Mẹ Teresa thương trẻ em hơn ai hết. Mẹ muốn nuôi hết những trẻ em và thường nói : Tôi sẵn sàng nhận bất cứ em nào, vào bất cứ giờ nào không kể ngày đêm. Mẹ đã thực hiện đúng lời Chúa Kitô khi các Môn đệ tỏ ý không bằng lòng khi người ta dẫn trẻ em đến với Ngài : Hãy để trẻ em đến với Ta, đừng ngăn cản chúng vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng. (Mc 10,14)

Mỗi khi mở thêm trung tâm mới hay đi thăm một trung tâm nuôi trẻ em nào, Mẹ thường đứng trước ngưỡng cửa vào nhà, Mẹ nói : Phải rồi, đây mới là nhà tình thương. Và Mẹ khuyên các Chị tạo mọi điều kiện cho các em đến đây như ở nhà chúng. Để chăm sóc trẻ em bất hạnh, Dòng Bác Ái đã xây dựng và phân chia làm nhiều trung tâm chuyên môn :

- Trung tâm Nirmala Shishu Bhavan, nuôi trẻ bị bỏ rơi

Nirmala shishu Bhavan thành lập năm 1955, tại Calcutta, có nghĩa là hy vọng và đời sống (centre d'espérance et de vie) Trung tâm giáo dục lớn nhất ở 78 đường Lower Circular, cách nhà Mẹ không xa. Trung tâm chứa được trên dưới 300 em, có nhiệm vụ tìm và nuôi các em bị bỏ rơi ngoài đường, trong các góc kẹt thành phố hoặc bị cha mẹ ly dị. Khi các em nhanh nhảu khỏe mạnh, ai cần nhận con nuôi, trung tâm sẵn sàng tặng không. Thông thường các em 10 tuổi mới cứng cáp và có thể đi học. Người đứng đầu là sơ Charmaine Jose và nhiều sơ làm y tá. Có ba bác sỹ đến khám bệnh thường xuyên cho trẻ em trong trại và người lớn từ ngoài đến. Đây là khu nhà được trùng tu, chia làm nhiều dẫy. Một dẫy làm nhà ăn, phát khoảng 1000 phần ăn trong một ngày. Trung tâm này được Mẹ tới thường xuyên. Ngày mở cửa đầu tiên, Mẹ nhấn mạnh : "Chúng tôi không bao giờ tử chối nhận bất cứ em nào. Các em luôn có giường để nương thân tại đây. Cũng như em luôn có chỗ trong Trái Tim Chúa và được Ngài yêu thương. Em như đóa hoa xinh tươi trong vườn xuân, như con chim tung tăng trên bầu trời.Thiên Chúa đã cho nhân loại một kho tàng giàu có là trẻ em. Phải nuôi, chăm sóc, giáo dục chúng nên người."

Một hôm, mẹ tìm được bé gái ờ ngoài đường đem vào nhà Bác Ái. Mẹ tắm rửa và mặc quần áo cho em rồi thả em ra sân chơi chung với trẻ khác. Mẹ bận việc khác. Bỗng, mấy giờ sau, khi trở lại Mẹ không thấy em đâu nữa. Rồi vài hôm sau mẹ lại thấy em lang thang ngoài đầu phố. Mẹ ẵm về. Lần này, Mẹ dặn các Chị cẩn thận kẻo lại mất em lần nữa. Đem về lần nào, chỉ ít giờ sau em lại giọt mất. Cuối cùng một chị hỏi em :

- Tại sao em không thích ở trong trường với các sơ và bạn bè khác ?

Hỏi vặn mãi, cuối cùng em trả lời : Em còn mẹ. Mẹ em "đi làm" (ăn xin) cả ngày, em ở nhà coi nhà (gầm băng đá bên đại lộ). Em thích chiều khi mẹ về. Mẹ nấu cơm trên vỉa hè, nhìn khói bay và lửa bập bùng, vui lắm. Về nhà mà không thấy em. Mẹ chả sợ gì. Mẹ nói đã có Mẹ Teresa nuôi đỡ một vài bữa. Ở với các sơ có nhà cao cửa rộng, sân chơi có bóng mát. Nhưng không thích bằng tối tối chui vào nách mẹ ngủ ngon lành. Em không thể nào xa mẹ.

Dù biết em không ở lại trại, các sơ ít khi để em về một mình, sợ rủi ro bất ngờ. Một buổi tối, sau khi ăn cơm, em lại lén trở lại "nhà" mình. Có một sơ đi theo xem hoàn cảnh hai mẹ con ra sao. Em đi một hồi rồi ngưng lại dưới ghế đá bên đại lộ. Em ngưng lại cùng lúc ngó lại sau, em gặp sơ ấy đi theo. Em chạy vội lại ôm chân mẹ vừa về. Em đứng sát vào mẹ. Hai mẹ con nhìn nhau cười. Sơ biết chắc đó là tổ ấm của em.

Lần kia, vào mùa mưa lạnh, như thường lệ, các sơ đem em về trại cho ăn trưa. Ăn xong không thấy em ra đi như trước. Hỏi thì em rưng rưng nước mắt, trả lời :

- Mẹ em đi làm không thấy về. Chắc mẹ đi luôn. Vì tối hôm trước mẹ nói mẹ đói. Em bú mà vú mẹ không có sữa.

Ngày nào cũng vậy, Mẹ và một nhóm sơ bỏ nhà dòng đi thật sớm, công việc đầu tiên là tìm trẻ em bị bỏ rơi trong đêm. Đôi khi vừa mở cửa ra, các sơ đã thấy các em mếu máo nằm chờ từ trong khuya. Người ta bỏ các em đấy rồi đi mất. Trên vai các sơ đeo bị đựng sữa, nước bột, cơm nắm, khoai luộc..., bi đông rỗng khi cần thì ghé các vòi nước công cộng hứng nước. Tất cả các thức ăn này để "cấp cứu đói" khi mới gặp trẻ em bị bỏ rơi, nằm dọc đường. Lần ấy, đang đi về phía trước, Mẹ nhìn từ xa, có một bà đang ẵm đứa con, mà đứa con đang sắp rớt, Mẹ cho là bà ta kiệt sức quá không ẵm nổi con. Mẹ chạy vội lại cho kịp đỡ đứa nhỏ khỏi bị rơi. Tới nơi thì trong bọc tay của chị kia là con chó con. Chị thưa với Mẹ, con coi con chó này như "con" chị vậy. Bà cho biết thêm, bà sống độc thân, mà hễ đẻ đứa nào, chưa lọt lòng chúng đã bỏ chị. Chị buồn hết sức. Mỗi lần buồn như vậy chị lại có thai... Những đứa trẻ bất hạnh như những con bà này, Mẹ Teresa kể có tới hàng trăm em bị thiệt mạng trong một ngày tại các bệnh viện thuộc các sơ chăm sóc. Mẹ cho nỗi đau khổ của những bà mẹ phá thai, những cô gái nhẹ dạ, sinh con mà không dám nuôi... là nỗi khổ nhất trên đời của người phụ nữ Ấn Độ.

Hôm ấy, đến sân ga xe lửa, các sơ gặp một em đang trong một toa xe trống. Em ăn nghiến ngấu những gì còn sót lại trong các bao rác trên sàn xe. Thấy bụng em đã căng mà miệng cứ đút những đồ ăn dơ vào miệng. Vừa ăn em vừa trừng trừng đôi mắt nhìn, không e thẹn, sợ hãi gì. Hỏi ra thì biết đã hai ngày em không có gì bỏ bụng. Thấy các sơ, em òa lên khóc, mũi rãi chảy, đầu tóc bơ phờ. Sân ga là nơi đông trẻ em bị bỏ rơi nhất có khi là nơi đổi chác mua bán trẻ em cho những dịch vụ xã hội bất chính. Một sáng tinh mơ, tại sân ga trung ương Calcutta, các sơ nhận một em do một cộng tác viên ẵm lại. Em nặng chưa đầy một kí lô, con của một bà mẹ độc thân rất trẻ nghiền ma túy. Người cán sự cho các sơ hay là chính em này cũng bị ảnh hưởng về ma túy khi còn trong bụng mẹ. Nên em mới gầy đét, da nhăn nheo và nhẹ ký như vậy.

- Trung tâm nuôi trẻ sơ sinh

Mẹ Teresa đã mớm cơm kiểu dân quê Việt Nam xưa, cho trẻ sơ sinh, thay vì sữa. Mẹ coi như mẹ đứa trẻ, thiếu sữa. Một trường hợp thật hy hữu nhưng có thật. Là, có hai vợ chồng kia đã hục hoặc khi người vợ mang thai. Chồng muốn phá thai, vợ không muốn. Không có phương tiện nuôi, gần tới ngày sinh chồng đến báo cho các sơ khi nào vợ sinh thì đến mà nhận. Đúng hẹn, các sơ chờ sẵn ở nhà bảo sanh và đem em về nuôi trong lòng kiếng.

Phá thai, Mẹ cho là một tội giết người ghê tởm nhất trong thế kỷ văn minh. Ngày 10-12-1979, tại Oslo, khi lãnh giài thưởng Nobel, Mẹ công khai lên tiếng mở một mặt trận chống phá thai. Thường xuyên Mẹ hay nhắc đến "mặt trận quyết liệt" này trong các lần gặp gở và họp quốc tế về phụ nữ.

- Khu trẻ em bị tàn tật và bệnh thần kinh Prem Dan

Prem Dan có nghĩa là quà tặng tình yêu (don d'amour). Trung tâm chứa các em bị tàn tật và mắc bệnh tâm thần. Tàn tật từ bẩm sinh hay do chiến tranh. Đa số rối loạn tinh thần là do tâm lý hay vì hoàn cảnh gia đình. Ở trung tâm này, người ta không thể không nhắc đến người "Ông Nhỏ" (petit homme). Gọi là "ông" vì ông nhiều tuổi nhưng khổ người vẫn nhỏ con như khi còn "nhỏ". Ông tên là Parash Thapa. Các sơ vẫn dấu không cho biết gốc tích em từ đâu đến và hoàn cảnh gia đình ra sao. Ai đến cũng chỉ nghe nói là em đến lúc năm một tuổi và đến năm 9 tuổi thì em qua đời (1992).

- Trung tâm học hiệu Motijhil

Trung tâm giáo dục trẻ em lớn nhất là Nirmala Shishu Bhavan, có nghĩa là Hy vọng và Đời sống (centre d'espérance et de vie). Motijhil là nơi Mẹ mở lớp học đầu tiên cho các em, dưới gốc cây (1948). Nên dùng tên này cho trung tâm học hiệu mẫu giáo do dòng Bác Ái điều khiển. Ngày nay người ta vẫn ưa dùng bảng nhỏ và phấn để dạy các em mẫu giáo. Học trò quen ngồi đất kê tay lên bàn nhỏ để viết. Bên cạnh trường có một vườn bách thú nhỏ. Trường nhận các em từ 4, 5 tuổi.

Sau khi chữa bệnh, nuôi lớn đến tuổi đi học, mở trưởng cho chúng theo học. Nhiều em tuổi lớn kễnh mà phải ngồi chung trong lớp mẫu giáo. Việc dạy chữ cho các em rất khó. Một lớp độ 20 em, mà trình độ khác nhau vì trí khôn, hiểu biết chênh lệch. Về việc giáo dục trẻ em, Mẹ quan niệm rằng những việc mình làm khác nào như giọt nước trong đại dương. Nhưng nếu đại dương không có giọt nước này, thì đại dương cũng thiếu đi một giọt nước. Nếu chúng ta không mở những lớp học trong khu xóm tồi tệ hang chuột, chúng không là gì cả, là lớp dạy các em biết yêu thương, ăn ở sạch sẽ. Tương tự như vậy, nếu chúng ta không có những trường sở ấy, tập trung các em lại. Thì giờ đây hàng ngàn trẻ đang lang thang, lêu lổng ngoài đường. Như vậy phải lựa chọn, đem chúng về dạy cho chúng hiểu biết lễ giáo, hay để chúng bơ vơ giữa chợ đời.

Một sơ làm cô giáo nhiều năm tại đây nói về mục đích giáo dục tại đây : "Chúng tôi không đơn thuần dạy cho các em về chữ nghĩa, nhưng quan trọng là gây cho các em một niềm tin và biết là mình có ngày mai, tương lai huy hoàng. Chứ đừng tuyệt vọng khi còn nhỏ"

Mẹ đi hết hang cùng ngõ hẻm ở Calcutta, trong 69 năm sinh sống tại đây (1929-1997). Và từ khi chính phủ Ấn cho Mẹ đi xe lửa và máy bay miễn phí trong toàn quốc, Mẹ có dịp gần, tiếp xúc với dân nghèo khổ trong nước Ấn Độ. Năm 1985, Mẹ được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban cho thông hành của Vatican, để Mẹ dễ dàng xuất ngoại, thi hành sứ vụ bác ái tình thương cho mọi người.(Giaoxuvn.org)