Ngày 16.09.2018, chúng ta kỷ niệm Lễ Giỗ lần thứ 16 Ðức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận. Ngày 04.05.2017, Bộ Phong Thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận Vị Tôi Tớ Chúa này đã thực hiện các nhân đức ‘đến mức độ anh hùng’. Trước đó, 9 cố vấn của Bộ Phong Thánh cứu xét tập Hồ sơ đúc kết (Positio) về cuộc sống và các nhân đức của Ðức Hồng Y Tôi Tớ Chúa Nguyễn Văn Thuận và đa số các vị đã bỏ phiếu thuận. Sau đó, trong cuộc họp của Hội đồng các Ðức Hồng Y và Ðức Cha thành viên của Bộ đã đồng thanh bỏ phiếu chấp thuận. Việc công bố này đã được Ðức Thánh Cha Phanxicô cho phép trong buổi tiếp kiến cùng ngày dành cho Ðức Hồng Y Angelo Amato, SDB, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh. Do đó, từ nay Ðức Hồng Y P.X. Nguyễn Văn Thuận được mang danh xưng ‘Đấng Đáng Kính’ (Venerabile).

Năm nay, chúng ta cử hành Lễ Giỗ tưởng nhớ Ngài trong tình trạng Tổ Quốc có thể rơi vào hoàn cảnh ‘mất nước’ và người dân yêu nước đang bị đàn áp vô cùng dã man bởi một hệ thống tòa án cộng sản vi hiến và phạm pháp.

I./ TỔ QUỐC LÂM NGUY.

A.- Con Có Một Tổ Quốc.

Là người Công Giáo Việt Nam,
Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội.

Tiếng chuông ngân trầm,
Việt Nam nguyện cầu.
Tiếng chuông não nùng,
Việt Nam buồn thảm.
Tiếng chuông vang lừng,
Việt Nam khởi hoàn.
Tiếng chuông thanh thoát,
Việt Nam hy vọng.

Con có một tổ quốc Việt Nam,
Quê hương yêu quí ngàn đời.
Con hãnh diện, con vui sướng.
Con yêu non sông gấm vóc,
Con yêu lịch sử vẻ vang.
Con yêu đồng bào cần mẫn,
Con yêu chiến sĩ hào hùng.
Sông cuồn cuộn máu chảy cuộn hơn.
Núi cao, xương chất cao hơn.
Ðất tuy hẹp, nhưng chí lớn.
Nước tuy nhỏ, nhưng danh vang.
Con phục vụ hết tâm hồn,
Con trung thành hết nhiệt huyết.
Con bảo vệ bằng xương máu,
Con xây dựng bằng tim óc.
Vui niềm vui của đồng bào,
Buồn nỗi buồn của Dân Tộc.

Một Nước Việt Nam,
Một Dân Tộc Việt Nam,
Một Tâm Hồn Việt Nam,
Một Truyền Thống Việt Nam.

Là người Công Giáo Việt Nam,
Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội.
Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con.
Cha mong giòng máu ái quốc,
Sôi trào trong huyết quản con.

Lời thơ này được phổ nhạc bởi Linh mục Ðỗ Bá Công, được cất tiếng hát bởi Nữ Ca sĩ Khánh Ly tại : http://www.youtube.com/watch?v=_2X6jfGwgcY

B.- Quê Hương bị bán từng phần.

Cuối thập niên 1990, Liên xô tan rã, lo sợ mất nguồn xin bố thí, Việt cộng đã đê hèn tìm đến và tạ lỗi Tàu cộng qua cái gọi là ‘Mật ước Thành Ðô’, một văn kiện bán nước. Ngày 03 và 04.09.1990 Hội nghị Thành Đô được nhóm họp tại Tứ Xuyên gồm các đồng chí cao cấp hai cộng đảng Việt (Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Ðồng (kẻ công nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Tàu qua công hàm ngày 14.09.1958), Ðỗ Mười và Tàu (Giang Trạch Dân, tổng bí thư cộng đảng và Lý Bằng, thủ tướng).

‘Kỷ Yếu Hội Nghị’ đã ghi truyền những dòng chữ ‘kết luận như sau: « Vì sự tồn tại của sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc giải quyết các mối bất đồng giữa hai nước. Phía Việt Nam sẽ cố gắng hết sức mình để vun đắp tình hữu nghị vốn lâu đời vốn có giữa hai đảng và nhân dân hai nước do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp trong quá khứ. Và Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây….

Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc ». Tưởng được bước lên đài danh vọng, tên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói khi nối lại bang giao với Tàu cộng ‘Tôi cũng biết rằng, dựa vào Trung Quốc sẽ mất nước, nhưng, mất nước còn hơn mất Đảng’. Thật không lời nói nào ngu hơn vì khi Việt Nam mất thì làm gì còn cộng đảng Việt !

Năm 2000, Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa Tàu và Việt cộng chỉ giúp nước sau này chỉ mới thanh toán được 1/10 số nợ 880 tỉ mỹ kim đã vay của Tàu cộng từ năm 1927 đến năm 1975. Việt cộng đã và đang tiếp tục ‘giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Tàu’. Từ đó, vì để ngụy trang việc giao Ðất Nước trước hạn kỳ 2020, những nhượng bộ khác đã được thực hiện mà quan trọng và gây ô nhiễm nhất là :

1) Nhượng quyền khai thác Mỏ bauxite Tây nguyên. Từ năm 2001, dự án này đã được Bộ Chính trị thông qua: ‘Chủ trương thăm dò, khai thác, chế biến bauxite là chủ trương nhất quán của Ðảng’. Ngày 01.11.2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định 167 phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít từ giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025. Dự án này đã gây ra nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau trong dư luận, báo chí, Quốc hội. Các ý kiến chủ yếu xoay quanh vấn đề an ninh, quốc phòng, hiệu quả kinh tế, hậu quả xã hội, tác động đối với môi trường sinh thái, công nghệ Tàu lạc hậu, việc sử dụng lao động phổ thông Tàu tại khu vực Tây Nguyên trái với Luật lao động Việt Cộng. Ngày 08.10.2014 hồ thải quặng đuôi số 5 của dự án Tân Rai đã bị vỡ đê, 5.000 mét khối nước và bùn đỏ đã tràn ra ngoài. Ngày 13.02.2016, đường ống dẫn nước có chứa chất xút độc hại từ hồ bùn đỏ của Nhà máy alumin Tân Rai bị vỡ khiến nước chảy tràn ra ngoài. Sau khi tiến hành kiểm tra, Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh Lâm Ðồng kết luận: nguyên nhân dẫn đến sự cố vỡ đường ống được xác định là do khớp nối bị ‘lão hóa’ dẫn tới bục đường ống. Ðánh giá việc đường ống bị lão hóa chỉ sau 4 năm sử dụng, ông Nguyễn Văn Ban, Trưởng ban Nhôm – Titan, cho rằng đó là: ‘hệ quả công nghệ Trung’.

2) Ðặc khu Kinh tế Vũng Áng. Dù giới chuyên gia cảnh cáo Việt Nam sẽ gặp những nguy cơ tiềm ẩn nếu phê chuẩn dự thảo đặc khu kinh tế của tập đoàn Formosa, ngày 25.06.2014, chúng đã gửi văn bản đến nhà nước Việt Cộng đề nghị thành lập đặc khu kinh tế này để phục vụ cho việc xây dựng cảng nước sâu Sơn Dương và các ngành công nghieäp liên quan như gang thép, điện, theo truyền thông trong nước.

Vũng Áng ‘là một địa điểm hết sức nhạy cảm’. Mạng thông tin Tàu cộng lưu hành kịch bản tấn công Việt Nam trong 32 ngày. Chúng nói sẽ đánh vào miền Trung, chia cắt Việt Nam ra. Do đó, hy vọng những nhà chiến lược quốc phòng Việt ‘chưa bị Tàu mua’ sẽ quan tâm và thận trọng trước những yêu cầu này. Những nguy cơ nảy sinh từ việc Việt cộng cho Tàu thuê hàng chục cây số dọc bờ biển Hà Tĩnh vàvùng cửa khẩu Vũng Áng.

Từ ngày 06.04.2016, tình trạng cá chết được ngư dân phát hiện tại vùng biển một số xã thuộc thị xã Kỳ anh (Hà tĩnh). Ngày 10.04.2016, hiện tượng này lan đến vùng biển xã Quảng đông, huyện Quảng trạch (Quảng bình), rồi vùng biển Quảng trị và Thừa thiên-Huế. Hiện tượng này kéo dài suốt 20 ngày dọc bờ biển miền Trung dài hơn 200 cây số. Thảm họa này gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của ngư dân, đến những hộ nuôi thủy sản ven bờ, ảnh hưởng đến du lịch biển và cuộc sống của cư dân miền Trung.

Ðể chuẩn bị hoàn thành trò hề ‘giao nước’ cho Tàu năm 2020, Bộ Chánh trị đã hình thành Dự luật ‘Ðặc khu hành chính và kinh tế’, nguyên thủy, dự trù Quốc hội thông qua ngày 15.06.2018. Gặp sự chống đối của đồng bào đòi trưng cầu dân ý, cộng đảng phải tạm ngưng hành động ô nhục này cho đến tháng 10/2018. Ngày 12.06.2018, chúng đã thông qua dự luật ‘An ninh mạng’ để bịt miệng người dân. Do đó, đồng bào đã phải xuống đường phản đối. Tuy có những cuộc biểu tình đông đảo hơn nhiều so với từ sau ngày 30.04.1975, nhưng vì bạo quyền được ngoại viện để mua võ khí từ các nước Nga, Mỹ và Pháp tranh bán và thuê công an, côn đồ đánh đập người yêu nước, khiến hàng triệu người khác không dám tham gia ủng hộ. Lương tâm thế giới là vậy, chỉ chạy theo tiền và quyền. Chiếm được các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, Tàu cộng không để đồng bào được vượt biên bằng đường biển, hàng không hay đường bộ đâu…

II./ CÔNG LÝ VI HIẾN VÀ PHẠM PHÁP.

Sau khi Sài Gòn mất tên, Nam kỳ khởi nghĩa ‘diệt’ Công lý (tên đường bị đổi). Do đó, Việt cộng đã có một rừng luật, nhưng cộng đảng thích xài luật rừng. Một trong những người đầu tiên bị chế độ đó chiếu cố là Ðức cha Tổng Giám mục phó Sài Gòn.

A.- Ði tù không bản án.

Trong phiên họp ngày 27.06.1975, tại Dinh Ðộc lập cũ, kéo dài từ 15 đến 19 giờ, Ðức cha đã đối diện với ba Cán bộ cao cấp của Ủy ban Quân quản cùng các người Công Giáo yêu nước. Ðối với Chính quyền cộng sản, sự thuyên chuyển độ một tuần trước khi họ tiếp thu Sàigòn vào ngày 30.04.1975, là bằng cớ âm mưu giữa Vatican và các Ðế quốc. Ðể trả lời sự cáo buộc đó, Người chỉ xác nhận sự vâng lời của mình đối với Bài Sai của Ðức Thánh Cha.

Trưa ngày 15.08.1975, Ðức cha Phao lô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám mục và Ðức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Tổng Giám mục phó được đưa đến Dinh nói trên. Tại đó, một tên công an chận Ðức cha Thuận lại và nói: ‘Anh đi lối này’, rồi lôi Người đi mất luôn. Khoảng 30 phút sau, chỉ thấy tướng Trà nói chuyện vu vơ, Ðức cha Bình hỏi :
- Thưa Thượng tướng, còn chuyện gì cần nữa không?
Tướng Trà trả lời:
- Thôi! Cụ ra về được rồi.
- Ðức cha phó của tôi đâu mời ngài cùng về.
- Như cụ thấy, chế độ này là chế độ Cộng sản. Tên Thuận là dòng dõi Ngô Ðình Diệm, chúng nó chống Cách mạng từ trong trứng chống ra, nên không thể để nó ở đây được.

Sau đó, Ðức cha Thuận bị bắt và đem đi trên một xe hơi có hai công an đi kèm và cuộc phiêu lưu của Người bắt đầu… Trong cuộc hành trình, Cha biết mình đang mất tất cả. Ra đi với chiếc áo chùng thâm trong túi có một cỗ tràng hạt. Người chỉ còn biết phó thác cho Chúa Quan Phòng. Nhưng giữa bao lo âu ấy, Ðức cha vẫn thấy có một niềm vui lớn: ‘Hôm nay là ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời...’ và Chúa yêu cầu Người hãy trở về với điều cốt yếu. Từ đó, Ðức cha, một Tuyên úy Công Giáo giúp đỡ các tù nhân không bản án các trại cải tạo từ Nam ra Bắc xã hội chủ nghĩa.

Thời gian 13 năm từ từ trôi qua, chấp nhận ‘Chọn Chúa chứ không chọn Việc của Chúa’.

B.- Ra tù theo nguyện vọng của đương sự.

Thuật lại việc ra khỏi nhà tù của mình, Ðức cha Thuận đã viết trong ‘Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá’ như sau : « Một hôm trời mưa, tôi đang thổi cơm trưa, tôi nghe điện thoại của chiến sĩ trực reo. ‘Biết đâu có tin gì cho tôi? Ðúng rồi, bữa nay là lễ Ðức Mẹ dâng mình vào Ðền Thánh, 21 tháng 11 mà!’. Năm phút sau, anh chiến sĩ trực đến:

- Ông Thuận ơi, ông ăn chưa?
- Chưa ạ, tôi đang thổi cơm đây.
- Ăn xong, ăn mặc sạch sẽ, đi gặp lãnh đạo.
- Lãnh đạo là vị nào vậy?
- Tôi không biết, tôi chỉ được báo thế. Chúc ông may mắn.

Tôi đã được đưa đến nhà khách chính phủ, bên hồ Ha-le, và tôi đã gặp ông Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Nội vụ (Bộ công an). Sau lời chào hỏi xã giao, ông Bộ trưởng đã hỏi:

- Ông có nguyện vọng gì không?
- Thưa có, tôi muốn được tự do.
- Bao giờ?
- Hôm nay.

Ông Bộ trưởng có vẻ ngạc nhiên, thường tình phải có thời gian cho cơ quan nhà nước xếp đặt... Nhưng hôm nay là lễ Ðức Mẹ nên tôi tin chắc và xin như vậy. Ðể đánh tan bầu khí lúng túng và ngạc nhiên ấy, tôi nói:
- Thưa ông Bộ trưởng, tôi ở tù lâu lắm, suốt ba đời Giáo hoàng: Phaolô VI, Gioan Phaolô I, và Gioan Phaolô II. Về phía xã hội chủ nghĩa thì tôi đã ở tù bốn đời Tổng Bí thư Liên Xô: Brezhnev, Andropov, Chernenko, và Gorbachev.

Ông Bộ trưởng bật cười và nói:
- Ðúng! đúng!

Ông quay qua bảo người bí thư:
- Hãy liệu đáp ứng nguyện vọng của ông.

Trong lòng tôi vui mừng tạ ơn Ðức Mẹ Maria, vì không những được tự do mà còn được cả dấu chỉ. Chắc Mẹ tha tội tôi cả gan thách đố Mẹ. »

Ngày 21.11.1988, Cha được rời nhà tù nhưng và bị quản chế tại Hà Nội.

C.- Thụ án khổ sai.

Do Việt cộng là một chế độ có ‘một rừng luật, nhưng thích xài luật rừng’ như nói trên, nên những ‘tù nhân không bản án’ bị trừng trị bằng những hình phạt khổ sai vượt mức bình thường.

Ở trại Phú Khánh, tôi bị giam trong một phòng không có cửa sổ, phải đi qua 3 lớp cửa trong một hành lang mới đến khí trời. Vào đó nóng cực kỳ, tôi ngột ngạt và cảm thấy trí óc mất sáng suốt dần dần, cuối cùng là mê man. Có lúc người ta để đèn sáng như ban ngày, lúc khác lại nằm trong bóng tối. Buồng vừa nóng vừa ẩm, đến nỗi tôi xuống nằm dưới nền, còn nấm thì mọc lên trắng cả chiếc chiếu của tôi. Lúc nằm trong tối tăm, tôi thấy có một lỗ dưới vách, ánh sáng lọt vào, tôi lết đến, kê mũi vào đó để thở. Lúc nào trời mưa, nước ở ngoài ngập, những con trùng ở ngoài bò vào, có cả giun và có lần có cả con rết dài; dù thấy vậy, nhưng tôi yếu mệt quá không làm gì được, tôi cứ để cho chúng bò quanh, ngày nào nước xuống, thì chúng lại bò ra. Sau này hai linh mục bị giam cách tôi 2 lớp cửa, đã thuật lại cho tôi biết: ‘Một hôm, cô Thanh, cấp dưỡng, đã mở cửa cho chúng con ra đứng nhìn Đức cha nằm dưới đất và bảo: hai anh nhìn thấy ông Thuận, ông sắp chết!’ Nhưng trong cơn cơ cực này, Chúa đã cứu tôi!

Ngày 15.09.2018
Lễ Ðức Mẹ Sầu Bi
Hà Minh Thảo