Tại sao việc ưng thuận hôn nhân giao ước lại bất khả thu hồi
HC giả thiết rằng vì ưa thích ngôn ngữ giao ước hơn ngôn ngữ khế ước, Vatican II đã định nghĩa lại hôn nhân. Tuy nhiên, theo RG, Công Đồng không hề nói ngược lại bất cứ điều gì Giáo Hội trước đó vẫn thường dạy về bản chất của hôn nhân hay các đặc tính chủ yếu của nó (54).

Cam kết hay ưng thuận?

HC chủ trương rằng liên hệ hôn nhân “lớn hơn tình bạn” (55) và lời ưng thuật kết hôn lớn hơn cam kết trong các liên hệ thông thường (56). Nhưng đối với HC, liên hệ vợ chồng, trong yếu tính, cũng tương tự như liên hệ của những tình bạn thông thường. Người ta gặp nhau, cảm nhận sự âu yếm, bắt đầu hứa hẹn, và cuối cùng trở thành cam kết với nhau một cách sâu sắc. Đối với HC, việc ưng thuận kết hôn cũng hành động tương tự như thế. Nó là một cam kết, được thúc đẩy bởi tình yêu, một cam kết, giống các hứa hẹn bạn bè làm với nhau, đều có tính bất khả thu hồi. Do đó, HC phản biện rằng “Không trong lãnh vực hứa hẹn nhân bản nào, truyền thống Công Giáo lại chủ trương tính bất khả thu hồi của cam kết nhân bản cả” (57) và coi như “không những sai lầm, mà còn không thể nào gác qua một bên các nghĩa vụ phát sinh từ các lời thề hứa mà các cá nhân đã đưa ra” (58). Nhưng, như RG sẽ minh giải, HC hiểu lầm “sự ưng thuận bất khả thu hồi”.

Nghĩa trong phát biểu của Vatican II trở nên rõ ràng khi ta xem xét hai yếu tố khác biệt trong “Lời Ưng Thuận” của nghi lễ hôn phối: chữ “nhận” và chữ “hứa” của vợ chồng. “Nhận”là việc họ chọn nhau làm người phối ngẫu (Anh [em] X nhận em [anh] Y làm vợ [chồng]). “Hứa” là cam kết của họ sẽ chu toàn các trách nhiệm vợ chồng (anh [em] hứa sẽ giữ lòng chung thủy…). Ta có thể gọi câu trước là “ưng thuận đơn thuần” (sheer consent) và câu sau là “cam kết” (59). RG cho rằng HC coi ưng thuận như thể chỉ là cam kết. Rồi, vì cam kết có thể thu hồi được, nên họ giả thiết rằng vợ chồng cảm nhận cuộc hôn nhân của họ tan vỡ hoàn toàn lúc, sau khi phá bỏ các thề hứa, cuối cùng đã thu hồi cam kết căn bản của họ.

Tuy nhiên, theo RG, Giáo Hội không dạy rằng lời thề hứa với nhau của vợ chồng là bất khả tiêu; Giáo Hội dạy rằng cuộc kết hợp vợ chồng của họ, được dẫn khởi bởi việc ưng thuận đơn thuần và hoàn hợp, là điều bất khả tiêu. HC đã không lưu ý tới “ưng thuận đơn thuần” (sheer consent). Mặt khác, hôn nhân không phải là trường hợp duy nhất trong đó ưng thuận với việc thủ diễn thân xác đem đến một kết hợp không thể bẻ gẫy. Trong phép Rửa, ý muốn và tác phong rửa của Chúa Giêsu và của những người được rửa kết hợp họ một cách bất khả hủy tiêu với Người. Ngay cả khi người được rửa tội từ bỏ đức tin, họ vẫn là chi thể của Chúa Kitô (60).

Hiệp thông hữu vị bất khả tiêu

RG cho rằng: khi sử dụng ngôn ngữ giao ước để nói về hôn nhân, Vatican II không thích ứng một ý niệm lãng mạn hiện đại mà là phục hồi một ý niệm tôn giáo thời xưa (61). Ngay những người ngoại giáo đôi khi cũng thực hiện một giao ước: tức “một thỏa hiệp long trọng giữa các quốc gia, giữa các dân tộc, giữa các cá nhân, tạo ra một liên hệ có tính trói buộc và bất khả vi phạm” (62). Giao ước xử lý với những con người chứ không phải sự vật. Giao ước lấy Thiên Chúa (hay các thần minh), chứ không phải chỉ là thế giá phàm nhân làm chứng nhân và người bảo đảm, và do đó là vĩnh viễn chứ không tạm bợ. Giao ước là thánh thiêng chứ không phàm tục (63).

Sau khi Thiên Chúa cứu Dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, Người đề nghị với Môsê một giao ước và cho ông hay điều Người muốn thấy nơi dân. Môsê chuyển đề nghị của Thiên Chúa cho dân, và họ ưng thuận: “mọi lời Thiên Chúa đã nói chúng tôi sẽ làm” (Xh 24:3) (64). Môsê sau đó đã dâng hy lễ; máu đã “được đổ lên bàn thờ vốn biểu tượng cho Giavê, và được rẩy lên những người giao ước, do đó, đã thiết lập ra một giao ước máu hay một thứ quan hệ thân thuộc giữa Thiên Chúa và dân Người (65). Khi đề nghị của Thiên Chúa đã được chấp nhận và giao ước đã được sinh động nhờ máu, Môsê và các nhà lãnh đạo khác “đã được chiêm ngưỡng Thiên Chúa, và được ăn uống” (Xh 24:11; xem 9-11). Như thế, nhờ khởi xướng cuộc sống với nhau, Thiên Chúa và Israel đã hoàn toàn thiết lập ra giao ước Sinai (66).

Nơi và nhờ Chúa Giêsu, Thiên Chúa đề nghị với nhân loại một giao ước. Chúa Giêsu nói với người ta điều Thiên Chúa mong chờ nơi họ và, vì luôn làm theo thánh ý Chúa Cha, Người đã dẫn dắt các môn đệ của Người tới việc ưng thuận lời đề nghị của Thiên Chúa. Những ai chấp nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu đều cột nối sự ưng thuận của họ vào sự ưng thuận của Người qua hành vi đức tin lúc rửa tội. Khi vâng lời Chúa Cha, Chúa Giêsu đã tự ý chấp nhận sự chết và dâng chính máu Người để đem lại sinh khí cho giao ước mới. Khi người chịu phép rửa tham dự Thánh Thể và rước Lễ, họ hoàn toàn được tháp nhập vào hiệp thông của giao ước mới và bắt đầu chia sẻ cuộc sống chung của hiệp thông này. Khi không những ăn và uống trước mặt Thiên Chúa mà còn ăn mình và uống máu Thiên Chúa làm người, các Kitô hữu trở thành chi thể của chính thân thể Người, là Giáo Hội, vốn là Hiền Thê của Người, một Hiền Thê vốn được kết hợp với Người bằng một sợi dây bất khả tiêu (67).

“Kết hợp bằng một sợi dây” có nghĩa gì? Kiểu nói này có thể có nhiều ý nghĩa đôi chút khác nhau. Nó có thể khiến ta nghĩ tới đoàn tù bị xiềng xích với nhau. Vì ngoại tại với họ, xiềng xích này không thể kết hợp họ trong một hiệp thông hữu vị và cũng không thể kết hợp họ một cách bất khả tiêu. Xiềng xích này rất dễ bị tháo bỏ. Khi Michelangelo vẽ sơn lên vữa tường, hai chất này được liên kết với nhau đến nỗi dù không có bất cứ sợi dây ngoại tại nào, chúng đã trở thành một bức bích họa. Trong thực tại mới duy nhất này, sơn và vữa tường đã kết hợp một cách bất khả tiêu, và chỉ có việc tiêu hủy chúng mới có thể tiêu hủy được bức bích họa. Tuy nhiên, sự kết hợp bất khả tiêu giữa sơn và vữa tường không phải là một hiệp thông hữu vị. Vì bàn tay là nội tại của người ta, nên việc nắm tay nhau có thể kết hợp một cặp nào đó trong một hiệp thông hữu vị, nhưng không bất khả tiêu. Bất kể cái nắm tay nhau này nồng nàn đến đâu, bàn tay của mỗi người đều dễ dàng bị rút lại và thủ thế khi tình âu yếm nguội đi.

Trái lại, hiệp thông hữu vị bất khả tiêu có tính giao ước. Giao ước mới giữa Thiên Chúa với nhân loại, chẳng hạn, không kết hợp hai bên bằng bất cứ điều gì ngoại tại đối với họ hay bằng các hành động của họ mà thôi, mà bằng Chúa Giêsu, Đấng duy nhất vừa là người vừa là Thiên Chúa. Khi nối kết với nhau, dù không đánh mất bất cứ điều gì nơi bản thân, Chúa Giêsu và các chi thể của Người trở thành một thực tại mới duy nhất, tức Nhiệm Thể, một Nhiệm Thể cuối cùng sẽ được biến đổi thành vương quốc mãi mãi. Như thế, là các chi thể của Chúa Giêsu, những ai thừa hưởng nước này sẽ sống mãi trong hiệp thông hữu vị cận kề và bất khả tiêu với Thiên Chúa.

Giáo huấn của Chúa Giêsu về tính bất khả tiêu

Hôn nhân cũng là một giao ước bất khả tiêu, mà Chúa Giêsu, dù không dùng các chữ này, đã chứng tỏ khi được hỏi liệu ly dị có phải là “điều hợp pháp” hay không (68). Người bắt đầu luận chứng của Người bằng cách nhắc nhớ việc thiết lập ra hôn nhân khi Thiên Chúa dựng nên nó (“Há các ông không đọc rằng Đấng dựng nên họ ngay từ đầu đã dựng nên họ có nam có nữ, và phán, ‘vì lẽ đó, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình và kết hợp với vợ, và cả hai sẽ trở nên một thân xác?’”). Rồi Người rút ra kết luận đầu tiên: cả hai là một thân xác (“Do đó, họ không còn là hai mà chỉ là một thân xác”) (69). Từ đó, Người rút ra thêm một kết luận nữa: vì được Thiên Chúa đem tới, việc kết hợp của đôi lứa có tính thánh thiêng và bất khả vi phạm, đến nỗi ly dị là không hợp luật (“sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”). Đối với phản biện cho rằng Môsê cho phép ly dị, Chúa Giêsu trả lời rằng các cuộc hôn nhân như thế không phù hợp với kế hoạch Thiên Chúa (“từ nguyên thủy, không phải như vậy”). Người long trọng xác quyết (“Tôi cho các ông hay”) rằng bất cứ mưu toan nào nhằm tiêu hủy một kết hợp hôn phối do Thiên Chúa thiết lập đều thiết yếu sai lầm (“bất cứ ai ly dị vợ mình (70), trừ trường hợp dâm bôn, và cưới một người khác, là phạm tội ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị ly dị, cũng phạm tội ngoại tình”) (Mt 19:3-9; xem 5:31-32, Mc 10:2-12, Lc6:18) (71).

Luận chứng của Chúa Giêsu có thể được giải thích về phương diện thần học (72). Vì Thiên Chúa tạo nên người nam và người nữ, nếu để họ “một mình” thì “không tốt” (St 2:18), nên hôn nhân là điều tốt tự nhiên. Sự tốt lành này dẫn người đàn ông và người bà tới quyết định chia sẻ nó (ưng thuận lấy nhau) đến độ sẵn sàng phân ly khỏi gia đình gốc. Là vợ là chồng, họ dính kết với nhau (hoàn hợp hôn nhân của họ), và do đó, cột chặt lại với nhau, không còn là hai mà đã trở nên một thân xác (sợi dây này có tính nội tại, đến nỗi, dù dị biệt, họ vẫn chỉ là một thực tại mới duy nhất). Như một điều thực sự mới mẻ, sự nên một này chỉ có thể do Đấng Tạo Hóa tạo nên, và một khi đã được tạo nên, nó không còn lệ thuộc quyết định nhân bản nữa; do đó, không nên mưu toan ly dị(sự kết hợp nội tại không đơn thuần là một khế ước, mà là một giao ước). Khi một cặp lấy nhau theo giao ước mưu toan phá bỏ hôn nhân và tái hôn, thì thực sự họ không được làm thế (sợi dây giao ước, tức sự kết hợp vợ chồng do Thiên Chúa ban cho, chỉ có thể bị tiêu hủy bằng sự chết). Họ đã phạm tội ngoại tình.

Sự hoàn hợp đem lại điều gì?

HC cho rằng “Hoàn hợp muốn nói tới việc hoàn tất điều gì đó hay đem điều gì đó tới hoàn thành” và đặt câu hỏi liệu người ta có thể nhận diện cách hợp lý hành vi giao hợp đầu tiên sau khi ưng thuận “như là hoàn tất dứt khoát giao ước tự hiến trọn vẹn của hôn nhân” (73). HC cho rằng việc nhận diện này hợp luận lý khi hiểu hôn nhân theo nghĩa khế ước tức nghĩa coi hôn nhân như một trao đổi quyền hưởng tính dục, vì “cuộc trao đổi này được đóng ấn bởi việc thi hành lần đầu quyền ấy” (74). Nhưng nếu hiểu hôn nhân theo nghĩa giao ước, tức nghĩa coi hôn nhân như việc chung chia (consortium) sự thân mật kéo dài suốt đời, thì người ta ít thấy rõ việc lần đầu giao hợp ấy “biểu tượng thích đáng cho việc hoàn hợp” (75).

RG cho rằng “Biểu tượng hoàn hợp” của HC rõ ràng sai lạc. Trong giáo huấn và luật học của Giáo Hội, hành vi giao hợp đầu tiên của vợ chồng không biểu tượng cho hoàn hợp mà là tạo nên sự hoàn hợp. Ý nghĩa chuyên biệt của hành vi ấy không phải là đóng ấn một trao đổi bằng việc thi hành một quyền lợi lần đầu tiên. Đúng hơn, hành vi giao hợp vợ chồng lần đầu hoàn tất việc họ cộng tác vào diễn trình hình thành việc kết hợp của hai thân xác thành một theo giao ước (the coming-to-be of their two-in-one-flesh covenantal union).

Mặc dù sự ưng thuận hỗ tương của vợ chồng tức việc họ tự ý hiến mình đã khởi diễn sự hiệp thông vợ chồng, nhưng như Đức Gioan Phaolô II từng dạy, sự ưng thuận này có nghĩa một thực tại chỉ đạt tới hiện hữu hoàn toàn nhờ sự hoàn hợp. Ngài giải thích: sự ưng thuận tự nó chỉ là dấu chỉ việc tiến vào hiện hữu của hôn nhân (coming into being of marriage). Và việc tiến vào hiện hữu của hôn nhân này khác với sự hoàn hợp của nó ở chỗ không có sự hoàn hợp này, hôn nhân chưa được thiết dựng trong tính thực tại đầy đủ của nó. Sự kiện hôn nhân đã được ký kết về phương diện luật pháp nhưng chưa được hoàn hợp (ratum – non consummatum) tương ứng với sự kiện nó chưa được thiết dựng đầy đủ như một hôn nhân. Thực vậy, theo RG, chính những lời “anh nhận em làm vợ”, hay “em nhận anh làm chồng” không những nói đến một thực tại nhất định, nhưng chúng chỉ được hoàn thành nhờ việc vợ chồng giao hợp. Hơn nữa, thực tại này (việc vợ chồng giao hợp), ngay từ đầu, đã được xác định bởi định chế của Đấng Tạo Hóa: “Do đó, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mình và gắn bó với vợ, và họ trở nên một thân xác” (xem St 2:24) (76).

Trích dẫn từ Sách Sáng Thế trên đã tạo cơ sở cho câu tuyên bố của Chúa Giêsu rằng mưu toan tái hôn sau khi ly dị là phạm tội ngoại tình. Như thế rõ ràng là Người có ý nói tới mưu toan tái hôn sau khi cả hai đã trở thành một thân xác: cho tới khi vợ chồng hoàn hợp hôn nhân của họ qua hành vi giao hợp phu phụ đầu tiên ấy, họ vẫn chưa được Thiên Chúa kết hợp mật thiết đến độ không gì, trừ sự chết, mới phân rẽ được họ. Như thế, thực hành của Giáo Hội trong việc hủy tiêu các cuộc hôn nhân chưa hoàn hợp là nhất quán với giáo huấn của Chúa Giêsu.

Bỏ qua ý nghĩa ấy của hành vi giao hợp vợ chồng lần đầu, HC đã coi hoàn hợp không phải là diễn trình hình thành việc kết hợp vợ chồng mà là việc hoàn thiện hóa liên hệ vợ chồng. RG cho rằng: tuy nhiên, nếu mối liên hệ ấy tương tự như tình bạn, như HC chủ trương, thì ta khó nắm được ý nghĩa của sự hoàn hảo hóa này. Tình bạn luôn thịnh suy và không bao giờ hoàn hảo cả. Như thế, theo quan điểm của HC, chính vợ chồng cũng không bao giờ biết cuộc hôn nhân của họ đã được hoàn hợp hay chưa (77).

Hôn nhân – giao ước hay chỉ là khế ước?

Theo RG, lời tuyên bố của Vatican II, rằng “Giao ước, hay sự ưng thuận hữu vị bất khả thu hồi, của hôn nhân tạo ra sự chia sẻ thân mật cuộc sống và tình yêu vợ chồng như đã được Tạo Hóa thiết lập” (78), đã tóm lược chân lý này rằng sự ưng thuận kết hôn, trong ý định của Thiên Chúa, là một sự ưng thuận có tính giao ước, và cô dâu cùng chú rể, khi hoàn hợp sự ưng thuận này bằng cách trở nên một trong hành vi giao hợp phu phụ, thực đã được Thiên Chúa kết hợp một cách bất khả tiêu. Dây hôn phối bất khả tiêu không là gì khác ngoài chính sự kết hợp có tính giao ước này. Không phải chỉ là một ý niệm luật pháp, dây này chính là vợ chồng, được coi như không còn phải là hai nữa mà chỉ là một.

Ấy thế nhưng, theo RG, HC đã coi dây hôn phối, về phương diện hữu thể học, tương tự như những sợi dây do các sinh hoạt như ăn chung một bữa tối tạo ra, và nhấn mạnh rằng nó “không hơn không kém chính là mối liên hệ nhân bản” (79), và chủ trương rằng nó “cố hữu ngay trong những con người tạo nên mối liên hệ” (80). Nại tới “nền triết học kinh viện cổ truyền” để hỗ trợ cho quan điểm của mình, HC giải thích liên hệ như là tùy thể (accident) theo nghĩa Aristốt, và kết luận rằng “Do đó, khi nói tới thực tại tính của dây hôn phối, hẳn Giáo Hội muốn nói tới thực tại tính của người đàn ông và của người đàn bà, những người đã đem lại cho đời mình một xu hướng toàn diện bằng cách thề hứa rằng mình sẽ sống chung với nhau như chồng và vợ” (81).

RG cho rằng không may, triết học Kinh Viện dựa trên luận lý học và siêu hình học của Aristốt không có chỗ nào dành cho kết hợp giao ước cả. Giản lược sợi dây giao ước giữa Chúa Kitô và Giáo Hội vào tùy thể rõ rệt của mối liên hệ cố hữu giữa hai chủ thể này là bênh vực tính khả tiêu đến độ bác bỏ thực tại của chính sự kết hợp này. Thực hiện một sự giản lược tương tự như thế đối với sợi dây giao ước giữa hai người phối ngẫu là bác bỏ thực tại tính của hôn nhân (82). Hơn nữa, bênh vực tính khả tiêu này là hàm nghĩa đã sai lầm trong ý niệm coi các ngôi vị thần linh cũng như nhân bản như các bản thể cá vị theo nghĩa Aristốt mà tính tách biệt không thể bị vượt qua dù là bởi những kết hợp yêu thương do Thiên Chúa đem đến.

Theo RG, nếu hôn nhân chỉ là một khế ước, thì việc HC bác bỏ tính bất khả tiêu có thể có nghĩa, vì như Haring từng nhận định, người ta thường hiểu rằng một khế ước có thể “bị thu hồi do thoả thuận hỗ tương” (83). Nhưng đôi lứa Công Giáo khi “kết ước” hôn nhân, luôn hiểu rằng chỉ sự chết mới kết liễu được nó. Bất kể dùng chữ “giao ước” hay chỉ vui hưởng một liên hệ lãng mạn, cái hiểu của họ về hôn nhân vẫn thực sự có tính giao ước (84).

Nói tóm lại, RG cho rằng hôn nhân khác với các liên hệ khác của con người: nó là một sự chung chia đầy thân mật cuộc sống và sự chung chia này có định hướng kéo dài mãi mãi. Trong khi ấy HC lại coi sợi dây luân lý, trong yếu tính, vẫn như nhau dù là trong hôn nhân hay trong tình bạn. Cho nên, theo quan điểm luân lý, hôn nhân đến rồi đi giống như tình bạn vậy. Như thế, liên hệ hôn nhân có thể đổ vỡ hòan tòan, và khi nó đổ vỡ, điều còn lại là điều có thể tiêu hủy được. HC cho rằng họ tìm thấy trong giáo huấn của Vatican II nhiều điều ủng hộ chủ trương của họ. Tuy nhiên, thực tế ra, khi coi hôn nhân như một giao ước, Công Đồng chỉ lặp lại bằng ngôn từ Thánh Kinh và khai triển đáng kể giáo huấn truyền thống, tức giáo huấn dạy rằng sự kết hợp của vợ chồng không phải chỉ do hai vợ chồng mà còn Do Thiên Chúa đem lại, và do đó bất khả tiêu. Theo RG, trong cách giải thích của HC về giao ước hôn nhân, tình yêu lãng mạn đã thay thế “sự ưng thuận hữu vị bất khả thu hồi”. Giản lược sự ưng thuận vào cam kết mà thôi, làm ngơ ý nghĩa của hoàn hợp, và bất kể vai trò của Thiên Chúa trong việc phát sinh ra sự kết hợp giao ước, HC đã rất hợp luận lý nhưng rất sai lầm khi bênh vực tính khả tiêu dù là trong các cuộc hôn nhân đã thành hiệu và hoàn hợp.
_______________________________________________________________________________________________________________________
Chú thích

[54] Thí dụ, tương phản của HC giữa giao ước và khế ước không vững vàng bao nhiêu: “Tuy nhiên, Công Đồng không dùng giao ước để loại bỏ hẳn sự hiện diện của các yếu tố khế ước trong các lời thề ước hôn nhân (điều hơn có thể chứa điều kém), nhưng Công Đồng muốn các yếu tố có nghĩa hẹp về luật pháp được lồng vào ngữ cảnh thánh” (Ladislas Orsy, Marriage in Canon Law: Texts and Comments, Reflections and Questions [Wilmington, Del.: Michael Glazier, 1988] 50).
[55] HC 481.
[56] “Lời thề hứa hôn nhân chắc chắn hướng tới cam kết suốt đời, người đưa ra lời thề hứa khát mong có được sự tự hiến toàn diện và dứt khoát vốn là mục đích riêng của hôn nhân” (HC 489). Dù không nhắc tới những cuộc hôn nhân đa ái (polyamorous), đa hôn hay đồng tính, ý niệm hôn nhân của HC có thể bị khai thác để hỗ trợ cho quan điểm chủ trương rằng miễn là các bên cam kết chia sẻ trọn cuộc đời với nhau, thì những mối liên hệ như thế đều là những cuộc hôn nhân “giao ước” cả.
[57] HC 489.
[58] HC 490.
[59] The Rites of the Catholic Church as Revised by Decree of the Second Vatican Council . . . , 2 vols. (New York: Pueblo, 1976) 1:541; hình thức thay thế được chấp thuận cho Hoa Kỳ để nói lời “ưng thuận đơn thuần” là “Anh T. lấy Em T. … cho đến chết mới chia tay”, còn nói “cam kết” là “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan…” (541–42).
[60] Xem Sách Giáo Lý số 1272.
[61] Xem Palmer, “Christian Marriage” 617–39.
[62] Ibid. 618.
[63] Xem ibid. 618, 639.
[64] Mọi trích dẫn Thánh Kinh của RG đều lấy từ RSV, ấn bản Công Giáo.
[65] Palmer, “Christian Marriage” 654; xem XH 24:5–8.
[66] Bắt đầu với Hôsê, một số tiên tri “mô tả giao ước của Giavê với Israel theo ngôn từ hôn nhân nhân bản”, và trong Malaki, vào khoảng ba thế kỷ sau Hôsê, “từ ngữ ‘giao ước’được trực tiếp áp dụng cho hôn nhân giữa người Do Thái với nhau”. Malaki “tìm thấy trong lòng bất trung của cá nhân Do Thái đối với vợ mình lý do để Giavê từ khước chấp nhận lễ hy sinh họ dâng lên Người. ‘Chính bởi vì Giavê đứng làm chứng nhân giữa ngươi và vợ ngươi, người vợ ngươi đã bẻ gẫy niềm tin , dù nàng vốn là vợ ngươi theo giao ước… Vì Ta ghét ly dị, Giavê, Đấng Thiên Chúa của Israel, phán thế’ (2:14–15)” (Palmer, “Christian Marriage” 620–21). Như thế, ly dị là điều kinh tởm đối với Thiên Chúa chính bởi vì hôn nhân có tính giao ước.
[67] Xem ibid. 654.
[68] Trong khi Malaki nói rõ: ly dị là điều kinh tởm đối với Thiên Chúa vì hôn nhân có tính giao ước (2:13–16), thì Chúa Giêsu mạc khải rằng đặc tính bất khả tiêu của hôn nhân khiến ly dị ra kinh tởm. Sự nhất quán của điều Môsê nhân nhượng với tính bất khả tiêu của giao ước hôn nhân được bàn tới trong bản văn đi kèm các số 89-100; sự nhất quán của thuật ngữ porneia với tính bất khả tiêu được bàn tới trong bản văn đi kèm các số 117-24.
[69] Bản dịch RSV (tiếng Anh) bỏ chữ “thân xác” nhưng có ghi chú: “Bản Hy Lạp một thân xác”.
[70] “Trước khi Chúa Giêsu tái lập hôn nhân trở lại tư cách giao ước, Người phải tái lập cho người đàn bà các quyền hôn nhân người ta từng bác bỏ nơi nàng. Do đó, ít nhất đối với xã hội Do Thái, đặc tính cách mạng trong tuyên bố của Chúa Giêsu đã được Máccô ghi lại như sau: ‘Bất cứ ai ly dị vợ mình và cưới người đàn bà khác là phạm ngoại tình đối với nàng’ (10:11)” (Palmer, “Christian Marriage” 623). Tuy vậy, khi cảnh cáo chống ly dị, Chúa Giêsu tập chú vào đàn ông, vì ly dị nói chung đều cho người chồng quyết định, chứ không phải người vợ.
[71] Gần đây, lời chú giải được nhiều người coi trọng về Mt 19:3-9 xác nhận rằng Chúa Giêsu tuyệt đối loại bỏ ly dị. Joseph A. Fitzmyer nhận định: “điều hết sức ngạc nhiên trong cuộc nghiên cứu hiện đại về các Tin Mừng và nhất là về các đoạn nói tới ly dị là con số các nhà chú giải cho rằng nguồn gốc một số hình thức ngăn cấm ly dị phát sinh từ Chúa Giêsu, và thường có tính tuyệt đối. Nếu lối phân tích tôi đã theo đuổi trên đây có chút giá trị nào, thì hẳn nó sẽ dẫn ta tới kết luận rằng việc tuyệt đối ngăn cấm ly dị đã phát sinh từ chính Chúa Giêsu. Ngày nay, khi nghe nói các nhà chú giải sử dụng các nguyên tắc phân tích hình thức hay phân tích soạn thảo (redaction criticism) để phân tích các bản văn Tin Mừng, người ta ít nhiều mong học được từ họ một lối giải thích cấp tiến hay ‘giải phóng’ nào đó. Nhưng trong trường hợp này, sự việc không như vậy. Phán đoán theo lối phê bình hình thức, các bản văn ly dị trong Tân Ước cho thấy hình thức nguyên sơ nhất của việc ngăn cấm ly dị có tính tuyệt đối” (“The Matthean Divorce Texts and Some New Palestinian Evidence,” Theological Studies 37 [1976] 197–226, at 223–24). Một học giả không Công Giáo, Ulrich Luz, trình bày một lối đọc Mt 19:3-9 gần gũi về cấu trúc và nội dung với lối giải thích của RG (xem Matthew 8–20: A Commentary, trans. James E. Crouch [Minneapolis, Minn.: Augsburg Fortress, 2001] 486–94). Tuy nhiên, Luz, khi xem sét “ý nghĩa cho ngày nay” của đoạn này về phương diện thần học, đã cho rằng Tân Ước, như một toàn bộ, ban quyền cho các Giáo Hội Kitô Giáo được phép cho ly dị (xem 494–96).
[72] Dù đoạn song song trong Mc 10:2-12 khác Mt 19:3-9 một số khía cạnh, các yếu tố được lời giải thích về thần học này bao trùm đều như nhau.
[73] HC 484.
[74]HC 483.
[75] HC 484.
[76] Buổi yết kiến (5 tháng Giêng, 1983) số 2, Insegnamenti di Giovanni Paolo II, vol. 6, part 1 (Vatican City: Libreria Editrice Vaticana, 1983) 42; L’Osservatore Romano , Engl. ed., January 3–10, 1983, p. 7.
[77] Như thế, người ta có lẽ sẽ nói: khi vợ chồng ở với nhau cho tới chết, cuộc hôn nhân của họ mới hoàn hợp; khi họ ly thân vĩnh viễn, cuộc hôn nhân của họ không bao giờ hoàn hợp cả.
[78] Tanner 2:1100.
[79] HC 485–86.
[80] HC 485.
[81] HC 485; luận điểm của HC dựa vào và trích dẫn Michael Lawler, “Blessed Are Spouses Who Love, For Their Marriages Will be Permanent: A Theology of
the Bonds in Marriage,” Jurist 55 (1995) 218–42, at 221.
[82] Đức Gioan Phaolô II viết: “Hôn nhân ‘là’ bất khả tiêu: đặc tính này nói lên chiều kích hiện hữu khách quan của nó, nó không phải là một sự kiện đơn thuần chủ quan. Thành ra, điều tốt của bất khả tiêu cũng là điều tốt của chính hôn nhân; và không hiểu đặc tính bất khả tiêu là không hiểu yếu tính của hôn nhân” (Diễn Văn với Tòa Tối Cao Rôma, 28 tháng Giêng, 2002, số 4) http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/speeches/2002/january/documents/hf_jp-ii_spe_20020128_roman-rota_en.html).
[83] Xem ghi chú số 53.
[84] “Dù các giáo luật gia và các thần học gia thảo luận hôn nhân theo ngôn từ khế ước, nhưng các Kitô hữu luôn kết hôn trong phụng vụ giao ước, trong đó, họ trao đổi lời thề hứa, nói lên tình yêu của mình, và tiếp nhận nhau bất chấp thịnh vượng hay gian nan cho tới chết mới xa nhau” (Palmer, “Christian Marriage” 639).