"Đừng sợ Chúa Kitô! Người không lấy mất cái gì và Người ban cho moi sự"

VATICAN - Bài giảng Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI giảng trong Thánh Lễ khai mạc triều giáo hoàng của ngài, được tổ chức trong Quãng trường Thánh Phêrô hôm Chúa Nhật 24/4/2005



* * *

Kính thưa các Hồng Y,

Anh em Giám mục và linh Mục thân mến,

Thưa các thẩm quyền và chức sắc trong Ngoại Giao Đoàn,

Quý anh chị em thân mến,

Trong những ngày khẩn trương trọng đạinày, chúng ta đã hát kinh cầu các thánh trong ba dịp khác nhau: trong lễ an táng Đức Thánh Cha chúng ta là Đức Gioan Phaolô II; khi các Hồng y vào cơ mật viện; và đến hôm nay, khi chúng ta hát kinh đó với đáp ca: "Tu illum adjuva" - Xin Chúa nâng đỡ người kế vị mới của Thánh Phêrô. Trong mỗi dịp, một cách đặc biệt, tôi được an ủi nhiều khi nghe kinh hát cầu nguyện này.

Tất cả chúng ta cảm thấy cô đơn dường nào sau sự ra đi của Đức Gioan Phaolô II-vị Giáo Hoàng qua 26 năm đã là mục tử và người hướng dẫn chúng ta trong cuộc hành trình của chúng ta qua cuộc sống! Ngài đã đi qua ngưỡng cửa sự sống ngày sau, vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa. Nhưng ngài không bước đi như thế một mình. Những người tin không bao giờ cô đơn-dầu trong sự sống hay sự chết. Trong lúc đó, chúng ta có thể kêu cầu tới các thánh của mọi thời đại-bạn bè của ngài, anh chị em của ngài trong đức tin- vì biết rằng các thánh sẽ hình thành một cuộc kiệu sống động đưa ngài vào trong thế giới bên kia, vào trong vinh quang Thiên Chúa. Chúng ta biết sự đến của ngài được chờ đợi, bây giờ chúng ta biết rằng ngài ở giữa những người thân của ngài và ngài thật sự ở tại Nhà mình..

Chúng ta cũng được an ủi khi chúng ta long trọng đi vào Cơ Mật Viện, hầu chọn người Chúa đã tuyển lựa. Làm sao chúng ta có thể nhận ra tên của người ấy? Làm sao 115 giám Mục, từ mọi nền văn hóa và từ mọi quốc gia, có thể khám phá ra người mà Chúa muốn giao phó sứ vụ cầm buộc và tháo gỡ? Một lần nữa, chúng ta biết rằng chúng ta không cô đơn, chúng ta biết chúng ta được bao bọc, dẫn dắt và hướng dẫn bởi các bạn hữu của Chúa. Và giờ đây trong lúc này, tôi tớ yếu hèn của Chúa là tôi đây, tôi phải gánh lấy trách nhiệm to tát này, thật sự quá mọi khả năng con người. Làm sao tôi có thể làm được sư này? làm sao tôi có khả năng làm sự này? Tất cả chư huynh, các bạn hữu thân yêu của tôi, vừa mới kêu cầu toàn thể đạo binh các Thánh, được đại diện bởi một số danh lớn trong lịch sử những quan hệ của Chúa đối với nhân loại. Như vậy, tôi cũng có thể nói với lòng xác tín:nữa là tôi không cô đơn, tôi không phải gánh một mình điều mà trên thực tế tôi không bao giờ có thể gánh một mình. Tất cả các thánh của Chúa ở đó để bảo vệ tôi, nâng đỡ và gánh lấy tôi. Và những kinh nguyện của chư huynh, các bạn thân mến của tôi, lòng nhân hậu của chư huynh, tình yêu của chư huynh, đức tin của chư huynh và niềm hy vọng của chư huynh đồng hành với tôi.

Thực tế, sự hiệp thông các Thánh bao gồm không chỉ các người nam và nữ vĩ đại đi trước chúng ta và chúng ta biết tên các ngài. Tất cả chúng ta thuộc vào sự hiệp thông các Thánh, chúng ta là những người được rửa tội nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúng ta là những người kín múc sự sống từ ân huệ Mình và Máu Chúa Kitô, nhờ đó Người biến đổi chúng ta và làm chúng ta nên giống Người.

Vâng, Giáo Hội là sống động- đó là kinh nghiệm kỳ lạ của những ngày này. Trong những ngày buồn thảm do bịnh hoạn và sự chết của Đức Giáo Hoàng, điều hoá nên hiển nhiên cách kỳ diệu cho chúng ta là Giáo Hội sống động. Và Giáo Hội là trẻ trung. Giáo Hôi giữ trong chính mình tương lai thế giới và do đó chỉ cho mỗi người chúng ta con đường tới tương lai. Giáo Hội là sống động và chúng ta đang thấy sự đó: chúng ta đang cảm nghiệm niềm vui Chúa Phục Sinh đã hứa cho các môn đệ Người. Giáo Hội là sống động- Giáo Hội sống động vì Chúa Kitô sống động, vì Người đã thực sự sống lại. Trong sự đau khổ mà chúng ta thấy trên gương mặt Đức Thánh Cha trong những ngày Phục sinh này, chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm Thương khó Chúa Kitô và chúng ta sờ vào các vết thương Người. Nhưng suốt những ngày này chúng ta đã có khả năng cảm nghiệm niềm vui Người đã hứa, sau một thời gian đen tối ngắn ngủi như là hoa quả của sự phục sinh của Người.

Giáo Hội là sống động- với những lời này, với sự vui mừng và biết ơn, tôi chào tất cả anh em tập hợp ở đây, các Hồng Y và các giám Mục anh em khả kính của tôi, các linh mục, các phó tế yêu dấu của tôi, các người lao công Giáo Hội, các giáo lý viên. Tôi chào anh chị em, những người nam và nữ Tu sĩ, những chứng nhân sự hiện diện biến hình của Chúa. Tôi chào anh chị em, những thành phần giáo dân, chìm ngập trong nhiệm vụ cao cả xây dựng Nước Chúa kéo dài trên khắp thế giới, trong mọi lãnh vực đời sống. Với lòng yêu mến to lớn tôi cũng chào tất cả những người được tái sinh trong bí tích Thanh Tẩy nhưng chưa được hiệp thông đầy đủ với chúng tôi; và các bạn, những anh chị em Do thái của tôi, với các bạn chúng tôi được liên kết bằng một gia sản chia sẻ thiêng liêng lớn, một gia sản ăn rễ sâu trong những lời hứa bất di dịch của Chúa.. Sau cùng như một làn sóng tập hợp sức mạnh, ý nghĩ của tôi hướng về tất cả những người nam và nữ của ngày nay, những người tin cũng như không tin.

Các bạn thân mến! Lúc này tôi không cần giới thiệu một chương trình quản trị. Tôi đã có thể đưa ra một chỉ dẫn về điều tôi thấy như là nhiệm vụ của tôi trong Sứ Điệp ngày thứ Tư, 20/4, và sẽ có những dịp khác để làm như vậy. Chương trình thực sự quản trị của tôi không phải là làm theo ý muốn của tôi, không phải theo đuổi những ý nghĩ của tôi, nhưng là cùng với toán thể Giáo Hội lắng nghe lời và ý muốn của Chúa, được Người hướng dẫn, hầu chính Người sẽ hướng dẫn Giáo Hội trong giờ này của lịch sử chúng ta. Thay vì đặt ra một chương trình, tôi muốn đơn giản giải thích về hai biểu tượng phụng vụ trình bày sự khai mạc Thừa tác Vụ Phêrô; hơn nữa, hai biểu tượng này, phản chiếu rõ ràng điều chúng ta đã nghe công bố trong những bài đọc hôm nay.

Biểu tượng thứ nhất là Pallium, dệt bằng len tinh ròng, sẽ được đặt trên vai tôi. Dấu xưa đây, mà các Giám Mục Roma đã mang từ thế kỷ thứ tư, có thể được xem như hình ảnh ách của Chúa Kitô, mà Giám Mục Thành này, người Tôi tớ của các Tôi Tớ Chúa, mang trên vai mình. Ách của Chúa là ý muốn của Chúa, mà chúng ta chấp nhận. Và ý muốn này không đè nặng trên chúng ta, đè nén chúng ta và làm chúng ta mất tự do. Biết điều gì Chúa muốn, biết nơi nào gặp được con đường sự sống- đó là niềm vui của Israel, đó là đặc ân lớn của Israel. Đó cũng là niềm vui chúng ta: ý muốn của Chúa không làm cho chúng ta bị tha hóa , ý muốn đó thanh luyện chúng ta-mặc dầu điều này có thể gây nên đau khổ- và như vậy đưa chúng ta trở về với chúng ta. Như vậy, chúng ta phục vụ không những chính Người, mà còn sự cứu rỗi của toàn thế giới, của toàn lịch sử.

Biểu tượng dây Pallium còn cụ thể hơn: len con chiên có ý diễn tả con chiên lạc, bịnh hoạn hay ốm yếu mà người mục tử vác trên vai mình và đưa nó tới nước hằng sống. Đối với các Giáo Phụ, dụ ngôn con chiên lạc, mà người mục tử tìm kiếm trong hoang địa, là một hình ảnh mầu nhiệm của Chúa Kitô và Giáo Hội. Nhân loại- mỗi người trong chúng ta- là con chiên lạc trong sa mạc không còn biết đường về. Con Thiên Chúa sẽ không muốn cho điều này xảy ra; Người không thể bỏ nhân loại trong một điều kiện khốn khổ như vậy. Người nhanh chân và bỏ vinh quang thiên đình, hầu đi tìm con chiên và theo dõi nó, suốt con đường tới Thánh Giá. Chúa vác Thánh Giá trên vai mình và vác nhân loại chúng ta; Người vác tất cả chúng ta- người là đấng chăn chiên lành thí mạng sống vì con chiên. Điều mà dây Pallium chỉ rõ trước nhất và hơn hết là tất cả chúng ta được Chúa Giêsu vác. Nhưng đồng thời dây Pallium mời chúng ta gánh vác cho nhau. Do đó dây Pallium trở nên một biểu tượng về sứ vụ của mục tử, Bài đọc Thứ hai và bài Tin Mừng nói về sứ vụ này,

Người mục tử phải được linh hứng bởi sự nhiệt tình thánh thiêng của Chúa Kitô: đối với Người, nhiều kẻ sống trong hoang địa không phải là một vấn đề vô tư. Và có nhiều loại hoang địa. Có hoang địa nghèo khó, hoang địa đói khát, hoang địa bị bỏ rơi, bị cô lập, hoang địa tình yêu bị phá vỡ. Có hoang địa đen tối của Chúa, sự trống rổng của những linh hồn không còn biết phẩm giá của mình hay mục đích sự sống con người. Những hoang địa bên ngoài trong thế giới gia tăng, bởi vì những hoang địa nội tâm trở nên quá lan rộng.

Do đó những kho tàng địa cầu không còn dùng để xây dựng vườn của Chúa cho mọi người sống trong đó, nhưng những kho tàng ấy bị sử dụng để phục vụ những thế lực bóc lột và phá hủy. Giáo Hội xét về toàn thể và tất cả các Mục tử của Giáo Hội, như Chúa Kitô, phải ra mặt đưa dân chúng ra khỏi hoang địa, tới nơi sự sống, tới tình bạn với Con Thiên Chúa, tới Đấng ban cho chúng ta sự sống, và sự sống dồi dào. Biểu tượng con chiên cũng có một ý nghĩa sâu xa hơn. Trong vùng Cận Đông Xưa, các vua chúa có tập quán cho mình là mục tử của dân mình. Đây là một hình ảnh quyền lực của họ, một hình ảnh ích kỷ: đối với họ thì con dân của họ giống như những con chiên, mà người mục tử có thể định đoạt như mình muốn.



Khi mục tử của toàn nhân loại, Thiên Chúa hằng sống, đã chính mình trở thành con chiên, Người đứng về phía những con chiên, với những con chiên bị chà đạp và bị giết. Đó là lý do Người tự mạc khải là mục tử thật: "Tôi là Mục Tử Tốt Lành....Tôi thí mạng sống tôi vì con chiên," Chúa Giêsu nói về mình (Ga 10:14). Không phải quyền lực, nhưng tình yêu cứu chuộc chúng ta! Đây là dấu chỉ Thiên Chúa: chính Người là tình yêu. Biết bao lần chúng ta muốn cho Thiên Chúa chứng tỏ mình mạnh hơn, cho Người đánh vào một cách dứt khoát, bằng cách đánh bại sự dữ và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Tất cả các ý thức hệ về quyền lực tự biên minh theo đúng cách này, chúng biên minh sự phá hủy bất cứ cái gì đang trên đường phát triển và giải phóng nhân loại. Chúng ta chịu đau khổ vì sư nhẫn nại của Thiên Chúa. Nhưng, chúng ta cần sự nhẫn nại của Người.

Thiên Chúa, đấng trở nên con chiên, nói với chúng ta rằng thế giới được cứu bởi Đấng chịu Đóng Đinh, chớ không phải bởi những kẻ đóng đinh Người. Thế giới được cứu chuộc nhờ sự nhẫn nại của Thiên Chúa. Thế giới bị phá hủy bởi sự không nhẫn nại của con người.

Một trong những đặc điểm cơ bản của một mục tử là phải yêu thương những người được giao phó cho họ, cũng như họ yêu thương Chúa Kitô mà họ phục vụ. "Hãy chăn dắt chiên Thầy," Chúa Kitô nói với Phêrô, và bây giờ, trong lúc này, Người cũng nói như vậy với tôi. Chăn dắt có nghĩa là yêu thương, và yêu thương có nghĩa là sẵn sàng chịu đau khổ. Yêu thương có nghĩa là cho con chiên điều gì thật tốt, của ăn chân lý về Chúa, lời Chúa, của ăn bởi sự hiện diện của Chúa ban cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể. Các bạn thân mến của tôi -trong lúc này tôi chỉ có thể nói: hãy cầu nguyện cho tôi, hầu tôi học yêu mến Chúa ngày càng hơn. Xin cầu nguyện cho tôi, hầu tôi học yêu thương đoàn chiên Người ngày càng hơn -nói cách khác, là chư huynh, là Thánh Giáo Hội, là mỗi ngươi trong anh em và tất cả anh em. Hãy cầu cho tôi, hầu tôi không chạy trốn vì sợ sói dữ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, hầu Chúa sẽ gánh vác chúng ta và chúng ta sẽ học để gánh vác cho nhau.

Biểu tương thứ hai được sử dụng trong phụng vụ hôm nay để diễn tả sự khai mạc Thừa tác Vụ Phêrô là sự trình bày chiếc nhẫn ngư phủ. Sự kêu gọi Phêro làm mục tử như chúng ta nghe trong bài Tin Mừng, đến sau sự tường thuật mẽ cá lạ lùng: sau môt đêm các môn đệ thả lưới không thành công, các ông thấy Chúa Phục sinh đứng trên bờ. Người dạy các ông thà lưới một lần nữa, và lưới đầy cá đến nỗi các ông kéo không nổi; 153 con cá lớn: " và mặc dầu đầy cá, lưới không rách" (Ga 21: 11).

Tường thuật này, đến lúc kết thúc cuộc hành trình của Chúa Giêsu dưới thế với các môn đệ Người, tương ứng với một tường thuật lúc ban đầu: cũng ở đó, các môn đệ không bắt được gì suốt đêm; cũng ở đó, Chúa Giêsu đã mời Simon một lần nữa thả lưới chỗ nước sâu. Và Simon, chưa được gọi tên là Phêrô, thưa lại cách đáng khâm phục: "Lạy thày, vâng lời Thầy con xin thả lưới." Và sau đó tới việc trao sứ vụ."

Đừng sợ. Từ nay anh sẽ là ngươi cứu sống người ta" (Lc 5: 1-11). Ngày nay cũng vậy Giáo Hội và các người kế vị các Tông đồ được dạy chèo ra biển sâu lịch sử và thả lưới, hầu đem những người nam và nữ về với Tin Mừng -với Thiên Chúa, với Chúa Kitô, với sự sống thật.

Các Giáo phụ đã giải thích rất có ý nghĩa về nhiệm vụ đặc biệt này. Đây là những gi các ngài nói: đối với một con cá, được dựng nên sống trong nước, thì là một tai họa nếu bị bắt ra khỏi biển, bị đưa ra khỏi yếu tố sống còn của nó để nên thức ăn cho con người. Nhưng trong sứ vụ của một kẻ bắt cá người, điều ngược lại là đúng. Chúng ta đang sống trong sự tha hóa, trong những nước mặn đau khổ và chết chóc; trong một biển đen tối không ánh sáng. Lưới Tin Mừng kéo chúng ta ra khỏi nước sự chết và đưa chúng ta vào trong vẻ huy hoàng ánh sáng Thiên Chúa, vào trong sự sống thật. Điều đó đúng là thật: khi chúng ta theo Chúa Kitô trong sứ vụ này để nên kẻ bắt cá người ta, chúng ta phải vớt những người nam và nữ ra khỏi biển mặn với nhiều hình thức tha hoá và đưa vào đất sự sống, vào trong ánh sáng của Thiên Chúa. Thật sự là như vậy: mục đích của cuộc đời chúng ta là mặc khải Thiên Chúa cho con người.

Và chỉ nơi nào Thiên Chúa được thấy thì sự sống mới thật sự bắt đầu. Chỉ khi nào chúng ta gặp Thiên Chúa hằng sống trong Chúa Kitô thì chúng ta mới biết sự sống là gì. Chúng ta không phải là một sản phẩm tình cờ và vô nghĩa của sự biến hoá. Mỗi người chúng ta là hâu quả của một ý nghĩ của Thiên Chúa, Mỗi người chúng ta được muốn, mỗi người chúng ta được yêu, mỗi người chúng ta là cần.

Không có gì tốt hơn là bị đánh chiếm bởi Tin Mừng, bởi sự gặp gỡ với Chúa Kitô. Không gì tốt hơn là biết Người và nói với những người khác về tình bạn của chúng ta với Người. Nhiệm vụ của người mục tử, nhiệm vụ của kẻ lưới người ta, có thể thường xem ra mệt nhọc. Nhưng đó là một điều tốt đẹp và kỳ diệu, bởi vì đó thật sự là một phục vụ cho niềm vui, cho niềm vui của Thiên Chúa muốn xâm nhập vào trong thế giới.

Ở đây tôi muốn thêm một cái gì: hình ảnh người mục tử và hình ảnh ngư phủ là một tiếng gọi hiển nhiên phải hiệp nhất. "Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này; tôi cũng phải đưa chúng về, Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có môt đoàn chiên và một mục tử" (Ga 10:16); đó là những lời của Chúa Giêsu cuối bài diễn từ về Đấng Mục Tử Tốt Lành. Và tường thuật về 153 con cá to kết thúc với câu tuyên bố đầy vui mừng: "Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách" Ga 21:11). Than ôi, lạy Chúa mến yêu, bây giờ chúng con phải buồn mà công nhận rằng lưới bị rách! Nhưng không -chúng ta không nên buồn! Chúng ta hãy vui mừng vì lời Chúa hứa, không phỉnh gạt, và chúng ta hãy làm tất cả những gì có thể để theo đuổi con đường tới sự hiệp nhất Chúa đã hứa. Chúng ta hãy nhớ điều đó trong kinh nguyện chúng ta dâng lên Chúa, khi chúng ta nài xin với Người: vâng, lạy Chúa, xin nhớ lời hứa của Chúa. Xin ban cho chúng con thành một đoàn chiên và một chủ chăn! Xin đừng để lưới của Chúa bị rách, xin giúp chúng con nên những tôi tớ của sự hiệp nhất!

Tới đây, tôi nhớ lại ngày 22 tháng Mười 1978, khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II bắt đầu thừa tác vụ của ngài tại đây trong Quãng trường Thánh Phêrô. Những lời nói của ngài vẫn vang dội trong tai tôi: "Đừng có sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô!" Đức Giáo hoàng ngỏ lời với những người quyền thế, những người nắm quyền trên thế giới này, là những người sợ Chúa kitô có thể tước đoạt cái gì khỏi quyền phép của họ nếu họ để cho Người vào trong, nếu họ để cho đức tin được tự do. Vâng, Người sẽ chắc chắn lấy đi một cái gì khỏi họ: sự thống trị của tham nhũng, sự thao túng luật pháp và quyền tự do hầu làm như họ thích. Nhưng Người sẽ không lấy đi bất cứ sự gì thuộc về quyền tự do hay phẩm giá con người, hay là để xây dựng một xã hội công bằng.

Đức Giáo hoàng cũng nói với mọi người, cách riêng với giới trẻ. Có lẽ tất cả chúng ta sợ trong cách nào đó chăng? Nếu chúng ta để Chúa Kitô đi vào trọn vẹn trong cuộc đời chúng ta, nếu chúng ta mở lòng chúng ta trọn vẹn cho Người, chúng ta không sợ Người có thể lấy đi cái gì của chúng ta sao? Có lẽ chúng ta không sợ từ bỏ một cái gì có ý nghĩa, một cái gì độc nhất, một cái gì làm cho cuộc sống ra rất tốt đẹp dó sao? Chúng ta không liều bị giảm sút hay bị mất quyền tự do của chúng ta sao? Và một lần nữa Đức giáo Hoàng đã nói: Không. Nếu chúng ta để Chúa Kitô vào trong đời sống chúng ta, chúng ta không mất, không mất gì, hoàn toàn không mất sự gì làm cho sự sống nên tự do, tốt đẹp và cao thượng. Không! Chỉ trong tình bạn này mà các cửa sự sống được mở rộng. Chỉ trong tình bạn này là tiềm năng to lớn sự sống con người thật sự được mạc khải. Chỉ trong tình bạn này chúng ta mới cảm nghịệm vẻ đẹp và sự giải phóng.

Và do đó, hôm nay, với sức mạnh lớn và với niềm xác tín lớn, trên cơ sở kinh nghiệm sống cá nhân lâu dài, tôi nói với các bạn, hỡi giới trẻ thân yêu: Đừng sợ Chúa Kitô! Người không lấy đi cái gì, và Người cho các bạn mọi sự. Khi chúng ta hiến mình cho Người, chúng ta lãnh lại gắp trăm lần. Vâng, hãy mở, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô -và các bạn sẽ gặp được sự sống thật. Amen.