Khi Cọng sản đặt nền cai trị tại miền Bắc Triều Tiên thì Sơ Agneta Chang đã ở lại miền Bắc để cùng chia sẻ những nổi cơ cực của đồng bào mình và cuối cùng đã bị thủ tiêu một cách dã man.

Khi dòng nữ tu Maryknoll ở Hoa Kỳ mới được thành lập thì Agneta cùng người chị em bà con liền nạp đơn xin gia nhập. Trong đơn có một câu hỏi, vì lý do gì thúc đẩy mà thỉnh sinh xin vào tu dòng này? Agneta đã trả lời, vì muốn có một đời sống thánh thiện và muốn giúp đở quê hương và đồng bào của mình.

Agneta thuộc một gia đình Công giáo khá giả và mộ đạo.Agneta có hai người anh làm linh mục và một người em trai, sau này làm đại sứ ở Hoa kỳ.

Sau khi hoàn tất chương trình tu học ở nhà mẹ New York, Agneta được gởi về làm việc ở Triều Tiên. Agneta phụ trách dạy giáo lý trong địa phận, đó là những năm thanh bình an lạc.

Khi quân đội Nhật bản đánh chiếm Triều Tiên thì các nữ tu Hoa kỳ bị bắt giam và sau đó bị trục xuất về nước. Sơ Agneta đã ở lại và thành lập một cọng đoàn nữ tu người bản xứ lấy tên là “Nữ Tu của Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp”. Trong thời kỳ chiến tranh, Agneta cùng 21 nữ tu không hề được tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Sau khi chiến tranh chấm dứt, Sơ Agneta hy vọng sẽ tiếp xúc được với dòng me Maryknoll nhưng nước Triều Tiên đã bị chia cắt từ vĩ tuyến thứ 38 và miền Bắc Triều Tiên được giao cho chính quyền cọng sản. Các nhà thờ, các trường học Công giáo và tu viện đều bị nhà nước tịch thâu. Các Giám mục, các linh mục đều bị bắt giam hoặc bị đem đi thủ tiêu. Sau khi các tu hội bị chính quyền giải tán Sơ Agneta và Sơ Mary Peter đến trốn tránh trong một làng Công giáo.

Trong nhiều năm Sơ Agneta bị đau lưng nặng không di chuyển được, nhiều lúc phải nằm liệt giường. Khi nhà nước cọng sản ra lệnh bắt tất mọi người phải đi lao công đào hầm chống giặc thì Sơ không thể đứng dậy được nên bị kết tội là phản động, bọn cán bộ đến ra lệnh cho dân làng mang Sơ bỏ lên xe bò. Sơ không chống đối cũng không than van chỉ thốt lên : “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!” Ðó là ngày 4 tháng 10 năm 1950 và không ai trong làng biết là Sơ đã chết như thế nào và bị chôn ở đâu. Sơ Mary Peter đã ghi lại như sau:

“Lúc ấy khoảng 8 giờ chiều, trời bắt đầu tối đen. Tiếng kẻo kẹt của chiếc xe bò đi xuống sườn đồi vắng lặng hòa nhịp với tiếng cầu kinh của Sơ Agneta. Thật là một đêm kinh hoàng, tim tôi như bị xé nát ra hàng trăm mảnh và trời đất như sụp đổ dưới chân tôi…

Nhiều lúc buồn quá nhớ đến chị, em cầm bút viết thơ gởi đến chị nhưng chẳng biết gởi về đâu! Vừa cầm bút thì mặt mày xây xẫm và em không thể cầm được hai hàng nước mắt chảy dài trên má…

Sơ Mary Peter với vài nữ tu đã trốn đến được Nam Triều Tiên số còn lại là 12 nữ tu vẫn ở lại miền Bắc và không ai biết số phận của họ như thế nào. Người ta đồn rằng Sơ Agneta và một số nữ tu đã bị bắn chết và họ đã đem chôn nơi ven rừng gần làng đó.