Chúa Nhật III Thường Niên B 2018

Mỗi người chúng ta gần như đang chứng kiến, đang nghe vọng về những tín hiệu của Mùa Xuân đang đến. Tiếng hát của chim, màu tươi của muôn hoa sắc lá, cái không khí ấm áp mát mẻ của bầu trời xanh với nắng đẹp…tất cả như đang hình thành một sứ điệp, một tin mừng : mùa đông đã qua, mùa xuân đang tới.

Nhưng đó là chuyện của thiên nhiên, của đất trời. Còn chuyện mà “bàn Tiệc Lời Chúa” muốn chuyển tải cho chúng ta hôm nay cũng là Tin Vui, cũng là Tin Mừng, nhưng là “Tin Mừng về Nước Thiên Chúa đang đến”; cũng là “mùa đông đã qua, mùa xuân đang tới”, nhưng không phải tiết mùa năm tháng của thiên nhiên đất trời mà là “mùa đông của nô lệ tội lỗi tối tăm đã qua” và “mùa xuân của phục hồi ân thánh đang trở lại”.

Nhưng trước khi đối diện với hiện thực của Tin Mừng mà Phúc Âm Mát-cô hôm nay khơi gợi, chúng ta lại phải đi qua, phải đón nhận một “TIN KHÁC”, một tin mà theo sách tiên tri Giona (Bđ 1), đã làm cho “người đưa tin” bực dọc chối từ, và làm cho dân thành Ninivê xôn xao sợ hải…!.

Thật vậy, chúng ta vừa nghe bài đọc 1 công bố với trích đoạn sách Giona, tường thuật về vị tiên tri mang cùng tên gọi, cứng đầu, bất đắc dĩ đã loan báo một “tin buồn dữ dội” : “còn 40 ngày nữa Ninivê sẽ bị tiêu diệt”. Trước “bản tin giật gân động trời nầy”, toàn dân Ni-ni-vê đồng loạt đứng lên cùng nhau khiêm hạ ăn năn sám hối. Và rồi “mùa đông băng giá của lắng lo đau buồn, của án phạt, đổ vỡ đã đi qua” để nhường chỗ cho một “mùa xuân của thứ tha và xót thương chợt đến”. Thiên Chúa thấy dân Ninivê ăn năn sám hối và Ngài đã mở lòng xót thương, không giữ lệnh phạt hủy diệt thành phố nầy.

Như vậy, chúng ta có thể nói được rằng : Bản tin chết người của Gio-na hóa ra lại là một TIN MỪNG. Nếu không nhờ cái “tin chết người” nầy, thì làm sao dân Ni-ni-vê chuyển đổi, ăn năn sám hối, làm sao họ được thứ tha.

Chắc chắn, cũng chính trong ý nghĩa “tin mừng về sám hối và thứ tha nầy”, mà khi Đức Ki-tô khi loan báo về “Tin mừng” Nước Thiên Chúa, thì đồng thời Ngài đã kêu gọi một động thái tinh thần cơ bản kèm theo đó là “Sám Hối” : “Thời kỳ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Nếu đem sứ điệp Tin Mừng nầy mà soi vào cuộc sống đời thường, thì quả thật, mỗi người Kitô hữu đều đã chứng kiến bao nhiêu lần “tin mừng đã đi qua cuộc đời”. Vâng, mỗi một lần từ tòa cáo giải đi ra, không phải là một tin mừng vừa đi qua cõi lòng chúng ta đó sao ? Mỗi một lần được đón nhận Mình Thánh Chúa, lại không là một lần đón nhận Tin mừng trọng đại đó sao ? Rồi xa hơn một chút, ngày chúng ta lãnh nhận bí tích hôn phối để nên duyên vợ chồng, ngày chúng ta lãnh nhần Chúa Thánh Thần khi chịu phép Thêm Sức, ngày chúng được lần đầu tiên xưng tội và rước lễ…Tất cả đều là những “mùa xuân của ân thánh”, những tin mừng ngút ngàn được trao ban. Mà chẳng tìm kiếm đâu xa, mỗi ngày, mỗi giây phút của cuộc sống, nếu chúng ta biết nhận ra ánh mắt nhân từ của Thiên Chúa, biết nhận thấy bóng dáng của hồng ân, biết tìm gặp bàn tay nhân ái và quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa chạm đến cuộc đời yếu đuối, tội lỗi, nghèo hèn của chúng ta….thì quả thật “Tin mừng đã dàn trải cả cuộc đời chúng ta, tin mừng đã giăng mắc khắp đường đi lối bước của chúng ta.

Một đức tin đúng nghĩa là một đức tin luôn tìm thấy “Tin mừng xuyên qua cuộc sống”. Và đó chính là điều Đức Kitô mang đến, là chính “Tin mừng về Nước Thiên Chúa” mà Đức Kitô đã công bố cách đây 2000 năm và Ngài truyền cho Giáo Hội tiếp tục chuyển tải cho thế giới, cho nhân loại. Vâng, Nước Thiên Chúa không ở đâu xa, đang ở đây, giây phút nầy, khi ta mở rộng cõi lòng đón nhận sự hiện diện ắp đầy của Thiên Chúa, tình thương cứu độ của Đức Kitô. Và như thế, Tin mừng đang hiện thực, niềm vui và hạnh phúc đang trổ hoa.

Và khi cảm nhận được một tin mừng như thế, điều còn lại chính là dấn thân đi ra, sẻ chia và loan báo. Đây chính là con đường, là mệnh lệnh mà Đức Ki-tô đã trao gởi cho mọi ki-tô hữu, không trừ ai.

ĐGH Phanxico đã triển khai nội dung “truyền giáo” nầy trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng bằng những kiểu nói hết sức sống động và mạnh mẽ :

“Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng.” (Số 20)

“Điều này có nghĩa là giáo xứ thực sự tiếp xúc với các gia đình và các cuộc đời của những con người, và không trở thành một cơ chế cách ly với con người hay một nhóm khép kín gồm một ít người được tuyển chọn.” (EG 28)

Ngài đã quyết liệt nói rằng : cuộc sống không chịu đi ra, không chịu loan báo, đã là cuộc tự sát từ từ :

“Chỉ người nào cảm thấy hạnh phúc khi tìm lợi ích cho người khác, mong muốn hạnh phúc cho họ, người ấy mới có thể là người truyền giáo. Sự mở lòng này là một nguồn vui, vì “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:35). Chúng ta không sống tốt hơn được khi trốn tránh, náu ẩn, từ chối chia sẻ, ngừng trao ban và đóng kín mình trong những tiện nghi của mình. Một nếp sống như thế không khác gì một cuộc tự sát từ từ.” (EG 272)

Tin Mừng chúng ta vừa nghe đã minh định rằng : Chính thái độ nhiệt tình, quảng đại mau mắn bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ cả người thân để lên đường theo Chúa Ki-tô, đã biến những anh dân chài quê mùa dốt nát xứ Ga-li-lê trở nên những Vị Đại Tông đồ ngàn năm bất tử. Thật vậy, nếu 2000 năm trước, những con người như Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan, Philipphê…không cảm nhận được vẽ đẹp tuyệt vời của Tin Mừng Nước Chúa, của sứ mệnh cao quý và khẩn thiết “đi chài lưới người”…thì làm gì có chúng ta hôm nay ? Cách riêng, cũng chính tại quê hương Cù Lâm thân yêu nầy, ông bà tổ tiên của chúng ta, chỉ vì dám chọn Tin Mừng Cứu Độ của Đức Kitô làm gia nghiệp và lẽ sống mà đã dám liều mình chấp nhận mọi đắng cay, thua thiệt, cho đến cả mạng sống ! Cái giá cao quý đó không là một chứng từ rõ nét để mỗi người chúng ta hôm nay noi dấu hay sao ?

Hôm nay, bây giờ, Chúa Giêsu vẫn đàng cần chúng ta, vẫn đang gọi mời mời : những người mẹ, người cha lam lủ hằng ngày, những thiếu nhi, thanh niên, những người nông dân, công nhân chân lấm tay bùn…tất cả không trừ ai, đều có thể lên đường để loan báo niềm vui Tin Mừng.

Trong một thế giới đang bị cám dỗ để chạy theo tiền tài, vật chất và những giá trị trần tục chóng qua, thì một lần nữa, lời Thánh Phaolô hôm nay trong Bđ 2, đã vang lên như một lời cảnh báo cần thiết : “bộ mặt thế gian đang qua đi”.

Chắc chắn, đó không là một lời nói “mị dân, phĩnh gạt” để chúng ta sao nhãng những trách nhiệm trần thế; nhưng cốt yếu, để luôn tỉnh táo và xác tín rằng : Chỉ có một điều mãi mãi tồn tại và mỗi ngày đang phát triển, đó chính là Nước Trời, là Đức Kitô, là Thiên Chúa tình yêu vĩnh cửu. Và vì thế, ưu tiên số một mãi mãi vẫn là “tìm kiếm Nước Thiên Chúa”, là loan báo “Tin Mừng Cứu độ của Chúa Giêsu”. Amen.