GƯƠNG TỐT NGÔ ĐÌNH LỆ QUYÊN

Khoảng 8 giờ 30 ngày 16.04.2012, tại cây số thứ 12 trên đường Pontina, gần Mostacciano, cửa vào Thủ đô nước Ý, bà Ngô Đình Lệ Quyên đã tử nạn khi té xe gắn máy, do mặt đường trơn trợt sau những cơn mưa trong những ngày qua, và bị gia chạm vào xe buýt chở 23 trẻ mồ côi và những nhân viên xã hội đến trường học. Lúc đó, bà đang trên đường đến văn phòng làm việc Caritas Rôma.

I. NHỮNG PHÂN ƯU THƯƠNG TIẾC.

a. Từ Caritas.

Lúc 17 giờ 02 cùng ngày, Caritas.org loan bản tin với tựa đề : « Caritas tôn vinh nhà vô địch phụ trách người di cư ở Rôma thiệt mạng trong tai nạn giao thông ». Trong đó, bè bạn và đồng nghiệp
Caritas Rôma của vị đặc trách phần vụ di cư, bà Ngô Đình Lệ Quyên, vô cùng xúc động trước thảm trạng đã khiến bà qua đời. Đức ông Enrico Feroci, Giám đốc cơ quan bác ái này viết: « Lệ Quyên là một gương mẫu cho tất cả chúng tôi. Trong bao nhiêu năm trời, bà hăng say chu toàn công việc bênh vực những người nghèo khổ và rốt cùng, với tất cả niềm tin. Hoạt động của bà đối với chúng tôi là một động lực giúp phát triển về mặt nhân bản và chuyên nghiệp. Bà biết liên kết những năng khiếu cá nhân, kinh nghiệm của một người tị nạn, với niềm tin sâu xa nơi Thiên Chúa, và lòng tôn trọng con người. Với những lời khuyên giúp và làm việc không biết mệt, bà nhắc nhở chúng tôi rằng hoạt động của chúng tôi là đem lại niềm vui cho người nghèo và những người kém may mắn. Trong lúc đau buồn này, chúng tôi muốn gần gũi với gia đình bà và cộng đoàn giáo xứ thánh Gregorio Barbarigo, nơi bà Lệ Quyên vẫn siêng năng tham dự Thánh Lễ Chúa nhật ».

Với những đức tính đó, bà Lệ Quyên giữ một vai trò quan trọng đã ảnh hưởng đến các chính sách của Caritas về nhập cư ở các cấp độ từ Rôma tới quốc tế. Do đó, nhân viên thiện nguyện Caritas nhiều nơi trên thế giới đều biết và nhớ đến sự cống hiến bà dành cho người nghèo và đau khổ. Bà Martina Liebsch, Giám đốc Caritas quốc tế về Chính sách và vận động, đã làm việc chặt chẽ với bà Lệ Quyên, nói : « Chúng tôi tưởng nhớ và cầu nguyện cùng gia đình, bạn thân bà và với các nhân viên Caritas Rôma. Bà Lệ Quyên tự mình là một người tị nạn nên, với kinh nghiệm bản thân, bà luôn hoàn thành trách nhiệm với tình yêu tha nhân và dù công việc với người di dân có gặp khó khăn, bà vẫn tận lòng giúp đỡ. Bà đã được thúc đẩy bởi đức tin mạnh mẽ, sự can đảm và luôn thuyết phục giới chức thẩm quyền bằng nói sự thật và đúng luật. Bà thật là một ân nhân tận tâm với người di cư ở Rôma. Sự vắng mặt của bà sẽ được cảm nhận sâu sắc bởi chúng tôi và những người này. Bà đã đóng góp ý kiến và che chở cho họ trong rất nhiều năm. »

« Caritas Europa tỏ lòng tôn kính với cựu chủ tịch ủy ban di cư. Chúng tôi sẽ nhớ bà ấy như một chuyên gia đặc biệt, không chỉ là một người có thẩm quyền, mà còn rất vui vẻ để mọi người khác thích làm việc chung », ông Peter Verhaeghe, phụ tá Giám đốc điều hành Caritas Europa, đã nói như vậy.

b. Từ Giáo quyền.

Ngày 18.04.2012, Đức Hồng y Agostino Vallini, Giám quản Tổng Giáo phận Rôma, đã công bố Thông điệp của Ngài. Trong đó, Đức Hồng y viết : « Sáng nay, tôi đã dâng Thánh Lễ để tưởng nhớ bà Ngô Đình Lệ Quyên và cầu nguyện Thiên Chúa cho linh hồn Lucia được hưởng Bình an và niềm Vui vĩnh cửu…

Tôi bày tỏ với gia đình Ngô Đình sự cảm thông sâu sắc về nỗi đau buồn lớn của họ và mời tín hữu giáo phận cầu nguyện cho người chị em chúng ta đã sống quảng đại cho Tin Mừng.

Giáo hội Rôma tạ ơn Thiên Chúa đã ban tặng món quà là người nữ khiêm tốn này. Bà đã thực hiện lời Chúa Giêsu dạy ‘Tôi là một khách lạ, và bạn đã tiếp đón tôi’ (Mt 25:35). Trong cuộc sống, qua các dịch vụ hàng ngày, bà lắng nghe và an ủi cho những người bị buộc phải rời bỏ quê hương của họ.

Hoạt động của bà là niềm khích lệ cho toàn thể cộng đồng Kitô hữu tiếp tục chào đón người nhập cư và giúp đỡ họ hội nhập thực sự sẽ cho phép thành phố chúng ta hiển thị ngày càng nhiều hơn khuôn mặt nhân ái mà Đấng Quan phòng đã giao phó cho Caritas Rôma.

Sau cùng, thay mặt Caritas, tôi cảm ơn các tổ chức và tất cả những người, trong hoàn cảnh đau đớn của Giáo hội chúng tôi, đã bày tỏ lời chia buồn. »

c. Từ Chính quyền địa phương.

- Ngay khi hay tin bà Lệ Quyên qua đời, ông Gianni Alemanno, Đô trưởng thành phố Rôma, đã gửi thư đến Đức ông Enrico Feroci, Giám đốc Caritas Rôma, để chia buồn cùng các cộng tác viên Caritas và nhắc đến bao nhiêu lần bà Lệ Quyên đã đối thoại với chính ông và các viên chức thủ đô để bênh vực quyền lợi của những người di dân.

- « Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc về cái chết bất ngờ của Ngô Đình Lệ Quyên, một người phụ nữ rất chuyên nghiệp trong công việc trưởng bộ phận giúp di dân thuộc Caritas, đã hỗ trợ những người đang gặp khó khăn trong xã hội. »

d. Từ Chính phủ.

Ngày 17.04.2012, Tổng trưởng Bộ Hợp tác Quốc tế và Hội nhập, ông Andrea Riccardi, gửi Thông điệp chia buồn đến Caritas Rôma : « Tôi đặc biệt xúc động trước sự qua đời của người phụ nữ dũng cảm và mạnh mẽ Ngô Đình Lệ Quyên. Bản thân là một người tị nạn trước đó, bà đã làm việc với niềm đam mê để phục vụ, với phương tiện tối thiểu, cho những người bị thiệt thòi bên lề xã hội để họ chịu làm việc hàng ngày và xứng đáng được chấp thuận để hội nhập. »

Phó thị trưởng Rome, ông Sveva Belviso, phát biểu : « Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc về cái chết bất ngờ của Ngô Đình Lệ Quyên, một người phụ nữ rất chuyên nghiệp trong công việc trưởng bộ phận giúp người di dân tại Caritas, hỗ trợ nhiệt tình những người khó khăn trong xã hội. »

e. Từ giới tư nhân.

Các chức sắc tôn giáo và nhiều hiệp hội, cơ quan thiện nguyện như ‘Justice, Peace and Integrithy of Creation (JPIC), Missionnaires de Saint Charles Scalabrini, … đã gởi lời chia buồn và tỏ lòng thương tiếc bà Ngô Đình Lệ Quyên đến Caritas Rôma và gia đình .

Đặc biệt, báo ‘la Republica’, phái trung tả, ngày 20.04.2012 đã có bài viết về bà Lệ Quyên. Tai nạn đã cướp mất sự sống của bà đang làm xúc động nhiều người thuộc cộng đồng và các định chế vì bà thực sự là một Danh Nhân của sự liên đới (solidarietà), một phụ nữ ‘cương nghị và dũng cảm, luôn luôn phục vụ những người khác. Khi còn sống, ‘thiên thần của người tị nạn’, mà ít ai quan tâm và biết là thuộc về một gia đình quyền thế tại Việt Nam hay có mẹ là ‘Madame (bà) Nhu’.

Caritas không nói nhiều về thân thế cá nhân Lệ Quyên, người ta chỉ biết bà thuộc một gia đình hữu và được chăm sóc bởi một Đức Hồng y (người viết thêm : P.X. Nguyễn văn Thuận). Nay, bà qua đời, báo chí chỉ biết nhiều hơn khi tìm kiếm trên Internet mới biết chụp gần Lệ Thủy, chị của Lệ Quyên, là một bà có khuôn mặt dễ thương và rất nữ tính, trang điểm nhẹ và thiếu tinh tế trong cách ăn mặc nơi trang bìa hai tuần báo Mỹ ‘Time’ và ‘Life’. Người ta khám phá đó là Trần Lệ Xuân, tức ‘Madame Nhu’, đệ nhất phu nhân đầu tiên miền Nam Việt Nam, từ 1955 đến 1963 vì Tổng thống Diệm sống đời độc thân.

II. THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP.

Bà Ngô Đình Lệ Quyên sinh ngày 26.07.1959 tại Sàigòn, Hòn ngọc Viễn đông, Thủ đô Việt Nam Cộng hoà. Bà là con gái út, trong một gia đình yêu nước có bốn con, của ông bà Ngô Đình Nhu. Ông là Cố vấn Tổng thống Ngô Đình Diệm và bà là Dân biểu Quốc hội. Chính phủ Mỹ đã gây dựng và chi trả việc thuê mướn tay sai để tạo cuộc đảo chính ngày 01.11.1963 và thảm sát hai anh em ông Diệm và Nhu ngày 02.11.1963. Hai ngày sau, Lệ Quyên cùng hai anh Trác và Quỳnh phải rời Quê hương, đến Cộng hòa Ý để tị nạn. Mẹ và chị Thủy cũng rời Hoa kỳ để đến sum hợp tại Rôma, với quy chế tị nạn.

Tốt nghiệp Đại học Rôma với văn bằng Tiến sĩ Luật, chuyên về Công pháp,
Lệ Quyên ghi danh hành nghề tại Luật sư đoàn Rôma. Phân khoa Luật ngỏ lời mời bà nhận chức Giáo sư, nhưng vì bà vẫn muốn giữ quy chế tị nạn với quốc tịch Việt Nam, nên bà không thể là Giáo sư mà thường chỉ được mời để thuyết giảng.

Bà Lệ Quyên kết hôn với một người Ý và hạ sinh một con trai tên Ngô Đình Sơn, tức mang họ mẹ. Bà Nhu rất hãnh diện khi nhắc đến tên cháu ngoại Ngô Đình Sơn, niềm tự hào dòng họ, sự giữ gốc rễ dân tộc, chứa chan tình yêu nước.

Từ tháng 12.1992 đến tháng 11.1996, Lệ Quyên phụ trách Trung tâm lắng nghe người di dân và tị nạn tại Caritas Rôma, cơ quan quan sát lớn nhất về nhập cư, có cấu trúc hoàn bị nhất, một hoạt động tình nguyện tại Ý, với hơn 200.000 hồ sơ người ngoại quốc, khởi đầu từ năm 1981, đến từ khoảng 150 quốc gia.

Từ tháng 12.1996, bà đảm trách sự phối hợp và giám sát các dịch vụ và lập dự án cho công dân ngoại quốc di dân, tị nạn và các nạn nhân bị buôn bán gồm việc lắng nghe, can thiệp, thông tin và tiếp nhận các gia đình cùng chăm sóc trẻ em không cha mẹ đi kèm.

Tháng 07.2000 đến 12.2007, bà đảm nhận thêm trách nhiệm phối hợp ‘Dự án quốc gia Caritas Ý về người tị nạn’ để hoạt động tại 46 Caritas Giáo phận. Từ tháng 06.2009, bà còn là thành viên Ủy ban Di cư Caritas Europa, sau đó, kiêm nhiệm Chủ tịch và đã chủ trì phần tiếng Ý của Hiệp hội nghiên cứu các vấn đề toàn cầu về người tị nạn, một tổ chức phi chính phủ quốc tế có tư cách tư vấn cho Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Âu châu.

Bà Lệ Quyên không làm đơn nhập tịch, nhưng vì thành tích hoạt động xuất sắc phục vụ Cộng hòa Ý, năm 2008, theo đề nghị của Tổng trưởng Bộ Nội vụ, Tổng thống Federica Cifelli đã ban hành nghị định ban cấp Quốc tịch Ý cho bà với lý do « có những phục vụ đặc sắc cho nước Ý ». Lệ Quyên là người nữ đầu tiên hưởng đặc cách này.

Lệ Quyên đã có vài lời nói đáng lưu ý như:

- « Chúng tôi cố gắng hỗ trợ những người không thể tự lo cho chính mình. Mặc dù chúng tôi muốn giúp những người dễ bị tổn thương, nhưng chúng tôi không muốn tạo ra một sự phụ thuộc hay ỷ lại. Ai cũng phải có một ý thức trách nhiệm và tự lập ».

- « Phụ nữ đi sống và làm việc tại các gia đình có thể gặp nguy cơ bạo lực tình dục. Nhưng họ cũng có thể tạo ra những hành vi và thái độ nào đó bởi vì họ sợ mất việc làm ».

III.- LỄ TIỂN ĐƯA NGƯỜI QUÁ CỐ.

Thánh Lễ An táng Bà Ngô Đình Lệ Quyên và cầu nguyện cho Linh hồn Lucia được tổ chức tại Nhà thờ Giáo xứ St Gregory Barbarigo lúc 11 giờ ngày 21.04.2012, do Đức cha Guerino Di Tora, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Rôma, cựu Giám đốc Caritas Rôma, chủ tọa.

Mở đầu phụng vụ, Đức ông Enrico Feroci, Giám đốc cơ quan thiện này, nói : « Sau giờ làm việc, chúng ta xa cách thế giới người di dân, tị nạn. Nhưng điều đó không thể đối với Lệ Quyên vì chị cũng thực sự là một người tị nạn khi đến Ý từ năm 1963, lúc vừa hơn bốn tuổi. Kinh nghiệm bản thân và sự chuyên nghiệp của người đứng đầu phần vụ người nhập cư của Caritas là điểm quan trọng để mọi người nhớ đến chị. »

Trong phần thuyết giảng, Đức Giám mục chủ tế mở lời bằng đọc một lời chứng của người quá cố, gởi đến các nhân viên Caritas đang thụ huấn, về một ngoại kiều đến gặp chị nhằm tìm biết mình có đủ điều kiện để xin tị nạn không, chị khuyên luôn luôn, dù trong những lúc tối tăm, hãy nhìn vào sao đêm hướng dẫn như là sự che chở duy nhất để đứng thẳng lưng. Ý nghĩ này cho thấy ‘tính nghiêm trọng’ (serietà) nơi bà Lệ Quyên được hiểu không phải là sự khắc khổ cùng cực nhưng phù hợp với đức tin của bà, một người có kinh nghiệm về sự đau khổ.

Bà còn là một người đã hấp thụ nền văn hóa tuyệt vời, kết hợp những tài năng được biểu hiện qua những công việc hàng ngày để đáp ứng các nhu cầu của người nhập cư hoạn nạn, trong mối quan hệ thẳng thắn với họ và cởi mở với các đồng nghiệp.

‘Nỗi buồn vô tận’ như lời Đức cha nói khi nhớ lại những việc đã cùng làm với người qua đời trong mười bốn năm khi Ngài là Giám đốc Caritas Rôma. Bà Lệ Quyên đã chỉ cho chúng ta sự nhập cư với đặc tính mới và khác nhau, không phải là một vấn đề xã hội, nhưng là một vấn đề con người, có khả năng mang lại những giá trị gia tăng cho các xã hội tiếp nhận nó.

Thánh Lễ cho một ‘nhân viên di cư’ được sự tham dự đông đảo của những di dân đã liên lạc với Caritas Rôma trong hai mươi năm qua. ‘Người phụ nữ mạnh mẽ và nhiệt tình chiến đấu cho một nguyên do cao quý: bảo vệ nhân quyền’ đã có biết bao bài thuyết trình về di dân, tị nạn, buôn người và bảo vệ nhân phẩm phụ nữ còn vang dội tại các cơ sở Caritas từng giáo phận nước Ý và lan cả ra nước ngoài. Các tham dự viên lên tiếng cám ơn những kinh nghiệm mà bà Lệ Quyên loan truyền để họ suy nghĩ và khai triển. Họ nói : « Chúng tôi cảm thấy may mắn có vinh dự đã được gặp Lệ Quyên. »

III. ÐÔI ƯỚC NGUYỆN.

a. Bà Lệ Quyên đã được Chúa gọi ra khỏi thế gian hôm sau Chúa nhật Chúa Thương Xót. Bà thật xứng đáng hưởng lòng Thương Xót đó để Linh hồn Lucia được đón nhận vào Thiên Đàng vì bà đã Kính Chúa Yêu Người khi sống ở trần gian.

b. Cuộc sống bà Lệ Quyên chấm dứt vào tháng tư ‘đen’ như Việt Nam Cộng hòa đã biến đi cách đây 37 năm. Ngày nay, Việt Nam đã thụt lùi so với các quốc gia láng giềng khác. Kể sao cho hết những bị đi tù chỉ vì bênh vực người khác như bà Lệ Quyên mà người đó còn là đồng bào sống trên Quê hương như chị Đỗ thị Minh Hạnh, sinh ngày 13.03.1985, cùng hai anh Đoàn huy Chương và Nguyễn Hoàng quốc Hùng đang thụ án vì trợ lực công nhân công ty giày Mỹ Phong tại Trà vinh đình công phản đối chủ ăn chận tiền lương và tiền thưởng tết vào tháng 1/2010 cho đến thành công. Chị Minh Hạnh từng nói : « Làm sao để cho mọi người hiểu rằng, trước hết là phải bảo vệ danh dự dân tộc… họ đánh đập công nhân, lấy giầy ném vào mặt công nhân, làm sao con có thể chịu đựng được,… sao Nhà nước không bảo vệ công nhân mà lại đi bảo vệ chủ??? để cho họ có quyền chà đạp, bắt giam cầm những người công nhân đó… Không thể chấp nhận để người Trung quốc xúc phạm đến danh dự của mình. »

Gần đây, Linh mục Giuse Nguyễn Văn Bình, Tổng Giáo phận Hà Nội đã mua và sửa lại cho các em mồ côi và khuyết tật ở. Ngày 14.04.2012, ngôi nhà này đã bị đập phá tan từ 7 giờ bởi khoảng 200 công an, cảnh sát cơ động và dân phòng và Cha Bình đến nói chuyện với họ, thì họ dùng gậy đánh đập Cha đến ngất xỉu và phải chở đi nhà thương cấp cứu. Ngày 19.04.2012, Cha Bình viết Bản tường trình và cho biết : «Hiện tình trạng sức khỏe của tôi suy yếu nghiêm trọng. »

Hỡi những người cộng sản đã vui mừng nhảy múa và hò hét ‘đánh Mỹ ngã ngụy nhào’ ngày 30.04.1975 và những ai liên kết với nhà cầm quyền độc đảng để làm giàu, được quyền cao, chức trọng nghĩ về những trường hợp vô tội này ?