Những bí ẩn về biến cố ngày 11.11.1960

Cuộc đảo chánh ngày 11.11.1960 đã xẩy ra cách đây 44 năm, nhưng còn nhiều bí ẩn vẫn chưa được tiết lộ hết. Một câu hỏi quan trọng đã được đặt ra: Người Mỹ có dính líu gì đến biến cố này không? Mặc dầu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận những lời cáo buộc cho rằng Hoa Kỳ có dính líu đến vụ này, nhưng dựa vào một số bằng chứng, nhiều người vẫn tin rằng Hoa Kỳ đã đứng đàng sau. Ngay cả những người trong cuộc cũng cho biết như thế.

Đã có nhiều người viết lại biến cố này, đặc biệt là Trung Tá Vương Văn Đông, người tổ chức cuộc đảo chánh, và Đại Tá Phạm Văn Liễu, người có góp phần vào việc thực hiện biến cố. Nhưng không ai viết giống ai. Những bí ẩn đàng sau vẫn không được nói ra hết. Cùng một chuyện mà Vương Văn Đông viết khác, Phạm Văn Liểu viết khác. Riêng Phạm Văn Liễu, vì không có khả năng viết, nên đã để cho tên viết mướn mượn ba tập hồi ký “Trả Ta Sông Núi” của ông, đưa phịa sử vào để chống Thiên Chúa Giáo và chống Mặt Trận, giống hệt như kiểu hồi ký của Đỗ Mậu, thành ra hồi ký chẳng ra hồi ký, sự kiện lịch sử chẳng ra sự kiện lịch sử, mà là một đống tả phì lù. So với nhóm viết cuốn hồi ký “20 Năm Binh Nghiệp” của Tướng Tôn Thất Đính, tên viết mướn này kém ơn nhiều.

Có lẽ người có thẩm quyền nhất để viết về biến cố này là Đại Tá Trần Khắc Kính, người được Tổng Thống Ngô Đình Diệm chỉ định đứng ra mở cuộc điều tra sau khi biến cố xẩy ra. Ông đã thẩm vấn tất cả những người liên hệ không chạy thoát ra ngoại quốc được và làm một bản phúc trình rất đầy đủ. Khi ra hải ngoại, ông đã cố gắng ghi lại những gì ông còn nhớ. Nhờ vậy chúng ta được biết thêm nhiều bí ẩn và nhiều chi tiết mà những người trong cuộc không muốn hay không dám nói ra.

Để giúp độc giả nắm vững một cách dễ dàng diễn tiến của nội vụ, chúng tôi xin tường thuật lại những nét chính với một số sự kiện chưa được tiết lộ. Toàn bộ tài liệu này sẽ được đưa vào cuốn sử liệu chúng tôi sắp xuất bản.

MẦM MÓNG ĐẢO CHÁNH

Chính phủ Ngô Đình Diệm bắt đầu gặp khó khăn với chính phủ Hoa Kỳ kể tứ khi ông Elbridge Durbrow được cử làm Đại Sứ tại Việt Nam Cộng Hòa. Ông đến nhận chức ngày 13.4.1957.

Sự xuất hiện của Đại Sứ Durbrow làm giới đối lập tại miền Nam lên tinh thần. Ngày 6.5.1957, nhóm Hoàng Cơ Thụy, Phan Quang Đán, Nghiêm Xuân Thiện và một số chính khách đã mở cuộc họp báo, tuyên bố thành lập Khối Liên Minh Dân Chủ và xác định đây là một tổ chức đối lập hợp pháp với chính quyền. Nhóm này đòi hỏi phải cải cách chế độ chính trị tại miền Nam, mở rộng chính phủ cho mọi thành phần chính trị khác nhau được tham gia.

Khi Hà Nội tăng cường áp lực quân sự tại miền Nam và bắt đầu mở chiến tranh du kích đánh phá khắp nơi, Tướng Samuel T. Williams, Trưởng Nhóm Viện Trợ Quân Sự và Cố Vấn (Military Assistance and Advisory Group - MAAG) chủ trương phải xây dựng một quân đội mạnh cho miền Nam Việt Nam để đối phó với Cộng quân. Trong khi đó, Đại Sứ Durbrow lại chủ trương rằng viện trợ quân sự phải đi đôi với cải cách chính trị và kinh tế. Ông đòi hỏi phải thay đổi cơ chế chính quyền miền Nam và thực thi dân chủ. Ông tỏ ra bênh vực những đòi hỏi của Khối Liên Minh Dân Chủ.

Đầu năm 1960, Đại Sứ Durbrow đã đích thân vào gặp ông Diệm và nói rằng những hoạt động khủng bố của ông Ngô Đình Nhu sẽ làm hại chế độ. Từ đó, hai người ít khi nói chuyện với nhau. Khi quân đội VNCH bị thiệt hại nặng vì các cuộc tấn công của Cộng quân, chính phủ Ngô Đình Diệm đã đề nghị Hoa Kỳ tăng viện về quân sự, ông Durbrow đồng ý nhưng đòi hỏi phải nới rộng chế độ báo chí và tổ chức bầu cử ở nông thôn! Có lẽ ông nghĩ rằng một khi nông thôn có dân chủ, nông dân sẽ không còn theo Việt Cộng nữa!

Ngày 26.4.1960, 18 nhân vật miền Nam họp tại nhà hàng Caravelle đưa ra một bản tuyên ngôn yêu cầu “chính quyền gấp thay đổi chính sách để cứu vãn tình thế...” và xây dựng một quốc gia “thanh bình và thịnh vượng trong Tự Do và Tiến Bộ”. Vì họp tại nhà hàng Caravelle nên nhóm này thường được gọi là nhóm Caravelle. Đứng đầu nhóm này có Trần Văn Văn, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Nguyễn Lưu Viên, Phan Huy Quát, Trần Văn Lý...

Trong một báo cáo gởi về Washington ngày 16.9.1960, Đại Sứ Durbrow nói rằng sự bất mãn của dân chúng tại miến Nam ngày càng tăng, nhất là những sự bàn tán về vợ chồng ông Ngô Đình Nhu. Theo ông, dù dư luận đúng hay sai, nên đưa ông Ngô Đình Nhu cũng như ông Trần Kim Tuyến đi làm đại sứ ở một nơi nào đó. Ông cho rằng nếu không có những sự thay đổi như vậy, sẽ không tránh khỏi bị đảo chánh. Tuy nhiên, Tướng Lansdale đã phản đối đề nghị này. Ông nói rằng loại bỏ Ngô Đình Nhu không khác gì cắt cánh tay mặt của ông Diệm. Loại Trần Kim Tuyến cũng không được. Ngày 21.9.1960, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đã họp và đưa ra khuyến cáo chính phủ Ngô Đình Diệm phải mở rộng chính phủ, đồng thời ra lệnh cho cơ quan MAAG phải chịu trách nhiệm về việc huấn luyện Bảo An và Dân Vệ cho Việt Nam.

Tướng Trần Văn Đôn cho biết, trước khi có cuộc đảo chánh ngày 11.11.1960 mấy tháng, có một người Mỹ tên là Miller, đã đến Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn I gặp ông và nói bằng tiếng Pháp:

- Trung Tướng nghĩ tình hình trong nước thế nào?

Tướng Đôn trả lời:

- Không đẹp như tôi đã mong nuốn.

- Như vậy Trung Tướng có nghĩ nên có người khác thay thế Tổng Thống Ngô Đình Diệm?

Tướng Đôn hỏi chẳng hạn như người nào, Miller nói: “Ví dụ... ông Trần Văn Hữu, cựu Thủ Tướng”. Tướng Đôn cười và trả lời: “Ông đó đã lỗi thời rồi”.

(Việt Nam Nhân Chứng, tr. 156 - 157)

Russell Flynn Miller là một nhân viên tình báo cao cấp của Mỹ, được phái đến Sài Gòn năm 1958 để tổ chức “Phòng Tình Báo Bắc Tuyến” với mục đích đưa tình báo ra hoạt động tại miền Bắc.

THẤY TRƯỚC MÀ BƯỚC KHÔNG QUA!

Ông Cao Xuân Vĩ cho biết câu chuyện nói trên đã đến tai ông Ngô Đình Nhu, nhưng ông Ngô Đình Nhu không bao giờ tin rằng người Mỹ sẽ xử dụng Trần Văn Hữu, vì hai lý do: Lý do thứ nhất, ông ta là con bài của Pháp. Lý do thứ hai, ông ta đã lỗi thời rồi, đúng như Tướng Đôn đã nói. Ông Nhu cho rằng đây chỉ là một hình thức bắn tin để thăm dò. Ông tin rằng người Mỹ sẽ xử dụng nhóm Khối Liên Minh Dân Chủ mới được hình thành, nên đã đưa ra các biện pháp đề phòng nhóm này. Hai người được ông Nhu quan tâm đặc biệt, đó là Luật sư Hoàng Cơ Thụy và Bác Sĩ Phan Quang Đán.

Luật sư Hoàng Cơ Thụy có người cháu là Trung Tá Nguyễn Triệu Hồng, đảng viên Đảng Đại Việt. Để ngăn chận Luật sư Hoàng Cơ Thụy kết hợp với Trung Tá Hồng làm đảo chánh, ông đã cho thuyên chuyển Trung Tá Hồng ra khỏi Lữ Đoàn Dù và đưa về Trường Đại Học Quân Sự làm Giám Đốc Ban Chiến Thuật. Nhưng Trung Tá Nguyễn Văn Châu, người điều khiển Quân Ủy Cần Lao, thành lập “Tổ chức Công Tác Chính Quyền” để điều hành quân đội, đã kết nạp Trung Tá Hồng vào khối này mà không hay biết ông ta là một đảng viên Đại Việt và đang bị ông Ngô Đình Nhu canh chừng.

Đại Tá Trần Khắc Kính kể lại rằng trong một lần nói chuyện về sinh hoạt của Quân Ủy Cần Lao với ông Nhu, ông đã nhắc đến những người đang sinh hoạt trong khối “Tổ Chức Công Tác Chính Quyền” của Quân Ủy. Khi nghe đến tên Trung Tá Nguyễn Triệu Hồng, ông Nhu có vẻ ngạc nhiên và nhăn mặt lại. Nhưng ông ta vẫn tỏ ra bình tỉnh như không có chuyện gì xẩy ra cả.

Đại Tá Kính cho biết tổ chức này thường họp tại trụ sở ở đường Phạm Đăng Hưng, Sài Gòn. Mỗi lần họp, Châu thường giao cho Hồng làm thư ký. Hồng thường không phát biểu gì, chỉ ngồi yên lặng ghi chép. Ít lâu sau, Tổng Thống Diệm đã ra quyết định giải tán Quân Ủy Cần Lao và cất chức Nguyễn Văn Châu. Quân Ủy Cần Lao được cho hoạt động lại dưới hình thức khác là Ban 5 do Đại Tá Lê Quang Tung điều khiển. Trung Tá Nguyễn Triệu Hồng không được cho đến sinh hoạt với Ban 5 nữa.

Ngoài Trung Tá Hồng, ông Nhu còn chú ý đến Trung Tá Vương Văn Đông, Tư Lệnh Phó Lữ Đoàn Dù. Trung Tá Lâm Ngọc Huấn có ba người con gái: Cô đầu là Pauline lấy ông Trần Lê Quang, Bộ Trưởng Công Chánh. Cô thứ hai là Josephine lấy Trung Tá Hồng. Và cô thứ ba là Yvonne lấy Trung Tá Đông. Như vậy, Trung Tá Hồng và Trung Tá Đông là anh em cột chèo. Nghĩ rằng Trung Tá Hồng có thể dụ Trung Tá Đông dùng Lữ Đoàn Dù để làm đảo chánh nên vào tháng 5 năm 1960 ông Nhu đã cho thực hiện một cuộc chấn chỉnh lại Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn Dù để loại luôn Vương Văn Đông và các tay chân bộ hạ của Đông. Ông đưa Vương Văn Đông về trường Đại Học Quân Sự làm Giám Đốc Khoa Tham Mưu và cử Trung Tá Nguyễn Quốc Tuấn thay thế. Thiếu Tá Nguyễn Văn Lộc, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3 Dù, được thăng lên làm Tham Mữu Trưởng Lữ Đoàn Dù thay thế Thiếu Tá Phan Trọng Chinh đi làm Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân. Đại Tá Nguyễn Chánh Thi vẫn làm Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù, vì cả ông Diệm lẫn ông Nhu rất tin tưởng Đại Tá Thi.

Mặc dầu đã đề phòng như vậy, đảo chánh vẫn xẩy ra!

ÂM MƯU ĐẢO CHÁNH

Biết mình đang bị cô lập, Nguyễn Triệu Hồng và Vương Văn Đông đã bàn nhau tìm cách thuyết phục đàn em còn lại trong Lữ Đoàn Dù để làm đảo chánh, nhưng không cho Đại Tá Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Lữ Đoàn biết, vì cho rằng ông này là người trung thành với Ngô Đình Diệm.

1.- Những thành phần chủ chốt

Mặc dầu không còn trong Lữ Đoàn, với uy tín của mình, Vương Văn Đông đã thuyết phục được những thành phần chủ yếu sau đây của Lữ Đoàn Dù tham gia đảo chánh:

  • - Trung Tá Nguyễn Quốc Tuấn, Tư Lệnh Phó.
  • - Thiếu Tá Nguyễn Văn Lộc, Tham Mưu Trưởng.
  • - Đại Úy Trương Quang Ân, Trưởng Phòng 3.
  • Ngoài các cấp chỉ huy Lữ Đoàn Dù nói trên, Vương Vương Văn Đông và Nguyễn Triệu Hồng còn kết nạp được:
  • - Thiếu Tá Phan Trọng Chinh, người vừa mới từ Lữ Đoàn Dù qua làm Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân, vì Thiếu Tá Chinh là người đã từng được Vương Văn Đông giúp đỡ trước đây.
  • - Đại Úy Nguyễn Thành Chuẩn, sĩ quan Dù được biệt phái qua làm Chỉ Huy Phó Biệt Động Quân.
  • - Thiếu Tá Nguyễn Huy Lợi, Trưởng Phòng Hành Quân tại Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu.
Nhóm này đã họp nhiều lần tại nhà Vương Văn Đông ở Cư Xá Lữ Gia để bàn kế hoạch đảo chánh, nhưng Đại Tá Nguyễn Chánh Thi và An Ninh Quân Đội không hay biết. Một Hội Đồng Cách Mạng được thành lập do Vương Văn Đông làm Chủ Tịch, Nguyễn Triệu Hồng làm Ủy Viên Chính Trị và Liên Lạc, Nguyễn Huy Lợi làm Ủy Viên Quân Sự. Nhưng nhóm này thấy rằng ngoài Lữ Đoàn Dù, cần phải kết hợp thêm một số nhân vật và đơn vị quanh Sài Gòn nữa mới có thể tổ chức đảo chánh được. Thiếu Tá Nguyễn Huy Lợi đã kết nạp thêm được Thiếu Tá Phạm Văn Liễu, Tham Mưu Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, và Đại Úy Nguyễn Kiên Hùng, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến.

Tuy nhiên, muốn áp đảo được các lực lượng phòng thủ tại đô thành, quân đảo chánh cần có Pháo Binh và Thiết Giáp. Thiếu Tá Nguyễn Huy Lợi có người anh là Đại Úy Nguyễn Tiến Lộc đang làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 27 Pháo Binh đóng tại Dĩ An, cách Sài Gòn khoảng 25 cây số, nên đã thuyết phục Đại Úy Lộc tham gia đảo chánh. Đại Úy Lộc đồng ý. Về thiết giáp, Thiếu Tá Lợi nhờ Thiếu Tá Phạm Văn Liểu giúp. Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp ở Gò Vấp do Trung Tá Lâm Quang Thơ làm Chỉ Huy Trưởng, nhưng việc thuyết phục Trung Tá Thơ tham gia đảo chánh rất khó vì ông này thuộc loại trung thành với ông Diệm. Vì thế, Thiếu Tá Liểu đã nghĩ đến Thiếu Tá Nguyễn Duy Hinh, tốt nghiệp thủ khoa Khóa 1 Nam Định, đang là Chỉ Huy Phó đơn vị này.

2.- Thanh toán một trở ngại

Ngoài những khó khăn trên, nhóm âm mưu đảo chánh còn gặp một trở ngại khá lớn là Thiếu Tá Ngô Xuân Soạn, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 Dù. Viên sĩ quan này tuy đánh giặc rất giỏi, nhưng tính tình ngang ngược, rất khó nói chuyện. Cuối cùng, nhóm tổ chức đảo chánh quyết định thanh toán Thiếu Tá Soạn trước khi ra tay.

Chiều 10.11.1960, Vương Văn Đông sai Đại Úy Nguyễn Thành Chẩn lên Thủ Đức mời Thiếu Tá Ngô Xuân Soạn về gặp Thiếu Tá Nguyễn Văn Lộc. Nhà Thiếu Tá Lộc ở trại Phạm Công Quân, gần ngã tư Bảy Hiền (khu Bệnh Viện Vì Dân sau này). Thiếu Tá Ngô Xuân Soạn đang say rượu, nên Đại Úy Nguyễn Thành Chẩn phải đẩy lên xe chở về. Đại Ủy Chuẩn đã bỏ Thiếu Tá Soạn trước nhà Thiếu Tá Lộc rồi ra đi. Thấy Thiếu Tá Lộc ở trong nhà, Thiếu Tá Soạn chửi thề: “ĐM, mầy kêu tao xuống đây làm gì vậy? Tao đã say thế này rồi mà còn nhậu cái quái gì nữa?” Thiếu Tá Lộc chỉ cười. Khi Thiếu Tá Soạn đi vào một hành lang tối, hai binh sĩ phục sẵn đã nhảy ra đâm chết rồi đem xác vùi ở vườn cao su Phú Thọ.

Đại Tá Trần Khắc Kính cho biết khi bị thẩm vấn, Đại Úy Nguyễn Thành Chuẩn đã tỏ ra ân hận. Anh ta khai rằng anh ta không hề biết Vương Văn Đông và Nguyễn Văn Lộc âm mưu giết Ngô Xuân Soạn. Nếu anh biết, anh không bao giờ đi đưa Ngô Xuân Soạn về. Anh rất hối tiếc về chuyện này.

3.- Thành phần dân sự tham gia

Về chính trị, Nguyễn Triệu Hồng giới thiệu Luật sư Hoàng Cơ Thụy, Phó Chủ Tịch Khối Liên Minh Dân Chủ, người sẽ đứng ra lập chính phủ sau khi đảo thành công. Luật sư Thụy cho biết, qua một trung gian, ông đã liên lạc được với ông Carver, một nhân viên CIA cao cấp đang hoạt động dưới danh nghĩa một nhân viên cơ quan viện trợ kinh tế. Thiếu Tá Liễu cho biết, trong một cuộc họp tại nhà Đại Úy Nguyễn Thành Chuẩn, ông phản đối việc chọn Luật sư Hoàng Cơ Thụy, nhưng Thiếu Tá Hợp nói rằng Luật sư Thụy là cậu của Nguyễn Triệu Hồng, nên ông đành buông xuôi.

Các thành phần sẽ tham gia chính phủ mới gồm có Phan Khắc Sửu, Phan Bá Cầm, Phan Quang Đán, Vũ Hồng Khanh, Đinh Xuân Quảng, Nguyễn Thành Phương, Nguyễn Bảo Toàn, Bùi Lượng, v.v.

Bộ ba Hồng - Đông - Thụy được coi như là cơ quan lãnh đạo cuộc đảo chánh.

THỰC HIỆN ĐẢO CHÁNH

Các lực lượng đã được huy động để tham gia đảo chánh gồm có các đơn vị sau đây:

  • - 4 Tiểu Đoàn Nhảy Dù 1, 3, 5 và 8.
  • - 3 Đại Đội Dù biệt lập gồm có: Đại Đội Súng Cối, Đại Đội Công Binh và Đại Đội Tiếp Tế Thả Dù.
  • - Tiểu Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến.
  • - 1 Đại Đội Quân Cảnh Quân Khu Thủ Đô.
  • - Tiểu Đoàn 27 Pháo Binh.
Tất cả lực lượng này được chia làm 6 toán, môi toán được phân công đánh chiếm một mục tiêu được lựa chọn:

  • Toán 1: Thiếu Tá Nguyễn Văn Lộc chỉ huy Tiểu Đoàn 3 Dù đánh chiếm Dinh Độc Lập và bắt Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
  • Toán 2: Thiếu Tá Trần Văn Đô chỉ huy Tiểu Đoàn 1 Dù tấn công Thành Cộng Hòa và doanh trại Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống.
  • Toán 3: Trung Úy Nguyễn Vũ Từ Thức chỉ huy Đại Đội Tiếp Tế Thả Dù đánh chiếm trại Lê Văn Duyệt và căn cứ của Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô.
  • Toán 4: Trung Úy Nguyễn Văn Thừa chỉ huy Đại Đội 83 thuộc Tiểu Đoàn 8 Dù đánh chiếm Tổng Nha Cảnh Sát và Công An và Nha Giám Đốc Cảnh Sát Đô Thành.
  • Toán 5: Đặi Úy Nguyễn Kiên Hùng chỉ huy hai Đại Đội Thủy Quân Lục Chiến đánh chiếm Bộ Tổng Tham Mưu.
  • Toán 6: Ba Đại Đội Dù Biệt Lập (Công Binh, Kỷ Thuật và Súng Cối) chiếm đóng căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhứt.
Lúc 11 giờ tối 10.11.1963, Nguyễn Triệu Hồng, Vương Văn Đông, Phan Trọng Chinh, Nguyễn Văn Lộc, Trần Văn Đô và Nguyễn Thành Chuẩn đã đến tư thất của Đại Tá Nguyễn Chánh Thi, cho biết Lữ Đoàn Dù đang làm đảo chánh và tuyên bố bắt giữ ông. Sau đó, Vương Văn Đông ra lệnh cho truyền tin của Lữ Đoàn cắt đứt mọi đường dây liên lạc từ bên ngoài vào Bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù, trừ đường dây liên lạc với Tiểu Đoàn 3 Dù.

Cuộc hành quân bắt đầu từ lúc 2 giờ 30 sáng ngày 11.11.1960. Phần này có rất nhiều chuyện lủng củng, nhưng trong phạm vi một bài báo, chúng tôi xin tóm lược lại những biến cố chính như sau:

Sau nhiều giờ chiến đấu, các toán quân đã chiếm được Thành Cộng Hòa, Tổng Nha Cảnh Sát và Công An, Nha Cảnh Sát Đô Thành, Bộ Tổng Tham Mưu, bản doanh Quân Khu Thủ Đô và Phi Trường Tân Sơn Nhứt. Riêng Dinh Độc Lập, Tiểu Đoàn 3 Dù do Thiếu Tá Nguyễn Văn Lộc chỉ huy vẫn không đánh chiếm được.

Vương Văn Đông liền đưa Đại Tá Nguyễn Chánh Thi ra kêu gọi các đơn vị trong Dinh Độc Lập ngưng chiến và ra hàng, Khi bắt Đại Tá Thi làm như vậy, Vương Văn Đông nhắm hai mục tiêu: Mục tiêu thứ nhất là làm cho các binh sĩ thuộc Lữ Đoàn Dù yên trí rằng họ đang được Đại Tá Thi chỉ huy. Mục tiêu thứ hai là lung lạc tinh thần ông Diệm cũng như các binh sĩ trong Dinh, nhắn với họ rằng Đại Tá Thi không còn trung thành nữa. Nhưng không có binh sĩ nào trong Dinh hưởng ứng lời kêu gọi của Đại Tá Thi.

Khi cuộc tấn công đang diễn tiến, có ba biến cố bất ngờ sau đây đã làm cho lực lượng đảo chánh gặp khó khăn:

Biến cố bất ngờ thứ nhất: Không điều động được Tiểu Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến.

Đại Úy Nguyễn Kiên Hùng, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến, biết rất rõ Đại Úy Mã Nghĩa Bằng, Tiểu Đoàn Phó, là người trung thành với ông Diệm nên không dám thuyết phục Đại Úy này tham gia đảo chánh vì sợ bị lộ. Hùng dự tính sẽ bắt giữ Bằng trước khi dẫn tiểu đoàn đi làm đảo chánh, nhưng không bắt được. Vì thế, khi ra quân, Hùng chỉ lấy một đại đội đi theo Thiếu Tá Nguyễn Huy Lợi vào chiếm Bộ Tổng Tham Mưu, còn hai đại đội giao cho Đại Úy Bằng dẫn đến trước Bưu Điện Sài Gòn đợi lệnh Bộ Chỉ Huy đảo chánh. Khi đến đây, Đại Úy Bằng biết đang có đảo chánh nên đã liên lạc với các lực lượng trong Dinh Độc Lập xin đến bảo vệ Dinh. Vì chưa tin Đại Úy Bằng lắm, trong Dinh ra lệnh cho hai đại đội này đóng dọc theo đường Công Lý trước mặt Dinh để ngăn chặn lực lượng đảo chánh. Nhờ hai đại đội này trấn giữ, Thiếu Tá Nguyễn Văn Lộc không tấn công vào Dinh nổi.

Biến cố bất ngờ thứ hai: Không xử dụng được lực lượng thiết giáp để mở cuộc tấn công vào Dinh Độc Lập như đã dự trù.

Trong khi Nguyễn Triệu Hồng và Vương Văn Đông đi bắt Đại Tá Nguyễn Chánh Thi, Thiếu Tá Phạm Văn Liễu và Đại Úy Trần Đình Vỵ dẫn hai đại độ Dù đến Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp ở Gò Vấp để thuyết phục Thiếu Tá Nguyễn Duy Hinh làm đảo chánh. Trầm ngâm một hồi, Thiếu Tá Hinh đã từ chối. Nhưng ông nói với Thiếu Tá Liễu rằng vì tình bạn bè, ông sẽ không tiết lộ chuyện này cho ai. Đại Úy Vỵ đòi bắt Thiếu Tá Hinh nhưng Thiếu Tá Liễu không cho.

Đại Tá Trần Khắc Kinh cho biết, các nhân chứng khai rằng sau đó Thiếu Tá Phạm Văn Liễu đã bắt Đại Tướng Lê Văn Tỵ bỏ lên xe và đưa đến Trại Phù Đổng thuộc Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp yêu cầu ông ra lệnh cho Thiếu Tá Hinh giao Trung Đoàn Thiết Giáp cho Vương Văn Đông. Nhưng khi gặp Trung Tá Hinh, Tướng Tỵ chỉ nói: “Các anh muốn làm gì thì làm, tôi đã già rồi, xin để cho tôi yên.” Trung Tá Hinh biết đây không phải là lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu, nên từ chối và bỏ trốn.

Khi hay tin này, Vương Văn Đông ra lệnh cho Đại Úy Vỵ quay trở lại bắt Thiếu Tá Hinh. Lúc 5 giờ sáng ngày 11.11.1960, Đại Úy Vỵ dẫn hai đại đội Dù đến chiếm trại Phù Đổng để bắt Trung Tá Hinh, nhưng Đại Úy Thẩm Nghĩa Bôi và Trung Úy Lương Bùi Tùng đã dùng xe thiết giáp bao vây và tóm gọn hai đại đội Dù này, tước vũ khí và giam giữ ngay giữa doanh trại. Chỉ một mình Đại Úy Vỵ chạy thoát được.

Sau khi biết được Thiếu Tá Nguyễn Duy Hinh không chịu theo, Thiếu Tá Nguyễn Huy Lợi đã dùng hệ thống vô tuyến của Bộ Tổng Tham Mưu gọi vô tuyến cho Trung Tá Lâm Quang Thơ, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 1 Thiết Giáp, mang đơn vị về trình diện tại Bộ Tổng Tham Mưu, nhưng Trung Tá Thơ từ chối. Vào lúc 10 sáng, ông đã đem đơn vị về tăn cường cho Dinh Độc Lập để chống lại lực lượng nổi dậy. Thiếu Tá Hợp cũng dùng hệ thống vô tuyến gọi cho Thiếu Tá Lý Tòng Bá, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn Thiết Giáp Quân Khu 5 đang đóng ở Mỹ Tho, yêu cầu đem đơn vị về Sài Gòn, nhưng Thiếu Tá Bá không được đáp ứng.

Khoảng 8 giờ sáng, Thiếu Tá Hinh đã trở lại trại Phù Đổng và được lệnh đưa thiết giáp đến bảo vệ Dinh Độc Lập. Khi một số thiết giáp M.24 tiến vào trong Dinh và một số khác vây phía sau lưng lực lượng đảo chánh, những người lãnh đạo cuộc đảo chánh thấy rằng họ không còn làm chủ tình hình được nữa.

Biến cố bất ngờ thứ ba: Trung Tá Nguyễn Triệu Hồng, người lãnh đạo cuộc đảo chánh, đã bị bắn tử thương.

Trung Tá Nguyễn Triệu Hồng đi quan sát mặt trận trước Dinh Độc Lập, khi đến góc đường Hồng Thập Tự và Công Lý, đã bị một viên đạn bắn trúng vào giữa trán. Vương Văn Đông vội chở ông ta vào nhà thương Grall cấp cứu, nhưng không còn cứu chửa được. Vương Văn Đông cho rằng viên đạn này do các binh sĩ phòng vệ trên một mô đất cao trong Dinh bắn ra, nhưng các nhân chứng khai rằng có lẽ Trung Tá Hồng đã bị binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến của Đại Úy Bằng bắn.

Trung Tá Hồng chết, lực lượng đảo chánh như rắn mất đầu, không biết phải hành động như thế nào.

DINH ĐỘC LẬP ĐƯỢC GIẢI CỨU

Thiếu Tướng Nguyễn Khánh, Tổng Thư Ký Thường Trực Quốc Phòng ở Phủ Tổng Thống, nghe tin có đảo chánh, đã vội chạy vào Dinh Độc Lập. Thấy cửa đóng, ông leo qua hàng rào ở phía đường Huyền Trân Công Chúa để vào. Tổng Thống Ngô Đình Diệm liền phong cho Tướng Khánh làm “Tư Lệnh Toàn Quyền” để tổ chức chống lại hoặc thương lượng với phe đảo chánh.

Trước tiên, Tướng Khánh cho tổ chức lại hệ thống phòng thủ ở trong Dinh. Quân số ở trong Dinh lúc đó chỉ khoảng 30 người, nhưng nhờ được trang bị đầy đủ, có công sự chiến đấu vững chắc, có một chi đội thiết giáp án ngữ phía trước, và có hai đại đội Thủy Quân Lục Chiến của Đại Úy Bằng tăng cường bên ngoài, nên có thể kháng cự được.

Sau đó, Tướng Nguyễn Khánh và Võ Văn Hải, Chánh Văn Phòng của ông Diệm, đã ra thương lượng với quân đảo chánh. Tướng Nguyễn Khánh hỏi Trung Tá Vương Văn Đông, người đang chỉ huy lực lượng đảo chánh: “Mấy anh muốn gì?”. Lúc đó, lực lượng đảo chánh đã bị tổn thất khá nhiều, nên Trung Tá Đông trả lời rằng nhóm ông muốn thay đổi chính phủ, trao chính quyền lại cho quân đội. Tướng Khánh vô trình ông Diệm và ông Nhu rồi trở ra cho biết Tổng Thống đã đồng ý và mời các tướng lãnh đến họp ở Bộ Ngoại Giao để bàn chuyện thay đổi chính phủ.

Trước biến cố này, Đại Tá Nguyễn Chánh Thi tưởng rằng thời cơ đã đến. Ông quyết định chấm dứt tình trạng thụ động và nhảy ra nắm vai trò lãnh đạo biến cố. Ông lên đài phát thanh Sài Gòn đọc một bài hiệu triệu, lên án chế độ Ngô Đình Diệm và tuyên bố “Cuộc Cách Mạng của Quân Đội đã thành công”!

Trong khi đó Tướng Khánh lại xúi ông Diệm kêu gọi Đại Tá Trần Thiện Khiêm, Tư Lệnh Sư Đoàn 21 kiêm Quyền Tư Lệnh Quân Khu 5, và Đại Tá Huỳnh Văn Cao, Tư Lệnh Quân Sư Đoàn 7 ở Biên Hòa đem quân về cứu giá.

Nhờ sự câu giờ của Tướng Nguyễn Khánh, Đại Tá Trần Thiện Khiêm và Đại Tá Huỳnh Văn Cao đã đem quân về giải vây Dinh Độc Lập. Đại Tá Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Sư Đoàn Dù, và Trung Tá Vương Văn Đông cùng một số sĩ quan tham gia đảo chánh đã bắt Thiếu Tướng Thái Hoàng, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô, đưa ra phi trường Tân Sơn Nhứt để làm con tin và dùng một phi cơ vận tải quân sự C.47 bay qua Cam-bốt. Những người liên hệ khác kẹt lại đã bị bắt.

CÓ MỸ NHÚNG TAY VÀO KHÔNG?

Tướng Trần Văn Đôn cho biết ngoài chuyện điệp viên Russell Flynn Miller đến hỏi ông có thể thay thế ông Diệm bằng Trần Văn Hữu được không, ông còn tin rằng điệp viên này đã sắp xếp cuộc đảo chánh. Ông còn tiết lộ thêm rằng khi đem quân về Sài Gòn, Đại Tá Khiêm có tiếp xúc với Đại Sứ Mỹ Durbrow và Tướng McGarr, người cầm đầu cơ quan MACV. Hai viên chức này không hoàn toàn ủng hộ ông Diện, nhưng đã khuyên không nên lật đổ ông Diệm, chỉ cho ông ấy một bài học như vậy là đủ rồi. (Việt Nam Nhân Chứng, tr. 154 - 157).

Luật sư Hoàng Cơ Thụy đã cho Bộ Chỉ Huy đảo chánh biết ông đã liên lạc với ông Carver, một nhân viên cao cấp CIA, để trình bày về các kế hoạch sắp làm. Nói cách khác, ông đã thông báo mọi việc cho CIA. Khi cuộc đảo chánh thất bại, cơ quan CIA đã đưa Luật sư Thụy ra ngoại quốc dưới hình thức một kiên hàng ngoại giao (vali diplomatique).

Khi nhóm đảo chánh họp bàn về cách thức điều hành cuộc đảo chánh tại phòng họp của Tổng Nha Cảnh Sát vào ngày 12.11.1963, hai ông Lepoint Hodges, cố vấn của Tổng Nha Công An và Cảnh Sát, có hiện diện. Vì thế, Đại Tá Trần Khắc Kính, người điều tra cuộc đảo chánh, đã yêu cầu ông Edward Babier, phụ tá của ông Colby, Trưởng Trạm CIA tại Sài Gòn, để cho ông được phỏng vấn hai viên chức này. Tòa Đại Sứ đồng ý. Đại Tá Trần Khắc Kính cho biết, khi được thẩm vấn, hai viên chức này đã khai rằng họ đã đến “thuần túy với nhiệm vụ quan sát các sự việc và diễn tiến. Họ tuyệt đối không góp ý hay cố vấn...”

Đại Tá Phạm Văn Liễu đã có nhận định như sau: “Đại cương, có thể nói Đại sứ Durbrow ít nhiều có thiện cảm với chúng tôi (những người làm đảo chánh). Các viên chức cấp thấp hơn tại Sài Gòn có người còn ra mặt ủng hộ. Nhưng khi khám phá ra rằng chúng tôi thất bại về quân sự, Đại sứ Durbrow giữ thái độ trung lập.” (Trả Ta Sông Núi, Tập I, tr. 416 - 417).