PHẦN II

UNG THƯ

SUY NIỆM : CÙNG HIỆP THÔNG TRONG ĐAU ĐỚN VỚI CHÚA

Trong suốt sứ vụ của tôi, tôi đã tập trung vào Chúa Giêsu, sứ điệp, những biến cố và những tương quan của Ngài với thế giới. Hơn lúc nào hết, giờ đây tôi tập trung vào Thánh giá, vào nỗi đau khổ của Ngài, nỗi đau khổ không những thật sự mà còn mang lại ơn cứu độ và sự sống.

Chúa Giêsu cũng là người Ngài cũng cảm thấy đau đớn như chúng ta. Và trong nhiều phương diện, Ngài còn cảm nghiệm và chịu đựng đau khổ cách sâu xa hơn chúng ta tưởng nhiều. Thế nhưng có một điều là Ngài biết biến nỗi khổ đau của con nguời thành một điều gì đó lớn hơn : Một khả năng để hiệp thông với những tổn thương và tự làm cho mình ra không, hầu Chúa Cha yêu thương của Ngài có thể làm được nhiều việc hơn nữa qua Ngài.

Khi nhìn lên Thánh giá và nhớ lại những suy tư đặc biệt người ta chia sẻ về mầu nhiệm Thánh giá, chúng ta thấy có rất nhiều cách nhìn đáng chú ý. Thế nhưng tôi chỉ thích thú với một cách nhìn : Cốt lõi của mầu nhiệm Thánh giá. Đó là Thánh giá diễn tả một loại hình cô đơn nào đó, một sự vô phương lý luận tại sao những sự việc lại được bộc lộ như vậy và cuối cùng thì cũng chẳng thể hiểu nổi làm sao mà tất cả những dữ kiện như thế lại chỉ vì một mục đích là đem lại cho chúng ta sự tốt lành và vì thế chúng ta không bao giờ thấy cô đơn.

Ý nghĩa của thái độ phó dâng, kinh nghiệm tuyệt đối của đơn côi được nhìn thấy rất rõ trong lời than thở của Chúa Giêsu : "Lạy Thiên Chúa ! Lạy Thiên Chúa ! Sao Ngài bỏ con !" (Mt 27.46). Nếu Chúa kinh nghiệm nỗi đau và chịu đựng nỗi đau, thì chúng ta, môn sinh của Ngài, chúng ta có thể hy vọng một điều gì đó nhẹ hơn không ? Không ! Như Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải chịu được đau khổ. Thế nhưng có một sự khác biệt nhất định giữa nỗi đau của chúng ta, các môn sinh Ngài, và nỗi đau của những người khác vốn không phải môn sinh của Ngài. Sự khác biệt nẩy sinh từ yếu tố này là, với tư cách môn sinh, chúng ta chịu đựng khổ đau trong niềm hiệp thông với Chúa. Điều đó làm nên tất cả sự dị biệt trên trần gian! Tuy nhiên, ngay cả sự hiệp thông ấy cũng không hoàn toàn làm tiêu tan đi được tâm trạng đơn côi và ý nghĩa của sự phó dâng: Chính Chúa Giêsu cũng thấy vậy.

Sự hiểu biết của chúng ta về khổ đau, nghĩa là biết rằng đau khổ không chỉ là những thực tại không thể tránh mà còn là cứu cánh và có giá trị cứu độ nữa, sự hiểu biết ấy tác động rất mạnh đến sứ vụ hiện diện của chúng ta. Thật ra đau khổ buộc chúng ta phải nghiêm túc trong cái nhìn này, lý do rất ư đơn giản : Khi chung chia cuộc sống với những người đau khổ, chúng ta không thể giúp đỡ họ bao nhiêu và họ cũng không thấy cần chúng ta giúp đỡ cho bằng hiện diện với họ, đồng hành với họ như Chúa vẫn đồng hành với chúng ta. Một điều rất dễ gây tổn thương đó là chúng ta cứ thích làm "người quán xuyến" tất cả. Không những chúng ta muốn làm chủ số phận của riêng mình mà còn muốn làm chủ cả số phận của người khác nữa. Cho nên chúng ta dễ cảm thấy khó chịu khi được cho biết là tất cả những gì chúng ta có thể làm đối với những người đau khổ là có mặt với họ và cùng cầu nguyện với họ - trở nên một dấu chỉ lặng lẽ của tình yêu Chúa với họ.

Lại nữa, thái độ hy sinh rất giàu chất cầu nguyện ấy cũng là chìa khoá giúp chúng ta khám phá mầu nhiệm đau khổ. Đạt đến cùng kỳ lý thì sự thông hiệp vào mầu nhiệm Phục Sinh - cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Chúa - mang lại cho chúng ta một sự tự do nào đó: Tự do để phó thác, để dâng hiến chính bản thân chúng ta cho Thiên Chúa hằng sống, để hoàn toàn đặt mình trong tay Ngài, bởi vì chúng ta biết rằng, cuối cùng, Ngài sẽ thắng. Càng gắn bó với chính mình và người khác, càng cố gắng làm chủ số phận thì chúng ta lại càng làm mất đi ý nghĩa cuộc sống mình. Chỉ trong phó thác, trong hiệp thông hoàn toàn với Chúa, trong việc để cho Ngài làm chủ số phận mình mà chúng ta biết chúng ta thực sự là ai. Chính trong hành vi phó thác mà chúng ta có được kinh nghiệm về ơn cứu độ mang lại sự sống, an bình và niềm hoan lạc cho chúng ta giữa những đau khổ về mọi mặt : thể xác, tình cảm và tinh thần.

Đây là bài học mà tiên vàn chúng ta phải học từ Chúa Giêsu truớc khi có thể dạy lại cho người khác. Chúng ta phải để cho mầu nhiệm, sự yên lặng và ý nghĩa của sự đau khổ mà Chúa Giêsu chịu trở thành chính cuộc sống của chúng ta trước khi chúng ta có thể trở nên khí cụ nhất định trong tay Chúa để mang ơn cứu độ đến cho người khác.

Là Kitô hữu, nếu muốn yêu như Chúa Giêsu yêu, chúng ta phải đi đến tận cùng mọi giới hạn của đau khổ. Cũng giống như Chúa Giêsu, đơn giản là chúng ta không thể lãnh đạm và dứt khoát với những thân phận người thân thương quanh chúng ta được. Là Kitô hữu, những tháng năm sống của chúng ta có thể là những tháng năm phải chịu đau khổ với người khác nếu chúng ta cùng đồng hành với họ trong lũng tối của đêm đen - vùng lũng tối của bệnh hoạn, của những vấn đề luân lý, của cơ chế đàn áp và những quyền lợi bị tước đoạt.

Lm Ngô Mạnh Điệp dịch