BÀI 2. CỘNG ÐOÀN GIA ÐÌNH : nghĩ gì ?
Ý NGHĨA TRIẾT HỌC

Ngay từ thời Thượng Cổ (Antiquité), chủ đề ‘‘Cộng đoàn gia đình’’ được các triết gia giải thích nhiều cách khác nhau. Theo Aristote (384-322 trước CN), ‘‘gia đình là cộng đoàn được thiết lập nhằm thoả mãn các nhu cầu của cuộc sống hàng ngày’’. Sau đó, để đáp ứng những nhu cầu không phải là thường nhật, các gia đình tụ họp lại thành làng thôn. Dân làng giúp đỡ nhau dể thỏa mãn những nhu cầu mà mỗi người không thể tự cung cấp.

Nhiều làng tập họp lại thành tỉnh thành, hay nói đúng hơn là thành quốc (Cité) có nhiệm vụ tự cung (autarie). Thành quốc hoàn tất tiến trình xã hội hóa. Thành quốc không chỉ nhằm nuôi sống, nhưng là an sinh. Thành quốc ngày nay được gọi là Nhà nước.

Từ gia đình đến thành quốc, trải qua giai đoạn làng thôn là sự tiếp nối, nhằm cứu cánh tự nhiên (finalité naturelle).

Cũng như Aristote, các triết gia đến sau đều đặt vấn đề xã hội tính (sociabilité) của gia đình. Auguste Comte (1798-1857) đi xa hơn khi đặt vấn đề tôn giáo và xã hội. Cộng đoàn gia đình và cộng doàn xã hội có trước khi mỗi cá nhân chào đời, và tiếp tục tồn tại sau ngày lìa đời. Mỗi người là một tế bào. Tôi lãnh nhận tiếng nói, văn hóa, hiểu biết, tư duy, hy vọng, tương lai của gia đình và xã hội. Cá nhân không thể sống biệt lập. Chủ nghĩa cá nhân là sai lạc vì cá nhân là thành phần của xã hội.

Sau này, Kant phân tích về sự xung đột của con người trong liên hệ với xã hội. Kant mượn lý thuyết của Newton để chứng minh sự cần thiết của cộng đoàn gia đình. Vũ trụ chuyển động là nhờ sự cân bằng giữa sức hút và sức đẩy :

Đôi ta như lửa mới nhen,
Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu.

Xã hội tính của con người tạo thành sức đẩy và sức hút nhân văn. Xã hội tính không chỉ hướng về người khác, nhưng đòi hỏi phát triển văn hóa.

Đối với Hegel (1770-1831), cộng đoàn gia đình là nguyên lý của triết học pháp luật. Hegel đã dành phần đầu của La Vie éthique (Sống đạo) để đề cập đến cộng đoàn gia đình. Theo Hegel, gia đình là đạo lý và thực thể trực tiếp. Sự hiệp nhất của gia đình được xây dựng qua tình thương yêu, kết hợp vợ chồng con cái. Hegel đưa ra một số đặc tính của gia đình :

Sự ấm cúng của gia đình
(intimité de la famille) :

Chim quyên ăn trái nhãn lồng,
Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi.

Gia đình đơn giản, khác với xã hội dân sự và Nhà nước, bởi vì gia đình là cộng đoàn ấm cúng (communauté intime), cộng đoàn hiện tại (communauté actuelle) gồm bố mẹ và con cái.

Theo Hegel, gia đình không phải là tập hợp được quy định bởi phát luật trừu tượng, nhưng được tạo thành bởi lòng yêu thương. Các cá nhân tập họp thành gia đình chỉ hiện hũu như thành viên của một tổng thể, không phải là các cá nhân độc lập, khách quan. Vì vậy, mỗi người liên kết với các thành viên khác bởi sự gắn bó tình cảm bền chặt. Cơ sở của gia đình là tình thương yêu vốn là nguyên tắc tồn tại. Sự đầm ấm của gia đình được diễn tả qua câu ca dao :

Vợ chồng đầu gối má kề,
Lòng nào mà bỏ mà về cho đang.
Hồ về chân lại đá ngang,
Về sao cho dứt cho đang mà về.

Theo Hegel, mỗi người trong gia đình đều có quyền hạn, nhưng đó là quyền đạo lý (droits éthiques), không phải là quyền theo nghĩa pháp lý. Sự phân biệt này là thiết yếu giúp mỗi người trong gia đình sống hòa hợp với nhau, thay vì tranh chấp, đòi hỏi quyền lợi riêng tư. Về điểm này, Hegel phê bình lý thuyết của Kant (1724-1804) cho rằng gia đình được tập hợp gồm các cá nhân riêng biệt. Theo Hegel, chỉ có gia đình mới có tư cách pháp nhân (thay vì mỗi cá nhân). Chính vì vậy không có quyền trong gia đình. Vấn đề quyền lợi pháp lý chỉ xuất hiện vào lúc chấm dứt cuộc sống gia đình.

Tính phi chính trị của gia đình
(caractère apolitique de la famille) :

Tình thương gia đình khác hẳn sư so đo, tính toán ngoài xã hội. Gia đình khác với Nhà nước, vì tình thương không có chỗ đứng trong cơ cấu Nhà nước (dans l’État, l’amour n’a pas sa place), nhường chỗ cho lý trí. Đây là điểm khác biệt giữa Hegel và Aristote. Aristote coi gia đình là tiền đề của xã hội. Gia đình dạy dỗ các con phải hành động cho xã hội, hun đúc lòng yêu nước. Nhưng gia đình không phải là Nhà nước, cũng không mang tính chính trị.

Theo Hegel, gia đình được phát triển vào ba thời điểm : lúc ‘‘lập gia đình’’ (constitution) Sau đó là giai đoạn khách quan hóa (objectivation), với của cải vật chất của gia đình. Giai đoạn kết tiếp là dạy dỗ con cái (éducation des enfants), sự ra đời của con cái là kết quả tình yêu thương của cha mẹ.

Hôn nhân, sự kết hợp giữa yếu tố tự nhiên và yếu tố siêu nhiên

Trước hết, hôn nhân là yếu tố tự nhiên (élément naturel) kết hợp tính dục nhằm sinh con đẻ cái. Yếu tố tự nhiên được thêm vào yếu tố siêu nhiên (élément spirituel) : Yếu tố này phát sinh từ ý thức tự tại của tình nghĩa vợ chồng. Hegel phân biệt tình yêu ý thức tự tại (amour conscient de soi) vượt lên trên thú vui vật chất. Hôn nhân không phải chỉ là quan hệ tính dục tự nhiên như các động vật nhằm tồn tại nòi giống, nhưng là quan hệ văn hóa (relation culturelle) và đạo đức (relation éthique). Hôn nhân còn là sự gặp gỡ văn hóa. Hegel không nhìn hôn nhân dưới khía cạnh sinh học, nhưng chủ yếu là đạo đức.

Hôn nhân là quan hệ đạo đức :

Theo Hegel, quan hệ đạo đức của gia đình kết hợp giữa bản năng và tình yêu một cách bền chặt và khách quan. Liên hệ đạo đức được thánh hóa và được diễn tả trong các ‘‘nơi chốn’’ (pénates), mang nhiều tên khác nhau : mái ấm, tổ ấm :

Nhà anh chỉ có một gian,
Nửa thì làm bếp nửa toan làm buồng.

Hôn nhân là cam kết tự do :

Hegel khai triển tính đạo đức của hôn nhân. Không phải là khía cạnh chủ quan của thường gặp : sự hấp dẫn của hai cá nhân khác phái. Khúc giao duyên trong văn chương dân gian dùng lối nói gián tiếp để diễn tả trực tiếp hấp lực tình yêu, theo diễn giải của Hegel :

Hôm qua tát nước đầu đình,
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà ?
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Khâu rồi anh sẽ trả công,
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho.
Giúp em một thúng xôi vò,
Một con lợn béo, một vò rượu tăm.
Giúp em đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.
Giúp em quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.

Cũng có thể hôn nhân là do cho mẹ tác thành. Tất cả khía cạnh này đều không cần thiết, chỉ là thứ yếu, lệ thuộc vào phong tục, tập quán và thời đại. Cơ sở khách quan, cần thiết là mỗi vợ chồng tương lai tự do ưng thuận kết hôn để tạo một sự hiệp nhất cao hơn, mang tính đạo lý nhằm từ bỏ sự tự lập tự nhiên (autonomie naturelle).

Hôn nhân đáp ứng mục đích thực hiện sự ấm cúng dựa trên tình yêu và sự tín nhiệm. Không phải là hai hành tinh hẹp hòi chung sống, mà là ‘‘hai chúng ta tuy hai mà một’’. Hegel muốn bù lại khuynh hướng vị kỷ thịnh hành bằng cách quay lại với chủ đề hiệp nhất bản thể (unité substantielle) có từ thời thượng cổ.

Hegel hạ thấp khuynh hướng tính dục tự nhiên và nâng cao liên hệ thiêng liêng. Việc hai vợ chồng tự do ưng thuận khác hẳn hợp đồng pháp lý. Hegel chỉ trích chủ trương của Kant coi hôn nhân là hợp đồng. Hegel trở về với quan niệm truyền thống của hôn nhân nhưng bác bỏ cái nhìn trừu tượng trong mối tình lý tường (amour platonique) theo cách nhìn của Platon (Platon ? platonique) :

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé,
Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân.
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lui dần...
Tôi nói khẽ : gớm làm sao nhớ thế
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Em tôi ơi, tình có nghĩa gì đâu,
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu ?
Hoa ân ái mong manh hơn nắng lụa,
Hoa bướm ngập ngừng, cỏ cây lần lữa,
Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi,
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi.
Em cứ hẹn, nhưng em đừng đến nhé
Tôi sẽ trách, cố nhiên, nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về,
Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề,
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ dỗ,
Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...
(Hồ Dzếnh)

Hôn nhân là liên hệ đạo đức tuyệt đối :

Tính đạo đức tuyệt đối của hôn nhân đưa đến hệ luận :

- một vợ một chồng (monogamie)
- những người chung huyết thống (consanguins) không được lấy nhau.

Ngoài ra, sự khác biệt tính phái (différence des sexes) trong hôn nhân mang tính đạo đức. Sự khác biệt tính phái được biểu hiện qua sự phân chia bổn phận trong gia đình. Theo Hegel, người chồng quản trị tài sản gia đình, đồng thời hướng về công việc ngoài xã hội. Người vợ có khuynh hướng tình cảm. Sự khác biệt đạo đức giữa nam và nữ là sự khác biệt giữa hoạt động hướng ngoài xã hội của người chồng và khuynh hướng hướng về nội trợ của người vợ. Tuy nhiên, cũng nên ghi nhận với sự biến chuyển xã hội ngày nay, số phụ nữ làm việc ngoài xã hội ngày càng nhiều.

Tài sản gia đình :

Gia đình là cộng đoàn đạo đức, xây dựng trên sự cam kết chung của hai vợ chồng để tạo thành một thực thể duy nhất, vượt trên sự chung sống của hai cá nhân riêng lẻ, biệt lập. Gia đình cần có vốn liếng để đảm bảo đời sống :

Của chồng, công vợ.

Đạo vợ nghĩa chồng.

Theo Hegel, tài sản gia đình không phải là của riêng của một cá nhân, nhưng thuộc về mỗi người trong gia đình :

Ở đời muôn sự cùa chung.

Mỗi thành viên chung sức làm việc để đóng góp vào gia sản chung này. Chủ gia đình là người có trách nhiệm về tài sản. Ý kiến của Hegel mang tính đạo lý, không phản ảnh quy định pháp lý về cùng một vấn đề.

Giáo dục con cái :

Trong gia đình, con cái biểu hiện tình yêu hiệp nhất của cha mẹ. Tình vợ chồng thêm bền chặt là nhờ con cái :

Con ai mà chẳng giống cha,
Cháu ai mà chẳng giống bà giống ông.
Con người có bố có ông,
Như cây có cội, như sông có nguồn.

Mục đích gia đình là giáo dục con cái. Theo Hegel, vai trò của cha mẹ là sửa soạn cho con cái trở thành một người tự do và độc lập. Giáo dục nhằm chuẩn bị cho con cái khôn lớn. Trong dân luật Pháp, điều 213 quy định cha mẹ có trách nhiệm dạy dỗ và sửa soạn tương lai con cái :

Ngày nào em bé cỏn con,
Bây giờ em đã lớn khôn thế này.
Cơm cha, áo mẹ, công thầy,
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao.
Hôn nhân giữa hai người có tín ngưỡng khác nhau :

Vấn đề hôn nhân giữa hai người có tín ngưỡng khác nhau thường là mối ray rứt của nhiều gia đình. Ngày nay, lễ hôn phối giữa hai người có tôn giáo khác nhau (confessions différentes) có thể cử hành tại nhà thờ do linh mục chủ lễ, nếu một trong hai bên là công giáo và bên còn lại ưng thuận. Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã nhận định về hôn nhân dị biệt (mariage mixte) như sau :

‘‘Người chồng hoặc vợ không phải là công giáo phải được cư xử vớI sự tôn trọng theo các nguyên tắc trong tuyên ngôn Nostra aetate của Công đồng Vaticanô II về sự liên lạc với các tôn giáo ngoài công giáo. Đối với các hôn nhân khác tôn giáo, cần bảo đảm việc gìn giữ đức tin của người vợ hoặc chồng công giáo, cũng như sự lựa chọn cho con cái được rửa tộI và được dạy dỗ theo phương cách công giáo. Người vợ hoặc chồng công giáo cần làm chứng cho đức tin và đời sống công giáo trong sinh hoạt gia đình.’’

Ca dao có câu thơ nói về sự kết hợp giữa vợ chồng khác tôn giáo :

A men lạy Đức Chúa Trời,
Có cho bên đạo bên đời lấy nhau.

Triết lý văn hóa dân tộc :

Khuynh hướng duy tâm tuyệt đối (idéalisme absolu) của Hegel phân tích về gia đình rất gần vớI văn hóa dân tộc. Sự tương đồng này giải thích chọn lựa của Trương Vĩnh Ký (1837-1898) nhằm kết hợp giữa giáo lý công giáo và văn hóa dân tộc, và được biểu hiện qua nhiều công trình nghiên cứu của Trương Vĩnh Ký mà MinhTâm Bửu Giám là một dẫn chứng. Minh Tâm Gửu Giám có nghĩa là tấm gương báu để soi sáng lòng người. Học giả họ Trương đã cắt nghĩa như sau : ‘‘Đây là một quyển sách góp nhặt những lời vàng tiếng ngọc của các bận Hiền triết hoặc Danh nhân thời xưa đã nói trong các kinh điển hay sách vở (vào cuối đời nhà Nam Tống), ngõ hầu để cho người đời sau học lấy và xem đó là tấm gương báu để soi sáng lòng người.’’

Trong thiên thứ tư nói về ‘‘Hiếu hạnh’’, sau phần trích dẫn chứ Hán, Trương Vĩnh Ký đã ghi chú nghĩa đen và nghĩa xuôi về cộng đoàn gia đình. Chúng tôi chỉ giữ lại nghĩa xuôi.

- Kinh Thi rằng : Cha sanh ta, mẹ nuôi ta. Thương thay cha mẹ sanh ta khó nhọc. Ta muốn đền ơn trả thảo cho cha mẹ vì ơn nghĩa cha mẹ bằng trời mênh mông không cùng’’.

- Con thảo mà thờ cha mẹ, ở với cha mẹ hết lòng cung kính, nuôi cha mẹ hết lòng vui vẻ, cha mẹ đau yếu hết lòng lo cho cha mẹ, cha mẹ mất để tang hết lòng thương, khi tế tự cha mẹ hết lòng nghiêm chỉnh.

- Nếu không thương cha mẹ mà đi thương người dưng thì gọi là trái đức, nếu không kính cha mẹ mà đi kính người khác thì gọI là trái phép.

- Có nuôi con mới biết công ơn cha mẹ, có ra sức lập thân mớI biết sự làm người cay đắng là bao nhiêu.

Nói chung, các triết gia duy tâm như Hegel cũng như văn hóa dân tộc đề cao khuynh hướng đạo lý của cộng đoàn gia đình. Đó là chất xúc tác khiến nguyên tắc không thể ly hôn (indissolubilité) trở thành điều tự nguyện nhằm lợi ích của mỗi người trong gia đình, từ vợ chồng đến con cái. Các suy nghĩ này không khác biệt với giáo huấn của Giáo Hội. Giáo huấn của Giáo Hội Công giáo về cộng đoàn gia đình sẽ được trình bầy trong phần 3 sau đây : Cộng đoàn gia đình : làm gì ?