C. Gia đình: Thánh Điện của Tình Yêu và Sự Sống, của Giao ước và Hiệp thông

64. Đời sống của gia đình Thiên Chúa trên thế gian, nghĩa là Giáo Hội, vừa là quà tặng được tiên báo về sự sống tràn đầy trong Nước Thiên Chúa đang hiện diện bây giờ và sẽ đến một cách tràn đầy và cũng là phận sự phải được thực hiện trên hành trình để đạt đến sự sống tràn đầy. Thực tại của Giáo Hội vừa là kinh nghiệm thực tế vừa là sự thực hiện lâu dài. Trong bối cảnh sự sống của Giáo Hội vừa là quà tặng vừa là phận sự, gia đình là Giáo hội tại gia đảm nhận ý nghĩa sâu sắc hơn. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: Để đối diện với cái gọi là văn hoá sự chết, gia đình là trung tâm điểm của nền văn hoá sự sống” (CA,39). Từ gia đình, trong những bối cảnh mới này, nền văn hoá sự sống toàn diện được tái khám phá, được tái khôi phục khả năng tiềm tàng và được tái biểu lộ bản thân nó. Suy tư sâu xa hơn về sự sống giao ước, hiệp thông, liên đới và truyền giáo sẽ cho chúng ta biết tại sao như thế.

1. Kinh nghiệm của Chúa Giêsu về Gia đình với Đức Maria và Thánh Giuse

65. Các Kitô hữu luôn chiêm ngắm gia đình Thánh Gia của Giêsu, Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse ở Nagiarét như là một gia đình trổi vượt hơn hết và là kiểu mẫu của mọi gia đình Kitô giáo. Gia đình Nagiarét là kinh nghiệm ban đầu của Chúa Giêsu về gia đình nhân loại. Gia đình đó được bắt đầu bằng việc Thiên Chúa kêu gọi Đức Maria và Thánh Giuse trở thành chồng và vợ. Theo trình thuật trong Kinh Thánh, Đức Maria và Thánh Giuse đã thông hiểu mầu nhiệm ơn gọi của họ để trở cha mẹ và hiểu biết về mầu nhiệm của Người Con duy nhất của họ. Đức Maria đã “giữ kín tất cả những điều này trong lòng”. Những điều này không như nhiều người nam và người nữ bình thường yêu nhau và đi đến hôn nhân. Thực vậy, cuộc sống của họ với nhau như là chồng và vợ thì bình thường, đơn giản chỉ là một bác thợ mộc và người vợ của mình. Tuy nhiên, họ đã trải qua những điều phi thường: bất lực trong việc tìm kiếm một chỗ thích hợp cho việc sinh con, nhưng lại hoan hỉ khi trẻ nhỏ được sinh ra. Vui mừng khi họ dâng con cho Thiên Chúa trong Đền Thờ, nhưng đau đớn khi nghe lời tiên tri cho biết tương lai đau khổ cho cả người con lẫn người mẹ. Vui mừng khi gia đình thành công trong việc tìm cách lẩn trốn sang nước ngoài (Ai Cập), nhưng đau buồn khi những đứa trẻ bị giết vì con họ. Khổ đau và bấn loạn khi họ “mất” con trong ba ngày và hết sức khuây khoả khi tìm được con trong Đền Thờ nhưng ngạc nhiên về những gì người con muốn nói về “có bổn phận ở nhà của Cha”. Tuy nhiên, tất cả những điều này chỉ nhằm củng cố mối liên kết của tình yêu, của sự hiệp thông giữa cha mẹ và người con, giữa gia đình và Thiên Chúa trong giao ước mà Đức Maria đã chấp nhận một cách vâng phục và tự nguyện trong đức tin: “Xin hãy làm như những lời ngài nói”.

66. Cũng từ Kinh Thánh, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu được sinh ra và được nuôi nấng trong một gia đình Do Thái, trong đó cha mẹ Người xuất thân từ gia đình có truyền thống sùng đạo. Nơi đó Người đã trải qua tình yêu và sự chăm sóc của cha mẹ và học được các giá trị tinh thần rất đặc trưng của đạo Do Thái: tình cảm nồng nàn hướng đến Thiên Chúa và sự quan tâm sâu sắc đến tha nhân. Trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Do Thái có viết: “Người đã học được thế nào là vâng phục”, đó là làm thế nào để sống cho phù hợp với ý định của Thiên Chúa - nhưng không phải là không có đấu tranh và đau khổ, giống như nhiều gia đình Á Châu từ trước đến nay. Dầu vậy, đến một lúc nào đó Người cũng thách thức những kẻ theo Người biệt suy tư về gia đình vượt qua những ràng buộc liên hệ tự nhiên, Người không bao giờ quên giá trị và tầm quan trọng của các mối quan hệ gia đình khi người đề cập: “Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi?” hoặc “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây...” Đến giây phút cuối cùng Người làm theo đường lối quan hệ gia đình khi người trao “con” cho “mẹ” và “mẹ” cho “con”. Trong kinh nghiệm của Chúa Giêsu về gia đình, một lần nữa chúng ta bắt gặp sự trở lại của chủ đề tình yêu và sự sống giao ước, sự hiệp thông cho đến chết, tình liên đới và truyền giáo, sự truyền giáo trải dài từ những giới hạn của gia đình nguyên tử đến gia đình của đức tin và không còn giới hạn nữa. Đường lối của gia đình Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse là đường lối của mọi gia đình Kitô giáo.

2. Hôn nhân: Một Giao ước Thiêng liêng giữa người Nam và người Nữ

67. Từ thuở sơ khai, gia đình là giao ước thiêng liêng giữa người Nam và người Nữ. Trong sự khác biệt giới tính của họ, cơ bản họ “hướng đến sự hiệp thông”. “Được đánh dấu” bằng “tính đàn ông” và “tính đàn bà”, từ rất sơ khai họ có “tính chất hôn nhân, với khả năng chứa đựng sự biểu đạt tình yêu, trong tình yêu đó con người trở thành một quà tặng”. Vì thế “từ rất sơ khai, người Nam và người Nữ được kêu gọi không chỉ sống ‘sát cánh bên nhau’ hoặc ‘gắn liền với nhau’, mà họ còn được kêu gọi sống ‘mình vì người khác’ cho nhau... Bản văn Sáng Thế Ký 2,18-25 cho thấy hôn nhân là điều trước tiên và trong cùng một ý nghĩa lại là chiều kích cơ bản của ơn gọi này” [Xem Thư của Giám Mục Giáo Hội Công Giáo của Thánh Bộ Giáo lý Đức Tin về Đóng góp của người Nam và người Nữ trong Giáo Hội và trong Xã hội, 31-05-2004, số 6, trích dẫn suy tư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô về thân xác con người dựa trên đoạn Kinh Thánh St 2,4-25]. Kế đến hôn nhân, mùa xuân của gia đình, là giao ước của tình yêu và sự sống giữa người chồng và người vợ, qua đó họ “tự trao ban và đón nhận lẫn nhau” (GS, 48; x St 2,24), gìn giữ nhau trong yêu thương và chung thủy cho đến chết (Mt 19,6) với sự tự hiến hoàn toàn cho nhau. Đây là chân lý đáng kính về ý nghĩa của hôn nhân - tự hiến hoàn toàn cho đến chết.

3. Một Bí tích của Tình Yêu Đức Kitô

68. Đối với Giáo Hội, hiệp thông trong hôn nhân mang tính Bí tích. Nó làm hữu hình và cảm nhận được tình yêu vô hình và che dấu vủa Đức Kitô dành cho nhân loại. Đồng thời, “Sự hiệp nhất của Đức Kitô với Giáo Hội” là khuôn mẫu của sự hiệp thông trong hôn nhân (LG 48). Quan hệ mang tính bí tích của sự hiệp thông giữa người chồng và người vợ phản ánh thực tại sâu sắc của mối quan hệ tình yêu giữa Thiên Chúa và Giáo Hội, do đó tình yêu của người chồng cần phải giống như tình yêu của chính Đức Kitô đối với hiền thê của Người là Giáo Hội, tình yêu giao ước chung thủy và hy sinh. Tình yêu của vợ đối với chồng cũng phải như vậy. Người chồng và người vợ là bí tích của tình yêu Đức Kitô cũng như bí tích tình yêu Đức Kitô của Giáo Hội. Tình yêu của Đức Kitô trở thành diện mạo nội tại trong tình yêu, trong các mối tương quan và trong đời sống gia đình họ cũng như là nguồn mạch nuôi dưỡng và phát triển tinh thần họ. Nếu chúng ta muốn biết cụ thể tình yêu của Đức Kitô chủ yếu là gì, điều chúng ta cần làm là nhìn vào một cặp hôn nhân yêu thương. Đây là mầu nhiệm cao cả (x, Ep 5,21-33) của tình yêu và sự sống được biểu thị bằng lời thề nguyền hôn phối mà người chồng và người vợ cam kết với nhau và được biểu trưng bằng nhẫn cưới hoặc bằng các biểu tượng khác trong một số nền văn hoá Á Châu.

69. Khi Thánh Phaolô khuyên dạy người chồng “yêu thương” vợ mình, thì ý nghĩa trọn vẹn của tình yêu vợ chồng được tỏ lộ khi ngài dạy người vợ “kính trọng” chồng mình (Ep 5,33). Trong khung cảnh chế độ gia trưởng, Thánh Phaolô khuyên bảo những người chồng yêu thương vợ mình như Đức Kitô yêu thương là một cuộc cách mạng thực sự. Những người chồng không chỉ được kêu gọi thực hiện tình yêu của họ đối với vợ mình theo gương tình yêu của Đức Kitô đối với Giáo Hội, nhưng trong thư gửi các tín hữu Êphêsô 5,25, Thánh Phaolô cũng ngụ ý rằng bởi vì Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, nên chúng ta phải yêu thương một người khác. Vì thế, tình yêu của Đức Kitô trở nên nguồn mạch và củng cố tình yêu của họ đối với người khác. Trong bối cảnh này, ngữ nghĩa trọn vẹn của từ “kính trọng” (to respect) là “nhìn sâu vào bên trong” (to look deeply into) sự tốt lành đích thực của người khác. Đó là “sự tìm kiếm những yếu tố cấu thành sự tốt lành của người được yêu” [Salvatore Fisichella, Gia đình Kitô giáo trong thời đại thay đổi văn hoá, Văn kiện của Nghị Hội Thần học Mục vụ Quốc tế [AITPC], Gia đình Kitô giáo: Tin Mừng cho Ngàn Năm Thứ Ba, Hội nghị Thế Giới về Gia Đình lần thứ Tư, Manila, 22-24 tháng Giêng, 2003, trang 46]. Vì lý do đó, dù Thánh Phaolô dạy về các trách nhiệm có vẻ khác nhau, như những người chồng hãy yêu vợ mình, những người vợ hãy kính trọng chồng mình, những giá trị như thế thì đồng nhất trọn vẹn và trao ban cho nhau. Những người chồng và những người vợ tôn trọng - yêu thương - người còn lại. Sự bổ sung và phụ thuộc là cần thiết đối với tình yêu vợ chồng.

70. Bằng cách yêu thương nhau, người chồng và người vợ cùng nhau lớn lên hướng đến sự trưởng thành nhân bản và sự trưởng thành của người Kitô hữu khi họ sống đời sống hôn nhân và đối diện với những thử thách về trách nhiệm của họ. Tình yêu đó đổ ra trên những người còn lại của gia đình và được đánh dấu bằng sự nhẫn nhục, sự tử tế, lòng kính trọng, niềm tin tưởng, sự khoan dung, sự hy sinh và lòng nhân từ, kiên trì trong những lúc đau khổ và phiền muộn cũng như trong những lúc hoan hỉ vui mừng. Vì vậy mối quan hệ gia đình được củng cố và làm vui thích trong mỗi đứa trẻ được sinh ra. Được chúc phúc với sự sống mới, cha mẹ thường cvũng cảm thấy vô cùng bỡ ngỡ vì món quà sự sống mà chính họ tác thành nên. Những kinh nghiệm về sự sống như thế mời gọi họ thừa nhận Thiên Chúa của sự sống hiện diện trong những gia đình là thực và mong đợi hướng đến tương lai. Hạnh phúc tràn trên những ước mơ và hy vọng rằng tương lai của đời sống họ sẽ được tốt hơn. Đích thực, bởi sự giàu có thiêng liêng bên trong mà mầu nhiệm cao cả của gia đình là Tin Mừng.

4. Tình Yêu Giao ước trong Hôn nhân: Bậc cha mẹ và Con trẻ

71. Là “tác giả của hôn nhân” (LG, 48), từ rất sơ khai Thiên Chúa đã ủy thác hôn nhân bất khả phân ly (Mt 19, 5-6) và cơ bản mở rộng vòng tay đón nhận quà tặng của Thiên Chúa là sản sinh ra sự sống. Cương vị người mẹ và cương vị người cha là những quà tặng được ngụ ý từ thuở sơ khai trong sự kết hợp của người Nam và người Nữ như là hình ảnh của Thiên Chúa. “Trong tự bản chất, việc tạo thành hôn nhân và tình yêu hôn nhân được sắp đặt để hướng đến sự sinh sản, giáo dục con cái và trong đó nó chu toàn sự vinh quang của hôn nhân (LG 48;50). Vì thế, tính bất khả phân ly từ quà tặng được trao ban bởi Thiên Chúa để người chồng và người vợ trở thành “một xương một thịt” (St 2,24; Mt 19,3-9) là tính đồng nhất họ trong tình yêu và sự sống, không chỉ bản thân sự sống của họ với nhau mà còn bất cứ sự sống mới nào Thiên Chúa sáng tạo thông qua họ. Thật vậy, họ phải mở rộng vòng tay đối với bất kỳ sự sống mới nào, vì tình yêu của Thiên Chúa không phân biệt đối xử và không loại trừ một ai, một bé trai hay một bé gái, một đứa trẻ khuyết tật hay một trẻ hoàn toàn khoẻ mạnh, giàu có hay nghèo khổ. Mỗi đứa trẻ là một quà tặng của Thiên Chúa. Điều này không có nghĩa là bêu xấu các cặp vợ chồng vô sinh về mặt thể lý không thể có con, nhưng tinh thần cơ bản là mở ra đối với sự sống mà Thiên Chúa có thể trao ban đã là một phúc lành và một ân huệ đến từ Thiên Chúa.

72. Các cặp vợ chồng Kitô giáo cùng nhau hoạt động để giáo dục con cái trong đường lối của đức tin và của Nước Thiên Chúa. Họ là những người thầy dạy đức tin đầu tiên của con cái mình. Qua cách đánh giá này, cha mẹ tìm kiếm đường lối để làm cho con cái lớn lên trong đức tin, giúp chúng biểu lộ đức tin trong đời sống của chúng và chia sẻ đức tin với người khác, nhất là những đứa trẻ cùng trang lứa qua các cơ hội khác nhau được Giáo Hội cung cấp, hoặc qua tính sáng tạo của chính bản thân họ được Giáo Hội hướng dẫn. Giống như gia đình của Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse, gia đình Kitô giáo được bắt đầu bằng tổ ấm, trường học của sự thiêng liêng và tính kỷ luật, nơi mà các đường lối của Thiên Chúa và các giá trị của Tin Mừng được học tập và sống, nơi mà sự lắng nghe và sự chú ý đến Chúa là quy tắc hằng ngày, nơi mà con cái lần đầu tiên trải qua sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong các xã hội đa nguyên của Á Châu, nơi mà Kitô hữu chỉ là thiểu số và nơi mà giáo dục tôn giáo trong trường học là điều không thể, sứ mệnh của người chồng và người vợ là giáo dục con cái cho Thiên Chúa và hướng chúng đến ý thức truyền giáo là hoàn toàn cần thiết. Một gia đình có đức tin tôn giáo sâu sắc là một dấu hiệu của Giáo Hội và của Nước Thiên Chúa. Trong các gia đình đại kết và hỗn hợp tôn giáo, ý thức tôn giáo sâu sắc như thế sẽ là một dấu chỉ tương phản cho một ý thức tôn giáo ngày càng gia tăng trong văn hóa trần tục.

73. Rõ ràng Thiên Chúa gieo vào bản chất của gia đình những hạt giống của tương lai thông qua con cái cũng như những ký ức đầy ân huệ của quá khứ gia đình qua người già. Lòng biết ơn, niềm hy vọng, sự kính sợ và lòng kính trọng là những đáp trả của cả người già và người trẻ đối với quà tặng siêu việt mà Thiên Chúa trao ban cho hôn nhân khi người chồng và người vợ chia sẻ trong hành động sáng tạo đáng kính phục của Thiên Chúa. Vì thế, gia đình thực sự là nơi của sự quan tâm và kính trọng, của chăm sóc và yêu thương, là kho tàng Thiên Chúa trao ban cả cũ lẫn mới.

5. Các quan hệ nhân bản trong Gia đình và Nước Thiên Chúa

74. Khi chúng ta tách các đặc điểm Kitô hữu đơn nhất trong suy tư của chúng ta và xem hôn nhân, gia đình và các mối quan hệ nhân bản trong gia đình từ nhận thức của Nước Thiên Chúa, một chiều kích mới và đầy ý nghĩa xuất hiện. Chúng ta khám phá rằng hôn nhân đại kết và liên tôn và các gia đình sẻ chia một cách tương tự và thực sự vác giá trị sự sống giao ước, hiệp thông và liên đới, bổ sung và phụ thuộc vào tính tự hiến. Vì lý do này, người vợ hay người chồng Kitô hữu mang vào giao ước hôn nhân và gia đình sự giàu có đặc trưng về đức tin trong khi lớn lên cùng nhau và bước trên hành trình cùng nhau với người kia cùng với con cái họ hướng vế Nước Thiên Chúa.

75. Các chiều kích thần học cơ bản của sự sống giáo ước, sự hiệp thông và truyền giáo trong gia đình không có tính cách trìu tượng như chúng vốn có vẻ như thế. Các quan hệ nhân bản thực sự trong gia đình qua cuộc sống hằng ngày, mối quan hệ tình yêu và chăm sóc hoà hợp trong vợ chồng, giữa vợ chồng và con cái, và trong con cái với nhau, nhất là khi gia đình trải qua khốn cùng trầm trọng, cuộc hành trình của gia đình họ đạt đến sự sống tràn đầy thông qua khổ đau và vui sướng - những điều này làm cho sự hiệp thông, tình liên đới và truyền giáo trở nên cụ thể. Tình bà con thân thuộc, sự thân mật, đầm ấm, vui sướng, tình bằng hữu là những dấu hiệu thân quen hơn của sự hiệp thông sâu sắc trong gia đình. Các tư vấn gia đình thường nói rằng chìa khoá của các quan hệ nhân bản như thế là phẩm chất tuyệt đối của sự thông đạt bằng lời nói hay bằng hành vi giữa các thành viên trong gia đình. Do đó, thật cấp bách để thừa tác vụ gia đình ở Á Châu có sự đào tạo trong các mối quan hệ nhân bản như là một sự quan tâm mục vụ quan trọng.