MỸ THO - Chiều thứ bảy, ngày 25/02/2012, nhận lời mời của linh mục Phaolô Phạm Minh Thanh, chúng tôi đến giáo xứ Vạn Phước, giáo phận Mỹ Tho, để cùng với cha tháp tùng Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc đi thăm mục vụ bốn giáo điểm trên địa bàn huyện Cần Đước và Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Xem hình ảnh

Vùng Cần Đước, Cần Giuộc chỉ cách trung tâm Sài Gòn hơn ba chục cây số nên xe chúng tôi thong thả lăn bánh. Đường vào nhà thờ Vạn Phước đẹp vì có “hẻm nhà thờ” tráng xi-măng, hàng cây hai bên được chăm chút kỹ lưỡng nên vẻ xanh tươi, mát dịu như chào khách đến, đưa người thăm vào khuôn viên khá rộng, rất “chỉn chu” của nhà thờ.

Chúng tôi dừng chân khoảng một giờ đồng hồ thì Đức Cha đến. Những giáo dân người miền Nam đón Đức Cha vẻ đơn sơ nhưng không kém phần trịnh trọng. Câu chuyện được Đức Cha mở đầu bằng những lời rất “mục vụ” nhưng thiết tha đến từng giáo dân, nói đến việc bổ nhiệm cha chánh xứ tại đây, những thành quả cha xứ cùng giáo dân đã thực hiện được. Phút giây ngắn ngủi chầu Thánh Thể sốt sắng giữa trưa nắng trong ngôi thánh đường nhỏ trở thành khoảnh khắc thăng hoa giữa chủ chăn và giáo dân.

Giáo xứ Vạn Phước được hình thành từ 1880 trên địa bàn xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, có một lược sử ít sóng gió, bình thường theo thời gian - từ nhà nguyện bằng cây lá đơn sơ, đến nhà thờ tường gạch, có trường học, có các cha sở lần lượt coi sóc - trải qua 132 năm, hiện nay giáo xứ Vạn phước có đầy đủ điều kiện nhân sự, cơ sở để phục vụ cộng đoàn dân Chúa ở vùng này.

Điểm truyền giáo Chợ Núi

Sau vài phút giải khát, Đức Cha cùng cha xứ Vạn Phước, linh mục phụ trách truyền thông và ba người chúng tôi, lên xe đi đến điểm truyền giáo Chợ Núi. Xe Đức Cha đi trước, xe chúng tôi đi sau làm chúng tôi có cảm tưởng mình đang cùng một vị quan của Đức Vua Giêsu đi “vi hành” vùng thôn quê!

Điểm truyền giáo Chợ Núi là một căn nhà bình thường giữa một khu dân cư phố chợ. Đức Cha vào bên trong và chào hết mọi người, ân cần với cụ bà 100 tuổi, con dâu của cụ Yến - người gầy dựng điểm truyền giáo này - còn bà cụ thì nhớ rằng đã lâu rồi Đức Cha không đến nơi này.

Tại đây, Đức Cha nói về sự hồi tâm, trở về của mình bằng cách đến thăm những giáo điểm. Còn ông Nguyễn Văn Năng, 80 tuổi, cháu nội của cụ Yến đã chia sẻ một chút tâm tình của ông với điểm truyền giáo này.

Từ vùng đất gọi là Tắt Cạn, ấp Tây, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, có ông Antôn nguyễn Văn Yến, lúc đầu chưa có đạo, đã sang họ đạo Vạn Phước để tìm đạo. Sau khi biết Chúa, ông đưa cả gia đình vào đạo, rồi dâng đất để dựng một nhà nguyện và bắt đầu hình thành họ đạo Rạch Núi. Trải qua thời gian chiến tranh, nhà nguyện sụp đổ, gia đình và các con cháu vẫn kiên trì giữ đạo. Sau năm 1975, cuộc sống càng khó khăn nhưng mọi người trong gia đình vẫn tìm đến những nhà thờ ở Sài Gòn để chịu các Bí Tích. Ngày Chúa nhật, các con cháu của cụ Yến qui tụ về nhà tổ (nhà nguyện này) để đọc kinh cầu nguyện. Hiện nay, con dâu của cụ Yến đã 100 tuổi và trở thành điểm tựa có thể qui tụ con cháu giữ gìn đời sống đức tin. Và các tu sĩ tu đoàn Thừa Sai Thánh Mẫu Chúa Cứu Thế phụ trách Phụng Vụ Lời Chúa, dạy Giáo lý và những công việc mục vụ khác vào ngày Chúa nhật.

Hằng năm, vào ngày lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, lễ trọng, Tết, Tu Đoàn cử linh mục đến dâng lễ cho bà con giáo dân ở đây. Đức tin nơi này đang ngày càng mở rộng, nhờ con cháu mạnh dạn sống đạo và nói về Chúa Giêsu cho người khác. Hy vọng vùng đất này sẽ phát triển đức tin từ nhà nguyện của cụ Yến ngày xưa.

Nhà nguyện nhỏ ở một công ty

Thú vị nhất là ngay sau đó, ông bà giám đốc và công nhân của công ty xuất nhập khẩu may thêu Thiên Đông Nghi đã đón Đức Cha dưới cái nắng của giờ thứ 15 trong ngày. Trong tay các bạn trẻ cầm lá cờ nhỏ, đủ màu. Thăm nhà xưởng lớn nơi các bạn trẻ làm việc hằng ngày, người ta có thể thấy được nhu cầu tâm linh của nhiều bạn trẻ Công giáo trong số 400 bạn trẻ từ nhiều nơi đổ về đây làm việc. Đức Cha cùng các bạn đi vào nhà nguyện nhỏ bên trong, gần nơi các bạn ở; đó là một căn nhà sạch sẽ khá sang trọng mà phần nhà nguyện là phòng khách lớn của căn nhà.

Hôm nay, trong lúc mọi người dùng tiệc trà, Đức Cha nói với các bạn trẻ rằng các bạn cần có một cách sống vui tươi, tin tưởng và gầy dựng tương lai cho mình từ công việc đang làm. Nhất là biết làm chủ, biết “hãm” con người của mình trước những cám dỗ đầy rẫy bên ngoài.

Các bạn trẻ người dân tộc Sê-đăng ở vùng Gia Lai còn đứng lên cùng hát một bài bằng tiếng dân tộc làm bầu khí thêm sôi động. Thân thiện nhất là trước khi ra về, các bạn được chụp hình chung với Đức Cha với những nụ cười khó quên.

Được biết, anh chị Đông, giám đốc công ty này khi mở xưởng đã quan tâm đến đời sống đức tin của các bạn trẻ nên tạo nhiều điều kiện cho họ giữ đức tin thuận lợi. Mặt khác, anh chị có cách cư xử đầy lòng nhân ái như hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho các em, ân cần giúp đỡ khi đau yếu, hỗ trợ hôn nhân khi bạn trẻ cùng xưởng lập gia đình với nhau, tổ chức văn nghệ tết, cho đi tham quan nghỉ mát…nên đã thu phục nhân tâm của các bạn trẻ và việc qui tụ đọc kinh cầu nguyện tại nhà nguyện nhỏ này không có gì là khó khăn.

Điểm dừng chân đặc biệt!

Được cha xứ Vạn Phước dẫn đường, hai chiếc xe đã quẹo vào một con đường nhỏ đầy cỏ dại, lối đi chưa rõ ràng. Đức Cha và chúng tôi đã dừng chân tại một khu đất ruộng, thuộc ấp Hòa Thuận xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc. Đây là thửa đất mà giáo dân và quí ân nhân đã cố gắng mua được. Thửa đất mà Đức Cha và chúng tôi đứng vẫn còn trơ gốc rạ, nhưng đây là nơi một thánh đường sẽ được cất lên trong nay mai. Mọi việc đang được tiến hành một cách thuận lợi và cẩn thận. Ở Cần Giuộc chưa có một nhà thờ Công giáo nào. Đã vài lần chúng tôi đến vùng Cần Giuộc này làm công tác từ thiện nhưng chẳng thấy bóng dáng nhà thờ; thoáng buồn và cảm thấy thiếu thiếu, khắc khoải gì đó, nay đôi chân chúng tôi được đứng trên thửa đất để xây nhà thờ đầu tiên của Cần Giuộc, một cảm xúc thật tuyệt vời làm sao! Công trình này cần lắm thay nhiều tấm lòng!

Nhà nguyện tạm Cần Giuộc

Chúng tôi lại đi vào một con hẻm khá sâu, nhà nguyện tạm Cần Giuộc nằm lọt thỏm trong một biệt thự, có một “lý lịch” khá đặc biệt. Tại đây, Đức Cha nhắn nhủ số giáo dân đại diện ra tiếp đón, một sự cần thiết của việc luyện tập. Bất cứ một việc tốt lành nào cũng được bắt đầu bằng việc luyện tập. Từ việc luyện tập thể dục đến những thói quen tốt, từ cách sống tốt lành đến nhân đức, việc bác ái, chia sẻ….

Họ đạo Cần Giuộc ở tổ 7, khu phố 3, thị trấn Cần Giuộc được hình thành từ rất lâu, nhưng không phát triển mạnh. Trước năm 1975, hội dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán có mở một cô nhi viện tại thị trấn này, nuôi dạy trẻ cô nhi rất đông. Sinh hoạt đức tin của giáo dân Cần Giuộc cũng tháp nhập vào đây và có một nhà nguyện nằm trong cô nhi viện này.

Sau năm 1975, cô nhi viện trở thành bệnh viện huyện Cần Giuộc và đến nay vẫn còn là trung tâm y tế của thị trấn này. Thế là bà con giáo dân phải tản mác, tự tìm nơi giữ gìn đức tin.

Ngày lễ Phục Sinh năm 2009, một thánh lễ đầu tiên được cử hành (sau hơn 30 năm không có thánh lễ) tại nhà ông Phêrô Trần Văn Luân. Từ ngày đó đến nay, gia đình ông luôn quảng đại tiếp đón giáo dân vào các ngày Chúa nhật.

Nhà nguyện Long Trạch

Để đến được điểm truyền giáo sau cùng, Đức Cha và chúng tôi phải lên xe ôm đi vào con đường nhỏ. Nhà nguyện Long Trạch hiện ra trông khá đẹp và tươm tất, chắc chắn là nhờ sự khéo léo của quí thầy trong tu đoàn. Cũng như tại ba địa điểm trước, Đức Cha và giáo dân đọc một kinh Lạy Cha, ba kinh Kính Mừng, một kinh Sáng Danh, sau đó là trao đổi với người phụ trách giáo điểm, ban huấn từ, rồi hỏi xem có ai muốn hỏi gì thì Đức Cha trả lời. Sau cùng là Đức Cha ban phép lành.

Ở nhà nguyện này, Đức Cha nhấn mạnh đến một nếp sống tránh xa tội ác. Mỗi giáo dân phải trưởng thành trong niềm tin để giáo dục đức tin cho con cái và cách sống trong xã hội.

Nhìn nhà nguyện đẹp thế này, nhưng có ai ngờ lược sử cũng có một chút sóng gió, đang cần nhiều lời cầu nguyện.

Khởi đầu, thầy Giuse Phạm Thế Hiển, thuộc tu đoàn Thừa Sai Thánh Mẫu Chúa Cứu Thế đã về vùng đất này tìm hiểu, làm quen và thực hiện công việc tông đồ. Qua nhiều hy sinh vất vả và kiên nhẫn, thầy đã tạo được một cộng đoàn nhỏ và quyết tâm xây nên một ngôi nhà nguyện (ấp Long Thanh, xã Long Trạch, huyện Cần Đước). Sau đó thầy nhận nhiệm vụ khác, các anh em của tu đoàn tiếp tục công việc của thầy và hiện nay, thầy Giuse Hoàng Văn Thành đang phụ trách chính. Hơn mười năm qua, giáo dân xung quanh qui tụ về đây đọc kinh cầu nguyện. Khoảng một năm nay, vì có tranh chấp đất đai với nhà bên cạnh nên nhà nguyện không được phép sinh hoạt nữa. Và còn một số chuyện phức tạp khác nên hiện nay, anh em trong Tu Đoàn muốn gầy dựng một cộng đoàn sống âm thầm, hiện diện giữa anh em lương dân và tiếp tục nói về Chúa Giêsu cho những người thiện chí.

Đến 17 giờ 00, chúng tôi trở về nhà thờ Vạn Phước. Trước khi dùng cơm chiều, chúng tôi phỏng vấn Đức Cha và được biết về tình hình truyền giáo trong giáo phậm Mỹ Tho.

Loan báo Tin Mừng trong giáo phận Mỹ Tho

1. Giáo phận nào cũng có những giáo điểm cần được chú ý và phát triển. Giáo phận Mỹ Tho hiện nay có khoảng bao nhiêu giáo điểm và Đức Cha có kế hoạch nào thực hiện chung cho các điểm truyền giáo này?

- Giáo phận Mỹ Tho gồm 3 tỉnh : Tỉnh Long An, Tỉnh Tiền Giang và 2/3 tỉnh Đồng Tháp. Đây là một Giáo phận mà tỷ lệ giáo dân r?t thấp so với Dân số : chưa tới 3% người công giáo, khoảng 125 nghìn người công giáo sống giữa một dân số khá lớn là gần 5 triệu người. Chính vì thế mà vấn đề loan báo Tin Mừng là một vấn đề tối quan trọng. Chúng tôi có rất nhiều giáo điểm rải rác trong cả ba tỉnh. Mỗi tỉnh đều có khoảng trên dưới 10 địa điểm truyền giáo. Mới hôm Thứ Bảy và Chúa Nhật vừa qua (18 và 19 tháng 2), tôi đã đi thăm hai địa điểm truyền giáo Giồng Găng và Gò Bói. Đây là hai giáo điểm rất nghèo và rất xa giáp giới Kampuchia thuộc huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.

Trong Giáo phận, có một Ban Truyền giáo, với một linh mục đứng đầu và nhiều linh mục, nữ tu và giáo dân cộng tác. Chúng tôi đang thúc đẩy công việc tông đồ giáo dân, và có khá nhiều người tham gia. Mỗi giáo xứ có một ban Truyền giáo. Hằng năm chúng tôi có một khoá huấn luyện về Truyền giáo tại Trung tâm Mục vụ của Giáo phận.

2. Chương trình truyền giáo mà Giáo phận của Đức Cha sẽ thực hiện có chú ý đến những nét đặc trưng của việc truyền giáo tại Việt Nam xưa và nay không?

Cụ thể nét đặc trưng đó là có tính gia đình (giáo dục nhân bản và đức tin), tính tập thể của cộng đồng (nâng cao đời sống văn hóa xã hội ủa các cộng đồng nghèo miền nông thôn), tính sùng đạo (việc hội nhập văn hóa và giữ lại nếp sống đạo truyền thống của cha ông, đồng thời nâng cao trình độ giáo lý cho giáo dân), tính từ thiện xã hội (hoạt động bác ái để giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người)và tính giáo dân (nâng cao phẩm giá và vai trò của giáo dân trong sứ mạng truyền giáo).

- Dĩ nhiên chúng tôi có chú trọng tới những nét cơ bản trong hoạt động Truyền giáo của Giáo hội Việt Nam, nhưng không thể thực hiện đồng bộ khắp mọi nơi, vì còn phải tùy tình hình ở mỗi địa phương, tùy vào khả năng của các nhân sự, và cũng tùy vào quan niệm của những con người truyền giáo. Nguyên tắc cơ bản đầu tiên phải là “sự mềm dẻo và đa dạng”, không thể đòi hỏi nơi nào cũng giống nhau.

Có những nơi nhấn mạnh đến việc từ thiện xã hội, vì nơi đó có những người làm việc xã hội rất tốt. Có những linh mục cũng như giáo dân rất có năng khiếu về việc này. Nhưng ở những nơi khác thì lại chưa có. Vài nơi khác lại nhấn mạnh tới việc “truyền đạo”, vì có những con người có năng khiếu thuyết phục người khác về mặt này. Cũng có nơi cần nâng cao “đời sống văn hoá và xã hội”, như khuyến khích và tìm học bổng cho các con em nghèo đi học.

Về vấn đề gia đình, thì ngày nay hơn bao giờ hết, chúng tôi chú trọng tới mục vụ gia đình, đi thăm viếng các gia đình và tổ chức những khoá huấn luyện đời sống nhân bản và đạo đức cho họ.

Việc hội nhập văn hoá là một việc rất khó, không phải ai cũng có thể làm được, nhưng Giáo phận cũng có chú trọng, dù chưa được đầy đủ.

3. Thực tế, những thuận lợi và khó khăn hiện nay của các giáo điểm truyền giáo tại giáo phận Mỹ Tho? (về nhân sự, chính quyền, việc loan báo Tin Mừng, cử hành các Bí tích, chứng tá đời sống, việc sử dụng các phương tiện truyền thông…)

- Thuận lợi hiện nay là một số linh mục và giáo dân bắt đầu ý thức mạnh mẽ hơn về sứ mạng loan báo Tin mừng của Giáo hội, và hoàn cảnh xã hội dần dần cởi mở hơn trước. Hy vọng điều kiện xã hội sẽ ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Sự kiên nhẫn vẫn luôn luôn cần thiết. Nhưng khó khăn lớn nhất, chính là vấn đề thiếu nhân sự và tài chính. Nhân sự chưa được huấn luyện đầy đủ, để làm công tác truyền giáo. Các linh mục chưa vận dụng được sự hổ trợ của giáo dân. Nhưng tình trạng này đang được khắc phục dần dần bằng các khoá huấn luyện bổ sung của Giáo phận tại Trung tâm mục vụ. Muốn thúc đẩy việc Truyền giáo, cũng cần phải có ngân quỷ dành riêng cho việc này, nhưng hiện nay điều kiện tài chính của Giáo phận chưa cho phép có ngân quỷ riêng. Hy vọng ban Truyền giáo có thể xoay xở để có được ngân quỷ cho việc loan báo Tin Mừng.

4. Để truyền giáo, Đức Cha ưu tiên việc xây dựng các cơ sở tôn giáo trước hay chú ý đến những hoạt động thăng tiến con người (dân trí dân sinh) trước rồi mới loan báo Tin Mừng?

- Chúng tôi không tiên thiên ưu tiên cho việc xây dựng cơ sở vật chất hay thăng tiến con người. Có những nơi chúng tôi đã dành thời gian hơn 10 năm để thăng tiến con người, rồi mới bắt đầu xây dựng cơ sở vật chất, như tại giáo điểm “Gò mù” thuộc huyện Tân Phước, vùng kinh tế mới của tỉnh Tiền Giang. Nơi khác, nếu không có cơ sở vật chất tối thiểu, như một “ngôi nhà đa năng” chẳng hạn, thì không cách gì quy tụ dân chúng để giúp họ thăng tiến. Việc xây dựng những ngôi nhà nguyện vẫn rất cần thiết. Hầu như tại mỗi giáo điểm, các linh mục đều cố xây dựng một vài “cây nước” (hệ thống nước sạch), hoặc một vài căn nhà tình thương, ngoài ra còn tổ chức khám bệnh cho người nghèo.

5. Thánh Phaolô là thánh bổn mạng của Đức Cha, và Ngài là một nhà truyền giáo lỗi lạc, Đức Cha học được gì ở Ngài?

- So với Thánh Phaolo là thánh bổn mạng, tôi cảm thấy mình xấu hổ, vì chưa được một phần nhỏ sự nhiệt tâm của ngài, nhưng tôi vẫn cố gắng noi gương can đảm và mạnh dạn của ngài. Một gương sáng khác của ngài rất ảnh hưởng trên con người và cách cư xử của tôi là “trở nên mọi sự cho mọi người”, gần gũi với mọi người. Tôi tiếp xúc với mọi hạng người, từ người trí thức đến người bình dân đi ăn xin hay bán vé số. Cái nhìn phổ quát, không kỳ thị bất cứ ai của Phaolô cũng là ánh sáng không ngừng soi chiếu cho công tác mục vụ của tôi. Và cuối cùng là “sự lạc quan tin tưởng” vào Thần Khí của Đấng Phục Sinh, sự gắn bó với Chúa Kitô Phục Sinh là nguồn trợ lực cho sự yếu đuối của tôi. Tôi xác tín tuyệt đối vào lời nói của Phaolô : chính lúc tôi yếu là lúc tôi mạnh , vì sức mạnh trong tôi không phải là của tôi mà là của Đấng đã sai tôi (x. 2Cr 12,10).

Chúng tôi về Sài Gòn khi trời đã tối. Đức Cha còn ở lại giáo xứ Vạn Phước để ngày mai dâng lễ và cha sở đã mời tất cả giáo dân trong các điểm Đức Cha đã viếng thăm đến tham dự. Sau đó, Đức Cha sẽ thăm họ đạo Nha Ràm.

Đối với chúng tôi, đây là một chuyến viếng thăm thực tế thật ý nghĩa, đầy niềm vui.