Những ngày qua, từ hôm 30.07.2011, nhiều sinh viên và cựu sinh viên công giáo Giáo phận Vinh cùng anh Paulus Lê Sơn, giáo dân Giáo phận Thanh hóa, bị công an bắt giữ trái phép và không có lý do. « Cả 9 thanh niên Công giáo này đều là những người con hiếu thảo trong gia đình, hăng say trong các hoạt động của Giáo hội tại các Giáo xứ nơi cư trú hay nơi tạm trú để đi học và đi làm. Họ dấn thân trong các phong trào bảo vệ sự sống thuộc Tổng Giáo phận Hà nội và Giáo phận Vinh… » (trích Thông cáo Báo chí số 3/2011 của Truyền thông Chúa Cứu Thế ngày 11.08.2011 : Công an phải thả ngay những thanh niên Công giáo đã bị bắt cóc). Nhiều người trong họ bị vu cáo là thành viên đảng Việt Tân, nhưng tổ chức này đã lên tiếng phủ nhận điều đó.
Năm 1975, với sự tiếp sức của các ‘Linh mục quốc doanh’, Chính quyền Cộng sản đã vu cáo Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận được bổ nhiệm vào chức Đức Tổng Giám mục phó Sài-gòn là bằng cớ âm mưu giữa Vatican và các Đế Quốc. Để trả lời sự cáo gian đó, Đức cha chỉ xác nhận đó chỉ là sự vâng lời của Người đối với Bài Sai của Đức Thánh Cha. Ngày 15.08.1975, chúng bắt giam Đức cha trong 13 năm không một bản án.
[Trong bài nầy, chúng tôi xin được phép gọi Đức Hồng Y là Cha để ghi nhớ cách xưng hô dịu hiền mà Đức cha (Đức Hồng Y) đã xưng Cha với những giáo dân có diễm phúc nói chuyện với Cha.]
I. CON CÓ MỘT TỔ QUỐC.
… Con có một tổ quốc: Việt Nam,
Quê hương yêu quí ngàn đời.
Con hãnh diện, con vui sướng.
Con yêu non sông gấm vóc,
Con yêu lịch sử vẻ vang,
Con yêu đồng bào cần mẫn,
Con yêu chiến sĩ hào hùng…
Sự Thật, Cha đã được sinh trưởng trong :
Dòng dõi Tử Đạo và Yêu Nước.
A. Gia đình bên ngoại của Cha đã bị thiêu sống khi đang kinh nguyện trong một đêm mùa thu năm 1885, tại làng Đại Phong. Nhóm người bắt đạo đã phóng hỏa nhà nguyện có nóc và tường bằng tre với những ngọn đuốc. Khi cha mẹ đưa các trẻ em qua cửa sổ thì họ thẩy các trẻ trở vào cho chết cháy. Tuy nhiên, một số em, nhờ bóng tối đêm và khói, đã thoát chết. Trong đó, có ‘Dì Liên’, 10 tuổi, thoát chết cùng với Bà ngoại của Cha. Một điều may khác là khi đó, Ông ngoại của Cha là ông Ngô đình Khả đang học ở Chủng viện Penang (Mã-lai).
Lúc đó, phải đợi đến vài tháng, hung tin gần cả gia đình bị tàn sát mới tới Chủng viện Penang, các giáo sư của ông Khả mới đề nghị ông nên trở về nước và cưới vợ để nối dõi tông đường. Chấp nhận đề nghị trên, ông đã trở lại Việt Nam để phụng dưỡng mẹ đang không phương tiện để sinh sống.
Vào làm việc tại Triều đình, một thời gian sau, ông được vua Thành Thái ban cử làm cố vấn cho Vua các vấn đề về Pháp văn và Triết Tây phương… Ông đã chống đối mạnh mẽ người Pháp đô hộ khi họ buộc Vua phải thoái ngôi. Cuối cùng, ông từ quan và về làm ruộng với các con trai. Cô Hiệp (mẹ tương lai của Cha) đã cùng mẹ vất vả đem cơm nước cho thân phụ và các anh em trai. Trong hoàn cảnh cơ cực đó, không ai trong gia đình buông lời than trách trước một quyết định ái quốc. Họ vẫn nuôi ý chí ‘làm quan’, sau những kinh nghiệm lao động tay chân và nghèo nàn. Hai người đáng được chú ý :
- Ngô đình Khôi, Tổng đốc Quảng nam từ năm 1930, bị ép về hưu năm 1943 vì có ý thân Nhật. Con trai duy nhất của ông là Ngô đình Huân, thư ký và thông ngôn cho viện trưởng Viện văn hóa Nhật tại Sài-gòn. Tháng 03.1945, ông khuyên hoàng đế Bảo Đại đừng thoái vị, trao quyền cho cộng sản. Ngày 31.08.1945, hai ông bị Việt Minh bắt và bị hành quyết vài tuần sau đó cùng với ông Phạm Quỳnh, Thượng thư Bộ Lại ở rừng Hắc Thú.
- Ngô đình Diệm đã từng chống Pháp (bị bắt hụt) và Cộng sản (bị giam tại Tuyên quang) và được Quốc trưởng Bảo đại làm Thủ tướng ngày 07.07.1954 và trở thành Tổng thống, sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23.10.1956, từ ngày 26.10.1956. Ngày 02.11.1963, Tổng thống và bào huynh, cố vấn Ngô đình Nhu, bị bắn chết, sau khi rước Mình Thánh Đức Kitô và xưng tội, theo lệnh các Tướng lãnh được Hoa kỳ mua chuộc vì Người từ chối cho đổ quân Mỹ vào Việt Nam.
Cha đã không thể tin tưởng một người yêu nước đã phải chết như vậy và chỉ đương đầu được với thử thách mới này nhờ đức Tin và nhất là nhờ sự an ủi diỉu hiền từ bà Mẹ của Cha. Bà lấy từ ngăn tủ bàn một văn kiện và dẫn Cha vào Nhà Nguyện cùng nói : « Đến lúc con nên đọc tài liệu này. Mẹ đã cất giấu đủ lâu ». Đó là văn kiện chứa những dòng chữ của cậu Diệm đã khấn dòng Biển Đức ngày 01.01.1954 trong đan viện Saint–André de Bruges ở Bỉ, với tên Dòng Odilon. Bàn tay Cha run lên vì Thánh Odilon là Bổn mạng người tị nạn mà chính Tổng thống Diệm đã giúp hơn nữa triệu người di cư từ Miền Bắc và an cư lạc nghiệp một cách mỹ mãn. Hơn nữa, Thánh Odilon là Linh mục đã bắt đầu cử hành Thánh Lễ Cầu cho các Linh hồn ngày 2 tháng 11 là ngày ông Diệm qua đời. Thấy thế, Bà khuyên lơn : « Cậu con đã cống hiến trọn cuộc đời cho quê hương và không lạ gì khi cậu phải chết vì tổ quốc. Là một tu sĩ, cậu đã dâng hiến cuộc sống cho Thiên Chúa, và không có gì lạ khi cậu phải chết lúc Chúa gọi cậu. »
B. Ông cố bên nội của Cha, Nguyễn văn Danh, đã sống cực khổ trong thời kỳ bắt đạo dưới thời vua Tự Đức, năm 1860, bị cưỡng bách phải đi làm nô lệ.
Con ông, Nguyễn văn Vọng, 14 tuổi, khi hay tin cha sắp chết đói, hằng ngày phải thức dậy sớm, nấu cơm nước và mang cho cha xa khoảng 12 dậm, đi và về, trong ba năm. Khi được trở về, ông Danh đã hãnh diện khi thấy các con không chối đạo và được mẹ dạy kính Chúa và yêu người. Ông rất mãn nguyện vì Vọng, đứa con vô cùng can đảm.
Khi trưởng thành, anh Vọng cưới chị Tống thị Tài, liên hệ gia đình gần với Thánh Phaolô Tống viết Bường, sĩ quan triều đình Minh Mạng, tử đạo ngày 23.10.1833. Đôi vợ chồng trẻ về sống tại Phủ Cam và được Linh mục Joseph Eugène Allys giao cho sứ vụ truyền giáo đặc biệt : không phải rao giảng, chỉ sống đạo, bằng đời sống chứng nhân Kitô hữu để người khác nhìn vào đó mà trở lại đạo Công giáo. Xong việc truyền đạo tại một làng, anh chị Vọng đi sang làng khác trong một vùng cách Huế 14 cây số về hướng Nam. Ông Vọng, ông nội tương lai của Cha, đã thi hành sứ vụ trong 15 năm. Ông vẫn muốn tiếp tục, nhưng Linh mục Allys muốn ông trở lại sống tại Phủ Cam với gia đình.
Linh mục Allys cho ông mượn tiền thành lập nông trại và ông trở nên giàu có. Ông đã dùng gia sản để giúp xây trường Bình Linh (Pellerin) cho các Sư huynh dòng Lasan và trường Thánh nữ Jeanne d’Arc cho các Nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Chartres. Cả hai dều được khánh thành năm 1904 tại Huế.
II. MỤC TỬ PHỤC VỤ ĐỒNG BÀO.
… Đất (Việt Nam) tuy hẹp nhưng chí lớn.
Nước tuy nhỏ, nhưng danh vang.
Con phục vụ hết tâm hồn,
Con trung thành hết nhiệt huyết.
Con bảo vệ bằng xương máu,
Con xây dựng bằng tim óc.
Vui niềm vui đồng bào,
Buồn nỗi buồn của dân tộc…
1. Hợp tác để Tái thiết Việt-Nam.
Ngày 13.04.1967, Cha được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Nha Trang khi 39 tuổi, thay thế Đức Cha Paul Raymond Piquet, MEP. Ngoài ra, Cha còn nhận công tác đáng ghi nhớ là:
Ngày 15.07.1971, Đức Thánh Cha Phaolô VI thành lập Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm (Cor Unum) với mục đích chính là phối hợp các cơ quan bác ái Công giáo qua các dự án giúp đỡ và phát triển về phương diện nhân bản của Công giáo trên toàn cầu. Sau đó, Cor Unum tham gia trợ giúp Việt-Nam qua một tổ chức được hình thành bởi Hội đồng Giám mục Việt-Nam và Giám mục các quốc gia mang tên là Hợp tác để Tái thiết Việt-Nam (Cooperation for the Reconstruction of Viêtnam, COREV).
Các Giám mục Việt-Nam trao trách nhiệm điều hành cho Cha vì Cha là Chủ tịch Ủy ban Phát triển Hội đồng Giám mục. Đây là một trọng trách nặng nề khiến Cha khó có thể cai quản hữu hiệu Giáo phận, nhưng các Giám mục đã an tâm khi nhớ một người trong gia đình Cha đã hoàn thành mỹ mãn việc bình định cho một triệu người di cư từ Bắc và Nam trong thập niên 1950: Tổng Thống Ngô đình Diệm.
Trụ sở COREV đặt tại Sài Gòn, nên Cha phải thường xuyên đi lại giữa nơi này và Nha Trang. Về tài chánh, dù các Giám mục trao toàn quyền cho Cha, nhưng Cha không bao giờ quyết định mà không hội ý với các Giám mục khác. Cha không ngớt liên lạc, giải trình với các giám đốc Misereor và Caritas Đức, Secours Catholique Pháp, Catholic Relief Services Hoa kỳ, Secours International Bỉ quốc… về các dự án xây nhà, cất trường học… Chúng ta đừng quên Cha nói thạo các tiếng Pháp, Anh, Ý, Tây ban nha, Hoa và La tinh. Người ta thẩm lượng việc Cha làm có thể so sánh với việc làm của năm người bình thường.
Khi gặp khó khăn, Cha nhìn lên trời và xin Cậu Diệm giúp đỡ. COREV càng thành công thì người Cộng sản càng coi Cha là người đáng sợ.
2. Tuyên úy những người tù không bản án.
Ngày 29.11.1975, thứ hai sau chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, cùng với các tù nhân khác, Cha bị xiềng tay đem đi cách Sài-gòn 15 cây số. Đêm 01.12.1975, cùng với 1500 bạn tù đói, mệt, chán nản, còng tay hai người chung một khóa số 8, bị đưa xuống gầm tàu ‘Hải Phòng’ đậu tại bến Tân cảng gần cầu Xa lộ, để chở ra trại cải tạo Vĩnh Quang, tỉnh Vĩnh Phú, trong thung lũng núi Tam Đảo, mùa đông 1976-77 rét 2°C. Trong hoàn cảnh đó, Cha đã nhanh chóng trở thành người Samaria tốt lành: Cha khích lệ họ khi họ tuyệt vọng.
Tại đây, Cha có thể xin gởi cho Cha rượu lễ đựng trong một chai nhỏ dán nhãn ‘thuốc chống các cơn đau bao tử’. Như vậy, Cha đã cử hành Thánh Lễ vì đây là những giây phút linh thiêng ngày sống của Cha và các người Công giáo khác để mọi người có thể múc lấy năng lực cần thiết để củng cố đức Tin và được tràn ngập niềm Hy vọng. Cha cử hành Thánh Lễ trong lòng bàn tay, với ba giọt rượu và một giọt nước. Lúc bấy giờ, tận dụng sự dễ dãi của các lính gác, Cha đã làm cho mình một cây Thánh giá.
3. Sau này, khi là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Cha vẫn can thiệp Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm (Cor Unum) để xin trợ giúp người dân Việt Nam.
III. NGƯỜI TÙ KHÔNG TỘI PHẠM.
Một người có dòng dõi lại nhất quyết vâng lời Đức Thánh Cha như Cha mà ở lại Việt Nam sau ngày 30.04.1975 đã làm cho người cộng sản thật sự nghi ngờ và sợ. Thêm vào đó, có những ‘Linh mục quốc doanh’ (không nhiều, chưa bằng số ngón trên hai bàn tay) sẳn sàng thi hành lệnh bất chấp tình người hay giáo luật miễn được trả lương thì chờ gì không dùng. Ngày nay, linh mục Huỳnh công Minh chủ lễ ngày Lễ Giỗ tại Sài gòn cũng chỉ nằm trong đường hướng này mà thôi.
Trong những giây phút bi đát nhất của cuộc đời, bí quyết của Cha là tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa; sống trọn vẹn giây phút Hiện Tại và nương nhờ vào tình yêu của Mẹ Maria. Cha phó thác tất cả cho Mẹ, để Mẹ dâng lên Chúa. Tâm tình đó đã được Cha lần lượt viết thành sách và diễn tả ra bằng những vần thơ:
‘Đời con dâng hiến Mẹ của con
Giây phút đầu tiên đến Sài Gòn
Cáo gian lắm điều con vì Mẹ
Vu vạ nhiều nỗi Mẹ với con
Sống chết lao tù con có Mẹ
Gian truân chẳng quản Mẹ bên con
Tăm tối đêm trường con theo Mẹ
Băng rừng vượt biển Mẹ dẫn con
Cô quạnh ê chề con kêu Mẹ
Hy vọng trào tràn Mẹ nghe con
Đau khổ xác hồn con nhìn Mẹ
Âm thầm lễ tế Mẹ dạy con
Muôn vàn thương mến con trao Mẹ
Ức triệu ân tình Mẹ thương con
Sứ mạng tương lai con dâng Mẹ
Khó khăn hiện tại Mẹ giúp con
Aâu yếm đêm ngày con yêu Mẹ
Ngày về tin tưởng Mẹ đợi con.’
“CON VỚI MẸ” Trại Thanh Liệt, 08.12.1978
Vì Cha không tội nào ngoài việc là ‘cháu Tổng thống Diệm’ và vâng lời Đức Thánh Cha, nên Cha đã được trả tự do như sau :
« Một hôm trời mưa, tôi đang thổi cơm trưa, tôi nghe điện thoại của chiến sĩ trực reo. ‘Biết đâu có tin gì cho tôi? Đúng rồi, bữa nay là lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh, 21 tháng 11 mà!’
Năm phút sau, anh chiến sĩ trực đến:
- Ông Thuận ơi, ông ăn chưa?
- Chưa ạ, tôi đang thổi cơm đây.
- Ăn xong, ăn mặc sạch sẽ, đi gặp lãnh đạo.
- Lãnh đạo là vị nào vậy?
- Tôi không biết, tôi chỉ được báo thế. Chúc ông may mắn.
Tôi đã được đưa đến nhà khách chính phủ, bên hồ Ha-le, và tôi đã gặp ông Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Nội vụ (Bộ công an). Sau lời chào hỏi xã giao, ông Bộ trưởng đã hỏi:
- Ông có nguyện vọng gì không?
- Thưa có, tôi muốn được tự do.
- Bao giờ?
- Hôm nay.
Ông Bộ trưởng có vẻ ngạc nhiên, thường tình phải có thời gian cho cơ quan nhà nước xếp đặt... Nhưng hôm nay là lễ Đức Mẹ nên tôi tin chắc và xin như vậy. Để đánh tan bầu khí lúng túng và ngạc nhiên ấy, tôi nói:
- Thưa ông Bộ trưởng, tôi ở tù lâu lắm, suốt ba đời Giáo hoàng: Phaolô VI, Gioan Phaolô I, và Gioan Phaolô II. Về phía xã hội chủ nghĩa thì tôi đã ở tù bốn đời Tổng Bí thư Liên Xô: Brezhnev, Andropov, Chernenko, và Gorbachev.
Ông Bộ trưởng bật cười và nói:
- Đúng! đúng!
Ông quay qua bảo người bí thư:
- Hãy liệu đáp ứng nguyện vọng của ông.
Trong lòng tôi vui mừng tạ ơn Đức Mẹ Maria, vì không những được tự do mà còn được cả dấu chỉ. Chắc Mẹ tha tội tôi cả gan thách đố Mẹ. »
… Là người Công giáo Việt Nam
Con phải yêu Tổ quốc gấp bội.
Chúa dạy con, Hội thánh bảo con,
Cha mong giòng máu ái quốc,
Sôi trào trong huyết quản con…
Lễ Suy tôn Thánh Giá 14.09.2011