Lúc còn nhỏ tôi luôn được điểm số rất cao về môn giáo lý và nhận được nhiều bảng khen thưởng. Có thể nói là gần đến 100%. Tôi được gia đình và bạn bè ca tụng và tôi rất hảnh diện về thành công của tôi.

Lúc trưởng thành tôi đọc sách của Ðức Hồng Y John Henry Newman có đoạn viết như sau: “sự giáo dục chỉ tạo thành một người học thức và lịch sự, chứ không thể tạo thành một thánh nhân”

Ðiểm số cao về môn giáo lý không có nghĩa tôi là một học sinh rất mộ đạo, thánh thiện nhưng chỉ là một học sinh có trí nhớ tốt. Có điểm số cao tôi cũng chưa phải là học sinh có hạnh kiểm tốt nhất lớp.

Sự kiện xẩy ra cho tôi cũng có thể là một trong những vấn đề của Ðạo chúng ta. Những chân lý về Ðức Tin thường dựa trên tri thức hơn là những “dữ kiện tốt lành của cuộc sống” hay là tin cậy hoàn toàn vào Chúa Giêsu. Tri thức và hành động là hai địa hạt hoàn toàn khác biệt. Thánh Phao lồ nhiều lần bày tỏ là điều mình muốn làm thì không làm mà trái lại làm điều mình không muốn làm. Chúng ta cũng vậy , nhiều lúc chúng ta hành động trái với tiếng nói lương tâm và bước đi trong sai lạc. Những người giỏi giáo lý có thể nhiều khi chưa chắc là người thánh thiện trong nhiều trường hợp.

Sự thật là Ðạo chúng ta không thể dạy dỗ đầy đủ như là một môn chuyên khoa, dù là một giáo sư tài giỏi và thông thái.

Các phụ huynh thời nay cảm thấy lo sợ vì không được huấn luyện đầy đủ về giáo lý để dạy lại cho con cái mình vì họ nghĩ rằng họ không đủ khả năng tri thức để làm công việc này.

Tôi muốn trình bày Ðức Tin trong một khung cảnh thật đơn sơ. Dạy giáo lý phải bắt đầu lúc đứa bé còn nhỏ trong gia đình. Ðâu cần phải thông thái mới theo chân Chúa Giêsu Kitô được! Ðiều chúng ta trình bày ở đây không phải là vài giờ học hay một vài tuần lễ học hỏi về giáo lý mà gìn giữ hạnh kiểm tốt lành trong suốt cả đời sống. Ðiều chắc chắn là trẻ con học giáo lý không phải là những điều cha mẹ nói mà chính là lối sống và tư cách của cha mẹ mình.

Nếu trẻ con thấy cha mẹ mình dịu dàng và nhân ái với chúng cũng như với tha nhân thì chúng đã học được một bài học nhân ái cho suốt cả đời sống. Nếu trẻ con thấy cha mẹ đón tiếp giúp đỡ người vô gia cư thì chúng cũng sẵn sàng đón tiếp Chúa Kitô. Nếu trẻ con thấy cha mẹ mình hút xách, say sưa hoặc chỉ trích châm biếm người khác vì họ gặp nghịch cảnh thì chúng sẽ nhìn phía đen tối của cuộc đời.

Nếu những bậc cha mẹ có con còn nhỏ dại và không còn có trường học Công giáo nữa, thì cũng đừng quá lo sợ về sự hiểu biết về giáo lý của mình mà nên chú ý đến cách sống theo như Ðức Tin của mình trong đời sống hằng ngày. Cha mẹ là nhà giáo dục đầu tiên và cũng là cuối cùng cho con cái của mình. Những đứa con đều thấy rõ lối sống của cha mẹ mình tốt hay xấu, có sống như người phúc đức công chính kính sợ Thiên Chúa không? Những gương lành đó sẽ ăn sâu vào tâm trí chúng và làm mẫu mực cho cuộc sống của chúng.

Các trường học nhà nước bây giờ chỉ chuyên chú đến khoa học và gạt bỏ tôn giáo và đạo đức ra ngoài, điều này cần xét lại trách nhiệm của cha mẹ về việc dạy giáo lý cho con cái. Tuy vậy cũng đừng nên quá hoảng sợ. Chỉ cần biết đọc biết viết và một đời sống đạo đức là có thể hướng dẫn con cái đi đúng đưòng lối của Thiên Chúa.

Tôi biết những điều tôi trình bày ở đây quá đơn giản, nhưng tôi tin chắc chắn nếu sống một đời sống như một Kitô hữu chân chính thì đó là cách dạy giáo lý rất có hiệu quả đối với con cái. (By Charles Callahan)