Giáo sĩ Đắc Lộ 1593-1660): Đi rao giảng (2)

Tháng 3 năm 1627 này cũng là năm Trịnh Tráng đem vua Lê và quân đội đi đánh Nguyễn Phúc Nguyên. Các thương gia người Bồ gặp nhà chúa trên đường vào Đàng Trong. Trịnh Tráng tiếp đón phái đoàn người Bồ và giáo sĩ khá nhiệt tình. Ông để thương thuyền người Bồ ở một quãng sông vùng Thanh Hóa cùng với đoàn thuyền cung nữ và hoàng thân, còn chúa thì đưa quân đánh Nguyễn Phúc Nguyên. Trong mấy tháng chờ đợi ở khúc sông này, Đắc Lộ đã bắt đầu làm việc truyền giáo và rửa tội được một số người, trong đó có hai người tiêu biểu cho giới trí thức, một ông đồ và một thày sãi, một người lấy tên rửa tội là Giuse và một là Inhaxu.

Khi bại trận trở về thì Trịnh Tráng vẫn niềm nở tiếp đón phái đoàn. Người Bồ đã dâng cho chúa một vũ khí để tự vệ, còn Đắc Lộ thì dâng một sách toán học Euclide in bằng chữ nho do các giáo sĩ bên Trung quốc đã thực hiện, và hai chiếc đồng hồ, một chạy bằng cơ giới và một chạy bằng cát. Trịnh Tráng xem ra rất ưng ý. Và ông đã đưa phái đoàn ngược sông Đáy về tới Kẻ Chợ. Lúc đầu Đắc Lộ được ở trong phủ chúa, nhưng để tiện việc ra vào của những người muốn đến học đạo, Đắc Lộ đã xin ra ngoài ở cho dễ bề giảng đạo. Trịnh Tráng bằng lòng và cho một khu nhà khang trang bề thế đã được dành riêng cho phái đoàn, có thể là mạn ô Cầu Dền ngày nay, không xa chùa Liên Phái thời danh (ngày nay vẫn còn). đây giáo sĩ đã mở một lớp giảng giáo lí, mỗi ngày sáu buổi, ba ban sáng và ba ban chiều, trong tám ngày liền. Kết quả rất khả quan, cuối năm 1627 đã rửa tội được 1200 người, trong số đó có một người em gái Trịnh Tráng được giáo sĩ đặt tên là Catarina. Vì bà tinh thông chữ Hán và giỏi về thi phú, nên bà đã viết thành thơ tất cả lịch sử cứu rỗi từ tạo thiên lập địa tới khi Chúa Cứu Thế ra đời và chịu chết chuộc tội thiên hạ. Bà còn thêm một đoản thiên kể lại lai lịch đạo Chúa gia nhập xứ này. Năm 1628 được thêm 2000 và năm 1629 thêm 3500.

Thế nhưng đã xảy ra việc chống đối. Đắc Lộ bị vu khống là làm phù phép lôi cuốn người ta theo đạo, hơn nữa người ta còn tố cáo ông làm tay sai cho chúa Khánh ở Cao Bằng và chúa Nguyễn Phúc Nguyên ở Đàng Trong. Năm 1629 lại là năm Đàng Ngoài bị nạn đói kém kinh khủng. Vua Lê đã đổi năm Vĩnh Tộ thành năm Đức Long. Trịnh Tráng ra lệnh trục xuất giáo sĩ, ông cho người đưa tiền bạc và vải vóc để cho giáo sĩ tìm đường vào Đàng Trong. Chúa còn cho một thuyền có người phục dịch để đưa giáo sĩ ra đi.

May sao khi thuyền tới vùng Thanh Nghệ thì được tin có đoàn thuyền người Bồ tới đem theo cha Gaspar d'Amaral. Thế là Đắc Lộ nhập bọn trở lên Kẻ Chợ, nhưng khi người Bồ trở về Macao thì cả D'Amaral, cả Đắc Lộ đều theo về. Đó là năm 1630. Ngược lên năm 1627 khi người Bồ trở về Macao còn Đắc Lộ thì được ở lại truyền giáo, Trịnh Tráng đã viết một thư bằng chữ Hán gửi tới cha phụ tỉnh Dòng Tên. Trong thư ông ngỏ ý bắt liên lạc xin gửi các giáo sĩ tới và nhất là xin thông thương buôn bán có lợi cho đôi bên. Bức thư này hiện còn được tàng trữ tại thư viện Vaticăng. Còn lần này, Đắc Lộ đưa về Macao một lá thư giáo dân Đàng Ngoài đệ trình lên Đức giáo hoàng Urbano 8, cầu đức thánh cha thương đến con dân Đất Nước Việt Nam và phái các giáo sĩ tới dạy dỗ chỉ bảo đạo lành, đạo thánh. Bức thư này hiện còn được tàng trữ tại Văn Khố Dòng Tên Roma.

Macao từ năm 1630 tới 1640, Đắc Lộ vừa dạy thần học vừa lo làm việc xã hội giúp người Tàu. Ông còn học thêm tiếng Trung quốc, nhưng theo lời ông nói thì ông không thông thạo tiếng Tàu bằng tiếng Việt. Dĩ nhiên, trong thời kì này, ông đã soạn cuốn Lịch sử Đàng Ngoài năm 1636, và hầu chắc chắn ông cũng đã viết Phép giảng, cuốn Ngữ Pháp và Từ điển Việt Bồ La ở đây.

Tới năm 1639 từ Đàng Trong, cha Buzomi về Macao dưỡng bệnh và nhân thể đi công cán lo cho chúa Nguyễn Phúc Lan một vài việc. Nhưng cũng vào năm này, Nguyễn Phúc Lan ra lệnh bắt bớ đạo: các giáo sĩ phải phân tán đi các nơi, một số trở về Macao, một số tá túc nơi đất Chàm. Thế rồi Đắc Lộ đã được lệnh trở lại Đàng Trong. Hẳn ông không mong gì hơn vì được dịp tới nơi ông đã hoạt động cách đây 14, 15 năm. Thế là từ năm 1640 tới 1645, bốn lần ông đi đi về về. Khi bị phát giác, ông lấy tàu trở về Macao, rồi khi có dịp ông lại tới. Có lần ông phải mua chiếc thuyền nhỏ làm thuyền nhân chèo chống sóng gió về tới Macao. Có lần ông đành theo người Tây Ban Nha về Phi Luật Tân để rồi từ Phi Luật Tân về Macao. Thế nhưng trong những thời kì ngắn ngủi lưu trú ở Đàng Trong này, ông đã ráo riết hoạt động. Ông đã phối hợp với đoàn thể các thày giảng mà lần lượt chia nhau đi thhmnclcợgiáo đoàn: về phía nam từ Hội An đi Quảng Ngãi, Qui Nhơn và Phú Yên, về phía bắc ra Huế, Quảng Trị và Quảng Bình. Ông đã ra tới lũy Thầy hay lũy Đồng Hới, tới ranh giới nhìn sang phía bên kia thuộc Đàng Ngoài dưới quyền Trịnh Tráng. Ông đã gặp đủ hết các giáo dân. Ông đã làm phép rửa, giải tội, dâng thánh lễ và giảng dạy. Ông đã gặp bà Maria Minh Đức Vương Thái Phi, tới tư dinh bà có hoàng tử Tôn Thất Khê con bà. Ông đã gặp quan trấn thủ Phú Yên có bà vợ theo công giáo thường gọi là bà Maria Madalêna hay Mađalêna. Quảng Bình, ông gặp ông trấn thủ tỉnh này rất hiểu biết đạo lí công giáo như thể là một người đã được rửa tội. Người ta có cảm tưởng ông say mê công cuộc truyền giáo, say mê muốn gặt cho xong ruộng lúa trước khi vầng ô xế bóng. Thế nhưng ông đã gặp phản ứng mãnh liệt về phía nhà chúa. Vì lời một người đàn bà mĩ nữ, Nguyễn Phúc Lan đã ra lệnh bắt đạo, nhất là đã để cho trấn thủ Quảng Nam đi lùng bắt thày Inhaxu. Không tìm được thày, người ta đã bắt Anrê và đem đi hành hình. Đó là vào tháng 7 năm 1644. Anrê đã bị chém đầu trước sự hiện diện và nâng đỡ của Đắc Lộ. Người đồ đệ thân yêu đã dâng máu mình tế lễ Chúa trước mặt giáo dân và giáo sĩ Đắc Lộ. Thi hài vị tử đạo được người Bồ đưa về Macao và được cả thành phố Macao đón tiếp và tôn sùng như một vị thánh tử đạo. Còn thủ cấp thì Đắc Lộ giữ lấy cho mình làm của lưu niệm vô cùng quí giá.

Rồi đến lượt Đắc Lộ, Nguyễn Phúc Lan ra lệnh trục xuất giáo sĩ và đe sẽ xử tử những ai còn dám đưa giáo sĩ tới. Ngày mồng 3 tháng 7 năm 1645 Đắc Lộ vĩnh biệt Đàng Trong để về Macao, để rồi không bao giờ trở lại nữa. Thật là thê thảm buổi tiễn đưa, giờ vĩnh biệt. Ông viết trong Hành trình: "Xác tôi rời bỏ Đàng Trong và Đàng Ngoài, nhưng thực ra lòng tôi vẫn quyến luyến cả hai nơi, và tôi chắc rằng không bao giờ lòng tôi lại quên được hai Xứ này". Về tới Macao, Đắc Lộ đã viết ngay bản tường trình sau này được ấn hành trong cuốn Tường Trình về Đàng Trong đã nói ở trên. Cũng ở đây và lúc này, Bề trên nhất định đưa giáo sĩ về Âu cđân. Không ai biết tình hình khu truyền giáo này hơn Đắc Lộ. Vậy việc trở về Âu châu này có ba mục đích: một là trình bày với đức thánh cha, xin ngài phái các giám mục tới Việt Nam, hai là cho các vua chúa biết những nhu cầu tinh thần và vật chất của những miền này và ba là để cho Bề trên Dòng gia tăng việc sai các giáo sĩ đến truyền giáo. Trong khi chờ đợi lấy tàu về Âu châu, Đắc Lộ còn dạy tiếng Việt cho hai giáo sĩ được chỉ định tới Đàng Trong tiếp tục công việc truyền giáo, đó là cha Saccano người đảo Sicilia (Ý) và cha De Rôca, người thành Turin (Ý).

Ngày 20 tháng 12 năm 1645 Đắc Lộ lấy tàu người Bồ đi Ấn Độ để về Âu châu. Cuộc hành trình đã gặp nhiều khó khăn. Malacca khi giáo sĩ từ Âu châu tới thì còn thuộc người Bồ, nhưng năm 1641 đã rơi vào tay người Hòa Lan theo Tin Lành. Rồi Đắc Lộ đã bị bắt giam giữ ở Jacquetra. Sau đó được thả và lấy tàu người Anh đi tới vùng Vịnh để rồi đi đường bộ về tới khu Địa Trung Hải, như chúng tôi đã nói qua ở trên. Cuộc hành trình kì thú này đã được kể lại trong cuốn Hành Trình và Truyền Giáo.

Tới Roma ngày 27 tháng 6 năm 1649, Đắc Lộ bắt đầu hoạt động nơi giáo triều, phổ biến tin tức và sách vở nói về những kết quả truyền giáo khả quan ở Việt Nam. Ông đã cho ấn hành bằng tiếng Ý cuốn Lịch sử Đàng Ngoài và Cuộc tử đạo thày giảng Anrê. Năm 1651, cho in Phép Giảng, Khái luận Việt ngữ và Từ điển Việt Bồ La.

Thấy ở Roma công việc chậm tiến triển, Đắc Lộ trở về Pháp và vận động nơi chính quyền đạo và đời, với mục đích phái giám mục qua Việt Nam. Pháp vừa vận động vừa "tuyên truyền", tung ra Lịch sử Đàng Ngoài, Cuộc tử đạo Anrê, Tường trình về Đàng Trong, Hành trình và truyền giáo, tất cả bằng tiếng Pháp gây một phong trào sôi nổi nơi giáo sĩ và giáo dân. Trong khi Dòng Tên chiêu mộ được một số đông giáo sĩ gửi qua Lisbon để xuống tàu đi Việt Nam, thì giáo hội Pháp cũng đã chuẩn bị phối hợp với tòa thánh phái các giám mục. Đã có lúc người ta định phong Đắc Lộ làm giám mục và sai đi. Nhưng vì nhiều lí do, ngài không nhận. Thế là Bề trên lại chỉ định Đắc Lộ đi giảng đạo ở Ba tư, nơi mà Đắc Lộ vừa qua trên đường từ Macao về Âu châu.

Tháng 11 năm 1654 lúc Đắc Lộ đã ngoài lục tuần, ông đã lên đường, nghĩa là xuống tàu đi Ba tư. Thực ra tuổi chưa nhiều nhưng đã hai lần vượt mấy trùng dương, nhiều lần bị phong ba bão táp, nhiều lần bị giam giữ tra hỏi, nhiều lần chịu đau khổ tinh thần và vật chất, Đắc Lộ hẳn thấy sức yếu dần. Lại một lần nữa, ông học tiếng Ba tư, nhưng theo lời ông, ông chỉ biết đại khái chứ không thông thạo như tiếng khác, đặc biệt tiếng Việt. Và ông đã tắt thở tại thủ đô Ba tư là Ispahan ngày 16 tháng 11 năm 1660, thọ 67 tuổi./.