VATICAN, 3 Tháng Sáu 2011 (AsiaNews) - Tổng Thư Ký Thánh Bộ Truyền Giáo - Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Đại Huy vừa có những phản ứng trước lời tiên đoán về một cuộc tấn phong giám mục bất hợp thức sắp tới tại Trung Quốc.

Dưới đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn với Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Đại Huy:

Xin cho biết ý kiến về tin đồn nói rằng, vào ngày 9 Tháng Sáu sẽ có một vụ tấn phong giám mục bất hợp thức mới tại Hán Khẩu (Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc) mà không có sự ủy quyền của Đức Giáo Hoàng.

Tôi lo lắng về báo cáo này. Đức Giáo Hoàng cũng lo âu như Giáo Hội tại Trung Quốc vậy. Theo những gì tôi biết, các tín hữu tại Hán Khẩu đã phản ứng bằng cách yêu cầu chính phủ và Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CPCA) không thực hiện việc tấn phong này theo Giáo Luật quy định.

"Dường như là vị ứng viên, cha Thẩm Quốc An, cũng chống lại điều đó. Đáng buồn là hiện nay chúng tôi không biết thực sự là ngài nghĩ thế nào. Tuy nhiên, trong chỗ anh em với nhau, tôi muốn nói với cha Thẩm là 'Tôi tin anh biết chọn đường ngay. Điều duy nhất đúng là từ khước."

Một vụ tấn phong bất hợp thức sẽ nghiêm trọng như thế nào?

Giáo hội là một thân thể mà Chúa Kitô là đầu và chúng ta là các chi thể, hoàn toàn hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần. Đó là một mầu nhiệm và cũng là một bí tích thực thụ. Mọi hành vi của chi thể, như việc tấn phong giám mục bất hợp thức, là một hành vi của một chi thể Giáo Hội, là nguyên nhân gây ra sự đau đớn cho toàn bộ thân thể, giống như chia cắt chi thể ra khỏi thân thể vậy. Cuối cùng, toàn bộ thân thể bị sẹo và chảy máu.

Ngoài ra còn có hậu quả khác. Khi một vụ tấn phong trái giáo luật được thực hiện, Giáo Hội tại Trung Quốc hoặc là các bộ phận của họ sẽ xuất hiện những việc làm theo hiến chương của một Giáo hội khác, đó là một cộng đồng không muốn làm việc với Đức Thánh Cha.

Làm thế nào mà họ vẫn không biết là việc chuẩn bị để thực hiện vụ tấn phong này là hoàn toàn trái giáo luật? Theo một số báo cáo, CPCA đang lên kế hoạch cho ít nhất là mười vụ tấn phong nữa....

Tôi không thể nói đầy đủ về điều này, nhưng qua những gì chúng ta thấy, rõ ràng là các linh mục và các giám mục đang chịu áp lực. Song, tôi có ấn tượng rằng áp lực này không còn mạnh như những gì mà anh em chúng tôi đã chịu trong nhiều thập kỷ qua. Chẳng hạn như ngày nay, không còn hiểm họa lao động cải tạo, giam cầm hoặc tử vong. Ngày nay, chính phủ không làm điều đó nữa.

Tất nhiên, nếu các vị giám mục và linh mục không chịu quy phục chính phủ [Bắc Kinh], họ sẽ bị trừng phạt một cách nào đó. Ví dụ, họ có thể mất đi ngân sách dành cho giáo phận của họ, các hoạt động mục vụ hàng ngày của họ sẽ gặp trở ngại nhiều hơn, hoặc sự nghiệp của họ có thể phải chịu đựng nhiều hơn (ví dụ, họ không được bổ nhiệm vào hội đồng tư vấn của Chính phủ...). Ngoài ra, họ không được phép đi ra nước ngoài hay di chuyển trong Trung Quốc, hoặc có thể bị buộc phải trải qua các khóa giáo dục cải tạo.

Có một số ví dụ về điều này. Sau khi Đức Cha Lý Liên Quý (Li Lianghui) từ chối tham gia vào Đại hội đại biểu Công giáo hồi cuối Tháng Mười Hai, ngài bị gửi đi giáo dục cải tạo. Tuy nhiên, điều này cũng là bằng chứng cho thấy có thể nói "không" với sự quy phục. Buộc phải cô lập với các vị giám mục khác, các linh mục hoặc tín hữu có thể phải chịu một gánh nặng. Khi đối mặt với hình phạt như vậy, một số giám mục đã chống chọi tốt hơn so với những người khác đã làm. Chính phủ biết rõ về những ứng viên để đưa ra sự lựa chọn, họ lựa chọn người yếu hơn để phục tùng thỏa hiệp.

Tôi cho rằng, cũng có những kẻ cơ hội sẽ chấp nhận một sự thỏa hiệp, họ viện dẫn một số lý do, chẳng hạn như muốn Giáo Hội có các lợi ích to lớn hơn, cần có ngân sách, hoặc là do mệnh lệnh truyền giáo...Tuy nhiên, tuyên bố như vậy là sai. Một khi Giáo Hội bị phân ly khỏi viên đá tảng là Thánh Phêrô, Giáo Hội sẽ tự động trở nên suy yếu.

Trong mọi trường hợp, dù có bị bách hại đi chăng nữa thì đó cũng không phải là lý do biện minh cho sự quy phục. Quy phục chế độ là một hành động gây ra tai tiếng cho Giáo Hội và gửi đi thông điệp sai lầm cho các tín hữu. Nó làm mờ đi ký ức hào hùng của nhiều vị giám mục không chịu quy phục.

Hiện nay, các ứng viên giám mục khác nhau đã chống cự và không muốn được tấn phong mà không có sự đảm bảo phù hợp với giáo luật và đúng với sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng.

Khi nói về Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Giáo Hội Tại Trung Quốc, Đức Thánh Cha đã kêu gọi cầu nguyện cho những ai đã bị cám dỗ bởi chủ nghĩa cơ hội....

Tất cả các ứng cử viên cho chức tư tế đều là anh em của chúng ta, và chúng ta nên giúp đỡ họ và mở dạy cho họ hiểu biết vấn đề. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta khuyến khích họ đi theo con đường sai lầm. Lòng trắc ẩn cần phải đặt vào trong những thời điểm khó khăn. Bên cạnh đó, nếu thấy bạn có nghị lực, chính phủ sẽ không dám động chạm đến bạn. Nhưng nếu thấy bạn có một điểm yếu, hay một xu thế hướng tới sự thỏa hiệp, chính phủ sẽ lợi dụng bạn điều đó.

Có những ứng viên kiên vững nên từ chối không chịu thụ phong chức giám mục từ một giám mục đã bị tuyệt thông, ít nhất là cho đến khi có sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng ban ra. Đối mặt với sự kiên vững như vậy, chính phủ có thể làm gì được.

Tòa Thánh đã làm điều gì cho các ứng viên này?

Về phần chúng tôi, chúng tôi phải cứng rắng hơn trong việc đào tạo giáo sĩ trở thành các nhà lãnh đạo mạnh mẽ có thể đến các chủng viện. Thật không may, chúng tôi chỉ có thể làm được rất ít từ bên ngoài. Đồng thời, chúng ta cũng có thể thấy rằng chính phủ đang theo dõi sát sao các ứng viên của mình, đào tạo ứng viên trước khi buộc ứng viên vào cái khuôn mẫu mà họ mong muốn. Tuy nhiên, chính phủ lại không thích những kẻ cơ hội vì họ có thể thay đổi lập trường của họ. Họ được sử dụng miễn là còn có ích.

"Trong tình hình của Trung Quốc, chúng ta phải bảo cho các giám mục và linh mục là nếu họ cảm thấy không cáng đáng nổi nghĩa vụ của mình hay không thể nào kháng cự lại nổi các áp lực [của nhà nước] họ nên đơn giản là xin nghỉ các công việc mục vụ và có can đảm ngưng thừa tác vụ của mình".

Phải chăng là thiết lập một Giáo Hội độc lập hữu dụng cho chính phủ?

Chính phủ muốn để cho Giáo Hội ban các bí tích cho giáo dân Trung Quốc và người ngoại quốc đến viếng thăm nước này. Điều này nhằm tạo ra một ấn tượng về sự tự do tôn giáo, ngay cả khi nó có nhiều vấn đề trong quan điểm về giáo luật và thần học.

Trung Quốc theo một nguyên tắc, chính phủ đến trước; tôn giáo đến sau. Tuy nhiên, lại không có sự rõ ràng là tôn giáo phải phụ thuộc thế nào.

Một hệ thống tự chọn và tự tấn phong (không có sự uỷ quyền của Đức Giáo Hoàng) cuối cùng sẽ tiêu diệt Giáo Hội, nghĩa là khi ấy các tín hữu sẽ hướng về các giám mục không hiệp thông với Tòa Thánh.

Song, nghi thức do một giám mục bất hợp thức thực hiện cũng là thành sự...

Lá thư của Đức Giáo Hoàng gửi người Công giáo Trung Quốc nói: vì lợi ích của tín hữu, cho nên trong trường hợp đặc biệt, có thể đón nhận một bí tích thành sự nhưng bất hợp thức từ một giám mục bất hợp thức. Điều này đã trở thành tiêu chuẩn, nhưng tôi nghĩ là cần phải được hướng dẫn sửa đổi, tín hữu Trung Quốc và ngoại quốc không nên đón nhận bất kỳ bí tích nào từ các giám mục bất hợp thức. Nếu không phân biệt cách rõ ràng như vậy, các tín hữu sẽ không hiểu được sự khác biệt giữa các giám mục trung thành với Đức Giáo Hoàng và những người không trung thành. Đức tin của người bình dân có thể bị hủy hoại.

Bí tích được thực hiện bởi các giám mục bất hợp thức được chấp nhận trong trường hợp khẩn cấp, nhưng chúng không gia tăng sự hiệp thông của Giáo Hội. Đó là cách để khỏi chết (modus non morientis) chứ không phải là cách để sống sót (modus vivendi). Đây là một hướng dẫn để giữ cho Giáo Hội sinh tồn, nhưng nó không giúp cho Giáo Hội sinh trưởng.

Những gì tôi nói tương ứng với nhiều đề nghị từ phía Giáo Hội tại Trung Quốc, trong đó, kêu gọi Vatican làm rõ một số vấn đề và đưa ra lời hướng dẫn cụ thể hơn để cho các tín hữu và linh mục ứng biến (vis-à-vis) với các giám mục bất hợp thức.

Sau cuộc tấn phong bất hợp thức ở Thừa Đức, Tòa Thánh đã đưa ra một tuyên bố rất rõ ràng, lên án hành động này...

Có, nhưng không chỉ vậy thôi. Cần phân biệt giữa quyền Giám mục và sứ vụ mục tử. Một ai đó có thể trở thành giám mục thông qua nghi thức tấn phong, nhưng sứ vụ mục tử trên Dân Chúa phải thông qua ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng. Điều này có nghĩa là: một vị giám mục được tấn phong bất hợp thức thì không có thẩm quyền trên các tín hữu, bởi vì người đó không có ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng. Trong trường hợp ở Thừa Đức, việc tấn phong là thành sự (mặc dù trái luật), nhưng vị giám mục này không có thẩm quyền để dẫn dắt đàn chiên của mình. Điều này có nghĩa rằng ở Thừa Đức, các tín hữu không có nghĩa vụ phải tuân theo vị giám mục, người này cũng không có quyền truyền chức cho các linh mục.

Qua tất cả những khó khăn và đe dọa của việc tấn phong bất hợp thức, có dấu hiệu hy vọng nào cho Giáo Hội tại Trung Quốc không?

Nhiều linh mục và tín hữu tuân theo giáo lý Công giáo và không vâng lời giám mục bất hợp thức. Tuy nhiên, tôi không biết về lâu dài thì sẽ ra sao. Vì lý do này, việc đào tạo chủng sinh là quan trọng.

Một điều đáng chú ý hơn, đó là người Công giáo Trung Quốc nhận được nguồn linh hứng từ vị Tân Chân Phước Gioan Phaolô II, ngài đã từng nói: "Đừng sợ". Đức cố Giáo Hoàng đã nói những lời này trong những ngày khởi đầu chức vụ giáo hoàng sau khi ngài rời Ba Lan, một quốc gia mà Giáo Hội đã bị bách hại và có chút ít hy vọng thành công. Tuy nhiên, "Đừng sợ" đã có được hiệu quả. Đức Hồng Y Casaroli không thể tin rằng sự sụp đổ của chế độ cộng sản lại diễn ra trong một thời gian ngắn như thế.

Tôi nghĩ rằng, cách để loại bỏ sự nhập nhằng này là yêu cầu các giám mục đã tham gia vào các hoạt động trái với sự ủy thác của Đức Giáo Hoàng (ví dụ như thực hiện tấn phong trái luật hoặc tham gia hội đồng) phải công khai cải tà quy chánh.

Giáo Hội Hoàn Vũ có thể làm điều gì?

Chúng ta phải giúp Giáo Hội tại Trung Quốc sống đức tin và không bị uốn nắn làm xói mòn nhu cầu sống đức tin Công giáo sâu sắc cùng với mối quan hệ với Đức Giáo Hoàng. Đáng buồn thay, một kiểu thần học từ Hoa Kỳ và Âu Châu đã thâm nhập Giáo Hội Trung Quốc. Thần học này hô hào quyền tự chủ trong việc bổ nhiệm giám mục và độc lập khỏi Tòa Thánh. Có những người ở Mỹ Châu và Âu Châu đang thôi thúc các giám mục Trung Quốc hành động như vậy. Họ lập luận: "Nếu chư vị thành công thì chúng tôi sẽ làm theo".

Bạn thấy đó, cho đến bây giờ, các vấn đề "độc lập" và "tự chủ" vốn được đề cập đến mối quan hệ với chính phủ; nay nó cũng đã len lỏi đến thần học.

Đôi khi có ý kiến cho rằng Tòa Thánh bị vấn đề ngoại giao chi phối nhiều hơn là quan tâm mục vụ, nghĩa là quá mong mỏi thiết lập quan hệ ngoại giao [với Trung Quốc] mặc cho việc phải trả giá. Ví dụ, đã bao nhiêu lần Tòa Thánh yêu cầu nước này trả tự do cho các giám mục bị cầm tù?

Mỗi lần chúng tôi gặp đại diện chính phủ Trung Quốc, chúng tôi đều yêu cầu thả các người anh em của chúng tôi. Tuy nhiên, chính phủ không lắng nghe. Các vị giám mục ấy đã già nua và bệnh tật, việc trả tự do cho họ sẽ là một cử chỉ nhân đạo. Đáng buồn thay, chúng tôi không bao giờ nhận được một câu trả lời. Có lẽ, chúng ta nên ra lời kêu gọi công chúng hơn là nói chuyện với từng người trong cính phủ.

Một số người Công giáo hầm trú mong đợi án phong chân phước cho Đức Hồng Y Ignatius Cung Phần Mai (Gong Pinmei) được xúc tiến. Ngài nghĩ sao?

Có những khó khăn về thủ tục. Đó là các giáo phận Trung Quốc, tức Giáo Hội địa phương, cần thu thập tài liệu để gửi cho Thánh Bộ Phong Thánh. Nếu điều này được thực hiện, Vatican chắc chắn sẽ xem xét. Về trường hợp của Đức Hồng Y Cung, kể từ khi ngài làm Giám mục của Thượng Hải, đã có các vấn đề liên quan đến việc hòa giải giữa cộng đồng công khai và hầm trú ở Thượng Hải. Nhưng không phải là không thể. Điều này cũng áp dụng cho các vị tử đạo trong thời kỳ cộng sản, họ đã qua đời bởi những khó khăn và bách hại trong trại hoặc trong nhà tù vài thập kỷ qua. Mỗi giáo phận hãy thu thập tài liệu về các vị tử đạo, và xác định xem có nên gửi nó đến Rôma để xúc tiến một quá trình chính thức của án phong thánh hay là không. Nếu các giáo phận có thể bắt đầu quá trình này, chúng tôi rất vui mừng.