PHẦN II: GIÁO SĨ ĐẮC LỘ VÀ LỊCH SỬ NƯỚC VIỆT NAM

Nhận định tổng quát

Để hiểu biết đất nước ta, thì chúng ta có những bộ sử như Đại Việt Sử Kí Toàn Thư, Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Đại Nam Thực Lục. Những bộ sử rất có giá trị này đều là những sách biên niên của triều đình, ghi lại tất cả những sự việc vua chúa làm. Nhưng lịch sử không phải là lịch sử các vua mà còn bao gồm các sinh hoạt kinh tế, văn hóa, phong tục và đời sống thường ngày của dân gian. Vì thế để bổ túc, có thể có những tài liệu khác như gia phả các dòng họ lớn, những kí sự, tùy bút của người đồng thời, những bài hay sách tường thuật như hành trình và lưu trú của những người ngoại quốc đến xứ ta, như Sứ giao châu thi tập của Trần Lương Trung nhà Nguyên mà Lê Quí Đôn có nói tới trong Kiến văn Tiểu Lục (Hà nội trang 68), như Annam Tức Sự của Trần Phú tả lại điện đài của nhà Trần ở Thăng Long (Nguyễn Khắc Ngữ, Mỹ thuật cổ truyền Việt Nam, trang 145, Mỹ thuật thời Trần, Hà nội 1977, trang 13), như Sứ Giao Kỉ Sự và Lược Biên của viên sứ thần nhà Thanh và một viên quan nước ta dự đám tiếp đón, tường thuật tỉ mỉ về việc sứ thần Trung quốc tới sắc phong cho vua Lê năm 1682 (Hoàng Xuân Hãn, Cuộc tiếp sứ Thanh năm 1683, trong T.S.K.H.X.H. Paris 1977 trang 5...). Ngoài ra cuốn Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, cuối thế kỉ 17 cũng cho chúng ta biết về nhiều chi tiết trong đời sống văn hóa, xã hội và kinh tế vào thời kì này.

Riêng về những sách người Âu châu viết về xứ ta, đặc biệt các nhà buôn và nhà truyền giáo, thì phải kể Marco Polo + 1324 (thực ra ông này có tới Chiêm Thành, chứ không đến nước ta), Ordonez de Cevallos người Tây Ban Nha, thế kỉ 16, rồi tới thế kỉ 17 thì có các giáo sĩ Dòng Tên. Những tài liệu hiện nay chúng ta được biết thì có Tường Trình của Gaspar Luis (1621), của Baldinotti (1626), của cha Borri (1631), rồi tới Đắc Lộ. Thực ra, Đắc Lộ là người đã để lại nhiều tác phẩm hơn cả, lại thuộc nhiều loại khác nhau, như chúng ta đã thấy.

Nhưng Đắc Lộ không phải là người đầu tiên viết về nước ta, trước ông phải kể đến Borri tới Đàng Trong năm 1618, và bỏ về Macao và Âu châu năm 1622. Nhưng năm 1621 ông đã viết một cuốn Tường Trình về Đàng Trong rất đặc sắc. Sách gồm hai phần: phần 1 về tình hình đời và phần 2 về tình hình đạo. Khi Đắc Lộ viết Lịch Sử Đàng Ngoài thì ông cũng nói về tình hình đời ở phần 1, và tình hình đạo ở phần 2. Cả hai phần đều phong phú và chứa nhiều chi tiết cho ta biết thêm về con người và Đất Nước Việt Nam vào thế kỉ 17.

Chúng tôi không thể bàn giải về hết những điều Đắc Lộ viết về con người và Đất Nước Việt Nam, bởi vì thời giờ không cho phép và chất liệu quá dồi dào. Riêng về Đàng Ngoài, nếu chỉ đưa mắt xem mục lục phần 1 của cuốn sách thì đã thấy như sau: danh hiệu và vị trí, về quyền hành chúa Trịnh, lực lượng, thuyền chiến, số binh lính, các nguồn lợi, cách trả lương quân sĩ, kỉ luật quân binh, hành chính trong nước, thi Hương thi Hội, hình luật, thổ sản, súc vật, hàng hóa và thương mại, tiền bạc trao đổi troig niớn,bncữtgam ổí rdn oưnc hhnn iêot nx dị đoan, Khổng giáo, Phật giáo và Lãoeốg áàng mã, giỗ chạp, gọi hồn, ngày khánh đản của nhà chúa, nghi thức cưới hỏi, Tết Nguyên Đán, về cung giọng và các dấu trong tiếng nói, về cách gọi tên trong gia đình. Có nhiều học hỏi đối với người đồng thời, thí dụ người ta được biết Đàng Ngoài ở vào vĩ tuyến 17 tới 23, Đàng Trong từ 12 tới 17 và toàn cõi từ 12 tới 23. Và trong khi những C. Colomb, Vasco de Gama, Magellan đã đi vòng quanh thế giới và vẽ địa đồ thì Con Trời vẫn còn tin trời tròn đất vuông - thiên viên địa phương - và vẽ nước mình lớn lao ở giữa và thiên hạ bé nhỏ bao chung quanh - Trung quốc.

Cuốn Hành Trình có hai bài độc đáo, một nói về tục uống trà tàu và một về thuốc dân tộc: Đắc Lộ rất thích uống trà nhất là khi thức khuya để giải tội. Khi đau yếu ông ưa dùng thuốc nam hiệu nghiệm hơn thuốc tây.