Mùa Giáng sinh là muà cuả những câu chuyên hay nhất trên đời. Từ 2000 năm nay, thế giới Kitô Giáo đã sản xuất ra hàng ngàn câu chuyện như thế, thật có, tưởng tượng cũng có, mà phản ảnh đời sống xã hội cũng có.

Câu chuyện hay nhất dĩ nhiên cũng là câu chuyện đầu tiên: chuyện do một vị thầy thuốc có tên là Luca, viết theo lời cuả bà Maria, kể lại rằng (Luke 2: 1-20) một hài nhi đã được sinh ra trong cảnh khốn cùng, không nơi trú ẩn, bị đặt trong máng cỏ với bò lừa ở một làng có tên là Belem ở xứ Palestina cách đây 2000 năm trước. Nhưng chính hài nhi đó lại là đấng cứu tinh cuả nhân loại, mang lại niềm hy vọng cho muôn dân muôn đời.

Để cảm nghiệm cái tinh tuý cuả câu chuyện trên, không cách gì hơn là phải tìm đến hang Belem, trong thể chất hay tinh thần, và sống lại những giây phút linh thiêng cuả lúc mà Trời và Đất được giao hoà cùng nhau.

Còn sau đây là những câu chuyện khác, lấy cảm hứng từ câu chuyện nguyên thủy trên, ghi lại cuộc hành trình sống động cuả người đời ở nhiều nơi, nhiều thế hệ. Một hành trình đi tìm tình yêu và niềm hy vọng đã được hưá ban cho.



Câu chuyện số 1. Món Quà cuả nhà Đạo Sĩ (The Gift of the Magi ) - nguyên tác O. Henry

O. Henry là bút hiệu của William Sydney Porter, một văn sĩ Hoa Kỳ ở cuối thế kỷ 19 và đầu 20 (11 Tháng 9 năm 1862 - 05 tháng Sáu năm 1910). Những chuyện ngắn cuả ông thường mô tả cuộc sống cuả lớp lao động nghèo, có một lối hành văn dí dỏm và thích chơi chữ, nội dung ấm áp và thường kết thúc một cách bất ngờ và tài tình. Câu chuyện 'Món Quà cuả nhà Đạo Sĩ' là một trong những chuyện ca tụng tình yêu vị tha nổi tiếng nhất. Câu chuyện xoay quanh những món quà Giáng Sinh, quí giá giống như vàng, nhũ hương và mộc dược mà những nhà đạo sĩ ngày xưa đã dâng lên cho Chúa hài đồng.


Chỉ có một đô la và tám mươi bảy xu mà thôi. Sáu mươi xu là tiền 'bạc cắc' lẻ. Đó là số tiền do sự mặc cả mà có được, từng xu một, với những cửa tiệm thực phẩm, nhà hàng rau, nhà hàng thịt; Những cuộc kỳ kèo gay cấn đến nỗi gương mặt cuả những người bán hàng phải nóng bừng lên vì bị ngụ ý là có tính bủn xỉn. Della đếm đi đếm lại tới ba lần. Vẫn chỉ có một đô la và tám mươi bảy xu. Mà hôm sau lại là ngày Giáng sinh.

Rõ ràng chẳng có thể làm gì được với số tiền ít ỏi như thế, ngoài việc gục đầu xuống chiếc giường rách mát tồi tàn mà khóc rống lên. Và đó là việc Della đã làm. Rồi thì cái triết lý về cuộc đời chợt loé lên, mà toàn là nước mắt, nước mũi và một chút nụ cười, nhưng trong đó nước mũi chiếm phần ưu thế.

Trong khi người thiếu phụ trẻ dần dần thay đổi từ giai đoạn khóc lóc cho đến giai đoạn làm triết gia, mắt nàng cũng đảo quanh căn phòng một vòng. Một căn hộ có sẵn giường chiếu mà tiền thuê chỉ có 8 đô một tuần thôi. Chưa chính xác là chỗ ở cuả bọn ăn mày, nhưng chắc chắn cũng là nơi mà các nhân viên xã hội phải để ý nhòm ngó thường xuyên.

Dưới tiền sảnh cuả căn hộ là một hộp thư mà chẳng bao giờ có thư từ nào qua lại, và một cái nút chuông điện mà chẳng bao giờ có một ngón tay nào rờ tới. Bên cạnh, có một tấm thẻ đề tên "Ô. James Dillingham Young."

Gia đình "Dillingham" đã sống qua một thời kỳ 'lên voi xuống chó' đầy mỉa mai, từ lúc thịnh vượng khi gia chủ có một đồng lương cao đến $ 30 một tuần. Bây giờ, số thu giảm bớt, chỉ còn có $ 20 thôi, do đó, họ đã nghiêm túc nghĩ về việc tìm một gian hộ khiêm tốn hơn với một tấm biển chỉ viết tên giản dị bằng một chữ tắt là "D." Nhưng dù sao thì mỗi khi Ông James Dillingham Young trở về căn hộ, ông vẫn được gọi bằng một cái tên âu yếu là "Jim" và được ôm chặt bởi Bà James Dillingham Young, mà các bạn đọc đã được giới thiệu là Della. Mọi chuyện thì chỉ cần có thế là đủ tốt đẹp rồi.

Della ngừng khóc và lấy bông gòn thoa thêm phấn vào đôi má. Nàng ra đứng bên cửa sổ, thẫn thờ nhìn theo một con mèo xám đi trên một bờ rào màu xám trong một cái sân sau màu xám. Ngày mai sẽ là Giáng sinh, nhưng nàng chỉ có 1,87 $ để mua quà tặng cho Jim. Nàng đã dành dụm từng đồng xu một qua nhiều tháng trời, mà kết quả chỉ là thế này. Hai mươi đô la một tuần không là bao nhiêu. Số chi thường cao hơn điều nàng dự tính. Luôn luôn là thế. Chỉ có 1,87 $ để mua một món quà cho Jim. Anh Jim cuả nàng. Nàng đã bỏ ra hằng giờ để dự định làm một cái gì đó thật tốt đẹp. Một cái gì tốt và quý hiếm và lóng lánh như loại bạc sterling - một cái gì đó gần như là xứng đáng với cái vinh dự là được anh Jim sở hữu.

Khoảng cách ở giữa hai cửa sổ của căn phòng có ghép một giàn kíếng. Các bạn có thấy những giàn kiếng trong một căn hộ $ 8 chưa? Một người gầy và nhanh có thể nhận biết một cách khá chính xác về ngoại hình của mình bằng cách quan sát những phản chiếu nhanh chóng qua những mảnh kiếng hẹp ghép dọc bên nhau. Della, với một thân hình mảnh khảnh, đã nắm vững nghệ thuật soi gương ấy.


Đột nhiên, nàng rời khỏi cửa sổ và quay ngoắt lại tấm gương. Đôi mắt nàng sáng lên lóng lánh, nhưng khuôn mặt cũng nhợt nhạt chỉ trong vòng hai mươi giây sau đó. Nàng xả vội mái tóc ra và để buông thòng xuống.

Cho tới bây giờ, có hai vật sở hữu của gia đình James Dillingham Youngs mà họ đều rất lấy làm hãnh diện. Chiếc đồng hồ vàng của Jim đã được truyền từ đời ông nội qua đời cha. Vật sở hữu khác là mái tóc của Della. Nếu nữ hoàng Sheba mà sống trong một căn phòng đối diện, thì một ngày nào đó Della sẽ xoã mái tóc ra ngoài cửa sổ để đánh bại giá trị cuả những đồ trang sức và phẩm vật của Nữ Hoàng. Còn nếu vua Solomon là ông gác gian đang giữ tất cả báu vật trong hầm cuả căn nhà, thì Jim sẽ rút cái đồng hồ ra ngoài mỗi khi anh đi ngang, chỉ để xem ông ta phải bứt rứt đám râu cuả mình vì ghen tị.

Giờ đây mái tóc của Della đã 'gợn sóng lăn tăn' theo đường cong cuả tấm thân và chiếu óng ánh nâu vàng như một giòng suối. Mái tóc bao phủ thân thể giống như một chiếc áo choàng xuống tận đầu gối. Trong một khoảng khắc bồn chồn, nàng nâng mái tóc lên một lần nữa. Rồi tần ngần đứng yên, vài giọt lệ bỗng lăn tăn rơi trên tấm thảm màu đỏ đã cũ mòn.

Choàng lên cái áo khoác cũ; đội vội chiếc mũ cũ. Chiếc váy xoay tròn như một cơn lốc và đôi mắt lấp lánh rạng rỡ, nàng vỗ cánh bay ra khỏi cửa và lao xuống cầu thang đi ra phố.

Nàng ngưng lại trước một cửa tiệm có treo tấm biển: "Mne Sofronie, bán đủ loại tóc đẹp..." Della chạy lên lầu như bay, rồi đứng thở lấy hơi và sửa lại thân hình. Trước một Madame, béo phì, trắng bệu, lạnh lẽo, không có vẻ gì giống như cái tên "Sofronie" cả.

"Bà muốn mua tóc của tôi không?" Della hỏi.

"Tôi mua tóc," bà ta trả lời. "Bỏ mũ ra để xem nó thế nào."

Dòng suối tóc nâu chảy xuống.

"Hai mươi đô" bà ta vừa nói vừa nâng khối tóc với một bàn tay thành thạo.

"Đưa tiền cho tôi nhanh đi," Della nói.

Thế rồi, như thể được chắp thêm một đôi cánh hồng trong suốt hai giờ sau đó. Quên bẵng đi cái gương mặt nay đã rối bời. Nàng lùng khắp các cửa hàng để tìm một món quà cho Jim.

Cuối cùng thì nàng cũng tìm thấy nó. Đúng là một món quà chờ sẵn cho Jim chứ không phải cho ai khác. Không có một món nào giống như vậy ở bất kỳ cửa hàng nào, và nàng đã coi kỹ từ trong ra ngoài. Đó là một sợi dây đeo làm bằng bạch kim trông đơn giản và tao nhã, xứng đáng vì có một giá trị do chất lượng chứ không phải do sự trang trí hào nháng - là một thứ giá trị mà người ta dùng để đo lường tất cả những vật quí hiếm. Thậm chí nó còn có thể sánh đôi với 'Chiếc Đồng Hồ'. Ngay khi nhìn thấy nó, nàng biết rằng nó phải thuôc về Jim. Nó giống như anh ấy. Tĩnh lặng và đầy giá trị - là hai chữ có thể áp dụng cho cả hai nhân vật. Người ta đòi hai mươi mốt đô la, và nàng đã vội vã trở về nhà chỉ còn 87 xu trong túi. Với chiếc dây chuyền này đeo vào chiếc đồng hồ, anh Jim bây giờ có thể coi giờ bất kỳ lúc nào khi ở công ty. Vì dù cho chiếc đồng hồ có một giá trị lớn lao mặc lòng, nhưng đôi khi anh ấy vẫn phải kín đáo nhìn nó vì phải đeo nó vào một cái dây bằng da cũ thay vì vào một sợi dây chuyền.

Khi Della về đến nhà, nỗi háo hức nhường chỗ cho thận trọng và lý lẽ. Nàng lấy ra cây cuộn tóc, hơ lên bếp ga cho nóng rồi sửa lại những lượm tóc bị cắt một cách đau thương, là dấu chỉ cuả một tình yêu hào phóng. Sửa tóc luôn luôn là một công việc to lớn, thưa quí bạn - một công việc vĩ đại.

Trong vòng bốn mươi phút, chiếc đầu cuả nàng đã phủ đầy những lọn tóc nhỏ, làm cho nàng trông giống như một cậu học sinh trốn học. Nàng nhìn mình trong gương, cẩn thận và nghiêm khắc sửa lại từng chút một.

"Mong rằng anh Jim không giết tôi," nàng tự nói với mình, "trước khi anh ta xem lại lần thứ hai, chắc chắn anh ấy sẽ nói rằng tôi trông giống như một con bé trong ca đoàn Coney Island. Nhưng tôi có thể làm được gì chứ? Oh tôi có thể làm được gì! với một đồng đô la và tám mươi bảy xu ? "

Lúc 7 giờ tối, ly cà phê đã pha và cái chảo đã đặt ngay bên bếp đợi chiên món sườn nóng.

Jim không bao giờ về muộn. Della cầm sợi dây chuyền trên tay và ngồi ngay ở góc bàn gần cái cửa mà anh luôn đi vào. Sau đó, nàng nghe tiếng chân cuả anh bước lên nấc thang đầu tiên, và chỉ trong một khoảnh khắc mặt nàng chuyển sang mầu trắng nhợt. Nàng có thói quen cầu nguyện trong im lặng về những điều đơn giản hàng ngày, và lúc bấy giờ nàng đã thì thầm: "Lạy Chúa, xin khiến cho anh ấy nghĩ rằng con trông vẫn còn khá"

Cánh cửa mở, Jim bước vào và đóng cửa lại. Anh trông gầy và có một vẻ mặt rất nghiêm trọng. Tội nghiệp chàng, chỉ mới có hai mươi hai tuổi - mà đã phải gánh một gánh nặng gia đình! Anh cần có một cái áo khoác mới và đôi tay lại không có đeo găng.

Jim dừng lại bên cửa, đứng bất động như một con chó săn ngửi thấy mùi chim cút. Đôi mắt anh dán lên người Della, và có một cái nhìn mà nàng không thể hiểu, làm nàng khiếp sợ. Cái nhìn không lộ vẻ tức giận, cũng không ngạc nhiên, hay phật ý, hay kinh dị, cũng không phải cuả bất kỳ những tình cảm mà nàng đã chuẩn bị tinh thần để đối phó. Anh chỉ nhìn nàng chăm chăm với một vẻ lạ lùng.

Della rời bàn và tiến đến bên anh.

"Jim, anh yêu cuả em," nàng kêu lên, "đừng nhìn em như thế. Em đã cắt tóc và bán nó vì em không thể sống qua mùa Giáng sinh mà không có quà cho anh. Tóc sẽ mọc lại mà - anh đừng bận tâm, anh nhé? Em phải làm điều đó. Tóc em dài nhanh lắm. Anh nói 'mừng Giáng sinh ' đi anh, chúng ta sẽ sống hạnh phúc. Anh chưa biết món quà mà em đã mua cho anh -- một món quà xinh đẹp lắm anh ơi. "

"Em đã cắt tóc rồi à?" Jim hỏi, vẻ nặng nhọc, như thể anh đã không thể nhận ra điều hiển nhiên ấy dù đã suy nghĩ rất vất vả.

"Cắt và bán nó đi rồi," Della nói. "Anh vẫn yêu em chứ, dù thế nào đi nữa phải không? Em vẫn là em dù không có mái tóc dài, phải thế không anh?"

Jim nhìn quanh căn phòng.

"Em nói rằng mái tóc cuả em mất rồi à ?" chàng trai nói, với một vẻ gần như là ngu xuẩn.

"Anh không tìm lại được nó đâu," Della nói. "Em đã bán nó rồi, như em đã nói ... Đã bán rồi, bây giờ là đêm Giáng sinh, anh phải tốt với em, vì em cho nó đi vì anh. Dù cho tóc trên đầu em không còn nữa," nàng bất ngờ noí tiếp với một giọng ngọt ngào nhưng nghiêm túc, "nhưng không ai có thể đếm được tình yêu cuả em dành cho anh. Em đi nướng sườn nhé, anh Jim?"

Jim dường như chợt bừng tỉnh. Anh ôm chặt lấy Della. Tới đây chúng ta hãy bỏ ra mười giây để coi xét lại giá trị cuả đối tượng là món quà theo một hướng nhìn khác. Tám đô la một tuần, hay một triệu một năm - sự khác biệt là gì? Một nhà toán học vẫn có thể cung cấp một câu trả lời sai đối với cái nhìn cuả một triết gia. Các nhà đạo sĩ (Magi) đã mang theo nhiều món quà giá trị, nhưng đối tượng ở đây không nằm trong số quà vật chất đó. Điều khẳng định này sẽ được bàn lại sau.

Jim lấy từ túi áo choàng ra một gói quà và ném lên bàn.

"Đừng hiểu nhầm anh, Dell à," anh ta nói, "Theo anh. Anh không nghĩ rằng một mái tóc hoặc một khuôn mặt cạo sạch hoặc một cái dầu mới gội có thể làm cho anh yêu em ít đi. Nhưng nếu em mở gói này ra thì em sẽ hiểu tại sao em đã làm cho anh bối rối một thời gian lúc ban đầu. "

Những ngón tay nõn nà nhanh nhẹn tháo gỡ những sợi dây buộc và tấm giấy bọc. Và sau đó là một tiếng thét ngây ngất của vui mừng; và ngay sau đó, than ôi! Những giọt nước mắt cuồng loạn và tiếng kêu ai oán đặc trưng cuả người phụ nữ, làm cho vị gia chủ cuả căn hộ phải lập tức huy động tất cả mọi tài năng cuả nghệ thuật an ủi có thể có được.

Vì trước mặt là một bộ kẹp tóc - một cái kẹp sau đầu và một cái cho tóc bên tai, bộ kẹp mà Della đã từng dán mắt vào cửa kính của một gian hàng ở Broadway. Bộ kẹp tóc tuyệt đẹp, bằng vỏ rùa tinh khiết, với viền nạm ngọc - màu sắc hoàn chỉnh để đi đôi với bộ tóc đẹp đã mất. Bộ kẹp tóc đắt tiền, nàng biết thế, đã làm nàng khao khát và mong mỏi nhưng không hề có chút hy vọng đạt được. Và bây giờ, chúng là cuả nàng, nhưng mái tóc dành cho các vật trang điểm đó đã không còn nữa.

Nhưng nàng vẫn ôm chúng vào lòng mình, và sau một thời gian dài thì nàng mới có thể nhìn lên với đôi mắt còn hoen lệ và một nụ cười : "Tóc em dài nhanh lắm, Jim à!"

Và rồi Della lại nhảy lên như một con mèo bị cháy lông và kêu lên, "Oh, oh!"


Jim vẫn chưa được thấy món quà của nàng. Nàng háo hức mở bàn tay ra cho chàng xem. Cái giây bằng kim loại dường như phản chiếu lấp lánh cái tinh thần tươi sáng và nhiệt thành của nàng.

"Không phải chỉ là một cái giây đeo mà thôi đâu, Jim à? Em phải bôn ba khắp mọi phố mới tìm được nó. Bây giờ anh có thể nhìn giờ hàng trăm lần một ngày. Anh đưa cho em chiếc đồng hồ của anh đi. Em muốn xem chúng hợp với nhau như thế nào. "

Thay vì làm theo lời cuà nàng, Jim ngồi phịch xuống ghế và ôm tay lên đầu rồi cười.

"Dell," anh ta nói, "chúng ta hãy để những món quà qua một bên và hãy giữ chúng một thời gian. Chúng đều quá đẹp để có thể dùng trong lúc này. Anh đã bán chiếc đồng hồ để có tiền mua kẹp cho em. Và bây giờ thì em sẽ nấu cho anh món sườn nhé. "

Các nhà đạo sĩ, như chúng ta đã từng biết, là những nhà thông thái - những người tuyệt vời - đã mang quà tặng cho Chuá hài đồng trong máng cỏ. Họ phát minh ra nghệ thuật tặng quà Giáng sinh. Là những người khôn ngoan, quà của họ cũng không nghi ngờ là những vật khôn ngoan, có thể mang đổi trong những trường hợp bị trùng lập. Nhưng ở đây tôi đã khập khiễng kể cho quí bạn trường hợp nhàm chán của hai nhân vật dại dột sống trong một căn hộ, không mấy thông minh và đã hy sinh cho nhau những báu vật quý giá nhất trong nhà. Nhưng nếu có thể nói một câu nói sau cùng dành cho những đấng khôn ngoan đương thời, thì tôi xin nói rằng trong số những người tặng quà thì hai người đó là khôn ngoan nhất. Tất cả những người cho và nhận giống như họ thì đều thuộc loại khôn ngoan nhất. Ở khắp mọi nơi họ khôn ngoan nhất. Họ là những nhà đạo sĩ.