GIÁO DỤC ẤU THIẾU NHI TỪ 4 ÐẾN 12 TUỔI

Tại Giáo xứ Việt Nam Paris




Những người đầu tiên có bổn phận giáo dục thiếu nhi là phụ huynh. Chia sẻ trách nhiệm nặng nề về giáo dục căn bản này có học đường. Và bên cạnh học đường có Gíáo Xứ. Các giáo xứ địa phương Pháp, hoặc các giáo xứ ở Việt Nam chỉ đặc biệt lo đến việc giáo dục tôn giáo, đặc biệt là giáo lý, bí tích, phụng tự và mục vụ... Giáo Xứ Việt Nam Paris dĩ nhiên đặt vấn đề giáo dục tôn giáo lên hàng đầu và lồng nó vào trong sinh hoạt đoàn thể xã hội, nói thực tế ra là sinh hoạt đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Nhưng bên cạnh đó Giáo Xứ Việt Nam còn đưa vào chương trình giáo dục căn bản cho thiếu nhi một giáo trình khác nữa là văn minh văn học Việt Nam, nói đơn sơ ra là dậy tiếng Việt. Như vậy việc giáo dục căn bản cho thiếu nhi được tổ chức ở Giáo Xứ Việt Nam được thực hiện qua hai khóa trình là giáo lý và tiếng Việt.

Tổ chức giáo dục ấu thiếu hiện nay đã được định chế hóa. Nhưng để đi đến việc tổ chức có qui củ này, một tiến trình dài đã được trải qua. Dó là lý do khiến chúng ta sẽ đề cập đến việc giáo dục căn bản và khởi đầu cho trẻ em Việt Nam ở Giáo Xứ Paris qua bốn điểm sau đây :

. Tiến trình tổ chức giáo dục căn bản cho trẻ em tại Giáo Xứ Việt Nam Paris

. Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, một tổ chức đã được Giáo Xứ Việt Nam Paris chọn lựa cho việc giáo dục căn bản ấu thiếu nhi Việt Nam

. Khóa trình tiếng Việt

. Khóa trình Giáo Lý.

1. Tiến trình tổ chức giáo dục căn bản cho ấu thiếu nhi tại Giáo Xứ Việt Nam Paris

Được đại học Đàlạt gởi đi tu nghiệp tại Pháp, tôi đặt chân lên đất Paris ngày 19.12.1973. Mấy ngày sau, tôi có ghé thăm Giáo Xứ Paris ở quận 14, trước khi về học tại Lyon. Hè 1974 tôi lên làm việc ở Paris, hàng tuần ghé giáo xứ đi lễ. Giáo xứ lúc đó chỉ có ba hội đoàn là sinh viên, các bà mẹ công giáo, và đạo binh Đức Mẹ. Việc giáo dục thiếu nhi không được tổ chức.

Từ năm 1975, số Việt kiều di tản càng ngày càng đông, số các trẻ em đến giáo xứ càng lúc càng nhiều. Ban giám đốc giáo xứ đã bắt đầu nghĩ đến việc dậy giáo lý cho các em. Từ năm 1977, với việc bổ nhiệm cha Trương Đình Hoè làm cha sở cho Giáo Xứ Việt Nam, một ban giám đốc hùng hậu đã được thành lập với 7 linh mục, gồm các cha : Hoè, Luợng, Linh, Hoàng, Vinh, Sách và Anh, và 5 nữ tu, gồm các chị : Na, Phú, Nhi, Thịnh và Louise. Được trao trách nhiệm phụ trách giáo lý, cha Mai Đức Vinh đã qui tụ được một nhóm cộng tác viên đắc lực là chị Mỹ Phước, anh chị Nguyễn Công Thương và chị Marie Hoàng thị San. Giáo trình không chỉ hạn hẹp vào giáo lý mà còn mở ra ở việc dậy tiếng Việt và phụng tự nữa. Công việc này được tiếp tục một cách tích cực, với sự tham dự của nhiều cộng tác viên khác nữa, như chị Phú, chị Phượng và một số nữ tu dòng Chúa Quan Phòng. Số các em đến học hàng tuần đã lên đến 80 vào những năm đầu thập niên 80.

Năm 1980, cha Mai Đức Vinh được bổ nhiệm làm giám đốc. Hai vấn đề đã đặt ra cho Ban Giám Đốc mới. Một là những náo động rất ồn ào và chia rẽ. Hai là nhân sự rút hẳn lại từ 12 xuống 4 vị, là cha Vinh, cha Lượng, cha Sách và chị Phú. Nhưng nhờ ơn Chúa Thánh Thần, với sự hăng say tông đồ của Ban Giám Đốc, một hướng mục vụ mới và một cách tổ chức tân tiến đã được áp dụng. Đó là việc Ban Giám Đốc mời một nhóm giáo dân cộng tác với hai hướng đi rõ rệt. Mục vụ trưởng thành với việc lập nhóm Thần Học Giáo Dân vào năm 1980 để đi đến việc lập Hội Đồng Mục Vụ và đoàn ngũ hóa các hội đoàn. Mục vụ giới trẻ với việc tăng cường các nhóm trẻ sống đạo, phát động từ năm 1981, với việc hình thành nhóm Cầu Nguyện, nhóm Emmau để đi đến việc đào tạo huynh trưởng và cán bộ làm việc cho các trẻ em Việt Nam.

Ban giám đốc giáo xứ được tăng cường thêm với chị Liên (1980), chị Na (1982) và cha Nghiệp (1985), nhưng lại mất đi cha Lượng về hưu (1985) và chị Phú (1986) đi về nhà dòng.

Riêng việc giáo dục thiếu nhi, năm 1985 có thể coi là một bước nhảy vọt mới. Được bổ nhiệm lo việc dậy giáo lý cho các trẻ em, cha Đinh Đồng Thượng Sách đưa ra một kế hoạch và một tổ chức mới.

Mục vụ trưởng thành đã được đoàn ngũ hóa với việc lập Hội Đồng Mục Vụ vào năm 1983. Thiếu nhi cũng sẽ được đoàn ngũ hóa với phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể lập vào năm 1986 do cha Đinh Đồng Thượng Sách.

2. Thiếu Nhi Thánh Thể.

Giáo dục khởi đầu và căn bản là một việc quan trọng mà bất cứ một xã hội nào cũng phải coi là sứ mệnh hàng đầu. Nhưng phải tổ chức thế nào để việc giáo dục được hấp dẫn và hữu hiệu ? Xã hội nào cũng đặt câu hỏi này, và cũng tìm một giải pháp trả lời. Giáo Xứ Việt Nam Paris, qua người trách nhiệm, là cha Đinh Đồng Thượng Sách, phương pháp hội đoàn đã được chọn lựa. Phương pháp hội đoàn đặc biệt nhấn mạnh đến những sinh hoạt thực tiễn, để đào tạo con người bằng những hình thức vui chơi. Trong bài mở đầu tập ‘Kỷ Yếu 10 năm 1986-1996 đoàn Kyto Vua’, Cha Đinh Đồng Thượng Sách đã giới thiệu đoàn như sau : (1)

« Bắt đầu vào mùa tựu trường năm 1985, chính thức ra mắt với Cộng Đoàn vào ngày kết thúc niên học 1985-1986 (22/06). Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể tại Giáo Xứ, tính đến niên học này 1995-1996 vừa tròn 10 tuổi.

Mười năm về trước, cũng vào một Chúa Nhật cuối tháng 6, khuôn viên Giáo Xứ lần đầu tiên được chứng kiến một quanh cảnh khác thường :

- Các con em thơ ngây nhất của Cộng Đoàn tươi vui trong bộ đồng phục : ‘sơ-mi’ trắng gắn huy hiệu, quần hoặc ‘jupe’ mầu xanh dương, xếp thành Đội, thành Ngành, hăng hái làm lễ Tuyên Hứa :

‘Thiếu Nhi Thánh Thể nhiệm mầu

Tôn sùng rước lễ nhà chầu viếng thăm

..Thiếu nhi bác ái một lòng

Tim luôn quảng đại mới mong giúp người

...Thiếu nhi ngay thẳng trọn đời...’

- Các Huynh Trưởng nam nữ, đang lứa tuổi thích hiên ngang đứng thẳng, đã khiêm nhường quì xuống trước bàn thờ tay giơ, miệng đọc lời dấn thân... xin : ‘(...) biết hoạt động mà không tìm an nghỉ, tận tình với chức vụ mà không mong phần thưởng nào khác. Một biết mình làm theo ý Chúa luôn.’

Kể từ đấy, Đoàn đã không ngừng tiến triển về phẩm cũng như về lượng. Con số đoàn sinh tăng đều mỗi năm. Năm đầu tiên là 84 em. Năm nay : 220 em.

Về Giáo Lý, các em được những thầy cô tận tình hướng dẫn với tinh thần hoàn toàn vì Chúa. Năm nào cũng có các em hoặc Rước Lễ lần đầu, hoặc Thêm Sức, hay Rước Lễ trọng thể, Tuyên Xưng Đức Tin. Có cả những em ngoài Công Giáo đến theo học, sau đó xin được Rửa Tội.

Về tiếng Việt và sinh hoạt, tại Giáo Xứ hay tại các kỳ sa mạc (trại), các em đã đạt từ mức độ không biết, biết ít, đến mức độ nói, viết, hoạt bát... tương ứng với cố gắng cá nhân. Những em tiến bộ nhất đã tự nguyện trở thành Dự bị trưởng, rồi Huynh trưởng.

Về đường hướng, các em được huấn luyện trong bầu khí lành mạnh, phấn khởi, thích nghi... biết tự nguyện sống đạo và sẵn sàng dấn thân, hiên ngang mang Chúa đến với môi trường sống... cố gắng :

‘Trở nên những con người kiện toàn.

Những Kitô hữu hoàn hảo’

Như mục đích của Phong Trào đề ra.

Đoàn đã được sự ủng hộ và thiện cảm của nhiều giới trong và ngoài Giáo Xứ. Tên của Đoàn đã vang tới Việt Nam, được nhắc tới tại những nước có các đoàn bạn sinh hoạt ở Mỹ, Úc, Á, Âu.

Đặc biệt và hơn hết Đoàn được sự tín nhiệm ngày càng gia tăng của phụ huynh có con em trong Đoàn, không ngần ngại gánh thêm một hy sinh nữa, trong bao hy sinh khác, đưa con cháu tới Giáo Xứ vào mỗi chiều thứ bảy, mặc dầu đã phải vật lộn với cuộc sống khó khăn suốt tuần, suốt tháng, thời giờ eo hẹp, phương tiện xê dịch diệu vợi, nhà ở có khi xa 6,7 chục cây số hay xa hơn nữa ! Có lẽ cũng chỉ vì mong sao con cháu mình được học hỏi, để biết Chúa, mến Chúa, theo Chúa... nhớ đến cội nguồn nòi giống... »

Đúng như lời cha tuyên úy rằng ‘Đặc biệt và hơn hết, được sự tín nhiệm ngày càng gia tăng của phu huynh có con em trong đoàn’. Các phụ huynh đã dành cho các huynh trưởng những tình cảm nể nang thán phục. Lời tâm sự của ông Phạm Bá Nha sau đây ghi lại lời tâm sự biết ơn và thán phục ấy. (2)

« Đem con đến Giáo Xứ vào chiều thứ bảy. Chúng tôi hằng mong cho con mình khôn lớn, học hành đến nơi đến chốn, thành người mai sau, nhất là chịu khó học đạo, hiểu đạo, giữ đạo suốt đời. Chúng tôi có rất nhiều suy nghĩ khi đem con đến cũng như lúc rước con về. Không phải một ý nghĩ thoáng qua, mà kéo dài mãi, vương vấn trong tâm tư, để mãi không được, cần phải ghi lại ở đây. Nói hết một lần những gì muốn nói, bằng một lời rất chân thành với các anh chị giáo lý viên, huynh trưởng và cha tuyên úy.

Chiều thứ bảy là thời gian quí giá nhất, đối với chúng tôi, bao nhiêu công việc cuối tuần đều dồn hết vào buổi chiều này. Nghỉ ngơi thì ít, lo liệu công việc trong nhà thì nhiều. Cả tuần bận với làm ăn sinh sống, cuối tuần di chuyển nhiều hơn, chạy ngược chạy xuôi, mà vẫn chưa hết việc. Không tuần nào giống tuần nào, việc cũ thường xuyên tới, việc mới bất ngờ đến. Đòi phải có sự thu xếp chu đáo mới xong. Tuần nào mà cái xe nằm ụ, di chuyển bằng métro, mất nhiều thời giờ lắm, tới khuya mới về đến nhà. Gặp trường hợp xe chuyên chở công cộng đình công, thì ôi thôi cả là vấn đề, tốn tiền thêm cho vụ đi lại. Đôi lúc, thú thật đem con tới Giáo Xứ, rồi lại vội vã đi lo chuyện khác. Cảnh này khiến các vị phụ huynh khóa học cho là chúng tôi khoán trắng công việc học hành cho các vị ấy. Nói thế có phần đúng. Đây là việc bất khả kháng. Chúng tôi xin chấp nhận thiếu sót và nhận lỗi, trong sự tín nhiệm và thông cảm.

Chúng tôi có dịp nán ở lại Giáo Xứ, khi xong việc bên ngoài và chờ khi con đang học. Chúng tôi thường đi quanh hành lang, trao đổi chuyện trò với các phụ huynh khác về con cái, về việc học hành, cả về tương lai xa gần con cháu mình. Nhất là chúng tôi chăm chú, xúm vào xem các hình sinh hoạt dán trên tường, hầu như thay đổi mỗi dịp lễ, nghỉ hè. Xem đã con mắt. Hình chụp thật đẹp, không thiếu một sinh hoạt nào, và có mặt đủ, nếu ai đã có trong cuộc. Nghệ thuật rất tinh vi, đáng khen. Vui nhất là khi thấy con mình có tên trong bảng danh dự, có hình trong các buổi vui chơi, như cắm trại, trung thu, tết, cuối năm, tuyên hứa, nhận khăn thăng cấp. Hình ảnh đẹp, thích thú nhất và đánh thức tâm trí là các em tham dự các nghi lễ phụng tự, dịp rước lễ đầu đời, thêm sức, rửa tội, lễ cuối tuần, các em vây quanh cha tuyên úy và các anh chị phụ trách, cười nói vui vẻ hồn nhiên của tuổi trẻ, có khi như cuốn quýt đầy tình thương và trìu mến của cả hai bên. Không biết các anh chị có thấy như vậy không ? Hình ảnh này chưa bao giờ, không thể thấy nơi nào khác, chỉ ở đây mới có. Xem hình chưa đã bằng xem vidéo, đủ mọi chi tiết, từ điệu bộ cử chỉ lời nói cho đến đi lại... tất cả đều được ghi đầy đủ. Nét mặt cởi mở, vòng tay mở rộng của thầy cô, níu áo của các em cho thấy tình thầy trò thật là đậm đà, gắn bó, ôi sao mà dễ thương, dễ mến. Thật quí hóa và cảm phục những người đã tạo nên tình cha con và anh em, chị em cho con cháu chúng tôi. Qua hình ảnh, thấy con, thấy cháu mình mỗi ngày mỗi lớn, với những khuôn mặt phát triển rất tự nhiên mà trong gia đình chúng tôi ít thấy. Rồi mỗi khi tan lớp, ra về chúng tôi lại càng say mê và kết quả con mình thu lượm được từ lớp ra. Không ngờ tý nào, khi thấy con nói tiếng Việt nhanh hơn, thạo hơn, biết được cả những ý nghĩa thâm thúy, nhiều khía cạnh của nền văn hoá nước nhà. Rồi những bài giáo lý, câu kinh, những bản thánh ca, cả thánh kinh nữa, các con lại líu lo lặp lại trên xe, làm cho quãng đường về nhà ngắn hẳn lại. Những ngày trong tuần, con cái ngoan hơn, chịu khó học và giúp đỡ trong nhà. Một tuần qua thật mau, đã tới thứ bảy. Các con lại thúc dục nhau, chuẩn bị mau đến Giáo Xứ. Cả một thế hệ đang hấp thụ về cả đạo lẫn đời từ Giáo Xứ. Đâu ai để ý, mà thực là như vậy. Nhờ có môi trường thuận lợi trẻ em mới có dịp phát triển tài năng và học hỏi. Ai cũng phấn khởi và ấm lòng dạt dào đặt niềm tin vào tương lai con mình và thế hệ tương lai của Giáo Xứ.

Đôi khi, chúng tôi muốn gặp các anh chị hỏi han đôi lời. Nhưng phòng học đóng kín. Tiếng giảng bài linh hoạt nhè nhẹ, tiếng hỏi bài và thưa lại không rụt rè, lọt qua khe cửa. Có cảm tưởng là một ‘lớp tình thương’ hơn là một lớp giáo dục. Tiếng đối đáp không rõ, nhưng không bao giờ nghe tiếng la lớn, nạt nộ. Chỉ nghe toàn tiếng nhẹ nhàng, khoan thai, rành mạch. Ngoài sân cũng vậy, trong sinh hoạt thật lớp lang, mau lẹ, có tổ chức đàng hoàng, răm rắp, đâu ra đó. Theo thời khóa biểu, một giờ cho tiếng Việt, sinh hoạt và Giáo Lý. Phải khéo điều hành lắm mới hết chương trình.

Khi tới hay lúc tan giờ lễ, chúng tôi chỉ giáp mặt và chào hỏi các anh chị. Ai cũng sợ mất giờ nhau, nhất là mất giờ cho các anh chị. Lúc này mới thấy thời giờ là quí báu hơn vàng bạc. Ban điều hành và những người nhiệt thành có mặt thường trực từ đầu tới cuối lễ, lễ xong, tức là suốt cả chiều thứ bảy. Quét nhà, xếp lại bàn ghế trả lại thứ tự sạch sẽ cho ngày chúa nhật hôm sau. Công thật lớn lao và hy sinh thật nhiều. Còn anh chị khác thấy có người đến vừa đủ giờ vào lớp, hết giờ lại ra về ngay cho kịp với thời khóa biểu mình. Nói là đến một giờ cho các em, mà thực sự anh chị ấy đã phải mất tới ba bốn giờ để di chuyển. Quan trọng là phải kịp giờ, nên phải trừ hao đi sớm, lúc về thì thong thả. Người ở xa sau khi hết lớp, chiều thứ bảy nạn kẹt xe là thường. Có khi thời giờ về lâu gấp ba lần giờ đi.

Đoàn Thiến Nhi Thánh Thể tại Giáo Xứ được thành lập, nay được 10 năm. Mà thấy có vài anh chị từng là giáo lý viên hay huynh trưởng từ ngày đoàn các em khai sinh, có khi từ khi Giáo Xứ có lớp giáo lý vào sáng chúa nhật. Từng cái khăn đến huy hiệu, cả quần áo đều do những người khởi xướng này lo liệu. Ngày ra mắt, tất cả cộng đoàn đều bở ngỡ, vì con em mình đã được đoàn ngũ hóa. Những người đến sau, nối tiếp thay thế người đi trước, cũng mang một hoài bão, ước vọng là cho đàn em mai sau. Trong các anh chị, người có gia đình, người chưa. Có trường hợp cả hai vợ chồng và con trai đều là giáo lý viên. Sau khi tìm được Chúa, một tân tòng, nay đã trở thành người dìu dắt các em tìm hiểu chân lý Phúc Âm. Từ sân trường Giáo Xứ, cùng một lý tưởng vì mầm non nhân loại, cùng làm việc với nhau, mà có cặp trong anh chị thành vợ chồng giữa bao tiếng reo mừng hoan hô của các em. Đẹp thay những cặp huynh trưởng trẻ đẹp và đầy nhiệt huyết này. Tuổi đời những người tham gia công tác đào tạo giáo dục thiếu nhi từ trên 20 đến ngoài 60. Tóc đầu còn xanh nay đã ngả mầu, đều không biết mệt mỏi, miễn sao mình là viên gạch xây nhà cho con cháu hưởng dùng. Mình là người gieo hạt mong cho mưa thuận gió hòa vào cuối mùa gặt, thu lượm toàn là những bông lúa vàng óng ánh, những bông hoa muôn màu rực rỡ và thơm tho đủ mùi vị.

Có lời xin lỗi và xin được phép nói ở đây. Trường hợp đặc biệt là trong các anh chị có người có việc làm có người chưa, có người mất việc vĩnh viễn, người vừa đi học vừa đi làm, người một thân một mình tại xứ người. Cái gì thúc đẩy các anh chị đến với con em. Phải chăng là tinh thần quảng đại đã đua các anh chị đến đây, dấn thân giáo dục mầm non Giáo Hội và quê hương tổ quốc. Người càng trẻ lại càng rộng lượng. Anh chị không như các bạn trẻ khác của xã hội hôm nay. Cũng chiều thứ bảy như vầy, không kể gì tới nơi khác. Thiếu gì các bạn trẻ như anh chị, cũng đến Giáo Xứ, từng quàng khăn ba mầu xanh đỏ vàng. Bây giờ xa Giáo Xứ, theo con đường khác cho những ngày cuối tuần. Thật uổng phí thời giờ và tuổi trẻ. Anh chị đã không bỏ Giáo Xứ, tiếp tục sống bên cạnh đàn em của mình. Cả tuần bận rộn với học hành, sinh sống cho mình và gia đình. Có quyền nghỉ ngơi, mà anh chị không hưởng, anh chị đến đây với các em. Thử hỏi còn gìờ nào giải trí, bồi dưỡng sức khoẻ ? Anh chị không nghĩ đến mình mà nghĩ đến các em nhỏ. Đến để chia xẻ trách nhiệm giáo dục với chúng tôi. Một lo lắng rất lớn và quan trọng của cộng đoàn. Mến phục biết bao khi anh chị vùa làm tròn bổn phận là con trong nhà, lại ghé vai làm chị làm anh cho cả một đàn em đông đúc. Đáng khen nhất là anh hay chị, sau khi hoàn tất nhiệm vụ làm mẹ, làm cha, làm vợ, làm chồng thì đến đây, cả hai nhận công tác làm cha mẹ thay chúng tôi. Các em, các con chúng tôi ở đây khác với em hay con anh chị ở nhà. Đáng thương hơn dễ thương phải không ? Càng hạn chế, giữ chân lại hơn để tự do chạy nhảy. Các em đủ lứa tuổi, đủ mọi trình độ và tính tình khác nhau vì không cùng một cha một mẹ. Nhưng nhờ kiên tâm, khéo léo và uyển chuyển, một thời gian, hai ba bốn năm, anh chị đã uốn nắn các em thành ngoan, có kỷ luật, biết sống và cư xử theo lời nói.

Một năm có tới 150 em đến với đoàn Thiếu Nhi. Và trung bình có mấy chục em được xưng tội, rước lễ lần đầu, và chịu phép Thêm Sức và một ít trường hợp các em lớn tuổi được rửa tội. Từ chưa biết gì hay biết qua loa về đạo, nay em đang trên đà mộ mến và sùng đạo. Chúng tôi vô cùng sung sướng và an tâm. Chắc ai cũng đủ hiểu mù chữ là một trong những cái khổ nhất trên đời. Là người Việt Nam mà không biết nói và viết tiếng mẹ đẻ, còn gì xấu hổ và tủi nhục hơn ? Chúng tôi tự cảm thấy có lỗi rất lớn đói với con cái mình. May quá, các anh chị đã khai thông dòng tư tưởng và đầu óc các em. Ở nhà cố gắng hết sức mà không biết làm sao cho con viết và nói được tiếng Việt. Việc mà chúng tôi tưởng là thất vọng. Các anh chị làm được, thành công ngoài sự tưởng tượng và mong muốn. Cứ cho là con mình mù chữ Việt cả đời. Thế mà không ngờ. Thật cảm động đến rơi nước mắt khi thấy con mình từ bặp bẹ, ú ớ nói, rồi từ viết ngòng ngoèo đến nói nhanh nói thạo, viết đẹp viết nhanh tiếng Việt, lại ca hát sành sõi các bản dân ca. Một lần được nhìn thấy một bà mẹ sửng sốt và khóc khi nghe con mình đọc rõ ràng bài thánh thư trong một lễ vào chiều thứ bảy. Một bà mẹ khác đã ôm con hôn lấy hôn để, sau khi con trình diễn điệu múa dân ca, vào dịp ‘Thiếu Nhi mừng Xuân’. Còn nhiều nước mắt chúng tôi chảy ra, vừa mừng cho con, vừa để cám ơn những người dạy con. Rất tiếc và có khi xấu hổ không dám khóc trước mặt người dạy.

Anh chị đã thương trẻ em như Chúa chúc lành. Bù lại, Chúa và người khác sẽ thương lại anh chị. Anh chị là những người dẫn các em đến gần Chúa để Chúa ôm các em đem vào nước Trời của Ngài. Anh chị làm đúng tinh thần Phúc âm của Maccô (10,13-16); ‘Để trẻ em đến cùng Ta, vì nước Trời là của những người có tâm hồn như trẻ nhỏ’. Anh chị đã chọn con đường cao đẹp và đáng quí trọng nhất. Không ai bằng ? Chúng tôi, tất cả phụ huynh, không chỉ nói suông một lời cám ơn, mà với cả lòng thành sâu xa. Xin hứa và quyết thực hiện bằng được dạy lại con cháu : ‘Ăn quả nhớ kẻ trồng cây’. Một ngày nào đó, không xa, trẻ con mau lớn lắm, cây mà các cha, lẫn các anh chị trồng sẽ có hoa trái. Có được mớ hoa quả đầu mùa, chúng tôi sẽ mời đến cùng vui với chúng tôi. Ngày ấy thiếu gì chuyện cũ của những ngày tại Giáo Xứ Việt Nam, vào mỗi chiều thứ bảy. Cùng hứa và hẹn nhau trước. »

Giáo Hội Công Giáo có một quan niệm rất tổng quát về giáo dục. Trong thơ gởi các gia đình vào tháng hai, năm 1994, đức đương kim giáo hoàng Gioan Phaolô II đã vạch rõ cho các bậc cha mẹ rằng : ‘Lý tưởng giáo dục công giáo là một giáo dục toàn diện’. Như là một giải đáp thích đáng cho lý tưởng giáo dục toàn diện này, đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể tổ chức việc giáo dục khởi đầu và căn bản cho các trẻ em qua một học trình toàn diện.

« Mục đích của đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể là đào luyện các em trở thành con người toàn thiện và Kitô hữu hoàn hảo. Sinh hoạt của các em tập trung vào chiều thứ bảy từ 15g đến 19g.30, gồm : học tiếng Việt, Sinh hoạt vui chơi, Giáo Lý và kết thúc bằng thánh lễ chung với phu huynh. » (3)

Câu văn ngắn này, trích từ tập kỷ yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris, đã giới thiệu trọn vẹn bốn sinh hoạt mỗi chiều thứ bảy của đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, qua hai khoá trình căn bản : khóa trình văn hóa việt nam với việc học tiếng Việt, và khóa trình giáo lý công giáo gồm các môn tín lý, luân lý, phụng vụ, bí tích và mục vụ.

3. Khóa trình tiếng Việt.

Dậy tiếng việt cho trẻ em Việt Nam, đó là công việc mà Giáo Xứ Việt Nam đã thực hiện từ những năm 70. Hai nét đậm tả rõ khoá trình tiếng Việt tại Giáo Xứ Việt Nam Paris là có tổ chức và có phương pháp. Hai nét đậm này đã được nhận thấy ngay từ những năm 80. Đó là đại ý bài báo mà tôi đã viết vào năm 1987 và xin được trích lại sau đây. (4)

A. Dạy tiếng Việt có tổ chức

Về việc thứ nhất tức là việc tổ chức các lớp học, năm câu hỏi đã được đặt ra và đã hoặc đang được giải quyết. Câu hỏi thứ nhất là dậy tiếng Việt ở đâu và lúc nào ? Câu trả lời tổng quát thì ai cũng biết : dạy tại Giáo Xứ và vào những lúc thuận lợi cho các em. Nhưng phòng ốc tại Giáo Xứ thì ít ỏi và chật chội ! Giờ giấc thuận lợi cho các em thì chỉ có thứ tư, chiều thứ bảy và ngày chủ nhật, nhưng giờ giấc này có thuận lợi cho Giáo Xứ không ? Từ hai năm nay, nhờ sự cố gắng của ban giám đốc và của hội đồng mục vụ, hai lớp học mới và một sân xi măng sạch sẽ đã được thực hiện. Vị chi cơ sở Giáo Xứ, nếu trưng dụng một cách triệt để, có thể cung cấp 6 hoặc 7 phòng học và một sân sinh hoạt tương đối có tiện nghi. Cũng từ hai năm nay, sau nhiều năm thực hiện và thăm dò, các lớp tiếng Việt đã được tổ chức vào chiều thứ bảy trong một khuôn khổ giáo dục tổng quát : giáo dục tôn giáo, giáo dục văn hóa, giáo dục xã hội. Giáo dục tôn giáo đặt trọng tâm vào việc học giáo lý và dự thánh lễ. Gíáo dục văn hóa đặt trọng tâm vào việc học tiếng Việt. Giáo dục xã hội được thực hiện trong khuôn khổ đoàn Thiếu Nhi. Trong khoản thời gian 3 tiếng đồng hồ mỗi chiều thứ bảy, việc dậy tiếng việt trực tiếp khoảng từ một đến một tiếng rưỡi tiếng việt như phương tiện truyền thông, chiếm trọn ba tiếng đồng hồ.

Câu hỏi thứ hai là dạy tiếng Việt cho ai và phải tổ chức học sinh thế nào ? Suốt từ 10 năm qua, số trẻ em đến học tiếng Việt, năm nào cũng có. Nhưng từ 2 năm nay, số các em đến trường tương đối đông đảo và đều đặn hơn. Mỗi chiều thứ bảy trung bình từ 120 - 150 trẻ em Việt Nam đến Giáo Xứ để học tiếng Việt. Vấn đề tổ chức đã được đặt ra với nhiều tiêu chuẩn khác nhau : tuổi tác, trình độ tiếng Việt, trình độ trí thức mở mang. Dung hòa các tiêu chuẩn ấy, việc tổ chức học sinh đã được phân định trong 10 lớp và theo 3 trình độ khác nhau : trình độ Ấu, trình độ Thiếu và trình độ Sĩ. Trình độ Ấu bao gồm các em trong bình 8 tuổi. Tùy theo khả năng nói và nghe tiếng Việt, các em được chia làm bốn lớp khác nhau. Trình độ Thiếu qui tụ các em trung bình 10-12 tuổi. Tùy theo khả năng nói, nghe, đọc và viết tiếng Việt, các em cũng được chia làm 4 lớp khác nhau. Trình độ Sĩ dành cho các em trung bình 14 tuổi và tùy theo khả năng nói, nghe, đọc, viết và hiểu biết về văn hóa, văn chương Việt Nam, các em được chia làm 2 lớp khác nhau.

Câu hỏi thứ ba liên hệ đến việc tổ chức chương trình học : ‘dậy cái gì ?’ Có hai câu trả lời cho câu hỏi này : Việc đã và đang làm. Ở trong các lớp Ấu chương trình xoay quanh mục tiêu căn bản là nói và nghe tiếng Việt để kết thức bằng khả năng đọc tiếng Việt. Nhiều hình thức đã được áp dụng : truyện cổ, bài hát thiếu nhi, ca dao tục ngữ, trò chơi ấu nhi, sách học vần. Ở các lớp thiếu, khóa trình xoay quanh trọng tâm là dậy cho các em biết đọc và viết tiếng việt. Nhiều phương pháp đã được áp dụng, từ cổ điển như tập đọc, tập viết chính tả, tập đặt câu câu, thử giải nghĩa v.v... đến sống động như đóng kịch, viết tuồng v.v... Ở các lớp sỹ thì trình độ cao hẳn lên và xoay quanh 2 mục tiêu : hiểu biết văn hóa và văn chương Việt Nam qua các tác giả và tác phẩm nổi tiếng và giá trị đặc biệt là Tự Lực Văn Đoàn, sáng tác qua các văn thể Việt văn như văn xuôi, thơ v.v... Chương trình của 3 trình độ được xây dựng như vậy tương đối đã có tổ chức. Nhung ban Việt ngữ còn có tham vọng hơn nữa để cải tiến luôn. Một dự án đang được tiến hành xoay quanh 3 nghiên cứu : mục tiêu của mỗi lớp và mỗi trình độ. Nội dung cho mỗi lớp và mỗi trình độ. Hình thức thực hiện cho mỗi nội dung. Được hân hạnh mời tham dự vào việc nghiên cứu này, thứ bảy 30.5.87 vừa qua tôi đã cùng các thày cô khơi mào công việc này. Trước đây 4 năm, tôi cũng đã có dịp làm một việc tương tự với nhóm dậy tiếng Việt tại làng Hồng ở Bordeaux của thày Nhất Hạnh. Một chương trình chi tiết đã được đưa ra và đã được giáo hội Phật giáo Việt Nam hải ngoại chấp nhận và đề nghị như một chương trình kiểu mẫu. Hy vọng công việc nghiên cứu của nhóm dạy tiếng việt tại Giáo Xứ cũng sẽ đưa đến một kết quả tương tự.

Câu hỏi thứ tư là phải tổ chức ban giảng huấn thế nào? Ai cũng biết rằng việc dạy tiếng Việt hữu hiệu hay không phần lớn tùy thuộc vào thiện chí và khả năng của thầy cô. Ở Giáo Xứ hiện có khoảng 15 thầy cô tham dự một cách tích cực vào công việc dạy tiếng Việt. Đa số họ là sinh viên hoặc đã là sinh viên. Có cả những thầy cô đã từng xuất thân tại đại học sư phạm bên Việt Nam. Thiện chí và khả năng của họ có lẽ không thiếu. Công việc quan trọng ở lãnh vực này có lẽ là làm sao để duy trì và phát triển những thiện chí và tài năng ấy. Ở điểm này công việc của nhóm và người trách nhiệm nhóm đã là quan trọng. Nhưng công việc của các thành phần khác trong cộng đoàn cũng như của cộng đoàn nói chung còn quan trọng hơn. Các phụ huynh có cộng tác và khích lệ các thầy cô không ? Cộng đoàn có để ý đến họ, tạo điều kiện thuận lợi cho họ, nâng đỡ tinh thần họ không ? Ai cũng xác tín rằng việc dậy tiếng Việt cho trẻ em là khẩn thiết, nhưng mỗi người đã làm được gì trong việc này ? Ai cũng biết rằng các thầy cô dậy là tình nguyện và không công, nhưng đã mấy người biết rằng soạn bài, tìm tài liệu, thực hiện một bài dậy, thẩm lượng khả năng thâu nhận của học trò, không phải là việc dễ làm. Nhờ sự khéo léo của cha Sách, người trách nhiệm công việc trước Ban Giám Đốc, nhiều khóa họp và học hỏi sư phạm của nhóm đã được thực hiện một cách kết quả. 15 thầy cô liên tục đảm nhiệm 10 lớp học trong suốt niên khóa với trung bình 20 lần dậy trong lớp và 3 hoặc 5 lần sinh hoạt ngoài trời, đó cả là một trì chí và phải có một ý chí kiên nhẫn, một lòng yêu tiếng Việt và dân Việt một cách sâu đậm. Vì những lý do đặc biệt, nếu giã sử một trong 15 thầy cô ấy không đảm nhận được công việc ấy nữa, liệu cộng đoàn có kiếm đươc người thay thế dễ dàng không ?

Câu hỏi sau cùng mà ban tiếng Việt tại Giáo Xứ đang đặt ra cho mình là, phải tổ chức học cụ và học liệu thế nào ? Giải đáp chủ chốt cho câu hỏi này nằm trong dự án thiết lập một thư viện sư phạm tiếng Việt. Tôi xin đề cập ở phần thứ ba. Nhưng trước dó, tôi xin gợi một vài ý kiến về việc dậy tiếng Việt có phương pháp.

B. Dạy tiếng Việt có phương pháp.

Ai đã từng đi dậy học thì đều biết rằng việc dậy học kết quả hay không phần lớn tùy thuộc vào phương pháp dậy, và nhất là phương pháp thích hợp; thích hợp với môn dậy, với người học, với hoàn cảnh dậy. Vì có nhiều yếu tố như vậy, mà phương pháp sư phạm rất là nhiều. Sau đây, trong khuôn khổ những gì đã, đang và sẽ được thực hiện tại Giáo Xứ, tôi xin trình bày kết quả của cuộc thăm dò mà tôi đã thực hiện nơi 15 thầy cô dậy tiếng Việt tại Giáo Xứ. Qua những phát biểu của họ, tôi thấy có 6 điều quan trọng làm họ lưu tâm trong phương pháp dậy tiếng Việt.

Điều thứ nhất chiếm một chỗ rất quan trọng là việc soạn bài. Các thầy cô, ai cũng xác nhận là việc soạn bài chiếm rất nhiều thời giờ. Để dậy một giờ, phải mất đến 2 hoặc 3 giờ soạn. Có khi nhiều hơn nữa. Sở dĩ mất nhiều thời giờ như vậy, vì các thầy cô rất lý tưởng và khá tham vọng. Đại cường thì 8 câu hỏi sau đây đã được xét đến trong lúc soạn bài : 1/ đề tài của bài học là gì ? 2/ nó liên hệ thế nào với khóa trình của lớp. 3/ Bài học phải đặt mục tiêu gì ? Một hiểu biết, một tác phong, một hành động ? 4/ bài học được tiên liệu diễn tiến thế nào ? Chi tiết về nội dung, chi tiết về hình thức, chi tiết về thời giờ, chi tiết về phương pháp, chi tiết về học liệu và học cụ ? 5/ khung cảnh nào và bầu khí nào phải tạo để bài học được dễ thâu nhận hơn ? 6/ Phải dùng những phương tiện diễn tả nào : nói, trò chơi, hát, múa, kịch, thủ công, sách tranh... ? 7/ Phải dùng những vật liệu và dụng cụ nào ? 8/ Cách nào để ước lượng mức hưởng ứng, thích thú, thâu nhận của học trò ?

Điều thứ nhì không ít quan trọng trong phương pháp dạy học mà các thầy cô đã chú ý là tài liệu. Trong tình trạng hiện giờ, các thầy cô phải tự xoay sở và dùng các phương tiện cá nhân. Người thì đi tìm lục trong các thư viện Việt Nam tại Paris, người thì đi mượn bạn bè, bà con, người thì tự mua sắm. Tình trạng tháo vát cá nhân này không thể kéo dài hơn nếu muốn cho việc dậy tiếng Việt được có tổ chức và có phương pháp và nhất là với sĩ số 150 học sinh và ở 10 lớp khác nhau. Ý thức được rằng tài năng của các thầy cô và sự phong phú của các tài liệu là hai yếu tố quyết định trong việc dậy học. Ban giám đốc và ban Việt ngữ đang làm hai việc song song : việc thứ nhất nhằm giúp các thầy cô đào tạo và học hỏi không ngừng qua các cuộc học hỏi về văn hóa và tôn giáo tổ chức ở mức cộng đoàn hoặc qua các cuộc gặp gỡ và tìm hiểu về sư phạm, tâm lý. Việc thứ hai nhằm cung cấp cho các thầy cô một số tài liệu tối thiểu trong dự án thiết lập một tủ sách sư phạm tiếng Việt. Đây là dịp để mỗi thành phần của cộng đoàn có thể đóng góp vào công việc văn hóa quan trọng của cộng đoàn bằng cách chỉ dẫn hoặc cung cấp một tài liệu, một tờ báo, một cuốn sách.

Sang đến việc thứ ba là việc thực hiện bài dậy, thì dĩ nhiên đó là việc quan trọng hơn cả. Vì chiếm tất cả chú ý của các thầy cô và vận dụng rất nhiều hiểu biết và tưởng tượng của họ. Hai phương pháp căn bản đã được họ áp dụng một cách triệt để là phương pháp tiệm tiến và phương pháp năng động. Phương pháp tiệm tiến căn cứ vào 3 tiêu chuẩn : căn cứ vào cái đã biết để học cái chưa biết, học từ từ, phải học thêm cái mới, nhưng thường ôn lại cái cũ. Tham dự bất cứ bài học nào của bất cứ cô nào hoặc thầy nào, chúng ta cũng thấy rõ sự ứng dụng này. Một bài học của cô Trang cho lớp sĩ chẳng hạn, đã được trình bày qua hai phần. Qua một đoạn văn trích trong ‘trống mái’ của Khái Hưng, cô bắt đầu bằng việc ôn lại khả năng đã thâu nhận ở lớp thiếu băng cách cho viết chính tả và học ngữ vựng của đoạn văn hoặc tập đọc đoạn văn và giải thích các từ ngữ. Qua phần thứ hai, là học thêm cái mới, cô quảng diễn về tác giả và về Tự Lực Văn Đoàn; cô tiếp tục bằng việc phân tích tác phẩm qua các khía cạnh văn học, lịch sử, địa dư, văn hóa. Một bài học của thầy Anh hoặc của cô Mai Chi, Marcelle, Lan ở cấp ấu cũng được trình bày theo một phương pháp tương tự. Qua một trang vần về chữ U với khoảng 10 hình vẽ có những áp dụng của các dấu như u già, cái dù, con cú mèo, cây cổ thụ, cái mũ, trái đu đủ. Thầy cho các em coi hình, hỏi xem nó là cái gì, có em biết, có em không, có em biết bằng tiếng Pháp, có em biết bằng tiếng Việt; thầy cắt nghĩa cho các em các hình vẽ bằng tiếng Việt, sự thực dụng của các hình vẽ ấy, rồi tiến sang bước học mới, thầy chỉ cho các em chữ U, cho các em tập viết chữ U, ghép chữ U với các chữ khác, tập đọc chữ U trong các chữ của hình vẽ...

Trong khi trình bày bài học, một trong những ưu tư lớn của các thầy cô là làm sao hấp dẫn các em. Đây là một trong những nét nổi về phương pháp của các thầy cô : thích ứng với nhu cầu, sở thích và năng khiếu của học trò. Phương pháp này đã được áp dụng một cách triệt để qua sư phạm năng động mà nguyên lý căn bản là làm sao để học trò tham gia tích cực vào việc học, có thích thú trong việc học. Qua phương pháp làm luận, thầy Phi đã tạo những điều kiện thuận lợi để chính các em lớp sĩ viết lấy các đoạn văn tả, các câu chuyện nhỏ, các bài luận ngắn. Qua một trang vần hoặc một đoạn văn, chị Phú, thầy Lộc, thầy Văn Châu và cô Anh Thư đã vận dụng đến khả năng phát biểu, kiến thức sẵn có của các em thiếu, để chính các em đánh vần lấy, giảng nghĩa ra, hoặc quảng diễn thêm bằng những câu chuyện mà các em đã biết. Các em thích nghe chuyện, cổ tích, các thầy cô đã dùng cổ tích để diễn tả các phong tục Việt Nam. Các em thích hát, các thầy cô đã dùng những bài hát thiếu nhi để giúp các em đọc cho đúng các thanh bằng trắc của tiếng Việt. Các em thích trò chơi, các thầy cô đã dùng trò chơi để tập luyện một tác phong. Các em thích đóng kịch, các thầy cô đã dùng kịch tuồng để diễn tả các khung cảnh xã hội. Các em thích ganh đua các thầy cô đã dùng bằng danh dự để khuyến khích và thăng thưởng.

Nhưng sư phạm năng động không chỉ có thể. Nó còn căn cứ vào hoàn cảnh hiện tại nữa. Đó là điểm mà không thầy cô nào quên và không ngần ngại hoặc mặc cảm gì về thích ứng việc dậy tiếng Việt trong khung cảnh hiện tại của cộng đoàn ở Pháp. Đó là lý do khiến các thầy cô đôi khi phải dùng đến tiếng pháp để chuyển từ cái đã biết sang các chưa biết, hoặc phải coi lại chương trình của các lớp các em đang học tại Pháp. Đó cũng là lý do khiến các thầy cô đôi khi phải dùng đến những tài liệu Pháp văn, đặc biệt cho những lớp ấu và thiếu, vì những tài liệu này có những hình ảnh hấp dẫn và tương đối được soạn thảo một cách công phu và có phương pháp. Đó cũng là lý do khiến các thầy cô có tham vọng cao, nhưng vẫn biết kiên nhẫn chấp nhận những sơ sót, và khiến các thầy cô đặc biệt lưu tâm đến việc làm sao để các em tiến bộ trong việc học tiếng Việt, và trong việc học của các em tại trường tây.

Đó cũng chình là lý do khiến các thầy cô luôn thao thức đến cách thẩm lượng kết quả việc dậy của mình cũng như đo lường kết quả thâu nhận nơi học trò. Cách hiện đang được áp dụng là cách cổ điển trong tất cả các lớp học : khảo bài. Về điểm này có lẽ những bậc phụ huynh cần phải đóng một vai trò tích cực và xây dựng hơn bằng cách đối thoại, thông cảm và cộng tác với các thầy cô : nói cho họ biết về những nhận xét của mình nơi con cái của mình trong việc học tiếng Việt. Các thầy cô không mong gì hơn thế và rất sẵn sàng ghi nhận mọi nhận xét xây dựng.

Qua những dòng trên đây về tổ chức và phương pháp dậy tiếng việt tại Giáo Xứ, bất cứ ai có quan sát và có cái nhìn khách quan cũng phải kết luận rằng công việc này đã được tổ chức và đang được tiến hành có phương pháp. Giáo Xứ đã thực hiện sứ mệnh văn hóa một cách đáng khen ngợi. Ban tiếng Việt hoạt động, dầu là tình nguyện và không công, mà về lượng, về phẩm không thua gì một trường học.

4. Khóa trình Giáo Lý.

Khóa trình tiếng Việt xoay quanh việc nói, viết, đọc và hiểu tiếng Việt, cũng như việc sống các tập tục, việc thấm nhuần lịch sử, văn minh và văn hóa Việt Nam. Chính yếu nó xoay quanh các môn học có tính cách phương tiện là ngôn ngữ. Về triết lý cuộc đời, về phong thái và tư cách xã hội nó cũng chuyên chở một nội dung văn hoá. Người Công Giáo Việt Nam dĩ nhiên xây dựng cuộc sống mình trên cái nền tảng văn hóa Việt Nam ấy. Nhưng thêm vào đó, họ còn pha trộn hoặc xây thêm cái nền tảng công giáo. Đó là lý do khiến bất cứ một xứ đạo nào cũng nghĩ đến việc giáo dục tôn giáo, gọi nôm na là giáo lý. Khóa trình giáo lý này bao gồm năm môn chính : Tín lý, luân lý, mục vụ, phụng vụ và bí tích. Kỷ yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris đã tóm tắt việc dậy giáo lý ở Giáo Xứ như sau : (5)

« Năm 1972, thời cha Nguyễn Quang Toán làm giám đốc Giáo Xứ Việt Nam, tại Sarcelles mới có một lớp giáo lý đầu tiên bằng tiếng Việt do chị Trần Thị Nguyệt tức Minh Tâm phụ trách với trên dưới 10 em, đủ mọi trình độ và lớn nhỏ, vào mỗi chiều thứ tư, từ 15 giờ đến 17 giờ. Sau đó, chị Minh Tâm bận học, nên chị Nguyễn Thị Mỹ Phước thay. Đến năm 1975, số con em di cư qua khá đông. Nữ tu Têrêsa Huỳnh Thị Na nhờ chị Mỹ Phước mở một lớp tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, mỗi sáng chúa nhật từ 10 giờ đến 11 giờ. Học xong các em dự lễ chung với cộng đoàn. Năm 1977, cha Mai Đức Vinh hướng dẫn chương trình giáo lý với sự cộng tác của chị Mỹ Phước, anh chị Nguyễn Công Thương, chị Marie Hoàng Thị Lan (Many Hùng). Năm 1984, cha Bùi Duy Nghiệp phụ trách với sự cộng tác đắc lực của chị Mỹ Phước, anh chị Nguyễn Công Thương, nữ tu Nguyễn Thị Phú, chị Đào Kim Phượng và một số nữ tu Việt Nam Dòng Chúa Quan Phòng. Số các em lúc đó lên đến hơn 80.

Năm 1985, cha Đinh Đồng Thượng Sách được bổ nhiệm phụ trách về ban giáo lý tại Giáo Xứ Việt Nam Paris và đã thành lập đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Kể từ niên khóa 1985-1986, các lớp giáo lý được tổ chức sinh hoạt chung với đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, mỗi chiền thứ bảy, từ 15 giờ đến 18 giờ, tiếp theo là thánh lễ. Số ghi danh mỗi ngày một tăng, vì thế có những niên học phải nhờ sự tiếp tay của hai huynh trưởng, anh Đỗ Duy Hoàng và anh Nguyễn Đức Minh. Chị Florence Nguyễn Thị Ngọt đã giúp đỡ một thời gian, sau đó vì bận việc nên xin nghỉ.

Kể từ năm nay, niên khóa 1996-1997, số ghi danh là 222 em của 122 gia đình. Các em được chia làm 11 lớp, do các giáo lý viên phụ trách như sau :

1. Khai tâm I : Nữ tu Nguyễn Thị Phú.

2. Khai tâm II : Chị Brèce Anh Thư.

3. Khai tâm IIII : Anh Hoàng Phạm Thạnh.

4. Rước lễ lần đầu I : Chị Cao Minh San.

5. Rước lễ lần đầu II : Chị Nguyễn Công Thương.

6. Chuẩn bị Thêm sức I : Chị Ngô Thị Kim Chi.

7. Chuẩn bị Thêm sức II : Thầy Nguyễn Công Thương và con là Nguyễn Sao Mai.

8. Thêm sức : Chị Nguyễn Thị Mỹ Phước.

9. Chuẩn bị Tuyên xưng Đức tin : Thầy Nguyễn Văn Lan

10. Tuyên xưng Đức tin và dự bị làm huynh trưởng : Thầy Nguyễn Văn Thạch.

11. Chuẩn bị rửa tội cho vài em lớn : Anh Nguyễn Sơn.

Kể từ năm 1978 đến nay, tổng số các em đã được rước lễ là 220 em. Thêm sức 222 em và một số ít các em từ 8 đến 15 tuổi, được lãnh nhận bí tích Rửa Tội.

Vấn đề dạy giáo lý không phải trách nhiệm dành riêng cho các linh mục phụ trách hay các giáo lý viên. Đó là công việc truyền bà Đức Tin của cả cộng đoàn chúng ta và cách riêng của phụ huynh. Vì thế chúng ta kêu gọi sự đóng góp tích cực của mỗi người trong cộng đoàn. Thánh Phaolô đã viết trong thư thứ nhất gửi tín hữu Corentô : Anh em hãy tha thiết với các ơn thiêng, hãy tìm gia tăng lên, hãy xây dựng Giáo Hội Chúa (1 Cr 4,12).

Chương trình này vẫn còn được áp dụng cho đến nay. Hàng năm cứ vào đầu năm học, cuối tháng 9, đầu tháng 10, báo Giáo Xứ giới thiệu lại khóa trình giáo lý với cộng đoàn. Trong số báo Giáo Xứ Việt Nam, số 176, tháng 10 năm 2001, một chương trình đã được ấn định như sau : (6)

Các lớp giáo lý tại Giáo Xứ Việt Nam - Paris, niên khóa 2001-1002

Khai giảng ngày 19.9.2001 : 14 giờ ghi tên, 15 giờ : học, 18 giờ : Thánh lễ.

6 tuổi : Khai tâm I (sr Phú)

7 tuổi : Khai tâm II : (chị Mỹ Phước)

8 tuổi : Chuẩn bị Rước Lễ Lần Đầu (chị San)

9 tuổi : Rước Lễ Lần Đầu = 1er Communion (là một bí tích Sacrement) (anh Hùng và chị Anh Thư)

10 tuổi : Sau Rước Lể Lần Đầu năm I (chị Thương)

11 tuổi : Sau Rước Lễ Lần Đầunăm II (chị Kim Trung)

12 tuổi : Chuẩn bị năm thứ I Thêm Sức (chị Anh Thư Brèce và chị Thùy Mỵ giúp)

13 tuổi : Chuẩn bị năm II Thêm Sức (anh Thạnh và chị Thùy Mỵ giúp

14 tuổi : Thêm Sức (Confirmation) là một Bí Tích = Sacrement (chị Phương Mai)

15 tuổi : Rước Lễ Trọng Thể = Communion Solennelle (Cérémonie) (thầy Lục)

16 tuổi : Tuyên Xưng Đức Tin cũng gọi là Bao Đồng = Profession de Foi (Cérémonie) (anh Hiệp và chị Florence Ngọt)

17 tuổi : Các em có thể vào chuẩn bị huynh trưởng hoặc nhóm ‘Hành Trang Tuổi Trẻ’ (chị Kim Phượng và Phương Mai)

Ngoài ra còn có lớp cho các em chưa lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội (le Baptême) và chưa Rước Lễ Lần Đầu do anh Trứ, anh Sơn và chị Kim Hoa phụ trách.

Rước Lễ Trọng Thể và Tuyên Xưng Đức Tin không phải là Bí Tích và cũng không bắt buộc như các Bí Tích Rước Lễ Lần Đầu và Thêm Sức. Nhưng Giáo Hội muốn thêm các buổi lễ này để các em có dịp tuyên hứa lại hai Bí Tích Rước Lễ Lần Đầu và Thêm Sức mà các em đã lãnh nhận lúc còn hơi nhỏ nên chưa ý thức rõ ràng về các điều mình lãnh nhận, nên ngày Rước Lễ Trọng Thể giúp các em tuyên hứa lại sống Bí Tích Mình Thánh Chúa một cách ý thức hơn là Tuyên Xưng Đức Tin tuyên hứa lại ngày mình lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức và ý thức trách nhiệm người kitô hữu phải sống và làm chứng Đức Tin. »

Nét độc đáo của khóa trình giáo lý ở Giáo Xứ Việt Nam là nó được thực hiện trong cái khung đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Nó không đơn thuần là một lớp giáo lý, nhưng như lời anh chị Hoàng Hiệp và Đan Tâm, là một ‘linh thao tuổi thơ’ mà ‘ngoảnh mặt lại, thấy giang sơn cười chúm chím’. (7)

« Bây giờ mỗi lần giục các bé đi nhà thờ giáo xứ, các bé đã nhanh nhẹn hơn... Có thể có ngàn lẻ lý do thúc đẩy hay phấn khích trong những tâm hồn thơ bé.

Có thể đơn thuần là bầu khí cộng đoàn tụ hội ngày lễ, các bé nhộn nhịp đi bên cha mẹ và nhìn nhau đầy vẻ thân ái dù chưa hề quen biết. Có thể do món quà nhỏ ngày nào của các cha hay ma sơ ở Giáo Xứ đã môi giới những ấn tượng thân thương đón mời; và tôi biết rõ niềm vui thích hãnh diện của Y-Văn (5 tuổi) từ cái lần được bạn nó cho chiếc trực thăng phản lực K.2000 thật bự. Ý niệm về đứa bạn tốt thành hình, và nó vui mỗi khi được dịp đi gặp bạn nó. Tâm hồn trẻ thơ giống như mảnh đất mầu mỡ, một mầm tốt gieo xuống nảy nở và trổ sinh mau chóng lạ lùng. Y-Văn gật đầu ưng thuận không do dự khi ba mẹ nhắc nó sẽ kiếm một đồ chơi lần sau gặp nhau tặng lại chú bạn tốt của nó.

Đến trường, đến lớp, đi nhà thờ, đi sinh hoạt, gặp nhau, đến với nhau... Những niềm vui thích trong tâm hồn trẻ thơ, từ dáng điệu, ánh mắt, nụ cười, những bước tung tăng, nói đùa huyên thuyên, e thẹn thơ ngây hay lân la dọ dẫm, nai vàng ngơ ngác hay xông xáo tinh nghịch... An Phong (4 tuổi) thoát một phút đã bắt chuyện với cô bé nọ trạc cùng tuổi để được cầm quan sát các biến dạng tinh xảo của viên tướng Power Runger, đồ chơi giắt túi của cô... Minh Ân (7 tuổi) nhắc ba là bạn nó rủ tới nhà để cho chép bài học tiếng Việt, hôm Minh Ân đi trễ giờ, chương trình chiều cuối tuần tuy đã khít khao nhưng cũng không thể lần nào cũng làm ngơ với những điều bận tâm của các bé.

Các thánh sử Tin Mừng Mt, Mc, Lc đều đồng thanh thuật lại một dịp Chúa Giêsu giữa những trẻ thơ : ‘Người ta đem các trẻ nhỏ đến với Ngài để Ngài đụng đến chúng. Nhưng môn đồ quát rầy chúng. Thấy vậy, Đức Giêsu phật ý và nói với họ : Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những người như thế. Quả thật, Ta bảo các ngươi : Ai không đón nhận lấy Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ thì sẽ không vào được trong đó ! Rồi Ngài bồng ẵm chúng, đoạn đặt tay mà chúc lành cho chúng’. (Mc 10,13)

Dịp Chúa Giêsu giữa những trẻ thơ này có nhiều phần chắc đã xảy ra vào khoảng cuối thời sứ vụ của Ngài. Tình hình nội an xứ sở xao động, hoài bão Đấng Cứu Tinh sôi sục ngấm ngầm trong lòng dân rên xiết dưới ách ngoại bang, bầu khí căng thẳng âm ỉ, hàng ngũ môn đệ đăm chiêu trước lời báo thương khó lần thứ hai. Có phải vì bận tâm lo lắng cho tình hình quốc sự có mòi chuyển biến nghiêm trọng, mà môn đồ (một người, hai ba người hay tất cả ? không rõ tên !) đã trở nên căng thẳng nôn nóng quát rầy các bé, ngăn chúng phiền quấy Đức Giêsu.

Một chiều tan học giáo lý, Minh Ân kể ngay với các em nó bài học về Chúa Giêsu có nước uống không bao giờ khát (người phụ nữ Samaritaine - Gn 4,1), mặc cho Y-Văn phe bác, nó quay sang nói với mẹ : ‘mẹ ơi, con muốn uống nước đó để không bao giờ khát !’. Nó thích chí đặc biệt vì bài học hôm đó củng cố ý tưởng của nó và Bruno bạn nó ở trường những lúc ‘nghị luận anh hùng’ với các đám bạn khác về ai là người mạnh nhất : Yêsu est le plus fort ! évidemment ! Lần kia trên một đoạn đường có bảng cấm quẹo ngược; Minh Ân nhắc : ‘Không có cảnh sát đứng đây, nhưng mình cũng không được quẹo ngược vì có Chúa thấy !’.

Một chiều đi làm về nghe Y-Văn khoe : ‘Ba có thấy đống tuyết con đắp ngoài sân không, con đắp cao để leo lên tới trời vì con có chuyện muốn nói với Chúa !’ Tôi không muốn gặng hỏi chuyện bí mật gì của cậu bé nhưng đoán rằng chắc lại muốn hỏi : Ai là cha của Chúa ? (qui est le père de Dieu). An Phong mỗi lần đi Giáo Xứ về là lại luôn miệng hát vang những khúc hát thánh ca quen thuộc. Lối xóm hay người đi đường nhiều lúc ngạc nhiên trầm trồ về giọng hát trẻ thơ dù không hiểu lời Việt : ‘Giêsu con không đáng Chúa ngự đến thăm lòng...’.

Những ai nặng lòng với quê cha đất tổ, trên đất khách luôn tưởng nhớ truyền thống giá trị đạo đức vững bền của dân tộc Việt, phút chốc băn khoăn trước trào lưu vật chất chủ nghĩa của phương tây, không khỏi vương vấn âu lo cho các thế hệ trẻ thơ, càng ngày càng xác tín nhu cầu khẩn cấp làm sao cho chúng được gặp Chúa, Thiên Chúa chân thật, Thiên Chúa của Tình Thương.

Ý niệm về Thiên Chúa ấy tiềm tàng manh mún ẩn hiện trong tâm trí trẻ thơ. Hôm nọ nghe An Phong tỉ tê suy diễn cùng Y-Văn : ‘Lúc mẹ chưa sanh An Phong và bébé thì An Phong và bébé lúc ấy ở trên trời với Chúa !’. Tôi không khỏi ngạc nhiên mà liên tưởng đến suy niệm trong thư Ep 1,4- : ‘Bởi chưng Người đã chọn ta trong Ngài từ trước tạo thiên lập địa...’. Trong thánh lễ, các bé kiễng chân chăm chú nhìn về phía bàn thờ trông mong được thấy Chúa, niềm náo nức như khi muốn được coi phim Aladin, Zoro, Superman... rồi các câu hỏi nóng lòng tíu tít : ‘Chúa đâu hả mẹ ? Chừng nào Chúa xuống ?’.

Nhưng hướng các bé về một Thiên Chúa của Tình Thương, một Thiên Chúa của Sự Sống Vĩnh Cửu bằng cách nào nếu chính mình chưa gặp gỡ mầu nhiệm Chúa Giêsu Phục Sinh. Rồi ngay cả hợp khốn quẫn để cứu giúp, những hoàn cảnh thiếu thốn để tăng bổ, đó là khởi đầu của một tiến trình xây dựng yêu thương an bình trong cộng đồng nhân loại mới.

Tôi nhìn khắp từng khuôn mặt từng bé thơ, bất giác liên tưởng đến câu thơ :

‘Ngoảnh mặt lại thấy giang sơn cười chúm chím’ (Nguyễn Công Trứ). »

Khoá trình giáo dục khởi đầu cho các trẻ em ấu thiếu tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, qua vài nét tổng quát như vừa trình bày trên đây, đã nêu rõ ba đặc điểm.

Đặc điểm thứ nhất là giáo dục sinh hoạt đoàn thể của Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Nội dung giáo dục cố ý đào sâu đời sống tập đoàn, đời sống xã hội, đời sống mục vụ. Phương pháp được áp dụng là phương pháp tâm lý phát sinh và động lực đoàn thể. Dụng cụ hay được xử dụng là trò chơi, ca hát...

Đặc điểm thứ hai là giáo dục đức tin công giáo, yếu tố tạo hình của người công giáo. Học giáo lý, dự thánh lễ, chịu bí tích... là những sinh hoạt quan trọng của đức tin. Thêm vào đó, nhiều sinh hoạt khác đã được tổ chức để bồi dưỡng đức tin cho trẻ em, như thánh ca, kịch thơ đạo, văn nghệ công giáo, hành hương, lửa trại, trại hè...

Đặc điểm thứ ba là giáo dục văn hoá Việt Nam, mà trọng tâm xoay quanh năm việc chính yếu là nghe, nói, hiểu, viết và đọc tiếng Việt. Rồi qua tiếng Việt, tất cả những khiá cạnh khác của văn hoá sẽ được chuyên chở và phát triển : gốc Việt, tình Việt, tính Việt, sử Việt, văn Việt, nhạc Việt... Phương pháp quan trọng được áp dụng là thực hành và sống thực : các em nói truyện với nhau bằng tiếng Việt, thày cô giảng bài bằng tiếng Việt, các em gặp người Việt, ăn cơm Việt, dự lễ hội Việt Nam...

Khoá trình khởi đầu cho ấu thiếu tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, như vậy, quả thực rất phổ quát, căn bản và đầy đủ. Trong 17 khoá chuẩn bị hôn nhân đã được thực hiện, khoá nào cũng có những anh chị hỏi tôi ‘Xin thày cho biết một phương cách hữu hiệu để giáo dục con cái ?’. Tôi luôn luôn trả lời ‘Mang con cái đến học đều đặn tại Giáo Xứ vào mỗi chiều thứ bảy’. Nhiều lần đi lễ chủ nhật, một vài anh chị dẫn vài ba cháu nhỏ đến nói với tôi ‘Xin cám ơn thày. Nhờ thày chỉ, chúng em cho các cháu đến học tại Giáo Xứ. Chúng em bằng lòng lắm.’

Paris, ngày Gia Đình Trẻ 28.03.2004 (Giaoxuvnparis.org)

_________________________________________________

(1) Đinh Đồng Thượng Sách; Kỷ yếu 10 năm 1986-1996 doàn Kytô Vua; Paris : GXVN; 1996, tr. 2-3

(2) Phạm Bá Nha, Kỷ yếu 10 năm 1986-1996 Đoàn Kytô Vua; Paris : GXVN; 1996, tr. 12-15

(3) Kỷ yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris; Paris : GXVN; 1997; tr. 101

(4) Trần văn Cảnh; Làm sao dậy tiếng Việt cho có tổ chức, GXVN, số 36, 7-1987

(5) Kỷ yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris; Paris : GXVN; 1997; tr. 104-105

(6) GXVN số 176, 10.2001, tr. 21

(7) Hoàng Hiệp và Đan Tâm; Kỷ yếu 10 năm 1986-1996 đoàn Kytô Vua; Paris : GXVN; 1996, tr. 16-17