LM Nguyễn Trung Tây
QUÁN NƯỚC ĐẦU LÀNG: NIỀM TIN VIỆT NAM
Chuyện BÁC Chuyện EM: THÁNH VỊNH THỨ NHẤT
"Chuyện Bác Chuyện Em" bối cảnh xảy ra ở khắp nơi, Việt Nam, Mỹ, Úc, Do Thái, Philippines. Em có thể đi tu hoặc cũng là một nhân vật lập gia đình. Bác và Em sử dụng ngôn ngữ Bắc Bộ.
Em nhìn bác, tay che miệng, giọng thì thào,
— Lần trước ông chủ tịch từ trên tỉnh xuống, em thấy bác vẫn cứ cong mông lên cầy…
Bác nhăn nhăn mặt như khỉ ăn mắm tôm,
— Ông, cái tật cứ ưa quá nhời. Ai lại nói cong mông…
Bác mắng em mấy mắng,
— Chỉ được cái ưa vẽ chuyện…
Em biết tội mình, cười giả lả,
— Chứ chẳng phải, em nom thấy rõ ràng, xe ô tô của ông chủ tịch đã dừng trước cửa làng, người mấy thôn kéo về nườm nượp… Bác thì cứ lơ lơ…
Bác khịt khịt mũi,
— Chủ tịch với chả chủ tịch. Chả bõ rính răng… Việc gì tôi phải bỏ cả buổi cầy… Rách việc!!!
Em gật đầu, biểu đồng tình,
— Vâng, em hiểu. Bữa đó em cũng chỉ rập rình mấy bước, rồi cũng lỉnh nhanh… lội xuống ruộng, cầy tiếp… Mình không đi rước ông chủ tịch, người ta lại trừ mất mấy công điểm…
Em nhìn lên tháp chuông nhà thờ, tiếp nối câu chuyện dở dang,
— Vậy mà chiều hôm nay, cả mấy xóm giáo kéo về rước Đức Mẹ. Ruộng đồng vắng tanh người, nom cứ như chiều Ba Mươi Tết.
Bác gật đầu,
— Đã hẳn. Đức Mẹ, ai bì cho được. Đức Mẹ đúng là người đầy ơn phúc.
Em cũng đồng ý kiến, nhắc lại câu truyện Truyền Tin trong Kinh Thánh,
— Đức Mẹ thì nhất rồi. Chẳng thế mà sứ thần khi ghé vào nhà, ngài cất tiếng chào, “Kính mừng Maria, đầy ơn phúc”.
Nhìn hình tranh giấy Đông Hồ họa hình thiếu nữ ôm đàn tỳ bà treo trên tường, em đổi sang chuyện tướng số,
— Bác biết chi không, người ta nói những người có khuôn mặt tròn là tướng người có phúc.
Bác gật đầu,
— Ừ, ông nói phải đấy. Tôi cũng hay nghĩ như vậy. Cho nên cụ Nguyễn Du mới diễn tả Thúy Vân, “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”.
Em hứng chí, nói ngay,
— Bác thấy chưa. Dáng người như thế thì làm chi mà không sống một đời hạnh phúc, còn cái cô chị thì đúng là một đời đoạn trường….
Bác ánh mắt mơ màng như người ngủ gật,
— Thời bây giờ, sao thấy đoạn trường dư dả, mà hạnh phúc lại chẳng nom thấy đâu. Cứ làm như hạnh phúc bốc hơi hóa ra thiên thần bay lên trời hoặc hóa thành vàng khối rớt tòm xuống bể...
Em nhìn bác, dè dặt,
— Bác nói thế thì em biết thế. Nhưng xin phép cho em hỏi bác mấy câu. Thế bác đã tìm kỹ chưa?
Bác như người tỉnh ngủ, gật đầu,
— Kỹ rồi, kỹ lắm… Nhưng nào có nom thấy chi… Sáng mở banh mắt ra đã thấy nhọc người. Tối về tới nhà, người nó cứ bã ra như ván thuyền long đanh…
Bác ngưng than thở,
— Nhưng mà thôi, nói mãi thì cũng vẫn vậy… Ông lại có cớ đổi họ Than cho tôi.
Em được thể, lấn tới,
— Chứ chẳng phải. Nói chuyện với bác, đố có khi nào thấy bác ngưng được cái giọng điệu than thở…
Bác ăn nói mát mẻ,
— Vâng, ông thì thì cái gì cũng hay lắm. Đó, ông nói đi. Bây giờ làm sao để có hạnh phúc?
Em nói ngay,
— Dễ òm! Sống ba “không”...
Bác trợn tròn mắt,
— Sống ba không?
Bác nhìn ngang dọc, nhỏ giọng,
— Này, này, ăn nói cho cẩn thận. Ở đâu chui ra mà lại có cái vụ ba không của ngài cựu tông tông ở đây… Đứt đầu bây giờ. Ăn nói phải trông trước ngó sau. Người ta nói vách nhà cũng có tai!
Em nhăn nhăn mặt,
— Bác, để cho em nói… Em nói chửa xong thì bác cứ át nhời…
Bác nhìn, điệu bộ khó đăm đăm như thù cha chưa trả…,
— Rồi, rồi… Vậy ông nói đi.
Em nhẩn nha, thong thả,
— Bác nghe em nói nhé. “Không nghe lời nói tầm xàm bá láp của những người xấu; không đi chung đường với kẻ gian ác chỉ rình rình cơ hội đâm lén sau lưng; không ngồi chung mâm với người cứ hễ mở miệng ra là nói xấu người khác”.
Em giơ cao ba ngón tay,
— Bác đếm đi. Có phải đúng là ba không?
Bác thở phào nhẹ nhõm,
— Nghe cũng có lý. Nhưng ai nói mà chẳng được… Thực hành thì khó lắm.
Em đá giò lái,
— Bác cứ ưa nói chuyện cha chú. Nếu dễ thì còn có chuyện chi nữa để mà bàn.
Bị em khều cẳng, bác làm mặt lơ lơ, đổi đề tài,
— Ngoài ba không, còn phải làm chi nữa hay không để có hạnh phúc? Đi tu nhé… Nguyễn Du đã nói, “Tu là cõi phúc, tình là giây oan”.
Em lắc đầu, điệu bộ cương quyết như người hạ nước cờ chiếu bí,
— Cái vụ này thì cũng chưa chắc. Cũng tùy người…
Bác hỏi ngay,
— Vậy thì còn phải làm chi nữa?
Em nói liền,
— Làm cái chi nữa? Thì đây… Ngoài ba cái không, “không nghe, không đi, và không ngồi”, vừa liệt kê ở trên, người ta còn phải sống chiêm niệm Lời Chúa nữa.
Bác ngẩn người như nhà bị trộm khoét vách,
— Ơ hay! Tớ tưởng cái vụ này là của mấy ông cha Biển Đức và Mai-sơ dòng Kín…
Em bĩu môi,
— Bác cứ quen cái tật nói thánh nói tướng. Bác ơi, sống chiêm niệm là của mọi người, chứ đâu phải là chỉ có mấy ông cha Biển Đức mới sống đời chiêm niệm đâu!
Bác thúc hối như làng đang vỡ đê,
— Vậy ông nói đi. Sống chiêm niệm là sống như thế nào?
Em ăn nói thông suốt như trạng sư trước mặt quan tòa,
— Này nhé. Sống chân thật với mình; sống tử tế với mọi người; và sống nhân ái như lời kinh Hòa Bình, “Biết mến yêu hơn là được yêu mến, biết phục vụ hơn là được phục vụ…”
Bác hỏi tới,
— Còn chi nữa không?
Em nhắc nhở,
— Sống xin vâng như Đức Mẹ. Cũng đừng quên sống chiêm niệm cũng có nghĩa là sống tỉnh thức.
Bác gãi gãi tóc,
— Sống xin vâng thì ai cũng biết. Nhưng sống tỉnh thức? Cái này thì nghe hơi lạ tai đấy…
Em chỉ tay về hướng nhà thờ,
— Tuần trước cụ giảng trên tòa về sống tỉnh thức… Chắc bác lại ngủ gật, không nghe cụ nói...
Bác lườm em,
— Lại vẽ chuyện!
Em cười tí toáy, nói tiếp,
— Cụ nói sống tỉnh thức là vui sống với hiện tại… Đừng có lo lắng chi cho ngày mai…
Bác vặn vẹo,
— Ông có dám chắc là nếu sống ba “không” và sống chiêm niệm, mình sẽ có hạnh phúc hay không?
Em gật đầu, nói thông suốt, không vấp một chữ,
— Chắc như đinh đóng cột. Người sống ba “không” và sống chiêm niệm giống như cây trồng bên suối nước, lá lúc nào cũng xanh tươi, quanh năm sinh hoa kết trái. Còn người không sống ba “không” và sống chiêm niệm, họ trở thành “cây khô không lộc”. Bởi thế, họ biến thành vỏ trấu, gió trời cuốn trôi.
Quan bác ngạc nhiên nhìn quan em, đôi chân mày sâu róm cong lại, tay chỉ chỉ vào mặt em,
— Thành thật khai báo đi. Mấy cái vụ ba “không” và sống đời chiêm niệm, ông thần nước mặn đọc ở đâu vậy?
Em cộ mắt ốc nhồi nhìn bác,
— Ở đâu? Ở trong Kinh Thánh chớ còn ở đâu...
Em bước tới bàn thờ, lôi xuống cuốn Kinh Thánh, lật tới trang Thánh Vịnh,
— Khổ, bác cứ làm như em là người nói điêu… Đây nè, bác nom đi, “Thánh Vịnh thứ Nhất”…
Bác đeo kính lão vào, mắt chăm chú nhìn trang giấy, miệng lẩm bẩm đọc...
□ Suy Niệm
Phúc thay người không nghe theo lời ác nhân,
Không bước theo đường lối quân tội lỗi,
Không nhập bọn với kẻ ngạo mạn kiêu căng,
Nhưng vui thỏa với lề luật Chúa,
Lề luật của Ngài họ suy niệm đêm ngày.
Người ấy tựa cây trồng bên suối nước,
cứ đúng mùa hoa quả trổ sinh,
cành lá xanh không khi nào héo tàn.
Người như thế làm chi cũng thành đạt.
Phường gian ác không được như vậy:
Họ khác nào vỏ trấu gió cuốn trôi.
Vào ngày xét xử, ác nhân không đứng vững,
Quân tội lỗi không được hợp đoàn với kẻ chính nhân.
Vì Chúa hằng che chở nẻo đường công chính,
Còn đường lối ác nhân dẫn tới diệt vong.
(Thánh Vịnh thứ Nhất).□