Ý Kiến Một Giáo Dân Về Vấn Ðề Linh Mục Lấy Vợ. (tiếp theo và hết)



Có một thời gian, không biết tôi có quá khắt khe với chính mình mà khi đọc kinh Cáo Mình đến đoạn “… tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng…”, tôi nghĩ rằng phải giữ mình thật trong sạch cả trong tư tưởng mới được rước rễ. Thế là tôi chỉ dám rước lễ, nếu từ tòa giải tội bước ra mắt tôi phải lim dim để không nhìn thấy một người nữ nào cả. Nhưng tôi lim dim mắt được bao lâu? Do vậy, sau khi xưng tội, có khi tôi chỉ rước lễ được một lần, có khi chẳng được lần nào cả, vì ở tòa giải tội bước ra, tôi chưa kịp lim dim mắt thì đã nhìn thấy một người nữ “gợi hình”. Trong đầu tôi bèn hiện lên những tưởng tượng bệnh hoạn, những “đường nét và… xa …hơn nữa …”. Hay chính tôi là con người bệnh hoạn trong tư tưởng? Và chính tôi đã phải vật lộn với những tư tưởng bệnh hoạn ấy để rồi tôi tự cho mình là không xứng đáng rước Chúa vào lòng. Thời gian đó, tôi đang ở tình trạng “bị ly dị”, và được phép làm lại cuộc đời. Tôi có một người bạn gái, em của bạn thân tôi. Cô biết hoàn cảnh của tôi nên thông cảm và an ủi tôi. Chúng tôi thường đi chơi với nhau, đi lễ với nhau, và cảm tình sâu đậm đã nảy nở giữa chúng tôi, nhưng tôi không muốn quyết định trước khi gặp lại các con tôi. Cô hiểu ý tôi nên không thúc ép. Có một lần sau buổi lễ ở nhà thờ Fatima bên Bình Triệu, chúng tôi thả bộ ra bờ sông, chờ người ta lấy bớt xe rồì mình mới lấy xe ra về, cô hỏi tôi tại sao cô không thấy tôi rước lễ. Tôi nói tôi có tội. Cô gặng hỏi tội gì. Tôi nhìn cô, ngập ngừng rồi nói với cô những tội trong tư tưởng của tôi, nhất là những lúc gần gũi cô, một cô gái khá xinh và dễ thương. Cô phá lên cười, nắm cánh tay tôi, dụi tóc và má vào vai tôi. Tôi mím môi, cố gắng kềm chế để khỏi ôm cô và hôn lên mái tóc cô, vì tôi vẫn chưa muốn tiến xa hơn. Cô bảo tôi cô sẽ hỏi Cha về bệnh tư tưởng của tôi lần sau cô đi xưng tội. Chủ nhật sau chúng tôi đi lễ, cô bảo tôi là cô đã hỏi Cha và Cha nói rằng nếu bạn con hoàn toàn sạch tội tư tưởng thì đã hơn Cha rồi. Tôi cám ơn cô và khất cô là chủ nhật sau tôi mới dám rước lễ. Thực ra là tôi muốn chính mình sẽ gặp Cha để hỏi lại cho chắc. Thứ bảy kế đó, tôi đi xưng tội và kể hết cho Cha nghe. Chính ngài khuyên tôi là mỗi khi những tư tưởng không tốt hiện lên trong đầu, thì ráng gạt bỏ chúng đi, đừng tiếp tục tưởng tượng xa hơn, nhất là phải cầu nguyện xin Chúa soi sáng tâm hồn mình, điều quan trọng là đừng biến tư tưởng xấu thành hành động. Tôi càng thấm thía với những lời trong Kinh Cáo Mình “… tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm…”. Vâng, tư tưởng phát ra lời nói, sau cùng biểu hiện bằng việc làm, và đương nhiên là hệ quả của những việc làm. Tôi tin rằng đây cũng chính là kinh nghiệm bản thân của các vị khi các vị phải phấn đấu để vượt thắng chính bản thân mình. Thực vậy, đâu phải các vị đi tu trong rừng, mà các vị phải tiếp xúc, tiếp xúc với cái nền văn minh phát triển với tốc độ quá nhanh ngày nay, mà trong số những phát triển tốt cũng phát sinh ra những cái lố lăng, những cám dỗ phi đạo đức.

Tôi nghĩ rằng ngoài nguyên nhân tôi trình bày ở trên, mà tôi cho là chính, còn những nguyên nhân khác như việc ăn uống và những tiện nghi vật chất cũng có thể gây ra những tiêu cực trong đời sống của các vị tu hành. Nếu tôi hiểu không lầm thì các vị chân tu bên Phật giáo ăn chay và dùng những thức ăn “diệt dục”, trong khi các vị tu hành của chúng ta được dùng những thức ăn bổ dưỡng, có nhiều chất kích thích. Và những tiện nghi vật chất có khiến cho ai đó “bất chợt bâng khuâng” không? Nhưng xét cho cùng thì bất cứ nguyên nhân khách quan nào cũng không thể lay chuyển nổi các vị nếu các vị có quyết tâm gạt bỏ tất cả mọi cám dỗ để đi trọn quãng đường dâng hiến của mình.

Khi viết rằng đó là chuyện của Giáo-hội Mỹ, tôi không hề có ý phân biệt. Tất cả chúng ta đều thuộc về một Giáo-hội duy nhất: Giáo-hội Chúa. Những Giáo-hội của nước này, Giáo-phận của thành phố nọ, Giáo-xứ của vùng kia, chỉ là những phân chia địa dư để dễ phần điều động và hoạt động mà thôi. Do đó, cách điều hành của từng vùng địa dư có khác nhau để phù hợp với nền văn hoá địa phương, với tình hình thực tế. Tôi tin rằng chính Ðức Giáo Hoàng cũng không áp đặt một hình thức điều hành cho một Giáo-hội của một nước nào cả. Ngài lãnh đạo chứ không chỉ huy. Cũng vì vậy mà cho tới lúc tôi đang đánh máy những hàng chữ này, tôi vẫn nghe trên TV phát tin về các vụ lem nhem của một số linh mục Mỹ. Vấn đề vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn ư? Tôi quay lại và thấy một số dân chúng đang lớn tiếng phản đối và đòi Ðức Tổng Giám Mục của Giáo-phận tôi phải cách chức vị linh mục đã luộm thuộm tình dục với các trẻ em mà giờ đây lại được giao cho công việc tiếp xúc với các trẻ em. Tôi không nhìn thấy Ðức Tổng Giám Mục, nhưng có hình giáo-đường chính tòa và văng vẳng tiếng chuông nhà thờ. Họ vô tình hay cố ý. Tôi có quá nhạy cảm không, nhưng tôi thấy thật đau lòng phải nhìn người ta mang những biểu tượng tôn giáo của chúng ta ra với ngụ ý nhắc nhở hay bêu riếu như vậy.

Ðiều hành Giáo-hội Mỹ là việc của các vị chức sắc trong Giáo-hội Mỹ. Chúng ta hãy cầu nguyện để các vị có những quyết định chính xác và nhanh chóng, để sớm đưa vào quên lãng những sai sót vừa qua của một số linh mục Mỹ. Chúng ta cũng cầu nguyện cho Giáo-hội Việt Nam rút kinh nghiệm để những việc tương tự không bao giờ xảy ra. Có một điều tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng vấn đề linh mục lấy vợ sẽ không bao giờ xuất hiện trong Giáo-hôi Việt chúng ta. Tôi không muốn so sánh, tôi càng không dám phê bình, nhưng tôi tin rằng sẽ không bao giờ có chuyện một người dân Việt bình thường vừa làm lỗi, lại vừa muốn người khác phải sửa cái lỗi của mình, bằng cách phải thỏa mãn yêu sách của mình. Huống chi đây lại là vấn đề chủ quan của các đấng chăn chiên. Tôi tin rằng các vị hiểu mình và hiểu vấn đề hơn ai hết. Giáo dân chúng ta kính trọng các vị chính vì sự hy sinh của các vị, chính vì quãng đường dâng hiến các vị phải đi qua không bằng phẳng, mà rất gập ghềnh.

Sau cùng, tôi hy vọng rằng các linh mục Việt Nam không bao giờ có ý định bỏ đi lời tuyên hứa, và giáo dân Việt sẽ có trách nhiện hơn trong việc giúp các vị giữ vững lời tuyên hứa ấy. Nhưng nếu có vị nào bị “cám dỗ”, thì xin hãy làm theo vị linh mục đã cởi áo, trả chức cho Giáo-hôi trước đây. Chúa sẽ tha thứ. Giáo dân sẽ thông cảm, sẽ hoan nghênh vì đó là hành động can đảm. Dân gian Việt có câu “Không ai nắm tay tới tối, gối đầu tới sáng”. Vậy nếu có vị nào không nắm tay được tới tối, gối đầu được tới sáng, thì cũng là chuyện bình thường. Tôi cũng xin các vị tha lỗi khi tôi nêu ý kiến rằng dân Việt có nhiều điểm “cực đoan”, hay “cuồng nhiệt”, nhất là giáo dân Việt. Họ đã cuồng nhiệt, đã cực đoan khi kính trọng các vị. Họ đã “xin phép” trước khi “lạy” các vị. Xin đừng làm mất những cái cực đoan dễ thương ấy đi. Xin đừng làm mất những cái cuồng nhiệt dễ mến ấy đi. Bởi vì, theo tôi nghĩ, họ cũng có thể có những cái cực đoan ngược lại, những cái cuồng nhiệt ngược lại. Họ không có, hoặc không cần, một giới truyền thông như giới truyền thông Mỹ. Có lẽ họ cũng sẽ không đòi Quyền Quản Trị Giáo Phận như một số giáo dân Mỹ đã làm. Nhưng họ sẽ tự giải quyết, họ sẽ tự làm lấy khi cần. Và khi ấy, chuyện gì sẽ xảy ra?

Tôi đang định kết thúc bài này thì nhận được tờ báo của Giáo-xứ Mỹ địa phương tôi, trong đó có đăng thư của Ðức Tổng Giám Mục Giáo-phận tôi, gởi giáo dân trong Giáo-phận. Bức thư dài, tôi chỉ xin tóm lược vài đoạn. Ðức TGM khẳng định rằng vấn đề có gây ra nhiều thương tổn và nhiều giận dữ. Một số giáo dân cho rằng vấn đề đã không được xử lý đúng mức, hay không được xử lý đủ nhanh. Do vậy, một số giáo dân đã bỏ lễ ngày chủ nhật, hoặc ngưng đóng góp tài chánh. Ngài khẳng đinh Ngài không thể làm hết những gì dân chúng đòi hỏi vì có những điều Ngài không thể làm được. Ngài chỉ làm tất cả những gì Ngài có thể làm được mà thôi. Ngài phải theo luật của Giáo-hội cũng như phải tuân theo những quyết định của Hội-đồng Giám-mục. Ngài cũng không bảo đảm rằng những sự việc tương tự sẽ không bao giờ xảy ra. Ngài chỉ xin những ai là nạn nhân hãy báo cáo ngay với Giáo phận để vấn đề được xử lý kịp thời và đúng mức. Ngài cũng xin mọi người thông cảm và kiên nhẫn. Ngài xin lỗi và bày tỏ sự thông cảm với các nạn nhân về những thương tổn mà họ phải chịu đựng. Nhưng chính Giáo-hội cũng bị những thương tổn do những sai lầm của một số linh mục. Ngài xin giáo dân vẫn tiếp tục yểm trợ và khuyến khích những linh mục chân chính để họ làm tron chức năng của mình. Chính những linh mục chân chính cũng gánh chịu những thương tổn vì đôi khi họ bị nghi ngờ một cách không công bằng. Ðể kết luận, Ngài không khẳng định “cơn ác mộng” đã qua đi, Ngài chỉ hy vọng nó đã qua đi thôi. Nhưng bất cứ những gì có thể xảy ra thì chúng cũng sẽ được xử lý đúng đắn.

Khi một vị TGM không bảo đảm những sự việc tương tự sẽ không bao giờ xảy ra, chúng ta thấy có lẽ chỉ có chính các vị linh mục trong cuộc mới có thể bảo đảm điều đó không xảy ra mà thôi. Chính các vị phảI phấn đấu để vượt thắng được các cám dỗ. Và phải chăng một số giáo dân bỏ lễ ngày chủ nhật, hoặc ngưng đóng góp tài chánh là một sự báo động mà Giáo-hộI không thể coi nhẹ được. Ai trong chúng ta cũng có thể thấy được rằng không có giáo dân thì không có Giáo-xứ, không có… nhiều lắm. Xin Thiên Chúa gìn giữ và che chở Giáo-hội Chúa.