Giáo sĩ Đắc Lộ và lịch sử nước Việt Nam- Một số nhân vật lịch sử

9. Nguyễn Phúc Lan (1635-1648)

Chúng tôi đã mộú cha nhà chúa Hoàng tử Khê hay bà dì của nhà chúa, thân mẫu ông chú nhà chúa là bà Minh Đức Vương Thái Phi, nhất là Tống Thị, quả phụ bào huynh của nhà chúa là hoàng tử Hoàng tử Kỳ. Nguyễn Phúc Lan quả là người có vấn đề. Trước khi Nguyễn Phúc Nguyên mất, đã nhờ hoàng tử Khê để ý giúp đỡ thế tử trong việc trị nước. Mới lên kế vị đã có người em làm loạn khiến Nguyễn Phúc Lan chán nản muốn trao quyền trị nước cho người chú là Khê. Nhưng rồi vướng vào vụ Tống Thị, mê sắc dục tham ngọc trai, Nguyễn Phúc Lan tỏ ý chê trách ông chú làm cho ông này cho người phá nhà nguyện công giáo của bà Vương Thái Phi. Lan cũng ra lòng xa lánh Đắc Lộ và bà Vương Thái Phi vì sợ Đắc Lộ có tài địa lí tìm cách để mồ để mả cho phát, ngõ hầu dòng họ bà Vương Thái Phi sau này lên cầm quyền.

Cũng dưới thời Nguyễn Phúc Lan do ảnh hưởng xấu của Tống Thị mà Anrê Phú Yên bị chết vì đạo rồi tiếp theo sau mấy năm là hai thày giảng khác, Y Nhã và Vinh Sơn.

Tính khí ông chúa này khá kì dị. Năm 1645 khi chiếc tàu Tây Ban Nha chở bốn nữ tu Clarít và hai giáo sĩ Phanchicô bị bão đánh dạt vào cửa Hội An thì Nguyễn Phúc Lan và bà chính phi tò mò muốn một mực bắt các nữ tu phải ra mắt cho chúa ông và chúa bà xem mặt. Sau nhiều lo lắng và do dự, thuyền trưởng người Tây Ban Nha phải nhượng bộ. Thế là thuyền trưởng và quan sĩ tùy tùng cùng với năm chục thủy thủ người Tây được đưa về Thuận An. Đắc Lộ kể lại chỉ vì người ta đồn thổi là các nữ tu thánh thiện không để tóc mà cạo trọc đầu.

Nghi lễ đón tiếp các nữ tu được tổ chức cực kì long trọng. Thuyền trưởng người Tây Ban Nha với hai viên quan tháp tùng cùng hai giáo sĩ đi theo. Một bữa tiệc thịnh soạn khoản đãi phái đoàn, có ca múa, hát xướng. Có chừng bốn nghìn lính gác. Các nữ tu vẫn che kín mặt và chỉ bằng lòng vén khăn khi đi qua trước mặt chúa bà mà thôi. Tuy nhiên để chiều ý chúa bà, một bà đi theo hầu được phép sờ đầu một nữ tu đã có tuổi và rồi nói lớn tiếng cho chúa bà biết là có cạo đầu trọc thật.

Dầu sao các nữ tu được trọng kính và vì nể, được nhiều quà tặng. Giáo dân đến nghe các bà hát kinh và là một dịp làm phấn khởi giáo đoàn.

Hôm đó Nguyễn Phúc Lan cho thao diễn một trận thủy chiến trên sông Hương. Còn thế tử thì biểu diễn ngựa trận ở trên đất liền. Hôm sau lại có một cuộc thao diễn chiến thuyền khác. Ngày thứ ba Nguyễn Phúc Lan còn tổ chức tế vong linh tiên tổ có tới sáu ngàn binh lính túc trực. Đó là vào ban sáng, tới ban chiều lại thao diễn một trận thủy chiến nữa.

Đó, tính khí kì cục của ông chúa này được biểu lộ trong cuộc tiếp đón các nữ tu như vậy đó.

Đắc Lộ có lần muốn yên tâm truyền giáo thì đã phải dâng chúa tặng phẩm như đồng hồ có khắc chữ nho. Chính Nguyễn Phúc Lan đã ra lệnh trục xuất Đắc Lộ năm 1645. Từ đó ở Macao người ta biết ông chúa này thích ngọc trai, nên mỗi lần tới thông thương buôn bán thì biếu chúa những hạt trai quí. Giáo sĩ Saccano, người tiếp sau Đắc Lộ tới Đàng Trong, đã nói rằng Nguyễn Phúc Lan khi mới được tin người Bồ tới Cửa Hàn tức Hội An và đem theo ngọc trai, thì ông đã vội vã cho người tới đưa họ về phủ. Và khi nhận được từ tay người Bồ bốn hòn ngọc trai thì Nguyễn Phúc Lan đưa lên hít lấy hít nể, sung sướng. Thực lục cũng cho biết: Tống Thị đã dâng chúa một chuỗi ngọc bách hoa để được ra vào cửa phủ nhà chúa, kể từ năm 1639.

Năm 1648 Nguyễn Phúc Lan đưa quân chống lại quân Trịnh phạm cửa Nhật Lệ. Nhưng rồi ông rút quân về, tới Phá Tam Giang thì băng ở thuyền ngự. Thực lục kể lại như thế. Còn Lê Quí Đôn trong Phủ biên tạp lục thì lại viết: "Phúc Lan trúng độc của người yêu là Tống Thị, rút quân về, ngày 26 tháng 2 về đến Phá Tam Giang thì chết". (Sd. tr. 55) _