Vụ Tiên Lãng, Hải Phòng: Chính quyền địa phương đã phá hoại chính sách Nhà nước
Theo luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, trong vụ ông Đoàn Văn Vươn, việc làm của chính quyền địa phương huyện Tiên Lãng, Hải Phòng là phi pháp, bất nhân.
Ông cho rằng Hiến pháp cần công nhận quyền sở hữu đất đai của người dân, để bọn cường hào mới không thể lạm quyền, gây bất công xã hội, tạo ra những bất ổn định tiềm ẩn về chính trị.
Đã gần một tháng qua, dư luận vẫn còn xôn xao về vụ gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng bị cưỡng chế giao lại khu vực đầm mà ông đã được giao trong lúc chưa hết thời hạn, nhà cửa và hoa lợi của trên khu đất này cũng bị phá hủy và cướp bóc. Hiện sáu người trong gia đình ông đang bị truy tố, riêng ông và người em đang bị tạm giam với tội danh rất nặng là «giết người», vì đã chống lại đoàn cưỡng chế.
Nhưng vụ Đoàn Văn Vươn cũng đã cho thấy những vấn đề sâu xa, gai góc hơn, như quyền sở hữu đất đai, tình trạng thiếu dân chủ ở một số địa phương… và là dấu hiệu báo động sẽ có nhiều vụ Đoàn Văn Vươn nữa nếu chính quyền không giải quyết đến nơi đến chốn. Đây cũng là ý kiến của luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.
RFI: Kính chào ông Lê Hiếu Đằng. Thưa ông về vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng, có lẽ thời gian của một cuộc phỏng vấn ngắn như thế này là quá ít, nhưng ông có thể cho một vài nhận định được không?
Lê Hiếu Đằng: Gần một tháng nay có thể nói là công luận rất phẫn nộ, bất bình về những việc làm của chính quyền Tiên Lãng, Hải Phòng. Bởi vì ông Vươn là bộ đội xuất ngũ, có học hành đàng hoàng, là kỹ sư nông nghiệp đi khai hoang phục hóa, đáp ứng được một chủ trương của nhà nước là làm giàu một cách chính đáng và phát triển sản xuất.
Thế thì cái việc làm phi pháp, trái luật của Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng Hải Phòng, là một việc làm có thể nói là phá hoại chính sách của nhà nước về vấn đề khuyến khích sản xuất. Đây là một chính sách lớn của nhà nước. Có thể nói đây là những phần tử phá hoại.
Bởi vì nếu ông Vươn làm ăn có hiệu quả, thì dù thời gian cho mượn đất có đến đi chăng nữa – mà các chuyên gia đã chứng minh rằng chưa đến - thì vẫn phải tiếp tục cho ông ta khai thác mảnh đất mà ông đã tự đầu tư biết bao nhiêu công sức và tiền bạc vào đấy. Chính cái việc làm bất nhân của chính quyền Tiên Lãng đã đẩy ông Vươn vào con đường uất ức không thể nào chịu đựng được, vì vậy mới có hành động như chúng ta đã biết.
Chúng ta rất thông cảm, rất hiểu những việc làm đó là vi phạm pháp luật, nhưng những nguyên nhân nào đẩy ông Vươn đến hành động đó? Chính là những kẻ nằm trong chính quyền huyện Tiên Lãng. Do đó có thể nói đang có làn sóng bất bình, phẫn nộ trong giới trí thức, trong các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi có những vụ việc giải tỏa rồi chiếm đất, cũng cái kiểu như chỗ ông Đoàn Văn Vươn, nhưng người ta kềm chế, không có phản ứng như vậy.
Điều đó nói lên cái gì? Đó là vụ ông Đoàn Văn Vươn chỉ là một trong những vụ việc hiện nay đang xảy ra trên khắp đất nước Việt Nam.
Nhà nước hay nói là kẻ xấu hay âm mưu diễn biến hòa bình. Nhưng mà riêng bản thân tôi không thấy đâu hết. Chính những kẻ xấu, kẻ phá hoại chính sách là nằm trong Đảng và chính quyền, như ông chủ tịch huyện Tiên Lãng và kể cả chính quyền thành phố Hải Phòng, sau khi vụ việc xảy ra rồi lẽ ra phải điều tra kỹ cái này, lại đứng hùa về phía huyện Tiên Lãng và có những ý kiến bất nhất. Cả một cái hệ thống chính trị, cả một cái tập thể ở Hải Phòng lại chủ trương việc này.
Cái nguy hiểm, cái tính chất nghiêm trọng là ở chỗ đó. Không phải chỉ ở huyện Tiên Lãng mà rõ ràng Hải Phòng từ Ủy ban Nhân dân thành phố đến Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng, và kể cả Mặt trận, các đoàn thể đều đứng về phía chủ trương đàn áp, ức hiếp ông Vươn. Cái cảnh gia đình ông Vươn trong những ngày Tết sống trong một căn lều như vậy, thì ông Lê Đức Tiết là Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật, thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã khuyến cáo rằng nên đi thăm hỏi. Nhưng kể cả Mặt trận và các đoàn thể của Hải Phòng cũng không làm cái động tác đó.
RFI: Theo ông như vậy là chính quyền địa phương đã không làm theo chủ trương của nhà nước?
Lê Hiếu Đằng: Điều đó nói lên rằng, sau phát biểu của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và bài viết của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào đầu năm 2012 nói rằng sẽ nghiêm trị tham nhũng, tiêu cực; thì rõ ràng vụ Tiên Lãng Hải Phòng nó bộc lộ cái mức độ thối nát, mức độ ức hiếp quần chúng rất là nghiêm trọng.
Vì vậy chúng tôi ở thành phố Hồ Chí Minh cũng như nhân dân cả nước đang trông chờ sự xử lý nghiêm minh của Đàng và Nhà nước. Và nếu xử lý không nghiêm minh, không đúng mực trước những vi phạm nghiêm trọng của chính quyền huyện Tiên Lãng và Hải Phòng, thì chứng tỏ giữa lời nói với việc làm của các vị lãnh đạo là không đi đôi với nhau. Người dân không còn tin cái lời nói đó nữa, và nghị quyết xây dựng Đảng vừa rồi được Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ tư họp đưa ra, là không có tác dụng gì nữa, nó vô nghĩa!
Nếu mà xử lý không đúng mực thì chúng tôi sẽ có tiếng nói, sẽ có hành động để phản ứng lại. Và công luận trong nước cũng như ở nước ngoài sẽ lên án những việc này. Để trấn an lòng dân, và để tạo được niềm tin trong dân thì chính quyền phải xử lý triệt để đối với những kẻ đã gây ra vụ việc ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, đã bức hiếp ông Vươn và gia đình đi đến cái cảnh phải chống trả lại như vậy, và bây giờ đang ở trong vòng tù tội.
RFI: Phải chăng cái gốc của vấn đề là Luật đất đai chưa dứt khoát, và chính quyền địa phương huyện xã có quyền hành quá lớn, nên có thể tùy tiện lấy đất lại để giao cho những người ăn cánh với mình, và không chỉ ở Tiên Lãng mà thôi?
Lê Hiếu Đằng: Đúng, vụ này nói lên cái gì? Đó là vấn đề sở hữu đất đai của người dân mà chúng ta chưa công nhận, là một việc hết sức bất hợp lý, không phù hợp với đạo lý. Bởi vì đất đai là tư liệu sản xuất, tại sao công nhận đối với các nhà công thương ở đô thị, mà đối với nông dân thì lại không công nhận quyền sở hữu ruộng đất?
Tôi cho đây là một trong những nguyên nhân gây nên những việc lạm quyền của chính quyền các cấp. Và hiện nay có thể nói là nó hình thành một loại cường hào mới ở nông thôn cũng như ở một số vùng, bức hiếp người dân.
Tôi nói ví dụ, ngay ở thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, cũng có những vùng trước đây đã nuôi chúng tôi trong thời kỳ kháng chiến. Nhưng mà chính quyền cách mạng về, rồi giải tỏa đền bù với giá rẻ mạt. Người dân phải đi nơi khác ở, đi khỏi cái vùng mà cha ông người ta đã đổ mồ hôi để mà xây dựng nên. Thì chính cái đó đã gây nên bất bình lớn trong dân chúng, mà chúng tôi trước đây ở Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý nhiều vụ việc như vậy.
Ví dụ như Phú Mỹ Hưng chẳng hạn, là một vùng mà bây giờ trở thành một đô thị mà ai cũng khen. Nhưng mà người dân Phú Mỹ Hưng bị giải tỏa sau đó đi đâu, và bây giờ sống như thế nào, chúng ta có biết không?
Vì vậy mà lần này sửa đổi Hiến pháp, chúng tôi kiên quyết đề nghị là Hiến pháp phải công nhận quyền sở hữu về ruộng đất của người dân. Không nên để cho những tập đoàn lợi ích dựa vào sơ hở của luật pháp, để mua bán rồi đền bù một cách vô tội vạ, móc ngoặc với chính quyền để hưởng lợi ích riêng cho tập đoàn của họ, cho những cá nhân. Điều đó gây nên một sự bất công xã hội hết sức lớn hiện nay, và đã đẩy một số người dân bị mất đất trở thành bần cùng hóa.
Chính những điều đó đã gây bất ổn định về mặt chính trị tiềm ẩn, chứ không phải là kẻ xấu hay là mưu toan diễn biến hòa bình nào cả. Mà chính bản thân bộ máy chính quyền, vì cái lợi ích cá nhân, lợi ích của nhóm nên đã có những việc làm như vậy, đẩy người dân đến chỗ phải chống đối lại. Đó chính là sự bất ổn định về mặt chính trị.
RFI: Thưa ông, dư luận cũng đang rất trông chờ sau khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cử một đoàn đại biểu đến tận nơi để tìm hiểu hồi trước Tết. Nhưng thực chất Mặt trận Tổ quốc có tác động được gì không?
Lê Hiếu Đằng: Lần này tôi rất mừng là Mặt trận Tổ quốc Trung ương, thông qua Hội đồng tư vấn pháp luật đã đi khảo sát, và đã có những ý kiến ban đầu, trong đó lên án việc vi phạm pháp luật của chính quyền Tiên Lãng. Và gần đây có đoàn khảo sát của trung ương đã về Tiên Lãng, tuy chưa có kết luận nhưng cũng cho rằng việc làm của huyện Tiên Lãng là vi phạm pháp luật.
Tôi nghĩ là nếu Mặt trận quyết tâm làm - và để xứng đáng là một tổ chức chính trị đại diện cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có các nhân sĩ trí thức, thì Mặt trận phải quyết liệt làm cho ra lẽ vụ này. Phải đứng về phía lợi ích của người dân để bảo vệ cho họ. Như vậy Mặt trận mới có lý do tồn tại.
Chứ còn vụ việc này mà Mặt trận Trung ương không làm, thì người dân sẽ mất lòng tin, xem như Mặt trận chỉ tồn tại một cách hình thức, bởi vì đã không bảo vệ được những quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là một tổ chức liên minh chính trị, hoàn toàn có quyền đề nghị chính quyền cho gặp ông Vươn. Nhất là phải giám sát điều kiện của ông Vươn ở trong tù như thế nào, có bị nhục hình, bị uy hiếp tinh thần hay không. Một người tuy có những hành động phạm pháp, nhưng trong lúc tòa chưa xử, thì phải được bảo vệ.
Bởi vì chúng ta đã thấy qua thông tin là hàng loạt những vụ công an đánh chết người. Như vậy chúng ta phải ngăn chận tình huống xấu nhất xảy ra cho ông Vươn, bằng cách tiếp cận ông.
RFI: Theo ông nghĩ có nên huy động một lực lượng lớn kể cả quân đội vào vụ này như Tiên Lãng đã làm không?
Lê Hiếu Đằng: Đây là tranh chấp dân sự, và việc này thật không đáng để huy động một lực lượng hùng hậu như vậy. Mà thiên hạ buồn cười nhất là cái ý kiến của ông Ca, Giám đốc công an Hải Phòng, nói đây là một chiến dịch phối hợp đẹp, có thể viết thành chuyện phim.
Để giải tỏa một gia đình người dân như ông Vươn mà chính quyền Hải Phòng lại huy động cả một lực lượng hùng hậu như vậy, làm cho dân người ta thấy rằng có cái gì bất bình thường. Người ta hoàn toàn có thể hoài nghi là có những động lực bên trong, khiến chính quyền Hải Phòng cũng như Tiên Lãng đã xua quân đi giải tỏa, trấn áp một gia đình như vậy.
Đây là một việc làm hết sức – tôi xin nói thẳng – là ngu xuẩn, của một cái chính quyền không kể đến lợi ích của người dân, không kể đến uy tín, thanh danh của chính quyền. Người dân sẽ đánh giá chính quyền đó là như thế nào? Đó là biện pháp mà gần như trước đây chính quyền thực dân phong kiến dùng để đàn áp nhân dân. Do đó có thể nói hiện nay nhân dân cả nước rất phẫn uất về việc này. Tôi tin rằng sẽ còn nhiều vụ việc như ông Vươn nữa sẽ xảy ra nếu chúng ta không giải quyết êm đẹp.
RFI: Nhưng thời gian cũng đã lâu rồi, cho đến giờ chưa thấy chính quyền trung ương có ý kiến gì cả, liệu đây có là một dấu hiệu xấu không thưa ông?
Lê Hiếu Đằng: Riêng về chính phủ thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có ý kiến chỉ đạo là đề nghị chính quyền Hải Phòng phải làm rõ vấn đề này. Người dân đang chờ xem Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với tư cách là người đứng đầu chính phủ, và đồng thời là đại biểu thuộc đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, sẽ xử lý vấn đề này như thế nào.
Nhưng rõ ràng là, tuy là đại biểu của dân, nhưng đoàn đại biểu Hải Phòng cho đến nay chưa có ai lên tiếng gì cả. Gần một tháng trời rồi mà sự im lặng đó – như trước đây ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh có nói –là một « sự im lặng đáng sợ », và người ta cũng rất ngạc nhiên vì sự im lặng này.
Tôi nghĩ là chính quyền trung ương sẽ có thái độ rõ ràng hơn trong thời gian tới, chứ không thể nào như thế này được, làm cho người dân mất lòng tin.
RFI : RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của chúng tôi.
Nguồn: Viet.rfi.fr
Luật Gia Lê Hiếu Đằng |
Ông cho rằng Hiến pháp cần công nhận quyền sở hữu đất đai của người dân, để bọn cường hào mới không thể lạm quyền, gây bất công xã hội, tạo ra những bất ổn định tiềm ẩn về chính trị.
Đã gần một tháng qua, dư luận vẫn còn xôn xao về vụ gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng bị cưỡng chế giao lại khu vực đầm mà ông đã được giao trong lúc chưa hết thời hạn, nhà cửa và hoa lợi của trên khu đất này cũng bị phá hủy và cướp bóc. Hiện sáu người trong gia đình ông đang bị truy tố, riêng ông và người em đang bị tạm giam với tội danh rất nặng là «giết người», vì đã chống lại đoàn cưỡng chế.
Nhưng vụ Đoàn Văn Vươn cũng đã cho thấy những vấn đề sâu xa, gai góc hơn, như quyền sở hữu đất đai, tình trạng thiếu dân chủ ở một số địa phương… và là dấu hiệu báo động sẽ có nhiều vụ Đoàn Văn Vươn nữa nếu chính quyền không giải quyết đến nơi đến chốn. Đây cũng là ý kiến của luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.
RFI: Kính chào ông Lê Hiếu Đằng. Thưa ông về vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng, có lẽ thời gian của một cuộc phỏng vấn ngắn như thế này là quá ít, nhưng ông có thể cho một vài nhận định được không?
Lê Hiếu Đằng: Gần một tháng nay có thể nói là công luận rất phẫn nộ, bất bình về những việc làm của chính quyền Tiên Lãng, Hải Phòng. Bởi vì ông Vươn là bộ đội xuất ngũ, có học hành đàng hoàng, là kỹ sư nông nghiệp đi khai hoang phục hóa, đáp ứng được một chủ trương của nhà nước là làm giàu một cách chính đáng và phát triển sản xuất.
Thế thì cái việc làm phi pháp, trái luật của Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng Hải Phòng, là một việc làm có thể nói là phá hoại chính sách của nhà nước về vấn đề khuyến khích sản xuất. Đây là một chính sách lớn của nhà nước. Có thể nói đây là những phần tử phá hoại.
Bởi vì nếu ông Vươn làm ăn có hiệu quả, thì dù thời gian cho mượn đất có đến đi chăng nữa – mà các chuyên gia đã chứng minh rằng chưa đến - thì vẫn phải tiếp tục cho ông ta khai thác mảnh đất mà ông đã tự đầu tư biết bao nhiêu công sức và tiền bạc vào đấy. Chính cái việc làm bất nhân của chính quyền Tiên Lãng đã đẩy ông Vươn vào con đường uất ức không thể nào chịu đựng được, vì vậy mới có hành động như chúng ta đã biết.
Chúng ta rất thông cảm, rất hiểu những việc làm đó là vi phạm pháp luật, nhưng những nguyên nhân nào đẩy ông Vươn đến hành động đó? Chính là những kẻ nằm trong chính quyền huyện Tiên Lãng. Do đó có thể nói đang có làn sóng bất bình, phẫn nộ trong giới trí thức, trong các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi có những vụ việc giải tỏa rồi chiếm đất, cũng cái kiểu như chỗ ông Đoàn Văn Vươn, nhưng người ta kềm chế, không có phản ứng như vậy.
Điều đó nói lên cái gì? Đó là vụ ông Đoàn Văn Vươn chỉ là một trong những vụ việc hiện nay đang xảy ra trên khắp đất nước Việt Nam.
Nhà nước hay nói là kẻ xấu hay âm mưu diễn biến hòa bình. Nhưng mà riêng bản thân tôi không thấy đâu hết. Chính những kẻ xấu, kẻ phá hoại chính sách là nằm trong Đảng và chính quyền, như ông chủ tịch huyện Tiên Lãng và kể cả chính quyền thành phố Hải Phòng, sau khi vụ việc xảy ra rồi lẽ ra phải điều tra kỹ cái này, lại đứng hùa về phía huyện Tiên Lãng và có những ý kiến bất nhất. Cả một cái hệ thống chính trị, cả một cái tập thể ở Hải Phòng lại chủ trương việc này.
Cái nguy hiểm, cái tính chất nghiêm trọng là ở chỗ đó. Không phải chỉ ở huyện Tiên Lãng mà rõ ràng Hải Phòng từ Ủy ban Nhân dân thành phố đến Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng, và kể cả Mặt trận, các đoàn thể đều đứng về phía chủ trương đàn áp, ức hiếp ông Vươn. Cái cảnh gia đình ông Vươn trong những ngày Tết sống trong một căn lều như vậy, thì ông Lê Đức Tiết là Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật, thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã khuyến cáo rằng nên đi thăm hỏi. Nhưng kể cả Mặt trận và các đoàn thể của Hải Phòng cũng không làm cái động tác đó.
RFI: Theo ông như vậy là chính quyền địa phương đã không làm theo chủ trương của nhà nước?
Lê Hiếu Đằng: Điều đó nói lên rằng, sau phát biểu của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và bài viết của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào đầu năm 2012 nói rằng sẽ nghiêm trị tham nhũng, tiêu cực; thì rõ ràng vụ Tiên Lãng Hải Phòng nó bộc lộ cái mức độ thối nát, mức độ ức hiếp quần chúng rất là nghiêm trọng.
Vì vậy chúng tôi ở thành phố Hồ Chí Minh cũng như nhân dân cả nước đang trông chờ sự xử lý nghiêm minh của Đàng và Nhà nước. Và nếu xử lý không nghiêm minh, không đúng mực trước những vi phạm nghiêm trọng của chính quyền huyện Tiên Lãng và Hải Phòng, thì chứng tỏ giữa lời nói với việc làm của các vị lãnh đạo là không đi đôi với nhau. Người dân không còn tin cái lời nói đó nữa, và nghị quyết xây dựng Đảng vừa rồi được Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ tư họp đưa ra, là không có tác dụng gì nữa, nó vô nghĩa!
Nếu mà xử lý không đúng mực thì chúng tôi sẽ có tiếng nói, sẽ có hành động để phản ứng lại. Và công luận trong nước cũng như ở nước ngoài sẽ lên án những việc này. Để trấn an lòng dân, và để tạo được niềm tin trong dân thì chính quyền phải xử lý triệt để đối với những kẻ đã gây ra vụ việc ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, đã bức hiếp ông Vươn và gia đình đi đến cái cảnh phải chống trả lại như vậy, và bây giờ đang ở trong vòng tù tội.
RFI: Phải chăng cái gốc của vấn đề là Luật đất đai chưa dứt khoát, và chính quyền địa phương huyện xã có quyền hành quá lớn, nên có thể tùy tiện lấy đất lại để giao cho những người ăn cánh với mình, và không chỉ ở Tiên Lãng mà thôi?
Lê Hiếu Đằng: Đúng, vụ này nói lên cái gì? Đó là vấn đề sở hữu đất đai của người dân mà chúng ta chưa công nhận, là một việc hết sức bất hợp lý, không phù hợp với đạo lý. Bởi vì đất đai là tư liệu sản xuất, tại sao công nhận đối với các nhà công thương ở đô thị, mà đối với nông dân thì lại không công nhận quyền sở hữu ruộng đất?
Tôi cho đây là một trong những nguyên nhân gây nên những việc lạm quyền của chính quyền các cấp. Và hiện nay có thể nói là nó hình thành một loại cường hào mới ở nông thôn cũng như ở một số vùng, bức hiếp người dân.
Tôi nói ví dụ, ngay ở thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, cũng có những vùng trước đây đã nuôi chúng tôi trong thời kỳ kháng chiến. Nhưng mà chính quyền cách mạng về, rồi giải tỏa đền bù với giá rẻ mạt. Người dân phải đi nơi khác ở, đi khỏi cái vùng mà cha ông người ta đã đổ mồ hôi để mà xây dựng nên. Thì chính cái đó đã gây nên bất bình lớn trong dân chúng, mà chúng tôi trước đây ở Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý nhiều vụ việc như vậy.
Ví dụ như Phú Mỹ Hưng chẳng hạn, là một vùng mà bây giờ trở thành một đô thị mà ai cũng khen. Nhưng mà người dân Phú Mỹ Hưng bị giải tỏa sau đó đi đâu, và bây giờ sống như thế nào, chúng ta có biết không?
Vì vậy mà lần này sửa đổi Hiến pháp, chúng tôi kiên quyết đề nghị là Hiến pháp phải công nhận quyền sở hữu về ruộng đất của người dân. Không nên để cho những tập đoàn lợi ích dựa vào sơ hở của luật pháp, để mua bán rồi đền bù một cách vô tội vạ, móc ngoặc với chính quyền để hưởng lợi ích riêng cho tập đoàn của họ, cho những cá nhân. Điều đó gây nên một sự bất công xã hội hết sức lớn hiện nay, và đã đẩy một số người dân bị mất đất trở thành bần cùng hóa.
Chính những điều đó đã gây bất ổn định về mặt chính trị tiềm ẩn, chứ không phải là kẻ xấu hay là mưu toan diễn biến hòa bình nào cả. Mà chính bản thân bộ máy chính quyền, vì cái lợi ích cá nhân, lợi ích của nhóm nên đã có những việc làm như vậy, đẩy người dân đến chỗ phải chống đối lại. Đó chính là sự bất ổn định về mặt chính trị.
RFI: Thưa ông, dư luận cũng đang rất trông chờ sau khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cử một đoàn đại biểu đến tận nơi để tìm hiểu hồi trước Tết. Nhưng thực chất Mặt trận Tổ quốc có tác động được gì không?
Lê Hiếu Đằng: Lần này tôi rất mừng là Mặt trận Tổ quốc Trung ương, thông qua Hội đồng tư vấn pháp luật đã đi khảo sát, và đã có những ý kiến ban đầu, trong đó lên án việc vi phạm pháp luật của chính quyền Tiên Lãng. Và gần đây có đoàn khảo sát của trung ương đã về Tiên Lãng, tuy chưa có kết luận nhưng cũng cho rằng việc làm của huyện Tiên Lãng là vi phạm pháp luật.
Tôi nghĩ là nếu Mặt trận quyết tâm làm - và để xứng đáng là một tổ chức chính trị đại diện cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có các nhân sĩ trí thức, thì Mặt trận phải quyết liệt làm cho ra lẽ vụ này. Phải đứng về phía lợi ích của người dân để bảo vệ cho họ. Như vậy Mặt trận mới có lý do tồn tại.
Chứ còn vụ việc này mà Mặt trận Trung ương không làm, thì người dân sẽ mất lòng tin, xem như Mặt trận chỉ tồn tại một cách hình thức, bởi vì đã không bảo vệ được những quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là một tổ chức liên minh chính trị, hoàn toàn có quyền đề nghị chính quyền cho gặp ông Vươn. Nhất là phải giám sát điều kiện của ông Vươn ở trong tù như thế nào, có bị nhục hình, bị uy hiếp tinh thần hay không. Một người tuy có những hành động phạm pháp, nhưng trong lúc tòa chưa xử, thì phải được bảo vệ.
Bởi vì chúng ta đã thấy qua thông tin là hàng loạt những vụ công an đánh chết người. Như vậy chúng ta phải ngăn chận tình huống xấu nhất xảy ra cho ông Vươn, bằng cách tiếp cận ông.
RFI: Theo ông nghĩ có nên huy động một lực lượng lớn kể cả quân đội vào vụ này như Tiên Lãng đã làm không?
Lê Hiếu Đằng: Đây là tranh chấp dân sự, và việc này thật không đáng để huy động một lực lượng hùng hậu như vậy. Mà thiên hạ buồn cười nhất là cái ý kiến của ông Ca, Giám đốc công an Hải Phòng, nói đây là một chiến dịch phối hợp đẹp, có thể viết thành chuyện phim.
Để giải tỏa một gia đình người dân như ông Vươn mà chính quyền Hải Phòng lại huy động cả một lực lượng hùng hậu như vậy, làm cho dân người ta thấy rằng có cái gì bất bình thường. Người ta hoàn toàn có thể hoài nghi là có những động lực bên trong, khiến chính quyền Hải Phòng cũng như Tiên Lãng đã xua quân đi giải tỏa, trấn áp một gia đình như vậy.
Đây là một việc làm hết sức – tôi xin nói thẳng – là ngu xuẩn, của một cái chính quyền không kể đến lợi ích của người dân, không kể đến uy tín, thanh danh của chính quyền. Người dân sẽ đánh giá chính quyền đó là như thế nào? Đó là biện pháp mà gần như trước đây chính quyền thực dân phong kiến dùng để đàn áp nhân dân. Do đó có thể nói hiện nay nhân dân cả nước rất phẫn uất về việc này. Tôi tin rằng sẽ còn nhiều vụ việc như ông Vươn nữa sẽ xảy ra nếu chúng ta không giải quyết êm đẹp.
RFI: Nhưng thời gian cũng đã lâu rồi, cho đến giờ chưa thấy chính quyền trung ương có ý kiến gì cả, liệu đây có là một dấu hiệu xấu không thưa ông?
Lê Hiếu Đằng: Riêng về chính phủ thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có ý kiến chỉ đạo là đề nghị chính quyền Hải Phòng phải làm rõ vấn đề này. Người dân đang chờ xem Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với tư cách là người đứng đầu chính phủ, và đồng thời là đại biểu thuộc đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, sẽ xử lý vấn đề này như thế nào.
Nhưng rõ ràng là, tuy là đại biểu của dân, nhưng đoàn đại biểu Hải Phòng cho đến nay chưa có ai lên tiếng gì cả. Gần một tháng trời rồi mà sự im lặng đó – như trước đây ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh có nói –là một « sự im lặng đáng sợ », và người ta cũng rất ngạc nhiên vì sự im lặng này.
Tôi nghĩ là chính quyền trung ương sẽ có thái độ rõ ràng hơn trong thời gian tới, chứ không thể nào như thế này được, làm cho người dân mất lòng tin.
RFI : RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của chúng tôi.
Nguồn: Viet.rfi.fr