Lời giới thiệu

T rong một dịp tĩnh tâm, khi chọn sách thiêng liêng để đọc, tình cờ tôi đã chọn cuốn “Hồng ân an bình” ( The gift of peace ) do ĐỨC HỒNG Y JOSEPH BERNARDIN viết. Người dịch là Lm NGÔ MẠNH ĐIỆP. Do NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO ấn hành năm 2001. Nhận thấy quyển sách rất hay, có ích lợi thiêng liêng cho những độc giả xa gần, nhất là những người đang phải chịu đau khổ về thể xác cũng như tinh thần. Tôi muốn liên lạc với Cha Ngô Mạnh Điêp để xin phép Ngài phổ biến rộng rãi trên Vietcatholic, nhưng không biết Ngài ở đâu để liên lạc. Vì cuốn sách này phổ biến cách nay đã hai năm, nên khó có thể mua lại được. Vậy xin cha rộng lượng cho phép con được phổ biến. Hy vọng những ai chưa có sách này hoặc không có cơ hội để mua sẽ có dịp thưởng thức tài nghệ dịch thuật của Cha và học hỏi đựợc những kinh nghiệm quí báu trong đời sống thiêng liêng của ĐHY JOSEPH BERNADIN trong những lúc gặp gian nan thử thách.

Xin hết lòng cám ơn Cha. Xin Chúa chúc lành cho công việc tông đồ của Cha.

Lm. Giuse Đinh Công Oánh



BÀI 01:

HỒNG ÂN AN BÌNH

( The gift of peace )

ĐỨC HỒNG Y JOSEPH BERNARDIN - Người dịch Lm NGÔ MẠNH ĐIỆP - NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO 2001

NGỎ LỜI

Ngày 1 tháng 11 năm 1996

Các bạn thân mến

Hôm nay là ngày kính các Thánh Nam Nữ và tôi đang ở nhà vì Trung Tâm Mục Vụ của Tổng Giáo phận đóng cửa. Thời tiết lạnh hơn mấy ngày trước nhiều, nhưng cũng còn rất tốt để có thể tản bộ. Cứ thưòng thì tôi đã ra ngoài rồi.

Thế nhưng hôm nay thì tôi không thể đi bách bộ đuợc, lý do đơn giản là vì một cơn mỏi mệt rã rời - triệu chứng đặc biệt của cơn bệnh ung thư tuyến tuỵ bất ngờ hành hạ tôi. Hơn nữa tôi vẫn còn cảm thấy khó chịu trong cột sống và hai chân do chứng hẹp xương được chẩn đoán một năm trước đây.

Ngồi ở bàn viết của mình, tôi vẫn muốn làm một việc gì đó. Và tôi quyết định thảo lá thư này để giải thích tại sao tôi đã viết tập sách nhỏ "HỒNG ÂN AN BÌNH". Nó không phải là một cuốn tự thuật nhưng là một suy tư về cuộc sống và sứ mệnh của tôi trong ba năm vừa qua - những tháng năm chan hoà niềm vui nhưng cũng đầy dẫy khó khăn. Suy tư ấy đuợc bắt đầu với vụ việc vu khống tôi lạm dụng tình dục vào tháng 11 năm 1993, và tiếp nối cho đến lúc này khi tôi đang chuẩn bị cho những giai đoạn cuối đời, khởi sự từ tháng 6 năm 1995, với việc chẩn đoán và khám phá ra cục ung thư ác tính.

Tôi đồng cảm với lời của Charles Dickens trong tác phẩm "A Tale of two cities" (Có những thời tuyệt nhất và cũng có những thời tồi tệ nhất). Tồi tệ nhất do nhục mạ, đau đớn thể xác, lo lắng và hãi sợ. Tuyệt nhất vì hoà giải, tình yêu, tinh thần mục vụ nhạy bén và bình an có được nhờ ơn Chúa, sự hỗ trợ và kinh nguyện của nhiều người. Không chối từ những gì đã qua, nhưng suy tư tôi viết đây lại chỉ muốn nhằm đến những gì sẽ tới, mục đích là để cho thấy rằng : Nếu chúng ta để mặc Ngài, Chúa có thể gạch những đường thẳng bằng những hình cong !

Nói cách khác, suy tư này nhằm giúp anh chị em mình hiểu được tại sao lúc nào cũng có cả cái xấu lẫn cái tốt trong thân phận làm người của chúng ta và nếu chúng ta "phó thác", nếu chúng ta hoàn toàn tự đặt mình trong vòng tay của Chúa, cái tốt sẽ ló dạng.

Với tâm tình rất ư cá nhân, tôi mời gọi tất cả những ai đọc tập sách này hãy cùng đồng hành với tôi những chặng cuối của hành trình cuộc sống của tôi. Khi chúng ta đến cửa, tôi sẽ vào truớc - điều đó có vẻ như một qui luật vậy : Mỗi người có thời điểm của mình ! Nhưng xin hãy nhớ rằng lúc nào tôi cũng ấp ủ nơi quả tim tôi từng người trong các bạn ! Cuối cùng thì nhất định chúng ta cũng sẽ cùng chung chia cuộc sống với nhau và mật thiết kết hợp với Chúa Giêsu, Đấng chúng ta vô cùng yêu dấu.

LỜI TRI ÂN

Cuốn sách này bao quát ba năm cuối cùng của đời tôi. Biết bao người đã có một vai trò quan trọng trong cuộc sống của tôi suốt thời gian chồng chất những khó khăn ấy : Gia đình, bạn bè, bề trên và đồng nghiệp, luật sư và bác sĩ, anh em Linh mục và những người đồng thuyền đồng hội với tôi trong căn bệnh ung thư - thật là tôi không thể cám ơn họ từng người một được. Nhưng nhất định là tôi sẽ mãi mãi ghi ơn tất cả về vô số những sự quãng đại họ dành cho tôi.

Về phần tập sách này, tôi vô cùng biết ơn người bạn vong niên, bác sĩ Eugene, người đã giúp tôi khởi sự viết rất sớm vào tháng 9, đồng thời cũng đã vui lòng và tế nhị sửa lại cũng như nhận viết tựa cho hai chương đầu của tập sách.

Tôi cũng vô cùng biết ơn Cha Spilly, C.P.P.S., người cộng sự đặc biệt của tôi trong suốt 12 năm rưỡi vừa qua và ông Jeremy Langford, người giữ trách nhiệm xuất bản tại Loyola Press, đã giúp tôi hoàn thành tập sách này. Tôi ghi ơn bà Marie Feller Knoll, người cộng tác với tôi vì tôi là mục tử. Cám ơn bà về sự tận tâm của bà.

Cuối cùng, tôi tri ân nguời bạn và cộng sự viên lâu năm của tôi, Đức ông Kenth Velo, vì nếu không có được sự cảm thông và nâng đỡ từng này của Đức ông, tôi không thể nào hoàn thành được tập sách này cùng với không biết bao nhiêu chương trình khác nữa, đặc biệt trong ba năm cuối đời của tôi.

Bình an và yêu thương

HY JOSEPH BERNARDIN

BÀI 02:

NHẬP ĐỀ : PHÓ THÁC

Trải qua cuộc hành trình tâm linh của tôi, tôi đã phấn đấu để trở nên thân tình hơn với Chúa. Lúc này tôi đang chuẩn bị cho chuyến đi của mình từ thế giới này qua thế giới nối tiếp, tôi không thể không suy nghĩ về đời mình và nhận ra những chủ đề quen thân như cố tri, vốn vô cùng quan trọng đối vói tôi trong mấy năm này. Một chủ đề nổi bật hơn cả và mang một ý nghiã mới mẻ đối với tôi lúc này : Đó là chủ đề về sự phó thác.

Qua sự phó thác, tôi muốn nói đến khả năng thoát khỏi sự gắn bó với tất cả những sự vật vốn ngăn cản chúng ta khai triển mối tương quan mật thiết với Chúa Giêsu.

Phó thác không bao giờ là một điều dễ. Nó là cả một quá trình sống dài lâu. Nhưng phó thác là điều có thể nếu chúng ta hiểu đuợc tầm quan trọng của việc rộng mở con tim, và trên tất cả là sự phát triển một đời sống cầu nguyện lành mạnh. Tôi đã phải tốn nhiều thời gian sống lắm để học biết được những chân lý ấy, và tôi muốn chia sẻ với các bạn một đôi bối cảnh cũng như một câu chuyện vốn luôn nổi bật như một điểm then chốt trong cuộc đời tôi.

Tôi vào Chủng viện năm tôi mới 17 tuổi, và cũng chỉ bắt đầu từ đó tôi mới cố để học cho biết, thế nào là cầu nguyện. Vào những năm tháng sớm sủa ấy, tôi sống dưói sự chăm sóc tinh thần của các Cha Xuân Bích ở cả Chủng viện Đức Maria tại Baltimore lẫn Thần học viện Catholic University. Các Ngài có thói quen đặc biệt là, cùng với chúng tôi, mỗi chiều, nêu lên một số điểm để chúng tôi cùng suy nghĩ. Buổi sáng trước khi dâng Thánh lễ, rất sớm chúng tôi qui tụ lại với nhau trong một căn phòng gọi là Prayer hall để suy niệm. Có những thời gian tôi thắc mắc không biết đó có phải là hình thức tuyệt nhất để dạy chúng tôi không, nhưng hồi tưởng lại, tôi phải nói rằng chắc chắn đó là cách đưa tôi vào tầm quan trọng của sự cầu nguyện và dĩ nhiên cầu nguyện không phải là công luyện tập của một phía. Cầu nguyện đòi hỏi phải có việc NÓI và NGHE của cả đôi bên.

Sau ngày thụ phong vào năm 1952, chắc chắn là tôi đã cầu nguyện rất nhiều như bất cứ một Linh mục trẻ bận rộn nào trong những ngày ấy. Nhưng khoảng giữa năm 1970, tôi đã nhận ra rằng chẳng qua đó chỉ là những mỹ từ hơn là cầu nguyện. Tôi nói với những người khác - Chủng Sinh, Linh Mục, Giáo Dân Và Tu Sĩ - về tầm quan trọng cuả sự cầu nguyện, nhấn mạnh rằng : “Họ không thể thực sự gắn bó với Chúa nếu không cầu nguyện.” Nhưng tôi lại thấy mình như có phần nào giả hình trong lời giảng dạy, vì chính bản thân tôi không có được thời gian đủ cho việc cầu nguyện riêng tư. Điều đó không có nghĩa là tôi thiếu ước muốn cầu nguyện hay đột nhiên thấy việc cầu nguyện không quan trọng như mình vẫn nghĩ. Phải chăng, do quá bận rộn, tôi bị sụp bẫy khi nghĩ rằng những việc thiện mình làm còn quan trọng hơn việc cầu nguyện !

Một buổi sáng nọ tôi đã nói chuyện ấy với ba người anh em Linh mục mà tôi đã có dịp dùng cơm với họ. Cả ba đều trẻ hơn tôi, và chính tôi đã truyền chức cho hai người trong nhóm trong chuyến đi đến Cincinati năm 1972. Trong lúc trao đổi, tôi nói với họ rằng tôi thấy khó cầu nguyện quá và tôi xin họ giúp tôi. Tôi không chắc mình có thực sự nghiêm túc đủ khi nài xin sự giúp đỡ nơi họ không, bởi vì tôi không biết tôi có sẵn sàng thực hiện điều họ khuyến khích hay không nữa: "Đức Cha có thật lòng trong điều Đức Cha xin không ? Đức Cha có thực sự muốn đặt vấn đề như thế không. ?" Họ hỏi tôi như vậy. Tôi biết nói gì đây ? Tôi không thể nói không sau khi đã tâm sự với họ !

Rất thẳng thắn - thậm chí cả với những lời không mấy tế nhị - họ đã giúp tôi nhận ra rằng : Là một Linh mục và một Giám mục, tôi thôi thúc nguời khác có một linh đạo mà chính bản thân tôi cũng chưa thực hiện được đầy đủ. Đó là một khúc quanh quan trọng trong đời tôi. Những anh em Linh mục ấy giúp tôi hiểu rằng : Điều bạn phải có để cho đi là điều chính các Ngài cũng như nhiều vị Linh hướng ngày nay vẫn gọi : "Một thời gian có chất lượng" để mà cầu nguyện. Tôi đã không thể "trốn chạy" đựơc ! Bạn cần có thời gian thuận lợi, thời gian tốt để mà cầu nguyện. Và cuối cùng, nếu chúng ta tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa thì cùng với tất cả những người mà chúng ta dâng hiến đời mình cho họ, chúng ta phải dành cho Ngài chỗ tốt nhất chúng ta có thể có .

Tôi quyết định dành cho Thiên Chúa, bằng mọi giá, giờ đầu tiên của ngày sống để ở với Ngài trong kinh nguyện và suy niệm : Tôi sẽ cố để mở cánh cửa rộng hơn cho Ngài vào. Quyết định ấy mang lại cho đời sống tôi một triển vọng mới và nâng cao, tôi cũng thấy mình có thể chia sẻ những nỗ lực cuả hành trình tâm linh mình có với người khác. Khi biết rằng chính tôi cũng đã phải trải qua những chuyện như thế thì sẽ khuyến khích họ rất nhiều. Đó cũng là một yếu tố quan trọng cho sứ mệnh sau này của tôi với các bệnh nhân ung thư và những bệnh nhân lâm sàng khác.

Vâng, phó thác không bao giờ là một chuyện dễ làm. Tôi đã cầu nguyện và không ngừng nỗ lực để có thể phó thác mọi sự cách sẵn sàng luôn, thoát khỏi mọi sự hầu Chúa có thể ngự trong tâm hồn tôi hay tôi có thể chấp nhận được những dâng hiến mà Chúa đòi hỏi nơi tôi.

Rất rõ là Chúa muốn tôi sống phó thác vào lúc này. Nhưng vẫn có một điều gì đó rất con người làm cho ta muốn giữ lại cho mình mọi sự và mọi người thân thương với mình. Kinh nguyện tôi dâng mỗi ngày là khẩn xin làm sao tôi có thể mở thật rộng những cánh cửa tâm hồn cho Chúa và những gì Ngài mong chờ ở tôi.

Vì thế lúc này tôi phó thác thanh thản hơn. Được Chúa cho thoát khỏi sự chán nản, thỉnh hoảng tôi vẫn nghiệm thấy và trước đây đã từng tìm cách để thoát. Rất sớm, tôi cắt đứt sự gắn bó với mọi thứ. Tôi đã suy niệm trường hợp của Zakêu, cái anh chàng thuế vụ và câu chuyện anh ta đuợc Tin Mừng Luca tường thuật lại, khi anh ta tiếp đón Chúa Giêsu trong nhà mình, nhiều người đã phàn nàn là Ngài đã trở thành đồng thuyền đồng hội với những người tội lỗi. Còn Zakêu thì đứng lên và nói với Chúa : "Tôi sẽ tặng người nghèo một nửa những gì thuộc về tôi, thưa Ngài. Và nếu tôi có làm thiệt hại ai, tôi sẽ đền trả gấp bốn". Và Chúa Giêsu lên tiếng : "Hôm nay ơn cứu độ đến trong nhà này vì người này cũng là con cái Abraham. Con Người đến để kiếm tìm và giải cứu những người lạc đuờng" (Lc 19,1 - 10)

Tôi tha thiết muốn mở cửa lòng mình như Zakêu đã mở cửa nhà ông. Bởi vì chỉ như thế Chúa mới có thể nắm giữ trọn vẹn cuộc sống của tôi được. Quá nhiều thời gian trước, tôi chỉ để Ngài nắm giữ một phần nào đó thôi. Tôi thân thưa với Ngài nhưng lại có vẻ sợ hãi việc để cho Ngài nắm giữ hoàn toàn đời tôi.

Tại sao tôi lại sợ hãi ? Tại sao tôi lại mở cửa trễ tràng như thế ? Tôi lục tìm trong tâm hồn mình những câu trả lời. Lúc này tôi nghĩ là mọi sự đã ổn, bởi vì tôi muốn thành công và muốn được xem là một người đã thành công. Trước kia, tôi thấy khó chịu khi đọc hoặc nghe biết có sự chỉ trích những quyết định hay hành động của mình. Khi những dư luận được tung ra, tôi muốn kiểm tra ngay các dữ kiện, nghĩa là tôi muốn làm cho người ta thấy họ đã phi lý trong suy nghĩ của họ. Hành động như vậy tức là tôi không nỗ lực đặt trọn vẹn niềm tin của tôi nơi dân chúng, chừng nào họ chưa tự chứng minh được về chính họ để cho tôi thấy !

Tôi nhận ra là mình cũng giải quyết với Chúa theo kiểu đó. Trên nguyên tắc, tôi hiểu là tôi có thể tin cậy nơi Ngài. Tôi hồi tưởng lại tâm tình ấy vẫn đã từng có trong Giáo hội của Chúa và biết rằng không gì xảy ra mà không nằm trong tầm hoạt động của Ngài. Thế nhưng tôi vẫn muốn do dự, không sẵn sàng để hoàn toàn phó thác.

Phải chăng tôi sợ hãi, ý Chúa có thể khác với ý tôi và một khi Ngài được bày tỏ thì tôi sẽ bị lên án chăng? Hay là có một lý do nào khác? Điều rõ nhất là cả về phương diện tâm lý lẫn tình cảm, tôi thấy mình không thể sống phó thác được !

Một phần của tình trạng miễn cưỡng ấy là do tôi nại vào lý do mỗi ngày có quá nhiều người đến xin gặp tôi. Ước nguyện của họ đầy dẫy, đa dạng và đặc thù đến độ tôi thấy như mình không thể hoàn toàn có được tự do đứng trước những áp lực đó.

Tôi cũng tự vấn: Phải chăng đó cũng chỉ là một thứ kiêu hãnh ám ảnh tôi, làm cho tôi không sẵn sàng sống phó thác? Hay đôi khi tất cả như bị tê liệt, vì một cách nào đó, tôi bị dao động do các phe nhóm trong Giáo hội tranh thủ sự quan tâm và giúp đỡ của tôi; những người tự xưng là cấp tiến thì muốn tôi cùng giương cao biểu ngữ với họ, còn những người bảo thủ lại muốn tôi phải trung thành với họ. Mỗi phe nhóm đều có những yêu cầu, những đòi hỏi; còn tôi, tôi nghĩ rằng tôi cố để làm điều gì đó đúng cho toàn thể Giáo hội. Thỉnh thoảng tình trạng căng thẳng ấy buộc tôi phải tỏ ra khi diễn tả những gì tôi thực lòng muốn nghĩ đến.

Mặt khác, tôi ngạc nhiên thấy mình chối từ việc để cho Chúa đi vào mọi ngõ ngách trong tâm hồn, vì sợ rằng Ngài có thể đòi hỏi tôi từ bỏ một vài vật trong cuộc sống mà tôi miễn cưỡng hoặc không sẵn sàng để cho đi. Đó chỉ là những vật thông thường thôi, tôi biết thế, và phần lớn là quà biếu của nguời khác. Tôi vẫn nhận ra rằng tôi còn gắn bó với chúng.

Cách đây trên 15 năm, tôi đã cho đi tất cả tiền bạc mình có và tuyên bố rằng: tôi muốn không bao giờ có tài khoản tiết kiệm hay tín dụng nữa! Tôi đã hứa là chỉ giữ lại tài khoản vãng lai cần thiết thôi. Tôi bắt đầu gửi hầu như toàn bộ tiền bạc dâng cúng vào tài khoản đặc biệt của Tổng Giáo phận để sử dụng cho các công việc từ thiện hay những dự án đặc biệt khác.

Tuy nhiên, những năm cuối cùng này, tôi đã nhận đuợc quá nhiều quà biếu và thế là tôi lại dành dụm cho mình một ít để sử dụng với lý do biện minh rằng tôi phải có một số vốn liếng nào đó cho tuổi già hưu trí của tôi hay để phụng dưỡng người mẹ đã cao tuổi. Lúc này, tôi nhìn lại tất cả và bảo đảm rằng tôi tự do đối với tất cả những thứ đó để không còn thấy bối rối trong tương quan với Chúa nữa.

Trong những năm này, nỗ lực để sống phó thác nên tôi thấy ngạc nhiên, hình như Chúa chuẩn bị một điều gì đó đặc biệt cho tôi - hay là cuộc phấn đấu chẳng qua chỉ là một phần của sự phát triển tâm linh bình thường vậy thôi !

Chắc chắn những nỗ lực này sẽ âm hưởng nhiều về sau …Nhưng hiện tại, tôi biết là Chúa Giêsu đang chuẩn bị cho chính tôi một công việc đặc biệt nào đó.

Ba năm qua đã dạy tôi một sự đối xử thẳng thắn đối với chính tôi, với Chúa, Giáo Hội và tha nhân. Ba biến cố lớn đã dẫn đưa tôi đến với linh đạo hôm nay của tôi. Tiên vàn là sự việc nguời ta vu khống tôi lăng nhăng trong vấn đề tình dục vào tháng 11 năm 1993 và sự hoà giải tôi có đuợc với đối tượng vu khống ấy một năm sau đó. Thứ đến là sự chẩn đoán bệnh ung thư tuyến tụy vào tháng 6 năm 1995 và ca phẫu thuật để làm cho tôi tạm ổn trong vòng 15 tháng. Và cuối cùng là căn bệnh ung thư gan tái phát vào cuối tháng 8 năm 1996, và việc tôi quyết định ngưng chữa trị bằng hoá chất một tháng sau đó, để có thể sống quãng đời còn lại của mình đuợc chừng nào hay chừng đó.

Những biến cố ấy làm nên câu chuyện đời tôi - nhờ đó tôi biết được tôi đã tin như thế nào và đã tận lực để hoàn thành chính mình ra sao - Và vì bản chất những biến cố ấy, tôi đào sâu và khai triển linh đạo của mình, đồng thời cũng có đuợc những kinh nghiệm mà tôi muốn chia sẻ với tất cả. Đây chỉ là suy tư đơn giản có được từ con tim của tôi đến với con tim của bạn để bạn cũng có thể có được một sự bình an nội tâm sâu xa - sự bình an vốn là ân sủng tuyệt vời Thiên Chúa dành cho tôi - và lúc này tôi đang ấp ủ sự bình an ấy như đã ở trước ngưỡng cửa của cuộc sống đời đời rồi vậy.