Khiêm nhường là một nhân đức bị xem thường vì người ta cho rằng khiêm nhường là thấp kém, là yếu đuối, là bị lu mờ... Tuy nhiên, đây lại là một nhân đức cao quý của Chúa Giê-su, được Ngài trân trọng và đề cao.

Chúa Giê-su khiêm nhường tột bậc

Khi đề cập về Chúa Giê-su, người ta thường giới thiệu Ngài là Thiên Chúa Ngôi Hai cao cả, là Vua hoàn vũ, là Đấng cứu độ, là Thẩm phán tối cao, là Đấng quyền năng phép tắc… Tuy nhiên, Chúa Giê-su còn có một phẩm chất cao đẹp khác nhưng ít được đề cập đến, đó là Ngài là rất khiêm nhường!

Mặc dù Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa quyền năng, đồng hàng với Chúa Cha, Ngài cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần tạo dựng nên vũ trụ kỳ diệu nầy… “Nhờ Ngài mà muôn loài muôn vật được tạo thành và không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3).

Tuy nhiên, Ngài không muốn duy trì địa vị ngang hàng với Chúa Cha; trái lại, Ngài đã trút bỏ mọi vinh quang, danh dự và quyền năng; Ngài đã “hủy mình ra không!”, “mặc lấy phận nô lệ” thấp hèn!

Khi xuống thế làm người, Ngài chọn cho mình một nơi chào đời đặc biệt, đó là sinh ra trong chuồng bò, nằm trong máng ăn súc vật! Không ai ra đời trong nơi tồi tệ như Chúa Giê-su!

Khi khôn lớn, Ngài không chọn những nghề cao trọng khiến cho bao người kính nể, nhưng sống bằng nghề mộc tầm thường.

Ngài không thân thiết với những người quyền quý trong xã hội nhưng giao lưu thân mật với hạng người xấu xa; vì thế Ngài bị liệt vào hàng “bạn bè của quân thu thuế và phường tội lỗi.”

Khi đào tạo các môn đệ, Ngài không xem họ là học trò hạ cấp, nhưng nâng họ lên hàng bạn hữu thân tình và sẵn sàng quỳ xuống rửa chân cho họ.

Rồi cuối cùng, Ngài lãnh lấy cái chết thê thảm, nhục nhã, đau thương nhất trên đời, đó là chết treo trên thập giá giữa hai người trộm cướp…

Từ tột đỉnh vinh quang, Ngôi hai Thiên Chúa hạ mình xuống trần làm người thấp hèn tột bậc. Ngài hạ mình, vâng lời Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá để đền tội cho muôn người. Không ai trên cõi đời nầy hạ mình sâu thẳm như Chúa Giê-su. Không ai trên đời khiêm nhượng như Chúa Giê-su.

Vì thế, Chúa Cha đã tôn vinh Ngài, ban cho Ngài một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, đặt Ngài là vua hoàn vũ, làm Chúa tể trên trời dưới đất (Philip 2, 6-11).

Như thế, khiêm nhường là phẩm chất cao quý của Chúa Giê-su và được Ngài trân trọng, đề cao.

Vì thế, Chúa Giê-su không kêu mời chúng ta hãy học cùng Ngài vì Ngài thông thái, vì Ngài quyền năng, vì Ngài có tài hùng biện hay làm phép lạ… nhưng Ngài kêu gọi chúng ta rằng: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,28).



Học khiêm nhường với Mẹ Maria

Dù được Thiên Chúa đưa lên địa vị cao vời, làm Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa, Đức Maria vẫn tự coi mình là người tôi tớ hèn mọn, sẵn sàng vâng theo lệnh Chúa truyền. Mẹ đã thưa với sứ thần Gáp-ri-en rằng: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”

Lòng khiêm nhường sâu thẳm của Mẹ được diễn tả rõ nét khi Mẹ đến thăm viếng bà Ê-li-sa-bét. Mẹ nhìn nhận rằng sở dĩ Mẹ được Thiên Chúa toàn năng ban cho diễm phúc cao cả khôn lường, vì Mẹ là người tôi tớ hèn mọn của Chúa. Mẹ nói:

“Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới;

từ nay, hết mọi đời

sẽ khen tôi diễm phúc.”

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

biết bao điều cao cả,

danh Người thật chí thánh chí tôn!”

Vì mẹ khiêm nhường như thế nên đã được Thiên Chúa nâng cao. Thiên Chúa cho Mẹ vinh dự chưa từng được ban cho bất cứ ai khác trên địa cầu, là được đưa lên trời cả hồn và xác, đúng như lời Chúa dạy: “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.”

Lạy Chúa Giê-su,

Người đời thường kiêu căng, tự phụ, coi rẻ đức khiêm nhường. Đó là đường đưa đến cõi trầm luân.

Xin cho chúng con ghi nhớ lời Chúa phán dạy qua Mẹ Maria: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, đập tan phường lòng trí kiêu căng” để rồi chúng con luôn học theo gương khiêm nhường của Chúa và Mẹ nhân lành, nhờ đó, được hưởng phúc với Mẹ muôn đời trên thiên quốc. Amen.