PHẦN II : UNG THƯ (tt)

SUY NIỆM : KHỞI SỰ SỨ VỤ CHO NHỮNG BỆNH NHÂN UNG THƯ

MỘT trong những điểm tôi nhận thấy là hầu hết các chứng bệnh đều làm cho bệnh nhân tự co rút lại. Khi lâm bệnh, chúng ta có khuynh hướng tự tập trung vào nỗi đau của mình và chịu đựng đau đớn. Có thể chúng ta thấy muộn phiền về chính mình hay bị dồn nén. Nhưng nếu chúng ta quan tâm đến sứ điệp của Chúa Giêsu - bằng cách, qua đau khổ, chúng ta làm cho chính mình nên trống rỗng và được ân sủng cũng như tình yêu của Chúa đổ tràn - Chúng ta sẽ biết nghĩ đến người khác và những nhu cầu của họ, chúng ta sẽ thiết tha được đồng hành với họ trong nổi đớn đau và thử thách họ phải chịu.

Chính trong thời gian hồi sức và những lần trở đi trở lại bệnh viện để được hoá trị và đốt điện mà sứ vụ dành cho bệnh nhân ung thư tôi đã có dịp nói đến ở trên được bắt đầu. Tôi sẽ trình bày sứ vụ đặc biệt cho bệnh nhân ung thư và những người đau ốm khác chi tiết hơn trong những trang sách sau. Giờ đây tôi chỉ muốn giải thích việc sứ vụ ấy được khởi sự như thế nào mà thôi.

Một ngày và có lẽ nhiều ngày nữa sau đó, họ đỡ tôi dậy, cho tôi đi lại một chút, ban đầu là trong phòng, sau đó là ngoài hành lang, với sự giúp đỡ của một y tá. Tôi đi lại với một thứ dụng cụ hình số IV trên một cái "cây" có bánh xe. Khi tôi đã có thể đi lòng vòng được rồi thì các y tá cho biết có một em bé gái tên là Amanda đang được điều trị bệnh bạch cầu trên một tầng lầu khác. Em đã nhìn thấy tất cả trên vô tuyến truyền hình, trong phần tin tức về cuộc giải phẫu và em nói với mẹ rằng em muốn gặp cái "ông Giáo Hoàng đó". Em nói : "Con không phải là người Công giáo nhưng ông ta và con cùng có bệnh ung thư như nhau nên con muốn đuợc gặp ông Giáo hoàng ấy". Tôi chưa được phép rời khỏi lầu của mình nên tôi gởi cho em một gấu nhồi bông và một bó hoa, một trong rất nhiều món quà tôi đã nhận đựơc.

May mắn là tôi có thể ghé thăm các bệnh nhân chữa trị trong cùng một tầng lầu với tôi. Tôi thường xuyên đến vói họ mang theo các thứ dụng cụ chằng chịt những ống và dây...

Ngay gần sát cửa là một thiếu phụ trẻ rất dễ thương. Giờ đây chị đã qua đời rồi. Chị bị bệnh bạch cầu rất nặng và đã từng phải trải qua một lần điều trị hoàn toàn bị cách ly. Chị có hai cháu nhỏ rất khấu khỉnh : một đứa trai và một đứa gái. Rõ ràng là chị muốn dành tối đa thời gian có thể để ở với con cái mình. Khi tôi đến thăm, chị và hai cháu đang ngồi với nhau, mỗi đứa một bên. Đó là lần thăm viếng đầu tiên trong nhiều lần khác nữa. Tôi vẫn giữ liên lạc với chị và hai cháu nhỏ rất lâu sau khi tôi đã xuất viện. Tôi cũng đã đến phúng điếu khi chị qua đời.

Một bệnh nhân khác tôi đến thăm là một gia trưởng còn trẻ. Anh là một thanh niên khôi ngô mới được chẩn đoán là có bệnh ung thư. Tôi tâm tình với anh rất nhiều. Rất tiếc câu chuyện của anh cuối cùng trở thành một câu chuyện buồn vì, sau này, tôi được biết là anh đã tự tử. Anh ta không thể làm như thế được, dù chỉ nghĩ rằng bệnh ung thư sẽ làm khổ vợ con anh ! Tôi rất đau buồn khi nghe vụ việc ấy.

Sau khi ra khỏi bệnh viện, tôi vẫn cố gắng trở lại viếng thăm và chia sẻ tâm tình với họ. Chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau. Cô bạn Ananda bé nhỏ vẫn còn chịu đựng việc điều trị bằng hoá chất qua nhiều giai đoạn, và khi ở Loyola vài tuần trước đó để xét nghiệm máu, cô bé đã để lại cho tôi một lá thư tuỵêt vời, trong đó có mời tôi đến dùng bữa với cô. Chúng tôi vẫn giữ một tình bạn và sự liên lạc với nhau rất dễ thương. Tôi cũng có thể thêm rằng văn vẻ viết lách của cô cùng đã phát triển khá trong năm vừa qua !

Lm Ngô Mạnh Điệp dịch