TIẾN TRÌNH THÀNH LẬP HỘI THỪA SAI PARIS

Có thể nói, lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, giai đoạn hiển hách và oai hùng nhất lại là giai đoạn đầu đau thương thời các anh hùng tử đạo. Hàng trăm ngàn vừa giáo sỹ, thày giảng, nữ tu và tín hữu kiên cường trong đức tin đã đổ máu đào để tuyên xưng đức tin, xây nền cho tòa nhà Giáo Hội VN vững bền. Công việc khai sáng mở đường gieo rắc Tin Mừng là do lòng dũng cảm quảng đại của các nhà truyền giáo dòng Đa Minh từ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha (1550), dòng Đa Minh từ Phi Luật Tân (1583), dòng Tên từ Roma (1615), các linh mục của Hội Thừa Sai Paris (1659).

Nhân dịp kết thúc năm Truyền Giáo, xin đề cập đôi nét về Hội Thừa Sai Paris (Société des Missions Etrangères de Paris. Societas Parisiensis Missonum ad Exteras Gentes - M.E.P). Khó khăn khi mới thành lập, bao nhiêu hy sinh trong những ngày hoạt động tại Việt Nam và ngày nay còn tiếp tục bảo trợ cho GHVN. Người khởi công đầu tiên vận động là cha Đắc Lộ, nhưng sáng lập là công của bốn vị : ĐC François Pallu (1626-1684, qua đời tại Trung Hoa), ĐC Pierre Lambert de La Motte (1624-1679, qua đời tại Thái Lan), ĐC Ignace Cotolenti (1630-1662, qua đời tại Ấn Độ) và ĐC François de Laval de Montmorency (1622-1708, qua đời tại Canada, đã được phong Chân Phước).

Từ ngày thành lập (1663) đến nay (2004), hội đã có 331 năm sinh hoạt, trải qua bao nhiêu biến cố trong nước Pháp cũng như tại những nơi có vết chân các thừa sai. Tuy nhiên, hội vẫn trung thành với mục đích ban đầu và áp dụng lời của Chúa căn dặn luôn tìm phương huớng mới thích nghi hoạt động : ‘‘Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác’’. (Mt 10, 23 ). Thật quí hóa và trân trọng vô cùng.

Cha Alexandre de Rhodes Đắc Lộ (1593-1660) mệnh danh là ‘‘tông đồ xứ Annam’’ đã ở VN không đầy đủ từ 1624 đến 1645. Nghĩa là, vì ngài hoạt động truyền giáo quá mạnh và đem lại kết quả hết sức ngỡ ngàng. Khiến triều đình chúa Nguyễn VN căm tức và tìm cách bắt bớ ngăn cản. Nên trong thời gian này, ngài bị trục xuất nhiều lần ra khỏi nước vào các năm 1625, 1630, và 1641. Gặp khó khăn, ngài đành phải lánh qua Macao, hễ yên ổn chút ít, ngài lại trở lại VN. Năm 1645, sau khi chứng kiến cuộc tử đạo của Thày Giảng Anrê Phú Yên, thay vì bị kết án tử hình, Cha bị trục xuất hẳn khỏi VN.Tuy nhiên lòng khao khát mở rộng truyền giáo của Cha Đắc Lộ không bị giảm hay giập tắt. Cha muốn công trình này được nối tiếp. Nên khi về tới Roma, cha đã vận đông với Tòa Thánh cử giám mục qua Đông Dương phong linh mục cho chủng sinh VN. Vì chỉ có cách này, Giáo Hội địa phương mới sống được trước những cơn bách đạo của vua chúa. Và cha nhận được chỉ thị và ủy nhiệm của Bộ Truyền Giáo tuyển lựa những linh mục có khả năng gửi qua Đông Dương với tư cách Đại Diện Tông Tòa. Để tránh tị hiềm đối với các dòng tu, Bộ Truyền Giáo đã chọn các vị này trong hàng giáo sỹ triều.

Công trình truyền giáo của Cha Đắc Lộ đã được đông đảo biết đến và phấn khởi ca tụng. Rời Roma cha về Pháp, quê hương mình, đi thuyết trình nhiều nơi chiêu mộ linh mục qua Viễn Đông. Cha đã gặp nhóm ‘‘Bạn Hiền’’ (Les Bons Amis) say mê và hưởng ứng. Trong đó có cha François Pallu. Sau đó, Hiệp Hội Thánh Thể (Compagnie du Saint Sacrement) hứa gây quĩ giúp cho việc truyền giáo. Trong hiệp hội này có (thánh) Vincent de Paul và (thánh) Jean Eudes, tán thành và tiếp tay một cách hăng say. Đồng thời số đông linh mục trong trường Charles de Condren, cảm thấy có sự thúc đẩy của Thiên Chúa, theo tiếng gọi đi xa truyền giáo. Sau đó, Cha Pallu kêu gọi sự cộng tác của người bạn là Cha Lambert de la Motte. Cha Lambert lại có người em là cha Nicolas de la Motte, thành viên đắc lực của Nhóm Bạn Hiền. Thế là, hy vọng tràn trề, Cha Lambert sẵn sàng phấn khởi tình nguyện đi truyền giáo và cộng tác ngay với Cha Pallu, và đã dâng cúng hết gia tài của gia đình cho kế hoạch truyền giáo mới. Ngày 3-6-1657, hai cha Pallu và De La Motte cùng đi Roma, vận động thêm. Vì ở Roma vẫn còn dè dặt với đề nghị của cha Đắc Lộ. Sau khi gặp gỡ và tìm hiểu, Tòa Thánh chấp thuận phương án của hai cha Pallu, De La Motte và bạn hữu. Được biết, năm 1655, Cha Đắc Lộ vâng lời đi truyền giáo ở Ba Tư và qua đời tại đây, năm 1660.

Tuy nhiên việc truyền giáo tại Viễn Đông vẫn xúc tiến. Năm 1658, ĐGH Alexandre VII đề cử 4 giám mục đi truyền giáo. Hai vị cho cánh đồng truyền giáo Việt Nam là ĐC François Pallu và Pierre Lambert de la Motte. ĐC François Pallu Đại Diện Tông Tòa, đảm nhiệm Đàng Ngoài (Bắc VN), Lào và 5 tỉnh nam Trung Hoa. ĐC Lambert de la Motte phụ trách Đàng Trong (Nam VN), Chiêm Thành, CamBốt, cộng với 4 tỉnh tây nam Trung Quốc, và đảo Hải Nam. Hai vị được thụ phong giám mục tại Rouen, năm 1660. Hai vị khác được bổ nhiệm là ĐC Ignace Cotolenti, đi Nankin, Trung Hoa. ĐC François de Laval đi Canada. ĐC Ignace ngã bệnh trên đường và qua đời trên đường đi. Nhiệm vụ chính của các giám mục mới, như quyết định của Thánh Bộ là đào tạo giáo sỹ địa phương. Bốn Đức Cha mới được coi là cột trụ sáng lập Hội Thừa Sai Paris.

ĐC Lambert đi VN trước, ngay trong năm 1660. Năm 1662 mới tới Juthia, và từ đây đi về VN, làm việc thay cả phần vụ của ĐC Pallu, coi sóc hai giáo đoàn VN. Còn ĐC François Pallu đi vào năm sau, vì còn ở lại lo cho Chủng Viện Thừa Sai thành hình.

Công việc ở Paris tiếp tục. Chủng viện có hai nhiệm vụ chính : đào tạo huấn luyện cho có linh mục bản xứ. Và đồng thời lo cho việc cho dân ngoại ở ngoại quốc trở lại. Chủng viện này gọi là ‘‘Chủng viện Hội Thừa Sai Truyền Giáo’’. Hội Thừa Sai đầu tiên không muốn là một dòng tu, mà chỉ là hiệp hội các linh muc triều lo việc truyền giáo. (Tân Lịch Sử Giáo Hội. GXVN. 2004. tập 3A. tr. 484-845)

Ngày 26-7-1663, tu hội được vua Louis XIV chấp nhận, và giáo quyền phê chuẩn, ngày 11-8-1664. Từ 16-3-1663, hội nhận cơ sở của ĐC François Duval, nguyên là chủng viện cho Ba Tư bị thất bại, với điều kiện tiếp tục cung cấp giáo sỹ cho nước này. Trong văn thư sang nhượng đại diện có tên hai giáo dân và hai linh mục : Michel Gazil và Armand Poitevin. Ngày 27-6-1663, tu hội mở cửa hoạt động. Từ đây mang tên Chủng viện Thừa Sai Ngoại Quốc (Séminaires des Missions Étrangères).

Tên chủng viện đã thay đổi nhiều lần, như :

. Chủng viện lo việc trở lại của lương dân ở ngoại quốc (Séminaire pour la conversion des Infidèles dans les pays étrangers ) (Tháng 7-1663).

. Chủng viện lo việc trở lại của lương dân ở Perse và ngại quốc. (Séminaire pour la conversion des Infidèles dans le Royaume Perse et autres pays étrangers) (1663).

. Chủng viện lo việc trở lại của lương dân (Séminaire pour la conversion des Infidèles. Seminariumde conversione Infidelium nuncupatum).

. Chủng viện lo việc trở lại tại các quốc gia (Séminaire pour la conversion des nations ou des paiens)(1665)

. Chủng viện truyền bá đức tin (Séminaire de la Propagation de la Foi)

. Chủng viện đức tin lo việc trở lại của lương dân (Séminaire de la sainte Foi, pour la conversion des Infidèles)

. Năm 1673, chủng viện chính thức thiết kế tại rue du Bac, mang tên Chủng viện Thừa Sai Ngoại Quốc, và để khỏi lầm lẫn với chủng viện truyền giáo của Thánh Vincent tại St Lazare đã thêm chữ Paris (Séminaire des Missions Étrangères à Paris).

Năm 1664, một hội nghị được tổ chức đi tới quyết định lấy tên cho công việc truyền giáo ngoại quốc là ‘‘Hội Thừa Sai Ngoại Quốc Paris’’.(La Société des Missions Étrangères de Paris).

Từ 1722, Hội đã dồn hết nhân lực cho đông nam Á châu. Năm 1773, Tòa Thánh trao cho Hội đảm trách Ấn Độ, thêm Đại Hàn, và Nhật (vào 1831), Mãn Châu (1838), Mã Lai (1841), Tây Tạng (1846), hai tỉnh Quảng Đông, và Hải Nam, Trung hoa, và Miến Điện (1855).

Thời kỳ thịnh đạt nhất của tổ chức này, ở ngoại quốc, với kết quả được ghi nhận :

. Năm 1850 : 19 địa điểm mục vụ, 190 linh mục bản xứ, 19 chủng viện.

. Năm 1900 : 31 địa điểm, 612 linh mục bản xứ, 41 chủng viện.

. Năm 1925 : 37 địa điểm, 1218 linh mục bản xứ, 54 chủng viện.

. Năm 1939 : 37 địa điểm, 1583 linh mục bản xứ, 75 chủng viện với 3.783 chủng sinh.

Từ 1970, sỹ số giảm đi vì Giáo Hội địa phương đã trưởng thành. Hơn nữa, tình hình chính trị phức tạp do bài ngoại chống thuộc địa. Và chủ nghĩa cộng sản bài trừ tư bản và tín ngưỡng. Điểm cần lưu ý là khi sáng lập, có sự tham gia của giáo dân. Nhưng giáo dân không bền nên sau này, hội chỉ nhận giáo sỹ. Từ 1840, Hội nhận tu sinh trở thành linh mục truyền giáo.

Nội qui và mục đích

Nội qui Hội Thừa Sai Paris có thể tóm thành ba khoản :

. Là hội giáo sỹ thuộc quyền Giáo Hoàng, không có lời khấn. Thành viên phải dứt khoát với giám mục của địa phận xuất xứ.

. Quyền quản trị cộng đoàn tu hội do một Bề trên cả duy nhất, bầu theo hạn kỳ.

. Các giám mục ở địa phận truyền giáo là thành viên của Hội hay không, cũng chỉ là chủ chăn trong địa phận mình, không phải là bề trên của giáo sỹ đến truyền giáo.

Theo huấn dụ của Bộ Truyền Giáo, ngày 10-11-1659, hội nhằm mục đích :

. Huấn luyện, đào tạo linh mục bản quốc trong các miền đã đón nhận Tin Mừng

. Coi sóc và phát triển số giáo dân hiện có

. và truyền giáo làm cho người ngoại giáo trở lại

Từ đó, đời sống và cách sử các vị Thừa Sai, dễ dàng hội nhập dân chúng :

. Hòa mình vào sống theo phong tục, tập quán xứ sở mình sinh sống, tránh làm chính trị.

. Không được đặt quyết định nào quan trọng khi chưa lãnh chỉ thị của Tòa Thánh.

Mục đích cao hơn của người tông đồ truyền giáo là theo tiếng mời gọi của Chúa :

. Anh em sẽ nhận sức mạnh bởi Chúa Thánh Thần, Đấng hiện xuống với anh em. Và anh em sẽ là chứng nhân của Thày tại Giêrusalem, khắp miền Giuđê và Samari cho đến tận cùng trái đất (Cv. 1, 8)

. Bình an cho anh em, như Cha Thày thế nào, Thày cũng sai anh em như thế. (Ga 20, 21)

. Anh em hãy đi khắp bốn phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. (Mc 6,15) (Gxvnparis.org)