Theo tập san Công Giáo Hoa Kỳ, America, tháng Chín năm 2015, Chủ Tịch trường Cao Đẳng St Mary, Carol Ann Mooney, và nữ sinh viên của trường này, Kristen Millar, đã trình lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô một hồ sơ gồm các lá thư của các nữ sinh và nữ sinh viên của trường họ cũng như của nhiều định chế giáo dục Công Giáo Hoa Kỳ khác viết.

Các lá thư trên từng xuất hiện trên Hộp Thư của Trung Tâm Linh Đạo St Mary, ở Notre Dame, Indiana, như những thư trả lời một yêu cầu được những người đồng trang lứa đặt ra cho các nữ sinh viên thuộc thế hệ thiên niên kỷ. Sáng kiến này được gợi hứng bởi một bài báo tựa là “A Lost Generation?” (Một Thế Hệ Đã Mất?) của nhà xã hội học, nữ tu Patricia Wittberg, đăng trên tập san America hồi năm 2012.

Nhà xã hội học trên viết rằng một phần ba phụ nữ thuộc thế hệ thiên niên kỷ, từng chịu phép rửa trong Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ, nay không còn tìm được căn nhà thiêng liêng của họ trong Đạo Công Giáo nữa. Các người đàn ông cùng thế hệ cũng rời bỏ Giáo Hội, nhưng không nhiều bằng; hiện tượng này dường như biến thế hệ này thành thế hệ đầu tiên trong lịch sử Kitô Giáo Tây Phương trong đó, các phụ nữ tích cực trong Giáo Hội Công Giáo ít hơn các người đồng trang đồng lứa nam giới của họ.

Việc không còn thống thuộc Giáo Hội Công Giáo của quá nhiều phụ nữ trẻ như thế là một mất mát cho cả Giáo Hội lẫn những người rời bỏ. Giáo Hội mất đi các thiên bẩm và đặc sủng mà các phụ nữ trẻ này có thể đóng góp vào đời sống và sứ mệnh của nhiệm thể Chúa Kitô, và, ngược lại, các phụ nữ trẻ này mất đi cuộc sống bí tích, phụng vụ và cộng đoàn vốn là các ơn phúc của Giáo Hội dành cho họ.

Đàng khác, việc mất mát quá nhiều phụ nữ thiên niên kỷ này là điềm báo gở đối với tương lai của Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ. Dì Wittberg nhận định rằng, theo truyền thống, phụ nữ đảm nhận trách nhiệm hàng đầu đối với việc chuyển giao đức tin cho con cái. Nếu các phụ nữ trẻ cứ tiếp tục rời bỏ Giáo Hội, thì theo Dì, chắc chắn Giáo Hội sẽ đánh mất không những các phụ nữ trẻ này mà cả một thế hệ con cái sắp đến của họ nữa.

Các sinh viên tích cực thuộc thừa tác vụ đại học của trường cao đẳng phụ nữ Công Giáo này có thể làm gì để đáp lại thách thức trên? Được khuyến khích bởi sự khiêm nhường và niềm vui tin mừng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, họ quyết định viết thư cho ngài và hy vọng rằng các phụ nữ trẻ khác, tuổi từ 15 tới 30, cũng sẽ tham gia chiến dịch này. Bằng một lời mời đăng trên tập san America và được phổ biến qua Hiệp Hội Thừa Tác Vụ Đại Học, họ kêu gọi các phụ nữ trẻ cùng trang lứa chia sẻ với họ tình yêu đối với truyền thống Công Giáo và các ý tưởng có thể góp phần vào việc nối vòng tay lớn của Giáo Hội với các phụ nữ trẻ. Hai trăm hai mươi lăm thiếu nữ Công Giáo từ các trường trung học, cao đẳng và đại học đã đáp ứng. Họ viết về sự quan trọng của đức tin Công Giáo trong đời họ, các thách đố họ gặp phải trong nền văn hóa hiện nay và các phương thế để cải thiện việc Giáo Hội nối vòng tay lớn với thế hệ của họ.

Nhiệm thể Chúa Kitô và Bí Tích Tình Yêu

Các lá thư gửi cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói lên cái chân thiện mỹ mà người phụ nữ trẻ tìm thấy nơi truyền thống Công Giáo. Kate, chẳng hạn, viết rằng “Ngày con chịu Phép Thêm Sức, con biết chắc con là một người Công Giáo. Ngồi ở hàng ghế dài với chị con, vốn là người đỡ đầu của con, con ngước mắt nhìn lên và xúc động trước vẻ đẹp của ngôi nhà thờ và âm nhạc tuyệt diệu đến gần như muốn khóc. Con thực sự cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa và được linh hứng nhất định thực thi các bổn phận làm người Công Giáo của mình”.

Haley thì sáng tác một bài thơ, tựa là “My Church, My Home” (Giáo Hội của Tôi, Căn Nhà của Tôi) nói lên sức mạnh cô nhận được qua việc hiệp thông Thánh Thể trong nhiệm thể Chúa Kitô. Còn Anna thì nhận định rằng “Giáo Hội cung hiến ơn cứu độ trong Chúa Kitô, ơn tha thứ, và quan trọng hơn cả, tình yêu. Không phải thứ tình yêu mà xã hội mong muốn, nhưng là tình yêu chân thực… Chúng ta cần các phụ nữ Công Giáo mạnh mẽ để mạnh dạn lên tiếng hôm nay, ngày mai và ngày kế tiếp”.

Các phụ nữ trẻ này nói đến Giáo Hội như một gia đình đầy cảm thương vươn tay ra với người khác. Họ trân quí việc đào tạo về luân lý và linh đạo mà họ đã nhận được, việc Giáo Hội bảo vệ sự sống và nhân phẩm, truyền thống xã hội Công Giáo và công trình công lý và kiến tạo hòa bình. Mary Jane, một nữ sinh viên đại học, viết rằng “Con thấy việc Giáo Hội chú tâm tới người nghèo là điều gợi hứng, và tập chú này đã thúc đẩy con sử dụng kiến thức của mình để phục vụ người khác. Con hy vọng sẽ tốt nghiệp ngành dinh dưỡng và được làm việc tại một nước thuộc thế giới thứ ba để tạo sự khác biệt”.

Nhiều thư là của các nữ sinh trung học và của nữ sinh viên cao đẳng. Trong số này, Emma viết rằng “con may mắn được học trường Công Giáo dành cho phụ nữ, nơi việc giúp các phụ nữ trẻ có khả năng đi vào thế giới như những nhà lãnh đạo đầy tự tin là một mục tiêu chính. Nhiều thiếu nữ và phụ nữ hơn cần có cơ hội này”.

Các thách đố đang đặt ra cho các phụ nữ trẻ

Tân Phúc Âm Hóa để Chuyển Giao Đức Tin Kitô Giáo, Kỳ Họp Toàn Thể Thường Lệ Lần Thứ XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục, năm 2012, khẳng định rằng một trong các mục tiêu là nối vòng tay lớn với các người Công Giáo đã chịu phép rửa nhưng nay “đã trôi dạt ra khỏi Giáo Hội và việc thực hành Kitô Giáo”. Trong “Niềm Vui Tin Mừng”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích sự trôi dạt này diễn ra trong cuộc khủng hoảng cam kết cộng đoàn, thấy rõ trong chủ nghĩa duy tục và duy tương đối, trong sự bất bình đẳng kinh tế rộng lớn khắp hoàn cầu và trong bạo lực do sự bất bình đẳng này sinh ra, trong một nền kinh tế coi con người như những món hàng có thể vứt bỏ được, trong việc hoàn cầu hóa lòng dửng dưng, trong việc thủ tiêu tự do tôn giáo và trong việc làm suy yếu các nối kết gia đình. Trong bối cảnh này, Đức Phanxicô cho rằng tuổi trẻ thường cảm thấy “một cảm thức lạc hướng tổng quát, nhất là trong thời thiếu niên và chớm trưởng thành”.

Trong các lá thư gửi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người ta thấy rõ điều này: một số hậu quả của cuộc khủng hoảng cam kết cộng đồng đã sản sinh ra nhiều chiều kích. Các bất bình đẳng kinh tế tại Hoa Kỳ, chẳng hạn, đã được cảm nhận một cách thấm thía trong cuộc sống của nhiều phụ nữ trẻ. Grace cho rằng “phụ nữ vẫn còn bị kỳ thị trong lực lượng lao động”. Theo Ủy Ban Toàn Quốc về Tiền Lương Công Bằng (the National Committee on Pay Equity), hố phân cách về thu nhập trung bình giữa đàn ông và đàn bà vẫn còn đó. Mặt khác, các gia đình được đứng đầu bởi một người lớn duy nhất thì người lớn này phần lớn là đàn bà, và theo thống kê năm 2012, gần 31% các gia hộ do đàn bà đứng đầu đều đang sống dưới mức nghèo. Hoa Kỳ cũng là một trong các quốc gia Tây Phương không ra lệnh trả tiền nghỉ hộ sản cho các phụ nữ làm việc ở bên ngoài gia đình. Chính vì thế, Teresa viết rằng “thật là tan nát cõi lòng khi phải để đứa con trai mới 7 tuần ở nhà trẻ với một người xa lạ. Nhưng nếu không có thu nhập của con, chúng con không thanh toán được các đơn đòi tiền”.

Nổi bật trong các lá thư của nữ sinh trung học và nữ sinh viên cao đẳng là các thách đố do nền văn hóa truyền thông và các phong thói tính dục đặt ra. Âm nhạc, phim ảnh, tập san, truyền hình và các trang mạng, những thứ đang tràn ngập đời sống của tuổi trẻ ngày nay, thường xuyên tình dục hóa người đàn bà. Việc tình dục hóa này chỉ lưu ý tới sự quyến rũ tình dục thể xác và biến con người thành đồ vật để người khác hưởng dùng. Anna giải thích với Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng “Phụ nữ bị biến thành đồ vật trong mọi phương tiện truyền thông xã hội, biến thân xác chúng con thành những lon bia và bắt chúng con ngồi trên xe khoả thân nửa người”. Jordan viết về các lời ca của âm nhạc phổ thông như sau: “chúng con bị nói đến như tài sản mà đàn ông có thể sử dụng lại và rồi lại vứt bỏ đi bất cứ khi nào họ thích. Con đơn giản không hiểu tại sao chúng con lại bị các phương tiện truyền thông nghĩ như thế, khi hàng bao thế hệ qua, chúng con vốn là những người chăm sóc người khác và lo toan việc gia đình”. Claudia thì cho rằng “phụ nữ bị gọi bằng nhiều tên xấu trong các bài ca”.

Trong một diễn trình mà các nhà tâm lý học mô tả là “tự đồ vật hóa chính mình”, các phương tiện truyền thông bị tình dục hóa dạy các thiếu nữ nghĩ về thân xác họ như những đồ vật phục vụ thèm muốn của người khác. Một cuộc nghiên cứu của Hiệp Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ cho thấy: các hậu quả đối với các thiếu nữ và phụ nữ trẻ là trở ngại trong khả năng tập trung và thành tích trí tuệ giảm, thiếu tự tin đối với chính thân xác mình, cảm thấy xấu hổ hay lo lắng, các bất ổn về ăn uống có hại cho sức khỏe, thiếu tự trọng, trầm cảm và tự nội tâm hóa điều giả tưởng cho rằng phụ nữ là đồ vật tình dục và sự quyến rũ thể xác là tất cả giá trị của người đàn bà. Emma viết cho Đức Giáo Hoàng rằng “Nền văn hóa truyền thông ngày nay khiến con khó chấp nhận mình là sáng tạo tốt đẹp của Thiên Chúa, được tạo nên giống hình ảnh và họa ảnh của Người. Áp lực xã hội nặng nề đã thử thách nền luân lý và các tiêu chuẩn của con. Là một phụ nữ, con phải đương đầu với các hoài mong hạ cấp, như thể mục đích của con là làm vui lòng những người đàn ông. Trong các trạng huống này, đôi lúc con thấy mình tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu giữa những điều này?”.

Các hình ảnh của truyền thông tạo ra các lý tưởng về sắc đẹp nữ giới căn cứ hoàn toàn vào vẻ bề ngoài; các lý tưởng này không thể đạt được và phá hủy cảm thức của người phụ nữ trẻ đối với sự tốt lành mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Kelly thưa với Đức Giáo Hoàng rằng những câu như “nhẹ hơn 20 cân Anh”, “cái nhìn rạng rỡ”, “trông trẻ hơn trong một tuần” là những câu liên hồi được nện vào đầu phụ nữ. Bề ngoài là quan trọng hơn hết trong thế giới internet và truyền thông. Chúng con quên rằng tất cả chúng ta đều được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa”. Grace thì chia sẻ rằng “Có lần con phải đấu tranh với hình ảnh thân xác. Cuộc đấu tranh của con dường như kéo dài mãi mãi. Sự thôi thúc phải trở nên một người không phải là con hết sức mạnh… Con ngắm nhìn các cô gái khác và so sánh con với họ, thường là để tự trách mình không đẹp hay không thon thả như họ. Khối lượng tự ghét mình sao khủng khiếp quá”.

Ashley thì viết rằng: các cố gắng mô phỏng mẫu mực của truyền thông có thể dẫn tới các sáo trộn về ăn uống như chứng biếng ăn và ăn vô độ hoặc các hậu quả còn bi đát hơn nữa: “chúng con không ngừng bị áp lực của nhau và của xã hội phải thích ứng với các mẫu hoàn hảo không thể nào đạt được. Qúa nhiều thiếu nữ đã bị đẩy tới việc tự làm hại mình, đói lả, thậm chí cả tự tử nữa vì những hành hạ về xúc cảm họ phải chịu. Nạn dịch này cần được chấm dứt”.

Việc tình dục hóa con người nhân bản của truyền thông chắc chắn đã góp phần vào nền văn hóa cắn câu bừa bãi (hookup culture) tại nhiều trường cao đẳng và đại học. Hạn từ “cắn câu” (hooking up) chỉ cuộc làm tình của hai con người chỉ mới quen nhau không bao lâu và không hề có dự tính gì đối với mối liên hệ tương lai. Kaitlyn viết cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng: “Ngày nay, phụ nữ được mong đợi duy trì mẫu người tiệc tùng vui chơi. Điều này có nghĩa: người ta mong đợi phụ nữ ăn mặc theo một lối nào đó nhằm lôi kéo sự chú ý của đàn ông. Người đàn ông tại khuôn viên đại học cảm thấy mình có quyền làm tình. Con viết cho Đức Thánh Cha trong tư cách một sinh viên cao đẳng lớp cao, 21 tuổi, người đã chứng kiến nhiều phụ nữ tự hạ thấp mình để thích hợp, cảm thấy được yêu và được chấp nhận tại các buổi vui chơi. Con muốn phụ nữ cảm nhận được tình yêu của Chúa Giêsu Kitô”. Lisa thì viết: “Con buồn khi thấy nhiều bạn hữu của con thuận theo nền văn hóa cắn câu vì họ không nhìn nhận giá trị của chính họ… Chúng con cần Đức Thánh Cha nhắc nhở các thanh niên đối xử với chúng con một cách tôn trọng”. Nền văn hóa cắn câu đã được rượu chè hỗ trợ, và các cuộc phỏng vấn các sinh viên cao đẳng cho thấy nó không thỏa mãn các mong mỏi chân thực của tâm hồn bất cứ người đàn ông đàn bà nào. Các cuộc nghiên cứu luôn liên kết nền văn hóa này với nạn trầm cảm, buồn bã và thiếu tự trọng. Các hậu quả của nó có thể bao gồm các bệnh do tình dục truyền lan, thai nghén ngoài ý muốn và phá thai. Bốn mươi tư phần trăm các vụ phá thai tại Hoa Kỳ đã được thực hiện nơi các phụ nữ tuổi học cao đẳng.

Thiếu hỗ trợ cho những đứa trẻ thụ thai trong các tình huống khó khăn là một thách đố khác cho một số phụ nữ trẻ. Dự Án Rachel, một thừa tác vụ của Giáo Hội Công Giáo dành cho các phụ nữ đang than khóc và trầm cảm sau khi mất đứa con vì phá thai, tường trình rằng các phụ nữ được họ phục vụ bị các bạn trai hay chồng cho biết “họ chưa sẵn sàng làm cha”. Nhân danh các phụ nữ trong tình huống này, Lucy viết cho Đức Giáo Hoàng rằng “Còn các bà mẹ bị áp lực phải phá thai nhưng đã quyết định chọn sự sống thì sao? Có thể làm gì để giúp đỡ và nâng đỡ họ và con cái họ?”

Nhiều lá thư phê phán bạo lực tính dục trong nền văn hóa của ta. Kirsten viết cho Đức Giáo Hoàng: “Chúng con không cần cảm thấy sợ hãi khi phải ra ngoài, bước vào giữa các khu phố của mình. Nhưng chúng con đã nghe và cảm nghiệm nhiều câu truyện về xách nhiễu tình dục, hết sức bạo động”. Theo một nghiên cứu, 83 phần trăm thiếu nữ trung học bị người cùng trang lứa sách nhiễu tình dục. Theo số thống kê liên bang, một trong năm phụ nữ tại Hoa Kỳ từng là nạn nhân của hiếp dâm hoặc mưu toan hiếp dâm. Trong số các phụ nữ tường trình việc hiếp dâm cho Cuộc Nghiên Cứu của Hội Phụ Nữ Toàn Quốc, 22.2% thuộc cỡ tuổi 18 và 24 khi vụ hiếp dâm xẩy ra, 32.3% thuộc cỡ tuổi 11 và 17, và 29.3% dưới 11 tuổi. Các cuộc nghiên cứu cho thấy: bạo lực tình dục có tác động tàn hại cho cả sức khỏe xúc cảm lẫn của sức khỏe thể lý.

Cùng nhau làm việc

Trong một nền văn hóa trong đó “đường phân rẽ điều đúng và điều sai gần như bị xóa bỏ” (Anna) và “không ai có lòng tôn trọng lẫn nhau” (Julia), các giáo xứ Công Giáo được một số lá thư mô tả như là nơi trong đó, các phụ nữ trẻ tìm được nơi trú ẩn, được nhìn nhận, thêm sức mạnh và niềm hy vọng. Emma chia sẻ rằng “Giáo xứ con là nơi trú ẩn an toàn của con, nơi con trốn thoát được các tình huống đe dọa tới chủ trương luân lý của con. Giáo Hội là nguồn để con vươn tới Thiên Chúa… Con luôn rời khỏi Thánh Lễ với một tâm hồn tươi mát và sẵn sàng đương đầu với thế gian theo cung cách Thiên Chúa muốn con thực hiện. Con cám ơn Giáo Hội Công Giáo đã luôn có mặt khi con cần tới một cách tuyệt vọng”.

Còn Colleen thì viết rằng “Con yêu mến Giáo Hội vì Giáo Hội bao gồm cả những con người tan nát đang đi tìm bình an và hướng tới sự toàn thiện… Con tìm được của dưỡng nuôi trong ơn phúc Thánh Thể và được an ủi và lành lặn trở lại nhờ bản chất bí tích của Giáo Hội”.

Những phụ nữ trẻ này hoan nghênh lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong "Niềm Vui Tin Mừng” muốn có "sự hiện diện sâu sắc hơn của phụ nữ trong Giáo Hội" và các đề xuất của họ về phương diện này bao gồm sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ vào các thừa tác vụ giáo dân và lãnh đạo giáo dân. Julia viết rằng "Chúng con mang nhiều quà phúc đặc biệt đến cho Giáo Hội như tình yêu, hạnh phúc và năng lực!" Để tăng cường việc Giáo Hội có thể bắt tay với các phụ nữ trẻ, họ đề nghị các chương trình cố vấn cho các phụ nữ trẻ (và cả thanh niên nữa), trong đó người trẻ có thể hỗ trợ lẫn nhau trong việc sống nền đạo đức tính dục Công Giáo khi bị áp lực nặng nề của các người cùng trang lứa phải làm khác đi. Họ cũng đề nghị những điều sau đây: phải có các bài giảng nói về những kinh nghiệm của phụ nữ trẻ và khẳng định phẩm giá do Thiên Chúa ban cho họ; sự đào luyện về tôn giáo nhằm đề cao các mẫu mực điển hình của phụ nữ trong Kinh Thánh và truyền thống; các thừa tác vụ hàn gắn dành cho những người sống thóat cuộc tấn công tình dục và các nhóm hỗ trợ dành cho các bà mẹ và các phụ nữ trẻ khác. Anya viết: "Mọi người và mọi thứ chung quanh chúng con có khuynh hướng đè bẹp chúng con. Chúng con cần các nhà lãnh đạo trong cộng đồng của chúng con vun đắp để chúng con có thể đứng lên lại".

Các phụ nữ trẻ này đưa ra các đề xuất xây dựng để phúc âm hóa nền văn hoá của chúng ta. Các sáng kiến này bao gồm: một sáng kiến Công Giáo toàn quốc nhằm cải tổ các phương tiện truyền thông; một cương lĩnh truyền thông xã hội Công Giáo; một chiến dịch Công Giáo nhằm đạt được các tiêu chuẩn quốc gia mạnh mẽ hơn về việc nghỉ hộ sản sản cho cả bố mẹ; các sáng kiến của Giáo Hội để giảm mức độ bạo hành tình dục trong xã hội ta và một loạt sản phẩm thời trang kiểu “giống hình ảnh và họa ảnh” dành cho phụ nữ Công Giáo trẻ không quá bó sát hoặc hở hang. Đấy mới chỉ kể một vài ý tưởng của họ mà thôi. Các tác giả viết thư này đều là các nhà lãnh đạo trẻ luôn sẵn sàng hành động. Colleen viết: "Chúng con phải vươn tay ra với người ta qua các hoạt động và cộng đồng vốn đem lại cho họ niềm vui và mục đích. Chúng con là một thế hệ rất nhiệt tình làm một điều gì đó có ý nghĩa; Chúng con chỉ cần được yêu cầu".

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đích thân tiếp nhận bó thư của họ cùng với nhiều tác phẩm nghệ thuật và một chiếc khăn choàng phụng vụ do các nữ sinh viên của Học Viện Thánh Ursula ở Cincinnati, Ohio may tay. Những tặng phẩm này đã được đệ trình trong một buổi triều kiến chung với Đức Giám Mục Kevin C. Rhoades thuộc giáo phận Fort Wayne-South Bend, Carol Ann Mooney, Chủ Tịch Cao Đẳng Saint Mary, Kristen Millar, một sinh viên của Saint Mary, và Grace Urankar, cựu sinh viên năm 2014. Grace giải thích với Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng "Chúng con là một nhóm đa dạng, với nhiều kinh nghiệm, hy vọng, ước mơ, thất bại, mất mát, nhưng với rất nhiều, rất nhiều yêu thương. Không phải vì thương tổn, sợ hãi hay đau khổ mà con tới gần Đức Thánh Cha. Đúng hơn, con chỉ muốn bày tỏ với Đức Thánh Cha tình yêu tuyệt vời mà con đã được biết và lãnh nhận được. Con hy vọng Đức Thánh Cha sẽ tiếp tục khuyến khích tất cả chúng con yêu thương cách trọn vẹn, cởi mở và triệt để hơn trước".

Mặc dù các bức thư trên được viết cho Đức Giáo Hoàng, nhưng tiếng nói của những phụ nữ trẻ này mời gọi tất cả chúng ta can dự một cách xây dựng vào các thực tế mà họ đã mô tả. Lá thư của Jordan kết luận: "Kính thưa Đức Giáo Hoàng Phanxicô, con xin chân thành cảm tạ Đức Giáo Hoàng vì vai trò của Đức Giáo Hoàng trong Giáo Hội Công Giáo. Đức Giáo Hoàng truyền cảm hứng cho các thiếu nữ mỗi ngày. Chúng con hy vọng Giáo Hội Công Giáo lắng nghe các kiến nghị của chúng con liên quan đến các phụ nữ trong xã hội của chúng con, và nếu Đức Giáo Hoàng có thời gian, kính xin Đức Giáo Hoàng vui lòng trả lời cho chúng con. Kính thưa Đức Giáo Hoàng Phanxicô, con biết chúng ta có thể làm điều này. Đức Giáo Hoàng hãy tưởng tượng chúng ta có thể làm gì nếu tất cả chúng ta cùng làm việc với nhau".