TỔNG LƯỢC VĂN KIỆN TÒA THÁNH VỀ BÁO CHÍ

Lịch sử báo chí của Giáo Xứ Việt Nam vùng Paris là lịch sử quá trình thực hiện các giáo huấn của Tòa Thánh về báo chí. Việc tóm lược các văn kiện minh chứng 200 số báo Giáo Xứ phát hành trong suốt 20 năm qua đã tuân thủ các văn kiện Tòa Thánh về báo chí. Sự ra đời của báo Giáo Xứ bộ mới vào tháng 2-1984 trùng hợp với việc Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II công bố thông điệp ngày 24-5-1984 nhân ngày quốc tế truyền thông xã hội. Tuy nhiên, thông điệp Christianae reipublicae salus được coi là văn kiện Tòa thánh lâu đời nhất về xuất bản, do Đức Thánh Cha Clêmentê XIII công bố năm 1766. Thông điệp này ra đời cùng với nguyên tắc tự do báo chí, xuất hiện vào thế kỷ Ánh sáng (siècle des Lumières). Vào thời kỳ này, báo chí (presse) có nghĩa là việc in và xuất bản sách và ấn bản định kỳ (droit d’imprimer et d’éditer livres et périodiques). Trong thông điệp này, ĐTC Clêmentê XIII tuyên bố : Sự lành mạnh của xã hội Kitô giáo buộc chúng ta phải cảnh giác trước sự bất kính và tự do nguy hại của sách báo. Phải quyết tâm tranh đấu về sự nguy hại của loại ấn phẩm này.

Bài tổng lược các văn kiện Tòa Thánh về báo chí gồm bốn phần : sơ khởi, trước Công đồng, Công đồng Vatican II và hiện tại.

I. GIAI ĐOẠN SƠ KHỞI

1. Bối cảnh lịch sử

Thế kỷ XVIII được mệnh danh là kỷ nguyên Ánh sáng (époque des Lumières) với nhiều biến đổi xã hội quan trọng : tuyên ngôn nhân quyền, quyền tự do tư tưởng. Tiếng Pháp trở nên ngôn ngữ của các nhà tư tưởng như Voltaire, Montesquieu, Rousseau v.v. Kỷ nguyên này được đánh dấu bằng nhiều thành tựu khoa học và kỹ thuật quan trọng và sự ra đời của bộ bách khoa Encyclopédie, vaste dictionnaire des arts et des métiers. Các tư tưởng mới mẻ hình thành những suy nghĩ nhằm chống lại nền tảng của một xã hội còn nhiều bất công xã hội, sự lạm dụng những đặc quyền của chế độ quân chủ. Người dân phải chịu sưu cao thuế nặng. Chỉ có đồng tiền là quan trọng. Kịch bảnTurcaret của Molière và Caractères của La Bruyère minh họa thời đại kim tiền. Trong thời gian này, John Law, một nhà tài chánh Tô Cách Lan đến lập nghiệp tại Pháp, thành lập Compagnie des Indes và Banque générale (1716). Cuộc cách mạng 1789 làm đảo lộn nhiều giá trị cổ truyền. Thời kỳ này phát sinh nhiều hội luận thu hẹp (salons), các câu lạc bộ (clubs) qui tụ nhiều văn nghệ sĩ và các nhà bác học cũng như việc ra đời của nhiều quán cà phê ở Paris. J.B. Gresset viết : Người ta sống ở Paris, và kiếm ăn ở nơi khác. Năm 1792, phong hóa thay đổi đưa đến nhiều tự do quá trớn. Người ta không gọi nhau là ông bà nữa mà bằng công dân (citoyen). Nhà cầm quyền đặt tên mới cho các đường phố Paris để xóa nhòa dấu vết chế độ cũ. Bối cảnh xã hội này góp phần hình thành những văn kiện Tòa thánh đầu tiên, nội dung mang tính cách cảnh báo.

2. Văn kiện Tòa Thánh về báo chí.

[1] Ngày 10-3-1791 – hai năm sau cách mạng Pháp 1789 – ĐTC Piô VI công bố đoản sắc (bref) bầy tỏ sự lo ngại về những lạm dụng quyền tự do báo chí : Người ta chấp nhận quyền suy nghĩ, phát biểu, viết và ấn hành về vấn đề tôn giáo chiều theo thị hiếu nhất thời.

[2] Ngày 15-8-1832, ĐTC Grégoire XVI công bố thông điệp Mirari vos : Nhiều văn kiện tuyên truyền vài học thuyết hầu làm lung lạc sự trung thành đối với quân vương, đốt lửa bạo loạn, cần cảnh giác những dân tộc lầm lạc ra khỏi con đường bổn phận. Theo giáo huấn của các thánh Tông đồ, quyền lực đến từ Thiên Chúa. Ai chống lại quyền lực là chống lại Thiên Chúa.

[3] Ngày 8-6-1845, ĐTC Grégoire XVI công bố tông thư Inter gravissimas. Nhà cầm quyền Ý cấm không cho phổ biến tông thư này tại các địa điểm công cộng. Tông thư lên án việc chính quyền Ý cấm các linh mục đến từ nước ngoài không được rao giảng Tin Mừng tại nước Ý. Làm như vậy là đi ngược lại quyền và tự do rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội.

[4] Ngày 8-12-1864, ĐTC Piô IX công bố thông điệp Quanta cura thường được mệnh danh là thông điệp Syllabus nói lên sự thiếu đối thoại giữa Giáo Hội Công Giáo và thế giới mới : Không thể chấp nhận tự do dân sự của các tín ngưỡng trong khi người ta được toàn quyền phát biểu công khai trước công chúng những tư tưởng và ý kiến cổ vũ cho sự bại hoại đạo đức và tinh thần cũng như sự hờ hững trong xã hội.

[5] Ngày 15-2-1882, ĐTC Léon XIII công bố tông thư Etsi nos chủ trương dùng báo chí tạo sự đối thoại và hiểu biết : Có thể chuyển hướng từ hoạt động tác hại thành hoạt động ích lợi cho mọi người. Vì vậy, cần lập một văn phòng thông tin công giáo tại mỗi địa phương để cổ võ tinh thần trách nhiệm đối với Giáo Hội. Văn phòng này phát hành những ấn bản thường xuyên, nếu có thể được, nhật báo. Sau đây là những nguyên tắc biên tập : nhận định và diễn đạt những điểm chính yếu, đừng sao lãng những điều cần thiết mà độc giả muốn tìm hiểu, cảnh giác về những thói hư tật xấu, sử dụng văn phong sáng sủa, mạch lạc để đại chúng có thể thấu triệt vấn đề. Khuyến khích những người có khả năng biên tập. Hơn một thế kỷ đã qua, giáo huấn của Đức Léon XIII vẫn còn nguyên giá trị, có thể áp dụng trong phạm vi Giáo Xứ.

[6] Ngày 20-6-1888, ĐTC Léon XIII công bố thông điệp Libertas Praestantisimum : Sự hành động quá trớn phương hại đến tự do.

[7] Ngày 22-10-1913, ĐTC Piô X viết : Báo chí luôn là quan tâm hàng đầu của hàng giáo phẩm công giáo. Nhà báo công giáo hành nghề với sự vô tư hoàn toàn, không nhường bước trước bả vinh hoa, những lời hứa hẹn, nịnh bợ.

[8] Năm 1917 (năm xẩy ra cách mạng Nga), Giáo Hội công bố bộ Giáo luật mới.

Canon 1384 qui định : Giáo Hội có quyền đòi hỏi các tín hữu không được in sách nếu không được phép của bề trên bản quyền. Giáo Hội cũng có quyền cấm vì lý do chính đáng những tác phẩm đã xuất bản bao gồm nhật báo, tạp chí định kỳ và mọi ấn bản khác.

[9] Canon 1386 §1 : Các tu sĩ triều nếu không có phép của giám mục, các tu sĩ nếu không có phép của bề trên không được in các sách đời, các bài báo hoặc các ấn bản định kỳ.

[10] Canon 1386 § 2 : Tín hữu không được viết trong các tờ báo có khuynh hướng chống đạo, phương hại thuần phong mỹ tục, trừ trường hợp có lý do chính đáng và được giám mục cho phép.

Giai đoạn đầy biến động nói trên được tiếp nối bằng hai cuộc chiến tranh thế giới I và II. Giáo Hội bầy tỏ sự quan tâm về các phương tiện truyền thông, đặc biệt là báo chí.

II. GIAI ĐOẠN TRƯỚC CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

Bối cảnh lịch sử

Lịch sử thế giới tiền bán thế kỷ XX được đánh dấu bằng hai cuộc thế chiến I và II. Thế chiến I (28-7-1914 -> 1-11-1918) giữa các đế quốc Trung Âu (Đức, Áo và Hung) và Pháp-Anh + các nước đồng minh. Về mặt quan hệ quốc tế, hai bên tìm cách lôi kéo các nước trung lập. Chiến tranh vừa bắt đầu, Lục Xâm Bảo và Bỉ bị quân Đức chiếm đóng. Nước Anh quyết định tham chiến. Thụy Sĩ, các nước Bắc Âu và Tây Ban Nha đứng trung lập. Thống chế Ferdinand Foch (1851-1929) chỉ huy liên quân mở một loạt các cuộc tấn công buộc quân Đức phải rút lui. Liên quân Anh-Pháp thắng trận giúp Pháp thu hồi miền Alsace-Lorraine. Số binh sĩ tử trận lên đến 8,5 triệu binh sĩ, 10 triệu thường dân thiệt mạng.

Thế chiến II (1-9-1939 -> 2-9-1945) giữa phe Trục (Đức, Ý, Nhật) và Đồng minh (Pháp, Anh, Liên Xô, Hoa Kỳ, Trung Quốc). Lúc đầu, phe Trục mở rộng đất đai. Anh, Đức và Nhật bị mưa bom ồ ạt. Ngoài việc chinh phục đất đai, cuộc chiến còn mang ý nghĩa ý thức hệ nhằm thiết lập các chế độ dân chủ tự do hoặc nhân dân (cộng sản). Có khoảng từ 35 triệu đến 60 triệu người thiệt mạng tùy theo cách ước tính (cả quân sự lẫn dân sự).

Giai đoạn này hình thành tại châu Âu nhiều chế độ độc tài sắt máu tuy khác nhau về ý thức hệ (Hitler, Staline, Mussolini, Franco, Salazar). Đức Quốc Xã tìm cách tàn sát những thành phần bị coi không thích hợp với chế độ chính trị bằng bạo lực nhà nước : từ bạo lực thân thể đến bạo lực tinh thần. Liên Xô thiết lập tại Đông Âu nhiều chế độ độc tài. Trong giai đoạn này, Giáo hội công giáo ban hành nhiều văn kiện về báo chí quan trọng.

2. Văn kiện Tòa Thánh về báo chí.

[11] Ngày 23-5-1920, ĐTC Benoit XV công bố Ðoản sắc Pacem, kêu gọi các nhà văn, nhà báo công giáo thể hiện trong bài viết sự mưu cầu hòa bình, không viết những bài cổ võ bạo lực không phù hợp với luật đạo, mở lại vết thương còn chưa khép kín.

[12] Ngày 26-1-1923, ĐTC Piô XI công bố Ðoản sắc Rerum Omnium : Thánh Francois de Sales, tiến sĩ Hội thánh, được coi là quan thầy các nhà văn nhà báo công giáo.

[13] Ngày 20-9-1928, ĐTC Piô XI đọc diễn từ gọi các nhà báo công giáo : Giáo Hội không lãng quên sức mạnh của báo chí. Giáo Hội bầy tỏ lòng biết ơn đối với các ký giả tiếp tục công trình của Chúa Kitô qua báo chí. Công giáo tiến hành trong lãnh vực báo chí nhằm bảo vệ những nguyên tắc tôn giáo và đạo đức.(…) Các nhà báo công giáo là tiếng nói của Đức Thánh Cha. Họ không phải là phát ngôn viên, nhưng chính là tiếng nói của người.

[14] Ngày 26-12-1931, ĐHY Pacelli gửi thư cho ĐHY Verdier nhân kỷ nệm 50 năm nhật báo La Croix : Báo chí công giáo là ngọn hải đăng làm sáng tỏ các sự việc và các vấn đề trong cuộc sống.

[15] Ngày 10-6-1934, ĐTC Piô XI gửi thông điệp cho các nhà báo : Nghề làm báo là chức nghiệp cao quý, quan trọng như ngọn đèn chiếu soi phúc lợi của cuộc sống công giáo.

[16] Ngày 8-1-1935, ĐHY Pacelli gửi thư đến ĐHY Minoretti : Nhiều lần Đức Thánh Cha nói lên ý nghĩ về sự cần thiết phải nâng đỡ và bảo vệ báo chí công giáo, phương tiện hữu hiệu để phổ cập tư tưởng, đáp ứng nhu cầu tông đồ công giáo.

[17] Ngày 21-7-1945, ĐTC Piô XII gửi thông điệp cho các nhà báo Hoa Kỳ : Một nhà báo, một nhà bình luận truyền thanh ý thức nhiệm vụ cao đẹp và trách nhiệm của họ, luôn cảnh giác về trách nhiệm đối với hàng ngàn, hàng triệu người có thể chịu ảnh hưởng ngôn từ của họ. Nhà báo cần nói lên sự thật và chỉ sự thật mà thôi.

[18] Ngày 27-4-1946, ĐTC Piô XII đọc diễn văn trước các nhà báo Mỹ, thường được mệnh danh là Bản ngơi ca chân lý : Sự thật mà chúng ta nói đến là sự thật mắt thấy tai nghe, chúng ta phải diễn tả sự thật ấy như đã thấy, giải thích theo các nguyên tắc công bằng và bác ái. Sự thật không gồm xúc động chủ quan, cũng không mang tính phe đảng đối nghịch. Sự thật không ra ngoài thực tại, không phát xuất từ tưởng tượng. Sự thật không mua được bằng tiền của nên đừng e ngại khi nói ra. Sự thật cần được diễn tả qua ngòi bút trong sáng của nhà báo, không chịu ảnh hưởng thành kiến và giả định. Sự thật rất tinh tế. Cần nên thận trọng, đừng nên cổ võ điều xấu và bỏ qua điều tốt. Sự thật rất đơn sơ. Sự chết có thể len lỏi vào tâm hồn qua mắt nhìn.

[19] Ngày 23-1-1950, ĐTC Piô XII đọc diễn văn trước các nhà báo Hoa Kỳ : Tiếng nói mạnh nhất đến được đại chúng, ngày nay là tiếng nói của báo chí. Ai cũng biết nhà báo có thể bóp méo sự thật, thay đổi hoàn cảnh phát sinh sự thật, làm thay đổi ý nghĩa hoặc xóa bỏ chân lý. Kết quả rõ ràng là công chúng bị lầm lạc, một thảm kịch phát sinh, một cuộc xung đột hoặc chiến tranh bùng nổ chỉ vì bài viết của một nhà báo bất xứng vì lý do này hay lý do khác, thiếu trách nhiệm với chân lý.

[20] Ngày 12-5-1953, ĐTC Piô XII gửi thông điệp cho các nhà báo nước ngoài tại Ý : Đức tính chính của nhà báo là luôn yêu mến sự thật. Tuy nhiên, có bao điều cám dỗ khiến nhà báo xa dời chân lý, cám dỗ đến từ quyền lợi đảng phái, có khi là quyền lợi của chính báo chí.

[21] Ngày 27-7-1956, đài Phát thanh Vatican công bố quyền tự do của các nhà báo công giáo : Một nhà báo công giáo phải đáp ứng hai điều kiện : sự đòi hỏi nghề nghiệp cần tham khảo rộng rãi, sự lương thiện trí thức và một cá tính; và những đòi hỏi của đức tin gắn liền với thông điệp của Đức Giêsu Kitô và Giáo hội.

Các giáo huấn của Giáo Hội về báo chí đặc biệt được triển khai kể từ Công đồng Vaticanô II.

III. GIAI ĐOẠN CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

1. Bối cảnh lịch sử

Sau hai thế chiến, Giáo Hội chủ trương thích nghi với thế giới mới. Vì vậy, ĐTC Gioan XXIII đã triệu tập công đồng Vaticanô II qui tụ hơn hai ngàn nghị phụ trên khắp thế giới và các chuyên viên, các quan sát viên không công giáo. Đây là công đồng thứ 21 của Giáo Hội, trải qua 4 khóa họp (11-10 -> 8-12-1962; 29-9 -> 4-12-1963; 14-9 -> 21-11-1964; 14-9 -> 8-12-1965). ĐTC Gioan XXIII chủ trương cập nhật hóa (aggiornamento ) Giáo Hội trước thế giới mới; tiến tới việc hiệp nhất những người Kitô giáo. Trong diễn văn khai mạc công đồng, ĐTC Gioan XXIII bác bỏ giáo huấn khinh thị (enseignement du mépris) đồng thời mở cửa đối thoại với các tôn giáo khác, đặc biệt với người Do Thái. Ngài chủ trương hiệp thông giữa Giáo Hội và thế giới mới, tạo điều kiện cho việc loan báo Tin Mừng. Đức Gioan XXIII đã ban hành bốn hiến chế, trong số có hiến chế Gaudium et spes về Giáo Hội trong thế giới mới, phát xuất từ lược đồ 13; và Sacrosanctum concilium canh tân phụng vụ : các nhóm ngôn ngữ thông dụng (trong số có Việt ngữ) thay thế tiếng latinh trong nghi lễ phụng vụ. Trước khi công đồng kết thúc, các nghị phụ (trong số có các nghị phụ Việt Nam) mong muốn vinh danh Đức cố Gioan XXIII là bậc thánh bằng cách đứng dậy hoan hô, nhưng ĐTC Phaolô VI không chấp nhận vì muốn bảo vệ qui luật phong thánh. Tháng 9-2000, ĐTC Gioan-Phaolô II đã phong chân phước cho Ðức cố Giáo Hoàng Gioan XXIII.

2. Văn kiện Tòa Thánh về báo chí

[22] Ngày 27-1-1963, ĐTC Gioan XXIII đọc diễn từ trước các nhà báo công giáo : Báo chí thực sự là phương tiện truyền thông quan trọng. Từ gần một thế kỷ, báo chí lãnh trọng trách và đôi khi chứng kiến thảm kịch. Theo quan niệm công giáo, báo chí loan truyền một học thuyết, các đường lối, các thông tin chắc chắn, thận trọng và đúng đắn; như bờ đê ngăn chận tư tưởng lệch lạc. Công đồng trao lại cho báo chí sứ mạng hàng đầu.

[23] Ngày 22-9-1963, ĐTC Phaolô VI đọc diễn văn trước Hiệp hội Báo chí Công giáo Ý : Báo chí không giới hạn trong việc loan tin hoặc bình luận về các vấn đề tôn giáo. (…) Báo chí cần thấm nhuần hiểu biết công giáo trong từng lời nói, luôn ý thức về ảnh hưởng đối với độc giả. (…) Nhà báo là người hướng dẫn bạn đọc. Xin đừng quên điều này.

[24] Ngày 4-12-1963, Công đồng Vaticanô II thông qua sắc lệnh Inter mirifica : Trong số các phát minh, các phương tiện truyền thông có vị trí đặc biệt vì có thể đến và ảnh hưởng không những các cá nhân, mà cả tập thể cho đến toàn nhân loại. Đó là trường hợp của báo chí, truyền thanh, truyền hình và các kỹ thuật cùng loại. Ta có thể nói chung là : các phương tiện truyền thông xã hội (moyens de communication sociale). (…) Cần đào tạo các linh mục, tu sĩ, cũng như giáo dân có khả năng sử dụng phương tiên này vào việc tông đồ. (…)

[25] Ngày 2-4-1964, ĐTC Phaolô VI công bố tự sắc In fructibus : Các nghị phụ công đồng Vaticanô II lượng định rằng thẩm quyền của ủy ban điện ảnh, truyền thanh và truyền hình phải được mở rộng ra tất cả các phương tiện truyền thông xã hội, kể cả báo chí, đồng thời ủy ban này cần có các chuyên viên đến từ nhiều quốc gia, trong số có thể mời các giáo dân.

[26] Ngày 2-5-1964, ĐTC Phaolô VI đọc diễn văn trước ban biên tập nhật báo L’Italia : Tờ báo là tấm gương và phải là tấm gương rộng rãi và trung thực. Tờ báo phải tuân theo một yêu cầu căn bản là thông tin, đem lai các tin tức, viết đúng sực thật, phục vụ chân lý hiện lên như tấm hình. (…) Đấng tiền nhiệm Gioan XXIII trong thông điệp Pacem in Terris đã coi quyền thông tin (droit à l’information) là quyền và bổn phận của cơ quan ngôn luận.

[27] Ngày 6-8-1964, ĐTC Phaolô VI công bố thông điệp Ecclesiam Suam : Tương quan giữa Giáo Hội và thế giới không giới hạn bằng những hình thức chính qui, nhưng có thể diễn đạt dưới hình thức một cuộc đối thoại không phải lúc nào cũng giống nhau, nhưng thích nghi theo người đối thoại và hoàn cảnh sự kiện.

[28] Ngày 28-10-1965, công đồng Vaticanô II thông qua sắc lệnh Christus Dominus : Để loan báo học thuyết công giáo, cần sử dụng các phương tiện khác nhau : (…) Báo chí và các phương tiện truyền thông xã hội được dùng để loan báo Tin Mừng Chúa Kitô.

[29] Ngày 7-12-1965, Công đồng Vaticanô II thông qua sắc lệnh Ad Gentes : Trong các Giáo Hội trẻ, đời sống dân Chúa cần được thăng tiến nhờ các phương tiện truyền thông xã hội.

[30] Ngày 26-3-1967, ĐTC Phaolô VI công bố thông điệp Populorum Progressio : Truyền thông (communication) không giới hạn trong báo chí (médias), nhưng bao gồm cả sự truyền thông giữa các thế hệ, sự liên đới giữa các dân tộc và sự đối thoại giữa các quốc gia.

[31] Ngày 6-5-1967, ĐTC Phaolô VI đọc thông điệp trước các đại diện của giới truyền thông xã hội : Các ngài đều nhìn nhận sứ mệnh của Giáo hội chính là tác nhân của các phương tiện truyền thông xã hội.

[32] Ngày 15-3-1971, ÐTC Phaolo VI gởi Ðoản sắc cho Ủy ban Tòa thánh về truyền thông xã hội : Báo chí công giáo rất cần thiết. đĩ là bằng cớ hiện diện nói lên bổn phận, vai trò, tình thương của chúng ta. Đó là phương tiện truyền bá Lời Chúa và thông điệp Phúc âm giữa đại chúng thường là người công giáo.

[33] Ngày 14-5-1971, ĐTC Phaolô VI gởi tông thư (lettre apostolique) cho ĐHY Roy : Trong số những thay đổi lớn của thời đại không thể bỏ qua vai trò ngày càng quan trọng của các phương tiện truyền thông xã hội, ảnh hưởng đến việc biến đổi tâm lý, sự hiểu biết và các tổ chức xã hội.

[34] Ngày 25-5-1971, ĐTC Phaolô VI ban hành huấn dụ (instruction pastorale) Communion et progrès về các phương tiện truyền thông xã hội : Giáo Hội coi các phương tiện truyền thông xã hội là ân sủng Chúa ban (dons de Dieu). Theo thánh ý Chúa, cần phát sinh trong nhân loại mối tương quan huynh đệ tạo điều kiện thuận lợi cho chương trình cứu chuộc.

[35] Ngày 16-5-1974, ĐTC Phaolô VI gửi sứ điệp nhân ngày thế giới truyền thông xã hội : Cần biết sử dụng khả năng mới của các phương tiện truyền thông đại chúng để trình bầy đời sống Giáo hội, việc phục vụ, mục đích cũng như những khó khăn, và nhất là để làm chứng đức tin và lòng bác ái.

[36] Ngày 1-9-1974, Đức Cha Deskur, chủ tịch Ủy ban Tòa thánh về truyền thông xã hội đã trình bầy những điểm chính yếu của thần học truyền thông (théologie des communications) : Sau đây là vài nguyên tắc suy nghĩ : Các phương tiện truyền thông là ân sủng của Thiên Chúa dành cho thời đại chúng ta. Hiệu quả đại chúng (effet massificateur) không hủy bỏ khả năng truyền thông (communicabilité) giữa các cá nhân.

[37] Tuy triều đại của ĐTC Gioan-Phaolô I rất ngắn (từ tháng 8 -> 9-1978), ngày 1-9-1978, ngài cũng đọc diễn từ gửi các nhà báo đến Roma để dự cuộc bầu giáo hoàng : Di sản thánh thiện về ký ức thân yêu mà công đồng Vaticanô II cũng như hai vị tiền nhiệm là Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI để lại gồm lời hứa mục vụ là sự cộng tác thẳng thắn, hiệu quả với báo giới. Đó là lời hứa mà Giáo Hội vui lòng thực hiện, với sự ý thức về vai trò quan trọng mà các phương tiện truyền thông đảm nhận trong sinh hoạt của con người thời đại. (…)

Nhiều văn kiện Tòa Thánh phát xuất hoặc có liên hệ đến Ủy ban Tòa Thánh về Truyền Thông Xã Hội. Vì vậy, thiết tưởng cũng nên lược trình về cơ cấu của ủy ban này.

3. Hội đồng Tòa Thánh về Truyền Thông Xã Hội

Ngày 30-1-1948, do văn thư R.N.153 561, văn phòng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thành lập Ủy ban Tư Vấn và Duyệt Xét phim ảnh mang chủ đề tôn giáo và đạo đức. Ủy ban do ĐGM Martin John O’Connor (Hoa Kỳ) làm chủ tịch. Ngày 17-9-1948, ĐTC Piô XII phê chuẩn qui chế và đặt ủy ban ngang hàng một bộ của Giáo triều Roma, đặt tên là Ủy ban Tòa Thánh về Phim Ảnh Giáo Dục và Tôn Giáo (Commission pontificale pour la cinématographie didactique et religieuse). Ngày 1-1-1952, ĐTC phê chuẩn qui chế của ủy ban. Ngày 31-12-1954, danh xưng mới là Ủy ban Tòa Thánh về Ðiện Ảnh, Truyền Thanh và Truyền Hình. Ngày 22-2-1959, ĐTC Gioan XXIII ban hành tự sắc Motu proprio Boni Pastoris đặt Ủy ban trực thuộc phủ Quốc vụ khanh Tòa thánh. Trong số 12 cơ quan chuẩn bị công đồng có Văn phòng báo chí. ĐTC Phaolô VI thành lập Ủy ban Báo Chí của công đồng nhằm cải thiện quan hệ giữa báo giới và công đồng. Ngày 2-4-1964, ĐTC Phaolô VI ban hành tự sắc Motu Proprio in Fructibus Multis cải danh thành Ủy ban Tòa Thánh về Truyền Thông Xã Hội. Ngoài điện ảnh, truyền thanh, truyền hình còn gồm cả báo chí định kỳ và nhật báo. ĐTC Phaolô VI đích thân chủ tọa phiên họp khai mạc của Ủy ban. Ngày 15-2-1980, ĐTC Gioan-Phaolô II bổ nhiệm đức cha Agnellus Andrew dòng Phanxicô làm phó chủ tịch. Ngày 28-6-1988, ĐTC Gioan-Phaolô II nâng ủy ban thành một bộ của Tòa thánh. Sự quan tâm của ĐTC Gioan-Phaolô II về truyền thông xã hội sẽ được phân tích trong phần IV dưới đây.

IV. GIÁO TRIỀU GIOAN-PHAOLÔ II

1. Bối cảnh lịch sử

Ngày 16-10-1978, mật nghị hồng y tôn cử ĐHY Karol Wojtyla (Ba Lan) lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo gồm hơn một tỷ tín hữu trên khắp thế giới. Đấng kế vị thứ 263 của thánh Phêrô là vị giáo hoàng đầu tiên không phải là người Ý từ bốn thế kỷ rưỡi và là một trong bốn vị giáo hoàng trị vì lâu nhất trong lịch sử Giáo Hội. Ngài có công làm thay đổi lịch sử, góp phần làm sụp đổ chế độ cộng sản, khởi đầu bằng cuộc tranh đấu kiên trì của Giáo Hội Ba Lan. Ngày 22-10-1978, Đức Gioan-Phaolô II đưa ra khẩu hiệu Các con đừng sợ. Thông điệp này đưa đến việc sụp đổ chế độ cộng sản tại Liên Xô và Đông Âu, các chế độ độc tài tại châu Mỹ Latinh cũng lần lượt cáo chung. Ngài là vị lãnh đạo tinh thần của sự hiệp nhất và hòa bình. Sau cuộc hành hương tại Assise, ngài viếng thăm đền Do Thái giáo tại Roma : Quí vị là người anh em thân mến, người anh em trong đức tin. Ngài bác bỏ các hình thức kỳ thị, bài Do Thái. Về mặt ngoại giao, Tòa thánh chính thức công nhận Nhà nước Do thái. Trong Năm Thánh 2000, ngài đến bức tường thống hối ở Jérusalem. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên bước vào một đền thờ Hồi giáo ở Istanbul. Ngài còn là vị giáo hoàng có công hiệp nhất giữa các thế hệ : ngày Giới Trẻ Thế Giới (J.M.J.) là thời điểm gặp gỡ của giới trẻ năm châu. Ngài còn là chứng nhân của Đức Kitô. Cuốn Giáo Lý của Giáo Hội hoàn cầu là cuốn giáo lý đầu tiên kể từ Công đồng Trente vào thế kỷ XVI.

2. Văn kiện Tòa thánh về báo chí

[38] Ngày 21-10-1978, ĐTC Gioan-Phaolô II đọc diễn văn nhân lễ đăng quang : Mỗi khi nhà báo làm phóng sự về đời sống và hoạt động của Giáo hội, hãy tìm những động lực chính đáng, sâu xa, những động lực tinh thần về tư tưởng và hành động của Giáo Hội. Giáo Hội lắng nghe những chứng từ khách quan của các nhà báo nói lên sự trông cậy và những yêu cầu của báo giới.

[39] Ngày 23-5-1979, ĐTC Gioan-Phaolô II gửi sứ điệp nhân ngày quốc tế truyền thông xã hội về chủ đề ‘‘Các phương tiện truyền thông xã hội dùng để bảo vệ và phát triển trẻ em trong gia đình và ngoài xã hội’’ : Với các khả năng và phương tiện thật lớn lao, quí vị có thể khai tâm trẻ em, dạy chúng lắng nghe hoặc ru chúng ngủ yên thay vì đầu độc chúng, về sau vô phương cứu chữa. Ngược lại cần giúp trẻ em thấy được các khả năng mang lại cho chúng để chúng tự thực hiện và hội nhập vào xã hội một cách sáng tạo. Quí vị là những người có trách nhiệm trong lãnh vực truyền thông, hãy nâng đỡ con trẻ trau dồi kiến thức, đề ra những chương trình giải trí và văn hóa đáp ứng sự tìm kiếm căn tính, ước muốn hội nhập dần vào cộng đồng nhân loại.

[40] Ngày 19-11-1980, ĐTC Gioan-Phaolô II gửi thông điệp cho các nhà báo và nghệ sĩ tại Munich : Giáo hội coi nghề báo và nghệ sĩ ngoài khả năng trí tuệ còn là sự cao cả và trách nhiệm nghề nghiệp. Theo quan niệm Kitô giáo, con người là hình ảnh Thiên Chúa. Điều này đặc biệt liên hệ đến hoạt động sáng tạo của nhà báo và các nghệ sĩ. Nghề nghiệp của họ là một nghề nghiệp sáng tạo (profession créative), liên quan đến trách vụ của mỗi người.

[41] Ngày 12-2-1981, ĐTC Gioan-Phaolô II đọc bài giảng (homélie) nhân kỷ niệm 50 năm Đài Phát thanh Vatican : Quí vị biết rằng làn sóng mang thông điệp của quí vị vượt qua khoảng cách địa lý và các biên cương dưới mọi hình thức. Quí vị cũng ý thức rằng thông tin rất quí cho những ai không có các nguồn thông tin khác và cho việc dạy giáo lý, thông tin cần thiết cho sự hiệp thông trong Giáo Hội.

[42] Ngày 14-2-1983, ĐTC Gioan-Phaolô II đọc diễn văn trước Liên đoàn Báo chí Ý : Nghề làm báo phải được quan niệm như một sứ mệnh thông tin và huấn luyên dư luận.

[43] Ngày 25-3-1983, ĐTC Gioan-Phaolô II đọc thông điệp nhân ngày quốc tế truyền thông xã hội : Nếu muốn trở thành dụng cụ hòa bình, các phương tiện truyền thông xã hội phải vượt trên những xét đoán đơn phương và cục bộ, bỏ qua các thiên kiến để tạo ra tinh thần hiểu biết và sự liên đới.

[44] Ngày 23-4-1983, ĐTC Gioan-Phaolô II đọc diễn từ trước ban biên tập nhật báo La Croix nhân kỷ niệm 100 năm của nhật báo này : Vấn đề đặt ra trước tiên là sự quan trọng của thông tin công giáo. Phần dành cho thông tin công giáo dường như giảm bớt trong các cơ quan ngôn luận lớn, nhiều khi đề cập dưới một góc cạnh phụ thuộc và lệch lạc.

[45] Ngày 2-12-1983, ĐTC Gioan-Phaolô II đọc diễn văn trước các chủ nhiệm tuần báo công giáo tại Ý : Các tuần báo công giáo là dụng cụ quí để vun sới giá trị tinh thần của Giáo hội trong dân Chúa.

[46] Ngày 24-5-1984, ĐTC Gioan-Phaolô II gửi thông điệp nhân ngày quốc tế truyền thông xã hội về chủ đề : ‘‘Truyền thông xã hội, khí cụ gặp gỡ giữa đức tin và văn hóa’’ : Các phương tiện truyền thông trình bầy các tin tức thời sự đồng thời đề cập đến những chủ đề thuần túy văn hóa hoặc được dùng cho những mục đích nghệ thuật và các mục tiêu khác. (…)

[47] Ngày 7-3-1985, ĐTC Gioan-Phaolô II đọc diễn từ trước Ủy ban Tòa Thánh về các phương tiện truyền thông xã hội : Người ta không nói nhiều đến việc các phương tiện truyền thông có thể là chất súc tác cho sự hiệp nhất và mời gọi lòng bác ái.

[48] Ngày 24-5-1984, ĐTC Gioan-Phaolô II gửi sứ điệp nhân ngày quốc tế truyền thông xã hội về chủ đề : ‘‘Truyền thông xã hội phục vụ sự thăng tiến đức tin của giới trẻ’’ : Tự do dường như là thách đố lớn mà truyền thông xã hội phải đương đầu để chinh phục không gian tự trị, ngày nay báo chí chịu sự kiểm duyệt của các chế độ độc tài hoặc các quyết định phát xuất từ các nhóm văn hóa, kinh tế, chính trị có thế lực.

[49] Ngày 24-5-1984, ĐTC Gioan-Phaolô II gửi sứ điệp nhân ngày quốc tế truyền thông xã hội : Trong việc lựa chọn các mô hình để noi theo, các chủ đề cần biên soạn và các khảo hướng cần triển khai, những người tham gia vào truyền thông đại chúng nên cảnh giác trong công tác nhằm đạt được sự đồng thuận trong công chúng, tiến tới việc biên soạn điều mà một số các nhà tư tưởng mệnh danh là ‘‘một nền triết học đại chúng” (une philosophie publique).

[50] Từ 16 đến 25-9-1986, Hội đồng Giám mục Á châu họp tại Tokyo (Nhật Bản) đã công bố một tài liệu về vấn đề dấn thân của giáo dân trong lãnh vực truyền thông : Đây là lúc các tín hữu ở châu Á được mời gọi phúc âm hóa trong môi trường sống qua những phương tiện truyền thông có được là nhờ kỹ thuật tân tiến. Ngày nay, báo chí Á châu còn đặt dưới sự kiểm soát của các chính quyền độc tài và một thiểu số những người có thế lực về kinh tế và chính trị, trong khi đại đa số dân chúng còn tiếp nhận tin tức một cách thụ động. Trong khi các xã hội tiêu thụ khai thác các phương tiện truyền thông để đạt các mục tiêu tiền bạc, Giáo hội chưa hoàn toàn ý thức về các phương tiện có thế lực này để rao giảng Tin Mừng cứu chuộc cho các dân tộc Á châu. Tuy nhiên, chúng tôi hân hoan ghi nhận sự tiến bộ công cuộc truyền thông của Giáo hội hoặc Giáo hội có ảnh hưởng qua các tín hữu. Số đông giáo dân làm việc trong các cơ quan ngôn luận trung thành với các giá trị của Phúc âm, làm chứng cho các giá trị này không những như cá nhân riêng lẻ mà cả trong lãnh vực nghề nghiệp, nơi mà các tín hữu có ảnh hưởng tích cực đến các đồng nghiệp cũng như đối với độc giả. Một gương sáng của sự hợp tác của dân Chúa là đài phát thanh Veritas, nơi các giáo dân gánh vác phần lớn trách nhiệm trong cuộc chiến đấu vì chân lý, công lý và tự do.

[51] Ngày 24-1-1987, ĐTC Gioan-Phaolô II gửi sứ điệp nhân ngày quốc tế truyền thông xã hội : Vai trò của trật tự mới trên thế giới trong lãnh vực thông tin và truyền thông chiếm một vị trí quan trọng, thông điệp công giáo về hòa bình, công lý, sự mời gọi dấn thân và lời cầu nguyện cho hòa bình. Sau cùng phải khẳng định điều kiện tiên quyết của công lý và hòa bình : các quyền bất khả nhượng của con người, các quyền tự do căn bản trong bình đẳng giúp cho tất cả chia sẻ phúc lợi và sự tôn trọng chủ quyền, trách vụ sửa sai và giúp đỡ.

[52] Ngày 24-1-1988, ĐTC Gioan-Phaolô II gửi sứ điệp nhân ngày quốc tế truyền thông xã hội : Nếu một mai ta có thể nói lên sự thật là truyền thông đến từ huynh đệ và truyền thông nghĩa là liên đới, đó phải chăng là thành quả tốt đẹp nhất của truyền thông đại chúng ?

[53] Ngày 30-12-1988, ĐTC Gioan-Phaolô II ban hành tông huấnChristifideles Laici Hiện nay con đường tốt nhất để sáng tạo và truyền đạt văn hóa là những phương tiện truyền thông. Giới truyền thông, tiếp theo sự tiến triển nhanh chóng của các phát minh, sự biến chuyển tâm lý và phong hóa, đưa ra biên giới mới cho sứ mạng của Giáo hội. Cách riêng, trách nhiệm nghề nghiệp của các tín hữu trong lãnh vực này, dù họ hành nghề với tư cách cá nhân hoặc qua sáng kiến của các định chế cộng đoàn, cần được nhìn nhận với tất cả giá trị cũng như cần được nâng đỡ bởi các tài nguyên vật chất, trí tuệ và mục vụ thích hợp.

[54] Ngày 22-2-1989, ĐTC Gioan-Phaolô II đọc diễn văn trước Ủy ban Tòa thánh về truyền thông xã hội : Giáo Hội cần khuyến khích các tín hữu sử dụng một cách sáng suốt các phương tiện truyền thông, không những tránh những ấn phẩm phương hại đến nhân phẩm, đồng thời rút tỉa lợi ích của báo chí như những lợi ích của một cuốn sách hay giúp phát triển về trí tuệ và đạo đức, để cảm nhận sâu sắc những điều tốt đẹp mà Thiên Chúa làm cho ta, cho một sự hiểu biết ngày thêm sâu sắc về nhân phẩm.

ĐHY Lustiger nhận định : ‘‘Ta không thể biết về ĐTC Gioan-Phaolô II nếu ta không biết rằng ngài đã cầu nguyện ít nhất 3 giờ một ngày. Tất cả những quyết định quan trọng của ngài không phải được hình thành trong bàn giấy mà trong nguyện đường.’’ Trong 25 năm tại vị, ĐTC Gioan Phaolô đã thực hiện được nhiều công trình lớn lao, trong số có lãnh vực truyền thông và báo chí, là nhờ chiều kích cầu nguyện vậy.

Kết luận

54 văn kiện Tòa thánh trích dẫn trải qua 12 triều đại Giáo hoàng, giống như 12 tông đồ của truyền thông xã hội, từ Đức Clêmentê XIII, Léon XIII qua Piô VI, Grégoire XVI, Piô IX, Benoit IX, Piô XI, Piô XII, Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan-Phaolô I và đương kim Giáo hoàng Gioan-Phaolô II (ghép tên từ niên hiệu của hai vị giáo chủ có công triệu tập và bế mạc công đồng Vaticanô II : Gioan XXIII và Phaolô VI), nói lên sự quan tâm của Giáo Hội đối với báo chí nói chung, đặc biệt là báo chí công giáo như báo Giáo Xứ Việt Nam tại Paris. Giáo hội coi báo chí công giáo là ngọn hải đăng (Gioan XXIII) hoặc tấm gương sáng (Phaolô VI). Các văn kiện Tòa Thánh một mặt mời gọi báo chí công giáo trở thành bờ đê ngăn chận nước lũ trước những tư tưởng lầm lạc (Gioan XXIII), mặt khác cần nói lên sự thật và chỉ sự thật mà thôi (Piô XII). Có sự thật nào cao quí hơn chân lý cứu chuộc : Ta là đờng, là sự Thật và sự Sống. Trong 200 số báo qua, báo Giáo Xứ đã đi theo con đường Phúc âm, nói lên sự thật vì sự sống của cộng đoàn và của mỗi người. Đó là con đường sáng, được chiếu soi bởi Tin Mừng Cứu Chuộc, được diễn đạt bằng văn phong sáng sủa như lời Đức Léon XIII. Con đường đó còn đài, cần được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Kỷ niệm 20 năm báo Giáo Xứ (bộ mới) phải chăng là thời điểm thích hợp để mời gọi những người thiện tâm trong cộng đoàn, không phân biệt tuổi tác, gia nhập báo Giáo Xứ, cùng nhau gánh vác nhiều công việc khác nhau : từ biên tập, trị sự (quản lý), kỹ thuật, phát hành, đến việc cổ động đọc báo. Báo Giáo Xứ là một ngọn đèn chầu khiêm cung, thắp lên để cảm tạ Thiên Chúa, mỗi phần vụ biên tập, trị sự, kỹ thuật, phát hành và độc giả góp phần duy trì ánh sáng. Tuy đơn sơ nhưng bền bỉ của ngọn đèn chầu. Họ là dầu, là bấc, là đèn v.v. Thiếu một yếu tố, ngọn đèn sẽ tắt lịm giữa cơn phong ba của những tư tưởng lầm lạc, đi ngược đạo lý và truyền thống dân tộc. Những người làm báo (các ban điều hành, kỷ thuật và phát hành), viết báo (chủ nhiệm, chủ bút, các trợ bút) và đọc báo (quí độc giả) nhân kỷ niệm báo Giáo Xứ, tất cả cùng nhau tâm niệm Kinh nhà báo (Prière du journaliste) do Ủy ban Tòa Thánh về truyền thông xã hội biên soạn vào tháng tư 1989 :

“Lạy Chúa Giêsu Kitô nhờ lời cầu bầu của Trinh Nữ Maria,

Xin làm cho chúng con trở thành ngả đường chân lý, biết dùng ngòi bút bảo vệ tự do, độc lập và công chính, biết cổ võ cho phúc lợi và sự hòa giải, là người phát ngôn của những giá trị tinh thần chân chính hướng về bình đẳng và danh dự, là người kiến tạo hòa bình và công lý, nói thay những người cơ cực, và luôn trung thành với lương tâm chức nghiệp.

Xin giúp chúng con bảo vệ hòa bình và hòa thuận, biết tôn trọng nhân phẩm, gìn giữ sự vẹn toàn nghề nghiệp, sửa sai mỗi khi lỗi lầm.

Xin giải thoát chúng con khỏi sự nhẹ dạ và lãnh đạm, khỏi xu nịnh quyền bính và cầu vinh, khỏi những tình cảm nhất thời và sự ham muốn quyền hành, khỏi những thành kiến, tránh dùng ngòi bút để đả kích người khác.

Xin làm chúng con trở thành người loan truyền sự thật, là đường ngay dẫn đến cùng Chúa Giêsu Kitô. Amen.’’(Giaoxuvn.org)