Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney, Úc, là một thành viên trong Ủy ban Thông tin của Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa 15 vừa qua. Ngài cũng vừa được bầu vào Ủy ban Thường trực của Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa tới.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên Edward Pentin của hệ thống truyền hình Hoa Kỳ EWTN, vị Tổng Giám Mục dòng Đa Minh ca ngợi thiện ý của những vị tham gia trong Thượng Hội Đồng Giám Mục nhằm đưa người trẻ gần gũi hơn với Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Đức Cha cũng ca ngợi bầu khí chung của cuộc họp, và sự đóng góp của các dự thính viên trẻ.

Tuy nhiên, ngài cũng nhấn mạnh đến một số điểm mà ngài gọi là điểm yếu, trong đó có một sự thiếu tự tin “đáng thất vọng” về giáo huấn luân lý của Giáo Hội, một sự miễn cưỡng cung cấp các bản dịch, và gần như tất cả các Nghị Phụ trong Thượng Hội Đồng phải “câm nín” không được bổ sung thêm sau khi đã được phát biểu lần đầu.

Nhìn chung, Đức Tổng Giám Mục có mối quan tâm đặc biệt đối với cách tổ chức như hiện nay của Thượng Hội Đồng Giám Mục: “Trong Thượng Hội Đồng này, chúng ta đề ra những tín lý, nhưng một cách vội vã. Đây không phải là cách hình thành tín lý.”

“Một số nhà tổ chức dường như thất vọng vì ít nhất một nửa các Nghị Phụ và gần như tất cả các dự thính viên không người nào nói được tiếng Ý. Nhưng thực tế mà nói chưa tới 1% dân số thế giới này nói ngôn ngữ ấy”.

“Nếu Giáo hội muốn có các cuộc họp quốc tế thực sự, thì phải cải thiện cách thức hành động đối với vấn đề ngôn ngữ và phải bảo đảm rằng mọi người có được các văn bản bằng nhiều ngôn ngữ chính thức. Điều này đã không xảy ra tại Thượng Hội Đồng Giám Mục này.”

Mô tả tình hình cụ thể tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên, Đức Tổng Giám Mục nói:

“Các thông dịch viên cố dịch cho nhanh, để theo cho kịp, và các Nghị Phụ không thể ghi chép bằng ngôn ngữ của chính họ. Vì vậy, chúng tôi không chắc chắn về những gì chúng tôi đã được yêu cầu bỏ phiếu Thuận hay Không.”

Ngài nhận xét thêm rằng:

“Bất kỳ cuộc họp quốc tế nghiêm túc nào ngày nay đều nhận được các bản văn trước mặt họ bằng các ngôn ngữ chính thức. Nếu Liên Hiệp Quốc và các tổ chức mậu dịch quốc tế có thể làm điều đó, Giáo Hội cũng phải làm được.

Dĩ nhiên, tôi nhìn nhận rằng Vatican có số nhân viên ít hơn so với nhiều tổ chức quốc tế khác. Nhưng nếu chúng ta đã phải đầu tư vào chi phí di chuyển, chỗ ở và thời gian của 300 người trở lên trong hàng tháng trời, chi phí cho việc phiên dịch chuyên nghiệp có đáng là bao.”


Source: National Catholic Register Synod Reflections From Down Under: Interview With Archbishop Anthony Fisher