Phương pháp Tâm Vận Động

1.1. Những nhận định tổng quát

Tôi muốn trình bày, trong chương này, một vài nét đặc thù có liên hệ đến vấn đề phát triển của trẻ em. Những điều tôi nêu lên một cách vắn gọn, chỉ là những sơ đồ có tính hoàn toàn giản lược mà thôi.

Khi khảo sát những năng khiếu khác nhau của con người, ảnh hưởng của môi trường, những điều kiện sinh ra và lớn lên cũng như những điều kiện bất trắc có thể xảy ra… chúng ta sẽ chấp nhận rằng : Mỗi người, mỗi trẻ em là một sinh vật độc đáo, độc bản, không ai giống ai. Những yếu tố khác biệt ấy xác định nét đặc trưng của từng người. Nhưng đồng thời những nét khác biệt ấy cũng tạo ra những thuận lợi hay là gây nên những trì hoãn, cho tiến trình phát triển của người ấy. Thêm vào đó, người ấy có thể thuộc vào bất cứ diện phát triển nào lúc sinh ra : khuyết tật hay không khuyết tật, chậm trí hay không chậm trí, rối lọan sắc thể hay không có rối loạn. Giữa trẻ em khuyết tật với nhau, có bao nhiêu nét khác biệt từ em nầy qua em khác, thì cũng có bấy nhiêu nét khác biệt như vậy, giữa trẻ em được gọi là bình thường.

Trong các động vật thuộc loài có vú, con người là con vật chưa thực sự hoàn tất, lúc vừa sinh ra. Cho nên thời gian thơ ấu của con người dài hơn tất cả mọi loài vật khác. Thế nhưng, não bộ phát triển rất nhanh. Trong sáu năm đầu tiên, kể từ lúc sinh ra, những chức năng của não bộ đã phát triển được 90 phần trăm tổng thể hoặc tổng lượng của mình. Do đó, tầm quan trọng của thiếu thời, không có gì có thể thay thế được. Những yếu tố can thiệp và tác động, trong những năm tháng nầy, có hiệu năng tối đa.

Con người phát triển, nhờ vào sự tác động qua lại mật thiết gữa ba thành tố khác nhau là : quả tim, cơ thể và trí tuệ. Vô thức có mặt và tác động rất sớm. Ở giữa mạng lưới và ảnh hưởng của vô thức tập thể và gia đình, vô thức cá nhân của đứa trẻ được kiến dựng và thành hình.

Hẳn thực, đứa trẻ sinh ra, mang sẵn trong mình một lịch sử : lịch sử của bào thai. Nó cũng sinh ra ở giữa một lịch sử : lịch sử của từng cá nhân cha hoặc mẹ, và lịch sử của cặp vợ chồng. Tất cả nằm trong một hệ thống gia đình nới rộng bao trùm nhiều thế hệ và cùng thuộc về một nền văn hóa. Và trong khuôn khổ của văn hóa, còn có thể nói tới thế giới vô hình, theo quan điểm của một số người.

Không phải vì đứa trẻ đã sinh ra, về mặt thể lý, mà nó đương nhiên được kể là người. Nó cần được kẻ khác nhìn nhận là người ( mới có thể lớn lên thành người ). Ở Sénégal, chẳng hạn, bảy ngày sau khi lọt lòng mẹ, đứa bé mới được kể là đã sinh ra. Trước đó, nó còn thuộc về một « cõi khác », một nơi khác.

Sự cố « sinh ra » làm gián đoạn một tình trạng thư thái, dễ chịu ( của bào thai ). Từ giây phút ấy, con người không ngừng tìm kiếm một tình trạng thư thái mới, bằng cách thực hiện những nhịp cầu thỏa hiệp, nối kết thực tế và những sở thích hoặc ước vọng của mình.

Tiến trình phát triển của con người bao gồm nhiều giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn, con người học hỏi, tiếp thu và đón nhận nhiều điều mới lạ. Nhưng đồng thời, con người cũng phải đánh mất đi một số điểm đã đắc thủ và từ bỏ những gì mình thân quen. Trong lối nhìn của tôi, những giai đoạn kinh qua nầy được coi như những « cơn khủng hoảng ». Theo ý nghĩa của thuyết cấu trúc, đó là những thời điểm mất quân bình, khi chúng ta từ bỏ một giai đoạn quân bình cũ, để bước qua một giai đoạn quân bình mới. Những cơn khủng hoảng nầy vừa xẩy đến cho trẻ em, vừa gây ra nhiều xáo trộn cho môi trường thân nhân. Hẳn thực, ở mỗi giai đoạn như vậy, người lớn trong gia đình, như cha mẹ… cũng phải thay đổi lối nhìn, cách nhìn của mình đối với trẻ em.

Sự cố sinh ra là một cơn khủng hoảng đầu tiên. Tôi từ biệt cung lòng ấm cúng của mẹ. Tôi đánh mất tình trạng được mẹ che chở tối đa. Nhưng cũng nhờ vậy, tôi được diễm phúc có mặt trong trời đất nầy. Vào lúc bỏ bú, tôi từ biệt nấm vú của mẹ. Nhưng cũng nhờ đó, tôi khám phá những loại của ăn đặc và cứng. Đồng thời, tôi cũng biết ngồi vào bàn, như mọi người, cầm chén để ăn như mọi người. Ngày tôi biết đi, tôi đánh mất hơi ấm được gần gũi, được bồng ẵm. Nhưng cũng nhờ đó, tôi được tự lập. Khi tôi biết nói, người khác không còn phải dò dẫm phỏng đoán. Từ nay, tôi hân hạnh được kẻ khác hiểu một cách dễ dàng hơn trước đây. Ngày tôi ý thức về phái tính trai hoặc gái của mình, tôi nhận ra cùng một lúc, tôi có nhiều đặc ân, đặc lợi. Nhưng đồng thời, tôi cũng phải có những bổn phận riêng, dành cho hoàn cảnh ấy, đôi khi khá nặng nề. Ngày tôi cắp sách đi học, tôi học đọc, học viết. Nhưng để được như vậy, tôi đành mất nhiều thời gian vui đùa, chạy nhảy. Khi đến tuổi dậy thì, tôi bắt đầu làm người lớn - hoặc anh hoặc chị, hoặc ông hoặc bà -.Nhưng tôi phải đảm nhận nhiều trách nhiệm. Người khác không còn dễ dàng bỏ qua, tha thứ những lỗi lầm, dại dột của tôi. Ngày tôi rời bỏ mái ấm gia đình, thuê phòng ở riêng, tôi được tự do. Nhưng tôi phải tay làm, hàm nhai. Những lúc chuyển tiếp như vậy là những thời gian tạo nên khó khăn, khủng hoảng cho mọi người, phía trẻ em cũng như phía người lớn. Có người rút ra được nhiều lợi ích. Có người không lợi dụng được gì. Nhưng hầu như mọi người đều trải qua những tình trạng căng thẳng tạm thời, cũng như những cuộc gây gổ, bất hòa.

Khi kinh qua những giai đoạn chuyển tiếp như vậy…

  • -Trẻ em nào có khả năng xây dựng những quan hệ vững bền, đầy tin tưởng..
  • -Trẻ em nào biết CẢM, trước khi hiểu…
  • -Trẻ em nào có khả năng hiểu, trước khi nói…
  • -Trẻ em nào biết vui đùa, biết chơi…
Những trẻ em như vậy đang lớn lên và phát triển.

Khổ đau, trái lại, khi quá lớn, sẽ xuất hiện ra ngoài, trước tiên bằng những dấu hiệu thể lý như : rối loạn tâm-thân (psycho-somatique), khó ngủ, khó ăn, khó tiêu hóa… Tiếp theo đó, thể thức bộc lộ ra ngoài là hành vi, tác phong như : rụt rè, dao động, lăng xăng hay là gây gổ, đánh đập, tấn công kẻ khác. Sau cùng, phương tiện diễn tả chính mình là lời nói, ngôn ngữ.

Đằng khác, khi đứng trước khổ đau của người khác, trẻ em sẽ không lạnh lùng, lãnh đạm. Trái lại, chúng nó sẽ từ từ biết cảm, biết đoán, biết thuyên giải - có nghĩa là tìm ra ý nghĩa - theo cách chủ quan, riêng biệt của mình. Trong lãnh vực nầy, nếu người lớn thuộc môi trường gia đình và giáo dục, có tập quán nín thinh, giữ im lặng, không biết tìm cách cung cấp cho trẻ em những tin tức cần thiết, để chúng nó từ từ học « đồng cảm » với kẻ khác… cách làm ấy có thể gây ra nhiều tổn hại, cho sự phát triển hài hòa, tốt đẹp của trẻ em. Trẻ em nào có những quan hệ sâu đậm, trung thực, dễ dàng với những người đang có vai trò giáo dục - như cha mẹ, thầy cô…- những trẻ em ấy sẽ phát huy những tình cảm trung tín, nhất là với hai cha mẹ sinh ra mình, từ những ngày thơ ấu.

Sau hết, đặc biệt vào lúc ban đầu, cha mẹ nào cũng có trong đầu óc, tâm tưởng của mình, một đứa con lý tưởng, mộng mơ. Cũng vậy, đứa con nào cũng mang trong quả tim mình một hình ảnh cha mẹ tuyệt vời về mọi mặt.Tuy nhiên, cả hai bên - cha mẹ cũng như con cái - phải từ từ đối diện với thực tế có khi rất phũ phàng. Trong tiến trình chuyển biến nầy, cơ hồ trong một trò chơi, đứa con đóng một phần vai trò của cha mẹ. Và cha mẹ cũng vậy, đóng một phần vai trò của đứa con. Cuộc sống sẽ dần dần lấp đầy những gì còn lại, bằng cách vận dụng tài nguyên, năng khiếu của cả cha mẹ lẫn con cái.

(còn tiếp...)