LTS: Bài "CHỨC LINH MỤC LÀ “THÁNH CHỨC”(ORDO) HAY CHỈ LÀ TÁC VỤ" của Lm Ngô Tôn Huấn ngày 21-3-2004 có đề cấp tới qúi danh một vài vị, do đó các vị liên hệ đã trả lời và chúng tôi cho đăng bài trả lời đó hôm nay. Như vậy, vấn đề được nêu lên và những trả lời cũng đã được trình bày. Chúng tôi muốn xin được thôi loạt bài này sau ngày hôm nay giữa các vị có danh tính liên hệ. Chúng tôi cũng cáo lỗi qúi độc giả, nếu vì vô tình chúng tôi đã gây ra cuộc bút chiến.VietCatholic

ORDO LÀ ‘THÁNH CHỨC’ HAY ‘GIAI CẤP’?

Vietcatholic News ngày 21 tháng 3 năm 2004 có đăng bài: CHỨC LINH MỤC LÀ “THÁNH CHỨC”(ORDO) HAY CHỈ LÀ TÁC VỤ (Ministerium=Ministry=Ministère)? mà tác giả ký tên là Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn, Pastor - St.Gregory The Great Church (Houston) - Linh Hướng Phong Trào Cursillo Việt Nam / GP. Galveston-Houston. Trong bài báo của mình, tác giả xác định rằng Ordo là ‘Thánh Chức’ và đi đến lời phản bác sau: “Chức thánh không phải là Thừa tác vụ (Ministerium = ministry = diakonia) nên không thể nói ngày chịu chức (ordinatio) linh mục là ngày “lãnh tác vụ linh mục” được. Phải nói chịu Chức thánh (ordinatio) để thi hành thừa tác vụ linh mục (priestly ministries) mới đúng tín lý và giáo lý của Giáo Hội. Nói khác đi là không biết gì về sự khác nhau giữa Chức thánh (ordo) và Thừa tác vụ (ministerium) và chỉ có ý hạ giá chức linh mục mà thôi”

1. Ordo là ‘Thánh Chức’ hay ‘Giai cấp’?

Để khẳng định Ordo là ‘Thánh Chức’ hay ‘Chức Thánh’, tác giả tham chiếu bản dịch tiếng Việt của Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, Tiết VI, và viết như sau: “Sách Giáo Lý Công Giáo (SGL CG) định nghĩa như sau về Chức Thánh (Ordo): ‘Chức thánh là bí tích nhờ đó mà sứ mạng được Chúa Kitô ủy thác cho các tông đồ...’ (SGLCG, c.1536).”

Thế nhưng định nghĩa trên cũng chưa cho phép chúng ta kết luận rằng Ordo buộc phải được dịch là ‘Thánh Chức’. Ta hãy đọc hai câu kế tiếp (1537 và 1538) từ bản gốc La tinh CATECHISMUS CATHOLICAE ECCLESIAE, để xem chữ ordo có nghĩa là gì.

1537 Verbum Ordo, in antiquitate Romana, corpora sensu civili constituta designabat, praesertim corpus eorum qui gubernant. Ordinatio acceptionem in quemdam designat ordinem. In Ecclesia corpora habentur constituta, quae Traditio, non sine fundamentis in sacra Scriptura, inde ab antiquis temporibus nomine taxeis (graece), ordines appellat: sic liturgia de ordine Episcoporum loquitur, de ordine presbyterorum, de ordine diaconorum. Alii etiam coetus hoc nomen ordinis accipiunt: catechumeni, virgines, coniugati, viduae...

1538 Acceptio in quoddam ex his Ecclesiae corporibus fiebat per ritum qui ordinatio appellabatur, per actum nempe religiosum et liturgicum qui erat consecratio, benedictio vel sacramentum. Hodie verbum ordinatio reservatur actui sacramentali qui in Episcoporum, presbyterorum et diaconorum accipit ordinem et qui meram superat electionem, designationem, delegationem vel institutionem a communitate peractas, quia Spiritus Sancti confert donum quod potestatem sacram exercere sinit, et quod solum ab Ipso Christo, per Eius Ecclesiam, potest procedere. Ordinatio etiam consecratio appellatur, quia segregatio est et muneris collatio ab Ipso Christo pro Eius Ecclesia. Impositio manuum Episcopi, cum prece consecratoria, signum constituit visibile huius consecrationis.

Muốn hiểu đúng nghĩa của một chữ thì phải hiểu nó trong văn mạch. Sau đây là bản tôi tự dịch sát mặt chữ mà vẫn giữ nguyên từ ordo (và ordinatio).

1537 Từ ngữ Ordo, vào thời cổ đại La Mã, dùng để chỉ một giới được cơ chế hóa (constituta = constitué = established) theo nghĩa đời, nhất là giới những người cai trị. Ordinatio chỉ việc gia nhập vào một Ordo. Trong Giáo Hội, có những giới được cơ chế hóa mà Truyền Thống, không phải là không đặt nền tảng trên Kinh Thánh, gọi là ordo, từ cách gọi thời xa xưa là taxeis (hy lạp): do đó phụng vụ nhắc đến ordo giám mục, ordo linh mục, ordo phục vụ (phó tế). Nhiều nhóm khác cũng được gọi là ordo: dự tòng, trinh nữ, vợ chồng, góa phụ...

Nếu dịch chữ ordo là ‘thánh chức’ như Lm. Huấn khẳng định thì câu trên không có nghĩa gì cả. Ví dụ: Trong Giáo Hội, có những giới... mà Truyền Thống... gọi là thánh chức; do đó phụng vụ nhắc đến thánh chức Giám mục... Nhiều nhóm khác cũng được gọi là thánh chức: (thánh chức) dự tòng, (thánh chức) trinh nữ, (thánh chức) vợ chồng, (thánh chức) góa phụ...

Từ đó ta suy ra rằng ordo không thể nào có nghĩa là ‘thánh chức’, mà là một từ có nghĩa tương đương với ‘giới’. Chữ ‘giai cấp’ hay ‘hàng ngũ’ thì thích hợp hơn; trong ngôn ngữ đạo thuật ngữ ‘giai cấp (thống trị)’ này được thay bằng một chữ khác nghe thuận tai hơn, ấy là ‘phẩm trật’ hay ‘phẩm hàm’. Như thế câu trên sẽ được dịch một cách hợp lý là: Trong Giáo Hội có những giới... mà Truyền Thống... gọi là phẩm trật: phẩm trật giám mục, phẩm trật linh mục, phẩm trật phó tế... Hoặc là: Nhiều nhóm khác cũng được gọi là hàng ngũ: (hàng ngũ) dự tòng, (hàng ngũ) trinh nữ, (hàng ngũ) vợ chồng, (hàng ngũ) góa phụ...

Cũng vậy, ‘Ordinatio acceptionem in quemdam designat ordinem’ có thể dịch: ‘Ordinatio chỉ việc (nghi thức) gia nhập vào một giai cấp nào đó’. Chúng ta sẽ dùng ‘nghi thức gia nhập phẩm trật’ để dịch câu 1538.

1538. Việc gia nhập vào một trong các phẩm trật của Giáo Hội được thực hiện qua một nghi lễ gọi là ‘nghi thức gia nhập phẩm trật’ (ordinatio), một hành vi tôn giáo và phụng vụ; đó là một sự hiến thánh, một phúc lành hay một bí tích. Ngày nay từ ngữ ordinatio được dùng riêng cho hành vi bí tích sáp nhập (một người) vào phẩm trật giám mục, linh mục và phó tế, và (ordinatio đó) vượt xa hơn là đơn thuần một sự bầu chọn, chỉ định, ủy nhiệm hay thiết lập do một cộng đoàn, vì hành vi đó trao ơn Thánh Thần cho phép họ thực thi một ‘quyền thánh’ (theo nghĩa là khả năng thánh: sacra potestas) mà chỉ có thể đến từ Thiên Chúa, qua Giáo Hội Người. Ordinatio (nghi thức gia nhập phẩm trật) cũng được gọi là consecratio (nghi thức hiến thánh) vì đó là việc chính Chúa Kitô để riêng (một người) ra và trao quyền (cho người ấy), vì Giáo Hội của Người. Việc các giám mục đặt tay, cùng với lời kinh hiến thánh, là dấu chỉ hữu hình cho sự hiến thánh đó.”

Dĩ nhiên vì tiện dụng, và để người Việt Nam dễ hiểu, nên các nhà dịch thuật Công giáo Việt Nam dịch ordinatio là ‘(lễ) phong chức (thánh)’ và consecratio là ‘(lễ) tấn phong (giám mục)’. Không ai phê phán về cách dịch ấy, vì nó đã đi vào ngôn ngữ Đạo rồi; mặt khác giáo dân Việt Nam vẫn gọi Bí tích Thứ Sáu là ‘Phép Truyền Chức Thánh’. Không ai thấy cần phải thay đổi gì, vì đấy chỉ là tên gọi để biết mình đang nói đến bí tích nào, và tên gọi không nhất thiết phải nói hết thực chất của bí tích đó. Tuy nhiên, trong nguyên ngữ ordo, ordinatio, và consecratio, thì chẳng có gì là ‘chức’ là ‘thánh’ hoặc là ‘phong’ là ‘tấn’ cả. Đó là việc sáp nhập vào một ‘hàng ngũ’ hay ‘giai cấp’ do Giáo Hội cơ chế thiết lập, mặc dù ‘giai cấp’ đó được ‘quyền thánh’ (sacra potestas).

Mặt khác, Sacra potestas của ordo presbytororum (mà Lm.Huấn gọi là ‘chức’ linh mục, nhưng đúng ra là ‘giới / giai cấp / hàng ngũ / phẩm trật’ linh mục) là quyền (khả năng) xuất phát từ Đấng Thánh là Chúa Kitô. Hình như chưa bao giờ quyền của Chúa Kitô là quyền ăn trên ngồi trốc cả. Phải nhận định rằng thuật ngữ giai cấp (ordo) có mang theo ý ngầm là ‘thống trị’ nên Giáo Hội tiên khởi đã thêm chữ thánh (sacer) trước ordo của Chúa Kitô, để cho Ngài trở thành sacer-dos thuộc (sacer) ordo Menkisêđê chứ không còn thuộc ordo Aaron, là một ordo biến chất, một ordo thống trị, như được ghi trong thư Do Thái: “...secundum ordinem Melchisedech... et non secundum ordinem Aaron. -... theo phẩm hàm Menkisêđê... chứ không theo giai cấp Aaron. (Dt 7,11)”. Chữ sacer-ordo được ghép lại thành sacerdos (người thuộc giai cấp thánh, nghĩa là Kitô hữu, như thánh Phao lô thường gọi họ - cf: Rm 1,7; 1Cr 1,2; Ep 4,12...). Trong giáo lý Giáo Hội, chữ sacerdos ngày nay vẫn còn mang trọn ý nghĩa là người tôi tớ, người phục vụ hay thừa tác viên (latinh: minister, hy lạp: diakonos / serviteur/ servant). Đó là về mặt từ nguyên học (etymology), còn trên thực tế thì người Việt Nam quen với thuật ngữ: ‘linh mục’ hoặc ‘chức linh mục’ (sacerdoce / prêtrise/ priesthood). Như vậy, ‘phục vụ’ là cái ‘chức’ duy nhất của Đấng Thánh Kitô, theo nghĩa là ‘chức (phục) vụ’ (ministerium / function) chứ không bao giờ có nghĩa là ‘chức (địa) vị’ (high position), và điều kiện căn bản làm nên chức tư tế thượng phẩm của Ngài là lòng thương cảm và trung thực (êleêmôn kai pistos - misericors et fidelis; Dt 2,17). Vì muốn phủ nhận cái ‘chức vị’ thế gian của ordo, nên ngôn ngữ đạo trong tiếng Việt đã dịch (sacer) ordo là phẩm trật chứ không dịch là giai cấp (cầm quyền); và cũng vì ngại rằng người ta có thể gán những đặc quyền đặc lợi trần thế vào chữ ‘chức’, nên Giáo Hội công giáo Việt Nam không dùng chữ ‘chức vụ’ để dịch ministerium, mà phải sáng chế một từ mới, ấy là ‘(thừa) tác vụ’.

Những phân tích trên đây chỉ là phân tích ngữ học chứ không liên quan gì đến tín lý hay giáo lý cả. Và kết luận từ nguyên học cho thấy rằng: Ordo không phải là Thánh Chức. Ordo có nghĩa là giai cấp hay phẩm trật, và chữ này không hề có hàm ý ‘chức’ hay ‘thánh’; nhất là khi ‘chức’ lại được hiểu theo nghĩa là chức vị hay chức tước; và ‘thánh’ được hiểu theo nghĩa là người có chức ấy thì lúc nào cũng là Đấng Thánh (Alter Christus), dù cho trong đời sống thế gian họ có phạm tội lỗi gì đi nữa.

2. Phải hiểu thế nào về tín lý và giáo lý của Giáo Hội?

Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta thử xem lại cách thức mà Kitô hữu quan niệm về tín lý và giáo lý. Điều chắc chắn: Tất cả những gì ghi trong bản Tuyên Tín các Tông Đồ (Symbole des Apôtres) và được làm rõ nghĩa qua bản Tuyên Tín Nicée-Constantinople (Symbole de Nicée Constantinople; 325-381), thường gọi là Kinh Tin Kính, là những tín điều mà không người công giáo nào có quyền đặt lại vấn đề. Ngoài những tín điều được nêu lên trong Kinh Tin Kính, còn có một số tín điều mà các Đức Giáo Hoàng dùng quyền bất khả ngộ để công bố trong thể (ex cathedra), ví dụ các tín điều về Đức Mẹ: Đức Mẹ Vô Nhiễm, Mẹ Thiên Chúa... Tất cả những tín điều này được gọi một cách tổng thể là ‘Kho tàng Đức Tin’ (Depositum fidei). Thế còn Giáo luật và Giáo lý thì sao? Giáo luật dùng để khẳng định những điều phải làm hoặc không được làm hầu thể hiện đức tin trong Giáo Hội phẩm trật. Giáo Luật không dính dấp gì đến Tín Lý cả, và tùy theo biến chuyển của Giáo Hội mà bộ luật này sẽ thay đổi, bằng chứng là bộ Giáo Luật hiện hành xuất hiện năm 1983 để thay thế bộ Giáo Luật 1917. Còn Giáo lý (Catéchèse) là cách Giáo Hội giảng giải lời Mạc khải qua các tín điều trên. Lời giảng giải chính thức ấy được tóm lược trong Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, hay Catechismus Catholicae Ecclesiae, do một ủy ban của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin soạn thảo. Một câu hỏi: Thế thì mọi điều được nêu lên trong Kinh Thánh, trong các văn kiện Giáo Hội, trong các huấn từ của Giáo Hoàng có buộc phải xem tất cả là tín điều và là giáo lý của Giáo Hội không? Tôi nghĩ là không. Những gì nằm ngoài là ‘kho tàng đức tin’ là một cái lề thật rộng cho mọi Kitô hữu tự do hành động theo đặc sủng, theo lương tâm và theo trình độ hiểu biết của mình, và không ai có quyền buộc tội người khác là sai tín lý hay giáo lý cho đến khi Huấn Quyền lên tiếng. Mà ngay khi lên tiếng để phủ nhận một điều sai tín lý, thì Huấn Quyền cũng chỉ lên án một ‘lạc thuyết’ chứ không hề lên án người đề ra ‘lạc thuyết’ ấy. Cũng nhờ thế mà nền thần học của Giáo Hội mới phát triển không ngừng. Có những giáo thuyết vào một giai đoạn bị coi là ‘khác’ với niềm tin (heresy), nhưng sau đó lại được thừa nhận và thậm chí được xem là một ánh sáng mới của Chúa Thánh Thần. Nhiều nhà thần học như Teilhard de Chardin hay Yves Congar đã có những kinh nghiệm bi đát để kể lại cho chúng ta.

Trái lại, nếu bảo rằng phải xem mọi điều trong các tài liệu trên là tín lý hay giáo lý thì bao nhiêu mâu thuẫn sẽ nảy ra về mặt hình thức, nhất là nếu người ta tách một câu hay một đoạn ra khỏi ngữ cảnh của nó. Ta thử lấy vài ví dụ để minh họa.

Trong Kinh Thánh. Chúa Giêsu dạy rằng: “Nước trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh thì chiếm được (Mt 11,12)”; nhưng nơi khác (cũng do Matthêu ghi lại) thì Ngài lại dạy rằng: “Phúc thay ai bị bách hại (nghĩa là: ai yếu), vì Nước trời là của họ (Mt 5,10).” Thánh Phaolô khẳng định tôn ti trật tự trong thư 1 Côrintô: “Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ...(1Cr 12, 28)”. Thì cũng chính ngài đã phủ nhận cái tôn ti trật tự ấy khi nối dài ý mình trong thư Êphêsô: “Nhờ đó, các thánh (= Kitô hữu) được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là thân thể Đức Kitô... Chính Người làm cho mỗi bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ... Chính người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái.(Ep 4,12.16)”

Trong Văn Kiện Công đồng. Sắc lệnh Presbytororum Ordinis hướng dẫn ở cuối số 9: “Kitô hữu phải ý thức rằng mình có trách nhiệm đối với các Linh Mục của mình, và phải lấy lòng hiếu thảo mà đối xử với các ngài như những chủ chăn và như là cha mình vậy”. Thế nhưng ngay ở đầu số ấy, sắc lệnh dường như khẳng định một điều ngược lại: “Cùng với tất cả những ai được tái sinh trong suối nước Rửa tội, các Linh Mục là những anh em giữa các anh em mình, là chi thể của cùng một Thân Thể duy nhất của Chúa Kitô mà mọi người có nhiệm vụ xây dựng.”

Trong giáo huấn của Đức Thánh Cha. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII viết như sau trong một bức thư gửi Tổng Giám mục giáo phận Tours, năm 1888: Trên thực tế, ta nhận thấy rõ ràng và thường xuyên rằng đương nhiên có hai giai cấp (ordo) trong Giáo Hội: chủ chăn và con chiên, nghĩa là những người lãnh đạo và những người thường dân. Giai cấp thứ nhất có nhiệm vụ dạy dỗ, cai quản và hướng dẫn cách sống cho mọi người, và đặt ra lề luật. Giai cấp thứ hai phải phục tùng giai cấp thứ nhất: vâng lời họ, thi hành lệnh của họ và tôn vinh họ. Trái lại, năm 1999, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố trong Ecclesia in Asia như sau: “Trong tiến trình này (xây dựng Giáo Hội), các Giám Mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đều đóng vai trò chủ yếu (essential) (EA 18).”

Trong truyền thống Giáo Hội. Nếu Lm. Huấn viết rằng: “Giáo Hội đã chấp nhận từ ngữ Alter Christus (Đức Kitô thứ hai) để gọi Linh mục theo lý giải thần học của Thánh Augustinô từ xưa” (Một vài nhận xét... Vietcatholic 4/3/2004), thì mười năm trước, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định trong Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy vọng: “Người ta thường bảo, như thời các giáo phụ sơ khởi, rằng ‘Christianus Alter Christus’ (Kitô hữu là Chúa Kitô khác) đế nhấn mạnh đến phẩm giá của người đã chịu Phép Rửa và được mời gọi nên thánh, nhờ Chúa Kitô”. (Điều này thì Lm. Huấn cũng đã công nhận trong bài của mình; điều khác biệt là lm Huấn dựa vào truyền thống từ thánh Âu Tinh (354-430), thế kỷ thứ V, còn Đức Thánh Cha căn cứ trên thời các giáo phụ sơ khởi, thế kỷ thứ I; mặt khác, Đức thánh Cha nhấn mạnh đến Christianus Alter Christus, còn Lm. Huấn thì lại nhấn mạnh đến Sacerdos Alter Christus).

Những mâu thuẫn về mặt hình thức này dần dần được Giáo Hội hóa giải một cách tiệm tiến và đúc kết trong Sách Giáo Lý những điều cần tin và làm, và trong Giáo Luật những điều cần giữ. Những gì chưa ghi thành tín điều, và Luật Giáo Hội không buộc làm hoặc không cấm làm, thì vẫn thuộc quyền tự do của Kitô hữu. Tuy nhiên, nếu cứ xem mọi câu trong tất cả mọi văn bản giáo hội đều là tín điều và tín lý cả, thì người ta có thể trích dẫn các tài liệu thánh của Giáo Hội để căn cứ vào đó mà áp đặt cho người khác bất cứ ý kiến chủ quan nào của mình; và điều này không phải là điều chưa từng xảy ra. Thử minh họa bằng một ví dụ rút ra từ các bài viết của hai tác giả Võ Lý và Ngô Tôn Huấn.

Võ Lý trích dẫn Phúc Âm để căn cứ vào đó mà kết luận rằng gọi linh mục bằng ‘cha’ là không đúng, vì Chúa Giêsu đã phán: “Phần anh em thì đừng để ai gọi mình là “rap-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy, còn tất cả anh em là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là Cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha, là Cha trên trời” (Mt 23, 8-9)

Đáp lại, Ngô Tôn Huấn trích dẫn Tân Ước để dựa vào đó mà kết luận rằng gọi linh mục bằng ‘cha’ là đúng, vì thánh Phaolô đã viết: “Thật thế, cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Kitô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Kitô Giêsu, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cor 4:15)

Ở đây tôi không xét xem ai đúng ai sai. Tôi cũng không đem giá trị của lời Chúa Kitô so sánh với giá trị của lời thánh Phaolô. Tôi chỉ nêu lên sự kiện này: Hai người đều trích dẫn Kinh Thánh để biện minh cho ý kiến của mình, nhưng lại đi đến hai kết luận mâu thuẫn với nhau. Do đó chắc chắn có một trong hai người sai, hoặc là Võ Lý sai, hoặc là Ngô Tôn Huấn sai, chứ không thể nào hai bên đều đúng cùng một lúc được. Căn cứ vào đấy, ta có thể thấy rằng một người có thể dựa trên một câu Kinh Thánh để đưa độc giả hay thính giả đến một kết luận hoàn toàn sai.

3. Một số thuật ngữ cần làm rõ.

Như thế, nếu không thể căn cứ hoàn toàn vào các văn bản trên thì ‘Kho tàng đức tin’(bao gồm Kinh Tin Kính) của Kitô hữu đặt trên nền tảng nào? Giáo Hội Công Giáo dạy rằng ‘kho tàng đức tin’ được đặt nền tảng trên ba thực thể cùng một lúc, đó là: Tông Truyền (hay Truyền Thống phát xuất từ các Tông Đồ), Thánh Kinh và Huấn Quyền (hay Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội). Sắc lệnh Verbum Dei đã xác định như sau: “Hiển nhiên là Tông Truyền, Thánh Kinh và Huấn Quyền, theo ý định vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa, liên kết và phối hiệp với nhau đến nỗi không thực thể nào trong ba có thể đứng vững một mình được” (Dei Verbum 10c)

Kinh Thánh là gì thì ai cũng rõ rồi. Chỉ cần xác định với nhau về ý nghĩa của các thuật ngữ Tông Truyền và Huấn Quyền.

Tông Truyền là truyền thống phát xuất từ các tông đồ chứ không phải là một thói quen mà Giáo Hội cho phép, thậm chí khuyến khích, thực hiện vào một giai đoan lịch sử nào đó. Chẳng hạn truyền thống ‘dâng hoa tháng Đức Mẹ’ ở Việt Nam là một điều tốt đẹp, nhưng chẳng có thể gọi đấy là Tông Truyền, và nay mai nếu trở nên vô ích hoặc cản trở cho việc sùng kính Đức Mẹ, thì người ta bỏ đi mà chẳng phương hại gì đến ‘tín lý và giáo lý’ cả.

Huấn Quyền là quyền Giáo Huấn của Giáo Hội, nghĩa là quyền giải thích lời Chúa đã được viết ra hay lưu truyền, và quyền này được ủy thác cho các Giám mục thông công với người kế vị thánh Phêrô là Giám Mục Rôma. Hiểu theo nghĩa rộng, đó là quyền giảng dạy của những người cộng tác với giám mục nghĩa là hàng giáo sĩ. Nhưng Sắc Lệnh Dei Verbum cũng cảnh báo: “Tuy nhiên, Huấn Quyền này không vượt trên Lời Chúa, nhưng để phục vụ lời Chúa, chỉ dạy những gì đã được truyền, vì thừa lệnh Chúa và với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội thành tâm lắng nghe, gìn giữ cách thánh thiện và trung thành trình bày lời Chúa, đồng thời từ kho tàng duy nhất ấy, Giáo Hội rút ra mọi chân lý mà dạy phải tin là do Thiên Chúa mạc khải.” (Dei Verbum 10b). Và Huấn Quyền này thể hiện rõ qua các công đồng, nhất là từ Công Đồng Nicée (325). Từ những xác định trên, ta có thể xem rằng khi một linh mục thi hành quyền giảng dạy (munus docendi) thì đồng thời cũng nối dài Huấn Quyền (Magisterium), nhưng không phải trích dẫn một vài câu từ Kinh Thánh hay Văn Kiện công đồng rồi muốn nói gì thì nói, mà chỉ dạy những gì đã được truyền mà thôi. Ngoài ra, những suy nghĩ riêng tư của một linh mục, dù thánh thiện và tốt lành bao nhiêu, cũng chỉ là những lời nói của một con người, và không ai buộc phải nhắm mắt nghe theo cả.

Đến đây, thiết nghĩ cũng nên làm rõ nghĩa thêm một từ ngữ mà giáo dân rất sợ vì cảm thấy đó là vùng ‘thiêng liêng’, bất khả xâm phạm và dành riêng cho hàng giáo sĩ: Thần Học.

Thần Học là gì? Theo nguyên ngữ thì thần học là một lời nói về Thiên Chúa (theo-logos), nhưng không phải muốn nói sao cũng được. Đó là một hình thức trình bày hợp lý bắt nguồn từ đức tin. Do đó, khi triết học đề cập đến Thiên Chúa, thì cũng không thể gọi là thần học, vì triết học tiếp cận Thiên Chúa từ bên ngoài. Có thể dùng câu nói của thánh Anselme de Canterbury (thế kỷ XII) như một định nghĩa: thần học là fides quaerens intellectum: đức tin tìm cách để hiểu. Như vậy, nhiệm vụ của Huấn Quyền là dạy dỗ Đức Tin, còn vai trò của thần học là tìm kiếm. Việc làm của thần học là nắm bắt Lời của Thiên Chúa, mà con người nhận được như một bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa Hằng Sống trong lịch sử, để từ đó chuyển thành một lời về Thiên Chúa, một lời Chân Lý. Tuy nhiên, vì vai trò của của thần học là tìm kiếm, nên mọi kết luận đều mang tính chất giả thiết. Vì thế, ai đem thần học ra để làm cho người khác rối trí rồi áp đặt uy quyền của mình, thì người ấy đi sai mục tiêu của thần học. Từ đó, tín hữu nào nghe những chủ chăn nói nhiều về thần học mà không thấy mình được củng cố trong đức tin, đức cậy và đức ái... thì tín hữu đó có quyền xem những kiến thức thần học ấy chỉ là lời nói gió bay.

4. Gọi ngày ‘Ordinatio’ là ngày ‘nhận lãnh tác vụ linh mục’ có sai không?

Với nhận định này, tôi trở lại với lời phát biểu của Lm. Huấn. Tác giả viết: “Chức thánh không phải là Thừa tác vụ (Ministerium = ministry = diakonia) nên không thể nói ngày chịu chức (ordinatio) linh mục là ngày ‘lãnh tác vụ linh mục’ được”. Điều này đúng hay sai, có thể nói hay không thể nói, thì không phải là một tín điều mà Giáo Hội đòi buộc phải tin, do đó tác giả có tự do nêu lên ý mình. Thế nhưng khi tác giả phán quyết: “Phải nói chịu Chức thánh (ordinatio) để thi hành thừa tác vụ linh mục (priestly ministries) mới đúng tín lý và giáo lý của Giáo Hội” thì tác giả đã vượt quyền tự do cá nhân để cấm người khác làm một điều mà Giáo Hội chưa cấm. Liệu một linh mục chính xứ có quyền đó đối với mọi người trên thế gian không thuộc quyền coi sóc mục vụ của mình hay không? Những chuyên viên về Giáo Luật sẽ trả lời cho câu hỏi này. Tôi chỉ xin ghi lại nơi đây Điều 1389 trong Giáo Luật hiện hành (1983): Ai lạm dụng một quyền hạn hay chức vụ giáo sĩ sẽ chịu hình phạt tương xứng với mức độ trầm trọng của hành vi hay sự thiếu sót của mình, kể cả việc ngưng chức vụ ấy; trừ phi đã có một hình phạt mà pháp luật (law) hay giới luật (precept) đã qui định cho sự lạm dụng đó.

Trên thực tế, hơn 10 năm qua, ngày ‘phong chức’ đã được các giám mục tại Việt Nam gọi là ngày ‘trao tác vụ linh mục’; trên các banderolles trước thánh đường đều ghi là: lễ ‘trao tác vụ linh mục’, và trong các thiệp mời thì các linh mục Giám Tỉnh hay Tổng Đại Diện đều ghi ‘mời đến dự lễ trao tác vụ linh mục’. Nếu ‘phải nói chịu Chức thánh (ordinatio) để thi hành thừa tác vụ linh mục (priestly ministries) mới đúng tín lý và giáo lý của Giáo Hội’, như lời phán quyết của Lm. Huấn, thì hóa ra Hội Đồng Giám mục cũng như bề trên các Giáo Phận và Dòng Tu tại Việt Nam sai tín lý và giáo lý cả sao? Tôi tin rằng những vị ấy đủ thẩm quyền và đủ hiểu biết về tín lý và giáo lý để nói rằng ngày phong chức là ngày ‘trao tác vụ linh mục’, vì vậy một tiến chức có quyền nói rằng đó là ngày ‘nhận lãnh tác vụ linh mục’. Dù sao vấn đề này cũng thuộc munus docendi của hàng giáo sĩ mà một giáo dân không có thẩm quyền để đánh giá đúng sai. Điều duy nhất tôi có quyền là nêu lên nhận định của mình: lời khẳng định của Lm. Huấn đi theo một ‘tín lý và giáo lý khác’ (mà trong tiếng Hy lạp là heiresia) so với tín lý và giáo lý của Giáo Hội, ít ra là của Giáo Hội Việt Nam.

5. Kết luận.

Bài này được viết ra để nêu lên những suy nghĩ của tôi về một số khái niệm mà lm Ngô Tôn Huấn căn cứ trên đó để dạy dỗ con cái của mình trên khắp hành tinh, đồng thời cảnh báo họ trước những nguy cơ phá hoại Giáo Hội của những ‘trí thức nửa vời’, ‘tu xuất’ và ‘lạc đạo’. Sau khi tìm hiểu, tôi có cảm giác rằng một số từ vựng và khái niệm mà tác giả dùng thì không giống như ở những nơi khác mà tôi được tham khảo... Vì thế tôi nói lên điều này với anh em giáo dân để họ kiểm tra xem những nguồn tư liệu của tôi có chính xác hay không. Dĩ nhiên, tôi không nhận định gì về cách trình bày chân lý của lm Huấn. Cùng một chân lý, thì mỗi người có quyền tự do trình bày theo cách nhìn của mình, và nhấn mạnh điều mình muốn. Ví dụ: Thánh Phaolô và lm Huấn đều cảm nghiệm rằng Chúa Kitô kết hiệp với mình mật thiết đến độ trở thành một với nhau, nhưng mỗi người nhấn mạnh ở một đối tượng khác. Thánh Phaolô thì bảo: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20); còn lm Huấn thì viết: “Kính trọng Linh Mục (=tôi) là tôn kính chính Chúa Giêsu” (bài viết nói trên).

Qua văn phong của lm Huấn, tôi có cảm giác rằng tác giả xem các giáo dân ‘không lạc đạo’ toàn là những con chiên ngoan ngoãn chỉ biết gục đầu lắng nghe và thi hành chân lý thốt ra từ môi miệng chủ chăn. Riêng tôi, tôi tin rằng đại đa số Kitô hữu, dù có chức thánh hay không, đều biết đọc, biết suy nghĩ và biết rút ra những kết luận chính xác cho bản thân mình.

Vì thế tôi bỏ ngỏ bài này mà không viết lời kết luận...