LINH ĐẠO HÔN PHỐI THEO THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ

LTS- « LINH ĐẠO HÔN PHỐI THEO THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II » là tác phẩm thứ 32 mà Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris vừa soạn để « Kỷ niệm ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được tuyên phong Hiển Thánh, 27.04.2014 » và để « Kỷ niệm 20 năm sinh hoạt của Ban Mục Vụ Gia Đình, 1995-2015 ». Chúng tôi xin được hân hạnh giới thiệu tác phẩm này với quí độc giả.

Xin Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban phúc lành cho những người góp phần thực hiện tác phẩm này, cũng như cho quí độc giả thân thương. Tất cả để vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa các gia đình.

Bài được phổ biến:

1. LỜI MỞ, ngày 17.04.2014

2. Thần học Thân xác và Linh đạo Hôn phối của Lm Mai Đức Vinh, ngày 24.04.2014

3. Hôn nhân trong ánh sáng Hôn lễ của Đức Kytô và Giáo Hội, của Lm Mai Đức Vinh, ngày 01.05.2014

4. Duyên lành và thánh thiện của cặp vợ chồng của Ptvv Phạm Bá Nha, ngày 08.05.2014.

5. Để Hôn nhân trở nên một ơn gọi của C. Micheline Kim Chi, ngày 15.05.2014.

6. Hạnh phúc hôn nhân của AC Phạm Hòa Hiệp, ngày 22.05.2014

7. Hôm nay, ngày 05.06.2014, xin giới thiệu bài 7 « Làm sao để vợ chồng sống hạnh phúc » của ÔB Phan Hữu Lộc


LÀM SAO ĐỂ VỢ CHỒNG SỐNG HẠNH PHÚC?

"Anh chị là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, những người thánh thiện và yêu thương. Anh chị hãy mặc lấy tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau. Như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh chị, anh chị cũng hảy tha thứ cho nhau. Trên hết mọi sự, anh chị hãy có đức yêu thương, đó là mối giây ràng buộc mọi điều toàn thiện…" (1Cr 6,13-15).

Con người ở trần gian ai cũng đều có giới hạn, không ai vẹn toàn về bất cứ mặt nào-thân xác, tính tình, trí tuệ, lòng đạo đức... nên đời sống vợ chồng (nói riêng) cần nhận định và chấp nhận sự thể ấy đối với mình cũng như đối với bạn đường (vợ hay chồng). (Phần I).

Nhận định, chấp nhận rồi cần phải tha thứ cho mình và cho bạn đường về sự giới hạn đó, để sự trao thân cho nhau được đầy đủ, không chút mặc cảm và sự đón nhận trọn vẹn không chút dè dặt. (Phần II).

Vợ chồng trao thân cho nhau vì con người có hồn nhưng cũng còn có thân xác. Xác thịt đóng vai trò quyết định trong sự cho và nhận để truyền sinh và giúp nhau kết hiệp--tuy tương đối--, để đi tới sự kết hiệp toàn diện, sung mãn trong Thiên Chúa vào ngày sau. Riêng lối sống tu sĩ độc thân vì Nước Trời thì lại muốn kết hiệp trực tiếp với Thiên Chúa ngay đời này, tuy rằng cũng còn thiếu sót, và sẽ đạt được sự kết hiệp sung mãn trong Chúa vào ngày cánh chung!. (Phần III).

Đó là ba Phần trình bày thiết thực dưới đây về đời sống vợ chồng theo đường lối Giáo Hội để vợ chồng được hạnh phúc tương đối qua sự kết hiệp trong Chúa ở đời này và tiến dần đến sự kết hiệp hạnh phúc tuyệt đối trong Chúa sau khi sống lại!

I. NHÂN VÔ THẬP TOÀN

Hôn nhân là một lối sống mà ta không thể không cảm nghiệm về giới hạn của mình và người bạn đường (vợ hay chồng). Giới hạn về thân xác của người yêu vì người đó không bao giờ trở thành con người lý tưởng. Giới hạn về tính tình bởi nhiều tính xấu và nhiều lệ thuộc vào sự giáo dục đã nhận được, về ảnh hưởng của cuộc đời trước kia đã qua, về những vết thương tâm hồn đã chịu. Giới hạn về trí óc thông minh và cả đến về đời sống đạo đức nữa...

Giới hạn nơi chính mình và nơi bạn đường cho nên trước hết là phải chấp nhận giới hạn của nhau... Hơn nữa, nhiều khi còn phải yêu chuộng giới hạn đó nữa. Cái giới hạn của người mình yêu trở thành người yêu duy nhất (unique), người-yêu-của-mình! Lời khen đẹp ý người yêu nhất: "Anh chỉ yêu có một mình em!" hoặc: "Em không yêu ai ngoài anh!"

Sau đó, là phải biết tha thứ cho nhau. Trong hôn nhân, ai có ý tưởng hay có ý muốn biến đổi vợ hay chồng theo ý muốn mình là điều mộng mơ. Người vợ hay chồng là con người đó, đang sống cùng ta với những hạn hẹp của họ mà ta phải yêu chuộng, chứ không phải là con người lý tưởng ta mong chờ. Đừng "đứng núi này trông núi nọ". Bao gia đình tan vỡ cũng chỉ vì vợ hay chồng, không nhận chân sự thật về cái hay cũng như cái dở (giới hạn) của bạn đường, mà chỉ mộng mơ về một con người hoàn hảo như lòng mình ước ao, mong chờ, hay như người mẫu quảng cáo trên báo chí, tivi!

Nhưng giới hạn không thể tránh được đó, (nhân vô thập toàn), thường ban đầu chưa thấy lộ diện, nhưng dần dà với thời gian chung sống, nó sẽ xuất đầu lộ diện, tương tợ như khi ta nói: "Cây kim ẩn trong bọc, lâu ngày rồi cũng lòi ra"! Một vài đôi tình nhân, ban đầu cũng đã cố gắng nói cho nhau biết về những khuyết điểm của mình, nhưng vì đang trong thời kỳ yêu đương, họ khó tránh khỏi những cái nhìn lệch lạc. Khi yêu, ta thường chỉ nhìn thấy khía cạnh tốt đẹp của người yêu ("yêu ai yêu cả đường đi lối về"), cha mẹ hay bạn hữu có nhận xét khác, có khuyên răn gì cũng khó lòng chấp nhận.

Nếu có nhận những khiếm khuyết của người yêu, thì lúc con tim đã bị mũi tên tình ái bắn vào, đang tràn ngập trong bể ái tình, người ta thấy có thể bỏ qua, hay cho rằng thiếu sót đó không gì là quan trọng lắm: nhịn nhau được. Nhưng chỉ vài tháng, hay một vài năm, sau ngày về chung sống bên nhau, khi tình yêu mặn nồng nguội lạnh dần, người ta mới thấy những khiếm khuyết đó hiện ra rõ nét, và làm ta khó chịu, khó chấp nhận. Nhất là về vết thương tình cảm, sinh lý hay đạo hạnh chịu từ nhỏ hay thiếu thời mà chỉ hiện rõ sau nhiều năm chung sống mà nhiều lần, nạn nhân không hẳn là khi nào cũng nhớ tới được. Nhận định về giới hạn đó có thể làm cho đời sống vợ chồng rạn nứt, đôi khi dẫn đến tan rã. Bấy giờ ta thường nghe nói: "Anh đó đâu phải là người tôi muốn lấy!" hoặc "Biết thế tôi đâu có rước cô ả về!" Dẫu vậy, đó lại là không ai khác!...

Cho nên điều khôn ngoan và thiết thực cho hai người đính hôn có lẽ là nên cố gắng nói lên cho nhau biết những yếu kém và những vết thương lòng mà mình nhớ được và được xem là đúng sự thật. Nhiều người lại không dám tỏ ra, sợ rằng người kia biết được sự thật, sẽ không còn kính nể mình.

Lời thưa chấp nhận lấy nhau, CÓ, lúc cưới hỏi không bao giờ là lời đáp một cách trọn vẹn và thấu hiểu tường tận việc mình làm. Vả lại, lời đáp yêu đương không bao giờ có thể tinh suốt được trăm phần trăm. Điều đó giả thiết là phải có khả năng nói lên hết với nhau và phải biết về mình một cách đầy đủ; đó lại là điều không thể dễ có được. Nhưng đó vừa là cái hiểm nguy của lời thề yêu nhau trong hôn nhân và lại làm cho hôn nhân trở nên cao cả. Cho nên trước những khó khăn khó tránh khỏi đó, mà chỉ dựa vào sức của nhân trần thì bước phiêu lưu vào hôn nhân quả là táo bạo! Một vị linh mục nói với một chàng trai, tự cho mình là không tin Chúa, khi đến gặp ngài theo lời người vợ (đạo đức) yêu cầu. Ngài nói đại ý: Hôn nhân là một cuộc phiêu lưu đầy gian nan trở ngại, khó thành công, không thể đạt đựơc nếu không có Thiên Chúa cùng đồng hành. Bí tích Hôn nhân sẽ giúp đôi vợ chồng tránh được bao tai hại đó, nếu biết dựa vào Chúa, và đưa Chúa vào đời sống sau này của đôi bạn.

Hôn nhân quả thực tỏ hiện cho ta thấy sự mỏng dòn và giới hạn của ta. Người ta không thể chơi mãi cái trò "bịt mắt bắt dê" với người vợ hay chồng luôn sống với ta trong những chi tiết nhỏ nhặt hay trong những chuyện thầm kín. Theo chiều hướng đó, hôn nhân là một kinh nghiệm đáng sợ và đáng quý về sự chân thực của chính mình. Và bởi vậy đó là một trường dạy về sự khiêm nhừơng. Sống đụng chạm với nhau thường ngày, ta không thể che đậy hay giả dạng được và những gì ta muốn che đậy về lỗi lầm hay bất toàn của mình một ngày kia sẽ lần lượt xuất đầu lộ diện. Điều đó cũng áp dụng cho sự hữu hạn về thân xác, cũng như hữu hạn về tính tình... Người ta có thể làm bộ mặt "đi ăn cưới" khi đến thăm gia đình mẹ vợ, nhưng người ta không thể mãi mãi làm như thế được.

Cũng như giới hạn về sự thông minh: người ta có thể nổi danh ngoài xã hội, nhưng lại tỏ ra thật tệ trong cảnh huống thường nhật của sự sống vợ chồng; cũng như giới hạn về nền giáo dục: con người thô lỗ ẩn dưới vẻ hào nhoáng bên ngoài thì chóng hay chầy sẽ lộ diện ra... Điều đó cũng đúng cho đời sống thiêng liêng: người ta thấy lối sống sốt sắng phi thường lúc làm lễ hỏi, lúc tĩnh-tâm học lớp Dự bị hôn nhân, lúc đi hành hương..., nhưng người ta không thắng nổi đời sống mòn mỏi của đôi bạn sẽ làm cho người ta lộ ra sự khô khan nguội lạnh về lòng đạo đức. Hay nói cách khác, vợ hay chồng không thể "chơi trò hai mặt" mãi được!

Cho nên muốn có một đời sống vợ chồng đạo đức, điều đòi hỏi đầu tiên là biết chấp nhận những giới hạn đó. Không phải để vịn vào đó làm cớ, nhưng để nhìn biết những giới hạn đó là con người. Điều thứ hai là biết tha thứ cho chính mình, bằng cách phân biệt những gì mà không do lỗi mình làm với những gì do mình lười biếng, trì trệ làm cho những tật xấu ấy thêm khó sửa vì bén rễ sâu trong ta.

Và cũng cần biết chấp nhận khi thấy giới hạn nơi bạn đường, đừng mơ tưởng người đó là thần tượng, nhưng để yêu mến cách thiết thực. Bởi vì vợ hay chồng cũng còn nhiều thiếu sót và nhiều yếu đuối. Ta không thể vừa nói ta yêu mến họ, lại vừa từ chối những giới hạn của họ; tệ hơn nữa là những tật xấu mà ta hằng chống đối hàng ngày mà nghĩ rằng sẽ thay đổi một ngày kia. Nếu thế thì ta không thương người vợ hay chồng cụ thể đang sống với ta, mà mơ tưởng đến hoặc hy vọng một người yêu khác trong tưởng tượng và có lẽ cũng không hề có.

Nhưng nói thế không có nghĩa là cấm ta hy vọng một ngày nào đó, nhờ ơn Chúa, vợ hay chồng sẽ thay đổi tốt hơn; vì với Chúa mọi sự đều có thể được... Nhưng Hy Vọng đây không phải là hy vọng kẻ đó đổi thay để sau cùng trở nên người chồng hay vợ mà ta mài dũa mong chờ bấy lâu theo ý muốn của mình. Người ta thường nói: "Mình muốn kẻ khác thay đối, thì hãy bắt đầu thay đổi chính mình trước"!

II. SỰ THỨ THA, CON ĐƯỜNG HIẾN THÂN.

Bao lâu ta chưa tự tha thứ những giới hạn của mình cũng như những giới hạn của bạn đường, thì ta chưa đạt tới sự thật của việc trao thân. Và điều đó càng đúng khi ta nói đến sự giới hạn của thân xác. "Le corps révèle l’homme (Thân xác nói lên con người), như đức Gioan Phaolô II đã nhận định trong buổi triều yết ngày 14.11.79... Phương thức gãy gọn này chứa đựng tất cả những gì mà khoa học nhân thế sẽ nói đến về con người như là một cơ thể, về sự năng động của nó, về sinh lý học riêng biệt của nó v.v." Thân xác "nói" cho ta nghe, tỏ cho ta biết với tư cách là một bản vị, và ta nhận được thân xác ban cho không, để ta trao thân... Nhưng ta không thể chu toàn sự trao thân này của ta, nếu trước đó, không chấp nhận thân xác của mình. Và nhận nó như là nó. Và nó là nó, mới cho ta biết mình là ai. Trong hôn nhân, sự trao thân được diễn tả và thực hiện bởi sự trao hiến thân xác. Vì thế, trao thân cho nhau đòi hỏi trước tiên là mình đón nhận chính mình bởi thân xác của mình.

Điều đó đòi hỏi trước tiên là mình có thân xác, và đừng mơ tưởng mình là thần linh! Điều cám dỗ này thường thấy nhiều nơi phái nữ, dẫu rằng... Biết bao cặp vợ chồng bất hòa với nhau, vì họ không thực sự nhận mình có một tấm thân xác thịt. Người ta mơ tưởng đến một tình yêu không đòi hỏi xác thịt (platonique), mà là thiêng liêng, điều mà chỉ có thể thấy nơi sự kết hợp của những tâm hồn và những con tim; muốn một tình yêu "trong sạch", tìm cách lánh xa những gì thực sự là xác thịt. Đó là lý thuyết của phái Manichéenne đã gây bao điều lạc giáo mà Giáo Hội Công Giáo, không ngừng bác bỏ: phái Catharisme, Encratisme, Jansénisme...

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thực sự đã nói đi nói lại nhiều lần và rất rõ về vấn đề này, nhất là trong bài trình bày về lý do chính đáng thúc đẩy việc chọn sống độc thân và trong bài bình luận về những lời Chúa về việc ngoại tình trong lòng (Mt 5:27-28). Ngài hết sức nhấn mạnh như điên dại để loại trừ tận gốc rễ về mọi nghi ngờ có thể đè nặng trên giá trị của thân xác và về giới tính quả là đầy ý nghĩa. Quả thực, đây là cách để hiểu về chính con người và về ơn gọi của nó trong chương trình Thiên Chúa: "Một thái độ của bè phái Manichéen có thể dẫn đến sự "tiêu diệt" về thân xác, nếu không thật sự, ít nữa trong ý chí, đi đến việc chối bỏ giá trị của giới tính của con người, về nam tính và nữ tính, hoặc ít ra chỉ "cho phép" họ, trong giới hạn mà giới tính đáp lại sự đòi hỏi cần thiết để sinh con cái. Trái lại, đúng như lời Chúa giảng trên núi, nền luân lý Công Giáo có đặc điểm bởi sự biến đổi về lương tâm như thế và bởi những thái độ như thế của con người, về phái nam cũng như phái nữ, họ diễn tả và thực hiện giá trị của thân xác và của giới tính, theo ý hướng đầu tiên lúc Chúa tạo dựng, để cho nam nữ "kết hiệp hai người thành một" là nền tảng rất thâm sâu về luân lý và nền văn hóa của con người" (Bài thuyết trình 22.10.1980). Và ngài kết thúc buổi triều yết hôm đó với lời quả quyết dứt khoát và không chút dị nghĩa: "Lối hiểu biết và cách đánh giá về thân xác và giới tính của con người theo lạc giáo Manichéenne là hoàn toàn xa lạ với Phúc Âm"

Chấp nhận có một thân xác cũng đòi hỏi mình chấp nhận cái thân-xác-đó, thân xác được ban cho ta, với nhiều giới hạn và nhiều khuyết điểm, bởi chính thân xác đó mà Chúa ban cho để ta có thể trao thân. Có một hình thức tha-thứ được ban cho ta để ta có thể làm hòa với chính mình để ta có thể chấp nhận cái thân xác thực sự và thiết thực đó. Nếu không, thân xác được làm ra để trao ban trở nên một chướng ngại vật cho sự trao ban của chúng ta: ta không thể trao thân cho nhau mà không yêu mến cái thân xác đó...

Chúng ta còn phải chấp nhận thân xác của bạn đường để có thể nhận đầy đủ sự tận hiến của kẻ đó và bởi thế, tha thứ những giới hạn của họ về thân xác để nhìn thấy đó là phương thế mà kẻ đó dùng để trao thân... Nghĩa là thân xác của người vợ hay chồng có tốt hay xấu thì trao ban cái đó, và ta không thể đòi hỏi người vợ hay chồng phải có một thân xác trao ban như ta mong chờ. Chúng ta có lẽ không bao giờ nói hết những tai hại mà tranh ảnh, báo chí, màn hình nói về những thân xác có vẻ đẹp lý tưởng, hầu như toàn vẹn để ta luôn so sánh cái thân xác mình và của bạn đường với những gương mẫu đó---ít khi có lợi cho mình, làm cho ta luôn muốn được cái tấm thân đó và ước ao bạn đường cũng muốn được như thế. Đó là hai điều vô nghĩa! Điều thứ nhất là những tấm thân được trình bày trên tivi là những tấm thân không có thực sự - hình đã được sửa chữa, lường gạt, chế tạo... Những lý tưởng đó không có gì là thực sự mà chỉ là "tô son vẽ phấn" qua phương pháp máy móc điện ảnh, nhất là thời nay nghệ thuật sửa chữa bóng hình... là chuyện quá thông thường! Điều thứ hai là nếu ta cố gắng cho được như các hình mẫu sửa chữa đó thì chỉ làm cho hình ảnh thực của mình thành hị hợm. Mình không còn là mình nữa, Ngày nay, nghe đâu người ta đang có phong trào cấm đưa lên báo chí tài tử, người mẫu, sau khi đã gọt đẽo, thêm bớt cho thành con người có thân xác lý tưởng... để tránh cho những thiếu nữ quá ham chuộng hình hài gọt sửa đó khỏi trở thành những cô gái có thân hình quá gầy guộc có thể dẫn tới cái chết, như đã xảy ra.

Ngoài ra, ngày nay, một số phụ nữ có tấm thân no tròn, đẫy đà... không còn mặc cảm nữa, mà đã đứng lên đòi hỏi chị em cùng cảnh ngộ hãy sống thực, chấp nhận sự thực... để lấy lại giá trị đích thực của chính mình, qua những tổ chức thi Hoa Hậu phụ nữ "no tròn". Thân xác ta làm cho ta là ta, cũng như tâm hồn ta cũng vậy. Con người ta là thân xác này và tâm hồn này.

Nói vậy phải chăng là dẹp mọi cố gắng làm cho thân xác ta có giá trị thêm lên, và gạt bỏ mọi cố gắng để sửa chữa những thiếu sót của mình? Dĩ nhiên là không! Ta càng không phải là ta nếu ta ăn mặc lôi thôi, không sửa soạn! Những điều đó phải làm một cách hợp lý và khôn khéo... và đôi khi với chút hài hước! Tất cả những gì làm cho ta dễ nhìn hơn là điều tốt: tô son, đánh phấn, kẻ đậm thêm lông mày, khoác chiếc áo may cắt vừa người làm giảm đi chỗ béo mập, đeo cặp kính vừa mắt làm tăng thêm vẻ đẹp... tất cả những điều đó là lành mạnh, làm cho ta thêm yêu mến tấm thân của ta được ban cho ta để ta tận hiến cho nhau. Và đó cũng là cách thức để ta nhìn tấm thân của bạn đường và yêu thích tấm thân đó. Người ta còn đi đến chỗ yêu thích những "gồ ghề" của tấm thân nữa là khác: như là một phát giác, một tang chứng về con người đó, bởi vì đó là của kẻ đó, và nó nói lên con người đó là "độc nhất", là vợ mình hay chồng mình. Nhìn như thế thì không thể chê vợ xấu, hay chồng già mà chạy đi tìm một tấm thân khác, trẻ hơn, hấp dẫn hơn, lực lượng hơn, vì tấm thân đó, dù hấp dẫn đến đâu, cũng không phải là tấm-thân-chồng-mình (hay vợ mình) mà mình đã nhận trước mặt Chúa để tận hiến cho nhau. Cho nên câu thề hứa kết hôn trước mặt Chúa có nghĩa rộng lớn như sau: "Anh (em) hứa sống với em (anh) lúc vui cũng như lúc buồn, lúc trẻ cũng như lúc già..., lúc khỏe cũng như lúc đau yếu, lúc giàu cũng như lúc nghèo..." Và đó là dấu chứng đích thực của tình yêu trưởng thành!

Ngoài người yêu mình ra, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, đi tìm "món ngon của lạ..." chỉ là tình dục, sự trao thân cho nhau chỉ là "le contact de deux épidermes" (hai làn da dập lên nhau) nói theo tây phương, mà khó dịch!

Phải thường xuyên tha thứ cho thân xác mình để yêu thương nó hơn để giúp nó tận hiến cho ta hơn, và sự tha thứ thân xác của bạn đường để họ dễ đón nhận hơn... Điều này phải làm vào bất kỳ tuổi nào và cái nhìn này cần được nuôi dưỡng dưới cái nhìn của Chúa. Sự giáo hóa này của cái nhìn là sự cần thiết cho tình yêu, vì tình yêu đó giúp ta nhìn người yêu như một ơn ban cho hoặc một tận hiến. Những vết nhăn trên thân xác người yêu vì sanh nở để lại, sẽ không xem đó như là một điều chê trách, nhưng là một điều nói lên cho một ơn huệ có ý nghĩa: vết nhăn trên gương mặt người vợ không phải là để gợi nhớ lại ước ao thời trẻ tuổi mà lại là dịp để ca tụng một cuộc đời hy sinh cho chồng con, nếu nói được thế.

Đôi bạn như thế sẽ dần dà xem thân xác của nhau, không dựa vào hình trên gương phản chiếu, mà chỉ qua cặp mắt của bạn đường chiêm ngắm vẻ đẹp độc nhất không tìm đâu ra được như thế, hoặc chỉ có riêng vợ hay chồng nhìn thấy được mà thôi. Chính cái nhìn của người vợ hay chồng để nói lên cái đẹp của hai người, không phải cái tâm tình mà ta có thể có phù hợp hay không đối với chuẩn mực của sự đẹp.

Cái gương soi của đôi bạn chính là con mắt nhìn của người kia. Chỉ có người chồng có thể nói với người vợ (và ngược lại) những lời trong Nhã Ca: I: 15-16)

- Nàng đẹp quá, Bạn-tình ơi, đẹp quá !

Đôi mắt nàng là một cặp bồ câu.

- Người yêu hỡi, anh tuấn tú làm sao !

Giường chúng ta là cánh đồng xanh ngát.

Cái nhìn qua lại để tỏ hiện cái đẹp độc nhất của bạn tình là kho tàng lớn lao của đôi trái tim tình yêu của họ, là mái ấm thánh thiêng và bí quyết của sự thầm kín của họ và sự hiến thân cho nhau.

III. THỨ THA VÀ KẾT HIỆP

Chúng ta được tạo dựng để sống đời sau vĩnh cửu. Đó là điều ta tuyên xưng lúc đọc Kinh Tin Kính: "Tôi tin có sự sống đời đời...", niềm hy vọng của người tín hữu do đức tin đảm bảo một cách chắc chắn. Đối với ai có ơn gọi sống đời hôn nhân thì đó là con đường chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu là điểm tối hậu của nhân loại. Trạng thái sống lại đó là gì? Là sự thần- thánh- hóa (divinisation), nền tảng của cuộc sống nhân loại, theo lời đức Gioan Phaolô II đã nói trong buổi triều yết ngày 9.12.1981.

Nghĩa là thế nào? Đơn giản là sự sống lại là tình-trạng sung mãn nhất của con người, bởi sự hoàn thành của ý nghĩa việc vợ chồng tận hiến thân xác cho nhau. Nói cách khác, trong sự sống lại thì sự khao khát hiệp thông với tư cách là con người, là sự khao khát cao độ nhất và toàn diện hơn cả của chúng ta mà chúng ta tìm cách thực hiện trong hôn nhân, sẽ đầy đủ bởi tác động của Thiên Chúa cho ta tận hiến chính mình cho Thiên Chúa. "Sự hiệp thông nội tại (của Tam Vị) trong Thiên Chúa, đức Gioan Phaolô II giải thích, sự hòa hợp của những gì là nhân-tính đối với những gì là thuần túy thiên-tính sẽ đạt tới đích điểm. Linh đạo mới mẻ này sẽ là hoa quả của ơn Chúa, nghĩa là Thiên Chúa hiệp thông trong chính thiên-tính của mình không chỉ là với linh hồn mà cả những gì là nhân-tính (Thuyết trình 12.1981)

Hôn nhân nhắm đến việc xây dựng trong ta cái khao khát hiến dâng toàn diện, rèn luyện cho nó lớn lên và chín mùi đến thỏa mãn mà chỉ có Thiên Chúa là Đấng thực hiện được mà thôi. Theo nghĩa đó, hôn nhân là một môi giới, môi giới mà những ai có ơn gọi đi tu thì được miễn, nghĩa là tận hiến chính mình cho Thiên Chúa ngay trần gian này. Bởi sự độc thân vì "Nước Trời" là một sự lựa chọn của kẻ đã thực hiện ngay ở trần gian này – dĩ nhiên còn là bất toàn-- sự tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa và sự đón nhận ơn của Thiên Chúa mà chỉ có thể thực hiện đầy đủ trên Nước Trời, sau khi mọi thân xác sống lại.

Đối với kẻ có ơn gọi hôn nhân -- đa số --, đời sống tình trạng hôn nhân chuẩn bị cho họ đi tới biến cố đó của Nước Trời. Tất cả việc làm của hôn-nhân là mỗi ngày một hơn, dẹp bỏ dần dà, những chướng ngại vật giúp cho ta nhận ơn Chúa đầy đủ nơi sự sống lại, sẽ thực hiện nhân bản trọn vẹn hơn bằng cách thụ hưởng chính Thiên Chúa trọn vẹn và đời đời được ghi trong con tim nam nữ, từ nguyên thuỷ.

Đó là cái đích cuối cùng và cao cả của hôn nhân trên bình diện thiêng liêng. Nhưng cái cùng đích đó được thực hiện trước hết bởi sự khiêm nhường do lòng tha thứ. Sự tha thứ là chặng đường bắt buộc phải đi qua của sự hiệp thông, bởi vì sự lỗi lầm (mà vợ chồng tha thứ cho nhau) là những điểm tai hại cho sự hiệp thông.

Vì thế, sự tha thứ là điều làm cho sự hiệp thông luôn mãi tái tạo. Phải đi qua sự ấy, nhờ sự tha thứ không ngừng, một đòi hỏi rộng lượng tha thứ --bảy mươi bảy lần bảy--, để gìn giữ sự hiệp thông. Sự tha thứ không thể là chuyện hiểu ngầm; nó phải được tỏ bày một cách khiêm tốn và được bộc lộ ra một cách rõ ràng. Các vị khổ tu trong đan viện hiểu rõ tâm lý về luật này, nên mỗi ngày vào giờ "thú lỗi" (chapitre de coulpes), các ngài đã vui vẻ thú nhận hay chấp nhận lỗi lầm của mình về nhân đức yêu thương anh em trong đan viện và xin anh em tha thứ. Không biết mình có lỗi lầm thực sự hay không, nhưng sự tự thú trước như thế, và khiêm tốn xin tha thứ, có thể cắt đứt được những lời bóng gió nói về mình hay đôi khi tố cáo sai lầm, bịa đặt về mình. Đó như là bức tường mà đan viện dựng lên để ngăn ngừa những sự thể như thế có thể xảy ra.

Đối với vợ chồng, sự tha thứ là đòi hỏi tiên khởi cho sự trưởng thành trong hiệp thông giữa vợ chồng. Không có tha thứ, nhiều cặp vợ chồng vẫn có thể sống được với nhau, nhưng chỉ là kiểu "góp gạo nấu chung", sống với nhau một cách hời hợt, không có tâm đầu ý hiệp về tâm hồn và thể xác. Ca dao Việt Nam đã nói:

"Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.

Vô duyên đối diện bất tương phùng".

Trong hôn nhân khi không có tha thứ, hoặc có xin mà không được chấp nhận thì giống như làn nước xoáy mòn nền nhà trước khi làm cho nó sụp đổ. Và khi mà đôi bạn tỏ bày sự tận hiến thân xác cho nhau, mà trước đó không thực là đã tha thứ cho nhau thì sự tận hiến đó chỉ còn là điều giả dối và không thể cho rằng là một sự kết hiệp thực sự. Hoặc ngày nay, bên trời Âu, nhiều bà vợ còn cho đó là sự "hãm hiếp" nữa! Kể ra cũng không sai lầm, vì là một thứ giao hợp ép buộc! Vì vậy tại sao sự tha thứ là sự bảo đảm cho sự trung thành đôi lứa, vì nó luôn đặt họ trước đòi hỏi về sự trung thực, sự thật và về sự hiệp thông giữa hai người.

Sự bất trung trong hôn nhân thường chỉ là tiếng dội của việc tha thứ, hoặc không xin, hoặc xin mà không chấp nhận, làm cho giữa hai người có vùng tăm tối, không nói ra, đau buồn, oán hận, thiếu thốn... dần dà trở nên môi trường cho sự dối trá. Sự tha thứ thường được duy trì nơi đôi bạn, trái lại gìn giữ mãi mãi trong sự đòi hỏi về sự thật làm cho sự trung thành trong đôi bạn bền chặt luôn. Phụng vụ thánh thể dạy cho ta biết sự xin tha thứ như là bước đầu bắt buộc trước khi chịu lễ, dọn lòng ta rước lấy Chúa bởi hai lần xin tha lỗi: Tôi cáo mình cùng Đức Chúa Trời...; Con chẳng đáng Chúa ngự vào lòng con, nhưng xin Chúa...

Từ sự tha thứ này, đến sự tha thứ khác, sự hiệp thông trong hôn nhân trở nên chính xác hơn, dứt khoát hơn, dù nó luôn luôn là chưa vẹn toàn, nhưng đào sâu trong ta sự khao khát, sự hiệp thông toàn diện mà chính Thiên Chúa, vào thời sau hết, sẽ là đối tượng và là nguyên nhân lấp đầy!

Xuân Giáp Ngọ 2014

(Phỏng theo tài liệu của đức Gioan Phaolô II)

Xin Chúa thánh hóa gia đình chúng con (2000)

Nhóm gia đình trẻ 2014