Ngày nay, nhiều máy bay hiện đại được trang bị những máy điện toán để thực hiện các hiệu lệnh của phi công, ví dụ như lái máy bay sang trái hay sang phải, lên cao hay xuống thấp. vv. Người ta cũng có thể thay đổi phần mềm của những máy điện toán này để làm cho máy bay từ chối bay vào những khu vực đã được chỉ định trước. Chúng ta gọi những khu như thế là “vùng cấm bay,” và ranh giới của chúng được gọi là “những bức tường mềm.” Sau đây VietCatholic xin dành câu chuyện “Khoa học và Đời sống” của VOA để phổ biến những nỗ lực của một số chuyên gia Hoa Kỳ nhằm biến khái niệm “Bức Tường Mềm” này thành một công cụ để tăng cường bảo vệ an toàn cho các chuyến bay.

“Bức Tường Mềm” là một dự án đang được tiến hành tại Trung Tâm các hệ thống phần mềm kết hợp và cài đặt sẵn thuộc Đại học bang California ở thành phố Berkeley (UC Berkeley). Trung tâm này là một bộ phận của Trung tâm Nghiên cứu công nghệ thông tin phục vụ lợi ích của xã hội. Chủ nhiệm của dự án, Giáo sư Edward Lee, thuộc phân khoa kỹ thuật điện và khoa học điện toán, nói rằng các chuyên gia thuộc trung tâm đang tìm cách giải quyết vấn đề máy bay có thể bị dùng làm vũ khí.

Sau kinh nghiệm đau thương của các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Hoa Kỳ, các chuyên gia về an ninh hàng không ở Mỹ đang làm việc ngày đêm để phát triển những phương cách nhằm chặn đứng một cuộc tấn công tương tự. Một chuyên gia đưa ra đề nghị nên để cho một kỹ thuật viên dưới đất giữ quyền điều khiển một phi cơ đang bay. Một nhà khoa học khác khuyến nghị nên đặt một nút bấm để cho các phi công bấm trong trường hợp khẩn cấp. Nút này sẽ phát động một máy điện toán trên máy bay và buộc máy bay phải đáp xuống phi trường nào gần nhất. Nhưng đáng chú ý nhất trong số những giải pháp đang được nghiên cứu là dự án “Bức Tường Mềm” vừa nêu của Giáo sư Lee. Ông Lee cho biết như sau:

Khi phi cơ bay đến gần một vùng cấm bay, phi công sẽ cảm thấy như có một sức mạnh vô hình bên ngoài đang đẩy máy bay ra xa. Nếu phi công điều khiển phi cơ cưỡng lại sức mạnh này, sức mạnh đó sẽ được tăng cường dần dần để đủ sức ngăn không cho phi cơ bay vào vùng cấm bay.

Ông Lee, một kỹ sư phần mềm điện toán, xây dựng bức tường vô hình đó của ông dựa trên những phần mềm đã được sử dụng trên nhiều máy bay hàng không dân dụng có tên là “Hệ thống báo động gần mặt đất.” Hệ thống này theo dõi vị trí, vận tốc, cao độ, và tốc độ lên cao hay xuống thấp của máy bay để cảnh báo phi công về những nguy hiểm đang đến gần, chẳng hạn như các máy bay khác, đồi núi, hay mặt đất. Kỹ sư Lee cho biết là trên các phi cơ chở khách hiện đại nhất đã có các máy điện toán để điều khiển bánh lái và vận dụng các thiết bị điều khiển phi hành khác, một lớp phần mềm mới có thể chuyển cảnh báo đó thành một tín hiệu cho máy bay dứt khoát từ chối tuân lệnh phi công. Thí dụ, nếu một phi công tìm cách bay ngang một vùng cấm, phi cơ sẽ tự động rẽ sang một hướng khác.

Điều đó nghe rất hấp dẫn đối với hành khách máy bay này tại Sân bay quốc tế Los Angeles, bang California:

Công nghệ có lẽ sẽ là vị cứu tinh của chúng ta. Các vụ không tặc đã diễn ra liên tục từ cuối thập niên 1960 cho tới nay. Dùng phần mềm điện toán để ngăn chặm nạn không tắc. Có lẽ phải làm như thế thôi.

Nhưng nếu một kế hoạch như “Bức tường mềm,” được các giới chức an toàn hàng không liên bang của Hoa Kỳ chấp nhận, thì cũng phải chờ vài năm nữa trước khi nó được áp dụng. Như thế là bởi vì, trước hết, gần như tất cả các máy bay đang được sử dụng hiện nay đều được bẻ lái bằng phương tiện cơ học, không phải bằng máy điện toán. Kỹ sư Lee cho biết toán chuyên gia của ông tại Đại học California ở Berkeley có thể gài hệ thống “Bức Tường Mềm” vào các thiết bị lái tự động thông thường hơn. Thiết bị này giữ cho máy bay đi đúng hướng trong khi phi công phải làm các công việc khác. Nhưng không ai biết việc cài đặt này sẽ mất bao nhiêu thời gian và tốn bao nhiêu tiền.

Cũng có người, như ông Duane Woerth, chủ tịch Hiệp hội các Phi công Hàng không Dân đụng, lo ngại về xu hướng quá tin tưởng vào các giải pháp công nghệ cao. Ông nói:

Bất cứ thứ gì mà chúng ta đem ra thử nghiệm hay kiểm chứng để gắn trên các phi cơ đều phải được giả dụ rằng thiết bị đó, bộ phận điện tử đó, bộ phận thủy lực đó, vào một lúc nào đó, hay vào thời điểm gay cấn nhất, sẽ bị hỏng vì những lý do không đoán trước được. Vì thế, tất cả những bản kiểm tra, tất cả mọi thủ tục, phải dự kiến những điều như thế, và chúng ta phải có khả năng khắc phục được sự trục trặc máy móc và điện tử đó.

Để làm thí dụ về điều có thể xảy ra khi người ta đặt quá nhiều tin tưởng vào máy móc, Ông Woerth nêu lên trường hợp của bộ máy điện toán có khuynh hường sát nhân tên là HAL trong tác phẩm điện ảnh khoa học giả tưởng của Mỹ nhan đề là “Năm 2001: Một Cuộc Phiêu Lưu Trong Không Gian.”

Trong mẫu đối thoại được trích cuốn phim vừa nêu, một nhân vật trong phim tên là Dave ra lệnh cho máy điện toán có tên là HAL mở cửa khoang chứa hàng của 1 con tàu vũ trụ. Và HAL trả lời: “Rất tiếc, Dave, tôi không thể làm như vậy.”

Nhưng Kỹ sư Lee, chủ nhiệm dự án “Bức Tường Mềm,” nói rằng những lập luận như thế đã đánh giá thấp độ tin cậy của các máy móc. Ông giải thích:

Thật ra, HAL có vẻ giống con người hơn là máy điện toán. Và thật ra, hành vi của HAL tiêu biểu cho con người nhiều hơn là máy điện toán. Con người thật sự không phải là một sinh vật đáng tin cậy, và có thể hành động tùy hứng. Kỹ sư Lee ghi nhận rằng máy điện toán, được kết hợp vào các thiết kế xe tự động, đã làm cho xe hơi an toàn và đáng tin cậy hơn trước rất nhiều.

Ngay cả trong trường hợp khái niệm “Bức Tường Mềm” khắc phục được sự phản đối của các phi công, vẫn có thể còn phải chờ nhiều năm nữa trước khi nó được sử dụng trên các máy bay chở khách. Trong khi chờ đợi, giới hữu trách đang xây dựng một loạt các hệ thông đặt trên mặt đất bao gồm nhiều biện pháp, từ sử dụng thêm nhiều nhân viên soát xét đến việc kiểm tra hành lý và thiết lập cơ sở dữ liệu dấu vân tay được tin học hóa, nhằm mục đích nhận dạng các nghi can khủng bố trước khi chúng lên được máy bay. (VOA)