CHÚA THÁNH THẦN TRONG SỨ MẠNG TÂN PHUC ÂM HÓA (P 2)

II. NHỮNG BIỂU TƯỢNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN

Người Kitô hữu nên nhớ rằng Đức Kitô không ban cho các môn đệ sự miễn nhiễm đối với các biến cố quay cuồng trên thế giới cũng như đối với những chấn động và những xáo trộn mà chúng gây ra. Trái lại, Đức Kitô muốn các môn đệ sống giữa lòng thế giới đang chuyển động và thay đổi đó. Người không hứa với họ một trật tự mới, sáng sủa, sạch sẽ, vô trùng. Song Người báo trước rằng cuộc sống của họ có nhiều bất ngờ, tốt cũng như xấu, kéo dài cho tới ngày Người trở lại. Đức Kitô không gọi người Kitô hữu ra khỏi thế gian, Người gọi họ và sai đi loan truyền niềm hy vọng, hy vọng cả khi nền móng vũ trụ bị rung chuyển (báo hiệu ngày Đức Kitô trở lại).

Đức Kitô kêu gọi người Kitô hữu đi vào một thế giới bất ổn, nhưng Người ban cho họ sự an toàn của một người dẫn đường. Người dẫn đường, chính là Chúa Thánh Thần. Người Kitô hữu tin vào những việc làm đầy quyền năng của Thiên Chúa ở giữa loài người. Tạo dựng muôn vật là việc làm của Thiên Chúa Cha quyền năng vô biên, cứu độ loài người là việc làm của Chúa Con đầy lòng nhân ái, thánh hóa thế gian là việc làm của Chúa Thánh Thần đầy sức mạnh.

Từ lâu Thiên Chúa đã hứa lưu lại với Dân Người. Người thực hiện lời hứa đó qua việc sai Con Một của Người đến, và khi biến khỏi con mắt nhân loại, Chúa Con đã gởi Chúa Thánh Thần đến. Ngài là suối nguồn cho mọi tâm tư và và hành vi tốt lành. Chúa Thánh Thần ở cùng mọi người thiện tâm, và dẫn dắt họ hướng về Nước Thiên Chúa. Do đó, điều hệ trọng là khả năng phân định sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Có phân định đúng mới có thể bước theo sự hướng dẫn của Ngài. [1] CHÚA THÁNH THẦN LÀ GIÓ, LỬA, THẦN KHÍ.

1. Chúa Thánh Thần là Gió.

“Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào nhà”(Cv 2,1-2).

Gió là một chuyển động của không khí. Có thể là một làn gió mát, hoặc là một cơn giông làm sạch bầu không khí. Do đó, gió là dấu chỉ Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa hằng sống đang tái tạo mặt đất. Dấu chỉ “gió” cho thấy việc tái tạo mặt đất là một chuyển động mang lại cho không khí trong lành và mát mẻ cho sự sống của loài người và của Giáo Hội. Gió ngày lễ Ngũ Tuần không hủy diệt sự sống, trái lại, nó làm cho con người được sống dồi dào hơn. Nếu thế thì nơi nào không có sự chuyển động, xem chừng nơi đó không có sự hiện diện của Thần Linh Thiên Chúa, của Thiên Chúa hằng sống đang tái tạo mặt đất.[2] 2. Chúa Thánh Thần là Lửa.

“Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống trên từng người một” (Cv 2,3).

Lửa là một sức mạnh năng động, nó thiêu hủy cái cũ, dọn chỗ cho một cái gì mới mẻ xuất hiện. Khi Chúa Thánh Thần hiện diện trong một con người hoặc trong một cơ chế, Người hoạt động như lửa, thiêu hủy cái cũ không còn cần thiết nữa, và dọn chỗ cho những ân ban mới mà Người muốn thông truyền. Lửa còn là biểu tượng của tình yêu, một tình yêu năng động. Chúng ta nói đến một tình yêu rực cháy, một tình yêu nồng nàn. Một tình yêu như thế là một bằng chứng về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.[3] 3. Chúa Thánh Thần là Thần Khí.

3.1. Chúa Thánh Thần trong Cựu Ước và Tân Ước.

3.1.1.Cựu Ước: Từ Thần Khí là dịch theo từ “Ruah” của tiếng Hipri, có một nghĩa thông thường là hơi thở, khí trời, gió, hồn. Trong Cựu Ước, từ “Ruah’ được sử dụng 378 lần, vừa có nghĩa là gió, khí trời, khí lực nơi con người vừa là sinh lực của Thiên Chúa.

3.1.2.Tân Ước: Từ Thần Khí trong Tân Ước được dịch theo từ “Pneuma” của tiếng Hi Lạp. Trong các tác phẩm của Phao lô, ta thấy nhắc tới 146 lần, với ý nghĩa gần như trong Cựu Ước. Tuy nhiên, nếu Cựu Ước chưa nghĩ được Thần Khí là một ngôi vị, thì trong Tân Ước chính Đức Giêsu mặc khải cho ta hiểu rằng Thần Khí là một ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa, nhất là trong bài diễn từ Cáo Biệt của Người (Jn 14-16). Người là Đấng Bảo Trợ (Jn 14-16), là Thần Khí Sự Thật (Jn 14,16-17), phát xuất từ Chúa Cha (Jn 15,26), làm chứng cho Chúa Con (Jn 14,16). Từ “Pneuma” trong các tác phẩm của Phaolô vừa hiểu theo Thần Khí của con người, vừa hiểu theo Thánh Thần Thiên Chúa, nhất là trong thư 1 Corintô (40 lần) và thư Rôma (34 lần).[4] 3.2. Làm thế nào để hít thở Thần Khí của Thiên Chúa.

3.2.1. Sự cần thiết của dưỡng khí trong thể xác con người.

Mỗi ngày nếu hoạt động bình thường, con người cần tối thiểu khoảng 10.000 lít dưỡng khí. Nếu lao động nhiều, suy nghĩ nhiều, ta cần lượng khí gấp đôi hay gấp ba lần, nhưng ta chỉ cần 1,5 ký lương thực và 4 hay 5 lít nước. Nếu không thở trong vòng 5 phút, não sẽ không có ôxy và con người sẽ chết. Trong khi con người có thể nhịn ăn 20, 30 ngày và nhịn uống 3 hay 4 ngày mới chết. So sánh như thế để thấy tầm quan trọng của khí thở đối với đời sống tự nhiên.

3.2.2. Cách hít thở trong đời sống tự nhiên.

Mỗi ngày, trung bình người lớn thở 16 lần trong một phút, mỗi phút chừng nửa lít khí. Trẻ con càng nhỏ càng thở nhanh hơn. Trẻ sơ sinh thở 25 lần/phút. Dưỡng khí đưa vào các phế nang của phổi sẽ biến dòng máu đen thành dòng máu đỏ đầy ôxy và thải ra khí carbonic. Rồi theo sự tuần hoàn của máu, ôxy mới được bơm đến từng tế bào trong cơ thể, nhất là đưa lên bộ óc để nuôi não. Bộ não con người có khoảng 14 tỷ tế bào thần kinh (neurons) nên cần một lượng khí gấp 10 lần so với các bộ phận khác trong cơ thể vì não ra lệnh hoạt động và điều khiển tất cả.

Nhiều người thở rất yếu, số lượng khí không đủ biến tất cả máu đen thành máu đỏ, nên còn giữ lại khí dơ là carbonic trong máu. Hoặc có khi hít phải chất độc hại. Khí độc hay khí dơ làm cho đầu óc choáng váng, gương mặt xanh xao, tay chân bủn rủn, các cơ quan nội tạng suy yếu, nhất là bộ não, khiến cho thân xác sinh nhiều bệnh tật. Chỉ cần thay đổi cách thở, làm thế nào đưa được nhiều dưỡng khí vào phổi, rồi từ đó não và các bộ phận khác nhận được nhiều ôxy thì sẽ có nhiều bệnh tật được chữa lành mà không cần tốn thuốc men gì cả.

Dung tích của phổi có thể chứa 3,5 lít, trong khi ta chỉ dùng có nửa lít. Nếu tập theo một số phương pháp như Yoga, Thiền, Khí Công của Trung Quốc hay Dưỡng Sinh của Việt Nam để tăng dung tích thở lên chừng 1,5 hay 2 lít là khuôn mặt ta chắc chắn sẽ đẹp đẽ hồng hào, đầu óc ta sẽ thông minh sáng suốt và tinh thần ta sẽ vững mạnh tươi vui hơn nhiều.[5] 3.2.3. Cách hít thở trong đời sống siêu nhiên.

Trong đời sống tự nhiên, muốn có làn hơi dài để hát, trước tiên ca sĩ phải tập thở trong các lớp thanh nhạc cơ bản. Muốn cho có nhiều khí trong buồng phổi, người ta thường tập thở qua nhiều bài thể dục làm căng nở lồng ngực, như bằng cách dang rộng hai tay, ưỡn ngực, hít vào thật mạnh, và khi gập hai tay lại sẽ thở mạnh ra. Người ta có thể tập cho các phế nang phồng lên nhận khí hít vào bằng cách nén hơi lại theo cách thở bốn thì của Yoga hay của phương pháp Dưỡng Sinh Việt Nam.

Nói lên một số thí dụ đó để thấy rằng khí trời không phải tự nhiên chui đầy vào buồng phổi. Trái lại, ta phải luyện tập nhiều mới có được cách thở với 4 đặc tính: dài – nhẹ – êm – sâu.

Trong đời sống siêu nhiên, muốn cho có nhiều Thần Khí thiêng liêng trong buồng phổi tâm linh, người ta cũng phải tập nhiều cách thở để làm cho dòng máu đen tội lỗi được đỏ hồng trở lại. Thật ra, tất cả chúng ta đều là những con người yếu đuối, luôn bị tham vọng và dục vọng chi phối cho đến lúc lìa đời. Do đó, dòng máu đen kia chỉ là hiện tượng bình thường của con người sống trên trần thế. Giống như dòng máu trong thân xác, dòng máu đỏ nhiệm mầu của Đức Giêsu Kitô chảy trong con người chúng ta cũng thường bị tội lỗi làm cho đen bẩn, nhưng sẽ luôn luôn đỏ lại mỗi khi chúng ta hít thở được Thần Khí. Do đó, Đức Giêsu Kitô đã liên kết Chúa Thánh Thần với ơn tha tội khi Người thổi hơi trên các môn đệ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha” (Jn 20,22-23).

Thần Khí này là ơn ban đặc biệt của Chúa Cha mà chúng ta cầu xin nhiều lần trong ngày sống. Đức Giêsu nói với ta: “Cha trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những ai kêu xin Ngài” (Lc 11,13). Vì thế, trước mỗi công việc lớn nhỏ trong ngày, ta nên tập thói quen dừng lại một vài giây để nhớ đến Chúa Thánh Thần. Cầu xin Ngài soi sáng và hoạt động trong ta. Mỗi lần cầu nguyện với Chúa Thánh Thần là ta hít thở Thần Khí.[6]

Lm. Giuse Đỗ văn Thụy

Hội Thừa Sai Việt Nam

________________________________________

[1] Ladislas M.Orsy, SJ, The Lord of confusion, Lm Nguyễn ngọc Sơn phóng dịch, p.106-107

[2] Ladislas M.Orsy, SJ, The Lord of confusion, Lm Nguyễn ngọc Sơn phóng dịch p.108

[3] Ladislas M.Orsy, SJ, The Lord of confusion, Lm Nguyễn ngọc Sơn phóng dịch, p.108

[4]Lm Nguyễn ngọc Sơn, Tĩnh tâm mùa Vọng 1997, Bài giảng năm C, p.140-141

[5] Lm Nguyễn ngọc Sơn, Tĩnh tâm mùa Vọng 1997, Bài giảng năm C, p.146-148

[6] Lm Nguyễn ngọc Sơn, Tĩnh tâm mùa Vọng 1997, Bài giảng năm C, p.149-150.