THỦ ĐỨC -- Một ngày cuối tháng Hoa, tôi có dịp ghé thăm một Đan Viện nằm trên địa bàn quận Thủ Đức và thật bất ngờ, tôi dường như bị cuốn hút trước khung cảnh ở đây.

Thật vậy, ngay khi bước vào cổng tôi đã nhìn thấy các nữ đan sĩ với những chiếc áo ngắn (gần giống như áo bà ba) tay cầm cuốc với nụ cười thân thiện rất dễ mến… thì ra các chị đang trong giờ lao động.

Trong khi chờ đợi gặp dì quản lý, tôi được tiếp xúc với một dì lớn tuổi phụ trách tiếp khách và coi sóc phòng trưng bày và bán các sản phẩm do các nữ đan sĩ làm ra. Dì nói chuyện với tôi thật vui vẻ và gần gũi như là với người thân lâu ngày gặp lại. Được một lúc sau thì dì Claire Lan, quản lý Đan viện tiếp tôi, và cũng lần đầu mới gặp nhưng rất thân tình. Dì Lan đã hướng dẫn tôi vào tham quan các nơi trong Đan viện vào cả khu nội vi để ghi lại những hình ảnh thật thơ mộng của Đan Viện, từ ngôi nhà lá và bàn ghế bằng tre đơn sơ, mộc mạc dành để tiếp khách đến cái giếng Giacóp, cái Cồng Tây Nguyên trước nhà nguyện, từ lũy tre gợi nhớ đến làng quê, con đường nhỏ quanh co bước vào khu Nội vi đâu đâu cũng mang đậm phong cách Việt Nam mặc dù đây là một Đan Viện được thành lập từ Dòng Mẹ: Dòng Nữ Biển Đức Thánh Bathilde tại Vanves - Paris trực thuộc quyền Đức Giáo Hoàng.

Dòng Nữ Đan Viện Biển Đức Việt Nam (Đan Viện Thánh Mẫu Maria - Thủ Đức) vừa kỷ niệm 50 năm thành lập vào ngày 30 tháng 10 năm 2004 do Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn chủ sự thánh lễ Tạ Ơn cùng với rất đông các linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân khắp nơi về dự.

Qua bao thăng trầm trong nửa thế kỷ kể từ ngày đầu tiên (06.01.1954) năm nữ tu: Mẹ Colomban; Mẹ Martin; Sr Christine; Sr Marie Boniface; Sr Marie Bénédicte Cúc được sai đi và ngày 20.07.1954 (ngày ký hiệp định Genève, chia đôi đất nước) năm nữ tu nầy trong đó có một chị người Việt đã đặt chân tới Ban Mê Thuột và từ đó bắt đầu gầy dựng cơ sở Đan Viện ở đây.

Từ ngày 15.02.1967 các chị em bắt đầu xây dựng nhà Thủ Đức còn cơ sở Cao Nguyên nhường lại để lập Tòa Giám Mục nay là Tòa Giám Mục Ban Mê Thuột. Nhiệm kỳ đầu tiên tại nhàThủ Đức do Mẹ Bénédicte Gautier phụ trách. Hiện tại Dì Trưởng Agnès Lê Thị Tố Hương phụ trách Đan Viện từ năm 1995 cho đến nay, rất tiếc hôm tôi ghé thăm dì bận việc đi vắng nên tôi không được gặp. Nhân số của Đan Viện tổng kết năm 2004 là:

  • - 21 chị khấn trọn
  • - 19 chị khấn đơn
  • - 8 tập sinh
  • - 10 thỉnh sinh
Đời sống và sinh hoạt hằng ngày của các đan tu gồm: Chiêm niệm - Cầu nguyện và Lao động. Hầu hết các công việc đều do các chị tự làm lấy, từ cuốc đất làm hàng rào, cắt cỏ làm đẹp trong khuôn viên nhà Dòng đến công việc như sửa lại chiếc máy cắt cỏ cũng do một chị tự mài mò làm lấy. Tôi đã chụp hình một chị đang ngồi bệt dưới đất với cái búa trên tay để sửa máy.

Đan viện có ngôi nhà dành riêng cho khách đến để tỉnh tâm cầu nguyện, và đang cố gắng để mua lại miếng đất bên cạnh với mong muốn giữ gìn sự yên tỉnh cho nhà dòng. Dì Lan nói với tôi: “Nếu bao giờ cảm thấy mệt mỏi vì công việc hay bị 'stress' cần một nơi yên tỉnh xin mời chị đến đây vài ngày… “ chưa cần đến ở vài ngày, chỉ nhìn ngắm khung cảnh ở đây thôi, lòng tôi đã cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản biết bao, dường như bỏ lại bên ngoài những muộn phiền lo lắng … chợt vang lên trong đầu câu nói của người xưa “Tu là cõi phúc".

Tạm biệt các nữ đan sĩ của Đan Viện Biển Đức, tôi trở về Sài Gòn mà trong lòng vẫn nhớ mãi một góc trời Đan Viện với ngút ngàn màu xanh của cỏ cây, hoa lá thiên nhiên và tình người nồng ấm. Một cõi linh thiêng giữa chốn bụi trần.