NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA CHÂN PHƯỚC TERESA CALCUTTA

Mẹ Teresa con người gầy yếu, sức khỏe mỏng manh, mà có sức dẻo dai đi cùng khắp nẻo đường trên đất Ấn Độ. Ngoài Ấn Độ, Mẹ còn rong ruổi đi đến nhiều quốc gia trên thế giới. Mẹ đã qua Việt Nam hai lần vào 1991 và 1994. Tới đâu trên thế giới, Mẹ đều đem nguồn vui và sức sống cho dân nghèo và lớp người cùng khổ. Chính phủ hay ai quên họ. Chớ Mẹ không bao giờ quên họ. Sau khi đi về, Mẹ gửi tiếp các Chị Dòng của Mẹ để ở luôn bên họ. Hiện nay có 4050 nữ và 440 nam tu sỹ Dòng Bác Ái Truyền Giáo sống trong 560 nhà thuộc 126 quốc gia trên thế giới. Các tu sỹ này đang nối tiếp đi những nẻo đường Mẹ đã đi trước. Con đường mà người thường không thích và ghét bỏ. Mẹ Teresa đã đi đến tận những hang cùng ngõ hẻm dơ dáy nhất. Mẹ đã gặp những người đau khổ, thất vọng, bị xã hội bỏ đói cho chết. Số người đau khổ cùng cực này ngày càng đông, không tài nào đếm xuể. Mẹ muốn mời con người còn chút lương tâm quảng đại tiếp tay với Mẹ, giúp những người nghèo có cơm ăn áo mặc và sống xứng đáng là con Thiên Chúa.

Trước hết, tại Ấn Độ, Mẹ đã mở đường. Con đường đầu tiên Mẹ đã đi đến với người nghèo, là con đường từ Calcutta đến Darjeeling, đầy người đói rách, bệnh tật la liệt bên đường. Đó là ngày 10-09-1946. Ngày Mẹ gọi là ngày được Linh Ứng. Khi còn bình sinh Mẹ vẫn dùng ngày này, tĩnh tâm cầu nguyện, để kỷ niệm bước đường khởi sự phục vụ cho người nghèo. Mẹ đã ghi lại ngày hồng ân này như sau : Khi tôi đang ngồi xe lửa trên đường đi từ Calcutta đến Darjeeling tham dự khóa tĩnh tâm. Trong lúc trầm lặng cầu nguyện một mình, tôi cảm thấy tự bên trong có tiếng thúc dục với tôi và truyền trao cho tôi một sứ mệnh trong sáng và cao cả. Tôi phải giã từ tu viện, hy sinh tận hiến cuộc đời, sống giữa và cứu giúp dân nghèo khổ. Tôi hiểu đó là một mệnh lệnh. Tôi phải tuân theo và thực hiện. Nhưng tôi không biết mình phải đi bằng cách nào đạt tới. Hai năm sau, ngày 16-08-1948, được phép của Tòa Thánh, do Đức Giáo Hoàng Pio XII quyết định. Mẹ cởi áo dòng Đức Mẹ Lorette, mặc chiếc áo trắng sari như những người đàn bà nghèo Ấn Độ. Một mình Mẹ đã đến thẳng và tìm gặp được những người trong các căn nhà ổ chuột tại vùng ngoại ô Calcutta. Mẹ bắt đầu cuộc sống như bao người nghèo trong thành phố dơ bẩn này. Vừa đi vừa chắp tay nguyện cầu cho được làm theo đúng sứ mạng trao phó. Trong lòng đầy vui sướng, không cô đơn như trước đây.

Nhà Hấp Hối ở Kalighat

Nhà Hấp Hối Nirmal Hriday Mẹ đặt tên cho là "Nhà của Trái Tim Trong Trắng (Maison du coeur pur). Người đầu tiên mà Mẹ gặp là một người đàn bà đang hấp hối nằm co quắp bên đường. Bà đang thoi thóp phủ dưới manh chiếu rách. Không biết bà nằm đấy từ bao giờ, mà người qua lại không ai ròm ngó đến. Mở chiếu ra, một hiện tượng ghê người. Chuột, ruồi và kiến đang bu quanh thân xác bà. Mẹ đã xốc lên và đưa bà vào ngay bệnh viện công Campbell. Ngày nay được trùng tu mang tên Nilaratan Sarkar. Lúc đầu nhà thương không chịu nhận. Đến khi Mẹ dọa là không cho nhập viện bà này thì Mẹ ở lỳ không chịu về. Họ mới chịu nhận. Từ bệnh viện Mẹ đi thẳng đến hội đồng thành phố xin cấp cho một căn nhà, để chứa những người sống vô gia cư chết vô địa táng khổ cực này. Và chính chiều hôm đó Mẹ cũng tìm được vài, ba người khác chết ngoài đường. Ủy viên thành phố dẫn Mẹ đến đền Kali. Ông chỉ cho Mẹ một toà nhà trống, nơi người ta dùng để cúng nữ thần Kali, vào những dịp lễ lớn. Mẹ nhận ngay. Và Mẹ cũng biết đây là trung tâm cúng bái, thờ tự của người Ấn Độ. Nhưng Mẹ đành chấp nhận lấy vì quá cần trong lúc này. Không nhận thì lấy đâu cho bệnh nhân trú ngụ. Khu đền này quanh năm để trống, dành cho người hành hương vãng lai. Chính quyền địa phương dùng chứa bọn ma cô, hút sách, nghiện ngập. Mẹ xin dùng một phần khu này chứa những người Mẹ đem từ hè phố về. Khi thực hiện chương trình phục sức người hấp hối, Mẹ túng bấn và thiếu thốn cùng cực và bị đả kích kịch liệt. Nghe tin Mẹ lấy khu đền này, người ta phao tin là Mẹ lôi kéo chữa bệnh cho người Hồi giáo rồi bắt theo đạo. Nhưng họ có hay, Mẹ đã ra chỉ thị cho các sơ là phải hỏi người hấp hối theo đạo nào, để khi họ qua đời thì đem mai táng theo tôn giáo của họ. Sau này, biết như vậy, nên người nghèo đến với Mẹ rất đông, không phân biệt tôn giáo. Một nhóm chống đối kéo đến tòa thị chính biểu tình phản đối. Một số khác đến quận cảnh sát đòi trục xuất người đàn bà ngoại quốc, họ cho là quấy phá. Trước sự phẫn nộ và tức bực của dân chúng, Cảnh sát trưởng hứa đáp lại nguyện vọng dân chúng nổi giận. Nhưng xin một thời gian tìm hiểu rồi mới giải quyết. Một hôm, ông đến nhà Hấp Hối, thấy Mẹ Têrêsa đang săn sóc người bệnh bị ròi bọ rúc rỉa và mùi hôi thối xông ra nồng nặc chịu không nổi. Mẹ chào và muốn dẫn ông đi quan sát một vòng. Ông từ chối và ngỏ ý để ông đi một mình. Ông đi một vòng và quan sát. Trở về sở cảnh sát, ông tụ tập nhóm chống đối và nói : Tôi có hứa trục xuất người đàn bà ngoại quốc như qúi vị đề nghị. Nhưng trước khi tôi thi hành lệnh trục xuất, tôi xin mỗi người đem mẹ, vợ con hay anh em đến đó chăm sóc bệnh nhân thay bà ta, xem sao đã. Tôi chỉ yêu cầu quí vị làm thử điều đó. Nếu được, tôi ra lệnh trục xuất ngay lập tức.

Tại nhà Hấp Hối, ở Kalighat, Mẹ say mê và như muốn giành giật từng giây phút với tử thần nơi những người Mẹ đem về. Khi thấy họ tinh tỉnh, Mẹ đi hết giường nọ đến giường kia, kề cà nói truyện với từng người, không phân biệt đàn ông, đàn bà, già trẻ lớn bé. Mẹ biết hết truyện của họ, những gì họ mất mà không thể víu kéo lại được. Nay nếu không có Mẹ, hơi thở và sự sống của họ cũng bị tước đoạt. Hãy vào khu nhà Darmashalah, khu đền đài cúng bái, nơi Mẹ đặt những người thoi thóp đang chờ chết. Họ được đem đến bằng xe cứu thương chở lại theo lời yêu cầu của các Chị Bác Ái, qua điện thoại số 102. Nhà xây cất như quán trọ. Có một hàng cửa sổ nhỏ trên đầu tường, để một chút ánh nắng rọi xuống sàn nhà. Ở giữa khu nhà để lối đi rộng. Còn toàn là giường kê san sát nhau, đầu bệnh nhân châu vào tường. Những chiếc giường tồi tàn, trải chiếu, không thua gì tình trạng người nằm ở trên, xiêu vẹo, cao hơn mặt đất chừng 50 phân. Căn nhà chỉ chứa được chừng 70 giường. Không còn giường thì nằm dưới sàn si măng. Từ căn nhà mang đầy từ tâm của Mẹ, một người đàn bà, trước khi nhắm mắt, sung sướng nói với Mẹ : ‘Trước kia tôi là con vật, nay nhờ Mẹ, tôi sắp trở thành Thiên Thần’. Một người đàn ông khác nói đến ơn được Mẹ cứu sống rằng : ‘Trước kia tôi sống như con vật. Nay tôi mới thực sự là con người’.

Mẹ nói với những nhà báo đến quan sát nhà Hấp Hối, có vẻ bàng quan, khinh khi hay ròm ngó và chỉ trích : Nếu hiểu biết vấn đề nghèo khổ một cách trí thức, qua sách vở báo chí hay hội bàn tròn, thì chưa phải là hiểu biết. Chúng ta phải lặn lội đi vào những khu nhà ổ chuột... sống với họ. Mới khám phá ra nhũng cái hay cái đẹp, trên những xác không hồn. Những khốn quẫn của người nghèo khó không ở trên cảnh nghèo vật chất, mà còn trong cảnh nghèo nàn tinh thần. Phải cứu họ cả hai.

Mở nhà Hấp Hối, sau khi cứu sống họ, Mẹ nhắm vào xoa dịu tinh thần. Theo tinh thần trên của MẹTêrêsa. Nữ tu Dolores, phụ trách nhà Hấp Hối cho biết : ‘ Chúng tôi không kết án những nạn nhân đến với chúng tôi. Không cần biết hoàn cảnh họ ra sao. Nếu họ có mệnh hệ nào, quá phân nửa là chết, chúng tôi làm đám táng theo đúng nghi lễ tôn giáo của họ. May mắn cứu được họ sống, thì chúng tôi chỉ biết lấy tình thương khỏa chỗ trống đau thương trong trái tim họ’. Rất đáng thương hại, nhiều người tỉnh lại, thì lại khám phá ra họ mắc những bệnh hiểm nghèo và trầm trọng. Coi như họ sống trong tình trạng hấp hối hoài. Thật đáng thương. Một hôm, có một linh mục làm việc trong nhà Hấp Hối, hốt hoảng đến báo cho Chị phụ trách là người mà cha săn sóc, sắp chết. Chị liền hỏi cha : cha đã cầu nguyện cho họ chưa ? Được biết, 20% số người cấp cứu đem vào đây, là cứu sống được. Còn chỉ vài giờ sau họ nhắm mắt vĩnh viễn. Có điểm đặc biệt và an ủi, là có người được khỏi xin xuất viện trở về sinh sống trong nhà họ là hè phố, không mái, không giường không chiếu. Họ nói xin nhường chỗ cho người khổ hơn tôi. Các chị phụ trách cho là họ đã hiểu được giá trị những giây phút cuối cùng đời nguời. Được biết, tháng 9 năm 1989, có 165 người đến, sau khi khỏi, xin trở về nhà hè phố được 107, còn lại 28 người chết. Tháng 9 năm 1991, có 177 người vào, xin ra được 106 người, chết 35 người.

Mẹ Teresa đã phác họa khuân mặt cao cả của một người hấp hối khi nói với một sơ rằng : Sơ ơi, sơ ơi, sơ biết không, con sắp về Nhà Chúa. Họ không than thở một lời, không oán trách một câu, không kể lể dài dòng lôi thôi. Họ chỉ nói vỏn vẹn có thế rồi nhắm mắt lặng lẽ... ra đi bình an. Còn gì đơn giản, thánh thiện và cao qúi hơn. Đúng, với tâm hồn trong sạch, không vương vấn của cải vật chất. Hó có gì đâu mà luyến tiếc. Họ đã đi về nhà Chúa, nơi đấy họ sẽ an nghỉ vĩnh viễn trong tình yêu Ngài.

Lần kia, trên giường trong một góc phòng, một ông bị ung thư, nửa người ông bị nhức nhối. Ông đang rên khóc trong cơn đau quần quại. Mẹ Teresa đến bên lúc nào, mà ông không hay. Mẹ rửa nhè nhẹ và băng cẩn thận vết thương cho ông. Ông tỏ vẻ khinh miệt và hỏi Mẹ :

- Bà à, Bà làm sao có thể chịu được mùi hôi thối của tôi. Chắc bà không phải người ở đây. Người ở đây không ai làm như bà. Vì ở đây họ bỏ tôi vào xó này từ lâu rồi.

Ông mủi lòng ngước mắt nhìn Mẹ. Ông cảm thấy bớt đau và nói với dọng hết sức trìu mến : Vinh quang và hạnh phúc cho bà.

Mẹ nghe rõ và liền trả lời : Không, ông ơi, Vinh quang cho ông đã chịu đau khổ với Chúa Kitô.

Ông mỉm cười nhìn Mẹ. Hai người cùng nhoẻn cười. Mẹ đưa tay xoa nhẹ lên má ông, miệng lâm râm lời kinh. Hai hôm sau ông qua đời.

Tại Harlem, khu người đen ở New York, một nhóm các Chị hay đi thăm những cụ già, sống cô đơn. Thường các Chị đến hỏi thăm, quét dọn nhà cửa, giặt quần áo, nấu cơm có khi tắm rửa cho họ. Nhiều khi có phòng đóng kín. Các cụ già chết cù queo một mình, tự bao giờ. Đến khi mùi hôi thối bốc ra trong khu xóm. Cảnh sát đến tung cửa, thì xác đã xình thối. Một hôm các Chị đến thăm một bà cụ vừa điếc vừa lòa. Từ mấy năm nay, cả chung cư không ai biết bà, chỉ biết qua tấm bảng ghi số phòng trước cửa. Trong phòng im lặng. Đã năm ngày người ta ngửi mùi hôi hám bay lan ra hành lang, mới báo cho các sơ đến thăm. Các Chị vào thì thấy bà đang trong giây phút chờ chết. Cơn bệnh trầm trọng nhất hiện nay, theo Mẹ là bệnh con người bị bỏ rơi. Bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị khinh chê rẻ rúng. Tệ hại hơn nữa là người ta quên mất những người bên cạnh. Ngay cả trong gia đình với nhau. Người ta quá nhiều việc, chạy đua và sinh sống như ngột ngạt. Nhân loại không còn giờ cho Chúa và cho nhau. Nếu không có các Chị đi gõ cửa đem về nhà hồi sức những cụ già trên. Ai làm vào đấy ?

Ngày 03-02-1986, Đức Giáo Hoàng Goan Phaolô II, trong chuyến công du Ấn Độ, đã ghé thăm nhà Hấp Hối Nirmal Hriday. Khi nhìn bệnh nhân Ngài cảm động không cầm nổi nước mắt. Ngài cúi mình hôn 86 bệnh nhân, giúp họ ăn xong bữa cơm. Sau đó Ngài nói các sơ, y tá và nhân viên làm việc : ’ Nhà Nirmal Hriday quả là nhà hy vọng, nhà làm cho con người can đảm và tăng cường đức tin. Nhà đầy tình thương. Nhà Hấp Hối trả lại địa vị xứng đáng cho con người. Việc chăm sóc bệnh nhân tại đây không những chỉ có giá trị nhân bản mà còn tiềm tàng làm tái sinh tinh thần bệnh nhân. Khi thấy nước da của họ thay đổi từng ngày. Từ xanh mét đến đỏ hồng. Qúi nhất là để họ tiếp tục sống như con Thiên Chúa. Họ là hình ảnh của Chúa. Không một đau khổ nào, không một thử thách nào có thể xóa nhòa hay phai mờ hình ảnh qúi hóa này. Tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa âu yếm nhìn và thương yêu’. Đứng bên cạnh, Mẹ Teresa khiêm nhường đáp lại : Nhà này đã nâng đỡ ủi an từng người chúng con. Nhìn họ đau khổ, chúng con bớt đi những mệt nhọc mòn mỏi của tháng ngày. Những người nằm đây và chúng con rất vui mừng và diễm phúc được Đức Thánh Cha đến thăm.

Trung tâm người cùi ở Dhapa và Motijhi

Ngày quốc tế chống cùi lần thứ 45, ngày 25-01-1998, trung tâm chống cùi Rauol Follereau tại Pháp cho biết Ấn Độ là quốc gia đông người cùi nhất thuộc 60 quốc gia trên thế giới. Sau đó đến Brésil, Indonésie, Niger, Mali, Việt Nam... Một năm khám phá được 600.000 bệnh mới, trong đó 16% trẻ em mắc bệnh dưới 15 tuổi. Từ năm 1981 đến nay đã có 9 triệu người được chữa khỏi. Ấn Độ có khoảng 4 triệu người cùi. Nguyên Calcutta có gần 80.000 người.

Hết tìm những người gần đất xa trời, Mẹ Teresa lại đi tìm và mở những trại chuyên nuôi và dạy nghề cho người phong cùi. Phần đông các hoạt động và số các trung tâm Bác Ái là dành cho người cùi. Những trại cùi lớn ở Dhapa, Motijhil, Sealdah.

Lúc đầu, Mẹ có ý định xây nhà ngay trong thành phố Calcutta cho người cùi. Nhưng dân chúng phản đối, vì cho là mất vệ sinh. Nên các trại được lập chung quanh ngoại ô Calcutta. Trong thành phố chỉ có phòng khám bệnh và cấp thuốc. Cái khó là người cùi không chịu sống tập trung. Họ thích ở ngoài để đi ăn xin, kiếm thêm tiền. Nên các Chị phải mở chiến dịch tuyên truyền thuyết phục họ sống vào một nơi, mới có đủ phương tiện thuốc men. Nhất là ăn ở sạch sẽ hợp vệ sinh mới chữa trị được. Quan trọng là làm cho họ tin và hiểu bệnh cùi ngày nay chữa khỏi dễ dàng và mau chóng. Gặp người cùi trên hè phố, muốn đem họ về trại, Mẹ và các Chị thường dùng chính sách "nói ngọt". Trong đầu óc họ sẵn thành kiến, bệnh mình không chữa được và ai cũng tởm gớm mình, ngay trong gia đình. Bởi thế họ không thiết tha đến ăn ở. Mặc kệ chết lúc nào thì chết. Đến bên, qua lời thăm hỏi, các Chị khuyên họ muốn khỏi thì về trại, có thuốc men đầy đủ. Ai đau mà không muốn khỏi. Dĩ nhiên, chẳng ai muốn chết cực khổ. Thế là họ ngoan ngoãn theo về trại. Trong trại tổ chức ngăn nắp, sạch sẽ. Nhiều người khỏi bệnh ra trại, có nghề lập thân đàng hoàng. Trại cùi của các Chị chuyên dệt thảm, làm hộp carton, hộp bằng nhôm hay may áo sari cho nhà dòng Bác Ái trên toàn thế giới.

Được biết trong số người cùi được các Chị săn sóc, có nhiều người được giáo dục và có học thức. Nhiều người giàu và có khả năng nắm chức vụ trong chính quyền. Nhưng vì mắc bệnh này làm gia đình và xã hội ruồng bỏ. Ngay cả con cái trong nhà cũng kinh tởm và bỏ mặc cha mẹ. Người cùi trí thức từ nhìều tỉnh đã về xin nhập trại các Chị. Những người này khỏi bệnh lẹ và mau ra khỏi trại về với gia đình và tiếp tục làm việc. Vi hiện nay chỉ có các Chị của Mẹ Teresa mới đủ khà năng điều hành trại cùi. Các trại cùi tập trung quanh Calcutta. Chính phủ không đủ điều kiện.

Người ta thắc mắc tại sao Mẹ dễ dàng chăm sóc bên những vết lở lói của người cùi như vậy. Để trả lời, Mẹ hay kể lại kỷ niệm khi còn nhỏ trong gia đình, bên Albanie, Mẹ hay thấy bà mẹ mỗi ngày hay ngồi rửa các vết thương, mụn mằn cho người ta trước cửa nhà. Mẹ kể : ‘ Mẹ tôi chăm sóc họ ngày hai lần. Bà qúi họ như con bà. Bây giờ tôi bắt chước mẹ tôi. Đôi khi chưa giống như bà.’ Khi còn là cô giáo dạy học tại trường Thánh Mẫu có lần Mẹ đả viết thư gừi về cho mẹ mình, với ý tưởng ngộ nghĩnh : ‘Mẹ ơi, con tiếc là không ở bên mẹ mãi được. Xa mẹ có buồn thực. Nhưng ở đây Gonxha (tên trong gia đình) của mẹ có nhiều niềm vui khác. Học trò của con ở đây hồn nhiên và ngoan. Con mê dạy học và thích chúng lắm. Hình ảnh mẹ bên cạnh người nghèo không bao giờ xóa nhòa trong đầu óc con’. Trong lá thư trả lời, thân mẫu Mẹ Teresa viết : "Con Gonxha của mẹ, đừng bao giờ quên con là một trong những người nghèo".

Một tu sĩ trẻ đến xin ý kiến Mẹ về ơn gọi của mình là thích phục vụ người cùi. Mẹ trả lời cho tu sỹ này rằng : ‘Ơn gọi thực sự là quyền quyết định ở Chúa. Đặt trọn tình yêu vào Chúa, thì phục vụ đâu cũng được, kể cả người cùi. Công việc làm không đáng kể bằng tinh thần phục vụ. Vị tu sỹ này được Mẹ đáp đúng nguyện vọng là làm việc giúp người cùi.’

Sau khi nhận giải thưởng hòa bình tại Oslo về, Mẹ quyết định dùng tiền được thưởng để xây thêm nhà cho người cùi. Trong bữa tiệc Thủ tướng Ấn Độ khoản đãi Mẹ, một công dân Ấn được giải thưởng vinh dự này, trước nay chưa ai được giải thưởng này, Mẹ kể lại trường hợp sau : Một hôm, có một người cùi ăn mày đến gõ cửa phòng. Mở cửa ra Mẹ ngỡ là ông này đến xin ăn, quần áo hoặc chăn mền. Vì thấy người ông cứ run lập cập vì lạnh. Miệng và chân tay run rảy, hai hàm răng trắng nhã đánh vào nhau. Mẹ quay vào phòng định đưa đồ ăn cho ông. Thì ông gọi giật lại vừa móc bị vừa nói : Mẹ ơi, con biết mẹ cần tiền. Nhưng đây con có ít quá, có bằng này. Tiền xin được cả sáng nay đó. Chẳng thấm gi. Mẹ nhận đi. Chiều xin được thêm, con đem lại nhé. Đó là lý do con gõ cửa nhà Mẹ. Người cùi ăn mày đặt mớ tiền cắc vào tay Mẹ. Ông cúi đầu rồi đi. Mẹ đếm được 75 cắc, hơn 2 đồng. Mẹ đem món tiền cất vào hộc bàn và nghĩ về một người ăn mày có trái tim thật lớn và qúi hóa. Cũng trong bữa tiệc này, Mẹ cho hay tại sao dùng tiền giải thưởng Nobel xây nhà cho người cho họ.Theo Mẹ, nhiều người cùi giúp tiền và muốn Mẹ xây thêm nhà cho họ.

Một đệ tử rất nhiệt tình với người cùi của Mẹ là sơ Andrea. Không một người cùi nào tại Ấn Độ mà không biết đến người nữ tu trẻ tuổi này. Andrea người gốc Đức-Balan. Nói thạo tiếng Đức, Balan, Anh và cả Ấn Độ. Khoảng 1950, Andrea từ giã cha mẹ và hai em qua Ấn Độ, xin nhập dòng Truyền Giáo Bác Ái. Và xin với Mẹ Teresa mình muốn phục vụ ngưới khổ nhất trong người nghèo là người cùi. Mẹ cho Andrea ghi tên học y khoa chuyên trị bệnh phong cùi. Andrea đậu thủ khoa với bằng danh dự của Đại học Calcutta. Andrea được cử đến làng Titagarth gần Calcutta mở nhà mới chăm sóc cho gần 1.000 người cùi. Sau đó, được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI giúp về tài chánh, Mẹ và sơ Andrea xây khu mang tên Khu Nhà Hòa Bình (Cité de la Paix) Không có chỗ chứa bệnh nhân, Sơ Andrea có sáng kiến lập hệ thống "Bệnh viện lưu động". Dùng các xe cứu thương đi đến các xóm xa hẻo lánh tìm người cùi, bắt họ phải đi khám và chữa bệnh. Hệ thống này sau đem áp dụng tại Mỹ châu Latinh, Phi Luật Tân. Sơ Andrea đã huấn luyện cho các đệ tử trẻ chăm sóc người cùi là chăm sóc với Chúa, cho Chúa và vì Chúa Giêsu Kitô. Tôn chỉ và nhiệm vụ của người tu sĩ Bác Ái "không như người cán sự xã hội mà là người tu sĩ chiêm niệm phục vụ người nghèo nhất trong những người nghèo". Đi xa và cao hơn, Sơ Andrea đã huấn luyện cho Chị em dưới quyền "Người nữ trẻ hôm nay quan sát trước, nghe sau. Sẵn sáng dấn thân hoàn toàn. Ôm người cùi vào lòng và soa dịu vết thương để đem về với Chúa Kitô. Người trẻ muốn hy sinh đời sống cho người nghèo, cho cầu nguyện và cho phục vụ". Theo sơ Andrea, những người nghèo khổ nhất được sắp xếp thứ tự : người cùi, mồ côi, bị bỏ rơi, bệnh tật và hấp hối.

Nói về tinh thần phục vụ người cùi, Mẹ Teresa nói : Nếu cho tôi 10.000 Mỹ kim tôi cũng không dám đụng tới người cùi. Nhưng vì yêu Chúa tôi vui vẻ làm. Chúng tôi không quan tâm đến tiền bạc. ( www.giaoxuvnparis.org)