Cuộc đời đáng sống là khi đến với tha nhân

Trong cuộc sống, đôi khi người ta suy tư về đời mình: Sống để làm gì? Tiền tài, danh vọng, địa vị là chi, liệu có đáng để dốc hết sức vì nó? Thế nào là hạnh phúc? Ta sẽ ra sao khi một mai trở về các bụi? Liệu cuộc sống này có đáng để sống? Đã có không ít người cảm thấy bế tắt với cuộc sống trước mắt và chỉ nghĩ đến tự tử cho xong. Nhưng nhiều người lại nghĩ như câu danh ngôn của Bailey: "Khi bạn sinh ra đời, bạn khóc còn người xung quanh cười. Hãy sống sao cho khi bạn qua đời, mọi người khóc còn bạn, bạn cười". Cũng không ít người đồng tình với nhân vật Pavel Corsaghin trong một tác phẩm của Nikolai Ostrovski: "Đời người chỉ sống một lần, phải sống sao cho đáng sống..." Đối với người Công Giáo có lẽ câu trả lời là sống sao cho xứng đáng với Tình Yêu Thiên Chúa cao vời để khi nhắm mắt xuôi tay được Chúa đoái thương cho hưởng vinh phúc Thiên Đàng.

Để phần nào giải đáp những thắc mắc trên dựa trên nền tảng Thánh Kinh, chiều Thứ Bảy ngày 24/09/2010, Chương Trình Chuyên Đề của Ban Mục Vụ Gia Đình TGP. Sài Gòn đã tổ chức buổi nói chuyên với đề tài: “Sống Cho Đáng Sống!” do cha Yuse Tiến Lộc, Dòng Chúa Cứu Thế, chia sẻ. Là một linh mục đậm chất nghệ sĩ với hơn 500 bài hát, và cũng là con người của hoạt động phong trào cùng với phong cách dí dỏm, luôn nở nụ cười khi đến với mọi người, không phân biệt giai cấp, địa vị, nơi chốn… Cha đã tạo một bầu khí trẻ trung, thoải mái qua đề tài chia sẻ dù ngài đã 67 tuổi. Buổi thuyết trình đã để lại trong tâm hồn khán giả những suy tư về con đường mỗi người phải sống qua những phân tích, chia sẻ của ngài cùng những trải nghiệm cuộc đời của khán giả chia sẻ qua việc trả lời những câu hỏi gợi ý.

Vấn đề gay cấn và nan giải nhất của thời đại khi nói đến sự sống là bảo vệ sự sống, nhưng phạm vi đề tài này nằm ở lĩnh vực khác là đời sống con người trên trần gian. Khi tìm ý tưởng cho đề tài liên quan đến chữ sống trong Phúc Âm thì cha đã gặp được chữ “sống dồi dào” (Ga 10,10). Nó gợi nhớ đến câu chủ đề mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chọn cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 1993 (từ ngày 10 đến 15/8) tại Denver, Colorado, Hoa Kỳ: “Ta đến để đoàn chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10,10).

Trong Tin Mừng Lc 10, 25-28 chữ sống được diễn tả mạnh hơn, có thể nói sống cho đáng sống. Khi gặp Chúa Giêsu, ông luật sĩ đã thử Ngài khi hỏi phải làm gì để được sự sống đời đời. Chúa Giêsu đã bảo hãy làm như luật dạy thì sẽ được sống: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình".

Chữ sống là chữ rất gần với Chúa Giêsu, Ngài đã từng tuyên bố biết bao nhiêu câu có chữ sống trong đó: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Ai sống mà tin ta không phải chết bao giờ”. Thánh Phaolô xác nhận: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Đoạn Tin Mừng Luca cho ta tiêu chuẩn cần và đủ: “Anh hãy về và làm như thế!”, giữ luật Môsê đi, mến Chúa và yêu người đi như kinh Mười Điều Răn đã dạy. Ông luật sĩ lại hỏi Chúa Thế thầy nói đồng loại (người thân cận) là ai? Chúa trả lời một cách rõ ràng, rành mạch hơn bằng cách kể câu chuyện dụ ngôn người Samari tốt lành.

Câu chuyện kể về một người từ Giêrusalem xuống Giêrikhô thì bị cướp và bị đánh đập dở sống dở chết. Tình cờ, có thầy tư tế, rồi thầy Lêvi nhìn thấy cảnh này thì thản nhiên tránh qua một bên mà đi. Chỉ có người Samari thấy vậy mà chạnh lòng thương băng bó vết thương và đưa về quán trọ săn sóc, sau đó nhờ người chủ quán trọ săn sóc thêm. Kể xong câu chuyện, Chúa Giêsu hỏi vị luật sĩ ai là người đồng loại, ông trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giêsu bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."

Ngày xưa, người Do Thái sống luật Môsê xem như đã đủ, còn ngày nay sống đạo, đi nhà thờ hằng ngày và Chủ nhật, giữ các điều răn cũng đủ để vào Thiên Đàng, có cần phải làm gì thêm nữa chăng? Nhưng để sống dồi dào, sống tốt hơn, sống ý nghĩa hơn, Chúa mời gọi chúng ta - những người Kitô hữu - phải làm điều gì đó hơn thế nữa, chứ không phải chỉ là việc giữ lề luật. Giữ luật để được vào Thiên Đàng là yêu chưa trọn, còn để yêu cho trọn cần phải làm hơn thế nữa. Làm hơn thế nữa là như dụ ngôn Chúa Giêsu đã kể, phải đến với những người xung quanh đang cần đến mình.

Xưa hai vị Lêvi và thượng tế nại vào luật Do Thái “tôi phải lên Đền Thờ nên tôi không muốn dính vào máu vì sẽ làm ô uế”. Người giáo dân Do Thái được coi như người đồng loại của vị Lêvi và thượng tế, hai vị ấy giữ lề luật và không vi phạm luật của Do Thái nên an tâm tránh qua một bên, không cần ngó ngàng gì đến người bị thương tích nằm trên đường cả. Sau đó người Samari, ông này không phải là người Do Thái, những người dân được Chúa chọn nhưng đã thể hiện cách sống đúng nghĩa khi dừng lại chăm sóc cho người bị nạn. Ngày nay, những hình ảnh và thái độ của người Công Giáo có thể thấy là: “Tôi phải đi cho đúng giờ đọc kinh, tôi phải đi nhà thờ lần chuỗi, còn những người khác, kệ họ, tai nạn dọc đường, kệ nó”. Người Công Giáo cũng là những người được Chúa chọn để rồi coi chừng kẻ đến sau thì lại về trước và kẻ đến trước thì về sau hết và: “Coi chừng bọn thu thuế và đĩ điếm sẽ vào Thiên Đàng trước các ngươi”. Cần đặt mình vào vị trí của người Công Giáo so với người ngoại, đặt mình vào vị trí như là thầy tư tế và Lêvi với giáo dân thì mới thấm thía được bài học qua câu chuyện, như thể Chúa Giêsu nói điều ấy với chính mình, vì người Samari cách nào đó cũng bị liệt vào hạng dân ngoại như thế. Qua câu chuyện người Samari nhân hậu, Chúa cảnh cáo chúng ta, những người được Chúa chọn và hơn thế nữa Chúa cảnh cáo những người tư tế, Lêvi xưa, giờ Chúa cảnh cáo cả hàng giáo sĩ.

Để đào sâu hơn về đề tài, cha Tiến Lộc tiếp tục phần trình bày của mình bằng cách diễn cùng một lúc 6 vai trong vở kịch “Sống Dồi Dào” do thầy Trần Duy Nhiên viết kịch bản được gợi ý từ Ga 10,10: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”. Câu chuyện trong vở kịch có 6 nhân vật và đặt biệt là 6 nhân vật đều là nữ, 2 chị thiếu nữ trong nhóm chia sẻ, 4 chị thiếu nữ khác là khán giả, khán giả nhưng lại xin góp ý, chia sẻ bằng cách nhập vào vai của một nhân vật trong Tin Mừng.

Trong phần chia sẻ của mình, chị thứ nhất băn khoăn về ơn gọi Chúa dành cho người nữ khi chị đọc trong Tin Mừng, Chúa thường bảo người nam “Hãy theo”, còn đối với người nữ thì “Hãy đi”. Phải chăng ơn kêu gọi không dành cho nữ giới?!? Chị muốn trao đổi để hiểu rõ hơn về ơn gọi của mình.

Chị thứ hai phản biện bằng hàng loạt các câu hỏi: Ai đã đứng dưới chân Thánh Giá? Ai đã gặp Chúa trước tiên ngày Ngài sống lại? Ai đã đón nhận Thánh Thần một cách trọn vẹn? Chị cho rằng Chúa nói với người nam bằng ngôn ngữ của khối óc, còn với người nữ thì bằng ngôn ngữ của con tim. Ngài thể hiện tình yêu một cách tràn đầy, mọi người đều có quyền và có bổn phận đáp trả.

Sau một vài tranh luận nho nhỏ, các chị đề nghị những người tham dự trình bày những suy nghĩ của các nhân vật trong Tin Mừng bằng cách nhập vai, sống lại tâm tình của các nhân vật ấy.

Một chị đã lên trình bày tâm tình của người phụ nữ ở nhà ông Simôn, người Pharisêu. Chị cho hay lúc Chúa Giêsu được ông Simôn, người Pharisêu mời về nhà, chị đã chờ đợi xem mặt Ngài. Khi Ngài đi ngang qua, dừng lại, quay mặt nhìn sâu vào mắt chị, đối với chị đó là cả một biến cố cuộc đời, một cái nhìn yêu thương. Các ông Pharisêu và ký lục xem chị là hạng đàn bà vất đi, chỉ có Ngài xem chị như một con người bất chấp lời ra tiếng vào. Khi khóc và nhận ra mình là một người tội lỗi, chị lấy dầu thơm để rửa chân Ngài, lấy tóc để lau chân Ngài để đáp lại hành động mà chưa ai dám làm như Ngài: “Những thứ ấy tôi từng sử dụng để chứng tỏ rằng mình sống, trong khi tôi đã chết. Ngài đã gọi tôi vào sự sống. Tôi muốn trao lại Ngài phương tiện sống của tôi”. Chị khóc nức nở vì cảm nhận được lời Chúa nói với mình khi Ngài trò chuyện với ông Simôn về người chủ nợ biết tha thứ. Ngài chỉ nói với chị một câu: “Tội của con đã được tha, hãy đi bình an” và chỉ có Ngài mới biết chị cần sự bình an và tha thứ. Chị nói về ơn gọi của mình: “Kể từ ngày đó tôi đã sống với Ngài khắp nơi... Sự hiện diện của tôi sẽ nhắc nhở mọi người về tình yêu của Ngài. Tôi nghĩ, theo Ngài cũng có nghĩa là làm chứng cho Ngài”.

Sau những lời ca tụng Chúa của người phụ nữ ở nhà ông Simôn, một chị khác nhập vai Mađalêna, chị nhận xét phải mất ba năm gần Ngài mới hiểu rằng theo Ngài thật sự không chỉ là ở bên Ngài, mà là ra đi loan truyền Tin Mừng của Ngài. Chị hiểu điều đó khi Ngài phán bảo sau ngày Ngài sống lại: “Đừng giữ Ta lại, hãy đi gặp anh em ta và nói với họ...”. Chị đã chia sẻ kinh nghiệm tận hiến của mình, chị nói rằng mình là một người tiến triển thật chậm chạp. Chị được Ngài cứu chữa khỏi sự hành hạ của quỷ dữ mà lại không đồng tình với Ngài để đi cứu những bệnh tật khác. Cuối cùng, chị nhận ra rằng mình hiểu quá trễ: “Điều Ngài cần nơi tôi không chỉ là sống-với-Ngài, mà là sống-như-Ngài”. Dưới chân thập giá, chị nhận ra Thập giá thật sự của Chúa là ở chính mình: “Thập giá của Ngài là những người Ngài yêu thương nhất nhưng lại vô tâm trước Thánh Ý của Ngài. Thập giá của Ngài chính là những người tận hiến cho Ngài mà không đồng tình với Ngài...”.

Sau câu chuyện của hai người phụ nữ trong Tin Mừng, chị thiếu nữ thứ nhất đã thấy được phần nào ơn gọi của người nữ. Nhưng chị cho rằng chính sự hiện diện của Chúa Giêsu ngày xưa đã tác động lên những người phụ nữ đó. Còn ngày nay, làm sao có được những tâm tình như vậy? Chị thiếu nữ thứ hai giải thích Ngài đã sống lại và ở lại với ta, trong ta, qua Thánh Thể và qua Lời Chúa. Trở vế với Thánh Thể và Lời Chúa là điều kiện cơ bản cho mọi hoạt động tông đồ.

Sau đó nhân vật Maria ở Bêtania, em của Mácta, chia sẻ về việc được Chúa khen ngợi. Chị nói rằng đó không phải là một lời khen mà là một lời bênh vực. Chị nhận mình cũng có lỗi khi để chị Mácta lo mọi việc tiếp đón Ngài, chị nhủ rằng mình sẽ tiếp một tay với chị nhưng lần nào Thầy đến thì lại quên mất, chỉ chạy đến ngồi suốt dưới chân Thầy. Chị cảm nhận về Chúa Giêsu: “Ngài không nghĩ gì đến Ngài cả. Ngài chỉ biết rằng tôi rất sung sướng được ngồi bên Ngài, và Ngài đã giữ tôi lại. Rốt cuộc, trong đời Ngài, chưa bao giờ Ngài thật sự nghỉ ngơi. Dù những ngày mệt mỏi Ngài đến Bêtania thì cũng không phải để được phục vụ mà là để phục vụ”. Trong những lúc ngồi cùng Thầy, chị cũng chỉ im lặng và Ngài cũng chẳng nói gì cả. Đối với chị: “Ngài hiện diện là tôi có tất cả, vì chính Ngài đã là Ngôi Lời Tuyệt Đối”. Chị nói rằng người ta sẽ hiểu được điều đó nếu sẵn sàng bỏ ra vài ngày tĩnh tâm và ngồi im lặng vài giờ với Ngài trước Thánh Thể. Vì Đức Kitô mà Maria gặp gỡ ở Bêtania cũng chính là Đức Kitô Thánh Thể.

Kế đến, người phụ nữ ở Samari đã gặp Chúa Giêsu bên bờ giếng Giacóp chia sẻ tâm sự của mình. Chị nói rằng đời mình là một cuộc đời vô nghĩa và buồn chán, chẳng có mái ấm gia đình, tuy gần gũi với khá nhiều người đàn ông nhưng chưa bao giờ gần gũi với tình yêu. Gặp được Ngài khi đi kín nước, chị cảm thấy sung sướng và quên mất thân phận mình, địa vị mình. Chị chạy về kêu mọi người đến với Ngài. Lạ lùng làm sao khi mọi người lại nghe chị, một người đàn bà bị họ khinh, để đến với Ngài. Khi Ngài gặp chị, Ngài đòi hỏi chị phục vụ: “Hãy cho tôi uống nước”. Nhưng trước khi chị cho Ngài một ngụm nước, thì Ngài đã ban cho chị tất cả. Chị nói rằng người ta sẽ thấy sự ban cho, nếu để Chúa gặp gỡ: “Từ lần Ngài đến, thắp cao, thắp cao hy vọng, thì chợt bừng sáng cuộc sống, cuộc sống tươi trong, và tôi đã biết, đã biết đến Ngài. Ngài là lẽ sống tuyệt vời và Ngài là Cứu Chúa của tôi...”

Qua câu chuyện của những nhân vật trong Tin Mừng, người thiếu nữ thứ nhất đã hiểu được rằng sống đạo là một đòi hỏi mà mình phải vâng phục để thể hiện Thánh Ý Chúa, mà đó một hồng ân. Chị thứ hai khuyên hãy noi gương Đức Mẹ nói lời “Xin Vâng”, khi Mẹ khiêm nhường hướng về Chúa. Các chị xác tín và cậy trông vào Chúa như Đức Mẹ, biết dùng trọn cuộc sống của mình dâng một bài Magnificat để ca tụng Tình Yêu Chúa. Toàn thể cộng đoàn hát bài Magnificat để kết thúc vở kịch.

Sau giờ giải lao các ca sĩ đã góp phần vào cho không khí vui tươi sôi động với tiếng hát của chị Huệ, nhóm Raboni, của ca sĩ Kim Lệ, ca sĩ Khánh Duy.

Đầu giờ, trước khi đi vào đề tài cha Tiến Lộc đã đặt ra hai câu hỏi gợi ý suy nghĩ để giúp đi vào đề tài sâu hơn qua nền tảng Tin Mừng:

1. Xin trích 1 câu Tin Mừng có chữ sống trong đó?

2. Điều gì làm cho bạn vui, phấn khởi, yêu đời để sống cho đáng sống? Điều gì làm cho bạn buồn, thất vọng, chán nản?


Trong phần chia sẻ, trả lời câu hỏi, đã có nhiều câu Tin Mừng được trích dẫn để mọi người cùng lắng nghe, cảm nghiệm Lời Chúa, nhưng câu chuyện của mỗi người lên chia sẻ lại như là một quyển tiểu thuyết sống động để cộng đoàn có thể nhìn vào đó xét lại bản thân mà thấy cuộc đời mình đáng sống làm sao. Những phút sâu lắng có lúc như vỡ òa khi cuộc đời ai đó bế tắt, trước mắt chỉ còn nghĩ đến tự tử để trốn chạy cuộc đời. Bên cạnh đó là những tràng pháo tay, những tiếng cười ồ sảng khoái, khi ai đó dí dỏm trong câu chuyện của mình làm cho hội trường luôn sinh động dù không khí buổi chiều oi bức.

Đã có những bạn trẻ cảm thấy vui khi nhớ đến Chúa, lúc nghĩ đến Ngài, được sống trong tình yêu của Chúa, của gia đình, ông bà anh chị em, bạn bè hoặc được sinh ra, được làm con Thiên Chúa, được Chúa Giêsu, Mẹ Maria luôn đồng hành với mình cũng là niềm vui. Có bạn cho rằng niềm vui là khi đến với tha nhân để giúp đỡ họ, và nếu không có thời gian làm cho người khác vui, thì cũng không nên làm cho họ buồn, nếu không giúp được họ thì đừng hại họ. Một nữ tu thì cho rằng niềm vui là khi ta được ai đó yêu thương, hay một câu nói cảm động khi ta gặp đau khổ, chia sẻ cùng ta. Một bạn có vẻ triết lý: “Vui buồn trong cuộc sống này âu cũng chỉ là vu vơ thôi, gió thoảng mây bay thôi, nó cũng chỉ là cảm giác nhất thời, vui hay buồn cũng có giai đoạn của nó”. Một nữ tu khác thì có ý nguyện muốn làm giàu đức tin trong Chúa Kitô, muốn giúp người nghèo bằng cách tạo ra những người thành công trong công việc vì cho cá thì không bằng cho cần câu, cho bánh không bằng chỉ cách làm bánh, hay kiếm tiền mua cái bánh đó.

Dưới đây là hai câu chuyện của một người nam và một người nữ, có thể nói là phảng phất đâu đó hình ảnh của mỗi người không nhiều thì ít, đáng để ta suy ngẫm:

Chị Anna Lâm Phương Thảo cho hay chị cảm thấy vui kể từ khi biết sống theo lời Chúa dạy, lúc đó mới cảm nhận được hạnh phúc và cuộc sống thay đổi hoàn toàn. Tuy là nữ, nhưng ngay từ nhỏ chị là một người nổi tiếng hay đánh lộn trong trường học, khi lớn lên chị là người hay hơn thua, ganh ghét những người hơn mình. Khi đi làm, do ỷ vào tài năng, chị chỉ sống ích kỷ cho riêng mình, không biết giúp đỡ người khác và cuối cùng thì bị loại khỏi nơi làm việc. Trong chuyện tình cảm, chị cũng chỉ quen biết những người có tiền, thành đạt dù đó là người ngoại đạo. Thế rồi, chị mang mắc phải căn bệnh hiểm nghèo rất nặng, và do áp lực mọi phía, từ công việc, tình cảm, bệnh tật, gia đình, cảm thấy bế tắt, chơi vơi, chị đã có ý định tự tử. Trong lúc thất vọng, một người bạn khuyên rằng: “Em đã không tin Chúa. Hãy tin Chúa một lần đi! Hãy đặt niềm tin trọn vẹn và phó thác tuyệt đối thì em sẽ thấy mọi sự thay đổi”. Chị nhận ra mình tội lỗi và đặt niềm tin trọn vẹn vào Chúa, xin Chúa cứu giúp. Quả thật, Chúa nhận lời, và đã có người giúp đỡ chữa trị bệnh tật tận tình và khỏi hẳn. Sau thời gian bệnh tật, chị đã hối hận quay về và nhiệt thành tham gia các hội đoàn để phục vụ với hy vọng được Chúa cứu độ đưa về chứ chẳng phải đi thẳng xuống hỏa ngục. Chị kết thúc chia sẻ một câu hết sức dễ thương và bằng tất cả lòng xác tín của mình: “Chúa là số một trong cuộc đời của con”.

Anh Trần Vĩnh Bảo, 51 tuổi, ở Giáo xứ An Phú cho hay anh hiện là Tổng Giám Đốc một công ty kiềm cắt móng tay, sở dĩ anh nhắc đến chức vụ là vì nó liên quan đến cuộc đời chìm nổi của anh. Bốn chữ “Sống cho đáng sống” đã nhắc anh trở về với quá khứ vào năm 1979 khi rời đất Cần Thơ lên Sài Gòn, mẹ anh dặn rằng: “Sài Gòn là nơi cạm bẫy của xã hội, con sống như thế nào để sống cho đáng sống”. Lên Sài Gòn với một chiếc xe đạp và hai bộ đồ và luôn nhớ lời mẹ dặn, anh cố gắng giữ mình nhưng, có những lúc sa vào tội lỗi, làm ăn không chân chính, anh đã cầu nguyện và vượt qua. Với phận nghèo, anh quyết tâm thay đổi cuộc sống bằng cách làm rất nhiều nghề để kiếm tiền, cuối cùng anh tìm ra nghề tạo ra kiềm cắt móng tay. Tuy nhiên, sự nghiệp anh cũng có lúc lên rất cao và đã có lúc xuống đến tận cùng của vực thẳm, lúc ấy anh đã nghĩ đến cái chết vì phá sản. Anh đã vượt qua được vì bốn chữ “sống cho đáng sống” và nghĩ đến Chúa, nghĩ đến mẹ mình nơi quê nhà. Qua buổi chia sẻ, anh muốn nói rằng trong cuộc đời con người, cuộc sống rất là bé nhỏ và con người rất yếu đuối, có những bạn trẻ đã nghĩ đến cái chết, tuy nhiên nếu dám chết đã là can đảm lắm rồi, nhưng nếu còn dám sống lại thì còn can đảm hơn.

Anh cho hay niềm vui lớn nhất là làm sao để có thể giúp cho mọi người khỏe mạnh và hạnh phúc. Anh không tin vào số phận và tin rằng tất cả mọi sự thành công trong cuộc đời này là đều do cố gắng, quyết tâm của mình cộng với sự cầu nguyện, đến với Thiên Chúa. Anh nói đang thực hiện dự án xã hội hóa người nghèo cùng với các nghệ sĩ, doanh nhân trong Câu Lạc Bộ Doanh Nhân Sài Gòn. Anh sẵn sàng chia sẻ niềm vui này, hy vọng rằng mọi người có cuộc sống tốt hơn: Thứ nhất, nhờ sự nỗ lực quyết tâm của mình, thứ hai là do ơn Chúa soi sáng,

Sống trên cuộc đời có khó hay chăng? Sống cho đáng sống phải chăng là uy danh lẫm liệt để hậu thế nhớ đến? Khó hay dễ, uy danh hay chăng cũng chỉ là quan niệm của mỗi người, nhưng có lẽ chỉ có đời sống phục vụ “mến Chúa yêu người” thực sự trong lời nói, cử chỉ, hành động với tâm thức “mình vì mọi người” bằng khả năng dẫu bất toàn của mỗi người trên con đường thập giá Chúa trao, mới có thể dẫn đến sự sống dồi dào nơi trần thế và là con đường dẫn đưa con người vào Ơn Cứu Độ hướng về Quê Trời.

Tạ Ân Phúc