PHẦN II: GIÁO SĨ ĐẮC LỘ VÀ LỊCH SỬ NƯỚC VIỆT NAM

III. Một số nhân vật trong lịch sử:

Tống Thị

Hoàng tử Hoàng tử Kì

Hoàng tử Hoàng tử Khê

Bà Minh Đức Vương Thái Phi

Công Chúa Ngọc Liên

Công Chúa Ngọc Đỉnh

Thanh Đô Vương Trịnh Tráng

Nguyễn Phúc Nguyên

Nguyễn Phúc Lan

1. Tống Thị

Người đầu tiên chúng tôi nói tới ở đây là một thiếu phụ đã gây tang tóc cho giáo đoàn và nhất là đã nhúng tay gián tiếp hay trực tiếp vào vụ giết ba thày giảng Anrê, Y Nhã và Vinh Sơn, ba đồ đệ và cộng tác viên của Đắc Lộ. Nhưng trước hết, chúng tôi cũng phải nói là Đắc Lộ không viết rõ tên các nhân vật ông ghi trong các trang sách, ông chỉ viết là ông hoàng nọ ông nghè kia, hoặc bà hoàng nọ bà chúa kia, hoặc ông trấn thủ này ông trấn thủ nọ mà thôi. Tên các nhân vật trọng yếu không bao giờ được nói rõ. Do đó phải có sự tìm tòi, so đọ, đối chiếu với thời gian sưu tầm và suy nghĩ, chúng ta mới khám phá ra danh tánh và sự nghiệp, như chúng tôi sẽ có dịp bàn giải thêm ở sau đây.

Trong Hành Trình, Đắc Lộ nói tới một buổi tranh luận, trong đó có nhiều người chống đối lí lẽ giáo sĩ đưa ra, nhưng giáo sĩ đã nhờ thày Inhaxu hiểu biết vấn đề hơn đứng ra đối đáp. Thế là họ chịu thua. Xấu hổ, họ điên cuồng lên. "Từ đó họ thề sẽ hãm hại thày, và để đạt ý định, họ nhờ một bà mà chúa coi như vợ chúa, mặc dầu trước đây bà là vợ người anh của chúa, điều mà luật xứ này ngăn cấm, nhưng sắc dục đâu có biết luật lệ là gì". một chương sau, trong vụ âm mưu bắt thày Inhaxu, Đắc Lộ lại nhắc tới người đàn bà này. Ông viết: "Vào tháng 7 năm 1644 quan trấn tỉnh Quảng Nam từ phủ chúa về, đem theo sắc lệnh không phải của chúa, vì chúa vẫn tỏ thịnh tình với tôi, nhưng của bà chúa xưa nay vốn ghét đạo, như tôi đã nói và nhất là bà đã thề sẽ hãm hại Inhaxu. Ông bắt đầu bắt giam một ông già cũng tên là Anrê, rồi sai một toán lính đến nhà chúng tôi để bắt Inhaxu đem giết". Vì hôm đó Inhaxu không có mặt, nên họ đã bắt thày giảng trẻ tuổi Anrê.

Những điều Đắc Lộ viết về người phụ nữ nguy hiểm này thì lại được Saccano nhắc tới, khi ông này đến thay Đắc Lộ truyền giáo ở Đàng Trong năm 1646. Saccano viết: "Nhất là hoàng hậu, bà này trước đây là vợ người anh cả của chúa và hiện nay là như chính phi, tuy theo luật nước bà chưa được kể là hoàng hậu, bà vô cùng ghét Inhaxu hơn mọi Kitô hữu khác...".

Chúa nói ở đây là Nguyễn Phúc Lan, con Nguyễn Phúc Nguyên. Còn người anh cả của chúa ở đây là Hoàng Tử Kì (chúng tôi sẽ nói thêm sau). Kì được đặt làm trấn thủ Quảng Nam năm 1614 và mất năm 1631. Còn về người vợ của người anh cả của chúa là Kì, thì nay góa chồng. Thực lục viết: "Tống Phước Thông (bấy giờ làm cai cơ) trốn về với họ Trịnh. Đầu là con gái Phước Thông là Tống Thị lấy hoàng tử Kỳ, sinh được ba con trai. Phước Thông mừng cho rằng sau này hắn được vinh hiển. Kịp khi Kỳ mất, Phước Thông đại thất vọng, bèn dẫn gia quyến lẻn ra ngoài cửa Eo (hiện nay là cửa biển Thuận An) trốn đi, duy có Tống Thị ở lại". Thế là chúng ta đã nắm được đầu dây để biết về Tống Thị vợ hoàng tử Kì.

Năm 1635 Nguyễn Phúc Lan lên nắm chính quyền và năm 1639 Thực lục viết: "Vợ lẽ cố Hoàng tử Kỳ là Tống Thị vào yết kiến. Tống Thị có vẻ xinh đẹp, khéo ứng đối, từng nhân việc vào ra mắt, đem tình trạng đau khổ kêu xin và xâu một chuỗi (ngọc) bách hoa để dâng. Chúa thương tình, cho được ra vào cung phủ. Thị thần có người can, nhưng chúa không nghe".

Việc Tống Thị vừa dựa vào nhan sắc vừa đánh vào sở thích của Nguyễn Phúc Lan thì phù hợp với những gì Saccano sau này viết về ông: ông rất thích ngọc trai, cho nên mỗi lần người nào tới thường đem dâng ngọc trai. Có lần ông thích ưa lên mũi hít lấy hít để. Thế rồi năm 1648, Thực lục viết: "Trước là Tống Thị đã được vào chầu cung phủ, đưa đón thỉnh thác, của cải chất đầy như núi. Trưởng cơ Trung mưu giết đi, Tống Thị sợ".

Và Thực lục cho biết tiếp là Tống Thị lại ngầm đưa ngọc trai ra Đàng Ngoài và mật báo cho Trịnh Tráng cất quân đánh nhà Nguyễn, sẽ có quân nội ứng. Năm 1648 Trịnh Tráng cất quân vào đánh nhưng Nguyễn Phúc Lan có Thế Tử thay làm tướng, đã đẩy lui được quân Trịnh Tráng. Thế nhưng Nguyễn Phúc Lan mất trên đường trở về phủ.

Nguyễn Phúc Tần lên ngôi và đặt chú ruột là Hoàng tử Trung làm chưởng cơ. Năm 1654 Thực lục cho biết: vì thấy Tống Thị làm chuyện bậy bạ nên Trung muốn trừ đi. Tống Thị sợ, bèn tìm cách tư thông với Trung, và xúi Trung đứng ra làm phản, bắt mối với Đàng Ngoài. Việc bị bại và Trung bị giam bị giam xuống ngục rồi chết. Bèn giết Tống Thị, lấy hết gia tài tán cấp cho quân dân".

Đó là số phận một người đàn bà có một không hai trong lịch sử, một người gian dâm gieo hoang tàn trong phủ chúa, giết hại người vô tội, năm 1644 đã cho xử tử Anrê và 1646 Inhaxu và Vinh Sơn. Tới nay 1654, sau bao tội ác, đã bị chết thê thảm. Như Thực lục có chép rành rành, người vợ của anh cả nhà chúa Nguyễn Phúc Lan chính là Tống Thị vậy.