Trong tất cả những yếu tố của việc sùng kính Lòng Thương Xót, qua Thánh nữ Faustina, Chúa đã yêu cầu ngày lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa phải được đặt ưu tiên lên hàng đầu. Thánh ý của Chúa đã được tỏ ra cho biết trong lần mặc khải đầu tiên với thánh nữ. Trong đó, tất cả 14 mặc khải có liên quan đến những điều mà Chúa mong muốn về ngày lễ này.

Ý Chúa thể hiện rõ về việc Ngài muốn lễ kính LCTX phải được cử hành vào ngày Chúa Nhật II Phục Sinh. Ngài liên kết ngày lễ này vào Chúa Nhật đã được chỉ định qua 8 lần mạc khải: Nhật ký số 49, 88, 280, 299, 341, 570, 699, và 742. Ngụ ý của Chúa về sự liên kết giữa ngày lễ với ngày Chúa Nhật được thể hiện đôi lần và được ghi lại trong cuốn Nhật Ký của Thánh Faustina, số 420 và 89.

Thật vậy, Chúa Giêsu đã đích thân chỉ định ý cầu nguyện cho từng ngày trong Tuần Cửu Nhật để chuẩn bị ngày lễ này một cách trọng thể. Ngài nhấn mạnh: “Hãy làm tất cả những điều mà các con có thể làm cho công việc của Lòng Thương Xót. Trái Tim Ta hoan hỷ trong ngày lễ này”. Thánh Faustina đã kết luận: “Qua những lời này, tôi nhận thức được rằng không điều gì có thể phân tán nghĩa vụ mà Chúa đã đòi hỏi nơi tôi” (Nhật ký, số 998). Và chúng ta vừa hoàn tất Tuần Cửu Nhật kính LCTX để cầu nguyện cho tất cả mọi người.

Công đồng Vatican II đã canh tân phụng vụ và gọi Chúa Nhật cuối của Tuần Bát Nhật Phục Sinh (trước đây gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành – Good Shepherd Sunday) là Chúa Nhật II Phục Sinh, đã được chỉ định trong sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ (Nhật tụng) và cử hành Thánh Thể. Sắc lệnh của Công đồng Vatican II về Phụng vụ Thánh và Giới luật các Bí tích gọi phụng vụ của ngày này là “Chúa Nhật II Phục Sinh” hoặc “Chúa Nhật Kính LCTX”.

ĐGH Gioan Phaolô II, được phong Chân phước ngày 1-5-2011, cũng đã tuyên bố về sự thay đổi này trong bài diễn văn của ngài tại buổi lễ phong thánh cho Nữ tu Faustina ngày 30-4-2000: “Một điều rất quan trọng là chúng ta nên công nhận toàn bộ thông điệp đã đến với chúng ta qua Lời của Chúa trong ngày Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh, vì thế từ đây trở đi toàn thể giáo hội sẽ tuyên xưng ngày này là Chúa Nhật Kính LCTX”.

Nói đến Máu và Nước, chúng ta liên tưởng ngay tới lời kể của Thánh Gioan Tông đồ, người-môn-đệ-Chúa-yêu: “Bấy giờ, một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài, tức thì máu cùng nước chảy ra” (x. Ga 19:34). Nếu Máu là sự hy sinh của Chúa trên Thánh giá và là Hiến lễ của Thánh lễ, thì Nước tượng trưng không chỉ về Phép Rửa mà còn là Tặng phẩm của Chúa Thánh Thần (x. Ga 3:5; Ga 4:14; Ga 7:37-39).

Thánh Tiến sĩ Augustinô đã gọi Chúa Nhật Phục Sinh là “Bản Tóm Lược những ngày của lòng thương xót” (Homily 156, Dom. In Albis) và gọi Tuần Bát Nhật Phục Sinh là Ngày Khoan Hồng và Ân Xá – ngày của sự tạo dựng mới, ngày Chúa đã lập ra. Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Chân phước GH Gioan Phaolô II đã long trọng tuyên bố trong chuyến hành hương viếng thăm mộ Thánh Faustina ngày 7-6-1997: “Tôi dâng lời cảm tạ lên Thiên Chúa toàn năng vì Ngài đã cho cá nhân tôi được góp phần vào việc thành lập ngày lễ kính LCTX một cách hoàn hảo theo Thánh Ý Chúa”.

Linh ảnh LCTX phải có một nơi vinh dự nhất vào ngày mừng lễ kính LCTX, hình ảnh Ngài nhắc cho ta tưởng nhớ cuộc Khổ Nạn, sự Chết và sự Phục-Sinh mà Ngài đã trải qua vì chúng ta, và cũng để nhắc nhở điều mà Chúa đòi hỏi chúng ta đáp trả cho Ngài – tuyệt đối tin tưởng nơi Ngài và khoan dung với mọi người: “Ta muốn hình ảnh Ta phải được tôn kính trong ngày Chúa Nhật đầu tiên sau Phục Sinh, và ta muốn điều này phải được tôn vinh một cách công khai để các linh hồn biết về điều này” (Nhật Ký, số 341).

Chúa hứa ban ơn tha thứ mọi tội lỗi và hình phạt cho chúng ta vào chính ngày lễ kính LCTX đã được ghi lại 3 lần trong Nhật Ký của Thánh Faustina: (1) “Ta muốn ban ân xá cho những linh hồn đã đi xưng tội và rước Mình và Máu Thánh Chúa trong ngày lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa” (Nhật Ký, số 1109); (2) “Bất cứ ai đến cầu xin Nguồn Mạch Sự Sống trong ngày này thì mọi tội lỗi và hình phạt sẽ được hoàn toàn tha thứ” (Nhật Ký, số 300); (3) “Những linh hồn đi xưng tội và rước Mình và Máu Thánh Chúa sẽ được đón nhận ơn tha thứ triệt để cho tội lỗi lẫn hình phạt” (Nhật Ký, số 699).

Tại Việt Nam, TGP Saigon là giáo phận tiên phong trong phong trào tôn kính Lòng Chúa Thương Xót (LCTX), khởi đầu từ Nhà thờ Tân Định (3 giờ chiều mỗi ngày đều có lần Chuỗi LCTX, đặc biệt thứ Sáu hàng tuần có Thánh lễ kính LCTX). Và nay phong trào LCTX đã lan rộng kháp Việt Nam.

Vâng lệnh Đức Giêsu Kitô và tuân phục Giáo hội Công giáo, TGP Saigon đã tổ chức Đại lễ LCTX ở hai nơi: tại Nhà thờ Tân Định (lễ Vọng), và tại TTMV TGP Saigon (lễ chính).

Ai cũng từng PHẠM TỘI, không ai ngay lành trước mặt Chúa, thế nên ai cũng PHẢI liên tục khẩn cầu LCTX. Khi lần Chuỗi Mân Côi, chúng ta cầu xin 5 lần: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin đem các linh hồn lên Thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến LCTX hơn”. Khi lần Chuỗi LCTX, chúng ta cầu xin vài chục lần: “Vì Cuộc Khổ Nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới”. Và chúng ta vô cùng hạnh phúc vì Chúa Giêsu đã và đang thì thầm với mỗi chúng ta: “LTX của Cha lớn hơn tội lỗi của con và toàn thế giới”. Muôn vàn tạ ơn Chúa!

NHÀ THỜ TÂN ĐỊNH

Từ 16 giờ ngày 14-4-2012, mọi người dần dần đổ về khu vực Nhà thờ Tân Định, giáo hạt Tân Định. Càng lúc càng đông, đủ mọi lứa tuổi, có một số người phải ngồi xe lăn. 17 giờ, mọi người bắt đầu lần Chuỗi Mân Côi và Chuỗi LCTX. Đúng 18 giờ, bắt đầu Thánh lễ kính LCTX. Số người hiện diện khoảng 5.000 người.

Chủ tế là ĐGM Cosma Hoàng Văn Đạt (Dòng Tên), Giám mục GP Bắc Ninh kiêm Tổng thư ký HĐGM Việt Nam. Cùng đồng tế là LM G.B. Võ Văn Ánh, đặc trách giáo dân kiêm Hạt trưởng giáo hạt Tân Định và Tổng linh hướng CĐ LCTX TGP Saigon, và 10 linh mục khác.

Đây không chỉ là lễ Vọng kính LCTX mà còn đang là Năm thánh mừng 150 năm thành lập Gx Tân Định: “Đây mùa Hồng ân, Trời mới Đất mới chói chang, Tân Định đoàn con hân hoan đón mừng Năm thánh. Muôn tâm hồn kết giao tình thân, hiệp nhất sống đời chứng nhân”.

Trong bài giảng, ĐGM Cosma nói: “Chắc chắn chúng ta đang có Chúa Phục Sinh”. Ngài cho biết rằng GP Bắc Ninh cũng vừa kỷ niệm 150 năm sự kiện 100 đầu mục tử đạo, hầu hết bị chôn sống. Được biết GP Bắc Ninh hiện đang giữ cây Thánh Giá mà ngày xưa vua quan đã bắt người ta phải bước qua để chứng tỏ mình bỏ đạo. Ngài nhắc lại một số “chuyện buồn” như một thanh niên đã sát hại một gia đình chủ tiệm vàng ở Bắc Ninh, một em giúp lễ 12 tuổi trong giáo xứ của ngài bị người bạn 14 tuổi giết chết để lấy chiếc xe đạp, một đứa cháu giết bà chỉ vì thiếu tiền chơi game,… Ngài nói rằng có người chỉ lỡ cán con chó mà sợ không dám đi xe suốt vài tháng, thế mà có những người lại nỡ sát hại đồng loại, thậm chí là thân nhân ruột thịt. Đó là thiếu LCTX.

ĐGM Cosma nói: “Mỗi người trong gia đình phải biết thương xót nhau, đồng thời thể hiện lòng thương xót đến với bạn bè, đến với những người trong giáo xứ, đến với mọi người, để biến cộng đoàn mình đang sống trở thành CĐ LCTX”. Thật vậy, Chúa Giêsu đã cầu chúc: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7).

Ngài kể về một nữ tu cho biết đã giúp các trẻ em thiểu năng dần dần phân biệt tay phải và tay trái. Ngài nói rằng phải có lòng yêu mến Chúa mới có thể kiên nhẫn làm được như vậy. Chắc chắn Chúa cần những người như vậy hơn những người tổ chức đám cưới tốn vài chục tỷ đồng! Ngài nói rất thích câu nói của một phụ nữ định nghĩa về Giáo hội: “Giáo hội là Thiên Chúa có trái tim của người mẹ, và Giáo hội là người mẹ có trái tim của Thiên Chúa”. Cách định nghĩa thật ý nghĩa!

Ngài nói: “Khi chịu chức linh mục, tôi được tặng tấm hình Chúa Giêsu ôm con chiên. Tôi thấy mình như con chiên lạc đã được Chúa đem về cho làm linh mục và giám mục, vậy tôi phải đi tìm những con chiên lạc về cho Chúa. Có khi tôi đã khóc khi ngắm nhìn tấm hình đó. Phúc âm hôm nay cho thấy Chúa đã đi tìm môn đệ Tôma. Ông không tin Chúa đã sống lại nhưng Chúa làm ông tin. Nói vui chứ nếu Chúa vô cảm thì chúng ta chết hết, thế nhưng Chúa lại là Đấng Giàu Lòng Thương Xót nên Chúa tha thứ hết”. Ngài kết thúc bài giảng: “Xin Mẹ Maria, xin các Thánh Tử Đạo, và xin Thánh Faustina giúp chúng ta luôn biết thương xót nhau”.

Cuối bài giảng, khi được vỗ tay hoặc khi được tặng hoa, ĐGM Cosma đều nói: “Xin cảm ơn cộng đoàn”. Có lẽ ngài cũng có “máu nhạc” nên ngài luôn hát theo khi ca đoàn hợp tấu. Đặc biệt thấy ngài rất hay cười. Thiết tưởng “cảm ơn” và “cười” là nét độc đáo của một con người, tuyệt vời hơn khi đó lại là một giám mục!

Trước khi kết thúc Thánh lễ, ĐGM Cosma đã ban Phép lành Tòa thánh cho mọi người tham dự Thánh lễ. Ơn Toàn Xá hôm nay được trao ban cho mọi người sốt sắng dâng lễ kính LCTX, đồng thời có rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng.

TRUNG TÂM MỤC VỤ TGP SAIGON

Ngày 15-4-2012, Đại lễ LCTX được tổ chức tại TTMV TGP Saigon. 14 giờ, nhiều người đã có mặt dù trời rất nắng. 14 giờ 30, đội trống biểu diễn những điệu trống sôi động. 14 giờ 50, mọi người bắt đầu lần Chuỗi Mân Côi và Chuỗi LCTX. Đúng 17 giờ, bắt đầu Thánh lễ kính LCTX. Số người càng lúc càng đông, tổng cộng khoảng 20.000 người.

16 giờ là phần diễn nguyện về LCTX. 16 giờ 45 là phần chia sẻ về Thánh Faustina của ĐGM Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục GP Thanh Hóa kiêm phó chủ tịch HĐGMVN. Ngài nói: “Tôi rất vui khi được đến đây chia sẻ với anh chị em. Tôi tưởng việc sùng kính LCTX chỉ dành cho những người lớn tuổi và những người không đi làm, vì 3 giờ chiều là giờ nóng bức và buồn ngủ, nhưng rất ngạc nhiên thấy có rất nhiều bạn trẻ. Mỗi khi có sự cố gì thì Chúa cho xuất hiện một vị thánh, như thế kỷ XIII xảy ra tranh giành Thánh Địa thì Chúa gởi tới Thánh Đa Minh với Chuỗi Mân Côi. Thời đại chúng ta được Chúa gởi Thánh Faustina với Chuỗi LTX”.

Ngài nói thêm rằng Bí tích Hòa giải rất quan trọng, vì nhờ đó mà chúng ta có thể được tha thứ tội lỗi và hòa giải với Thiên Chúa. 3 giờ chiều là giờ Chúa Giêsu chết, và ngay khi đó “bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới” (Mt 27:51). Đó là giờ của Ân sủng, giờ của sự tha thứ, giờ của ơn cứu độ, giờ cùa LCTX.

Cái nắng và cái nóng cùa mùa hè khiến ai cũng chảy mồ hôi nhễ nhại, nhưng lòng yêu mến Chúa Giêsu nơi mọi người đã khiến họ chịu đựng vượt qua tất cả. Những chiếc quạt nhẹ nhàng và đều đặn phe pgẩy trên tay nhiều người nhìn như một điệu múa quạt truyền thống.

17 giờ, LM Gioan Thiên Chúa Nguyễn Thới Minh, GP Xuân Lộc, chia sẻ đôi điều giúp cộng đoàn hiệp dâng Thánh lễ. 17 giờ 30 đoàn rước kiệu LCTX cùng đoàn đồng tế tiến về lễ đài trong tiếng reo hò vang dội của cả 20.000 người: “Con yêu Chúa! Con tín thác vào Ngài!”.

Chủ tế là ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Phụ tá TGP Saigon. Cùng đồng tế là ĐGM Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục GP Dalat, LM G.B. Võ Văn Ánh, Tổng linh hướng CĐ LCTX TGP Saigon, và 13 linh mục.

Trong bài giảng lễ, ĐGM Phêrô nói rằng niềm tin của chúng ta nhờ vào “ngôi mộ trống”, những lần Chúa Giêsu hiện ra và các Thánh Tông đồ. Đức tin không dựa vào phép lạ, mà phải nhờ vào Lời Chúa. Ngày xưa, bao người thấy nhiều phép lạ Chúa làm, nhưng họ vẫn đồng lõa hô to: “Đóng đinh vào thập giá!” (Ga 19:6).

ĐGM Phêrô nói: “Thương tích của Chúa là bằng chứng về LCTX. Thương tích đó là do tội lỗi, sự độc ác, sự độc đoán, sự hèn nhát, sự phản bội, sự chạy trốn,… của Tông đồ trưởng Phêrô, của ông Giuđa, của các Tông đồ khác, và của chính chúng ta”.

Khi các Tông đồ họp nhau trong nhà kín, với cửa đóng then cài, Chúa Giêsu hiện đến nói với họ: “Bình an cho anh em” (Ga 20:19; Ga 20:21; Ga 20:26). Lời chúc đó là ơn tha thứ. Ngài đến ban bình an và tha thứ, chứ không hề nhắc đến lỗi lầm của Tông đồ nào. Ơn tha thứ đó là LCTX. Được thương xót rồi thì phải có trách nhiệm: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20:21). Chúa sai chính mỗi người trong chúng ta làm chứng về LCTX cho những người khác, tức là sống LCTX: Cầu nguyện và giúp đỡ những người gặp khó khăn, gặp hoạn nạn, gặp đau khổ…

Kết thúc bài giảng, ĐGM Phêrô nói rất vui và chuyển lời cảm ơn của ĐHY G.B Phạm Minh mẫn, TGM TGP Saigon, đồng thời xin mọi người cùng hát lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisi (Lm Ns Kim Long phổ nhạc): “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…”. Thật tuyệt vời, vì cả lời kinh này là những động thái sống LCTX.

Cuối Thánh lễ, ĐGM Phêrô và ĐGM Antôn cùng ban Phép lành Tòa thánh để mọi người hưởng Ơn Toàn Xá của Đại lễ LCTX.

19 giờ 20, Thánh lễ kết thúc. Mọi người ra về với ơn của LCTX tràn ngập tâm hồn… Chắc chắn Chúa Giêsu rất vui lòng khi thấy càng ngày càng nhiều người biết vâng lệnh Ngài truyền dạy mà chạy đến với LCTX.