HỘI THỪA SAI PARIS VỚI GIÁO HỘI VN

Hai vị sáng lập Hội Thừa Sai Paris, ĐC Pierre Lambert de La Motte, đi VN đầu tiên ngày 18-6-1660. ĐC François Pallu còn ở lại, năm sau mới đi, ngày 18-11-1661. Cùng đi một lượt qua viễn đông với ĐC De La Motte có Lm. Jacques De Bourges và Lm François Deydier, sau hai cha đều làm giám mục. Khi tới VN, các cha được cử làm giáo sư các chủng viện, hoặc phân phối làm việc trong các xứ đạo. Các linh mục làm việc hoàn toàn theo nhu cầu và chỉ thị của giám mục địa phương. Tuy nhiên, các cha cũng có ban đại diện chịu trách nhiệm với nhà mẹ ở Paris. Cơ sở tại miền nam Việt Nam có trụ sở chính tại nhà Bienheureux Marchand, 11 Nguyễn Du, Sàigòn, và có các cơ sở nhỏ tại Đàlạt, Huế, Nha Trang, Kontum. Mỗi nơi có cha đại diện.

Sau 1975, các cha thừa sai đã trở về Pháp. Trong số các vị đã làm việc tại VN,

. Ở Paris còn thấy có các cha Bề Trên JB. Etcharren (làm việc ở Huế), cha Jean Mais (Đà Lạt), cha Gérard Marie Moussay (Nha Trang).

. Trong nhà hưu dưỡng Saint Raphael, ở Montbeton có các cha : Pierre Chastanet (Kontum), Jean Faugere (Thanh Hóa), André Louis Marie Rannou (Kotum).

. Tại nhà Tiếp Đón ở Lauris, (Marseille) : Cha Christian Grison (Sàgòn), cha Pierre Jeanningros (Qui Nhơn), Cha Joseph Jacques Larroque (Nha Trang), Cha Albert Mollard (Qui Nhơn), cha Aimé Jean Baptiste Pinsel (ở Trung Hoa và VN ?), cha Jean Savel (Ở Singapour và VN ?), cha Jean Vuillemin (ở Phnom Penh và VN ?)

Theo danh sách phổ biến năm 1996, từ 1660 đến 1975, đã có 991 linh mục của Hội Thừa Sai Paris qua phục vụ tại VN. Trong đó có : 10 vị được tôn vinh lên bậc hiển thánh, và 110 vị là giám mục (Trần Anh Dũng. Hàng Giáo Phẩm Công Giáo VN. Paris, 1996, ttr 53- 67)

Ở Việt Nam, năm 1933, Tòa Thánh đặt cử Đức Cha GB. Nguyễn Bá Tòng làm giám mục VN đầu tiên. Và kế tiếp tới nay đã có 88 giám mục VN, nối tiếp công trình mở đầu thay thế các giám mục của Hội Thừa Sai. Đúng với mục đích và yêu cầu của Giáo Hội.

Xin dẫn đăng lời ĐC Nguyễn Bá Tòng, sau khi thụ phong giám mục ở Roma, ghé thăm Paris và chiều 2-7-1933, được mời giảng tại Notre Dame de Paris, đã bày tỏ lòng tri ơn Hội Thừa Sai Paris, như sau : « Hỡi các cha rất yêu dấu. Các cha có phần khó nhọc mở mang gây dựng nước Chúa trong đất nước VN. Ngày nay, các cha trao lại gánh nặng cho con cùng giao của châu báu cho con giữ. Nay con đứng giữa nơi đô hội này, xin lên tiếng thay mặt cho mấy triệu bởn đạo Annam mà cám đội ơn các cha cùng xin các cha cứ một lòng thương xót đến cùng. » (Tiểu Sử và Thư Mục ĐC Nguyễn Bá Tòng. Đắc Lộ Tùng Thư. 2003, tr. 20)

CẢM NGHĨ VỀ TRANG SỬ ĐỂ LẠI

Đọc lịch sử của Hội Thừa Sai Paris, các chủng sinh đã phải trải qua nhiều thử thách giằng co về việc xin nhập tu Hội. Hầu hết gia đình không muốn con đi xa. Nhưng các chủng sinh này vẫn cương quyết xin gia nhập cho bằng được với bất cứ giá nào. Đến khi chịu chức linh mục xong thì các tân chức lại chọn đi Viễn Đông, nơi đang có nhiều bắt bớ giam cầm. Ngày lên đường truyền giáo, sau khi hát kinh tạ ơn tại nhà nguyện, các vị tân truyền giáo ra cuối vườn sau, góc tay mặt chào biệt Đức Mẹ. Tượng Đức Mẹ vẫn còn đó, bên cạnh có ghi danh sách các Thừa Sai Tử Đạo tại VN, Đại Hàn, Nhật... Ra khỏi cổng chủng viện, các ngài từ giã cha mẹ, họ hàng, lên xe lửa đi Marseille, hay Anvers lấy tàu thủy đi về miền xa xôi. Hồi đó chưa có kênh đào Suez, tàu ra khơi đi ngả Brésil, nam Mỹ, tới mũi Hảo Vọng (cap de Bonne Espérance), theo Ấn Độ Dương, vào hải phận Úc, đến dảo Java của Indonésia, ghé Singapour, theo biển Nam Hải cặp Hồng Kông. Từ đây dùng thuyền đi Ma Cao hay Việt Nam. Cuộc hành trình đến nơi đầy nguy hiểm, kéo dài cả năm mới tới nơi. Nhưng các Thừa Sai cho là miền đất hứa. Cha thánh Gioan Charles Cornay Tân (1809-1837), lúc từ giã gia đình, cha mẹ vì quá thương con đã nằm ngả trên đường ngăn con, nhưng ngài vẫn bước qua mình song thân mà đi. Vị thừa sai này đã chiếm được cành thiên tuế tử đạo tại VN (1837). Năm 1851, cả miền Poitiers buồn ngao ngán khi hay tin thầy Gioan Théophane Vénard Ven (1829-1861) được nhận vào chủng viện Thừa Sai Paris. Và cũng là năm ba của thày đau nặng. Từ ga xe lửa Poitiers, trong nước mắt đau thương, Thày đã từ giã gia đình tiễn đưa thầy về Paris. Và năm 1852, sau khi thụ phong linh mục, cũng từ ngôi nhà thờ xưa Cha chịu phép rửa tội, Cha làm lễ ‘‘vĩnh biệt’’ quê hương đi Bắc Việt truyền giáo. Sau 9 năm ở VN, nếm đủ mùi gian khổ bắt bớ, giam cầm, vị thừa sai trẻ tuổi ngoài 30 tuổi đã đạt được ước nguyện, bị chặt đầu để ‘‘dâng trọn mạng sống như lễ toàn thiêu lên Thiên Chúa’’. Đó là ngày 2-2-1861, lễ Đức Mẹ dâng con trong đền thờ. Một trùng hợp diệu kỳ.

Chương trình của Hội Thừa Sai Paris còn đang tiếp tục nâng đỡ Giáo hội VN. Đã có năm linh mục VN đã gia hập tu hội này, và đang hoạt động tích cực. Hai chủng sinh gốc VN đang tu học và tìm hiểu ơn gọi. Tình hình không cho phép, thay vì gửi Thừa Sai đi VN, từ niên khóa 1993, Hội đã cấp học bổng, cho 110 các cha sinh viên VN lần lượt qua Pháp du học, rồi lại trở về VN làm việc. Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, giám mục Lạng Sơn, ĐC Giuse Vũ Duy Thống, Sàigòn, ĐC Giuse Vũ Văn Thiên, Hải Phòng, ĐC Giuse Nguyễn Chí Linh, Thanh Hóa là những giám mục đã từng học từ Paris về. Hội còn sẵn sàng mở cửa đón tiếp các giám mục, linh mục VN trên đường mục vụ tại hải ngoại, ghé thăm Paris.

Sự liên kết cả tinh thần và vật chất của Giáo Hội Pháp với GHVN thật to lớn, và cao qúi, không gì so sánh, qua Hội Thừa Sai Paris vẫn còn tiếp tục. Sự gắn bó này làm cho thế hệ trẻ an tâm trong hành trình đức tin ở trong nước cũng như hải ngoại. Khó khăn giữ đạo của lớp người trẻ năm xưa khi các Thừa Sai Paris đặt chân đến VN hay ngày nay của người trẻ VN ở bên nhà hay ở hải ngoại, thiết nghĩ cũng giống nhau. Tức là, họ có nhiều băn khoăn, trăn trở về sống và giữ đạo. Với ơn Chúa, lớp trẻ năm xưa đã tìm ra ánh sáng, nhờ các nhà truyền giáo tận tình. Thì ngày nay, người trẻ VN cũng sẽ đạt được kết quả như anh chị em của họ đi trước, nhờ gương sáng và hướng dẫn của những người nối tiếp sự nghiệp của các vị truyền giáo.

Xin cùng dâng một lời nguyện chân thành :

Lạy các Thánh Truyền Giáo Tử Đạo tại VN,

Xưa các Ngài đã anh dũng lấy máu đào tuyên xưng đức tin. Làm nảy sinh bao nhiêu tín hữu tiền bối trung kiên của chúng con.

Ngày nay, xin Các Thánh cũng tiếp tục cầu thay nguyện giúp. Cho giáo dân VN chúng con vượt thắng khó khăn. Làm tròn sứ mạng của cha ông trao lại. Amen.

Tài Liệu tham khảo

- Jean Guennou. Missions Etrangères de Paris. Fayard. 1986.

- Niên giám Việt Nam công giáo. Sàigòn, 1964

- État de la société des missions Étranères de paris. 1658-1994. Archives des MEP 1994; Janvier 2004.

- Một số tài liệu phổ biến tại Phòng Tử Đạo, 128 rue du Bac

-Trần Anh Dũng. Hàng Giáo Phẩm VN. 1960-1995. Paris 1996

(Gxvnparis.org)