Trong tác phẩm nổi tiếng Il metodo in teologia (phương pháp trong thần học) nhà thần học Bernard Lonergan[1] nói tới ý nghĩa của “hoán cải ba tầng nấc toàn vẹn (triplex conversion), đó là sự hoán cải về trí tuệ (intellectual), luân lý (moral) và tôn giáo (religious)[2]. Bài viết này khai triển và giải thích ba khía cạnh này.
1. Hoán cải về trí tuệ (Intellectual conversion)
Nói đến trí tuệ là nói đến khả năng xem xét, hiểu biết và đánh giá các sự việc. Hay nói cách khác đó là khả năng nhận biết chân lý của con người. Đây là một phẩm chất cao quý mà Tạo Hóa đã phú bẩm cho con người. Lý trí là đặc điểm phân biệt con người với con vật.
Trên phương diện nhận thức luận, sự việc hay sự thật được nhận thức qua khả năng, cách nhìn và thái độ của mỗi người. Chính vì thế, nó được dội lại và phản ánh theo cách nhìn và thái độ đón nhận của chúng ta. Bởi vậy, mỗi người có thể đạt tới một sự nhận thức khách quan hay rơi vào chủ quan và sai lạc trong nhận thức và hiểu biết của mình.
Theo nhà thần học Lonergan, chúng ta cần phân biệt: “chân lý tự thân – in se” và “sự thật đối với tôi – per me”. Chân lý tự thân là sự thật khách quan, tự nó có giá trị, không tùy thuộc vào tuổi tác, địa vị, tình cảm của tôi, cũng không tùy thuộc vào điều kiện thể lý, địa lý, không gian và thời gian. Chân lý đó luôn có giá trị và khách quan.
Còn “sự thật đối với tôi” đó là một cụm từ diễn tả những gì được nhận thức và phản ánh do khả năng, cách nhìn, thái độ đón nhận và động lực thúc đẩy của ta. Nên chúng còn mang tính chủ quan và là sự phản ánh cá vị của từng người. Chính vì vậy, trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thường thấy: cùng một sự việc xảy ra, nhưng mỗi người đón nhận nó cách khác nhau, nên sự việc đó được phản ánh lại dưới muôn hình vạn trạng bằng những hình thù khác nhau. Từ đó có những hiểu biết, thông tin và đánh giá hoàn toàn khác nhau. Nếu không muốn nói là có sự khác biệt hay đối nghịch nhau trước cùng một vấn đề.
Ngày hôm nay các nhà thần học cho rằng: nhiều lúc viễn tượng nhìn vấn đề còn quan trọng hơn chính các vấn đề. Nếu ta nhìn đời, nhìn người bằng cặp mắt và viễn tượng “đen – negative thinking”, thì sẽ phản ánh lại theo gam màu “đen”, tiêu cực, giảm thiểu và méo mó. Cũng thế, nếu ta khởi đi từ viễn tượng, cái nhìn và thái độ tích cực – positive thinking, để đánh giá thì sẽ có những kết quả tích cực. Thế nên, muốn thay đổi cuộc sống, trước hết phải thay đổi não trạng và tư tưởng của ta.
Chính vì thế, cần phải thay đổi viễn tượng và cách nhìn của mỗi người để tiếp cận sự việc, con người và cuộc sống. Đây là sự thay đổi và hoán cải về trí tuệ: là thay đổi cách suy nghĩ, lối phán đoán và thành kiến của ta để hiểu biết và nhận thức sự việc và chân lý một cách khách quan, đúng đắn. Cũng theo nhà thần học Lonergan, sự hoán cải này dẫn chúng ta tới một sự rõ ràng tận căn (radical) trên bình diện hiểu biết. Đó là sự mở ra với chân lý khách quan trong phán đoán của ta. Hoa quả của sự hoán cải này theo bình diện nhận thức luận, là “sự đạt tới thái độ đúng đắn và lượng giá một cách khách quan và cụ thể các sự việc trong cuộc sống”.
Đây là một bước nhảy vọt trong nhận thức: từ “sự thật được hiểu như là “những gì xuất hiện và hình như đối với tôi (per me)”, ta đạt tới bước nhận thức sự thật như là “những gì là thực trong chính tự thân nó (in se)”, vượt trên biên giới của những tình cảm, tuổi tác, điều kiện nhân loại và ý kiến chủ quan mỗi người.
Trong cuộc sống, chúng ta thường sai lầm rất nhiều về mặt nhận thức và hiểu biết. Chúng ta thường hiểu và phản ánh một sự việc theo cái nhìn chủ quan của mình, nhiều lúc chúng ta gán tư tưởng riêng cho sự việc. Hoặc nhiều lúc sự việc và sự thật bị “uốn cong” và “lèo lái” theo mục đích riêng của ta. Đó là sự “bất lương” trong nhận thức và hiểu biết. Nhất là trong việc trình bày chân lý, trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Người ta nói rằng: “Nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, nhưng nửa sự thật thì không còn là sự thật nữa”. Cần phải để ý về điểm này để tránh những sai lạc và méo mó trong nhận thức và hơn hết là để đạt tới sự thật khách quan, sự thật tự thân nó.
2. Hoán cải về luân lý (moral conversion)
Hoán cái về trí tuệ là sự thay đổi trên bình diện hiểu biết và nhận thức. Có một sự hoán cải khác trên bình diện đời sống. Đó là hoán cải thuộc luân lý. Đây là bước đi từ việc nhận ra chân lý khách quan và các giá trị tự thân, tới việc chấp nhận, theo đuổi và sống theo chân lý và giá trị đó.
Sự hoán cải này được hiểu như là sự thay đổi tận căn các tiêu chuẩn chọn lựa riêng của mỗi người: từ những gì được thúc đẩy bởi chính những sự thỏa mãn và hài lòng mình, ta đi tới tiêu chuẩn của các giá trị luân lý, khách quan và siêu vượt. Chúng là những giá trị lý tưởng “khác tôi” và “vượt trên tôi”, hướng dẫn đời sống luân lý tôi, là điểm quy chiếu tối hậu mà tác nhân luân lý được mời gọi để làm cho mình phù hợp với chúng. Quả thế, sự hoán cải này mở ra với chọn lựa và với quyết định cho điều mà thực sự là tốt, là thiện hảo, ngay cả khi có sự đối nghịch với chính những ước muốn và thỏa mãn riêng của ta. Nó hướng tới một sự tự lượng giá liên lĩ liên hệ tới sự hiểu biết, ý hướng và hành động của ta đối với các giá trị.
Để thay đổi đời sống luân lý của ta, nhà thần học Dòng Tên cho rằng cần phải thực hiện một “bước nhảy” từ điều được coi là tốt, là quan trọng đối với tôi (importance for me), từ điều làm tôi thích tới những điều thiện tự thân nó là giá trị, là thiện hảo (importance itself); từ “sự thiện” bên ngoài xem ra tốt tới sự thiện đích thực tốt – dal bene apparente al bene reale”[3].
Một cách cụ thể, ta có thể diễn tả điều đó như sau: Tôi chọn lựa và sống theo điều thiện hảo, hay tôi làm điều thiện vì tự thân nó là một giá trị đáng làm, chứ không chỉ vì “tôi thích” hay vì nó làm thỏa mãn những nhu cầu tâm lý của tôi. Ví dụ: Tôi giúp người nghèo và làm việc bác ái, vì đó là một giá trị đáng làm, chứ không phải làm để được người khác biết đến, được khen ngợi hay vì lợi ích riêng thúc đẩy. Cùng một vấn đề nhưng hai cách làm mang lại giá trị luân lý hoàn toàn khác nhau.
Đó là lý do giúp chúng ta hiểu tại sao trong Tin Mừng Đức Giêsu mạnh mẽ lên án lối đạo đức giả và vụ hình thức của các Luật Sỹ và Nhóm Biệt Phái. Đồng thời Chúa cảnh giác các môn đệ:
“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,1-4).
Vì thế, một người tốt đích thực không chỉ “tỏ ra mình là người tốt” bên ngoài mà phải thực sự tốt tự bên trong, tốt tự thân. Giáo dục con người hôm nay không được dừng lại ở “trưởng thành theo bên ngoài” mà phải là đạt tới “sự trưởng thành bên trong”. Từ đó “hữu xạ tự nhiên hương”; từ đó “anh hoa phát tiết ra ngoài”!
3. Hoán cải thuộc tôn giáo (religious conversion)
Nếu niềm tin và lòng yêu mến Thiên Chúa của người kitô hữu chỉ dừng lại trên bình diện lý trí như hiểu một số điều về giáo lý, thuộc một số kinh; hoặc chỉ dựa trên những tình cảm nhân loại chóng qua; hay chỉ thực hành một số việc đạo đức, thì niềm tin đó chưa thực sự dấn thân trọn vẹn và toàn vẹn con người cho Thiên Chúa.
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI trong cuốn sách nổi tiếng Đức Tin Kitô Giáo hôm qua và hôm nay giải thích ý nghĩa của niềm tin kitô giáo:
“Tin là hình thái qua đó con người đặt mình vào mối tương quan với toàn thể thực tại, và hình thái này không thể so sánh hoặc giản lược vào bình diện tri thức. Tin là điều đem lại ý nghĩa, đem lại nền tảng cho cuộc sống con người… Tin là một cuộc gặp gỡ với một con người Giêsu, và qua cuộc gặp gỡ đó mà nhận ra rằng, ý nghĩa của thể giới là một con người, một ngôi vị sống động (Person). Qua cuộc sống bởi Cha, qua việc cầu nguyện trực tiếp, gắn bó và có thể nói hết sức thân mật với Cha mà Ngài là chứng nhân của Thiên Chúa. Qua Đức Giêsu, chúng ta có thể sờ chạm tới Thiên Chúa Đấng vô phương đạt thấu. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa ngàn trùng cách xa giờ đây xuất hiện gần kề bên ta… Như thế, tin là tìm được một Ai đó thật gần gũi, một Đấng nâng chúng ta, tặng ban cho ta một tình yêu bất hoại… Như vậy, tin, tín thác và tình yêu rốt cuộc chỉ là một, và tất cả nội dung hàm chứa đức tin chỉ là những cụ thể hóa của biến cố làm xoay chuyển tất cả: ‘Con tin vào Chúa’ – biến cố khám phá ra Thiên Chúa nơi dung mạo một con người: Giêsu Nadarét”[4].
Theo ý nghĩa đó, cần phải có sự hoán cải về tôn giáo để sống niềm tin kitô giáo. Đây là sự thay đổi cao nhất trên hành trình hoán cải toàn vẹn con người. Theo Lonergan, nó hệ tại trong việc được thúc đẩy bởi điều đụng đạm đến chúng ta cách tuyệt đối”[5]. Có nghĩa là đạt tới sự “yêu mến trong một cách siêu thế”, hay là “sự hiến mình, phó dâng trọn vẹn và mãi mãi một cách không điều kiện và không giới hạn nào cho Thiên Chúa”. Đó là sự trở về, gắn bó và sống hoàn toàn cho Đấng Tuyệt Đối bằng một tình yêu như Kinh Thánh nói: “Yêu mến Thiên Chúa, hết lòng, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Dnl 6,5). Câu nói này có nghĩa như sau: trước hết, là yêu mến Thiên Chúa với toàn bộ con người chúng ta. Thứ đến, là đặt Thiên Chúa ở chỗ nhất và quan trọng nhất trong bậc thang giá trị để chọn lựa, phán đoán và hành động, và từ đó để “yêu thương anh em như chính mình vậy” (Mt 19,19).
Thế nên, sự hoán cải tôn giáo là sự trở về với Thiên Chúa và yêu mến Ngài bằng toàn bộ con người và đời sống của ta.
Sự hoán cải triệt để, tận căn và toàn vẹn là sự hoán cải của trí tuệ, con tim và toàn bộ đời sống. Mỗi người kitô hữu đạt tới tính chân thực của mình trong sự “tự siêu việt bản thân”[6]. Sự siêu việt chính mình được thực hiện trải qua ba nhịp: nhận biết chân lý khách quan, thay đổi sống theo các giá trị luân lý và yêu mến Thiên Chúa với toàn bộ con người mình.
Xã Đoài, Chúa Nhật I Mùa Chay 2012.
Sách tham khảo
1. Bernard Lonergan, Il metodo in teologia, Città Nouva, Roma 2001.
2. ĐGH Biển Đức XVI, Đức Tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2009.
3. Alessandro M. Ravaglioli, Psicologia. Studio interdisciplinare della personalità, EDB, Bologna 2006.
[1] Bernard Lonergan (1904-1984) sinh tại Québec, Canada, thuộc Dòng Tên, là một triết gia và nhà thần học thông thái của thế kỷ XX, đã đóng góp quan trọng về tư tưởng thần học cho Công Đồng Vatican II.
[2] Id., Il metodo in teologia, Città Nouva, Roma 2001, 267-275.
[3] Id., Il metodo in teologia, Città Nouva, Roma 2001, 271.
[4] Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Đức Tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2009, 73.79-80.
[5] Bernard Lonergan, Il metodo in teologia, 271.
[6] Ibidem, 136.