Học lý của Tin Mừng về tính bất khả tiêu



Theo RG, Chúa Giêsu dạy rằng ly dị và tái hôn kết cục là ngoại tình (xem Mt 5:32, 19:9; Mc 10:11–12; Lc 16:18). Nếu ly dị tiêu hủy hôn nhân, thì tái hôn đâu còn là ngoại tình nữa. Do đó, hẳn Chúa Giêsu có ý nói rằng ai ly dị mà mưu toan tái hôn sẽ không thành công, vì hôn nhân là bất khả tiêu. HC thừa nhận rằng hiện đang có “sự đồng thuận rộng rãi giữa các học giả Thánh Kinh Công Giáo” rằng “Chúa Giêsu chống đối ly dị và coi tái hôn là ngoại tình” (101) nhưng lại bác bỏ việc Chúa Giêsu “đưa ra một tuyên bố có tính hữu thể học về bản chất của dây hôn phối” (102). Sau khi xem sét lời giải thích của HC về giáo huấn của Chúa Giêsu, RG sẽ luận giải rằng lời nói của Người về ly dị chỉ có thể đọc một cách hợp lý như một tuyên bố về bản chất của dây hôn phối, và các đoạn Thánh Kinh có liên hệ phải được giải thích là nhất quán với nhau.

Lời giải thích của HC đối với giáo huấn của Chúa Giêsu về “tái hôn”

HC nói rằng câu porneia của Thánh Mátthêu đưa ra “một thứ ngoại lệ nào đó đối với lệnh cấm tuyệt đối của Chúa Giêsu” và dù Chúa Giêsu chống đối ly dị, Thánh Phaolô đã cho phép ly dị khi cuộc hôn nhân của một Kitô hữu với một người không có đức tin là một “trở ngại cho bình an và thánh hóa” (103). Họ chủ trương rằng vì “không có giáo huấn nào của Chúa Giêsu tách biệt với Giáo Hội… [nên người ta không thể giả dụ rằng] ‘điều nền nghiên cứu học giả coi như là chính lời Chúa Giêsu phán nhất thiết phải có tính quyết đáp đối với Giáo Hội” hơn luật trừ của Thánh Mátthêu và hình như của cả Thánh Phaolô nữa (104). Tuy không minh nhiên nói rằng giáo huấn của Chúa Giêsu mâu thuẫn, nhưng HC quả có nói rằng “các lời nói khác nhau” cho thấy các cộng đoàn Kitô Giáo tiên khởi tin rằng “‘thẩm quyền của Chúa Thánh Thần cho phép họ cải biến khi áp dụng các lời nói này của Chúa Giêsu’. Giáo huấn của Chúa Giêsu không y hệt giáo huấn của Giáo Hội tiên khởi” (105).

HC nhấn mạnh rằng các lời Chúa Giêsu nói về ly dị “không được tách khỏi ngữ cảnh và không được đọc chúng như các qui phạm luật pháp hoặc ngay cả các phương châm luân lý” (106) vì chúng diễn ra khi “Người đang dạy các môn đệ ý nghĩa của nước Chúa” (107). Họ nhận định rằng: “Chúa Giêsu, trong Mátthêu 5, được mô tả như một người giảng dạy một Torah đã được triệt để hóa đến nỗi nhìn thèm thuồng cũng bị coi là ngoại tình (5:27-28), và dịch bản của Thánh Máccô thì nằm giữa giáo huấn về việc tự cắt bỏ phần thân thể còn hơn là gây gương mù và lệnh truyền phải từ bỏ giầu sang, quyền thế, và tiếng tăm để theo Chúa Giêsu” (108). Như thế, các lời nói về ly dị phải được đọc như những câu tuyên bố có tính tiên tri, triệt để, như “những cách có tính biểu tượng để quả quyết rằng các đòi hỏi của nước Trời đụng đến các khía cạnh thân thiết nhất của đời người” (109), và nếu tách chúng ra khỏi ngữ cảnh ấy là “biến một lối minh họa tính triệt để của nước Chúa thành qui phạm tuyệt đối” (110).

Mặc dù thế, HC vẫn nghĩ rằng lời nói của Chúa Giêsu khi cho rằng ly dị kết cục là ngoại tình có sức mạnh qui luật. Tin Mừng kêu gọi tín hữu “sống một cách khác vì tương lai Thiên Chúa đã tới gần”. Vào thời Chúa Giêsu, một số người “đã trở thành quá nhân nhượng đối với ly dị. Chúa Giêsu rõ ràng chống lại chiều hướng phát triển này”. Với sự xuất hiện của Nước Trời, sáng thế phải được tái tạo trong sự tốt lành nguyên thủy của nó, và “ly dị không phải là thành phần trong ý hướng nguyên thủy mà Thiên Chúa có đối với sáng thế” (111). Do đó, HC nghĩ rằng rất có thể “Chúa Giêsu lịch sử dạy rằng ly dị chống lại thánh ý Thiên Chúa và người ta không nên thực hành điều ấy”. Trên căn bản này, họ kết luận: “đây là ý nghĩa giáo huấn của Chúa: ly dị là sai lầm và không nên xẩy ra, chứ không phải ly dị là sai lầm và không thể xẩy ra” (112).

Giáo huấn của Chúa Giêsu về ly dị và ngoại tình

Lý luận của HC hình như muốn ám chỉ: khi tuyên bố rằng tái hôn sau khi ly dị là ngoại tình, Chúa Giêsu chỉ sử dụng ngôn từ hình ảnh mà thôi, giống như lúc Người khuyên người ta tự cắt bỏ một phần thân thể để tránh tội lỗi. Tuy nhiên, theo RG, các lời triệt để của Người về việc yêu thương kẻ thù, đừng phán đoán người khác, và phải tha thứ không ngừng thường vẫn được coi như các hướng dẫn luân lý, và chính HC cũng cho rằng giáo huấn của Chúa Giêsu về ly dị và tái hôn là một qui luật luân lý. Thực thế, câu “con người không được phân ly” quả có tính qui phạm và, trong ngữ cảnh lời Chúa Giêsu, nó hàm chứa qui luật chống ly dị và tái hôn. HC hình như cũng đồng ý như thế nhưng lại cho rằng lời Chúa Giêsu ở đây chỉ là ngôn từ hình ảnh.

Tuy nhiên, theo RG, trong Tin Mừng Mátthêu, sở dĩ Chúa Giêsu long trọng quả quyết (“Và tôi cho các ông hay”) rằng ly dị là ngoại tình chính là để giải thích tại sao phải coi ly dị là bất hợp pháp. Người sẽ sai lầm và khiến người khác sai lầm khi đặt cơ sở cho qui luật này trên một chủ trương bề ngoài xem ra nghiêm chỉnh nhưng thực ra lại chỉ là ngôn từ hình ảnh. Hơn nữa, ngay dù ta có lý khi giả thiết rằng theo Chúa Giêsu, người ta có thể tiêu hủy điều Thiên Chúa đã kết hợp, thì quả khó mà có lý khi giả thiết rằng Chúa Giêsu không nhận ra sự sai lầm trong luận chứng của mình và lời Người có thể bị hiểu lầm. Và chắc chắn Người không cố ý đề xuất một lý luận sai lầm để dẫn các môn đệ đến chỗ sai lầm trong một vấn đề trầm trọng như vậy (113).

HC hình như muốn phản bác rằng người ta không thể an tâm gán cho Chúa Giêsu những lời về ly dị hoàn toàn bác bỏ việc tiêu hủy hôn nhân. Vì họ quả quyết rằng “Không thể nào tái tạo được các lời nói chính xác của Chúa Giêsu, dù các học giả xác quyết rằng Chúa Giêsu chống đối ly dị và coi tái hôn là ngoại tình” (114). Tuy nhiên, Meier thoạt đầu chấp nhận “sự đồng thuận của các học giả khi cho rằng một cách nào đó, trong một trình bày rõ ràng nào đó, Chúa Giêsu lịch sử đã ngăn cấm ly dị (và tái hôn)” nhưng sau đó lại cho rằng “việc Chúa Giêsu lịch sử dạy về lời cấm ly dị và tái hôn một cách toàn diện không hề có một song hành rõ rệt nào tại Qumran” (115). Fitzmyer cũng nhận diện hai câu nói về ly dị “có thể có lý coi như phát xuất từ Chúa Giêsu”; và một trong hai câu đó là “ai ly dị vợ mình và cưới người khác là phạm tội ngoại tình, và ai cưới người đàn bà bị ly dị cũng phạm tội ngoại tình” (116).

Câu “Porneia” của Thánh Mátthêu

Theo giáo huấn của Chúa Giêsu, khi có hai điều kiện sau đây, thì những người bước vào cuộc “hôn nhân” mới sẽ phạm tội ngoại tình: 1) các người phối ngẫu đã được Thiên Chúa kết hợp nay “ly dị”; 2) một trong hai người mưu toan tái hôn. Tuy nhiên, trình thuật của Thánh Mátthêu về giáo huấn này hình như có đưa ra một luật trừ trên cơ sở dâm ô hay porneia (117). Nếu câu này tạo nên một luật trừ thực sự, chắc chắn nó có ý nói tới các trường hợp trong đó, cả hai điều kiện trên đều hiện diện, ấy thế nhưng việc giao hợp trong cuộc hôn nhân thứ hai lại không phải là ngoại tình. Tuy nhiên, giải thích cách nào, thì câu này cũng không tạo ra một luật trừ thực sự. Một cách cho rằng porneia nói tới việc tội ngoại tình vi phạm tới hôn nhân đích thực; nhưng câu này chỉ cho phép ly thân mà thôi, chứ không phải mưu toan tái hôn. Dựa trên lối giải thích này, điều kiện thứ hai không có. Cách khác cho rằng porneia có ý nói tới hoạt động tính dục ngay bên trong một cuộc “hôn nhân” mà thực sự chưa bao giờ là hôn nhân đích thực. Dựa vào lối giải thích này, điều kiện thứ nhất không có.

Trừ phi porneia tạo nên một luật trừ thực sự, nó không thể sửa đổi giáo huấn của Chúa Giêsu rằng tái hôn sau khi ly dị là ngoại tình, và nhiều nhà chú giải đáng kính đã quả quyết rằng porneia không tạo ra một luật trừ thực sự. Trong những đoạn song hành, lời tuyên bố của Chúa Giêsu không có chi thêm bớt (xem Mc 10:2-12; Lc 16:18). Trong Tin Mừng Mátthêu, câu trả lời của Chúa Giêsu làm cho các môn đệ sửng sốt “nếu người chồng phải đối xử như thế với vợ mình, thì tốt hơn không nên kết hôn” (19:10) cho thấy họ coi lời tuyên bố của Người không có thêm bớt chi cả (118). Một số nhà chú giải cho rằng câu porneia chỉ cho phép ly thân chứ không cho phép tái hôn (119). Nhiều người khác cho rằng câu này có nghĩa: “cuộc hôn nhân” đầu không phải là cuộc hôn nhân giao ước như Thiên Chúa tạo nên (120). Nếu Thánh Mátthêu đưa ra một luật trừ thực sự, nghĩa là cho rằng một số cuộc hôn nhân giao ước có thể tiêu hủy được, thì ngài đâu có khai triển giáo huấn của Chúa Giêsu mà chắc hẳn sẽ bác bỏ lý luận của Chúa Giêsu, là giáo huấn cho rằng, vì hôn nhân có tính giao ước, nên ly dị và “tái hôn” sẽ phạm tội ngoại tình (121).

Dù vậy, RG cho rằng quan điểm của HC không tùy thuộc việc câu “ngoại trừ vì dâm ô” có tạo nên một luật trừ thực sự hay không; thực vậy, hình như họ ít chú tâm tới việc đó. Vì như ta đã thấy, họ không chấp nhận rằng Chúa Giêsu dạy: ly dị là việc không thể có. Bởi thế họ bảo: “dù hiểu porneia ra sao”, bất cứ thích ứng nào của Thánh Mátthêu chỉ đơn giản nhằm cho thấy “các môn đệ phải trung thành ra sao trong các hoàn cảnh không bao gồm trong lời mô tả về nước Thiên Chúa của Đấng Mêxia” (122).

Tuy nhiên, chủ trương như HC rằng Chúa Thánh Thần cho phép các tác giả Thánh Kinh sửa đổi đáng kể các giáo huấn của Chúa Giêsu về ly dị và tái hôn là chủ trương rằng Chúa Thánh Thần giúp các môn đệ của Chúa Giêsu không những biến làm của riêng và khai triển những gì Thiên Chúa mạc khải nơi Chúa Giêsu và qua Chúa Giêsu, mà còn tạo nên các luật trừ thực sự đối với tính bất khả tiêu tuyệt đối được Người giảng dạy, và như thế mâu thuẫn với giáo huấn của Người. Như HC từng chỉ rõ: “các thích ứng [nghĩa là các quả quyết] của Thánh Phaolô và của Thánh Mátthêu đều là giáo huấn linh hứng, giống như các lời Chúa Giêsu phán” (123). Do đó, nếu Thánh Mátthêu và Thánh Phaolô nói ngược với Chúa Giêsu, thì Chúa Thánh Thần tự mâu thuẫn với Người và với Chúa Giêsu.

HC cảnh cáo chống lại việc “đọc các phạm trù sau này thành ngôn từ và giáo huấn của Chúa”. Họ quả quyết rằng “hai điều kiện làm hôn nhân thành bất khả tiêu trong tâm trí Giáo Hội, tức nó vừa có tính bí tích vừa đã hoàn hợp, chưa bao giờ được Chúa Giêsu hay các tác giả Tân Ước nhắc tới ở chỗ nào”. Họ cho rằng trừ khi Chúa Giêsu có ý nói “không thể có ly dị khi một cặp đã chịu phép rửa, đã tỏ lời ưng thuận theo đúng hình thức giáo luật, và sau đó giao hợp tính dục”, thì “giáo huấn Công Giáo hiện thời quả không phù hợp với lệnh cấm ly dị của Chúa Giêsu” (124).

RG cho rằng lẽ dĩ nhiên, giáo huấn do Giáo Hội khai triển về hôn nhân không được dự ứng trong mạc khải được Tân Ước làm chứng. Chúa Giêsu có bao giờ nói tới một hôn nhân hoàn hợp, có tính bí tích đâu; Người chỉ nói tới sự hiệp thông thành một thân xác của vợ chồng, những người dính kết với nhau, được Thiên Chúa kết hợp với nhau. Khi bênh vực và áp dụng điều ấy và nhiều điểm gây ngạc nhiên khác của Thánh Kinh, Giáo Hội đã khai triển ra giáo huấn của mình về hôn nhân. Việc khai triển chân chính như thế chỉ đòi hỏi điều này: những gì được minh nhiên bác bỏ lúc được mạc khải nói lên từ đầu thì nay vẫn bị bác bỏ nhưng được hiểu tốt hơn, và những gì lúc đó được minh nhiên quả quyết thì vẫn được quả quyết nhưng được hiểu tốt hơn. Đây là trường hợp Giáo Hội khai triển giáo huấn của Chúa Giêsu về hôn nhân, vì Giáo Hội vẫn bác bỏ điều cho rằng ly dị tiêu hủy tính nên một do Thiên Chúa đem tới và vẫn quả quyết điều cho rằng mưu toan tái hôn sau khi ly dị là tạo ra mối liên hệ ngoại tình. Việc khai triển này liên quan tới vấn đề điều gì chính xác được kể là đã kết hôn và điều gì chính xác được kể là mưu toan tái hôn.
____________________________________________________________________________________________________________________
Ghi chú

[101] HC 466.
[102] HC 468.
[103] HC 465–66.
[104] HC 469; trích từ George MacRae, “New Testament Perspectives on Marriage and Divorce,” trong Divorce and Remarriage in the Catholic Church, ed. Lawrence Wrenn (New York: Paulist, 1973) 1–15, tại 11.
[105] HC 470; trích từ Mary Rose D’Angelo, “Remarriage and the Divorce Sayings Attributed to Jesus,” trong Divorce and Remarriage: Religious and Psychological Perspectives , ed. William Roberts (Kansas City: Sheed &Ward, 1990) 78–106, tại 79.
[106] HC 466.
[107] Ibid., trích Donahue, “Divorce” 5.
[108] HC 466.
[109] HC 467, trích Donahue, “Divorce” 5.
[110] HC 467.
[111] Ibid.
[112] HC 468.
[113] HC rất có thể nhấn mạnh rằng giáo huấn của Chúa Giêsu về ly dị, như trong cách trình bày của các Tin Mừng Nhất Lãm, không nên được hiểu theo nghĩa đen vì nó chịu ảnh hưởng của phong trào triệt để và cánh chung. Tuy nhiên, John P. Meier cho hay rằng: các nhà chú giải đã từ bỏ quan điểm này. Sau khi nhắc lại sự kiện: các chú giải xưa hơn thường cho rằng giáo huấn của Chúa Giêsu về ly dị đứng cùng phe “với Nhà Shammai có chủ trương chặt chẽ hơn, chống lại Nhà Hillel”, còn các công trình gần đây thì thường cho rằng giáo huấn của Chúa Giêsu phản ảnh “lối giải thích triệt để và cánh chung đối với Torah như đã thấy trong các sách cuộn Biển Chết tại Qumran”. Ông kết luận: “Bỏ ra ngoài Qumran và Mishna, lời Chúa Giêsu ngăn cấm ly dị xem ra không phát xuất bất cứ từ đâu trong Do Thái Giáo và cũng không đi tới đâu trong tôn giáo này” (“The Historical Jesus and the Historical Law: Some Problems within the Problem,” Catholic Biblical Quarterly 65 [2003] 52–79, tại 69–70 và 79).
[114] HC 466.
[115] Meier, “Historical Jesus” 69 số. 38, và 75.
[116] Fitzmyer, “Matthean Divorce Texts” 223. HC nhắc tới (466 số 40) Fitzmyer và hai nhà chú giải khác như sau: “J. Fitzmyer và G. MacRae tin rằng bản văn Luca gần nhất đối với các lời Chúa Giêsu thực sự nói, còn R. Collins thì cho rằng Mt 5:32 nếu bỏ câu ngoại trừ ra, sẽ gần gũi hơn với tuyên bố nguyên thủy”. Tuy nhiên, theo RG, HC chỉ chú ý tới các dị biệt của các nhà chú giải, mà không để ý sự kiện này: điều được các nhà chú giải nhất trí, tức việc Chúa Giêsu nói rằng tái hôn sau khi ly dị là ngoại tình, đã bác bỏ chủ trương cho rằng Chúa Giêsu chỉ coi ly dị là sai lầm.
[117] Các đoạn này là: “nhưng tôi nói cho các ông hay ai ly dị vợ, ngoại trừ trên cơ sở dâm ô [porneia], là làm nàng thành người ngoại tình”(Mt 5:32); “và tôi nói cho các ông hay: ai ly dị vợ, ngoại trừ vì dâm ô [porneia], và cưới một người khác, là phạm tội ngoại tình” (Mt 19:9).
[118] Thường được nhiều người khác đưa ra, điểm này đôi khi được các học giả Thánh Kinh chấp nhận: “Ta thấy rõ việc Thánh Mátthêu hiểu nghĩa tuyệt đối của lệnh cấm này qua sự ngỡ ngàng của các môn đệ. Nếu Chúa Giêsu chỉ đơn thuần cổ vũ chủ trương của Shammai hơn chủ trương của Hillel, thì khó có nguyên cớ cho lời tán thán đầy ngỡ ngàng ấy đến độ cho rằng thà không lấy vợ còn hơn” (John P. Meier, Matthew [Wilmington, Del.: Michael Glazier, 1980] 216).
[119] Collins (năm 1992) nhận định rằng một số nhà chú giải đương thời đã “mạnh mẽ đề xuất” quan điểm này (Divorce in the New Testament 199–200). Tuy nhiên, HC bác bỏ quan điểm này, coi nó như “eisegesis” (diễn giải, tức thêm ý của mình vào) (470 số 53). Nhưng Luz, một học giả tinh tường của Thệ Phản, người vốn nhất trí với HC rằng hôn nhân có thể bị tiêu hủy, đến năm 2001, lại bênh vực quan điểm này và đưa ra kết luận: “Khoa chú giải vốn chứng minh rằng tập tục Công Giáo bác bỏ ly dị nhưng lại cho phép các người phối ngẫu có những sắp xếp sống ly thân có lẽ phù hợp hơn cả đối với ý hướng của tin mừng Mátthêu” (Matthew 8–20 494; xem 492–94).
[120] Fitzmyer cho rằng giải thích porneia là ngoại tình “là mở cửa cho phản bác hiển nhiên này là: nếu Thánh Mátthêu muốn hiểu như thế, hẳn ngài phải viết là moicheia, một từ ngữ ngài từng biết và từng sử dụng” (“Matthean Divorce Texts” 209). Tác giả này quả quyết: “Trong thế kỷ thứ nhất đã có sự hỗ trợ rõ ràng đối với lối giải thích coi porneia trong Mt 5:32 và 19:9 có nghĩa chuyên biệt của chữ zenut tức các cuộc kết hợp hôn nhân bất hợp pháp (illicit) giữa những người có liên hệ họ hàng gần” (221). Cũng xin xem Aloysius M. Ambrozic, “Indissolubility of Marriage in the New Testament: Law or Ideal?” Studia canonical 6 (1972) 269–88.
[121] Đạt tới cùng một cốt lõi kết luận, Witherington, khi bình luận về cả hai đoạn văn của Tin Mừng Mátthêu (và cả đoạn Mc 10 và 1Cor 7), đã quả quyết rằng “Quan điểm nền tảng của Chúa Giêsu là không có ly dị”. Giống nhiều nhà chú giải khác, Witherington chủ trương rằng porneia có lẽ nói tới “các cuộc hôn nhân” không hợp lệ (tức những cuộc hôn nhân được GH Công Giáo coi là vô hiệu). Ông kết luận: “việc tiêu hủy các cuộc hôn nhân này không vi phạm gì tới liên hệ hôn nhân được Chúa vinh danh. Ngoài ra, hình như Chúa Giêsu nói rằng khi Thiên Chúa đã kết hợp hai con người lại với nhau, mà người chồng lại ly dị vợ, thì Thiên Chúa vẫn coi họ như những người lấy nhau, bởi đó mới có ngôn từ mạnh mẽ về người vợ tái giá bị buộc phạm tội ngoại tình” (Matthew 134).
[122] HC 469. Như đã thấy, các học giả Thánh Kinh, trong đó, nhiều người được HC trích dẫn, quan tâm tới việc xác định xem câu “ngoại trừ vì dâm ô” thực sự có nghĩa gì. Trước nhất, trên danh sách của HC liệt kê các học giả thỏa hiệp được một “đồng thuận theo nghĩa rộng… khi thảo luận 5 bản văn Tân Ước bàn đến thái độ của Chúa Giêsu đối với ly dị” (HC 465) có Raymond F. Collins, là người nhấn mạnh rằng nhiều nhà chú giải đương thời cho rằng porneia “có nghĩa một cuộc hôn nhân trong vòng liên hệ bị cấm đoán” (Divorce in the New Testament [Collegeville, Minn.: Liturgical, 1992] 202). Tuy nhiên, bất chấp nhiều lý do được ông diễn dịch để kết luận cách khác (202–3), Collins vẫn cho rằng porneia có nghĩa ly dị (211–13). Nhưng xin xem Luz (số 119 ở trên) và Fitzmyer (số 120 ở trên).
[123] HC 469–70.
[124] HC 468.