TUYỂN CỬ TỔNG THỐNG PHÁP : VẤN ÐỀ TIỀN TỆ

Sau hai vòng bầu cử (vòng loại ngày 22.04.2012, hai trong mười ứng cử viên được người Pháp tuyển vào vòng chung kết ngày 06.05.2012), cử tri đoàn toàn quốc đã chọn ông François Hollande vào chức vụ Tổng thống trong nhiệm kỳ 2012-2017. Ngoài ra, tỷ số phiếu trắng và bất hợp lệ chiếm 5,52% (từ 5% đã là con số đáng kể) số cử tri đi bầu, nhưng từ chối tín nhiệm cả hai ứng cử viên, vì đối với họ, đều không xứng đáng.

Ngày 10.05.2012, ông Jean-Louis Debré, Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp, đã công bố chính thức : « Kết quả vòng hai tuyển cử Tổng thống ngày 05 và 06.05.2012 đã được hợp thức hóa bởi Hội đồng Hiến pháp trong phiên họp ngày 10.05.2012 như sau :

Số cử tri ghi danh : 46.066.307 ;
Số cử tri đi bầu : 37.016.309 ;
Số phiếu hợp lệ : 34.861.353 ;
Đa số tuyệt đối : 17.430.677.

Số phiếu từng ứng cử viên thu được :
- ông François Hollande : 18.000.668 (51,6% phiếu bầu hợp lệ) ;
- ông Nicolas Sarkozy : 16.860.685 (48,4%).

Như vậy, ông François Hollande đã chiếm được đa số tuyệt đối. Do đó, Hội đồng Hiến pháp tuyên bố ông François Hollande là Tổng thống Cộng hòa Pháp trong năm năm, bắt đầu không trể nhất vào ngày 15.05.2012 lúc 24 giờ. Thi hành điều hiến định này, việc bàn giao chức vụ Tổng thống đã được thực hiện tại Điện Elysée lúc 10 giờ ngày 15.05.2012. Trở thành Tổng thống, nhiệm vụ chính thức đầu tiên của ông François Hollande là bổ nhiệm ông Jean-Marc Ayrault làm Thủ tướng và thành lập Chính phủ.

I. TÀI SẢN TỔNG THỐNG PHÁP.

Khi nộp đơn ứng cử Tổng thống, mỗi vị dự tuyển phải đính kèm một Bản tuyên bố tài sản. Nhưng chỉ bản của ứng cử viên đắc cử được phổ biến bằng đăng vào Công báo.

A. Tài sản của vị xuất nhiệm.

Khi nộp đơn xin ứng cử năm 2007, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã nạp Bản tuyên bố tài sản ký ngày 17.03.2007 trị giá 2,14 triệu euro, bao gồm phần lớn là các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (2,04 triệu euro), 10,082.53 euro (kết số cuối tháng 2 năm 2007) trong trương mục vãng lai tại Société Générale và các sổ tiết kiệm khoảng 85.600 euro (cuối năm 2006). Thêm vào đó, còn có phần hùn 34% số vốn vào văn phòng Luật sư SELAS CSC, chuyên môn về bất động sản.
Sau khi ly dị với vợ thứ hai Cecilia Attias, ông phải cấp dưỡng hàng tháng 3.000 euro cho Louis Sarkozy, con trai ông đã có với bà này. Ngoài ra, ông vẫn phải trợ cấp đền bù 2.926 euro mỗi tháng cho bà Marie-Dominique Culioli, người vợ đầu tiên.

Ngày 24.03.2012, Bản tuyên bố tài sản cuối nhiệm kỳ đã được đăng vào Công báo ngày 24.03.2012 trị giá 2,7 triệu euro, vẫn bao gồm phần lớn là các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (2,50 triệu euro), các sổ tiết kiệm và phần hùn 34% số vốn vào văn phòng Luật sư. Ngoài ra, còn có một trương mục vãng lai chung với tên vợ có kết số dương 56.919 euros.

B. Tài sản của Tổng thống tân cử.

Khi nộp đơn xin ứng cử năm 2012, ông François Hollande đã nạp Bản tuyên bố tài sản ký ngày 15.03.2012 trị giá 1,181 triệu euro, bao gồm phần lớn những phần đầu tư vào bất động sản (gia cư) với số tiền 1,17 triệu, ba trương mục vãng lai với tổng số tiền khoảng 8.000 euro và 3.550 euro ký thác hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Pháp quốc là một quốc gia dân chủ, người dân cần được biết những số chi ngân sách mà nguồn thu là tiền đóng thuế của họ. Những người lãnh đạo quốc gia biết bạch hóa tài sản như luật định là những người tự trọng nên được người dân tin kính. Tại Việt Nam cộng sản, những kẻ tự nhận là lãnh đạo, kể cả tu sĩ các tôn giáo, luôn che dấu các khoản tiền ăn cắp từ ngân sách hay tham nhũng chỉ làm người dân sợ và đáng để đồng bào khinh bỉ.

II. CỰU TỔNG THỐNG NHẬN TỪ NGÂN SÁCH.

Khi hoàn tất hành nhiệm vụ, Tổng thống Nicolas Sarkozy sẽ nhận được bồi thường 5.500 euro/tháng (63.000 euro/năm cho mỗi vị bất cứ thời gian giữ nhiệm vụ bao lâu theo điều 19 Luật 03.04.1955).

Khi một cựu Tổng thống qua đời, người phối ngẫu còn sống lãnh phân nửa số tiền đó và khi người này chết, phần tiền này được lãnh bởi các con vị thành niên.

Nếu nhận nhiệm vụ tại Hội đồng Hiến pháp, ông sẽ nhận trợ cấp 11.500 euro hàng tháng. Nếu ông trở lại hành nghề luật sư thì không thể là thành viên Hội đồng này. Oâng có thể không chỉ nhận việc này một thời gian sau như ông Valéry Giscard d'Estaing đã làm trước đây nếu, như Tổng thống Hollande đã hứa sẽ đề nghị Quốc hội chấm dứt việc các cựu Tổng thống là thành viên suốt đời tại Hội đồng Hiến pháp và được lưỡng viện Lập pháp thông qua.

Thêm vào đó, ông còn được hưởng một khoảng bồi thường ‘đặc biệt khó khăn’ để ‘bù lại những áp lực mà ông phải chịu khi đảm nhận nhiệm vụ này’, số tiền không được loan báo. Các khoản đài thọ nhân viên gồm hai cảnh sát viên để bảo đảm an ninh, bảy cộng sự viên. Về vật chất, cựu Tổng thống được hưởng nhà ở với đầy đủ tiện nghi và một chiếc xe. Các dịch vụ được hưởng là thẻ miễn phí phi cơ Air France và xe lửa. Đi nước ngoài, vị này được tiếp đón bởi Đại sứ Pháp và ngụ tại biệt thự Đại sứ hay Lãnh sự. Những quy định này được quyết định bởi Thủ tướng Laurent Fabius (đương kiêm Ngoại trưởng chánh phủ Jean-Marc Ayrault) năm 1985.

Theo dân biểu thân đảng xã hội Rene Dosière, chuyên môn về quản lý tài chính công, ngân sách quốc gia chi tiêu ước tính khoảng 1,5 triệu euro/ năm cho mỗi cựu Tổng thống. Hiện nay, nước Pháp có ba cựu Tổng thống (Valery Giscard d’Estaig, Jacques Chirac và Nicolas Sarkozy).

Để so sánh. Tại Hoa kỳ, các cựu Tổng thống đều rất giàu so với những vị đồng tước người Pháp : Clinton có tài sản lên đến 38 triệu mỹ kim, Bush cha chừng 23 triệu, Bush con 20 triệu và Carter có tài sản ước tính 7 triệu mỹ kim. Các vị này thường đi diễn thuyết và viết sách. Năm 2010, ông thu được 10 triệu riêng do việc đi nói chuyện và Bush con kiếm được 15 triệu mỹ kim. Do đó, 3 dân biểu (2 Cộng hòa và 1 Dân chủ) đã nạp một đề nghị luật tại Hạ viện liên bang yêu cầu hạ trợ cấp chi tiêu của các cựu Tổng thống ở mức 200.000 mỹ kim mỗi năm. Nếu có lợi tức từ 400.000 mỹ kim/năm, họ sẽ không được hưởng trợ cấp.

III. CHI PHÍ TỔ CHỨC TUYỂN CỬ TỔNG THỐNG 2012.

Cử tri Pháp tham gia tuyển cử Tổng thống năm nay trong khi các cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội đang tiếp diễn, ngân sách bị cắt giảm như bách phân bồi hoàn chi phí cho các ứng cử viên từ 5% còn 4,75% và 50% còn 47,50% mức chi phí tối đa. Như vậy, sự thực thi dân chủ lần này, cái giá phải trả có thể dự đoán là bao nhiêu ?

Ký giả Đức Tâm có bài ‘Chi phí cho cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2012’ phát thanh qua Radio France International ngày 22.04.2012. Theo đó, sau khi đọc sách ‘Tiền của Nhà nước’ viết bởi ông René Dosière, dân biểu, thì chi phí cuộc bầu cử 2012, với 10 ứng viên ở vòng một, có thể lên tới 228 triệu euro. Năm 2007, ở vòng một có 16 ứng viên, chi phí tốn kém đã là 210,70 triệu euro :
- 51 triệu euro cho việc in ấn, tiền công trả nhân viên đóng phong bì các văn kiện tuyên truyền tranh cử và thuê thêm chỗ để tích trữ các tài liệu ;
- 49 triệu để gởi các phong bì nói trên tới nhà cử tri ;
- Chính phủ đề nghị và Lập pháp biểu quyết dự trù 49 triệu euro để bồi hoàn chi phí vận động tranh cử cho các ứng viên. Theo kết quả đầu phiếu vòng một ngày 22.04.2012, chúng ta có thể tính số thực :
(800.423 x 5) + (8.004.230 x 3) + (10.691.775 x 2) = 49.398.363 euro
Như vậy, dự trù ngân sách có sự khiếm hụt 398.363 euro so với thực tế.

Về việc tổ chức đầu phiếu ở địa phương, nguyên tắc, quốc gia trách nhiệm chi trả các tốn kém này. Tuy nhiên, khoản tiền thanh toán theo luật định chỉ là 2500 euro, quá thấp so với chi phí thực. Đối với các xã, địa phương nhỏ thì đây là một gánh nặng tài chính. Vì bỏ phiếu vào ngày Chúa nhật, việc tổ chức tại một thành phố có trung bình 20 ngàn dân tốn khoảng 15 ngàn euros. Tạm tính là chính quyền địa phương phải chi một euro cho mỗi cử tri.

Mục tốn kém nhất là phải thuê người dọn dẹp, làm vệ sinh, sắp xếp phòng bỏ phiếu, tiếp cử tri và kiểm phiếu. Các phòng phiếu thường được lập tại các trường học, hay trong các sảnh đường của công sở. Theo quy định, mỗi phòng phiếu dự trù tối đa 1000 cử tri. Nhờ số người làm việc thiện nguyện rất đông, việc tổ chức tuyển cử mới hoàn thành tốt.

Việc tổ chức bầu cử cho người Pháp ở hải ngoại tốn chừng 4 triệu euros. Chi phí cho việc phát trên truyền hình và đài phát thanh các chương trình vận động tranh cử lên tới 2,3 triệu euro.

Thượng nghị viện Pháp có một thẩm định về chi phí cho cuộc bầu cử tổng thống 2012 tốn khoảng 217,3 triệu euro, tức tốn khoản 3,5 euro cho mỗi cử tri.