gia đình Maritain và gia đình Walcheren.



Dù sao “Những Tình Bạn Lớn” (Les Grandes Amitiés) cũng là tựa đề tác phẩm thời danh của Raissa Maritain, người con gái Sion và là vợ triết gia Pháp Jacques Maritain, nhờ Léon Bloy mà tìm ra Cứu Chúa của mình. Như một bình luận gia đã nhận xét, trong cuốn tự truyện này, Raissa nói về mình thì ít mà nói về người thì nhiều. Và những người này phần nhiều vây quanh Léon Bloy và gia đình ông.

Quả là một chuyện nghịch lý khi nhà văn khố rách áo ôm, bị văn giới và thế giới trưởng giả tẩy chay vì các phê phán nghiêm khắc đến tàn nhẫn của ông, thực ra lại là một thỏi nam châm rất mạnh thu hút một vòng bạn bè rộng đến độ tràn qua cả những người không hề quen biết nhà văn lúc sinh thời của ông.

Theo Brenna Moore, trên Journal of the American Academy of Religion, Volume 83, Issue 2, June 2015, Pages 437–463, (có thể truy cập tại địa chỉ https://doi.org/10.1093/jaarel/lfu111), những người trên thuộc Phong Trào Phục Hưng Công Giáo Pháp đầu thế kỷ 20, một phong trào giúp dọn đường cho Công đồng Vatican II, và những người chủ đạo của nó bao gồm các nhân vật nổi tiếng như Charles Péguy, Jacques và Raïssa Maritain, Étienne Gilson, Henri de Lubac, và Michel de Certeau... Đối với họ, cường độ cảm xúc của tình bạn là nhân tố chủ yếu sản sinh ra kinh nghiệm tôn giáo, thâm hậu hóa đức tin và trở lại hay trở về với tôn giáo thời thơ ấu của họ.

Bắt đầu với những giảng khóa công cộng của Henri Bergson. Những giảng khóa này đánh thức ý niệm cho rằng việc tiếp xúc với thể Tuyệt Đối bằng trải nghiệm là điều khả hữu và bất chấp chủ nghĩa hoài nghi của Sorbonne, viễn ảnh này lôi cuốn nhiều người. Một số người viết về đời sống nội tâm của họ, như Raïssa Maritain với cuốn Nhật Ký thuật lại 30 năm trước tác và thị kiến, và cuối cùng, cảm thức thực sự sáp nhập con người Chúa Kitô vào thân xác và linh hồn mình. Những người khác như nhà thơ Charles Péguy và thần học gia Henri de Lubac, tri nhận các kinh nghiệm linh đạo mạnh mẽ từ những nguồn xa xưa, rồi ghi chép, chuyển dịch và đọc to cho bằng hữu, hết lần này đến lần khác, hy vọng tái nắm được một điều gì đó cho chính họ.



Tiểu thuyết gia Công Giáo gây tranh cãi là Léon Bloy (1864–1917) đóng vai trò chính trong việc vun xới các mẫn cảm tôn giáo của cộng đồng trên. Điều này một phần là do những đáp ứng tình cảm mạnh mẽ do các tác phẩm của ông tạo nên, nhưng nhiều hơn là do sự cố ý cổ vũ mạng lưới tình bạn và tình thân thiêng liêng của ông. Những nhóm này bao gồm một nhóm bạn bè và con đỡ đầu thân thiết, nhưng quan trọng hơn cả là một cộng đồng độc giả quốc tế khổng lồ, những người tưởng tượng mình đang sống trong quỹ đạo bản thân đầy thân mật của Bloy, thậm chí rất lâu sau khi ông qua đời. Nằm trong nhóm amis [bạn bè] thân thiết của Bloy là nghệ sĩ Hòa Lan Pierre van der Meer Walcheren, người đã xuất bản hồi ký của mình vào năm 1917 (1), kể lại một cách sống động việc ông trở lại Kitô giáo. Cuốn sách đã nhận được sự hoan nghênh lớn từ giới phê bình ở Paris và giúp lên sinh lực cho sức hút ngày càng tăng của Công Giáo nơi những người tiên phong. Cuốn hồi ký bắt đầu với hành trình của Walcheren từ Hòa Lan đến Paris vào năm 1910, khi ông và vợ qua đó để gặp Bloy, người có cuốn tiểu thuyết mà họ ngưỡng mộ từ lâu. Khi Walcheren thú nhận với Bloy sự không hài lòng và không an tâm về tinh thần của mình, Bloy khuyên Walcheren rằng bước đầu tiên đối với người tìm kiếm tôn giáo là rời bỏ gia đình huyết thống của mình để tạo nên một “gia đình tinh thần mới” dựa trên tình bạn (2) (a). Bloy tình nguyện làm cha đỡ đầu của Walcheren và “cũng cho ông một người anh trai và một người em gái,” là Jacques và Raïssa Maritain, lúc đó đang trong Vòng bạn bè thân thiết của Bloy (3) (b). Walcheren đã chấp nhận, và trong một cuốn hồi ký sau này đã đề cập đến những năm này như một giai đoạn mà mối quan hệ họ hàng tinh thần mạnh mẽ đã tạo nên “việc khai tâm thiêng liêng” của ông vào Kitô giáo: “Tất cả chúng tôi đều hết sức khác nhau và phát xuất từ mọi chân trời khác nhau, vợ Bloy là người Đan Mạch, vợ tôi là người Flemish và người Pháp, Raïssa và Vera [em gái của Raïssa], người Nga gốc Do Thái, Jacques, người Pháp theo Thệ phản nhưng chúng tôi đã cùng nhau thành lập một đại gia đình lớn duy nhất”(4). Ngôn ngữ “gia đình tâm linh cốt lõi” này là ngôn ngữ có mục đích “khai tâm vào các hồng phúc sâu xa của Kitô giáo” và cho phép, ít nhất đối với Walcheren, “khám phá ra những kho báu mới và sáng chói” của đức tin (5).

Như Walcheren và những người khác nhớ lại, tình bạn với Bloy ngụ hàm một cố gắng thẩm hóa cho chính họ những gì họ cho là khao khát tinh thần rất háo hức của cha đỡ đầu của họ (Walcheren mô tả Bloy tham dự thánh lễ "như một con thú đói", thất vọng vì chỉ tìm thấy những mảnh vụn) (6). Điều này có nghĩa việc tham dự bí tích cùng với Bloy (quỳ bên cạnh ông, đi bộ với ông đến thánh lễ), đọc các thánh với nhau một cách minh nhiên nhằm mục đích trau dồi cường độ cảm xúc, cầu nguyện với ông, trao đổi thư từ, chia sẻ bữa ăn và giúp đỡ nhau qua các cơn khủng hoảng sức khỏe. Walcheren nhớ lại, nhờ tình bạn bền vững và thân thiết với Bloy, “dường như cuộc sống vẫn như trước đây, nhưng mọi sự đã thay đổi. Thật là phi thường! Mọi ý nghĩ, mọi thái độ, bên trong hay bên ngoài, mọi hành động, ngay những hoạt động thông thường và hàng ngày, đều hoàn toàn ra khác. Giờ đây, tất cả mọi sự đều có ý nghĩa, và vận hành trong một bầu không khí phấn khởi hơn và thực chất hơn nhiều” (7). Sự thân thiết với Bloy đã tạo chất thể từ đó kinh nghiệm tôn giáo (làm cho Kitô giáo trở nên “có thực” và “sống động”) được thực hiện. Nó không chỉ là học về Kitô giáo từ một nhà dìu dắt, mà là nội tâm hóa các tính cách của người bạn mới của mình một cách có chủ đích và mong muốn sâu sắc. Tình bạn và tình thân thiết là cách tôn giáo được thấu hiểu, trở thành thực chất.

Đối với Walcheren, mô tả tất cả những điều này trong hai cuốn hồi ký của ông viết vào năm 1917 và 1961, cả hai đều rất lâu sau khi ông trải qua sự biến đổi bên trong và bên ngoài, những ký ức về những mối liên kết này chứa đựng sức mạnh biến đổi tôn giáo đáng kể ngay trong hiện tại: “Ký ức của tôi về con người này là trong một căn gác mầu nhiệm... và để làm sống lại những trải nghiệm của niềm vui tràn ngập và vô số cảm giác cũ... là làm cho chúng hiện diện cùng một lúc trước trí tưởng tượng và trái tim” (8). Ở đây, tình bạn được khơi dậy từ trí nhớ, trí tưởng tượng và cảm xúc (trái tim) có thể diễn lại trải nghiệm cho người viết, và lý tưởng cho cả người đọc.



Ngoài việc xuất bản các cuốn hồi ký của Walcheren, thế giới còn được chứng kiến những tình cảm thâm hậu lan truyền giữa các gia đình Bloy, Maritain và Walcheren khi, vào năm 1928, Jeanne, góa phụ của Bloy, cho công bố thư từ tâm linh mật thiết giữa gia đình thiêng liêng nhỏ bé này trong một bộ sưu tập tựa đề là Lettres à ses filleuls (Những bức thư gửi các con đỡ đầu của ông) (9). Những bức thư này đã mang đến cho độc giả một cộng đồng thân thiện, thậm chí có tính chất khêu gợi nhằm mục đích minh nhiên là khắc sâu các mẫn cảm tôn giáo cho nhau: Trong các trang của Lettres à ses filleuls, Bloy thú nhận với Raïssa, Jacques, và em gái của Raïssa, ngày Lễ Phục sinh năm 1914, “Ba muốn ngoạm các con vào móng vuốt sư tử của ba, con, Vera và Jacques, và nuốt chửng các con một cách yêu thương” (10). Ông thường ký vào các ghi chú của mình với “Những nụ hôn dịu dàng cho những đứa con thiêng liêng của tôi” (11). Gia đình Maritain và gia đình Walcheren ca ngợi cha đỡ đầu của họ một cách cũng gần thâm hậu như thế, cảm ơn ông vì đã “đánh thức tinh thần Tin Mừng”, “trình bầy tín lý về Thiên Chúa” cho họ. Độc giả nhận thấy một điều hết sức phổ biến và hấp dẫn về những trình thuật mang tính bản thân cao đầy tình âu yếm hậu hĩ này. Khi đọc những bức thư này, Thomas Merton nhớ lại đã xúc động rơi nước mắt, cảm thấy "Tôi cũng một phần nào đó thuộc gia đình Bloy" (12).

Một điều gì đó tương tự đã xảy ra với tiểu thuyết gia Georges Bernanos, người chưa bao giờ đích thân gặp mặt Bloy nhưng vẫn tự coi mình là một trong số “những người bạn, nếu không phải là đệ tử của ông, ít nhất cũng là một trong những đứa con đỡ đầu của ông” (13). Viết vào cuối Thế chiến thứ hai sau khi sống lưu vong ở Batây, suy nghĩ của Bernanos hướng về “người bạn” Bloy của mình, người mà ông chỉ biết qua những cuốn sách và bức thư ông đọc sau khi Bloy qua đời năm 1917. Ở Batây, Bernanos đã viết một tiểu luận “Dans l'amitié de Léon Bloy” (“Trong tình bạn với Léon Bloy”) dành riêng cho “những người bạn của Bloy ”(14). Bernanos đã viết rằng một cách mà thế giới mệt mỏi, tàn phá bởi chiến tranh có thể đánh thức kinh nghiệm về Thiên Chúa là lắng nghe một “người bạn tiên tri”, người có thể “làm mê mẩn các linh hồn” (15). Nhưng để làm được điều đó, người ta cần sức mạnh của cảm xúc, của thân mật và trí tưởng tượng. Bernanos mời độc giả của mình, “Hãy lắng nghe, hãy nhắm mắt lại”. Bernanos mời các độc giả của mình tự xem họ “như được tập trung tại bất cứ một trong những căn nhà tồi tàn nào của ông [của Bloy]... mà rất ít người trong chúng tôi có cơ hội bước qua ngưỡng cửa, nhưng nơi mà tất cả độc giả của ông đều đã bước vào nhiều lần... trong những giấc mơ." Ông tiếp tục: Ngọn đèn dầu đang cháy trên bàn, trong ngăn kéo vẫn còn một đồng trăm xu, và một chai rượu trên khăn trải bàn nơi bà Bloy vừa đặt lên những chiếc ly lớn... Một lần nữa Chúa Thánh Thần lại sẽ đến thăm người chính nhân tóc hoa râm này... Một lần nữa, nó sẽ truyền cho chúng ta thông điệp mà một phần có lẽ sẽ bị mất đi trong bộ ria mép dầy của ông, nơi một giọt rượu vang đỏ vẫn còn óng ánh, nhưng sẽ khuấy động tâm hồn chúng ta mà chúng ta không thể giải thích được tại sao (16).

Sau khi xây dựng Bloy như “người bạn tiên tri” của mình và thiết lập giai đoạn thân mật giống như tưởng tượng được tạo ra một cách có ý thức, Bernanos đã giới thiệu các ý tưởng của Bloy có thể nói với thế giới sau chiến tranh vào năm 1949: Sự tố cáo của Bloy đối với chủ nghĩa dân tộc, sự tàn ác của thế giới hiện đại, và sự hiện diện của Thiên Chúa trong những người đau khổ. Trọng điểm ở đây là để thế giới nghe được Bloy, cần phải làm cho ông trở thành như một người bạn để có thể trải nghiệm ông về mặt tôn giáo (khiến “linh hồn của nó được khuấy động” và “bị mê mẩn”).



Trong khi các sợi dây gắn bó với Bloy — hoặc nhờ trí nhớ hoặc trong đời thực — đã định hình cho cảm giới tôn giáo của rất nhiều người trong phong trào phục hưng Công Giáo ở Pháp, thì cường độ của những sợi dây gắn bó này cũng phải được định vị trong mạng lưới lớn hơn của sức mạnh biện luận. Các lực lượng xã hội vốn có đó ở hậu cảnh, dưới bình diện phản tỉnh có ý thức, đã duy trì được một sự hiện diện nổi bật thu hút những người như Walcheren, Bernanos, Merton và gia đình Maritain về phía một nhân vật như Léon Bloy. Thí dụ, đây là những nhà trí thức phê phán sâu sắc chủ nghĩa duy nghiệm chống giáo sĩ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 ở Pháp. Họ tìm kiếm chính các khía cạnh văn hóa bị khinh miệt bởi ý thức hệ thế tục đang thống trị, một ý thức hệ bị họ coi là nhạt nhẽo và quá tư sản. Họ đổ xô tới các biểu tượng, tập quán văn hóa, và những người bị coi là khác như một hình thức phê phán phản văn hóa. Đối với giới trí thức và phê bình ở Paris, Bloy, trong tư cách một người Công Giáo và là người ôm ấp lý tưởng nghèo đói và đau khổ, là một hiện thân hoàn hảo của những biểu tượng phản văn hóa này. Hơn nữa, các bài viết của Bloy là những lời chỉ trích cường điệu, quá mức đối với chủ nghĩa chống đối giáo sĩ của giới tư sản. Những sức mạnh xã hội rộng lớn hơn này giải thích sự say mê của các gia đình Maritain và Walcheren đối với Bloy, và hẳn là một phần của câu chuyện đào tạo cuộc sống bên trong. Nhưng chúng ta cũng phải thêm vào nhận thức của mình sức mạnh chuyên biệt cao độ của mối tương quan của họ, sự tận tâm của họ và tình yêu của người đàn ông duy nhất này.

Đối với nhiều người khác trong thế giới Phục hưng Công Giáo, sức mạnh lôi cuốn của Bloy đối với tình bạn đã được chuyển sang các con đỡ đầu của ông, Jacques và Raïssa Maritain. Nhà văn Julien Green đã gặp Jacques vào năm 1925 và phát triển một sự gắn bó tình cảm cao độ, thậm chí có tính chất khêu gợi, gần như ngay lập tức: “Tôi muốn bạn biết rằng tôi nghĩ về bạn thường xuyên, hàng ngày và nhiều lần trong ngày,” ông thú nhận như thế, chỉ vài tháng sau cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ (17). Green là người đồng tính luyến ái, và mối quan hệ của ông với Jacques không phải là bất thường; Stephen Schloesser đã cho thấy sức hút không thể tránh khỏi đối với Công Giáo nơi những người tiên phong trong Thời đại nhạc Jazz ở Paris, ít nhất một phần, là do tình bạn cởi mở, thân mật sâu sắc mà Jacques Maritain đã biểu lộ với rất nhiều người đàn ông đồng tính luyến ái. Những mối liên hệ này đã được công khai trong các thư từ được đọc và xuất bản rộng rãi của họ (18). Green nói rõ rằng tình yêu của ông dành cho Jacques, tình bạn và sự gắn bó của họ, chính là động lực kích thích đức tin của chính ông: “Đối với tôi cũng như đối với rất nhiều người khác, bạn đã là bạn và là nhân chứng của Thiên Chúa. Bạn đã giúp nhiều linh hồn, những người có lẽ bạn thậm chí không biết, thoát khỏi ma quỷ!... Chính phần lớn nhờ bạn mà tôi đã giữ được Đức Tin” (19). Không những Jacques, trong tư cách bạn của ông dạy Green “về” Thiên Chúa, mà mối liên hệ của họ còn tạo ra những trải nghiệm về Thiên Chúa. Thậm chí ba mươi năm sau, vào năm 1959, tình bạn của họ đã trở nên sâu sắc hơn rất nhiều, và tuyên bố trước đó của Green càng được tăng cường: “Chính Thiên Chúa, Đấng đã đặt chúng ta vào con đường của nhau, để bạn có thể nói chuyện với tôi, và nói với tôi thay cho Người. Tôi rất chắc chắn về điều này” (20). Theo kiểu nói của Elaine Scarry, Sự hiện diện của Jacques trở thành “thực tại hiển nhiên của một thế giới vô hình và không thể chạm tới” (21). Đối với Green, ngôn từ của Jacques biến một thế giới không thể nghe thấy được trở thành nghe thấy. Ở đây, sự thông đạt này không phản ảnh kinh nghiệm tôn giáo mà mỗi người có trong tư cách một cá nhân, mà diễn tả nó một cách liên chủ thể.



Điều đáng chú ý là có rất nhiều người đàn ông và đàn bà vang vọng lại Green khi mô tả tác động của Jacques và Raïssa Maritain đối với cuộc sống nội tâm của họ. Đối với các nhân chứng, một số nghĩ rằng họ đồng mưu với giáo phận để đưa những người không có đức tin vào hàng ngũ. Năm 1925, người tìm kiếm tôn giáo trẻ tuổi Maurice Sachs kết bạn với vợ chồng Maritain, và sau đó (một thời gian ngắn) đã trở lại Công Giáo. Khi mô tả sự thu hút của ông đối với Giáo hội, không phải các bí tích, các giáo huấn, mà trước hết là tình bạn với Raïssa đã tạo ra một trải nghiệm nội tâm thực sự về một điều được coi là siêu việt. Ông thú nhận với Raïssa khi bắt đầu kết tình bè bạn với bà, “Tôi cảm thấy một luồng điện chạy qua cơ thể và chuyển hướng cuộc sống của tôi. Xin Chúa cho tôi luôn ở giữa các bạn! Hãy luôn vây quanh tôi, hỡi mẹ đỡ đầu nay mai của tôi! Khi nghĩ đến bạn, tôi tràn ngập niềm vui, và tôi đến với Thiên Chúa vì tôi đã đi vào ngõ cụt — nhưng tôi đã tự đẩy mình về phía trước. Tôi nghĩ lòng tốt của Chúa chúng ta muốn tôi YÊU, ngay cả khi tôi không xứng đáng, và tôi đã làm điều này nhờ có bạn, nhờ có Jean [Cocteau], nhờ sự yên tĩnh của ngôi nhà của bạn” (22). Những bức thư của Raïssa gửi cho ông là “báu vật” mà ông “canh giữ suốt đời”, những bức thư bà thường gửi cho ông cùng với những vật thánh thiêng khác: thẻ cầu nguyện, ảnh Thánh Têrêsa thành Lisieux, một bản chép lại thánh lễ bằng tiếng Latinh (23). Những trải nghiệm nội tâm này (được truyền điện, tràn ngập niềm vui, khả năng yêu thương bất chấp bất xứng) chỉ có thể trở thành khả hữu nhờ những cuộc gặp gỡ liên hệ bền vững.

Theo hiểu biết của chúng ta về Bloy, cũng trong bối cảnh mang tính bản thân cao độ này, sức mạnh kỷ luật của các chuẩn mực xã hội không thể bị loại bỏ khỏi bức tranh: Raïssa Maritain là một người Do Thái trở lại Công Giáo, người chưa bao giờ cắt đứt hoàn toàn các mối liên kết với Do Thái giáo của gia đình bà. Một phần của những gì đã thúc đẩy sự thu hút của Sach đối với Raïssa là các bài diễn văn phương Đông lưu hành ở Paris về người đàn bà Do Thái xa lạ và tâm linh, những bài diễn văn bắt nguồn từ những hấp dẫn rộng lớn hơn đối với thuyết ngoại nhập (exoticism) và thuyết nguyên thủy (primitivism) giữa hai thế chiến ở Paris trong các thập niên 1920 và 1930 (24). Những sức mạnh suy lý này đã hướng Sachs về phía Raïssa và thúc đẩy trí tưởng tượng của ông thấy bà không những là một người Công Giáo mà còn là một “Người Do Thái bị thiêu đốt bởi ngọn lửa thần bí, mà linh hồn là một đường thẳng đứng từ đất lên trời” (25). Sức mạnh của chủ nghĩa phương Đông và chủ nghĩa nguyên thủy len lỏi trong và thông qua chính tình bạn, nhưng việc vun xới mẫn cảm tôn giáo của Sach – việc ông trở lại Công Giáo – sẽ không thể hiểu được nếu chỉ sử dụng các phương tiện diễn từ và sức mạnh phân tích này. Tình bạn và sự mến mộ của ông dành cho Raïssa vừa có tính phê phán, vừa có tính đào tạo, nhưng rất dễ bị bỏ qua.



Thiên phú của vợ chồng Maritain trong việc lên khuôn cảm giới tôn giáo của bạn bè họ chắc chắn bắt nguồn từ sự kết hợp của những lực lượng xã hội này và việc đào tạo ban đầu của họ trong “gia đình thiêng liêng” của Léon Bloy, nhưng Jacques và Raïssa mỗi người đều có những thiên phú độc đáo của riêng họ trong nghệ thuật gần gũi xúc cảm. Sự khuyến khích của họ, sự sẵn lòng gánh lấy nỗi buồn và nỗi đau của bạn bè, đây là những điều mà bạn bè của họ luôn coi có tính biến đổi về mặt thiêng liêng. Thí dụ, hãy xem xét bức thư chia buồn mà Jacques viết cho người bạn Saul Alinsky vào năm 1947, sau khi nghe tin về cái chết khủng khiếp của vợ Alinsky trong một tai nạn đuối nước thương tâm. Khi Maritain biết về “sự kiện quái dị này”, ông viết cho Alinsky, “trái tim chúng tôi đầy đau khổ và thống khổ của bạn, và tình yêu của chúng tôi có khả năng gì, trừ khi cùng đau khổ với bạn? Mọi điều nhân bản đều bất lực khi đối diện với một thảm cảnh như thế, không có sự giúp đỡ nào trên trái đất... Bạn không thể được an ủi, từng sợi hạnh phúc trong cơ thể bạn đã bị sét đánh” (26). Đối với Alinsky, bức thư tự nó đã trở thành vật quý giá, thánh thiêng: “Jacques thân mến. Tôi khóc vì lá thư của bạn. Nó đã được đặt trong một cặp giấy đặc biệt, nơi tôi luôn có thể nhìn vào nó. Tôi muốn các con tôi biết điều đó để những năm sau này chúng hiểu cha mẹ chúng đã sống chết như thế nào” (27). Mặc dù Alinsky không bao giờ coi mình là người tôn giáo, nhưng tình bạn của Jacques đã khơi dậy những biến đổi nội tâm thuộc loại tâm linh. Alinsky đã viết một lời đề tặng Jacques trong một trong những cuốn sách của ông, “Gửi Jacques Maritain: một con người hiếm hoi không chỉ tuyên xưng Kitô giáo mà còn có trái tim tràn đầy nhiệt huyết và sống theo lối sống Kitô giáo... biết Jacques Maritain là biết sự phong phú và kinh nghiệm thiêng liêng vốn làm cho cuộc sống càng vinh quang hơn” (28). Bất kể là “tìm kiếm đức tin”, “biết một trải nghiệm tâm linh” hay dành cho cuộc sống một “sự giàu có” và “vinh quang” mới, những loại trải nghiệm này đều được thực hiện trong và nhờ các trao đổi gần gũi, có tính bản thân giữa những người đàn ông với nhau, giữa những người đàn bà với nhau, giữa những người đàn ông và những người đàn bà với nhau, giữa bạn bè với nhau, giữa cha mẹ đỡ đầu và con đỡ đầu.

Bối cảnh cho tình bạn trong phong trào Phục hưng Công Giáo Pháp đã thay đổi một chút trong Thế chiến thứ hai, khi nhiều tình bạn trong số này đã tan biến do chết chóc, lưu đày hoặc những trận chiến ý thức hệ diễn ra vào cuối thời kỳ chiến tranh giữa các nước. Jacques và Raïssa là những người lưu vong ở New York trong chiến tranh, và đối với một số người ở lại châu Âu trong giai đoạn 1940–44, chính những ký ức của họ về Jacques và Raïssa đã duy trì đức tin của họ. Nhà thần học và Hồng Y người Thụy Sĩ Charles Journet là một người bạn thân thiết của vợ chồng Maritain ở lại Thụy Sĩ trong thời kỳ chiến tranh và sau chiến tranh. Journet viết thư cho Maritains vào năm 1946, nhắc lại khoảng thời gian họ ở bên nhau trước chiến tranh: các thánh lễ dự chung ở Paris, Meudon và Versailles, “về các ký ức đó của chúng ta, chúng như những vì sao trong đêm tối. Tình yêu của các bạn luôn xem tôi như Thiên Chúa muốn tôi trở thành... Lòng tốt của các bạn là một hồng ân ngọt ngào từ thiên đàng và tôi muốn mỗi ngày trở nên bớt vô giá trị hơn ”(29). Jacques tự hỏi làm sao ông và Raïssa có thể giải thích niềm vui mà họ nhận được từ những bức thư của Journet, những bức thư “đó là ân sủng từ Thiên Chúa, Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng tôi tình bạn tuyệt vời của bạn” (30). Jacques đã tâm sự với ngài vài tháng trước đó, “Bạn là niềm an ủi của chúng tôi, bạn là chính Tình bạn, bạn là chính Tình yêu” (31). Những lý tưởng về tình yêu và tình bạn thường được viết hoa, nâng họ lên tầm cao của thánh thiêng. Ở đây người được yêu mến (Journet) là hiện thân của những lý tưởng có ý nghĩa tôn giáo này, và ngài cho phép Jacques, thông qua những ký ức được mô tả trong các bức thư, trải nghiệm những lý tưởng này trong hiện tại. Đối với Journet, cảm giác đó có tính hỗ tương: “Jacques, tôi cảm ơn bạn,” vì thông qua mối tương quan của họ, và thông qua mối tương quan chung của họ với các vị thánh, Journet cho rằng ngài đã học được cách “yêu Tình yêu” [aimer l'Amour], nói thêm, “Jacques... tôi ôm bạn trong Tình yêu này!” (32). Trong mạng lưới tình bạn tưởng nhớ này, tất nhiên cộng đồng bao gồm Jacques, Raïssa, và Journet, nhưng còn có Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và các thánh. Journet, Jacques và Raïssa thường xuyên ký vào những lá thư của họ với nội dung “Tôi ôm bạn trong... Chúa Giêsu Kitô,” hay “tình bạn ngọt ngào trong Chúa Giêsu” (33). Cộng đồng này giữ trong nó những người đang sống và những người đã chết nhưng vẫn hiện hữu trên một mạng lưới linh hoạt về thời gian thông qua trí nhớ và lời cầu nguyện.



Trong những trường hợp khác, người yêu vắng mặt hiện diện rõ ràng đến mức không chỉ là những ký ức và thư từ vốn tạo thành cảm giới tôn giáo, mà sự hiện diện thực sự của người yêu vắng mặt được cảm nhận là đang ngụ cư trong bản ngã, chỉ là sau khi đã qua đời. Chúng ta thấy điều này với Jacques sau khi Raïssa qua đời năm 1960, trong suốt mười ba năm ông sống như một người góa vợ. Sau khi nàng qua đời, Jacques thú nhận với Green rằng: “Tôi đã mất đi sự hiện diện thể xác của nàng, người mà tôi yêu quý hơn cả bản thân mình” (34). Jacques viết cho Journet bảy năm sau, “Tôi là một người đàn ông vỡ tan từng mảnh, hoàn toàn do bàn tay Raïssa gom lại. Tôi không còn kiểm soát được bất cứ điều gì, không còn lại gì của tôi trong hoạt động của tôi; Nếu còn lại bất cứ điều gì tốt đẹp trong công trình mà người ta muốn tôi sống sót để làm, thì điều đó luôn mắc nợ những gì tôi nhận được từ nàng, và nó đi qua tôi như nước qua sàng, tôi luôn trống rỗng” (35). Jacques không còn cảm thấy mình hiện diện với thế giới, và tự hiểu chỉ hành động bao lâu linh hồn của Raïssa đến với ông từ bên ngoài, thúc đẩy ông tiến về phía trước. Raïssa, người mà Jacques “yêu hơn cả bản thân mình”, “nâng ông lên” để “không điều gì của bản thân ông” còn lại. Trong suốt thời kỳ góa vợ này, Jacques đã trải qua một kiểu tái chiếm hữu đời sống nội tâm của chính mình nhờ người vợ quá cố yêu dấu của mình (36). Ông cho rằng mỗi trang trong cuốn sách cuối cùng của mình, Peasant of the Garonne (37) được chắp bút hoàn toàn bởi sự hiện diện thiêng liêng của Raïssa, hướng dẫn bàn tay ông.

Những trải nghiệm này không chính xác là lĩnh vực của trí nhớ hay thậm chí mộng tưởng hão huyền, mà là những trải nghiệm tôn giáo phi thường, “tách biệt” khỏi lĩnh vực thường ngày. Tuy nhiên, Jacques khó khăn lắm mới mô tả được tính thực chất (realness) của chúng. Jacques nói với Julien Green rằng “không có gì chắc chắn hơn sự thông đạt này giữa những người đã chết có cuộc sống vĩnh cửu và những người vẫn đang sống ở đây và bây giờ” (38). Ông nói thêm “Tôi sống với Raïssa (tôi không muốn nói trong suy nghĩ mà thôi nhưng trong thực tại của sự thông đạt lẫn nhau) nhiều hơn là với những người sống xung quanh tôi” (39). Jacques sau đó nói với Saul Alinsky, “Cuộc sống thực của tôi là với Raïssa: tất cả những loại công việc khác mà trước đây tôi vẫn làm đều trở thành bất khả đối với tôi” (40). Khi Raïssa “đi qua ông”, “không có gì chắc chắn hơn” trong cuộc đời ông ngoài sự hiện diện của nàng. Nàng “là thực chất”, “thực hơn” thực chất so với những điều khác trong đời sống ông; mối liên hệ của họ là thực tại. Trước khi chết, Raïssa cũng đã viết tương tự về trải nghiệm siêu nhiên của bà; bà cố gắng nói rõ tính thực chất của nó bất chấp tính khác (otherness) của nó trong tương quan với điều thông thường. Bà viết, điều đó là “một thế giới khác. Nó không hề là ẩn dụ, không cường điệu, mà là một thực tại” (41). Ở đây, người ta nhớ gợi ý của Robert Orsi rằng các học giả về tôn giáo cần phải thúc đẩy để có được một từ vựng lý thuyết dồi dào hơn để hiểu chính xác những loại trải nghiệm mà Jacques và Raïssa đã có — những trải nghiệm, theo lời Orsi, về “thánh thiện, thực chất một cách đích thực”, các trải nghiệm “làm đảo lộn các ranh giới” giữa “trí tưởng tượng và điều có thực chất” (42). Đối với mục đích của chúng ta ở đây, trọng điểm là loại mẫn cảm tôn giáo này được làm cho khả hữu sau sáu mươi năm rèn luyện về nghệ thuật liên hệ và đời sống tinh thần, bắt đầu từ lúc Bloy nhấn mạnh rằng bước đầu tiên để trở thành một Kitô hữu là tham gia vào một gia đình thiêng liêng.

Chắc chắn, những bài diễn văn khác lưu truyền trong bối cảnh cuộc đời của Jacques và Raïssa có đóng một vai trò nào đó: trong suốt nhiều thập niên hôn nhân của họ, Jacques đã rút tỉa sâu sắc từ các truyền thống thần học và chú giải Kitô giáo vốn coi phụ nữ, nhất là người bệnh, người yếu đuối, hay nói cách khác là phụ nữ “thấp kém”, như có năng khiếu tâm linh vượt trội hơn so với các đồng bạn nam của họ. Đối với Jacques, Raïssa luôn hiện thân một điều gì đó về sự hiện diện của siêu nhiên. Một vị Thiên Chúa chuyên chọn kẻ nhỏ nhất và thấp hèn nhất đã chọn Raïssa; các cuộc đấu tranh liên tục của bà với bệnh tật, sự cận kề với cái chết, sự dấn thân không mệt mỏi của bà trong việc cầu nguyện và chiêm niệm luôn được Jacques coi như việc ban cho đường vào những vấn đề thuộc tinh thần mà ông vốn không thể tiếp cận nếu không có bà. Không thể phủ nhận việc Jacques đắm chìm vào những diễn ngôn đã phát sinh trong lịch sử Kitô giáo là một phần của câu chuyện về sức mạnh mà sự hiện diện sau khi chết của Raïssa đã tác động lên đời sống tâm linh của chính ông. Nhưng khung cảnh xúc cảm, liên chủ thể có sức mạnh chuyên biệt của nó. Đời sống tinh thần của Jacques được hình thành, định hình và vun đắp chỉ trong và thông qua tình yêu của ông dành cho bà. Mặc dù không thể hiểu được điều đó nếu không có họ, nhưng điều đó không xảy ra nhờ các sức mạnh biện luận của lịch sử và xã hội Kitô giáo hoặc Pháp mà thôi.

Tóm lại, theo Brenna Moore, các học giả ngày nay phần lớn đồng ý rằng các mẫn cảm và kinh nghiệm tôn giáo mà Jacques mô tả ít có liên quan đến tính cao quý sáng ngời của con người trong đơn độc, của cuộc sống tâm trí / tinh thần mà thôi. Ông cho rằng chúng ta khó có thể thực sự hiểu được nguồn gốc hoặc nội dung của những mẫn cảm tôn giáo phong phú, chỉ với những công cụ của sức mạnh chủ thể hoá của diễn từ xã hội. Điển hình là các trải nghiệm giữa Jacques và Raïssa, Bernanos và Bloy, Bloy và Walcheren, Maritains và Journet, Jacques và Alinsky. Nếu không chú ý nhiều tới các mối liên hệ thân thiết, chúng ta sẽ thực sự không hiểu được đời sống nội tâm của họ, và chiều kích lớn lao của kinh nghiệm nhân bản.

Mặc dù các nhà phục hưng Công Giáo Pháp như vợ chồng Maritain và Bloy hiếm khi được đưa vào bảng phả hệ nghiên cứu tôn giáo, nhiều nhà tư tưởng trong bối cảnh này đã sát cánh (và đôi khi cộng tác chặt chẽ) với các bậc thầy cũ, quen thuộc như Rudolf Otto, Henri Bergson, Mircea Eliade và Louis Massignon. Bất chấp sự kiện nhiều nhà lý thuyết thời kỳ đầu này đang bị phỉ báng vì chủ nghĩa thần bí, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa phương Đông của họ, hoặc việc họ đề cao "tâm linh" trái ngược với "truyền thống", một cái nhìn kỹ hơn cho thấy nhiều người trong số họ, giống như những nhân vật chủ đạo trong Phong trào Phục hưng Công Giáo Pháp, đã công nhận sức mạnh của những người khác trong việc định hình cuộc sống nội tâm. Nhiều lý thuyết của họ không theo chủ nghĩa cá nhân như chúng ta giả định. Thí dụ, Louis Massignon (1883–1963), một bạn thân của vợ chồng Maritain, được nhiều người coi là người sáng lập ra các nghiên cứu Hồi giáo ở phương Tây nhưng đã bị chỉ trích chính đáng vì đã đề cao chủ nghĩa thần bí Hồi giáo hơn mọi thứ khác (43). Tuy nhiên, Massignon cũng có một lý thuyết đáng lưu ý về điều được ông gọi là “sức mạnh hộ mạng” (apotropaion power) mà các vị thánh thiện thường thực hiện đối với linh cảm của người khác về điều thánh thiêng. “Apotropaion” có nghĩa là sức mạnh xua trừ ma quỷ, giống như một chiếc bùa hộ mệnh: “Người theo đạo Hindu gọi là mahatma, người Ả Rập gọi là abdâl, và Kitô hữu gọi là các thánh,” Massignon viết như thế trong khi nhận xét về tính chất “nam châm” mà một số người thánh thiện có được, một sức mạnh có thể ảnh hưởng đến kinh nghiệm tôn giáo của những người xung quanh. Ông coi Mahatma Gandhi như một “apotropaion” vì “sự phản chiếu ngọn đuốc của ông đã thắp sáng những tâm hồn đồng tông khác... Tấm gương của người đàn ông cao niên đã gầy đi bởi quá nhiều cuộc nhịn ăn và hy sinh này, [được] đăng tải như một mục tiêu lấp lánh ở trung tâm một vòng tròn gồm những khuôn mặt đau khổ mà ngọn lửa của ông vẫn tiếp tục thắp sáng” (44). Sử dụng lý thuyết này, Brenna Moore cho rằng sức mạnh “hộ mệnh” của Jacques, Raïssa, và Bloy đã “thắp sáng những linh hồn khác” — tức các bè bạn của họ trong phong trào Phục hưng Công Giáo Pháp.



Tương tự, ngay cả Rudolf Otto cũng thừa nhận rằng con người không thể tự mình tạo ra cảm nhận “thánh thiêng” [numinous], như Robert Orsi đã lập luận gần đây. Trong cách đọc Otto của Orsi, cảm nhận thánh thiêng được “gây ra, kích động và khơi dậy” ở những người bình thường thông qua “tính công cụ của những bản chất thiên phú cao độ khác...” Theo Otto, đức tin, trong ý nghĩa sâu xa nhất của hạn từ này, chỉ có thể được ‘nhóm lên’” (45). Cũng trong chiều hướng này, Suzanne Smith đã viết một tiểu luận mạnh mẽ về vai trò của tình bạn và tình yêu trong lý thuyết tôn giáo của Wilfred Cantwell Smith (46). W. C. Smith nổi tiếng với một định nghĩa về tôn giáo, về việc nó cũng cá nhân chủ nghĩa triệt để. Ông thích “đức tin” hơn “tôn giáo” và định nghĩa đức tin là “một hành vi mà tôi tự làm, trần truồng trước mặt Thiên Chúa” (47). Tuy nhiên, theo Suzanne Smith, sau này trong sự nghiệp của mình, W. C. Smith đã cho rằng “đức tin không thể được biết đến một cách đầy đủ ngoại trừ trong bối cảnh của tình bạn, được hiểu như một phương thức của tình yêu” (48). Điều đáng lưu ý là, các lý thuyết của W. C. Smith về tầm quan trọng của tình bạn đối với việc hiểu những người khác có tôn giáo được tạo ra từ kinh nghiệm của chính ông với các tình bạn liên tôn khi ông làm việc ở nước ngoài. Những tình bạn như vậy, theo Suzanne Smith, “để lại cho ông một ý thức bản thân tức khắc về mức độ mà những người thuộc các tín ngưỡng khác hoàn toàn ‘tham dự vào ân sủng của Thiên Chúa và lòng đại lượng của Người.’ Trải nghiệm, thông qua tình bạn, của hiện tượng này đến trước; lý thuyết về trạng thái của nhận thức do tình bạn mang tới và mối liên hệ của nó với một nhận thức như vậy có thể được thu nhận thông qua nghiên cứu dữ liệu, sẽ đến sau”(48). Những nhấn mạnh tới tình bạn, tình yêu và sức mạnh của những người thánh thiện khác đi ngược lại rõ rệt với những giải thích phổ biến của những nhà lý thuyết ban đầu này coi họ theo cá nhân chủ nghĩa thái quá; giống như các đồng nghiệp của họ trong phong trào Phục hưng Công Giáo ở Pháp, Otto, Smith và Massignon đều nhìn thấy sức mạnh đào tạo của các mối liên hệ nhằm vun xới các mẫn cảm tôn giáo.

Tuy nhiên, bất kể chúng ta nhìn nơi đâu — vợ chồng Maritain, Otto, Bloy, Smith, Massignon — không ai trong số những nhân vật này trong thư từ, nhật ký hoặc trong các bài viết đã xuất bản của họ ít nói tới nỗi đau của tình bạn, các sức mạnh đen tối mà các mối liên hệ có thể tác động lên đời sống nội tâm. Tất nhiên, những sợi dây gắn bó yêu thương cũng có thể căng ra và đứt gãy, trở thành nguồn gốc của phản bội và tổn thương. Constance Furey viết, “mối liên hệ xem ra chỉ như một hạn từ thân thiện bao lâu lỗ tai của học giả hướng đến các mối liên hệ thân thiện, tránh sự phân bổ không đồng đều các nguồn lực, các bất công, xung đột, thù địch, ác cảm và bác bỏ mà các mối liên hệ cũng hàm ngụ. Nghiên cứu các mối liên hệ, ngay cả những mối liên hệ thân mật, mãnh liệt và lâu dài, là nghiên cứu không những tình yêu mà còn cả sự căm ghét, không những sự trưởng thành mà còn cả sự mất mát, và không những sự nuôi dưỡng mà còn cả bạo lực nữa”(50). Điều này cũng ảnh hưởng đến sự mẫn cảm tôn giáo.

Nhưng Brenna Moore, cũng như Dana Roberts, sử gia về Kitô giáo hoàn cầu, vẫn gọi tình bạn là “chìa khóa mở ra lịch sử của sứ bộ truyền giáo”. Nếu không có sự hiểu biết về tình bạn, thì “không thể hiểu được cách mà Kitô giáo lan rộng khắp các nền văn hóa trong thế kỷ XX”. Họ coi đó như “thực hành và đạo đức mạnh mẽ nhưng chưa được thừa nhận đầy đủ trong việc tạo ra Kitô giáo thế giới” (51).

Nếu chúng ta coi tình bạn một cách nghiêm túc như một phạm trù phân tích, thì nó phải được hiểu một cách rộng rãi và hàm lượng nhất có thể: nó phải bao gồm những điều như sự thân thiết tưởng tượng của Bernanos đối với Bloy, người đã chết từ lâu, những kỷ niệm về tình yêu vốn duy trì Journet, Jacques, và Raïssa trong thời chiến, sự hiện diện sau khi qua đời của Raïssa mà Jacques cảm thấy thực hơn bất cứ điều gì khác trong suốt thời kỳ góa vợ của mình. Tất cả những điều này cho phép thuật ngữ tình bạn có tính đa diện và là một cách thiết yếu để hiểu đầy đủ sự đào tạo chủ thể tôn giáo.
________________________________________________________________________________________________________

Ghi chú

(1). Pierre van der Meer Walcheren 1917, Journal d'un converti. Paris, France: Georges Cres & Cie.
(2) Ibid. p. 22
(3) Mougel René 1996, Journet-Maritain Correspondence 1950–1957. Fribourg: Suisse: Éditions Universitaires.922
(4) Walcheren 1961: Pierre van der Meer Walcheren 1961, Rencontres. Paris, France: Desclée de Brouwer. 37
(5) Pierre van der Meer Walcheren 1917, Journal d'un converti. Paris, France: Georges Cres & Cie. 37
(6) Ibid. 38
(7) Pierre van der Meer Walcheren 1961, Rencontres. Paris, France: Desclée de Brouwer. 41
(8) Ibid. 14
(9) Bloy Léon 1928, Lettres à ses filleuls. Paris, France: Stock.
(10) Ibid. 139
(11) Ibid.
(12) Merton Thomas 1996 Turning Toward the World: The Pivotal Years; The Journals of Thomas Merton. San Francisco, CA: HarperCollins. 145
(13) Bernanos Georges 1947 “Dans l'amitié de Léon Bloy,” Appendix to Présence de Bernanos. Paris, France: Plon.1232
(14) Ibid. 1232
(15) Ibid. 1231
(16) Ibid. 850
(17) Maritain Jacques Green Julien 1988 The Story of Two Souls: The Correspondence of Jacques Maritain and Julien Green. Bronx, NY: Fordham University Press. 12
(18) Schloesser Stephen 2004 “‘What of That Curious Craving?’: Catholicism, Conversion and Inversion au temps du Boeuf sur le Toit.” Historical Reflections/Réflexions Historiques 30/2: 221–253
(19) Maritain Jacques Green Julien 1988 The Story of Two Souls: The Correspondence of Jacques Maritain and Julien Green. Bronx, NY: Fordham University Press.141
(20) Ibid. 149
(21) Scarry Elaine 1987 The Body in Pain: The Making and Unmaking of the World. Oxford, UK: Oxford University Press. 202
(22) Sachs Maurice Maritain Jacques Maritain Raïssa 2003, Maurice Sachs, Jacques et Raïssa Maritain Correspondance (1925–1939). Paris, France: Gallimard. 22
(23) Ibid. 33, 111
(24) Xem Ezra Elizabeth 2000 The Colonial Unconscious: Race and Culture in Interwar France, 10–33. Ithaca, NY: Cornell University Press.; Valman Nadia 2011 “Bad Jew/Good Jewess.” In Philosemitism in History, ed. Karp Jonathan, 149–169. Cambridge, UK: Cambridge University Press.
(25) Sachs Maurice 1964 Witches’ Sabbath, trans. Richard Howard. New York, NY: Stein and Day. 33
(26) Maritain Jacques Alinsky Saul 1994 Philosopher and the Provocateur: The Correspondence of Jacques Maritain and Saul Alinsky, ed. Doering Bernard. South Bend, IN: University of Notre Dame Press. 109
(27) Ibid. 110
(28) Ibid. 17
(29) Journet Charles Maritain Jacques 1998 Journet–Maritain Correspondance (1940–1949). Vol. III. Paris, France: Éditions Saint-Augustin. 386
(30) Ibid. 303
(31) Ibid. 152
(32) Ibid. 386
(33) Ibid. 466
(34) Maritain Jacques Green Julien 1988 The Story of Two Souls: The Correspondence of Jacques Maritain and Julien Green. Bronx, NY: Fordham University Press. 199
(35) Journet Charles Maritain Jacques 2008 Journet–Maritain Correspondance (1960–1973). Vol. VI. Paris, France: Éditions Saint-Augustin. 478
(36) Moore Brenna 2012b Sacred Dread: Raïssa Maritain, the Allure of Suffering, and the French Catholic Revival (1900–1945). South Bend, IN: University of Notre Dame Press. 192–200
(37) Maritain Jacques 1968 The Peasant of the Garonne: An Old Layman Questions Himself about the Present Time. New York, NY: Holt.
(38) Maritain Jacques Green Julien 1988 The Story of Two Souls: The Correspondence of Jacques Maritain and Julien Green. Bronx, NY: Fordham University Press. 229
(39) Ibid.
(40) Maritain Jacques Alinsky Saul 1994 Philosopher and the Provocateur: The Correspondence of Jacques Maritain and Saul Alinsky, ed. Doering Bernard. South Bend, IN: University of Notre Dame Press. 43
(41) Maritain Raïssa 1975 Raïssa's Journal. Albany, NY: Magi Books.326
(42) Orsi Robert 2012 “The Problem of the Holy.” In Cambridge Companion to Religious Studies, ed. Orsi Robert, 84–106. Cambridge, UK: Cambridge University Press.104
(43) Said Edward 1979 Orientalism. New York, NY: Vintage.268–270
(44) Massignon Louis 1959 The Notion of ‘Real Elite’ in Sociology and History. The History of Religions, Essays in Methodology, ed. Mircea Eliade and Joseph Kitagawa. Chicago, IL: University of Chicago Press.114
(45) Orsi Robert 2012 “The Problem of the Holy.” In Cambridge Companion to Religious Studies, ed. Orsi Robert, 84–106. Cambridge, UK: Cambridge University Press. 94
(46) Smith Suzanne 2013 “Wilfred Cantwell Smith: Love, Science, and the Study of Religion.” Journal of the American Academy of Religion 81/3: 757–790.
(47) Smith Suzanne 2013 “Wilfred Cantwell Smith: Love, Science, and the Study of Religion.” Journal of the American Academy of Religion 81/3: 757–790
(48) Smith Suzanne 2013 “Wilfred Cantwell Smith: Love, Science, and the Study of Religion.” Journal of the American Academy of Religion 81/3;757
(49) Ibid. 766
(50) Furey Constance M. 2012 “Body, Society, and Subjectivity in Religious Studies.” Journal of the American Academy of Religion 8/1: 25
(51) Roberts Dana 2011 “Cross-Cultural Friendship in the Creation of Twentieth-Century World Christianity.” International Bulletin of Missionary Research 35/2.101

(a) Muốn biết tầm quan trọng của “các gia đình thiêng liêng” đối với các vụ trở lại đạo Công Giáo của các nhà trí thức đầu thế kỷ 20, xin xem Guegelot (2012).
(b) Erasmo Leiva-Merikakis đã theo dõi ảnh hưởng tôn giáo mạnh mẽ của Léon Bloy trong việc đào tạo của Jacques Maritain trong cuốn “Léon Bloy and Jacques Maritain: Fratres in Eremo,” Understanding Maritain: Philosopher and Friend (1987) của ông.
(c) Muốn có một phân tích tuyệt hảo vừa có tính phê phán vừa đầy thiện cảm, xin xem Steven Wasserstrom (1999).
(d) Muốn có các điển hình về phương thức này, xin xem Alister et al. (2009).