Hành Hương Về Bên Mẹ Tàpao Ngày Đầu Năm 2012

Đến Tàpao bước hành hương rộn rã
Về bên Mẹ Tin – Cậy – Mến đậm đà.


Hôm nay, ngày 13.01, ngày 13 hành hương đầu tiên trong năm mới 2012, đông đảo khách hành hương nao nức tìm về bên Mẹ Tàpao trong tâm tình tạ ơn một năm đã qua và dâng năm mới cho Mẹ để xin Mẹ tiếp tục bảo trợ cầu bầu cùng Chúa ban bình an cho thế giới, gia đình và chính bản thân.

Xem hình ảnh

Hôm nay cũng là ngày toàn thể Linh mục Giáo phận Phan Thiết về đây dâng Thánh lễ Tạ ơn kết thúc tuần tĩnh tâm năm 2012 (từ 09/01 – 13/01). Trong Thánh lễ đồng tế cùng với sự hiện diện tôn quý của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục GP Phan Thiết, Đức Cha Nicôla và Đức Cha Phaolô, còn có Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Phó GP Quy Nhơn,Vị giảng phòng của Tuần tĩnh tâm linh mục.

Tiếp nối tâm tình của giờ lần chuỗi Mân Côi và chầu Thánh Thể tối 12, trong giờ khấn Đức Mẹ sáng nay, biết bao tâm tình tạ ơn và xin ơn bình an trong năm mới được dâng lên Mẹ. Sau những phút giây cầu nguyện riêng tư với Mẹ, hòa với giọng hát thánh thót của ca đoàn các nữ tu Hội dòng MTG Phan Thiết, cộng đoàn hiệp dâng Thánh lễ Mừng Mẹ Thiên Chúa sốt sắng.

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha Giuse thay mặt Quý Đức Cha, Quý linh mục và Ban điều hành Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao chào và chúc mừng Năm Mới đến toàn thể Quý khách hành hương. Ngài thay mặt cộng đoàn chúc mừng lễ Bổn Mạng của Đức Cha Phaolô với những tâm tình và lời cầu chúc tốt đẹp.

Đức Cha Matthêô trong bài chia sẻ Tin Mừng Lc 2,16-21 đã gợi nhớ cho cộng đoàn những giai đoạn của Giáo hội khi công bố tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Về hồng ân quá cao trọng mà Thiên Chúa ban cho Mẹ, Đức Cha diễn giải rằng “ Đây là đặc ân lớn nhất mà Mẹ là người duy nhất trong nhân loại đã nhận được, và đó cũng là nền tảng của những đặc ân khác như: vô nhiễm nguyên tội, đồng trinh trọn đời và lên trời cả hồn lẫn xác”. Và “với tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria trở thành cao sang tuyệt vời vượt trên mọi thần thánh trên trời và mọi người dưới thế”. Dù được làm Mẹ Ngôi Hai, nhưng Mẹ Maria vẫn luôn sống trong tâm tình khiêm hạ và vâng phục Thiên Chúa. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa thì cũng là Mẹ Hội Thánh và là Mẹ của mỗi người chúng ta, một cách đặc biệt, Đức Mẹ cũng là Mẹ của các linh mục.

Đức Cha mời gọi cộng đoàn hướng lòng về Mẹ để nhìn ngắm và bắt chước vì: “Nơi Đức Maria, tước hiệu Mẹ Hội Thánh được gắn liền với tước hiệu Mẹ Thiên Chúa. Mẹ được Thiên Chúa cất nhắc lên một địa vị cao sang làm Mẹ Thiên Chúa là để Mẹ có nhiều thần thế hầu trợ giúp chúng ta cách hữu hiệu hơn. Vì thế, cùng với lòng tôn kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, mỗi người chúng ta cũng hãy yêu mến Mẹ là mẹ thật của chúng ta, luôn noi gương Mẹ để biết lắng nghe và thực hành thánh ý Thiên Chúa. Đó là cách tốt nhất để chúng ta thực hiện được “giấc mơ đẹp” của người kitô hữu đúng với tên gọi Tà Pao: đó là mơ một ngày nào đó được về bên Mẹ để cùng Mẹ vui hưởng hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa”.

Sau lời nguyện hiệp lễ, Cha Tổng Đại Diện GB Hoàng Văn Khanh đại diện Quý linh mục và cộng đoàn hành hương dâng lời tri ân và mừng tuổi Quý Đức Cha, cách đặc biệt chúc mừng Lễ Bổn Mạng Đức Cha Phaolô ngày 25.1 sắp đến. Tất cả tâm tình được thể hiện trong những bông hoa tươi muôn sắc gới đến Quý Đức Cha.

Trước khi nhận phép lành cuối lễ, Cha đặc trách Trung Tâm Tàpao thông báo chương trình hành hương đặc biệt hướng về ngày quốc tế Bệnh nhân (11.02) vào tối 12 và sáng ngày 13.02.2012 sắp đến, trong thánh lễ có nghi thức xức dầu dành cho các bệnh nhân. Sau thánh lễ, Đức Cha Matthêu đã lên linh đài kính viếng và cầu nguyện với Đức Mẹ Tàpao cùng với khách hành hương.

Mỗi tháng về với Mẹ Tàpao, khách hành hương đều thấy cảnh vật có nét đổi mới là đẹp hơn và thuận tiện hơn như thảm cỏ xanh ngát bao phủ quảng trường và triền đồi, đường lên xuống linh đài rộng rãi an toàn, hệ thống nhà vệ sinh sạch sẽ. v.v. Tất cả là từ sự quảng đại đóng góp vào công trình chung của tất cả mọi người thể hiện lòng yêu mến của đoàn con dâng lên Mẹ Nhân Lành mà Trung Tâm Tàpao mỗi ngày một hoàn thiện hơn.

Từ trên Linh đài, thánh tượng Mẹ Tàpao với màu trắng tinh khôi nổi bật giữa màu xanh cây lá. Mẹ đứng đó chờ đợi và nhìn ngắm đoàn con từ muôn phương tìm về để lãnh nhận bao nhiêu ơn lành của Chúa qua đôi tay Mẹ. Giữa biết bao lo toan trong cuộc sống đời thường xô bồ và nhiều cám dỗ, tìm về với Mẹ hôm nay, mỗi người đều tranh thủ có những phút giây thân tình với Mẹ để bộc bạch bao nỗi niềm, đặc biệt xin Mẹ tiếp tục ban ơn trợ lực trong năm mới với niềm xác tín:

“Đến cùng Đức Mẹ Tàpao
Vững lòng trông cậy lẽ nào về không”.


BÀI GIẢNG LỄ KÍNH ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA
cùa Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Tại Trung tâm hành hương Đức Mẹ Tàpao, Giáo phận Phan Thiết
Ngày 13-01-2012
(Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21)

Hàng tháng cứ đến ngày 13, cộng đoàn Dân Chúa từ khắp nơi hành hương về đây, tại trung tâm hành hương Đức Mẹ Tà Pao này, để tham dự thánh lễ do Đức Giám Mục giáo phận cử hành để tôn vinh, cầu nguyện và tạ ơn Đức Mẹ. Hôm nay, ngày 13 của tháng đầu tiên trong năm mới 2012, sau 4 ngày tĩnh tâm sốt sắng, toàn thể các linh mục giáo phận tụ hội về đây để cùng với cộng đoàn tín hữu cử hành lễ trọng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, để đặt toàn thể năm mới trong cánh tay từ mẫu của Mẹ và cầu xin Mẹ giúp mọi người biết noi gương Mẹ sống thời gian Chúa ban cách trọn vẹn nhất.

Năm 431, các nghị phụ đã họp công đồng Êphêxô để chống lại lạc thuyết Nestorius và khẳng định Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Công đồng long trọng tuyên bố: “Đấng Emmanuel thật sự là Thiên Chúa và vì lý do này Đức Trinh Nữ thật sự là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ sinh ra, về mặt thể xác, Ngôi Lời nhập thể, Đấng xuất phát từ Thiên Chúa”. Sau lời tuyên bố của công đồng, các kitô hữu tại Êphêxô đã tổ chức một cuộc rước đèn vĩ đại và lớn tiếng kêu lên rằng: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội”. Lời cầu khẩn này đã được toàn thể dân Chúa khắp hoàn cầu không ngừng lặp đi lặp lại mỗi ngày trong kinh Kính Mừng. Hôm nay đây, lời cầu nguyện ấy cũng đang được vang lên từ hàng ngàn trái tim của những người con hết lòng yêu mến Mẹ đang tụ họp tại trung tâm hành hương Đức Mẹ Tà Pao này.

Công đồng Vaticanô II, trong hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium cũng đã dạy: “Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa” (LG 61). “Thực vậy, khi sứ thần truyền tin, Đức Trinh Nữ Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn cùng thân xác, và đem sự sống đến cho thế gian, nên được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên Chúa và của Đấng Cứu Thế” (LG 53).

Đã mặc lấy xác phàm thì từ bậc vua chúa cho đến hàng lê thứ ai ai cũng có một người mẹ. Vì thế khi giáng sinh làm người với tấm thân nhân loại, Ngôi Hai Thiên Chúa cũng được sinh ra bởi một bà mẹ trần gian, đó là Đức Maria. Trong bài đọc II trích thư gửi giáo đoàn Galát, thánh Phaolô đã viết: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5). Cũng như một người mẹ trần gian chỉ sinh ra thân xác của đứa con, nhưng vẫn được gọi là mẹ của một con người toàn diện cả xác và hồn, cũng vậy, tuy Đức Maria chỉ cung cấp chất liệu làm nên thân xác của Chúa Giêsu, nhưng bởi vì thân xác ấy gắn liền một cách bất khả phân ly với linh hồn và thiên tính của Chúa Giêsu trong một ngôi vị duy nhất là Ngôi Hai Thiên Chúa, nên Mẹ cũng được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Đây là đặc ân lớn nhất mà Mẹ là người duy nhất trong nhân loại đã nhận được, và đó cũng là nền tảng của những đặc ân khác như: vô nhiễm nguyên tội, đồng trinh trọn đời và lên trời cả hồn lẫn xác.

Với tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria trở thành cao sang tuyệt vời vượt trên mọi thần thánh trên trời và mọi người dưới thế. Với tước hiệu cao cả ấy, có thể nói một cách khá nghịch lý rằng Đức Maria đã đạt tới biên giới của vô cùng. Và các thánh giáo phụ cũng thường ví Mẹ như vực thẳm của hồng ân, như đại dương của ơn thánh. Mẹ đã ý thức được hồng ân đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ, nên Mẹ thường xuyên suy gẫm, không những để dâng lời tạ ơn, mà còn để tìm mọi cách thực hiện trọn vẹn vai trò như ý Chúa muốn để đáp lại tình thương của Người.

Như chúng ta đã nghe trong đoạn Tin Mừng hôm nay, đứng trước mầu nhiệm Giáng Sinh và những sự kiện xảy ra chung quanh, Đức Maria “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Đó là thái độ của niềm tin. Chính niềm tin và sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa đã khiến cho Mẹ cưu mang Đấng Cứu Thế trong tâm hồn trước khi cưu mang Ngài trong thân xác. Vì lẽ đó điều trước tiên khiến cho Đức Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa, thành người có phúc nhất trong các phụ nữ, chính là niềm tin và việc hiến dâng tâm hồn để vâng phục thánh ý Chúa, chứ không phải chỉ vì Đức Mẹ cưu mang cách thụ động Đấng Cứu Thế trong thân xác mình. Quả thế, công đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Thiên Chúa không thu dụng Đức Maria một cách thụ động, nhưng đã để Ngài tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại nhờ lòng tin và sự vâng phục của Ngài” (LG 56).

Điều này càng trở nên sáng tỏ hơn khi một hôm có người phụ nữ vì quá ngưỡng mộ Đức Giêsu nên đã buột miệng thốt lên trước mặt Ngài: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!”, nhưng Ngài đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28). Nói thế, Chúa Giêsu không có ý hạ bệ Mẹ Ngài, nhưng trái lại đã nâng bệ Mẹ Ngài lên một tầm cao mới. Trước mắt người phụ nữ trong câu chuyện hôm nay, Mẹ của Đức Giêsu được ngưỡng mộ trên một bệ tự nhiên là bệ lý lịch máu huyết, bệ của công khó cưu mang, của công trạng dưỡng dục. Nhưng Đức Giêsu đã không coi đó là đủ và xứng đáng đối với người mẹ yêu quí và đáng kính trọng của Ngài. Mẹ Ngài còn phải được ngưỡng mộ trên một cái bệ cao hơn thế nữa, đó là cái bệ của lòng tin và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Đây không phải là bệ rồng, bệ ngọc, là thứ bệ mà người ta cố bám víu vào để nắm giữ quyền lực, hương thụ giàu sang vinh quang, nhưng đây là bệ phóng, từ đó Đức Mẹ đã phóng mình theo thánh ý của Thiên Chúa bằng những bước nhảy vọt của niềm tin, nhờ đó Mẹ đã đạt đến tầm cao tuyệt đỉnh với thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa.

Với tư cách là siêu mẫu của Hội Thánh, Đức Maria cũng muốn mỗi người chúng ta bắt chước Mẹ để cùng đạt đến tầm cao của Mẹ. Đó không phải là điều không tưởng, nhưng có thật, một sự thật của Tin Mừng. Đúng vậy, một ngày nọ khi Chúa Giêsu đang giảng dạy, thì có người đến nói với Ngài: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy”. Ngài đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,20-21). Như vậy, bất kỳ ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành đều có thể được Ngài nhìn nhận và thực sự trở nên chẳng những anh em mà còn như mẹ của Ngài. Cũng như Đức Maria nhờ lắng nghe và thực hành Lời Chúa nên đã cưu mang và sinh hạ Con Thiên Chúa cho trần gian, thì mỗi người chúng ta nhờ lắng nghe và thực hành Lời Chúa cũng làm cho Chúa được cưu mang trong lòng chúng ta và sinh ra cho thế giới.

Hơn nữa, nếu Đức Maria đã được Thiên Chúa tiền định làm Mẹ Đức Kitô là Ngôi Hai nhập thể, thì Ngài cũng là Mẹ của Hội Thánh là Nhiệm Thể của Đức Kitô. Chính vì thế, từ trên thánh giá, Đức Kitô đã trối Đức Mẹ làm mẹ của thánh Gioan là đại diện của toàn thể Hội Thánh. Đặc biệt, với tư cách là tông đồ của Đức Kitô, đã từng dựa đầu vào ngực Chúa trong bữa tiệc ly và chứng kiến hy tế của Ngài trên thập giá, thánh Gioan cũng đại diện cho các linh mục là những người bước theo sát gót Đức Kitô và thể hiện hy tế thập giá của Ngài mỗi ngày trên bàn thờ. Và vì thế, một cách đặc biệt, Đức Mẹ cũng là Mẹ của các linh mục. Nơi Đức Maria, tước hiệu Mẹ Hội Thánh được gắn liền với tước hiệu Mẹ Thiên Chúa. Mẹ được Thiên Chúa cất nhắc lên một địa vị cao sang làm Mẹ Thiên Chúa là để Mẹ có nhiều thần thế hầu trợ giúp chúng ta cách hữu hiệu hơn. Vì thế, cùng với lòng tôn kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, mỗi người chúng ta cũng hãy yêu mến Mẹ là mẹ thật của chúng ta, luôn noi gương Mẹ để biết lắng nghe và thực hành thánh ý Thiên Chúa. Đó là cách tốt nhất để chúng ta thực hiện được “giấc mơ đẹp” của người kitô hữu đúng với tên gọi Tà Pao: đó là mơ một ngày nào đó được về bên Mẹ để cùng Mẹ vui hưởng hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa.